Melancholia (Mary Magdalene)
tranh Hendrick Jansz ter Brugghen (1588-1629)
Linh thiêng
Đỗ Hoàng Diệu
Nội thở dài đánh thượt khi tôi xách túi ra cửa cúi đầu tạm
biệt. Tiếng thở dài của nội tê liệt bước chân tôi. Vài sợi nắng tàn lụi cuối
chiều heo hắt nhảy nhót trên khoảng sân gạch phai đỏ. Tôi cố đóng cánh cổng sắt
thật nhẹ nhưng vẫn phát ra tiếng kêu loảng xoảng. Con Nâu chẳng thèm ngóc đầu
liếc nhìn, cái đuôi nằm yên trên lưng. Tự nhiên tôi muốn quay vào đá đít, xách
tai, vặt râu nó. Sao lại dám thờ ơ với cậu chủ thế chứ? Cậu chủ có bao giờ đánh
đập, quát mắng, la hét gì đâu? Nhưng thôi, nó chỉ là con vật, không nên quát mắng,
càng không nên đánh đập. Suy cho cùng nó đâu có lỗi. Thờ ơ nghĩa là không vồ vập,
chẳng phải lỗi lầm để trách cứ, phạt vạ. Có tiếng cổng sắt xập xẹ. Chắc chú Nâu
đọc được ý nghĩ cậu chủ nên đẩy cửa, vẫy đuôi theo ra tiễn chân một đoạn đây.
Phải thế chứ! Nếu có cái dây mềm mềm, chắc chắc khéo mình buộc chiếc túi này
cho nó kéo hộ giống hệt như trong “Tiếng gọi nơi hoang dã” với chó Bulk và cậu
Mile ấy. Từ đây ra ga chẳng gần cho lắm. Nhưng mình đâu có đi tìm vàng, đâu có
làm người dẫn đường trên những núi tuyết trắng bí hiểm? “Đi đâu thì đi nhưng nhớ
về trước ngày lễ Vu Lan, Giao nhé”. Tiếng nội phá vỡ dự cảm của tôi. Nội đứng
bên cổng sắt thẫm màu, phây phẩy cánh tay nhìn. Khi chiếc đầu yếu ớt của tôi quay
lại cũng là lúc nội thụt vào cổng. Như trốn, như lảng ánh mắt tôi. Không phải
con Nâu. Là nội. Nhắc ngày lễ Vu Lan. Gần tháng nữa mới đến, nội lo xa quá. Đó
là ngày giỗ mẹ tôi, sao nội không nói: về cho kịp giỗ mẹ mà lại kịp ngày lễ Vu
Lan? Ôi dào! Trước tới nay vẫn vậy, nội bí hiểm, khó hiểu vô cùng. Tôi đã không
còn thói quen hỏi lại nội bất cứ điều gì. Cũng chẳng giận nội, bởi tôi đã hiểu
gì về nội, có biết đâu mà hiểu. Đến ngã tư, chỗ bắt buộc ngoặt trái ra ga, tôi
nhìn lại. Cánh cổng sắt nâu mờ bảng lảng xa xa. Tự nhiên tôi nghe tiếng lách
cách. Cảm giác nội nhìn theo bóng tôi và vừa thụt vào khi tôi ngoái nhìn. Thật
lạ. Cảm giác cũng chỉ là ảo giác nhiều khi.
Hồi sáng, hai ông cháu ăn sáng cùng nhau, tôi thưa chuyện
muốn đi du lịch thời gian, nội thoáng chần chừ đôi đũa trên đĩa bánh cuốn. Món
sáng hàng ngày mà tôi phải phi xe hết một vòng thị xã nho nhỏ này mới mua được.
Suốt mười mấy năm, từ ngày tôi biết đi xe đạp đến giờ. “Cháu định đi đâu?”.
“Cháu cũng chưa biết chắc nữa, chắc sẽ đi một vệt dọc Duyên Hải miền Trung rồi
lên Tây Nguyên, có khi sẽ đến miền Tây sông nước”. Nội gác đũa: “Một mình ư?”.
“Dạ, cháu một mình”. Tôi định thêm lời: cháu có còn ai nữa mà đi, nhưng rồi
thôi vì nội có vẻ buồn lắm, buồn hơn nỗi buồn đeo đẳng quanh nội suốt mấy chục
năm qua. “Cháu xin nghỉ ở cơ quan được một tháng. Đồ đạc, thực phẩm cần thiết của
nội cháu đã mua sẵn và sắp xếp đúng vị trí, nội cần gì cũng có. Bà Vy bên hàng
xóm thi thoảng sẽ sang dọn dẹp nhà cửa giúp nội, có việc gì khẩn cấp thì nội
báo cho thằng Tín, bạn cháu. Số điện thoại di động của nó có trong tờ ghi
chú...”. Nội xua xua tay, hai bàn tay với ngón dài thanh mảnh đẹp như tay con
gái: “Rồi, nội biết rồi, nội tự lo được cho mình”. Mắt nội chớp chớp nhìn chú
Nâu, chú Nâu nhìn tôi dò xét, ý hỏi sao cậu chủ lại bỏ ông mà đi? Im lặng bao
trùm. Nội, tôi, Nâu, mọi vật tĩnh tại. Chỉ có tiếng đồng hồ đang “thở”. Rồi nội
cũng “thở” được một câu chậm rãi, nhẹ tênh, xa vắng như tiếng của chiếc kim giờ:
“Không phải vì chuyện buồn với con Trâm mà cháu bỏ đi đấy chứ?”. Tiếng cười của
tôi phát ra từ một cái rùng mình: “Đâu có chuyện đó nội, sau vụ ‘cãi’ cho một
Công ty liên doanh của Mỹ tại thành phố, con thành công và bại sức nên ông giám
đốc cho con nghỉ. Đây là cơ hội để con nghỉ ngơi, du lịch mà...”. Nội tôi cũng
“rót” ra tí tách được nụ cười hiền: “Ừ, thế à...”. Con Nâu vẫn dò xét tôi bằng
đôi mắt to vời vợi: “Sao cậu chủ không đem ông chủ theo? Sao cậu chủ chỉ biết
vui một mình?”. Tôi vội kéo ghế đứng dậy, xóa câu hỏi của con Nâu trong đầu. Nó
làm sao hiểu được lòng tôi.
Đoàn tàu phăng mình vào đêm tối. Mọi cánh cửa đều đóng
kín. Tôi cố hình dung bên ngoài đang có gì. Thì chắc là những cánh đồng lúa
đang lên xanh rượi, là cồn cát trắng bạo ngược nhô lên nước, là vách núi lởm chởm
dây leo... Lạnh quá. Người nào đó ở giường bên chỉnh nhiệt độ của chiếc máy lạnh
thấp phải quãng 18 độ c. Tôi muốn cắt phéng cục trăng trắng đang ban phát lạnh
lẽo kia đi, mở toang cánh cửa cho gió núi, sương đồng tràn vào. ở công ty tôi,
một công ty luật của nước ngoài, tất cả mọi người đều quen ngồi phòng máy lạnh.
Thậm chí họ chịu lạnh rất giỏi. Đầu tiên, ngày mới bước vào căn phòng đóng băng
ấy, tôi nhìn xung quanh một bầy cánh cụt, con nào con nấy mũm mĩm, phì phạch.
Cánh cụt cái có vẻ già nhất đưa cánh đập đánh “phập” vào vai tôi: “Lạnh quá hả?
Ai bảo gầy làm gì? Thôi, cố chịu ngồi đây vài tuần là quen ngay, có khi lại béo
lên để thích ứng với thời đại điều hòa ấy chứ?”. Giọng nghe cứ lơ lớ, mùi mùi.
Cánh cụt này rõ là người Việt Nam mà. Vừa lúc đó, điện thoại réo, cánh cụt già
nhấc máy nhanh như chớp và xì là xì lố nhanh như chớp chảo. Hèn gì tiếng Việt lại
ngai ngái, mùi mùi thế kia. Được vài tuần, đúng là tôi quen với Bắc Cực và những
con cánh cụt. Sau 5 giờ chiều, thoát khỏi Bắc Cực, tôi hân hoan thấy mình thành
khuyên ưng, công cò, sáo sậu dù không còn giữ được vẻ mảnh khảnh như xưa mà đã
tròn lên để thích nghi “thời đại điều hòa”. Tôi đã đem sự ví von của mình kể
cho Trâm, nàng cắn vào vai. Cái cách nàng cắn vừa đau vừa thích, lại vừa buồn vừa
vui, như đang dấm dẳng, lo lắng điều gì. “Mai mốt anh thành cánh cụt đực thì phải
tìm cánh cụt mái để xứng đôi vừa lứa, còn cần gì cành liễu mềm dễ gãy này nữa...”.
“Không, anh mãi mãi là khuyên ưng đậu cành liễu rủ”. “E rằng cánh cụt chê liễu
nhỏ, liễu mềm, sợ gãy rớt hồ nên đành đoạn phân ly...”. Tôi ôm chặt nàng vào
lòng: “Đúng là cô giáo dạy văn có khác, lãng mạn, nhạy cảm hết chỗ nói”. “Đâu
có, em làm sao nhạy cảm, lãng mạn bằng anh được. Em đâu biết làm thơ tình hay
như anh”. Nàng rúc rích cười trên gáy tôi. Tôi bỗng rợn người khi nghĩ đến việc
sáng mai lại ở chung với bầy cánh cụt núc ních. Và rợn người khi thảng hoặc
trong đầu ý nghĩ cành liễu gãy rớt mặt hồ mênh mông.
Số tôi không khá thật. Linh cảm nhiều lúc đúng kỳ lạ.
Cành liễu không gãy nhưng tôi thành cánh cụt và liễu không cho đậu trên mình nữa.
Liễu vốn quá nhạy cảm và yếu đuối. Tự trọng, kiêu ngạo cũng quá đỗi. “Rõ ràng
em nhìn thấy anh ôm eo cô ta từ trong quán karaoke bước ra”. “Đây là một cánh cụt
trong công ty anh. Hôm đó cả công ty đi hát chứ có phải mình anh và cô ấy đâu”.
“Nhưng sao anh lại ôm cô ta?”. “Cánh cụt ôm anh chứ anh đâu trèo kéo gì”. “Thế
cô ta ngồi áp sát sau xe anh, anh quay lại véo vào má cô ta thì sao?”. “Ừ...
à... chắc lúc đó anh say rượu”. Liễu rũ vươn thẳng lên: “Dù sao anh đã trở
thành cánh cụt đực mà em chỉ là cành liễu nhỏ bé, tàn lay. Vĩnh biệt anh”.
“Trâm, sao em lại thế, anh chỉ có mình em thôi, anh xin em...”. “Sao, anh muốn
hại gãy cành liễu vì thân hình to béo của mình đậu trên đó ư?”. Thế là tan tành
giấc mơ khuyên ưng liễu thổi. Cánh cụt tôi giam mình xứ Bắc Cực vốn lạnh lẽo giờ
càng lạnh lẽo thêm.
Hai tuần trôi đi dọc theo những triền cát nóng cùng phi
lao gió hát dọc Duyên Hải miền Trung. Gặp vài ba bạn học chung ngày xưa trường
Luật. Kẻ có chồng, có vợ, kẻ cô đơn. Thẩm phán, thanh tra, luật sư và cả tiểu
thương. Không hiểu sao tôi cứ ngờ ngợ họ toàn là cánh cụt. Cánh cụt sống ở vùng
quanh năm nắng nóng. Cũng hai tuần giấc mơ u ám bám đuổi tôi mấy năm nay không
trở lại. Chiều hôm, điện thoại cho Tín, nó bảo nội tôi khỏe mạnh bình thường. Nội
nhắn nếu tôi gọi điện cho Tín thì Tín nhớ nhắc tôi về kịp ngày lễ Vu Lan. Suýt
tôi quên mất. Còn chín ngày nữa. Năm nào nội tôi cũng làm lễ Vu Lan rất to. Nội
bảo mình phải báo hiếu cho ông bà, cha mẹ nơi suối vàng và cầu siêu cho những
linh hồn oan khuất, nhất là bố tôi, một người chết trẻ. Năm nào nội cũng tự tay
cắt cho bố tôi mấy bộ áo quần lộng lẫy và bao nhiêu đồ dùng khác. “Sao nội
không ‘may’ áo quần cho mẹ cháu?”. “À... hồi mẹ cháu mất đã đốt, chôn theo rất
nhiều áo quần nên còn đủ mặc. Còn bố cháu độc mỗi bộ áo quần trên người. Bố
cháu bị chết đuối ngoài biển khơi, không tìm thấy xác”. Nội tôi run run đôi bàn
tay cầm kéo. “Sao mẹ con lại mất đúng vào ngày Rằm tháng Bảy hả nội? Người ta bảo
mất vào ngày này là không có giỗ đấy”. “Ừ... thì trùng hợp ngẫu nhiên thôi mà
cháu”. Giọng điệu nội có gì đó thật mơ hồ. Những từ ngữ lừng chừng, khập khoẹ.
Tôi nhớ như in giỗ bố tôi ngày Rằm tháng Năm. Bao giờ nội cũng nhắc nhở, chuẩn
bị trước cả tháng trời. Còn giỗ mẹ tôi, chẳng bao giờ nội nhắc, nội chỉ chuẩn bị
cho ngày được gọi là lễ Vu Lan mà thôi. Không dám gặng hỏi nội, tôi đành găm
mình trong nỗi buồn, trong hoài nghi và mất mát của tâm linh.
Chiếc xe tốc hành trườn bươn bả trên những dốc đèo lên xứ
cao nguyên. Lắc lư, lắc lư, ánh vàng vọt của đèn ngủ soi lờ mờ từng khuôn mặt
đang gà gật. Tôi nổi da gà. Phệt ngang qua suy nghĩ của tôi là một bãi tha ma.
Có lẽ tôi phải nhắm mắt và gà gật theo họ thôi. Nhắm thật chặt để khỏi nhìn thấy
màu vàng đang choán ngự. Căn nhà chênh vênh trên sườn đồi, người đàn bà thoắt ẩn
thoắt hiện bên khung cửa sổ có bình huệ trắng... Giấc mơ lại trở về. Nhưng lần
này bà ngồi thật lặng. Gió thốc tung cả vạt đồi mà mắt bà không chớp, mái tóc
xõa dài náu yên bên khuôn mặt trắng thanh thoát như bông huệ trong bình. Người
đàn bà câm lặng, trân trối. Xe gặp ổ gà lao chồm lên, trong khoảnh khắc tôi thấy
người đàn bà mấp máy đôi môi, giờ bàn tay nhìn tôi như muốn nói điều gì. Xe khựng
lại. Nổ lốp trước rồi. Người đàn bà vụt biến. Tôi vã mồ hôi. Trăm ngàn giấc mơ
đã qua hằng đêm trong cuộc đời tôi gần mười năm nay nhưng đây là lần duy nhất
bà cử động, mấp máy môi và giơ tay. Chiếc xe chết tiệt! Nếu không có thể tôi đã
biết người đàn bà huệ trắng muốn nói gì. ấy là tên mà tôi đặt cho bà. Người đàn
bà huệ trắng của riêng tôi, trong thế giới của tôi, không ai biết.
Tôi ở Đà Lạt đã hai ngày. Người đàn bà huệ trắng không trở
lại dù tôi luôn mong chờ. Cảm giác buồn bã xâm chiếm cõi lòng tôi. Cô đơn và lạnh
lẽo khủng khiếp. Như linh hồn của xứ cao nguyên mờ ảo này. Tôi hoang mang chính
mình. Có điều gì lạ lắm. Lang thang khắp mọi ngõ ngách Đà Lạt, tôi đi như người
mộng du. Gặp bất cứ ngôi nhà nào chênh vênh sườn đồi cửa sổ mở, tôi cũng ngước
nhìn. Lòng tôi chênh vênh quá đỗi. Tôi hy vọng dù chẳng biết mình hy vọng chuyện
gì.
Sáng sớm một ngày mưa se sắt. Tôi bỗng muốn mua một ôm huệ
trắng về cắm trong phòng. Biết đâu có huệ, người đàn bà của tôi sẽ trở về. Tìm
mãi mới thấy một hàng hoa có bán huệ lơ thơ vài bóng người đang chọn hoa. Tôi
nói với bà cụ bán hàng: “Bà lấy cho con một ôm huệ trắng”. Nhanh đến hư ảo, một
ánh mắt lướt ngang qua tôi, tôi như bị điện giật. Đôi tay đang ôm những cành huệ
trắng muốt của người khách mua hoa sát cạnh tôi run rẩy làm rớt những bông lao
xao. Tim tôi xôn xao. Người đàn bà huệ trắng của tôi, đang ngay sát cạnh tôi,
chiếc khăn trùm đầu kia, bộ váy màu trắng kia... Trời ơi! Linh thiêng! Người
đàn bà vụt chạy. Tôi ngơ ngác giây lát và chạy theo. Đồi thoai thoải, bước chân
người đàn bà ráo riết, tiếng guốc gõ trệch trạc. Căn nhà chênh vênh có cửa sổ
màu xanh kia rồi, nhưng bình huệ trắng héo rũ. Người đàn bà quợ xuống nơi cánh
cửa. Tôi lao đến ôm xốc lấy bà. Người bà lạnh nhưng tôi thấy được hơi ấm, hơi ấm
tôi chưa biết bao giờ. Bỗng nhiên, một tiếng nói trào ra khỏi lồng ngực xé
toang ngăn cách “Mẹ!”. Đôi tay người đàn bà huệ trắng dang rộng tựa cánh thiên
thần đón tôi vào thương yêu thiêng liêng. “Đã bao đêm mẹ mơ thấy con, mẹ mơ thấy
ngày được gặp con. Con là thằng cu Giao bé bỏng của mẹ đây mà...”. Mềm oặt
trong tay tôi, da xanh nhợt, bà ngất xỉu. Phố núi bừng lên lóng lánh trong làn
sương hư ảo.
Còn đúng hai hôm nữa đến Rằm tháng Bảy. Người đàn bà huệ
trắng đã hồi phục phần nào. Bác sĩ bảo bà bị bệnh tim đã lâu, gặp xúc động thường
hay đột quợ. May mà kịp. Tôi đưa bà về căn nhà chênh vênh. Bình huệ trắng đã rụng
hết những cánh tàn xuống mặt bàn, trơ lại mấy cọng xác xơ. Tôi thu dọn kỹ càng,
nhặt nhạnh từng mẩu hoa, rửa sạch chiếc bình. Mẹ tôi - vâng - mẹ tôi - người
đàn bà huệ trắng nở nụ cười roi rói trên môi. Cả rừng ánh sáng hắt lên từ nụ cười
của mẹ. “Từ nay mẹ được hồi sinh, mẹ không phải mua hoa huệ để lên bàn thờ mình
mỗi ngày nữa rồi. Nhưng Giao... con có tha thứ cho mẹ không? Mẹ là phù thủy, mẹ
là người đàn bà độc ác...”. Tôi nắm chặt hai tay mẹ nức nở. Mẹ ơi, con không
tin mẹ độc ác. Mà cho dù mẹ có làm gì đi nữa thì mẹ vẫn vô cùng linh thiêng đối
với con. Đêm Đà Lạt tự dưng quang đãng lạ lùng. Im phăng phắc. Mẹ khẽ khàng ve
vuốt từng sợi tóc tôi lần về quá khứ. “Mẹ đã bỏ bố con đi theo ông họa sĩ khi
con mới chỉ hơn hai tuổi. Học Tổng hợp Văn, mẹ vốn lãng mạn, yếu ớt và vô cùng
nhạy cảm. Nhiều lúc mẹ thấy cô đơn khi xung quanh đầy ắp, rộn rã tiếng cười. Bố
con cứ biền biệt xa nhà với những công trình khảo cổ của mình. Mẹ chông chênh
quá đỗi. Nội con lại quá khắc nghiệt. Rồi ông họa sĩ đã đánh cắp trái tim mẹ,
thổi bùng lên trong mẹ bao đam mê tưởng quá xa vời. Người đàn bà trong mẹ vùng
vẫy bạo liệt. Mẹ bỏ nhà theo ông họa sĩ khi con vừa cai sữa. Trong mẹ lúc ấy chỉ
có khao khát được sống cho chính mình, hình bóng con thật mờ nhạt. Ông họa sĩ
và mẹ đã chênh vênh bên nhau ở sườn đồi cao nguyên này từ ngày ấy. Thời gian ngắn
sau, mẹ nghe tin bố con mất và cũng là khi mẹ phát hiện mình bị bệnh tim. Mẹ những
tưởng mình không qua khỏi. Ông họa sĩ rất yêu mẹ, chăm lo, săn sóc thương mến
vô cùng. Nhưng mẹ nhớ con, hình bóng con tràn ngập tâm tưởng mẹ. Mẹ đánh tiếng
muốn về xin nội mang con đi. Nội con trả lời: ‘Nếu còn nghĩ được mình là người
mẹ thì đừng bao giờ quay về hay liên lạc với ông cháu tôi nữa. Bố mẹ nó đã chết
cả rồi’. Mẹ biết tính nội. Nội đã nói là làm, khó ai lay chuyển nổi. Những cơn
đau tức hành hạ thể xác và tâm hồn mẹ ròng rã. Mẹ cầu nguyện cho con, dò la tin
tức của con hàng ngày. Nhưng rồi nội con bỏ Hà Nội đi. Mẹ bặt vô âm tín. Không
có ông họa sĩ, chắc mẹ đã đi từ căn nhà chông chênh này xuống suối vàng mấy chục
lần có thừa. Mẹ thường thấy con mỗi đêm. Con nhìn mẹ vừa xa vừa gần, muốn với
tay ôm con mà không thể nào đụng tới. Rồi mẹ thấy nội con nói đúng, tốt nhất mẹ
nên ‘chết đi’ với con và nội. Bình huệ trắng án ngữ trong phòng mẹ từ đấy. Mẹ tự
‘cúng’ mình mỗi ngày, cứ mỗi lần như vậy mẹ thấy được cứu rỗi, bớt được một
chút lỗi lầm với con. Tai họa lại ập xuống, số mệnh mẹ chao nghiêng. Ông họa sĩ
lâm bạo bệnh qua đời. Vành xô trắng quặn đau tóc mẹ. Mẹ thui thủi một mình
trong căn nhà chông chênh với lay lắt buồn phiền, day dứt lầm lỗi. Nhưng tự
nhiên mẹ thấy hy vọng, mẹ biết con sẽ tìm thấy mẹ, mẹ biết sự linh thiêng sẽ
ban phát cho mẹ hạnh phúc...”. Mái tóc tôi đẫm nước mắt mẹ, một thứ dầu gội
linh thiêng nhất cõi đời. Tôi thức suốt đêm nhìn mẹ ngủ. Mẹ ngủ ngon lành như một
đứa trẻ, mãn nguyện và siêu thoát. Chiếc gạt tàn đầy ắp mẩu thuốc lá. Lần đầu
tiên tôi hút thuốc.
Giọng Tín hốt hoảng khi nhận ra tôi: “Mày đang ở đâu vậy,
sao chưa về? Nội mày gọi tao liên tục, có vẻ lo lắng lắm. Về nhanh lên”. Tôi khẩn
nài bạn: “Có việc rất hệ trọng xảy đến với tao. Bây giờ mày đến nhà tao, tao muốn
nhờ điện thoại của mày nói chuyện với nội. Ba mươi phút nữa nhé”. Tôi kể hết, kể
không sót một chi tiết nào. Nội im lặng rất lâu. Và chậm rãi. Chậm rãi như chiếc
kim giờ, nói thoảng trong hư không. Nhưng tôi hiểu nội đang mừng, mừng trong nỗi
đau: “Nội có lỗi với cháu. Ngần ấy năm trời lặng thinh mặc cho cháu hoài nghi.
Nội đã mất đi đứa con trai độc nhất. Bố cháu lao mình xuống biển tự vẫn vì đau
khổ chứ không phải bị ngã như người ta nghĩ. Chỉ có nội biết điều đó. Mẹ cháu
đã giết đứa con trai độc nhất của nội. May mà nội còn có cháu. Làm sao nội có
thể tha thứ cho mẹ cháu, làm sao nội có thể cho cháu gặp lại người đàn bà ấy được.
Khi cháu khôn lớn, nội đã bày cái trò giỗ mẹ vào ngày lễ Vu Lan để che đậy sự
thật. Ngày báo hiếu ấy đường nào chả phải cúng. Nhiều khi nội thấy mình ích kỷ.
Nhưng nội phải làm thế, nội không có cách nào khác. Mai là ngày lễ Vu Lan đấy
cháu à...”. Tiếng cuối cùng tôi nghe trong điện thoại tựa như tiếng cười của nội.
Tiếng cười đau đớn.
Tôi cứng đơ ở buồng điện thoại công cộng. Ráng chiều úa đỏ
trên sườn đồi. Tôi nghĩ đến bầy cánh cụt. Tôi muốn về Bắc Cực làm chim cánh cụt
béo tròn, lạch bạch phởn phơ trong dòng thời gian. Tôi nhớ cành liễu rũ. Ước ao
được nhảy nhót trên mỏng manh ấy và ngủ ngon giữa dịu dàng, dịu dàng.
Năm 1999
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét