Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2022

“Gia tộc cao lương đỏ” bị vong lục

 


Mạc Ngôn (trái) và Trương Nghệ Mưu hồi làm phim Cao lương đỏ.

“Gia tộc cao lương đỏ” bị vong lục

Trong tạp chí “Điện ảnh đại chúng” số 11 - 87 có bài viết rất thú vị của Tân Gia Pha “Gia tộc cao lương đỏ bị vong lục”, trong đó có nhắc đến tên tôi khiến tôi phấn khởi vô cùng. Lại may là cũng vừa xem xong bộ phim “Cao lương đỏ”, Tổng biên tập tạp chí “Điện ảnh Đại Tây Bắc” lại yêu cầu tôi viết một bài, tôi tùy hứng viết những điều nông cạn dưới đây, cũng chẳng biết lấy đầu đề là gì, thôi thì dùng nguyên xi đầu đề bài viết của Tân Gia Pha vậy.

1. Làm quen Trương Nghệ Mưu

Tháng tám năm ngoái (1986), Trương Nghệ Mưu đến trường Nghệ thuật Quân đội tìm tôi. Anh ấy đang đứng trong hành lang của tòa nhà cao tầng và réo gọi tên tôi, tôi mở cửa phòng và đưa anh ấy về ký túc xá. Trước mắt tôi là một Trương Nghệ Mưu với một chiếc áo sơ mi đã cũ, một chiếc quần vải bố dành cho người lao động và hai bàn chân xỏ trong một đôi dép cắt từ lốp bánh xe cao su - loại dép mà đa số nông dân thời ấy vẫn thường mang, một chiếc đầu tóc rất dày và trơn bóng, đôi mắt buồn buồn, gương mặt tiều tụy, đôi vành tai dựng đứng và trông rất cứng khiến tôi nghĩ là được một tấm thép cắt đâu đó dán vào. Vừa trông thấy anh ấy, tôi có cảm giác là gặp được người quen, bởi Trương Nghệ Mưu trông chẳng khác một nông dân ở quê tôi là bao nhiêu. Trong cái vỏ bọc ngoài càng ngày càng giống với những con thỏ nuôi linh lung xinh đẹp, nhưng không hề đáng yêu của dân thành phố lúc này, gặp được một con người thân thương như thế quả thật là vô cùng đáng quý. Căn phòng tôi đang ở rất ẩm thấp và tối tăm, chuột kéo thành đàn tổ chức những cuộc thi việt dã, lại còn ăn trộm mì ăn liền, ỉa trong chậu rửa mặt của tôi. Thậm chí một ngày nọ có một con rắn da đen có lốm đốm những bông hoa màu trắng chui vào theo lỗ hổng dưới chân tường bò thẳng vào giữa phòng. Tôi không đánh con rắn ấy, nghe đâu loại rắn rồng này thường dự báo một điềm cát tường, cũng là do người quê tôi chưa bao giờ làm tổn thương đến loài rắn, cho dù là rắn gì. Tôi chờ mong con rắn rồng này sẽ mang lại cho tôi một điều may nào đó, dựa vào vận may ấy, biết đâu rằng tôi sẽ hòa mình vào trong dòng đời hỗn trọc này ăn ăn uống uống, vung tay chỉ trỏ vào giang sơn, gạn đục khơi trong văn tự, dương dương tự đắc lấy vài ngày cho đỡ nghiện. Đúng lúc ấy, Trương Nghệ Mưu đã đến.

Chúng tôi bàn về chuyện chuyển thể “Cao lương đỏ” thành kịch bản điện ảnh, chuyện trọng đại ấy cũng chỉ diễn ra trong vòng mười phút không hơn. Tôi nói: “Trương Nghệ Mưu, tôi tin tưởng vào anh”, nói xong thì bắt tay từ biệt nhau.

Lúc ấy, Trương Nghệ Mưu vẫn đang thủ một vai trong bộ phim “Giếng cổ” của đạo diễn Ngô Thiên Minh. Sau khi bộ phim ra mắt, Trương Nghệ Mưu được chương trình bình luận phim Đông Kinh bầu là “diễn viên chính hay nhất”. Đây cũng là chuyện không thể khác, bởi lòng đố kỵ nhiều khi không thể che mờ được sự thật, ăn nho chua cũng chẳng được tích sự gì, bất phục thì cứ diễn một vai vượt mặt Trương Nghệ Mưu là cách làm thuyết phục nhất. Chuyện này cũng giống như chuyện sáng tác tiểu thuyết thôi, đố kỵ càng không che mờ được sự thật, có chửi có đe cũng chẳng được tích sự gì, có nhờ vào những lời bình điểm tán tụng của những “bình luận gia” cũng chẳng qua là thêm vào đó một “miếng đậu phụ khô” mà thôi, nhưng độc giả đâu phải là người ngốc nghếch để đến độ bị lừa! Văn học cũng được mà điện ảnh cũng xong, cuối cùng cũng đều biến thành thương phẩm; nhưng trở thành một thương nhân văn học thì không được, thương nhân điện ảnh thì có thể. Mấy năm gần đây trên văn đàn tôi đã gặp nhiều hổ báo sói lang, nếu không kịp đề phòng sẽ dễ dàng bị cắn cho một miếng chí mạng, cho nên phát ngôn lúc nào cũng phải cẩn thận dè chừng. Do vậy mà gặp được những anh hào trên văn đàn hay phim đàn chẳng có chút phong độ thương nhân, không thèm điểm trang để biểu diễn mà lại hồn hậu như “cây cao lương đỏ trên cánh đồng phương bắc” như Trương Nghệ Mưu, từ trong đáy lòng tôi đã hình thành nên một niềm tôn kính.

Trong cuộc “hội đàm” chóng vánh ấy, tôi nói với Trương Nghệ Mưu: Nghệ thuật gia (tôi cao giọng thanh minh rằng, tôi chẳng phải là nghệ thuật gia gì cả, nhưng tôi cho rằng tiền đồ của Trương Nghệ Mưu là vô cùng xán lạn, đến trên tuổi ba mươi lăm - tức độ tuổi trung niên - anh ấy sẽ là một nghệ thuật gia chân chính trong lĩnh vực điện ảnh) đều là những người chủ quan đến độ cực đoan. Trong đầu có những suy nghĩ chủ quan, có những theo đuổi xác định, cho dù có bị chửi bị phê vẫn phải đi trên con đường riêng của mình. Do vậy, truyện của tôi mà chuyển thể thành kịch bản phim, đối với tôi mà nói, nó chỉ có ý nghĩa trên phương diện trả tiền nhuận bút, anh hoàn toàn có thể đắp một chiếc lò khác cho riêng mình. Anh muốn cho “ông tôi”, “bà tôi” thử bom nguyên tử trên mảnh đất trồng cao lương cũng không sao, không quan hệ gì đến tôi, không những không quan hệ mà tôi còn vỗ tay hoan hô dũng khí của anh. Quay xong phim mà thành công, vinh quang thuộc về phần Trương Nghệ Mưu anh, không thành công thì cũng chỉ là nỗi hổ thẹn của riêng Trương Nghệ Mưu anh. Trương Nghệ Mưu đã nói là, anh ấy rất khoái cái chất lãng mạn khoáng đạt, không câu nệ tiểu tiết, dám giận dám yêu dám giết người đốt nhà dám chửi… nói chung là dám đủ thứ của những nhân vật trong truyện của tôi. Anh ấy cho rằng, chúng ta không thể giống như những con người chỉ biết “ngồi nghe bà nội kể chuyện bi tráng anh hùng của những con người cách mạng”, không khóc nổi nhưng vẫn đưa tay chùi nước mắt quẹt mũi như xưa nay nữa. Anh ấy còn nói là sẽ khai thác cho kỳ được “cái thần” của cây cao lương…

Trương Nghệ Mưu ra về, tôi đưa anh ấy ra đến cổng. Như bước ra khỏi một chiếc hang chuột, ánh nắng tháng tám chan hòa đến nhức mắt. Đứng nhìn theo Trương Nghệ Mưu, tôi thấy chân anh ấy hơi khập khiễng, sau này đọc những bài viết của Tân Gia Pha, tôi mới biết là chân anh ấy được dùng đinh nẹp lại, nghe đâu thi thoảng vẫn còn những dòng máu màu lam rỉ ra.


Mạc Ngôn

2. Trên mảnh đất cao lương Đông Bắc Cao Mật

Tháng sáu tháng bảy năm nay, Trương Nghệ Mưu gửi đến cho tôi một tờ điện báo, hy vọng tôi trở về Cao Mật để giúp anh ấy tìm gặp những lãnh đạo địa phương nhờ họ giúp đỡ. Nói thật lòng, ban đầu Trương Nghệ Mưu chọn ngoại cảnh là vùng Đông Bắc Cao Mật, tôi bày tỏ thái độ phản đối đối với quyết định này. Thứ nhất, cảnh vật Đông Bắc Cao Mật đã thay đổi quá nhiều, mảnh đất trồng cao lương mà tôi miêu tả trong “Cao lương đỏ” lại là cảnh vật tồn tại từ thời thanh niên của ông nội tôi, tôi chưa hề trông thấy bao giờ, những cây cao lương đỏ như lửa trắng như lau chính là do tôi tưởng tượng ra, là cảnh trong mộng, là phần mộ huy hoàng của linh hồn tôi. Họ không cần phải đến Đông Bắc Cao Mật để quay cảnh cao lương, quay cái gì ở đấy nữa? Đương nhiên là vẫn có thể trồng. Thứ hai, trong truyện tôi đã viết như thế này: Đông Bắc Cao Mật là vùng đất anh hùng nhất, hảo hán nhất, ngu ngốc nhất. Mấy năm gần đây, theo đà phát triển không thể ngăn trở, kinh tế hàng hóa đã xâm nhập vào đời sống nông thôn, cái chất thuần phác đôn hậu, yêu chuộng nghĩa khí, hào hiệp của tổ tiên đã giống như một xu tiền đồng lưu hành lâu ngày đã mất đi vẻ sáng loáng ban đầu, mà thay vào đó là một thứ màu đen xỉn hoặc xanh xanh của đồng gỉ. Tất cả đều phải có tiền, liệu các anh có bao nhiêu tiền?

Ngoài ra, nhân vì để phản đối sự tự do hóa của giai cấp tư sản mới, mùa xuân năm nay tôi đã viết bài “Ánh sáng Cao Mật” đắc tội với một số người. Những con người đáng yêu ấy lại đặt chuyện rằng, tôi bị giam vào nhà tù, ngày nào cũng ngồi trên ghế điện, bị ngâm trong tương ớt… Bố mẹ tôi vốn bé gan, lại ngại chuyện phiền phức, nghe những tin ấy sợ đến độ nuốt không nổi cơm, ngủ không yên giấc. Bố tôi ngày ngày ngồi ôm chiếc radio để nghe chương trình phát thanh của Đài phát thanh Trung ương nhưng trong lòng vẫn nơm nớp lo sợ rằng một ngày nào đó sẽ nghe được tin tôi bị lôi ra Ngọ môn chém đầu răn chúng (đúng là bố tôi quá hồ đồ, lấy thủ cấp một thằng tiểu tử như tôi sao lại khiến cho Đài phát thanh Trung ương quan tâm được chứ!). Trong tình hình này, tôi về Đông Bắc Cao Mật thì liệu có giúp được gì cho đoàn làm phim và cho Trương Nghệ Mưu?

Sau đó tôi lại nghe nói rằng, Công ty điện ảnh của huyện Cao Mật lại muốn duyệt kịch bản phim của chúng tôi, nghe xong mà tôi dở khóc dở cười nhưng cũng mừng thầm là mình cũng xem thấu được bộ mặt thật của thế thái nhân tình. Tôi không muốn nói những lời không hay về quê hương, bởi vì bất cứ địa phương nào cũng đều như thế cả mà thôi. Cũng chính vì lúc ấy đang đúng mùa gặt rất bận rộn ở quê nhà, ở đấy đang cần nhân lực lao động, tôi đắn đo một thời gian nhưng cuối cùng cũng khăn gói trở về Cao Mật.

Trong thời điểm ấy, vùng Đông Bắc Cao Mật đang gặp đại hạn hán, mấy tháng liền chẳng có lấy một giọt mưa, ngay cả những cây cổ thụ cũng đứng gục đầu ủ rũ trong cái nắng như thiêu như đốt, những chiếc lá úa vàng đóng một lớp bụi dày, huống hồ là cây cao lương. Những hương thân phụ lão bị cái nắng hành hạ đến độ mặt mày đỏ sạm, ai ai cũng cau mày nhíu mắt, ai ai cũng trở nên chậm chạp và lụ khụ, hình như não tủy của họ cũng đã bị khô kiệt cả rồi.

Người trong gia đình trông thấy tôi vẫn sống và quay về thì vui mừng khôn xiết, những tin tức về tôi ngồi ghế điện, bị ngâm trong nước ớt tự nhiên cũng không cánh mà bay đi đâu mất. Bố buồn phiền và lo lắng khuyên tôi “giải giáp quy điền” bởi vì ông cho rằng “ngọc nát chẳng bằng ngói lành”. Ông bảo buôn bán hàng nghìn hàng vạn chẳng bằng bám vào mảnh đất quê hương. Tôi hoàn toàn tin rằng, lời bố rất có lý có tình, nhưng tôi lại không hề muốn ôm lấy một mảnh đất khô, cuộc sống điền viên tươi đẹp chẳng qua chỉ tồn tại trong tưởng tượng của những vương tôn công tử ăn thịt uống rượu no say mà thôi, thực ra thì cuộc sống ở nông thôn tàn khốc đến độ không tưởng tượng được, thân phận của một kẻ làm nông dân như thế nào thì những vương tôn công tử kia không thể nào tưởng tượng ra được. Đương nhiên cũng có những người hiện đại có nhã hứng thực sự với cảnh điền viên nhưng số lượng những con người chân chính này quá ít; còn lại chỉ toàn là những kẻ “ăn được miếng thịt cừu tươi bèn ước ao mình trở thành nông dân” xốc nổi nhất thời chiếm tuyệt đại đa số. Cũng giống như những quý tộc chân chính trên đời này không nhiều, phần lớn chỉ là ngụy quý tộc, chuẩn hóa quý tộc, học đòi quý tộc…Những kẻ này xét về phong độ có khi còn tỏ ra cao quý hơn nhiều so với những quý tộc chân chính, nhưng chẳng qua đó cũng chỉ là một sự trát phấn tô son, đến một lúc quan trọng nào đó thì bản chất của một tiểu thị dân - lưu manh và vô lại - mới thò ra. Đây chính là những kẻ phá hoại thanh danh thực sự của những quý tộc chân chính.

Tôi đã đi quá xa vấn đề rồi. Về đến nhà thì đã nghe rằng những người trong xưởng làm phim Tây An cũng đã đến. Diễn viên Khương Văn đã từng là diễn viên chính trong các bộ phim nổi tiếng như “Thị trấn Phù Dung”, “Hoàng đế cuối cùng” cũng đã đến nhưng Trương Nghệ Mưu và nữ diễn viên chính Củng Lợi và nhiều người khác vẫn chưa có mặt.

Không biết vội vàng vì điều gì, tôi vọt lên xe đạp cắm đầu cắm cổ đạp thẳng đến Tôn Gia Khẩu cách làng chúng tôi khoảng mười dặm Trung Quốc. Đúng là trên mảnh đất Tôn Gia Khẩu này năm ấy đã diễn ra một trận phục kích kinh thiên động địa. Trương Nghệ Mưu đã bỏ ra đến gần một vạn nhân dân tệ để thuê bà con ở đây trồng mấy mẫu cao lương từ trước.

Vừa đặt chân lên trên chiếc cầu đá nhỏm tôi đã muốn khóc. Toàn bộ cao lương đang sống dở chết dở, cây cao lắm cũng chỉ khoảng một mét, cây thấp chỉ độ vài gang tay, lá cao lương cuốn lại cong queo, trên mặt lá bám đầy những loài sâu ăn lá, ngay cả bọn sâu bọ này cũng đã chết gần hết, số còn lại thì đang sống dở chết dở. Xác những con đã chết rơi xuống đầy bàn chân khi tôi bước ngang qua. Không xong rồi, đại ca Trương Nghệ Mưu lần đầu tiên làm đạo diễn đã không may, gặp phải vận đen rồi.

Sáng hôm sau thì Trương Nghệ Mưu và mọi người đã đến đông đủ. Tôi vội vội vàng vàng chạy đến nhà khách huyện để gặp họ. Những câu nói đầu tiên là bàn về những mảnh ruộng cao lương gặp hạn, bàn về một tác giả văn học như tôi đã đem đến cho họ những điều không vui và không may Nhưng Trương Nghệ Mưu lại khuyên giải tôi, nói: Họ đã có những chuẩn bị sẵn sàng cho việc khắc phục khó khăn, họ không sợ khó sợ khổ. Họ cần gặp huyện ủy, họ cần phân bón, họ cần nước… Họ đã sẵn sàng chai mặt để van nài các quý ông quý bà ở đây giúp đỡ.

Ngày hôm sau nữa, mây đen đầy trời. Trương Nghệ Mưu nói anh ấy đã tìm được đồng chí lãnh đạo cao nhất huyện, vị này đã phê chuẩn xuất năm tấn phân bón. Vị này còn triệu tập một cuộc họp khẩn cấp những lãnh đạo các làng các xã có tham gia trồng cao lương, yêu cầu họ đưa việc chăm sóc những mẫu cao lương này trở thành “nhiệm vụ chính trị trung tâm” trong công tác trước mắt, điều này cho thấy vị lãnh đạo này rất nể trọng đoàn làm phim và cá nhân Trương Nghệ Mưu. Tôi đã bị cảm động bởi việc làm chí công vô tư này của vị lãnh đạo huyện ủy nọ nên hùng hồn tuyên bố, nếu kinh phí của đoàn làm phim quá căng thẳng, tôi tự nguyện dùng số tiền nhuận bút của mình để mua phân bón cho đoàn. Nghe thấy tôi nói thế, Trương Nghệ Mưu đã cười.

Ngay buổi sáng hôm ấy, trời bắt đầu mưa lất phất. Tôi lầm rầm trong miệng: Ông trời đáng kính đáng thương! Mưa đi, mưa cho lớn vào… Tôi mượn chiếc xe đạp của một cố nhân đạp thẳng đến Tôn Gia Khẩu, tìm đến tận nhà bí thư chi bộ thôn nói cho một hồi, đại ý là muốn bà con ở đây hãy tích cực giúp đỡ đoàn làm phim rải phân lên ruộng cao lương, đừng để cho những người ở nơi khác đến đánh giá là nông dân Đông Bắc Cao Mật chúng ta bụng dạ hẹp hòi, chỉ biết đến cái lợi nhỏ mà không nghĩ đến cái lợi cao hơn. Lúc ấy mưa đã bắt đầu nặng hạt, chúng tôi cho xe chở phân dừng lại trên cầu, đứng trên cầu nhìn xuống tôi có cảm giác là cây cao lương hình như đã bắt đầu phục hồi sinh khí. Tiếng mưa đập vào lá cao lương khô quắt khiến chúng vang lên những âm thanh xào xạc dễ làm lòng người sinh cảm giác thê lương.

Tôi quay về đến nhà thì trời đã xế chiều. Mẹ tôi chiên hai quả trứng để tôi và bố nhắm rượu. Tôi nhận ra mùi vị của rượu có gì đó là lạ, không giống như rượu bà con vẫn thường nấu mà có lẽ là cồn công nghiệp pha chế. Tôi nói với bố về cảm nhận của mình, ông bảo chai rượu này là ông mua từ cửa hàng Nhà nước về, lẽ nào người Nhà nước và cửa hàng Nhà nước lại đi lừa nhân dân? Tôi không muốn nói thêm về chuyện này nữa, có lẽ là tôi cố tình để cho thánh địa của lòng trung thành đối với Nhà nước, đối với Đảng so ra còn nặng hơn cả vô số đảng viên cộng sản của bố tôi còn có lý do mà tồn tại nhưng trong lòng tôi thì đang léo nhéo: Đừng nói là những cửa hàng ở Đông Bắc Cao Mật này mà ngay cả trên sạp hàng của những cửa hàng quốc doanh ở Bắc Kinh có mấy mặt hàng không phải là đồ giả mạo?

Tôi và bố uống rượu và ngắm bầu trời trong cơn mưa mỗi ngày mỗi to, nước trên mái nhà chảy xuống ào ào, trong sân nước lên cả tấc. Hoan hô ông trời! Bố tôi cũng rất hưng phấn khi nhìn thấy trời mưa nên trên mặt lại có thêm mấy nếp nhăn nữa. Tôi và bố cứ ngồi như thế giây lâu, không ai muốn nói câu nào vì sợ phá vỡ phút giây đón mưa tuyệt vời này.

- Tốt quá! Không phải nằm trong lò lửa nữa rồi! Ông trời quả có mắt!

- Cuối cùng thì bố tôi cũng lên tiếng.

- Tốt quá! Trương Nghệ Mưu! Đúng là anh có phúc khí!

- Đây là lời của tôi. Nói xong tôi quay sang bố hỏi:

- Bố, liệu những đám cao lương có phục hồi lại kịp không?

- Gặp trời mưa thế này mà lại bón kịp phân, cao lương sẽ nhổ gốc lớn lên cho mà xem!

- Con không tin là chúng có thể lớn nhanh để kịp quay phim!

- Hoa màu cũng có những thời kỳ phát triển kỳ dị. Hạn hán lâu ngày lại được gặp mưa, sức tăng trưởng của nó tăng gấp đôi! Ông nội anh đã từng nói, ban đêm đứng trong ruộng cao lương có thể nghe thấy những âm thanh sinh trưởng của chúng, lào xào, tí tách…

- Mưa đi, mưa thêm một đêm nữa!

- Nói bậy! Mưa thêm một đêm nữa thì lụt mất!

Mấy tháng hạn hán nhưng chỉ hai ngày mưa là úng lụt, đây chính là khổ nạn truyền đời, cũng là đặc điểm của vùng Đông Bắc Cao Mật. Tổ tiên chúng tôi vì sao lại chọn vùng đất khắc nghiệt này mà định cư? Tại sao chúng tôi lại không di cư? Vì sao lại có không biết bao nhiêu người lại bôn ba về đến tận Quan Đông sinh sống nhưng khi sắp chết lại quay về đây, chọn lấy một nấm đất trên ruộng cao lương hai bên bờ Giảo Hà mà vùi nắm xương tàn? Tại sao tôi đã nếm trải không biết bao nhiêu là khổ nhục ở trên mảnh đất này, nhưng lại hy vọng mình lại được vùi xác trên ruộng cao lương sau khi chết bên cạnh ông cố bà cố, ông nội bà nội, ông nội ba bà nội ba, chú Tam chú Tứ, những đứa cháu đã mất của tôi? Trên những phần mộ của chúng tôi cỏ dại sẽ mọc đầy, đất cao lương đang chờ đợi chúng tôi… Lúc này tuy không còn cao lương nữa, nhưng mấy mươi năm trước, những cây cao lương nhô đầu lên khỏi mặt nước lũ, con người lẫn trâu bò ngựa dê tụ tập trên mặt đê ngắm vọng mặt nước mênh mông, và tất cả những cảnh tượng bị ánh nắng tà chiếu rọi thành một màu đỏ… Tất cả đều hiển hiện trong đầu tôi như những cảnh mộng…

Đến chiều tối thì cơn mưa đã dứt. Tôi vội vàng chạy đến hợp tác xã cung tiêu gọi điện đến nhà khách huyện gặp Trương Nghệ Mưu. Tôi gào trong máy: Nghệ Mưu! Chúc mừng cơn mưa, chúc mừng anh! Trương Nghệ Mưu cũng hét: Chúc mừng! Tôi nói: Bố tôi bảo, chỉ còn bón phân đầy đủ, chỉ mười mấy ngày sau là cây cao lương sẽ cao quá đầu người! Mỗi ngày đi qua chúng sẽ lớn với tốc độ nhân đôi! Trương Nghệ Mưu nói: Thế à?

Tôi có cảm giác cuộc điện thoại của mình trở nên thừa nhưng trong lòng tôi vẫn hưng phấn đến độ phát run.

Sau đó thì tôi quay lại nhà khách huyện. Trương Nghệ Mưu đưa kịch bản phim cho tôi đọc. Tôi xem xong, có cảm giác là kịch bản tinh giản rất nhiều so với truyện của tôi, nhưng điều làm tôi bái phục nhất vẫn là Trương Nghệ Mưu đã giải thích những quan hệ vô cùng phức tạp của gia tộc chúng tôi trong “Gia tộc cao lương đỏ” một cách tường tận - Đây là một vấn đề khó mà trong truyện của mình tôi mới giải quyết được một nửa, nửa còn lại Trương Nghệ Mưu đã giải quyết. Trương Nghệ Mưu còn yêu cầu tôi đọc kỹ kịch bản, có chỗ nào không vừa ý thì sửa vẫn còn kịp. Tôi đọc đi đọc lại đến bốn năm lần nhưng chỉ đề nghị sửa đổi mấy câu ca từ và trong một vài trường đoạn có góp một vài ý kiến nhỏ.

Trên thực tế, một đạo diễn tài ba về căn bản không cần phải có biên kịch. Nói cách khác, biên kịch chỉ có thể cung cấp cho nhà đạo diễn tài ba một số những tài liệu có liên quan mà thôi, đương nhiên nói như thế không có nghĩa là tôi hạ thấp vai trò của nhà biên kịch.


Củng Lợi, Mạc Ngôn, Khương Văn, Trương Nghệ Mưu khi làm phim Cao lương đỏ

Lúc này thì mọi chuẩn bị đã đâu vào đó, chỉ còn chờ bấm máy. Trong lúc nhàn rỗi, tôi mời một số đồng chí trong đoàn về nhà tôi thăm chơi mặc dù trong lòng tôi rất muốn mời toàn bộ đoàn làm phim đến nhà. Khi tôi đem chuyện này thông báo cho người nhà, tất cả mọi người đều rất phấn khởi nhưng bố tôi thì không tỏ thái độ gì, lẳng lặng vác cuốc ra đồng, tối mịt mới trở về. Lúc nào bố cũng khuyên tôi cẩn thận, không nên quá xốc nổi, nếu không sẽ gặp tai họa trong đời. Tôi đang cố gắng làm theo lời khuyên của bố. Buổi sáng hôm sau, thím tôi bận bịu với việc làm loại bánh cuốn đặc sản của địa phương, vợ tôi thì tờ mờ sáng đã đi chợ mua sắm. Mười giờ rưỡi, một chiếc xe đỗ lại trên sân phơi thóc nhà tôi, Trương Nghệ Mưu, phó đạo diễn Tiểu Dương, “bà tôi” Củng Lợi, “ông tôi” Khương Văn, quay phim Tiểu Cố và một số người nữa bước xuống xe, một đám đông bà con làng xóm vây lấy đoàn người mặc áo vải thô và trọc đầu này. Sau này anh hai tôi bảo trông thấy bộ dạng chân đất của đoàn người này, anh ấy cũng có thể làm diễn viên. Tôi bảo anh có thể sắm vai quần chúng hoặc anh lính Ất lính Giáp cũng được.

Tôi sẽ giới thiệu một tí về loại bánh biện - tức bánh cuốn của quê hương tôi: Bột mì trắng nhào cho nhuyễn rồi dùng một vật tròn (như chai rượu) cán ra thật mỏng, bỏ vào chảo rán chín, sau đó dùng trứng gà luộc chín làm nhân, cho một ít muối, hành rồi cuốn lại thành những cuốn riêng là có thể ăn được. Đây là loại lương thực chủ yếu của những tay thổ phỉ trong xã hội cũ, muốn ăn được nó cần phải có đôi hàm răng thật chắc khỏe, hơi khó tiêu gây cảm giác no lâu. Anh em trong đoàn rất tự nhiên như người trong làng, cứ ngồi bệt xuống sàn nhà mà ăn bánh cuốn. Khương Văn ăn nhiều nhất, lại còn bê cả tô canh ớt cay xè lên húp soàn soạt. “Bà nội” Củng Lợi ăn mà chẳng có vẻ hào hứng gì, cô ấy nói hai đầu của bánh cuốn không có trứng nên không ngon. Ngày ấy Củng Lợi mặc một chiếc quần vải thô buộc ống lại bằng một sợi dây, mang dép lê. Mẹ tôi than thở: Một cô gái đẹp như vậy tại sao lại hóa trang chẳng thành bộ dạng gì cả thế này, các người chỉ là một lũ trứng rùa!

Củng Lợi muốn mang về cho Đậu Quan một ít bánh cuốn. Khi cô ấy đang cuốn bánh thì Khương Văn đứng dậy đi vào nhà trong, quýnh quáng thế nào mà đá phải phích nước sôi. Chỉ nghe một tiếng “bụp”, phích nước vỡ tan, mảnh thủy tinh bắn đến tận chỗ Củng Lợi đang ngồi cuốn bánh và rơi vào chiếc bánh cô ấy đang cuốn trong tay. Khương Văn không bị bỏng là may nhưng trông anh ấy có vẻ khó xử, tôi nói: Đây là điềm lành, chắc chắn là bộ phim của chúng ta sẽ là một tiếng bom nổ giòn giã trong đời sống điện ảnh tương lai!

Chiếc bánh trên tay Củng Lợi không thể dùng được bởi tôi sợ mảnh thủy tinh sẽ chui vào bụng của Đậu Quan - “bố tôi”. Tôi chợt nghĩ đến nhân vật thuộc giai cấp phản cách mạng Tiền Thủ Duy đã lén lút trộn mảnh thủy tinh vào trong bánh bao để cho Phương Hải Trân ăn vào bụng suýt nguy đến tính mạng trong vở kịch cách mạng “Hải cảng” - Sau này cuốn bánh này đã bị bố tôi ăn nhưng tuyệt đối không phải bố tôi là người keo kiệt bủn xỉn đâu - “Bà tôi” đã cuốn cho “bố tôi” một cuốn khác.

Mấy hôm trước, Trương Nghệ Mưu đã ghé thăm nhà và chụp cho mẹ tôi vài kiểu ảnh. Mẹ tôi nói, thằng bé này thật tốt, không hề phân biệt là nhà nghệ thuật với nông dân. Tôi nghĩ lời bình giá này của mẹ tôi rất có giá trị và thành thật chia vui cùng Trương Nghệ Mưu.



“ông tôi” và “bà tôi” t
rong phim Cao Lương đỏ

Tôi chụp ảnh chung với “ông tôi” và “bà tôi”. Vì trong tác phẩm, ông nội tôi thường cởi trần thân trên nên “ông tôi” Khương Văn và tôi cùng cởi áo, tôi phát hiện thân thể Khương Văn thật cường tráng, bắp thịt săn chắc, còn tôi mỡ ơi là mỡ. Khương Văn và Củng Lợi mỗi người ôm một bên vai tôi. Sau khi in ảnh ra, đồng chí phụ trách việc in ảnh cười trêu tôi: Cứ nghĩ là “bức trường thành bằng thép” không bao giờ nghiêng chứ nhỉ? Thì ra trong ảnh, tôi đứng hơi nghiêng người về phía Củng Lợi, cười đến độ răng chìa cả ra ngoài, trông khó coi vô cùng. Lúc ấy tôi chỉ biết chống chế: Củng Lợi bám quá chặt khiến vai tôi bị tê dại, tội không phải do tôi! Tấm ảnh ấy đã bị thất lạc, lâu nay tôi vẫn có ý đi tìm, cho dù phải bỏ ra mấy đồng để mua lại từ ai đó tôi cùng cam lòng, mua để mà đốt!

Ngày bấm máy quay vào trung tuần tháng tám, bà con khắp nơi ăn mặc chỉnh tề xanh xanh đỏ đỏ đổ về trường quay tò mò xem người ta đóng phim. Tôi cõng con gái trên vai đứng từ xa quan sát, trông thấy Khương Văn cúi đầu ủ rũ ngồi im trên cầu, còn Củng Lợi thì sắc mặt trắng nhợt đang bíu vào một cây cao lương. Bà con đứng xem thầm thì với nhau: Nóng bức thế này mà bắt con gái người ta mặc áo bông quần bông. E rằng cô gái xinh đẹp kia sẽ chết mất thôi! Đúng là làm chuyện gì cũng chẳng dễ dàng chút nào. Cũng có người nói oang oang: Thằng Mạc Ngôn chả ra làm sao cả. Ngay cả ông bà nội nó cũng bị nó làm nhục kia kìa! Tôi không bực mình, chẳng phải là năm nay trong cao trào “phản đối tự do hóa” đã có một số người được xem là “nhà nghệ thuật” trong những đoàn văn công nổi tiếng ở Bắc Kinh đã từng tuyên bố: Hắn ta tự nguyện lột sạch quần áo của bà nội mình để cho người Nhật Bản hiếp dâm… đó sao? Những kẻ ngu ngốc văng ra những lời thối hơn cứt chó như vậy mà tôi không hề nổi giận, huống hồ là với những lời bình luận vô tư của những người thân của tôi vốn không phải là “nghệ thuật gia” gì cả!



3. Lò nấu rượu trong mộng

Cao lương đỏ của vùng Đông Bắc Cao Mật làm thế nào để trở thành một thứ rượu cao lương thơm lừng? Đúng là tôi không thể biết được, nhưng tôi được một số người già đã từng làm việc trong những lò nấu rượu giải thích sơ bộ cho, cũng tham khảo một số tư liệu có liên quan (tôi đã photo những tài liệu này tặng cho Trương Nghệ Mưu), do vậy mà tôi cũng có chút ít kiến thức về nó.

Sau khi từ Cao Mật quay trở lại Bắc Kinh, tôi được biết Trương Nghệ Mưu đã dẫn đội quay phim đến Ninh Hạ quay cảnh nấu rượu. Có một đêm, trong mộng tôi thấy mình gặp Trương Nghệ Mưu trong lò nấu rượu. Mấy hôm nay xem xong bộ phim mới thấy cảnh tượng trong lò nấu rượu sao mà giống với cảnh trong mộng của tôi! Thành thật chúc mừng những nhà quay phim tài ba!

4. Những cảm tưởng linh loạn

Tôi cho rằng, giữa tiểu thuyết và điện ảnh vẫn có một mối liên hệ nội tại, do vậy mà khả năng chuyển thể từ tiểu thuyết sang kịch bản điện ảnh là rất lớn. Kịch bản điện ảnh mà trung thành tuyệt đối với nguyên tác là rất khó, nhưng lấy nguyên tác làm cơ sở rồi thông qua những kỹ thuật riêng của nghệ thuật điện ảnh để khơi gợi ở người xem một khoái cảm thẩm mỹ mới là điều hoàn toàn có khả năng. Một bộ tiểu thuyết hay luôn luôn mang tính đa nghĩa, do vậy mà khi đặt vào tay những đạo diễn khác nhau sẽ có những bộ phim khác nhau; cũng giống như cùng sử dụng một chiếc dương cầm độc tấu cùng một khúc nhạc, nhưng dưới ngón tay của những người chơi đàn khác nhau sẽ có những khúc nhạc khác nhau là không nghi ngờ gì nữa. Lời nói mà, không nên nghi ngờ gì nữa, chẳng qua cũng chỉ là những lời thừa, càng ít nói càng hay.

Tôi đã từng phong cho mình cái tư cách của một khán giả bình thường để xem “Cao lương đỏ” của Trương Nghệ Mưu, cố gắng tránh chuyện đem bộ phim ra so sánh với truyện của mình, tất nhiên là rất khó khăn.

Không nghi ngờ gì nữa, bộ phim “Cao lương đỏ” chính là một thành công rực rỡ của Trương Nghệ Mưu, có thể nói là một thành công rực rỡ của điện ảnh hiện đại Trung Quốc. Tôi hoàn toàn tin tưởng người xem sẽ tán thưởng bộ phim này.

Nếu đứng ở lập trường của tác giả nguyên tác mà xét, đem cao lương đỏ như một biển máu của tôi biến thành cao lương xanh là một điều thực sự đáng tiếc, nhưng nếu đứng ở góc độ người xem mà nói, màu xanh bạt ngàn của cao lương như một biển sóng dâng trào, đầy sức sống, đầy huyền diệu và có một chút bí mật có thể khơi gợi ở tôi bao nhiêu là liên tưởng vượt ra ngoài hình hài thực tế, do vậy tôi chỉ có thể ca tụng cao lương xanh mà thôi.

Mùa hè ở Cao Mật, tôi cưỡi xe đạp chạy ra ngoài đồng, trên địa bàn thuộc huyện Giảo, tôi phát hiện ra một khoảnh cao lương xanh đang ngậm đòng. Khoảnh cao lương này rộng đến vài trăm mẫu, bằng phẳng như một tấm thảm xanh. Tôi đứng trên bờ đê, đúng lúc ấy, gió Tây Bắc nhẹ nhàng thổi tới, sau lưng tôi lại là bờ sông lau lách um tùm, tiếng ếch nhái râm ran trong mùa nước nổi, chim bay lượn vòng trên không trung hót vang. Thảm cao lương bạt ngàn trước mắt tôi rùng rùng đuổi theo nhau dưới những làn gió nhẹ, có khi đứng lại và múa những điệu luân vũ mềm mại đến tuyệt vời. Những làn sóng xanh uốn lượn chạy dần về phía tôi và chạy thẳng vào tâm hồn tôi. Cao lương đang múa, cao lương đang hát những lời ca nỉ non khiến tôi ngờ là chúng đang chia sẻ nỗi buồn trong tâm hồn tôi. Tôi cho rằng cao lương đang giao lưu với tôi, không bằng ngôn ngữ thông thường mà bằng ngôn ngữ của tâm hồn. Tôi cảm nhận được những cái vuốt ve vô cùng mềm mại của những cành lá cao lương lên linh hồn tôi. Đứng trên bờ đê, tôi chỉ muốn khóc, nhưng tiếng khóc không thể nào bật ra được - Đúng lúc ấy, chính là lúc chiều tà, khi ánh mặt trời đỏ như lửa ôm trùm lấy thảm cao lương xanh, khiến cho nó thêm vẻ thần thánh và tráng lệ thì Trương Nghệ Mưu cùng với những cộng sự đang loay hoay tìm cảnh quay trên một mảnh cao lương ở Tôn Gia Khẩu. Tôi nghĩ, mai này nếu trong phim tôi có thể tìm thấy được cảm giác như tôi đã có được trên chính mảnh đất này, thì đó là một thành công đáng nể của Trương Nghệ Mưu. Vì chính anh ấy đã không làm tôi thất vọng.

Lúc nào tôi cũng nghĩ, cao lương trong truyện của tôi là một linh hồn bất khuất, tôi hy vọng phim của Trương Nghệ Mưu sẽ có được những hình tượng cao lương tượng trưng, có linh hồn và có sinh mệnh khiến cho mệnh vận của “ông tôi”, “bà tôi” cùng với chúng quyện chặt lại với nhau. Điều này về cơ bản Trương Nghệ Mưu đã thành công. Nhà quay phim Cố Trưởng Vệ đã cống hiến một cách xuất sắc trong những thành công của Trương Nghệ Mưu, đồng thời Cố Trưởng Vệ cũng đã nhân đó mà mang lại vinh quang cho mình - nhất định sẽ là như vậy.

Có mấy cảnh khiến người ta không thể quên được trong phim:


1. Chiếc kiệu chòng chành

Trong rất nhiều bộ phim, cảnh khiêng kiệu xuất hiện khá nhiều, khá phổ biến nhưng để quay được cảnh khiêng kiệu đầy ý vị và nhiều sắc thái tình cảm như trong phim “Cao lương đỏ” thì không nhiều lắm. Con đường gập ghềnh, bụi vàng mù mịt, tiếng kèn đồng thê lương, những điệu nhảy điên cuồng… suy cho cùng có ý nghĩa gì? Đoạn này rất dài nhưng người xem không hề thấy chán, thấy đủ chính là vì nó biểu hiện được cuộc đời không hề bình thường của “bà tôi”.

2. Hợp hôn trên đồng nội

Khi “ông tôi” cướp “bà tôi” chạy vào cánh đồng cao lương, ném “bà tôi” lên chiếc “giường cưới” lót lá cao lương thì “bà tôi” nhìn thẳng lên bầu trời xanh thăm thẳm trong khi trên thân hình bà là một bộ quần áo cô dâu màu đỏ, thân thể bà nằm theo hình chữ “đại” (大?). Cây cao lương che phủ chiếc giường tân hôn, biến nó thành một chiếc đàn tế thần thánh. “Ông tôi” từ từ quỳ xuống trước đàn tế ấy… Cao lương xanh đen nhảy múa quay cuồng chẳng khác nào hàng vạn tinh linh đang hướng lên trời xanh kêu gào. Âm nhạc thê lương, tráng lệ… Trường đoạn này càng làm tăng thêm tính thần bí nhưng nồng nàn, dễ dàng kích động nhân tâm khiến cảnh ái ân giữa “ông tôi” và “bà tôi” trở nên cao thượng vô ngần. Trường đoạn này có màu sắc bi kịch, còn âm nhạc thì như những chiếc chùy thúc thẳng vào trái tim con người.

Có một người bạn cùng xem bộ phim với tôi nói là nên để cho “ông tôi” cởi áo của “bà tôi”, nên để lộ nửa bầu ngực của “bà tôi” thì hay hơn. Tôi bảo: Kiểu cởi áo và để cho nửa bầu vú thoáng hiện là rất thông thường, tôi còn muốn “ông tôi” lột sạch quần áo của “bà tôi” để cho nhục thân đẹp đẽ, thuần khiết ấy đối diện với muôn ngàn đôi mắt của đất trời! Anh bạn kêu lên: Không được! Tôi nói: Đúng là không được, nhưng có ai đó trông thấy “bà tôi” không còn mảnh vải che thân, nằm trên đài tế thần mà có suy nghĩ lung tung đầy chất nhục dục, thì kẻ đó chính là loài súc sinh!

Quả là đáng tiếc!

Quan hệ tính giao của con người có khi lại là quan hệ về mặt tâm hồn, là hướng về Thượng đế mà sám hối, nhưng nhiều khi lại không phải như thế.

Những lời khác không tiện nói ra đây.

3. Tế Thần Rượu và tế thần La Hán

Hai trường đoạn này có cách tạo hình khá tương tự nhưng hàm nghĩa không hoàn toàn giống nhau, đoạn trước khôi hài, đoạn sau bi phẫn. Sức sống cuồn cuộn cũng như tinh thần hy sinh giỏi “kêu lớn lần cuối cùng” của dân tộc Trung Hoa có thể thấy ở những đoạn này.

Đã lâu lắm rồi, Trương Nghệ Mưu đã viết thư cho một vài anh em biên kịch chúng tôi, nói anh ấy đang đọc cuốn “Sức sống của bi kịch” và rất khâm phục cái tinh thần “thần rượu” trong cuốn sách ấy. Điều này cho thấy Trương Nghệ Mưu chịu ảnh hưởng rất lớn từ cuốn “Sức sống của bi kịch”.

Nói tóm lại, bộ phim này vừa có tinh thần lãng mạn vừa có sắc thái truyền kỳ, dã man và nhu mì thống nhất, hoạt kê và cao thượng thống nhất, khôi hài và nghiêm túc thống nhất. Nếu phải tìm chỗ chưa đạt thì tôi có thể nói: cần phải có cảnh lột da người mới đỡ nghiện; cần phải có một cánh đồng cao lương hàng vạn mẫu, để Trương Nghệ Mưu và đội quay phim ngồi trên máy bay mà quay mới đỡ nghiện.

Xin chân thành chúc mừng thành công của đoàn làm phim “Cao lương đỏ”. Thái độ hoạt động nghệ thuật nghiêm túc, tinh thần hy sinh chịu đựng gian khổ của các anh vĩnh viễn thúc giục tôi. Tài hoa của các anh khiến tôi có một chút đố kỵ nhưng chủ yếu vẫn là khâm phục.

27-11-1987

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét