Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2022

Nàng tiên mê hoặc

 


Nàng tiên mê hoặc

Tán dương Củng Lợi

Chúng ta không thể không thừa nhận một sự thật này: Trong mắt của tuyệt đại đa số những người mê điện ảnh, tên tuổi của Củng Lợi và Trương Nghệ Mưu gắn liền với nhau. Nếu bài viết này tránh né chuyện ấy sẽ làm cho độc giả không bằng lòng với người viết ra nó, nhưng quan trọng hơn là, nếu né tránh chuyện này, bài viết này sẽ đánh mất phẩm chất thẳng thắn khi đối diện với cuộc đời và nghệ thuật. Ngôi sao điện ảnh và những giai thoại cũng giống như một con người với cái bóng của chính anh ta lúc nào cũng dính liền với nhau, nước ngoài đã như vậy thì Trung Quốc cũng như vậy thôi. Trung Quốc trong những năm qua cũng đã từng sản sinh ra một số ngôi sao có cuộc sống vô cùng nghiêm túc, hoàn mỹ đến độ khó tìm ra được khuyết điểm nào, nhưng hầu hết người xem đều dùng đôi mắt hoài nghi hướng về những mô phạm đạo đức này. Người xem đối diện với “ngôi sao đạo đức” thì sẽ đặt ra nghi vấn: Có thể như thế thật sao? Do vậy mà thấy, người xem cần ngôi sao điện ảnh nhưng đồng thời cũng cần những câu chuyện thêu dệt chung quanh họ để làm phong phú thêm cho những cuộc trà dư tửu hậu trong cuộc sống vốn chẳng có nhiều mùi vị này. Nếu những ngôi sao màn bạc trên toàn thế giới đều không có “chiếc bóng” của chính mình, rõ ràng cuộc sống của con người tẻ nhạt rất nhiều, và tất nhiên cũng khiến cho những tờ báo ăn theo vì mục đích kiếm tiền phải đình bản mất thôi.


Kỳ thực, hiện tượng thêu dệt và tuyên truyền những câu chuyện chung quanh các ngôi sao lâu nay vẫn ở giai đoạn cao trào, không có nhiều ý nghĩa trong việc bình xét tư cách đạo đức, chỉ là một thú vui khi mà cuộc sống đã giải quyết được chuyện ăn no mặc ấm. Một mặt, những ngôi sao sống dưới ánh sáng của những ngọn đèn cao áp nên nhất cử nhất động của họ đều khiến người ta để ý; mặt khác, quần chúng đã ăn no mặc ấm, xã hội an định, chuyện bàn luận về chuyện riêng những người chung quanh trở thành một nhu cầu, mà ngôi sao điện ảnh là người của công cộng, thoạt trông thì rất gần nhưng thực tế khoảng cách lại rất xa. Bình luận về họ dễ dàng nhận được sự đồng thuận của mọi người, lại không phải lo lắng gì về chuyện bị thù oán. Do vậy mà chuyện riêng tư của các ngôi sao vĩnh viễn vẫn là điểm nóng của một xã hội nhàn nhã. Nếu ngôi sao không có chuyện riêng tư để bàn luận, xã hội nhất định sẽ có ít nhiều chuyện phiền phức xảy ra. Ngôi sao càng đỏ thì càng được quan tâm chú ý; chuyện riêng càng lửa thì ngôi sao càng đỏ. Đây là hai phương diện của một vấn đề. Ngôi sao điện ảnh chân chính không nhất thiết phải cảm thấy phiền phức về chuyện này, càng không cần lãng phí tinh thần vào đây mà ảnh hưởng đến công việc của mình; thậm chí có thể nói khi mà những chuyện riêng tư của anh ta không còn được ai quan tâm nữa cũng có nghĩa là con đường nghệ thuật của anh ta đã đến hồi kết thúc.

Quan hệ giữa Củng Lợi và Trương Nghệ Mưu e rằng không đơn giản chỉ là chuyện gió trăng một thoáng. Người ta không hề trông chờ hai người sẽ chung thân giai ngẫu, mà họ có thành đôi thành lứa với nhau hay không chỉ có Thượng đế biết và chính họ biết. Lúc này điều mà tôi biết chỉ là: Hai người họ tay trong tay dìu nhau đi qua một quãng thời gian khó khăn của cuộc sống, và cùng nhau khám phá một con đường mới, cùng nhau trải qua những niềm vui thành công cũng như nỗi buồn thất bại. Chúng ta không có quyền tò mò về thực chất quan hệ của họ như thế nào, cũng không nhất thiết phải chúc mừng họ về chuyện gì, nhưng qua những lần gặp gỡ, rất nhiều lần tôi nghe được rằng cả hai đều tỏ ra rất tôn trọng và khâm phục tài năng của nhau, sự thân thiết thể hiện qua những lời trao đổi giữa hai người. Sự hợp tác của họ như là một định mệnh, trước tiên là Trương Nghệ Mưu với cặp mắt lão luyện và một lá gan khá to đã dám sử dụng cô sinh viên năm thứ hai của Học viện Kịch nghệ vô danh - Củng Lợi, sau đó mới đến lượt Củng Lợi một lần, hai lần, ba lần làm tăng thêm sự thành công cho những bộ phim của Trương Nghệ Mưu. Sự hợp tác giữa hai người đã cung cấp cho những người thích tò mò chuyện của người khác những đề tài hấp dẫn, đồng thời cũng cống hiến cho người xem trên toàn thế giới những thành quả lao động huy hoàng. Xét về ý nghĩa, một đạo diễn tài năng và một diễn viên kiệt xuất là vưu vật quốc gia; từ góc độ nghệ thuật mà xét, Trương Nghệ Mưu và Củng Lợi nhận được những danh dự mang tính quốc tế thì những thành quả lao động của họ là thuộc về toàn nhân loại.

Trên thế giới đã từng có một họa sĩ vĩ đại từ bỏ gia đình êm ấm ở Paris để đến một quần đảo ở Thái Bình Dương, trải qua cuộc sống nguyên thủy lạc hậu với thổ dân ở đấy và đã sáng tác được rất nhiều bức tranh vô giá cho hội họa thế giới. Hành vi của ông ta như một sự quay lưng với tiêu chuẩn đạo đức của xã hội Pháp đương thời, và đã nhận không biết bao nhiêu là lời chỉ trích. Một trăm năm đã qua, những người chỉ trích ông đều đã hóa thành tro bụi, đạo đức cũng đã biến hình, nhưng những kiệt tác của họa sĩ thì vẫn treo mãi cùng mặt trời mặt trăng.

Nếu sự hợp tác giữa một người đàn ông và một người đàn bà mà có thể sáng tạo ra những gì có lợi cho nhân loại…






1. Ngày 31 tháng 12 năm 1965, khi tiếng chuông đón chào năm mới chuẩn bị vang lên, trong một bệnh viện ở thành phố Thẩm Dương, một người phụ nữ trí thức tuổi gần bốn mươi đã sinh hạ một đứa bé gái còm nhom. Đứa bé gái ấy chính là Củng Lợi. Lúc ấy, bố và cậu Củng Lợi đang chờ đợi một cách sốt ruột ở bên ngoài phòng hộ sinh, cô hộ lý thò đầu ra khỏi cửa thông báo giới tính của đứa bé. Nét mặt của người bố biểu lộ vẻ vui mừng khôn xiết, riêng người cậu thì thở dài đánh sượt. Người bố nói với cậu của con gái mình: Xin lỗi anh, chúng ta đã có ước định từ trước!

Mặt mày hết sức tươi tỉnh, ngôi sao điện ảnh Củng Lợi nói với phóng viên:

- Tôi là một con cá lọt lưới. Mẹ tôi đã triệt sản mấy năm nhưng không hiểu vì sao lại mang thai tôi, ban đầu bà vẫn nghĩ là mình mắc chứng bệnh gì đó. Đến bác sĩ kiểm tra, bác sĩ nói: Mang thai rồi! Mẹ tôi nói: Tôi triệt sản rồi! Chuyện gì đang xảy ra? Bác sĩ nói: Có trời mới biết là chuyện gì xảy ra đối với các người. Mẹ tôi đã có ba con trai và một con gái, không muốn có thêm con nữa - nếu không như thế thì đã không triệt sản - Bác sĩ lại bảo: Dù sao thì cũng đã có thai rồi, không dễ gì bỏ được đâu, sinh thôi! Thuở ấy vấn đề sinh đẻ có kế hoạch vẫn chưa nặng nề lắm, bố và cậu tôi ước hẹn với nhau: Nếu là con trai thì nó thuộc về cậu, còn nếu sinh con gái thì bố mẹ tôi không nỡ lòng đưa cho cậu.

Bố mẹ Củng Lợi không thể tưởng tượng được rằng, đứa con gái được sinh ra ngoài dự liệu ấy hai mươi năm sau lại mang về cho họ bao nhiêu là vinh dự, đương nhiên cũng không ít phiền toái. Bởi Củng Lợi từ thuở nhỏ không hề biểu hiện những tố chất khác biệt gì với người bình thường như những thiên tài trong lịch sử nhân loại. Năm lên một tuổi, cô theo gia đình di cư đến Tế Nam. Trên vùng đất mùa hè thì nắng như đổ lửa mùa đông thì rét đến cóng người này, cô cũng giống như bao đứa trẻ bình thường khác: vào nhà trẻ - học tiểu học - học trung học, tuổi thơ cô đi qua một cách yên bình, thiếu màu sắc. Sau khi tốt nghiệp trung học, Củng Lợi không đỗ đại học nên phải qua một thời gian tìm việc. Sau một thời gian, Củng Lợi trở thành nhân viên tư liệu trong Nhà xuất bản Văn nghệ Sơn Đông, rồi tiếp tục làm cô bảo mẫu trong nhà trẻ trường Đại học Sơn Đông. Những ngày làm nhân viên tư liệu không lưu ấn tượng gì lại trong tâm hồn cô nhưng những ngày làm bảo mẫu thì cô còn nhớ rất rõ ràng. Củng Lợi dạy cho các cháu hát múa, những khuôn mặt thơ ngây và tươi tắn như hoa lúc nào cũng tồn tại trong tâm trí cô. Nửa đùa nửa thật, Củng Lợi nói: Khi tôi làm bảo mẫu, những phụ huynh của các cháu đều ngại tôi nên thường muốn lấy lòng, sợ tôi cho con cháu họ “đi giày chật”! Cô ngôi sao điện ảnh hiện đại hễ mỗi lần nói tới trẻ con là bộc lộ tình cảm rất chân thành. Cô nói, trong “Cao lương đỏ” có Đậu Quan, “Cúc Đậu” cũng có một đứa trẻ, “Chuyện của Thu Cúc” có cô em gái và cô đã có sợi dây liên lạc về tình cảm rất sâu đậm với những đứa trẻ ấy. Mẹ của đứa trẻ sắm vai Đậu Quan trong “Cao lương đỏ” đã từng hiểu nhầm Củng Lợi, nói với con trai: Cô ta (Củng Lợi) là giả, còn mẹ là thật. Cô ta chỉ diễn kịch với con, còn mẹ thì cho con ăn, giặt quần áo cho con. Còn khi nói với đứa con gái trong “Chuyện của Thu Cúc” thì đôi mắt Củng Lợi đỏ hoe, đưa bức thư mà cô bé viết cho phóng viên xem, mở miệng là “em gái tôi”, chứng tỏ Củng Lợi có chân tình thực cảm với cô bé này.


Lâm Thanh Hà và Củng Lợi


Bố mẹ Củng Lợi cũng chẳng đặt nhiều kỳ vọng vào con gái của mình nên khi Củng Lợi báo tin là đã đăng ký dự thi vào Học viện Nghệ thuật họ cũng chẳng quan tâm lắm. Củng Lợi kể lại rằng, lúc ấy mẹ cô chỉ nói: Thứ mũi thấp, mắt nhỏ miệng nhỏ như con, ngoài việc có chất giọng nghe cũng được thì còn có khả năng gì nữa nào? Bố mẹ không phát hiện ra ở con mình những điểm đặc biệt gì nên họ cũng xem chuyện Củng Lợi mấy lần thất bại cũng là chuyện bình thường.

Thất bại trong việc thi vào Học viện Kịch nghệ Quân đội và Học viện Nghệ thuật Thượng Hải, Củng Lợi gần như tuyệt vọng. Đúng lúc ấy, có một người đã tốt nghiệp Học viện Kịch nghệ Quân đội đã hướng dẫn cho cô một số kiến thức về nghệ thuật biểu diễn. Ngay sau đó Củng Lợi đăng ký dự thi vào Học viện Kịch nghệ Trung ương và lần này thì cô đã toại nguyện.

Củng Lợi kể rằng, khi cô mặc chiếc quần bò, đeo ba lô bước chân vào khu thánh địa trong mơ ước của không biết bao nhiêu nam thanh nữ tú để làm thủ tục nhập học, thì Học viện đã khai giảng được ba ngày. Lúc ấy, tất cả học sinh đều đang luyện tập trên thao trường, cô đi theo một thầy giáo ngây ngô bước chân vào thao trường. Thầy giáo nói: Các em học sinh, đây là bạn Củng Lợi từ Sơn Đông đến. Những con người cũng không kém phần may mắn ấy lặng lẽ quan sát và đánh giá cô sinh viên nhập học muộn. Vóc người Củng Lợi cao ráo nhưng gầy còm, đầu lại rất nhỏ, ngũ quan đều đặn, đôi môi dày mọng nhưng hàm răng lại chẳng chỉnh tề chút nào, nghe đâu lại có cả một chiếc răng hổ rất to nằm ở vị trí dễ thấy nhất (chiếc răng này đã bị nhổ). Đúng là Củng Lợi không phải là một mỹ nhân da trắng như tuyết tóc đen như mun, cũng chẳng mày thanh mắt tú gì cả. Toàn thân cô toát nên vẻ dân dã quê mùa nhưng cũng có vẻ gì đó hung bạo hoang dã, nhìn cô dễ liên tưởng đến một loại động vật ăn thịt nguyên thủy nhỏ lông xù, răng trắng và nhọn, miệng mồm nhanh nhạy, đương nhiên đôi mắt đen thường phát xuất những cái nhìn cảnh giác, khiến tất cả các bạn cùng học cảm thấy hiếu kỳ vô cùng.

Kẻ viết bài này cũng đã từng lăn lộn trong một vài lớp học nghệ thuật nên cũng biết đôi điều về những quan hệ rất khó nói một cách rõ ràng, nhưng đích xác là có chút đố kỵ trong những lớp học này. Tôi cũng đã từng đố kỵ người khác, người khác cũng đã từng đố kỵ tôi. Nhưng riêng Củng Lợi thì bảo quan hệ giữa cô ấy với bạn học là rất tốt, quá khứ đã tốt và hiện tại càng tốt hơn. Một con người gặt hái những thành công huy hoàng trong sự nghiệp dễ dàng nhìn ra những ưu điểm của đồng nghiệp, thậm chí cô còn thể hiện sự đồng tình sâu sắc đối với những người bạn không mấy thành công của mình, muốn dùng tay mình mà kéo họ theo, chỉ cần có cơ hội chắc chắn là cô sẽ kéo họ theo thôi.

Hai năm học ở Học viện Kịch nghệ Trung ương, Củng Lợi đã thể hiện được khả năng tiềm ẩn của mình. Cô là người đầu tiên của lớp học được chọn lựa cho một vai diễn trong một bộ phim truyền hình, khi cô cùng đoàn làm phim đến nơi quay phim thì Trương Nghệ Mưu - lúc bấy giờ đã nổi danh với những bộ phim mang tính tiên phong như “Đất màu vàng”, “Mộ người và tám người” - lại đưa mấy người nữa đến Học viện Kịch nghệ Trung ương để tìm diễn viên chính cho bộ phim “Cao lương đỏ”. Lúc ấy, Củng Lợi đang ở Giang Nam chơi đùa với những chú ngựa non trên đồng cỏ, không biết tí gì về vận may đang chờ mình ở trường.




Những giai thoại về Trương Nghệ Mưu tuyển chọn Củng Lợi nhiều không thể kể hết được. Một trong những câu chuyện có sức nặng nhất là, đầu tiên Trương Nghệ Mưu đã chọn được một bạn học của Củng Lợi, cô này sau này cũng thành công tương đối trên phim trường nhưng trong lòng Trương Nghệ Mưu vẫn cảm thấy thiếu thiếu cái gì đó. Đúng lúc ấy thì Củng Lợi quay về. Cái cốt cách tự nhiên, lúc thì như một con thú nhỏ nhe nanh múa vuốt, lúc thì như một chú chim nhỏ xù lông nhắm mắt của Củng Lợi đã đánh gục Trương Nghệ Mưu ngay tức khắc. Nhưng cô gái lọt vào mắt Trương Nghệ Mưu trước khi Củng Lợi xuất hiện so ra cũng chẳng kém cạnh gì, bên tám lạng người nửa cân khiến Trương Nghệ Mưu phân vân do dự, cuối cùng thì chỉ biết dùng trò chơi may rủi là tung đồng xu, căn cứ mặt phải hay mặt trái của đồng xu khi nằm yên trên đất để quyết định cho một sự chọn lựa muôn vàn khó khăn. Cuối cùng thì Củng Lợi đã gặp may.

Câu chuyện này có đáng tin hay không thực ra cũng chẳng quan hệ gì đến dụng ý của tôi khi viết bài này. Điều tôi muốn nói là, tính ngẫu nhiên của chuyện này cũng giống như vô số những chuyện ngẫu nhiên khác đã làm thay đổi bộ mặt thế giới, một khi rơi vào ai đó lại biến thành vận mệnh của chính người ấy. Tính ngẫu nhiên trên một ý nghĩa nào đó đã đả phá những thường quy, nếu tất cả đều thuận tùng quy luật chuẩn tắc thì trong đời sống tình cảm vốn mênh mông hơn cả đại dương của con người e chẳng còn chỗ cho Thượng đế nữa. Sự bắt đầu của Củng Lợi chính là sản phẩm của tính ngẫu nhiên; tính ngẫu nhiên đã chiếu cố cho cô. Đương nhiên, tính tất nhiên mới là yếu tố quyết định sự thành công của cô trong hiện tại. Không biết vị bác sĩ năm ấy đã khuyên bà mẹ Củng Lợi hãy sinh đứa con gái này ra đã từng nói điều này không: Đứa bé này của bà sẽ vang danh thiên hạ?



Củng Lợi, Mạc Ngôn, Khương Văn, Trương Nghệ Mưu khi làm phim Cao lương đỏ

2. Trong một ngày hè nóng bức năm 1978, một đám đàn ông đầu trọc, lưng trần, eo lưng thắt những chiếc ống điếu lê những bước chân nặng nhọc trên con đường chính của vùng Đông Bắc Cao Mật. Không gian đã bị bụi đất và những tia nắng mặt trời như thiêu như đốt hành hạ nên nhuốm một mùi tử khí nặng nề. Dáng vẻ nhếch nhác và những kiểu cách trông có vẻ rất phóng túng của đoàn người đã khiến những người dân Đông Bắc Cao Mật chú ý, và thấp thoáng đâu đó có những tia nhìn bất mãn. Té ra diễn viên điện ảnh là như vậy đấy! Những gì bí mật và sùng bái đối với giới điện ảnh bốc thành mây khói trong lòng người Đông Bắc Cao Mật. Nhưng lúc ấy, chỉ có Củng Lợi - cô gái vừa rời khỏi lều tranh - là còn để lại ấn tượng tương đối sâu đậm cho dân làng. Củng Lợi thường gánh hai thùng nước chạy lui chạy tới trong sân của nhà khách huyện, trên người chẳng có trang sức nào cho ra hồn, gương mặt lúc nào cũng tỏ ra đăm chiêu suy nghĩ. Lần đầu tiên tôi trông thấy bộ dạng Củng Lợi như vậy, trong lòng không khỏi có những mối nghi ngờ. Nói thật lòng, Củng Lợi và hình tượng “bà tôi” trong mắt tôi là cách nhau một trời một vực. Trong mắt tôi, “bà tôi” là một viên ngọc long lanh, là một đóa hồng tươi tắn nhưng đầy gai, còn Củng Lợi chỉ là một cô học sinh mới chập chững những bước đầu tiên đến với đời - thực tế thì cô đúng là một nữ sinh. Do vậy mà tôi nghi ngờ đôi mắt nhìn người của Trương Nghệ Mưu, do vậy mà tôi nghĩ là bộ phim này sẽ tan tành dưới tay Củng Lợi mà thôi. Cho dù tôi không tin tưởng vào Củng Lợi nhưng tôi vẫn tích cực giúp đoàn làm phim một số việc. Tôi tìm được lãnh đạo Huyện ủy, tranh thủ tìm cho đoàn được năm tấn phân để giúp cho cánh đồng cao lương lớn nhanh. Tôi còn phóng xe đến nhà bí thư chi bộ thôn, thổi phồng trình độ của đoàn làm phim từ đạo diễn, biên kịch, quay phim cho đến diễn viên; quảng cáo ý nghĩa vô cùng to lớn của bộ phim, nếu được quay xong thì chắc chắn sẽ giành giải thưởng quốc tế… với hy vọng là ông ta sẽ hô hào nông dân chăm sóc cho cánh đồng cao lương. Bí thư chi bộ nói “Quan trọng nhất là có mưa, bằng không bón phân cũng chẳng được gì!”. Đúng là đoàn làm phim gặp vận may, một trận mưa lớn đổ xuống, cao lương điên cuồng sinh trưởng. Ngày bắt đầu bấm máy, người đến xem đông như kiến, so với chợ phiên còn náo nhiệt hơn nhiều. Tôi ôm con gái đứng xem một lúc rồi về nhà.

Cuối năm 1978, một trong những biên kịch của “Cao lương đỏ” là Chu Vĩ gọi điện mời tôi đến xem phim. Tôi đạp xe đến Trung tâm Tư liệu Điện ảnh Tiểu Tây Thiên. Vừa đặt chân lên những bậc tam cấp tôi đã đụng phải Củng Lợi - đội mũ nhung, mặc áo lông, chân mang đôi giày cao cổ theo kiểu những cô gái du mục. Cô ấy nhiệt tình chào hỏi tôi nhưng rồi biến mất rất nhanh chẳng khác một vì sao xẹt. So với hồi mùa hè, Củng Lợi có vẻ trắng và mập ra nhiều, toàn thân cũng toát lên khí vị của thanh niên đô thị hiện đại, những nét đăm chiêu lo lắng ngày nào không còn trên mặt nữa. Tôi nghĩ, điều gì đã khiến Củng Lợi thay đổi nhanh đến như vậy?

Hai tiếng đồng hồ sau, tôi mang theo nỗi trầm tư về kết cục của bộ phim và những tiếng phèng la khiến người ta phải rùng mình bước chân ra khỏi cổng lớn của Trung tâm Tư liệu. Đúng là lúc ấy tôi đã có dự cảm rằng, “Cao lương đỏ” sẽ trở thành tâm điểm của đời sống điện ảnh hiện đại, nhưng thực tế là mọi việc lại diễn ra vượt quá sức tưởng tượng của tôi: Theo sau sự kiện “Cao lương đỏ” nhận được giải thưởng Tây Berlin, “Em gái can đảm đi về phía trước” cũng khiến dư luận như sóng biển trào lên khắp trong nam ngoài bắc, đến nay vẫn chưa hoàn toàn bình yên trở lại.

Ngay trong đêm xem xong “Cao lương đỏ”, tôi nhận lời đặt hàng của tạp chí “Điện ảnh Đại Tây Bắc”, thức suốt đêm viết một bài dài đến tám nghìn chữ. Còn nhớ, trong bài viết này tôi đã dùng một mục để phân tích những vai diễn của diễn viên, trong đó không ngần ngại dùng những từ rất kêu rất đẹp, đáng tiếc là bài viết này tôi không thể tìm lại được, nếu không sẽ trích ra đây vài câu. Thế cũng hay, lúc ấy tôi bị kích động bởi những gì mà bộ phim mang lại nên tôi chẳng ngần ngại gì khi dùng những từ rất kêu rất sáo, những suy nghĩ bình tĩnh hầu như là rất ít. Việc đã qua mấy năm, tất cả đã thành mây bay ngang mắt, quay đầu lại để nghĩ một tí về Củng Lợi và “Cao lương đỏ” chắc là sẽ khách quan hơn.

Không nghi ngờ gì nữa, “Cao lương đỏ” là một bộ phim thể hiện một phong cách mới. Cái cảm giác mới mẻ khiến nhiệt huyết của người xem như muốn trào lên là kết quả của tập thể đoàn làm phim. Củng Lợi dựa vào tư chất và sự mẫn cảm của mình đã thể hiện trọn vẹn hình tượng “bà tôi”. Cô đã thể hiện một cách tự nhiên và chuẩn xác một hình tượng đầy sắc thái lãng mạn. Để thể hiện được hình tượng một con người sống trước mình đến ba mươi năm, cô sinh viên năm thứ hai chắc chắn đã trăn trở không ít để hoàn thành vai diễn.

Diderot Denis đã từng nói trong cuốn “Nghịch lý về một diễn viên” rằng, một diễn viên xuất sắc gặp phải bạn diễn là một người bình thường, anh ta đành phải vất bỏ những kỹ thuật diễn xuất tuyệt vời của mình để cố gắng bằng vai phải lứa với bạn diễn, do vậy mà anh ta không nhất thiết phải nghiền ngẫm tìm tòi và phán đoán chính xác. Trong lúc hai người cùng nhau tản bộ hoặc đang ngồi quanh lò sưởi bàn chuyện phiếm cũng có thể có tình hình này xảy ra một cách bản năng: Giọng nói của người này sẽ khiến người kia hạ thấp giọng xuống, nếu anh không hy vọng gì có sự phối hợp của người kia thì những kỹ thuật của anh chẳng còn mảnh đất dụng võ nào đâu.

Tôi hoàn toàn ủng hộ những kiến giải thâm thúy của Diderot, do vậy mà tôi càng cho rằng, cô gái vừa rời khỏi lều tranh Củng Lợi bước chân vào phim trường mà gặp được Khương Văn là một đại hạnh của cô. Đương nhiên nếu không có sự thông minh mẫn tiệp, nếu không có sự thích ứng rất nhanh với Khương Văn của Củng Lợi thì Khương Văn đành phải dẹp bỏ những kinh nghiệm và kỹ thuật diễn xuất của mình để ngang bằng với bạn diễn. Nếu như vậy thì Củng Lợi đã chết từ sớm mà “Cao lương đỏ” cũng chẳng ra hồn gì.



Điện ảnh là một loại hình nghệ thuật không bao giờ được tự bằng lòng. Cách đây không lâu, Củng Lợi nói với phóng viên: Nếu để cho tôi diễn lại “Cao lương đỏ”, tôi khẳng định sẽ diễn hay hơn lúc ấy. Ngày ấy, tôi không có cách gì để thể nghiệm được những trạng thái tâm lý phức tạp của người phụ nữ phản nghịch ấy, do vậy tôi chỉ có thể dựa vào hình thể và những biểu hiện bên ngoài mà không thể dùng cảm tình để diễn xuất.

Do vậy mà trong “Cao lương đỏ”, “bà tôi” mới có “nụ cười rạng rỡ” trông rất chướng dành cho tay đại thổ phỉ tư lệnh Từ Chiếm Ngao; do vậy mà Củng Lợi biểu diễn không được tự tin lắm khi “bà tôi” tiếp quản lò nấu rượu. Tuy sự chuyển hoán từ một cô gái thành một người quản lý lò nấu rượu đầy quyết đoán chưa thực sự hợp lý, nhưng tôi tin rằng Củng Lợi của ngày hôm nay có thể dễ dàng phá bỏ sự bất hợp lý ấy.

Trong lịch sử điện ảnh thường xuất hiện hiện tượng này: Sự thành công của một bộ phim có khi không hoàn toàn dựa vào những biểu hiện đột xuất của diễn viên - đương nhiên chuyện một bộ phim thành công là nhờ vào diễn viên không phải là không có - mà thường là dựa vào chủ đề của phim nhằm vào việc tuyên dương hoặc phê phán một vấn đề nào đó có ý nghĩa xã hội, biểu lộ một khía cạnh nào đó về bản chất con người khiến người xem đồng tình hoặc từ đó ngộ ra điều gì về nhân sinh. Về cơ bản, “Cao lương đỏ” thuộc vào loại phim này. Nó không hề là một bộ phim “biểu hiện những vết sẹo của người Trung Quốc” như một số nhà phê bình đã lên tiếng mà là nhằm tuyên dương sức sống mãnh liệt bất khuất của dân tộc Trung Hoa. Củng Lợi và Khương Văn giương cao ngọn cờ phê phán phong kiến và đề cao nhân tính. Khi Củng Lợi thay mặt cho “bà tôi” nằm ngước mặt lên trời trên chiếc giường do “ông tôi” dùng kiếm đắp nên, sự thần thánh và sự trang nghiêm đã xuất hiện. Lúc ấy, quan hệ tính dục đã có ý nghĩa hiến tế linh hồn mang tính tôn giáo. Đương nhiên, ý nghĩa cao quý này không phải bất cứ nhà phê bình nào cũng có thể cảm thụ được.

3. Sau “Cao lương đỏ”, Củng Lợi tiếp tục tham gia với tư cách là diễn viên chính trong bộ phim có tính thương nghiệp “Báo châu Mỹ hành động” cũng do Trương Nghệ Mưu đạo diễn. Bộ phim này ra đời từ mục đích kiếm tiền - nhưng hình như chẳng kiếm được tiền - lại còn bị phê bình rất dữ dội. Sau này, mỗi khi nhắc đến bộ phim này, Trương Nghệ Mưu và Củng Lợi đều cười trừ. Không lâu sau đó, Củng Lợi lại tham gia bộ phim “Lưỡng cung hoàng thái hậu” của đạo diễn Hongkong Lý Hàn Tường, diễn cũng bình bình thường thường, chỉ là dựa vào dư âm của giải thưởng Gấu vàng nên người xem mới dành cho cô và bộ phim cái nhìn tương đối đặc biệt.

Tiếp sau đó, cô và Trương Nghệ Mưu cùng nhau diễn trong phim “Tượng đời Tần”. Đây là bộ phim quán thông lịch sử ba nghìn năm, những người làm phim đều xem đây là một phi vụ làm ăn lớn nên phối cảnh phim cực kỳ hùng tráng, chỉ có điều do cốt truyện cũng bình thường, vả lại khoảng cách giữa truyện phim và người xem phim quá lớn nên có thể xem đây lại là một thất bại. Trong bộ phim này, Củng Lợi diễn không hay không tệ, cho dù cô cũng đang mang lại ít nhiều hào quang cho bộ phim nhưng hào quang này không đến từ những kỹ năng diễn xuất mà đến từ chỗ cô và Trương Nghệ Mưu liên thủ một vài hành động có tính chất khiêu chiến. Tôi đã xem một cuốn băng ghi hình do một người Hongkong tên là Cam Quốc Lương nắm giữ, từ trong cuốn băng ghi hình ấy có thể hiểu được những chuyện bên ngoài bộ phim. Tôi xem đến chỗ Trương Nghệ Mưu bị xe hơi đụng phải chân, Cam Quốc Lương lén quay đôi mắt của Củng Lợi lúc ấy, đôi mắt thất thần, lo lắng, buồn bực. Cũng trong cuộn băng này, Củng Lợi bảo là cô ấy thích rắn; thích màu đỏ, màu đen và màu trắng. Không lâu trước đây, Củng Lợi lại nói là cô ấy rất yêu thiên nga. Nếu nói rằng tôi có chút sợ hãi khi nghe cô ấy nói là rất thích rắn, thế thì khi nghe cô ấy nói là yêu thiên nga, tôi cảm thấy sự thay đổi ở người đàn bà thích rắn này là dễ lý giải vô cùng. Rắn là sự mềm mại, có cảm giác như nước chảy; còn thiên nga thì ngước chiếc cổ dài như rắn bơi lội trong nước chảy. Một nữ diễn viên giỏi nên có sự mềm mại linh hoạt của loài rắn và sự cao ngạo nhàn nhã của loài thiên nga. Nói gọn một câu, cô ấy cần phải phức tạp, phức tạp chính là trưởng thành. Dựa vào ý thức này, tôi cảm nhận được những ngày làm phim “Tượng đời Tần” của Củng Lợi là rất gian nan. Trương Nghệ Mưu bất hạnh bị thương khiến Củng Lợi thống khổ ngộ ra một điều: Con người không thể làm chủ rất nhiều chuyện trên cuộc đời này. Trên cuộc đời này không làm dùi sắt thì làm chùy sắt, sinh mệnh là đoản tạm còn nghệ thuật là vĩnh hằng.

4. Sau những chuyện mà tôi đã kể trên, Củng Lợi đã tích lũy được trải nghiệm thống khổ và sâu sắc về quan hệ nam nữ - một vấn đề xưa như trái đất nhưng vẫn luôn luôn mới để bước vào giai đoạn hai trong cuộc đời làm nghệ thuật của cô. Từ “Cúc Đậu” đến “Đèn lồng đỏ treo cao”, con đường nghệ thuật của cô vẫn gắn liền với Trương Nghệ Mưu.


Từ “Cao lương đỏ” đến “Cúc Đậu”, nói là phong cách nghệ thuật của Trương Nghệ Mưu đã có sự thay đổi, không bằng nói là thái độ đối với cuộc sống của anh đã thay đổi. “Cao lương đỏ” của Trương Nghệ Mưu thấm đẫm tinh thần vui vẻ hoan lạc, thô ráp, hoang dã, cuồng nhiệt, trong sáng; những nhân vật trong phim dũng cảm hành động, dũng cảm cảm thụ thế giới, có một ý thức cải tạo thế giới hừng hực và bồng bột, có một sức sống không thể hủy diệt. Nói cách khác, “Cao lương đỏ” thể hiện một cuộc sống hoan lạc đến điên cuồng, vượt ra khỏi những thường quy, trái với những chuẩn mực đạo đức. Quan trọng nhất là, những điều trái với những chuẩn mực đạo đức ấy lại rất thành công khi sáng lập nên một chuẩn tắc mới cho cuộc sống, còn những trật tự và chuẩn tắc cũ như một con bệnh hủi đã bị giết chết và dìm xác xuống đáy đầm lầy. Khoảng cách giữa “Cao lương đỏ” và “Cúc Đậu” là hai năm, nhưng những thay đổi của chúng đã khiến người ta phải trố mắt: “Cúc Đậu” tuy vẫn có chút ý vị của “Cao lương đỏ” nhưng sắc thái hoan lạc điên cuồng đã hoàn toàn biến mất mà thay vào đó là những nỗi tuyệt vọng và sự sợ hãi đối với vấn đề giới tính. Trong “Cúc Đậu”, Trương Nghệ Mưu đã cường điệu hóa quan niệm về số mệnh trong nguyên tác của Lưu Hằng. Kiểu cường điệu này như muốn cảnh báo: Đối diện với vận mệnh, bất kỳ sự giãy giụa nào rồi cũng đến hồi hủy diệt và cáo chung.

Những thay đổi sâu sắc trong chủ đề phim của Trương Nghệ Mưu có những nội dung xã hội sâu sắc mà tôi không thể phân tích được. Tôi chỉ muốn nói là: Những thay đổi của Trương Nghệ Mưu khiến Củng Lợi phải một phen lao tâm khổ tứ. Cửu Nhi trong “Cao lương đỏ” và Cúc Đậu trong “Cúc Đậu” đều có tính cách phản nghịch nhưng tâm lý của họ lại không hoàn toàn giống nhau. Nếu nói rằng Củng Lợi đã dùng hình thể và nghệ thuật diễn xuất để diễn thành công vai Cửu Nhi, thế thì đối mặt với hình tượng Cúc Đậu đầy phức tạp, những kinh nghiệm ở trên là không đủ. Cửu Nhi chỉ là một con thiên nga, Cúc Đậu lại là một con rắn. Đóng vai rắn khó hơn nhiều. Vai Cúc Đậu cần phải có một người đàn bà có những trải nghiệm trong xã hội hắc ám nhưng không phải ai cũng có những trải nghiệm đáng sợ nhiều như Cúc Đậu. Điều này cần phải có một thiên tài trong sáng tạo mới có thể tự mình trải nghiệm một cuộc sống, mà không có cách nào để trải nghiệm thực tế được.

Mang trong lòng không biết bao nhiêu câu hỏi, tôi tìm Củng Lợi để hỏi cô dựa vào cái gì để lý giải nội tâm vô cùng phong phú và phức tạp của Cúc Đậu. Củng Lợi bảo rằng, cô không biết, nhưng cô lại có thể biểu hiện được. Và Củng Lợi đã thể hiện được nỗi đau khổ và mỏi mệt về nhục thể của Cúc Đậu sau khi bị Dương Kim Sơn hành hạ; Củng Lợi đã diễn rất xuất sắc những khát vọng thầm kín của Cúc Đậu đối với sức trẻ của Dương Thiên Thanh cũng như nỗi sợ hãi của Cúc Đậu đối với luân thường đạo lý; Củng Lợi đã biểu hiện một cách thành công kiểu khiêu khích và quyến rũ của Cúc Đậu đối với người cháu này trên cơ sở những cừu hận đối với Dương Kim Sơn và một tâm thế điên cuồng muốn tung hê tất cả; Củng Lợi đã diễn xuất rất đạt đoạn Cúc Đậu lần đầu tiên chìm trong những cảm xúc nhục dục đê mê vừa hoan lạc vừa đau đớn; Củng Lợi đã rất thành công khi thể hiện một tâm lý hoan lạc một cách tà ác có pha chút khinh miệt của Cúc Đậu đối với Dương Kim Sơn khi trong bụng đang mang giọt máu của Dương Thiên Thanh; Củng Lợi đã rất nhập vai khi thể hiện sự thù hận của Cúc Đậu đối với âm mưu giết con của Dương Kim Sơn; Củng Lợi đã diễn rất xuất thần nỗi sợ hãi của Cúc Đậu đứng trước linh sàng Dương Kim Sơn nghĩ về tương lai; Củng Lợi đã tinh tế vô cùng khi biểu hiện nỗi lo lắng sợ hãi của Cúc Đậu khi nhìn thấy con mỗi ngày mỗi lớn cũng như nỗi lo về mệnh vận của chính mình…

Nếu nói rằng mệnh vận của Củng Lợi quá đỏ, thế thì, từ khi Củng Lợi đi ra từ ngọn lửa phừng phừng nuốt phăng Cúc Đậu, chúng ta đã thực sự đối diện với một thiên tài nghệ thuật.


5. Trong bộ phim “Đèn lồng đỏ treo cao” vốn chuyển thể từ tiểu thuyết “Thê thiếp thành quần” của Tô Đồng, Củng Lợi thủ vai bà Tứ - một học sinh xuất thân. Tính mới mẻ của chủ đề bộ phim này rõ ràng là rất đột xuất trong hàng ngũ những nhà đạo diễn thế hệ thứ năm, nó trực tiếp phê phán chế độ phu quyền phong kiến, kêu gào giải phóng phụ nữ, tố cáo xã hội cũ chà đạp lên mệnh vận của người phụ nữ. Bộ phim này cũng thể hiện lòng yêu thích đặc thù của Trương Nghệ Mưu: Anh thích tìm ý nghĩa tượng trưng trong những chỗ không có tượng trưng. Trước tiên là có cây cao lương, sau đó là có phường nhuộm. Do ý đồ sáng tác quá rõ ràng cho nên bộ phim đã bộc lộ một vài chỗ hơi khiên cưỡng và có tính nhân vi, không được tự nhiên lắm. Xem lướt qua có cảm nhận bộ phim rất tuyệt vời, dùng lý trí xem kỹ vài lần cũng có thể phát hiện vài chỗ chưa vừa ý, nhưng cho dù là thế, “Đèn lồng đỏ treo cao” vẫn cứ là một bộ phim có những ý tưởng kỳ diệu, thiếu chút nữa là giật giải Osca có thể chứng minh điều này.

So sánh về mặt ý nghĩa, “Đèn lồng đỏ treo cao” có thể đơn giản hơn so với “Cúc Đậu”, so về tính cách, bà Tứ đơn thuần hơn so với Cúc Đậu. Đây chỉ là câu chuyện cũ rích: Mấy bà thiếp tranh nhau, liên kết đấu đá nhau, kết cục là có người chết người điên, cuối cùng là có một bà thiếp mới đến thay thế cho bọn họ. Viết về chuyện thê thiếp tranh giành nhau, tiểu thuyết “Kim Bình Mai” đã từng là một tuyệt phẩm, chẳng ai dám nghĩ là sẽ tìm được những gì mới trong chuyện này, cũng chẳng ai dám nghĩ sẽ sáng tạo được một hình tượng Phan Kim Liên đa đoan thứ hai trong văn học nữa. Cống hiến của Tô Đồng là truyện được viết ra bởi một giọng văn mượt mà tú lệ và một phương thức tự sự vô cùng ung dung nhàn tản; cống hiến của Trương Nghệ Mưu trong phim là anh đã cấu tứ nên những cảnh phim đầy tính tượng trưng trong cuộc sống thường nhật; cống hiến của Củng Lợi là cô đã dựa vào kỹ năng biểu diễn đã chín muồi và những cảm thụ mẫn tiệp để thực hiện những ý đồ nghệ thuật của Trương Nghệ Mưu.

Nói tóm lại, những sáng tạo của Củng Lợi trong “Đèn lồng đỏ treo cao” chính là cô đã dùng một kiểu diễn xuất tương đồng về mặt trình độ với “Cúc Đậu” để thể hiện vai diễn, không thua kém và cũng không vượt lên. Đương nhiên, không phải dễ dàng gì để làm được điều này.


6. Chúng ta đang chờ đợi “Chuyện kể về Thu Cúc”, cũng là một bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết. Nghe Trương Nghệ Mưu nói, lần này anh cũng thay đổi phong cách một cách triệt để, không có dựng cảnh cũng không có tượng trưng, hầu như mọi cảnh đều quay lén, quay tự nhiên, do vậy mà sau khi hoàn thành, bộ phim sẽ có phong cách ghi chép người thực cảnh thực. Chuyện phim kể về một người phụ nữ nông dân dẫn em gái vào thành phố để đưa cáo trạng. Trong phim, Củng Lợi sẽ ăn mặc rách rưới, học được một vài câu phương ngôn chính gốc Thiểm Tây, chen chúc trong rừng người đi hỏi giá từng sạp hàng khiến cho những người chủ quầy hàng nổi giận. Từ đó mà suy, nhất định Củng Lợi sẽ thủ vai rất thành công, nhất định sẽ khiến Thu Cúc rất khác với những nhân vật mà cô đã diễn.

7. Lúc này Củng Lợi đang đỏ rực ở nửa bầu trời. Báo “Thanh niên Bắc Kinh” đã từng giật những hàng chữ to như quả hạnh: Đài Loan, Hongkong tuyệt mỹ nhưng khó lòng thắng nổi Củng Lợi! Nhất cố khuynh Hongkong, tái cố khuynh Nhật Bản! Lúc này Củng Lợi bận rộn lắm. Vừa diễn xong “Chuyện của Thu Cúc”, Củng Lợi đã đầu quân cho Trần Khải Ca trong phim “Hạng Vũ biệt Cơ”, đến Mỹ để nhận giải Osca, lại nhận lời với một đạo diễn sắm vai Giang Thanh… Lúc này giá trị Củng Lợi tăng lên hàng trăm lần, là diễn viên mà các nhà đạo diễn danh tiếng săn đón chữ ký với những món tiền khổng lồ. Lúc này Củng Lợi vẫn đương chức ở Kịch viện Trung ương, “cướp” một căn phòng làm nơi trú thân khi về Bắc Kinh. Lúc này Củng Lợi vẫn thích mặc quần bò. Củng Lợi luôn miệng nói ước gì cô được ngủ một vài ngày mà không bị ai quấy rầy. Lúc này Củng Lợi nói, khi có người hỏi cô về quan hệ với Trương Nghệ Mưu, cô sẽ nói: Kết hôn từ sớm rồi, anh đúng là đồ hũ nút! Lúc này Củng Lợi tràn trề tự tin nhưng vẫn cười rất tươi khi nghe kẻ bàng môn tả đạo như tôi bình điểm về những vai diễn của cô. Tôi nói: Củng Lợi, cô cần phải diễn một thanh niên hai ba mươi tuổi nhưng trí tuệ chỉ như đứa trẻ lên ba; lúc này Củng Lợi cười nói: Thế không phải là kẻ ngốc nghếch hay sao? Lúc này Củng Lợi không đồng ý với những ý kiến lý luận của Diderot về chuyện diễn viên không được xúc động tình cảm trong khi diễn xuất. Cô cho rằng những quan điểm của Diderot có thể thích nghi với những vai diễn trên sân khấu: Người xem chỉ có thể thấy hình thể của diễn viên. Nó không thích hợp với điện ảnh. Một cảnh đặc tả đôi mắt anh, không thể thấy trái tim anh, còn đôi mắt thì trống không vô hồn, thế coi sao được? Lúc này Củng Lợi đang nghe người viết nói rằng, một nữ diễn viên phải là một nàng tiên mê hoặc lòng người thì cười phá lên mà nói rằng, không biết có phải như thế hay không? Lúc này quả thực là Củng Lợi đang chịu quá nhiều áp lực.



Củng Lợi trong phim Trở về
Có một câu nói vô cùng thích hợp tôi tặng cho Củng Lợi lúc này: Em gái, em cứ dũng cảm lao về phía trước!

Ghi chép bổ sung: Bài này viết xong vào năm 1991, nhưng sau đó thì tôi để nó ngủ yên trong ngăn kéo, bởi vì những lời lẽ của kẻ bàng môn tả đạo này nếu đưa lên mặt báo, e là chỉ nhận được những cái nhìn thương hại của các bậc trưởng thượng thôi. Nhưng suy cho cùng, đã viết rồi thì cứ phát biểu thôi, cho dù tiền nhuận bút có thấp đi chăng nữa thì cũng là một kỷ niệm về “Cao lương đỏ”. Sau khi viết xong thì được xem “Chuyện của Thu Cúc”, tôi đồng ý với cách nghĩ của nhiều người: Vai diễn Thu Cúc của Củng Lợi thành công ngoài mong đợi. Sau đó thì tôi chưa có cơ hội xem “Phan Ngọc Lương”, “Tây Sở Bá vương”, “Phải sống”, không dám lạm bàn. Bài viết về Củng Lợi phủ khắp đất trời, cô ấy vẫn cứ là một điểm nóng trong làng điện ảnh. Trong mười năm cuối cùng của thế kỷ này, nhờ có Củng Lợi mà cuộc sống của con người thêm một chút màu sắc. Chúc cho Củng Lợi trong thế kỷ sau càng thu được những thành tựu nghệ thuật huy hoàng hơn!

---------------------------------------------

 [1] 蝠ð (fú) - con dơi - đồng âm với 福 (fú) - phúc (ND).



Hội Tam Hoàng Thượng Hải (Shanghai Triad, 1995), Củng Lợi vào vai ca nữ Tiểu Kim Bảo


Nghệ Mưu, Củng Lợi trong phim Cổ kim đại chiến Tần dũng tình


Củng Lợi trong phim Phai sống


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét