Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

SÔNG LỚN CHẢY VỀ ĐÔNG


Một bức bích họa cuối thời Đông Hán (25 – 220), minh họa sống động cảnh yến tiệc,
vũ nhạc, nhào lộn và đấu vật, từ khu lăng mộ Tá Hổ Đình ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam.


 PHẨM TAM QUỐC

      Lời mở đầu:  SÔNG LỚN CHẢY VỀ ĐÔNG

Tác giả Dịch Trung Thiên

 

Đây là thời đại có nhiều anh hùng, một giai đoạn lịch sử bộn bề khó phân, một câu chuyện vô cùng hấp dẫn, một đề mục vô cùng thú vị. Chính sử ghi chép, dã sử truyền miệng, hí kịch biên soạn, tiểu thuyết diễn nghĩa.  Mỗi thời  kỳ có sự đánh giá khác nhau, mỗi tác phẩm có sự miêu tả khác nhau. Đúng sai thật giả bàn luận sôi nổi, thành bại được mất nghi hoặc phân vân. Rốt cuộc thì diện mạo của Tam Quốc là thế nào?

 

Thông thường, nói đến Tam Quốc là nói đến giai đoạn lịch sử 90 năm kể từ thời Hán Hiến đế niên hiệu Sơ Bình năm đầu (năm 190) đến thời Tấn Vũ đế niên hiệu Thái Khang (năm 280). Gọi giai đoạn lịch sử này là Tam Quốc, ngay ở cách gọi tên cũng có biết bao vấn đề. Bởi vì Tào Phi xưng đế là năm 221 Công nguyên; Lưu Bị xưng đế là năm 221 Công nguyên; Tôn Quyền xưng đế là năm 222 Công nguyên. Đây là thời kỳ ba nước Ngụy, Thục, Ngô chính thức ra đời.

 

 

Theo lý, Tam Quốc sử phải được tính từ đây tới lúc ba nhà quy về Tấn, mới đúng là thời kỳ “Tam Quốc”. Xem ra xưa nay không hề nói như vậy. Nếu thế thì Tào Tháo, Quan Vũ, Chu Du và Lỗ Túc v.v… sẽ không thể xuất hiện. Cũng không thể nói tới chuyện: mơ xanh uống rượu, ba lần lều tranh, trận chiến Xích Bích, đại bại Mạch Thành. Mọi người nói xem thế nào?

 

 

Thực tế thì, bất kể là chính sử (như Tam quốc chí), hay tiểu thuyết (như Tam quốc diễn nghĩa) gần như đều bắt đầu từ lúc Đổng Trác làm loạn, thậm chí sớm hơn, Đó mới là thái độ cầu thị đối với lịch sử. Bởi vì ba thế lực lớn Tào, Lưu, Tôn được phát triển và trưởng thành từ lúc quan quân hỗn chiến những năm cuối thời Đông Hán; thế chân vạc Ngụy Thục Ngô về cơ bản đã hình thành từ trước lúc họ dựng nước. Cần phải đọc lịch sử với con mắt lịch sử. Không có nhân thì không có quả. Chỉ xem “danh” không xem “thực”, không tìm bắt cái thực chất, như vậy không phải là “nghiêm túc” mà là “phí sức đi vào những vấn đề không thể giải quyết”.

 

 

Vậy tình hình trong 90 năm đó là thế nào?

 

 

Cũng chỉ có hai chữ: loạn thế, nói rộng ra là, khói lửa ngút trời, chết đói đầy đường, chiến tranh liên miên, dân không còn đường sống. Hoặc mượn lời Lỗ Tấn “Trong mộng, mơ màng mẹ hiền nhòa lệ, đầu thành, biến ảo lá cờ đại vương”. Nhưng thời loạn có anh hùng. Càng trong bể dâu càng có anh hùng. Vì vậy, đây là thời đại có nhiều anh hùng, một thời đại đầy khí thế vừa anh hùng vừa lãng mạn. Không biết đã có bao nhiêu nhân vật phong lưu với lời kể xúc động về giang sơn, có bao nhiêu anh hùng cái thế thể hiện thân thủ bay bổng như gió mây, thực là “giang sơn như tranh, một thời bao hào kiệt”.

 

 

Cứ kể tên những người quen biết thôi, cũng đã thành một danh sách rất dài. Anh hùng đại lược như Tào Tháo, cúc cung tận tụy như Gia Cát Lượng, Chu Du anh võ ngời ngời, Lưu Bị kiên nhẫn vững vàng, họ đều là anh hùng thời đại, cũng đều là anh hùng dân tộc Trung Hoa, họ muốn thống nhất một đất nước từng bị chia cắt, biến loạn thế thành trị thế, mong cho xã hội yên vui, thiên hạ thái bình. Đương nhiên, ai trong số họ cũng nghĩ rằng, họ hoặc tập đoàn của họ có trách nhiệm với lịch sử, quyết không nhường cho ai. Vì vậy giữa họ có mâu thuẫn, có va chạm, có xung đột, có chiến tranh, ai nấy sát khí đằng đằng, tôi sống anh chết kết quả là “một khi công thành thì vạn tấm xương khô”, ai nấy đều cảm than, buồn vui lẫn lộn!

 

 

Có thể không còn cách giải quyết nào khác; và lịch sử, chỉ có thể tiến tới trong bi kịch, trong “hai mặt đối lập” đó. Một mặt là chiến tranh, chỉ có thể kết thúc bằng chiến tranh; mặt khác, để kết thúc chiến tranh, người dân phải chịu mọi khổ ải. Vì vậy khi ca ngợi, tán thưởng anh hùng thời đại thì đừng quên những đau khổ mà người dân phải gánh chịu.

 

 

Kết quả việc tranh giành Trung Nguyên là một nhà thâu tóm, kết quả của rồng tranh hổ đấu là thiên hạ thống nhất. Tây Tấn xuất hiện. Thực ra tình hình Tây Tấn còn tệ hại hơn, nhưng ở đây chỉ nói đến Tam Quốc. Thời gian ngắn là đặc điểm của Tam Quốc. Ba nước Ngụy, Thục, Ngô chỉ tồn tại không quá nửa thế kỷ; thêm nữa, thời kỳ “trước Tam Quốc” cũng chỉ có 90 năm. Thời gian ngắn ngủi đó, so với lịch sử dân tộc Trung Hoa, đó cũng chỉ là “trong chốc lát”. Thậm chí người ta chưa kịp nhớ lại, nghĩ lại tỉ mỉ thì trong chớp mắt gà mái đã biến thành ngan. Lịch sử thường được người thắng lợi viết thành sách, dân gian sửa lại, không tránh khỏi thấy nhân thấy trí hoặc nghe tin từ một phái. Vì vậy khi ba nước Ngụy, Thục, Ngô vừa diệt vong, người người đã bàn luận sôi nổi về những gì đã ghi chép trong sử sách, ý kiến của học giả cũng có phần khác nhau. Đã có hai cách nói khi Gia Cát Lượng xuống núi, là “ba lần lều tranh” và “vào cửa tự tiến”; hỏa chiến Xích Bích cũng có hai cách nói, Hoàng Cái trá hàng phóng lửa và Tào Tháo đốt thuyền để rút. Tam Quốc là lịch sử tinh tế, chói sáng khiến người người phải ù tai hoa mắt.

 

 

Lịch sử Tam Quốc đầy kịch tính khiến nó trở thành đề tài hướng dẫn của văn học nghệ thuật. Trong dân gian, nó cũng trở thành một đề tài người người ưa chuộng, thích thú. Người biết Lưu Bị rõ ràng nhiều hơn người biết Lưu Tú; người biết Tào Tháo vượt hơn người biết Vương Mãng. Công lao thuộc về các tác phẩm văn học nghệ thuật, nhất là Tam quốc diễn nghĩa. Sức cảm của tác phẩm văn học nghệ thuật đòi hỏi phải tưởng tượng và hư cấu. Tác phẩm văn học nghệ thuật đầy tưởng tượng và hư cấu lấy sử làm căn cứ, làm cấu tứ, làm đề tài, hư hư thực thực, nửa già nửa thật, thêm nhiều mùi vị vào đoạn sử liệu vốn phức tạp, miên man.

 

 


Nói về Chu Du

Nhắc tới vị danh tướng Giang Đông, người ta thường nghĩ ngay đến câu chuyện “Ba lần chọc tức Chu Du”, là “Đã sinh Du sao còn sinh Lượng” và “Chu Du mẹo giỏi yên thiên hạ, đã mất phu nhân lại thiệt quân” v.v… Tiếc thay, đó là tiểu thuyết, không phải lịch sử, trong sử Gia Cát Lượng chưa từng chọc tức Chu Du. Và dù có chọc tức cũng không thể chết được. Vì sao vậy? Bởi vì Chu Du tính tình mạnh mẽ, hào phóng. Tam quốc chí nói Chu Du “khoan dung độ lượng”, tính tình phóng khoáng, rộng rãi, được người cùng thời đánh giá rất cao. Lưu Bị nói Chu Du “rất độ lượng”, Tưởng Cán nói “Du là người thanh lịch”. Nhân tiện nói thêm, Tưởng Cán cũng bị oan uổng. Tưởng Cán có đến doanh trại của Chu Du, nhưng đó là sau trận chiến Xích Bích hai năm, đương nhiên không phải lừa lấy cắp thư sách gì đó. Tưởng Cán không phải mũi trắng, ngược lại còn đẹp trai. Giang Biểu truyện nói “Cán có tư thế, có tài hùng biện, khắp cả vùng Giang Hoài không ai được vậy”, xem ra đây là nhân vật khôi ngô, tài mạo song toàn.

 

 

Chu Du cũng vậy, một anh hùng cực kỳ tuấn tú. Thời đó ai ai cũng rõ Chu Du khôi ngô “tuấn tú”. Tam quốc chí nói Chu Du “mạnh mẽ, dung mạo tuyệt đẹp”, còn nói “Người Ngô còn gọi là Chu lang”. Lang, là trai trẻ. Gọi lang là có ý tán thưởng sắc đẹp. Vì vậy, “Chu lang” tức là “Chu tuấn tú”. Đồng thời, Tôn Sách cũng là “Tôn lang”, tức là “Tôn tuấn tú”. Đương nhiên, cái “tuấn tú” của một người không chỉ nói đến bề ngoài, mà quan trọng nhất là nói đến khí thế bên trong. Vừa khéo, Chu Du là người khí chất cao quý, khoan dung, độ lượng. Chu Du phẩm hạnh tốt, biết trau dồi nhân phẩm, biết đánh trận, hiểu nghệ thuật, âm nhạc lại càng tinh thông. Dù rượu đã được ba tuần, người đã lâng lâng, nhưng vẫn biết được ban nhạc diễn tấu chuẩn xác hay không. Nếu sai thì Chu Du đã quay đầu lại nhì, thời đó, người ta nói, “Khúc có sai, Chu lang nhìn”. Vì vậy, tôi ngờ rằng Chu Du chỉ huy quân đội cũng giống như chỉ huy ban nhạc, biến chiến tranh thành nghệ thuật, trận đánh thật ngoạn mục, giống như một tác phẩm nghệ thuật.

 

 

Chu Du đánh trận cũng rất đẹp. Ở trận Xích Bích, Chu Du là tổng chỉ huy tiền phương của liên quân Tôn Lưu. Trong Xích Bích hoài cổ của Tô Đông Pha nói: “nhớ lại Công Cẩn năm đó, mới cưới Tiểu Kiều, kiêu hùng anh dũng, quạt lông khăn lượt, nói đấy cười đấy mà giặc mạnh một thời đã biến thành mây khói”. Quạt lông, quạt làm bằng lông. Khăn lượt, khăn dệt bằng tơ lụa. Quạt lông khăn lượt tượng trưng cho sự nho nhã lúc đó. Quý tộc và quan viên thường đội mũ. Mũ cao, áo rộng, thắt đai, thể hiện “Hán quan uy nghi”. Nhưng vào những năm cuối thời Đông Hán, không đội mũ mà quấn khăn trở thành thời thượng của danh sĩ. Nếu thân là tướng soái mà quạt lông khăn lượt thì đấy là phong thái của nho tướng. Chẳng khó khăn gì, chúng ta có thể nhớ lại cảnh tượng lúc đó: Quân Tào bày trận ở Trường Giang, chiến thuyền san sát, quân kỳ phấp phới, người Giang Đông kinh hồn lạc phách, run sợ hãi hùng, nhưng Chu Du vẫn như không, ung dung tự tại. Chu Du đầu quấn khăn, tay cần quạt, bày mưu trong trướng, theo kế chỉ huy, cuối cùng đã khắc địch, lấy ít đánh nhiều giành lấy phần thắng. Thực là chuyện hãi hùng đáng sợ! Chu Du lúc này được coi là thiếu niên anh hùng, ý chí ngời ngời, chiếu sáng khắp nơi!

 

 

Đương nhiên, chiến tranh không phải là nghệ thuật, không thể phóng khoáng nhường ấy, nho nhã nhường ấy, phong lưu cởi mở nhường ấy, càng không thể cười cười nói nói, không thể “giặc mạnh” một thời đã “biến thành mây khói”. Chu Du lúc này, đã cưới Tiểu Kiều 10 năm rồi, không phải “vừa cưới Tiểu Kiều”. Tô Đông Pha nói vậy là muốn khắc họa rõ hình tượng anh hùng của Chu Du. Tác phẩm văn học không thể coi là lịch sử, nhưng muốn nói Chu Du là anh hùng nho nhã trong lịch sử thì đại thể là được. Chu Du mới 24 tuổi đã được Tôn Sách phong là “Kiến Uy trung lang tướng”, cử ra chiến trường lập công dựng nghiệp. Cũng trong năn ấy Tôn Sách và Chu Du cùng cưới con gái Kiều công là Đại Kiều và Tiểu Kiều về làm vợ, Tô Đông Pha gọi đó là “vừa cưới Tiểu Kiều”. Rõ ràng con người Chu Du ở bất kỳ đâu, quan trường, chiến trường hay tình trường, đều được như ý, liệu còn có ai được mọi người hâm mộ hơn thế nữa? Một người trẻ tuổi luôn được như ý thì liệu còn gì để phải ghen tị với người khác và vì ghen tị với người khác mà tức đến chết? Chúng ta cũng ghen tị với Chu Du gần tới mức ấy.

 

 

Không sai, Chu Du đã có những lúc đấu tranh công khai hoặc đấu tranh ngấm ngầm với Lưu Bị. Chu Du từng đề nghị với Tôn Quyền giam lỏng Lưu Bị, phân hóa Quan, Trương, sau này chúng ta sẽ nói tiếp. Đây hoàn toàn vì lợi ích chính trị, không vì gì khác. Hơn nữa, những người mà Chu Du nghi sợ là Lưu, Quan, Trương, không phải là Gia Cát Lượng. Thực tình lúc đó Chu Du không hề coi Gia Cát Lượng là địch thủ hàng đầu, vậy cớ gì phải ngầm hại! Ngược lại, Gia Cát Lượng, một người đức độ cao siêu lại được coi là “Ba lần chọc tức Chu Du”, được mô tả thành “kẻ tiểu nhân gian trá hiểm ác” (lời Hồ Thích), nghĩ xem, đau xót biết chừng nào!

 

 

Chúng ta thấy, lịch sử xa cách chúng ta, có lúc xa cách đến như vậy.

 

 

Thực tế, rất nhiều sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử đều có ba diện mạo, ba hình tượng. 1- Diện mạo được ghi trong chính sử, chúng ta gọi là “hình tượng lịch sử”. Các sử gia luôn chủ trương  như vậy. cần phải nói rõ hơn, “hình tượng lịch sử” chưa hẳn là “chân tướng lịch sử”. Liệu lịch sử có “chân tướng” không? Có. Có thể làm rõ không? Khó. Làm rõ chân tướng lịch sử Tam Quốc là rất khó. Bởi chúng ta không sao tìm được tài liệu nguyên thủy, không thể mời được các cổ nhân lên để hỏi, và dù có mời được thì chắc gì họ đã nói thật. Vì vậy, chỉ còn dựa vào những ghi chép trong sách sử, đương nhiên là “chính sử”. Nhưng ngay cả “chính sử” cũng có những chỗ không tin được. Tam Quốc sử thoại của ngài Tư Miễn, một đại sư sử học, nhiều lần nhắc nhở, không thể tin được hết những điều ghi chép trong Tam quốc chí, Hậu Hán thư. Huống hồ Thục Hán của Lưu Bị lại chưa có quan chép sử. Những ghi chép liên quan trong Tam quốc chí đều là những điều “mắt thấy tai nghe” cộng với “lời đồn ngoài đường ngoài chợ”. Như vậy, chỉ còn biết trông vào sự khảo chứng của các sử gia. Nhưng cách nhìn của các sử gia lại không nhất trí. Như việc Thục Hán “nước không có sử, không có quan ghi sử”, nhà sử học thời Đường Lưu Tri Cơ cho đó là lời miệt thị “sỉ nhục Gia Cát”. Rõ ràng là, càng ngày càng khó hiểu. Vì vậy, chỉ có thể coi “hình tượng lịch sử” là những điều ghi chép trong sử hoặc là hình Tượng do các sử gia chủ trương. Và cũng phải nói rõ, dù là hình tượng, nhưng không phải chỉ có một, đang có những tranh luận.

 

 

Loại diện mạo thứ hai là tác phẩm nghệ thuật, bao gồm tiểu thuyết, kịch, chúng ta gọi là “hình tượng văn học”. Đây là loại do các nhà văn chủ trương như Tam quốc diễn nghĩa và các loại Kịch Tam Quốc.

 

 

Một loại nữa là diện mạo trong lòng quần chúng, do trăm họ chủ trương, gọi chung là “hình tượng dân gian” như các loại truyền thuyết dân gian và tập tục dân gian, tín ngưỡng dân gian bao gồm cả những hình tượng trong con mắt từng người. Thực ra thì trong con mắt mỗi chúng ta đều có hình tượng một nhân vật lịch sử. Vì vậy, khi một vở kịch lịch sử ra đời, thường nghe mọi người bàn luận “giống hay không giống”. Thực tình, chưa ai nhìn thấy nhân vật lịch sử, nhưng vẫn cứ bàn “giống hay không giống”. Rõ ràng, trong tâm lý từng người đều có sẵn một cuốn “sổ”.

 

 

Để hình thành hình tượng văn học, hình tượng dân gian cần có một quá trình lịch sử. Đại thể thì càng về sau càng không dựa vào ghi chép; ý thức chủ quan, sự yêu ghét cá nhân ngày càng nhiều. Đương nhiên, sau khi có quan điểm lịch sử khoa học lại có thể bàn theo cách khác. Như ở phần trên đã nói, sự cảm nhận từ tác phẩm văn học nghệ thuật hơn hẳn từ trước tác sử học. Đầu đường cuối ngõ người người truyền tin, và không thể xem thường lực lượng này. Nhân sĩ dân gian không giống các sử gia, không cần “học hành nghiêm cẩn”, không có áp lực nào, “muốn hát thì hát”. Điều đó vốn chẳng quan trọng gì. Nhưng, như Lỗ Tấn từng nói: “Mặt đất vốn không có đường, người đi nhiều sẽ thành đường”. Cũng vậy, một loại hình tượng, nếu có nhiều người nói sẽ có thể từ “giả tượng” biến thành “chân tướng”.

 

 

Nói đến Gia Cát Lượng 


 

Con người Gia Cát Lượng, ít ra cũng từ thời Tấn đã trở thành đối tượng được nhiều người hâm mộ, mê lực tỏa ra khắp nơi, ẩn hiện như mây khói. Thời đó có người tên là Quách Xung, có thể là người tin cậy của Gia Cát Lượng, cảm thấy mọi người sùng bái Gia Cát Lượng như vậy là chưa đủ, mới đưa ra “năm việc kín của Lượng mà người đời chưa nghe”, điều thứ ba trong đó là không thành kế. Lúc chú thích Tam quốc chí, Bùi Tùng Chi đã bác bỏ cả năm việc này. Căn cứ để bỏ không thành kế là: Lúc Gia Cát Lượng đóng quân ở Dương Bình, Tư Mã Ý là đô đốc Kinh châu ở Uyển Thành, thì làm gì có khả năng xuất hiện ở chiến trường Dương Bình, làm gì có cái gọi là không thành kế?

 

 

Có điều, đây là câu chuyện rất hay, thế là Tam quốc diễn nghĩa nhắc đi nhắc lại, kịch Tam Quốc diễn đi diễn lại, cái gọi là “Thất không trảm” (mất Nhai Đình, không thành kế, chém Mã Tắc) được diễn đi diễn lại nhiều lần không chán. Nhưng câu chuyện này không có thực, cũng không hợp lô gíc. Thứ nhất, Tư Mã Ý không dám tiến công, sợ trong thành có mai phục. Vậy, phái một toán do thám, có được không? Thứ hai, Tư Mã Ý “quả có thấy Gia Cát Lượng ngồi trên thành lầu, tươi cười rạng rỡ”, khoảng cách cũng không xa lắm, vậy, nên chọn một thần xạ, bắn hạ Gia Cát Lượng xuống lầu, thực hiện “bắt giặc bắt chúa trước”, có được không? Thứ ba, theo Quách Xung khi đó Tư Mã Ý có hai mươi vạn quân, Gia Cát Lượng chỉ có một vạn; theo Tam quốc diễn nghĩa, lúc đó Tư Mã Ý có mười lăm vạn quân, Gia Cát Lượng chỉ có hai ngàn năm trăm người. Tóm lại địch đông ta ít. Vậy, vây ba ngày, vậy mà không đánh, có được không? Làm gì đến đoạn phải quay đầu lui quân? Vì vậy, Bùi Tùng Chi mới nói chắc rằng lời Quác Xung là sai. Bùi Tùng Chi nói: “Như Xung cho hay, Tuyên đế (Tư Mã Ý) cử 20 vạn quân, biết rõ Lượng quân ít lực yếu, nếu nghi có mai phục, thì tăng cường phòng bị, cớ gì phải rút chạy”.

 

 

Vì vậy, làm gì có “Không thành kế”. Những điều khác như hỏa thiêu Tân Dã, thuyền cỏ mượn tên đều là từ không mà có. Lửa cháy ở Bác Vọng là có, nhưng đó là Lưu Bị tự đốt (Tiên chủ lập phục binh, rồi đốt đồn ngụy trang, bọn Đôn đuổi tới, phục binh đã phá được), không nghe nói Gia Cát Lượng làm gì ở đây. Hỏa thiêu Xích Bích cũng có, nhưng đó là công lao và chủ ý của Hoàng Cái – bộ tướng của Chu Du, cũng không thấy Gia Cát Lượng làm gì. Mượn gió đông lại càng buồn cười. Gia Cát Lượng “Tắm gội trai giới, mình mặc đạo y, xõa tóc ngất ngưởng”, lên đàn tế gió, giả thần giả quỷ, vì vậy Lỗ Tấn cho hay: Tam quốc diễn nghĩa nói “Gia Cát Lượng nhiều mưu gần như yêu”. “Yêu” ở đây không phải yêu tinh hoặc yêu quái mà là “yêu nhân”, giống như loại ông đồng bà cốt hoặc phù thủy.

 

 

Đương nhiên Gia Cát Lượng không phải là “yêu nhân”. Không chỉ không là “yêu nhân” mà là “khôi ngô”. (Dâng biểu Gia Cát Lượng tập của Trần Thọ nói, “thân cao tám thước, dung mạo ngời ngời”. Tám thước thời Hán, tương đương với năm thước năm tấc bây giờ, cũng tức là một mét tám tư. Lúc 26 tuổi, Gia Cát Lượng bắt đầu xuống núi. Hai mươi sáu tuổi đời, cao một mét tám tư, “dung mạo ngời ngời”, hãy tưởng tượng xem đó là một hình tượng như thế nào. Ít ra cũng không phải thân mặc áo đạo, râu dài đầy mặt, còn như quạt lông, khăn lượt có thể là đúng, vì đó là thời thượng và cũng chẳng lợi lộc gì với Gia Cát Lượng. Còn như “quạt lông khăn lượt, nói cười đấy mà giặc mạnh một thời đã biến thành mây khói” là nói đến Chu Du, không phải Gia Cát Lượng. Coi như chuyện “Mượn gió đông” là có thực thì cũng là Chu Du đi “mượn” (truyền thuyết dân gian có chuyện Chu Du mượn gió đông), nếu không thì sao Đỗ Mục lại nói “Gió đông cứ phụ Chu lang, một nền Đổng Tước khóa xuân hai Kiều”?

 

 

Phải nói, công trạng chủ yếu của Gia Cát Lượng trong trận chiến Xích Bích là tác thành liên minh Tôn Lưu; cống hiến chủ yếu của Gia Cát Lượng cho Lưu Bị là sách lược chính trị liên Ngô chống Tào và chia ba thiên hạ. Thực tế thì Gia Cát Lượng là nhà chính trị, nhà ngoại giao kiệt xuất, và chưa hẳn là nhà quân sự kiệt xuất. Về quân sự thì còn phải bàn. Tài quân sự của Gia Cát Lượng cũng không huyền diệu như lời đồn của hậu thế. Trong “Lời nói đầu” Tam quốc chí tuyên chú của nhà sử học, ngài Miêu Việt nói, “Trong việc chinh nam của Gia Cát Lượng, truyền thuyết thời đó đã khuếch đại mấy chỗ, như bảy lần bắt bảy lần tha Mạnh Hoạch, là không hợp lý, còn như “Người nam hết làm phản”, cũng không đúng với sự thực. Gia Cát Lượng thường ít có những chiêu hiểm, không như tác phẩm văn học và truyền thuyết dân gian đã nói. Người thích đưa ra các chiêu hiểm là Quách Gia. Đặc điểm của Gia Cát Lượng là “cẩn thận” đúng như lời tự phê bình hoặc lời bình của các sử gia. Trần Thọ nói Gia Cát Lượng “Trị rợ là sở trường, kỳ mưu là sở đoản, lo cho dân giỏi hơn mưu lược của tướng”; đây là những lời đánh giá thực sự cầu thị. Tức là, Gia Cát Lượng là Tiêu Hà, không là Trương Lương và Hàn Tín.

 

 

Nhưng đến Tam quốc diễn nghĩa thì Gia Cát Lượng đã bằng cả ba người Tiêu Hà, Trương Lương và Hàn Tín gộp lại, không chỉ bày mưu trong trướng có thể thắng lợi ngoài ngàn dặm, mà còn thần cơ diệu toán như nhà tiên tri. Bất kỳ ai, chỉ cần làm đúng “diệu kế trong cẩm nang” thì không đánh cũng thắng, không đạp cũng đổ. Các đại tướng của Lưu Bị như Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân đều như con rối trong tay Gia Cát Lượng, hiểu cũng làm, không hiểu cũng làm. Tất nhiên, như vậy là không đúng, nhưng có nguyên nhân. Nguyên nhân gì? Chúng ta sẽ nói sau.

 

 

Câu chuyện về “Cẩm nang diệu kế” là có thực, nhưng tiếc là ở chỗ Tào Tháo. Việc được ghi chép trong Tam quốc chí- Trương Liêu truyện, vào năm Kiến An thứ XX (năm 215), sau này sẽ nói tiếp. Câu chuyện về “không thành kế” có thể cũng có. Tào Tháo, Văn Sính, Triệu Vân đã từng dùng, có điều việc còn tranh luận, sau này chúng ta sẽ nói tiếp. Nhưng không có tranh luận, mọi người không nói tới, chỉ vì dân gian không thích Tào Tháo.

 

 

Đối với Tam Quốc, dân gian cũng rất quan tâm, nhiệt tình chẳng kém gì các nhà sử học. Chúng ta đều biết, trong bốn trước tác cổ điển lớn của Trung Quốc Hồng Lâu Mộng có địa vị cao nhất trong văn học lịch sử, có câu “Lúc rỗi không nói tới Hồng Lâu Mộng thì dù có đọc hết sách vở cũng coi là uổng”. Nhưng đúng như Lỗ Tấn nói: “Người dân thích nhất vẫn là Tam Quốc và Thủy Hử”. Cũng tức là nói, Tam Quốc và Thủy Hử là hai cuốn sách mà trăm họ thích nhất. Thực tế thì ảnh hưởng lớn nhất đối với xã hội Trung Quốc không phải Hồng Lâu mà là Tam Quốc và Thủy Hử. Ví dụ nghề đồ tể đã tôn Trương Phi làm tổ sư, nghề dệt tôn Lưu Bị là tổ sư, nghề cướp bóc tôn Tống Giang làm tổ sư, và chưa nghe nói có nghề nào lại tôn các nhân vật trong Hồng Lâu Mộng như Giả Bảo Ngọc, Vương Hy Phượng làm tổ sư. Cho nên, hình tượng dân gian các nhân vật trong Tam Quốc cũng đáng được nghiên cứu.

 

 

Nói đến Quan Vũ  


Quan Vũ có những điểm khiến người ta phải sùng kính là trọng tình trọng nghĩa. Sau khi bắt được Quan Vũ, Tào Tháo “lễ đãi rất hậu”, chính Quan Vũ cũng nói “biết là Tào công đãi tôi rất hậu”, nhưng Quan Vũ quyết không phản bội Lưu Bị, cuối cùng mới chọn cách “phải ra sức báo công rồi mới đi”. Kết quả, Tào Tháo càng thêm kính trọng (Tào Tháo trọng nghĩa), để Quan Vũ trở về doanh trại địch (về với Tiên chủ bên quân Viên). Từ đây chúng ta cũng thấy, Quan Vũ cố nhiên là tình nghĩa ngút trời, Tào Tháo được coi là nghĩa khí dũng cảm, biết tôn trọng người nghĩa khí dũng cảm. Tiếc rằng người đời chỉ nghĩ đến cái “tình” của Quan Vũ mà quên mất cái “nghĩa” của Tào Tháo. Thực không công bằng.

 

 

Dân gian sùng bái Quan vũ, nhưng về tín ngưỡng tập tục thì có phần hơi lạ. Ví như người thợ cắt tóc, tôn Quan Vũ là tổ sư, thực là khó hiểu, có bao giờ Quan Vũ là thợ cắt tóc! Và thời Đông Hán làm gì có chuyện cắt tóc. Nghĩ đi nghĩ lại, có thể vì trên tay bọn họ có dao. Có điều, trong tay Quan Vũ là để chặt đầu, không phải cắt tóc. Thời nhà Thanh, trước một hiệu cắt tóc có treo một đôi câu đối: “Hỏi thiên hạ được mấy đầu lâu. Xem lão phu có bao thủ đoạn”, thực giống như khẩu khí của Quan Vũ.

 

 

Một việc nữa cũng khá là kỳ quặc, coi Quan Vũ là thần tài, Quan Vũ là tướng quân đã trải trăm trận, coi là thần chiến còn có lý, sao lại gọi là thần tài? Đương nhiên, việc này vẫn coi là được, sau này sẽ nói tiếp. Có điều tôi nghĩ, rồi một ngày nào đó Quan Vũ sẽ biến thành thần ái tình, giúp nhiều cho hôn  nhân, bởi Quan Vũ biết lựa chọn trong ái tình. Theo chú dẫn Thục ký và Hoa Dương quốc chí của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí- Quan Vũ truyện, Quan Vũ từng yêu một cô gái, nhiều lần nói với Tào Tháo để cưới nàng làm vợ. Nói nhiều lần, Tháo liền “nghi người này có sắc lạ, liền triệu đến xem trước” thì quả là sắc nước hương trời, kết quả “Tháo giữ lại cho mình”, Quan Vũ buồn rầu vô hạn (lòng Vũ không yên). Nếu chuyện này là có thực, Tào Tháo quả không biết điều.

 

 

Lúc này thì chúng ta biết, trong lịch sử Tam Quốc có ba loại hình tượng: hình tượng lịch sử, hình tượng văn học và hình tượng dân gian. Chúng ta nhìn nhận thế nào đây?

 

 

Trước hết nên làm rõ “hình tượng lịch sử”, muốn thế phải đọc chính sử như Tam quốc chí. Tam quốc chí là tác phẩm của Trần Thọ. Trần Thọ người Nam Sung, Tứ Xuyên. Sau khi Tây Tấn thống nhất được năm năm (năm 285), Tam quốc chí được hoàn thành. Trần Thọ nghiêm cẩn trong truy xét, khoảng cách thời gian lại không dài, nên tin tưởng được. Có điều, chính vì thái độ nghiêm cẩn đó, Trần Thọ đã lược bỏ khá nhiều tài liệu thời đó, nên Tam quốc chí tương đối giản lược. Thế mới có sự chú thích của Bùi Tùng Chi. Bùi Tùng Chi người huyện Văn Hỷ, Sơn Tây trông thời Lưu Tống Nam triều. chừng một trăm ba mươi năm sau khi Tam quốc chí hoàn thành, Bùi Tùng Chi mới chú thích. Bùi Tùng Chi đã bổ sung một lượng lớn tài liệu, gồm những phần Trần Thọ đã lược bỏ hoặc không thấy, có phần phân tích thêm. Không bàn tới những phần chưa thể khảo chứng, chưa thể phân tích. Rõ ràng Bùi Tùng Chi là người nghiêm túc, có thể tin tưởng vào những lời chú dẫn của ông. “Chú” của Trần Thọ và “Chí” của Bùi Tùng Chi là hai căn cứ của cái gọi là “Chính thuyết”. Đương nhiên có thể tham khảo các sách sử khác, nhưng nếu có mâu thuẫn thì “vào trước là chủ” nên dựa vào “Thọ chú Bùi chí” là tốt nhất.

 

 

Có điều, “hình tượng văn học” và “hình tượng dân gian” đều không phải là không có ý nghĩa hoặc không có lý lẽ. Trên thực tế, rất nhiều người đã coi Tam Quốc, nhất là Tam quốc diễn nghĩa là sách giáo khoa. Đúng như Tôn Lê nói, “mưu sĩ lấy sách ấy làm trí khôn, tướng soái lấy sách ấy làm binh thư”, người thống trị đời Thanh coi Tam quốc diễn nghĩa là “văn kiện nội bộ, phát cho thân thích quyền quý. Trong Quản chùy biên Tiền Chung Thư  cũng nhắc tới mấy việc người đời sau học “Không thành kế”, thậm chí cho “Không thành kế” là mẫu mực điển hình của “không lừa mà bị lừa”. Nói “Người không có quân thản nhiên cho người khác biết mình không bày quân, là không lừa dối; cho người khác biết thực tình để người khác không tin đó là sự thật, ấy là lừa dối”. Lờ phê (gọi tắt là Mao phê) của cha con Mao Tông Cương cũng rất có lý: “Chỉ có người thận trọng không làm việc táo bạo, cũng chỉ có người thận trọng mới làm được việc táo bạo… ngày thường Khổng Minh thận trọng, nên không làm việc táo bạo trong một lúc. Trọng Đạt không nghi ngờ Khổng Minh một lúc làm việc táo bạo, chính vì tin Khổng Minh hàng ngày rất thận trọng. “Có điều cách nói của Ngụy Hi càng có ý nghĩa: “Nếu hôm nay gặp sơn tặc xông vào cổng thành, ắt Khổng Minh đi rồi”. Rõ ràng, dù là hình tượng dân gian hay hình tượng văn học, thậm chí là râu ông nọ cắm cằm bà kia, ghép hoa chiết cành, từ không thành có, đều có thể cho người ta những bài học bổ ích. Một hình tượng phải có lý mới được hình thành, mới được lưu truyền. Điều mà chúng ta cần làm là nói rõ cái lý đó.

 

 

Ở đây có ba việc cần làm. 1. là “hoàn nguyên”, cho mọi người hay sự thật của lịch sử là gì? 2. là “so sánh” ba hình tượng đó khác nhau những gì? 3. là “phân tích”, phải làm rõ vì sao hình tượng lịch sử lại có thể biến thành hình tượng văn học và hình tượng dân gian. Chúng tôi hy vọng qua ba việc đó, chúng ta có thể hiểu được Tam Quốc.

 

 

Đó là việc làm chẳng dễ dàng gì.

 

 

Lịch sử có ba hình tượng thì đọc lịch sử cũng có ba cách. Đọc lịch sử trên lập trường của người xưa, Tiền Mục gọi là “ý kiến lịch sử”; đọc lịch sử trên lập trường ngày nay, Tiền Mục gọi là “ý kiến thời đại”; đọc lịch sử trên lập trường của mình, là “ý kiến cá nhân”. Bất kỳ ai nói về lịch sử đều phải nói tới ba loại ý kiến đó. Cuối cùng “Sông lớn chảy về đông, sóng trôi hết những nhân vật phong lưu của ngàn xưa”. Nhân vật và sự kiện có huy hoàng đến mấy, cũng chỉ lưu lại những ấn tượng mơ hồ, mặc cho người đời bình luận. Lời của Trương Thăng: “bao việc hưng phế của Lục triều, sẽ thành lời tiều ngư lúc nhàn rỗi”, Thực tình “thành lời tiều ngư lúc nhàn rỗi”, đâu chỉ có “việc hưng phế của Lục triều” mà bao gồm mọi chuyện trong lịch sử. Đúng là “một bình rượu nhạt vui lúc gặp mặt, xưa nay bao chuyện, đều thành lời đàm tiếu”.

 

 

Từ nay trong các tiết mục, chúng ta sẽ thêm vào vài phần đàm tiếu để bình đọc Tam Quốc. Vậy, nên bắt đầu từ đâu? Theo tôi, nên bắt đầu từ hình tượng lịch sử, hình tượng văn học, hình tượng dân gian phức tạp nhất, nhiều điểm khác nhau, được mọi người bàn luận nhiều nhất, đẻ họ đưa chúng ta vào một giai đoạn lịch sử hoành tráng mà phức tạp!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét