TRANG TỬ NAM HOA KINH: CHƯƠNG 4 - NHÂN GIAN
THẾ - THẾ GIAN 莊子 南華經
Vương Tiên Khiêm tóm
tắt ý nghĩa chương này như sau: Nhan đề “Nhân gian thế” có nghĩa là “dương thế”
- tức xã hội thời đại Trang tử. Thiên này bảo: Phục vụ một ông vua bạo ngược,
sống trong cái xã hội loạn lạc, ô uế, giao thiệp với người khác, tiếp xúc với
sự vật, đừng nên cầu có tiếng tăm mà nên ẩn danh, che giấu bớt đức hạnh của
mình đi, như vậy mới bảo toàn được tính mạng và đạo của mình. Tóm tắt cả chương
chỉ dạy ta cách bảo toàn được thân trong thời loạn. Thâm thuý nhất là câu cuối
của chương: “Nhân giai tri hữu dụng chi dụng, nhi mạc tri vô dụng chi dụng dã”.
1
Nhan Hồi hỏi Trọng Ni [tức Khổng tử]
- Anh tính đi đâu?
- Con đi qua nước Vệ.
- Để làm gì?
- Con nghe nói vua Vệ [Vệ Trang Công] đương
tuổi tráng niên, hành vi độc đoán, coi thường việc nước, không thấy lỗi của
mình, coi thường mạng dân, người chết đầy đất, nhiều như cỏ khô trong đồng
cháy, dân không biết đi đâu. Con đã từng nghe thầy bảo: “Nước nào đã bình trị
thì mình nên bỏ mà đi, nước nào loạn thì mình nên tìm tới”. Như một thầy lang thấy
bệnh nhân là trị [172]. Con theo lời dạy của thầy mà mong lại cứu nước Vệ được
phần nào chăng?
Trọng Ni bảo:
- Lại đó để mà bị giết à? Đạo thì không nên
tạp, tạp thì hoá phiền toái, phiền toái thì gây hỗn loạn, hỗn loạn thì gây lo
lắng, mà không thể cứu được. Hạng “chí nhân”[173] thời xưa giữ vững đạo mình
rồi sau mới giúp người khác. Đạo của anh chưa được vững mà sao sửa được hành vi
tàn bạo của người khác [tức vua Vệ].
Lại thêm, anh biết tại sao “đức” sở dĩ bại
hoại, còn mưu trí do đâu mà ra không? Đức bại hoại do hiếu danh, mưu trí phát
ra do thích tranh đua. Hiếu danh gây ra sự khuynh loát lẫn nhau, mưu trí tạo ra
những phương tiện để tranh dành. Hai cái đó đều là những khí cụ bất tường;
không làm cho hành vi con người được tận thiện [174].
Đức cao và lòng chân thành không đủ để thắng
được tính khí của người; danh tốt và tinh thần hiếu hoà vị tất đã cảm được lòng
người; nếu anh cố lấy những lời nhân nghĩa, phải đạo mà thuyết con người tàn
bạo ấy, thì tức là lấy cái xấu của họ để làm nổi bật cái tốt đẹp của mình, như
vậy là “bừa” người ta như bừa cỏ. Bừa người ta thì bị người ta bừa lại, thầy
ngại rằng anh sẽ bị hãm hại mất.
Giả sử vua Vệ yêu người hiền mà ghét người ác,
thì cũng đâu đặc biệt cần tới anh [vì nước Vệ có nhiều bậc hiền tài rồi]. Anh
không can gián thì thôi, nếu can gián thì vua Vệ sẽ nhân kẽ hở của anh mà đả
anh[175]; anh mà chịu thua thì mắt anh sẽ hoa lên, nét mặt anh sẽ dịu xuống,
miệng anh sẽ tìm cách bào chữa, thái độ anh sẽ phục tòng, anh sẽ thuận theo ý
ông ta. Như vậy không khác gì dùng lửa để diệt lửa, dùng nước để ngăn nước, chỉ
tăng thêm tội ác của ông ta. Còn nếu như anh nhất định một lòng can gián, mà
không được ông ta nghe thì nhất định sẽ bị ông giết.
Xưa, vua Kiệt giết [hiền thần là] Quan Long
Phùng; vua Trụ giết [chú là] Vương tử Tỉ Can[176]. Những bậc đó ở địa vị thấp
làm trái ý vua để bênh vực dân chúng, bị vua hãm hại chính vì hiền đức của họ.
Ham danh thì hậu quả như vậy đó.
Xưa vua Nghiêu đánh các nước Tùng Chi[177] và
Tư Ngao; vua Vũ đánh nước Hữu Hổ. Ba nước đó bị tàn phá, dân chúng bị diệt, vua
bị giết, vì vua của họ dùng binh lực để cướp bóc các nước láng giềng mà làm
giàu. Vừa hiếu danh vừa tham lợi thì hậu quả như vậy đó. Anh không biết điều đó
ư? Dẫu bậc thánh nhân cũng không khắc phục được lòng ham danh và lợi, huống hồ
là anh. Nhưng có lẽ anh đã có kế hoạch nào đó rồi, thử nói cho thầy nghe nào.
Nhan Hồi đáp:
- Con sẽ rán cung kinh mà khiêm nhường; cương
quyết mà chuyên nhất, như vậy được không?
- Không được, vì vua Vệ tự mãn mà tính tình
bất thường; không ai dám làm trái ý ông ta; ông ta áp đảo thiện ý của người
khác để làm theo ý mình. Con người đó, những thói tốt hằng ngày có thể sửa tính
được, mà còn không chịu theo thì làm sao thực hành được đức lớn?[178] Ông ta
tất sẽ cố chấp, không chịu sửa đổi. Nếu ông ta bề ngoài tán đồng anh, mà trong
lòng không phản tỉnh[179], thì anh dùng phương pháp đó có ích lợi gì?
- Nếu vậy thì con dùng cách “trong thẳng mà
ngoài cong”[180] của cổ nhân. Kẻ nào “trong thẳng” là môn đệ của trời; môn đệ
của trời thì cho vua với mình cũng là con của trời. Là con trời thì đâu cần
người khác phê phán ngôn luận của mình là phải hay trái. Thuận với tự nhiên như
vậy thì giữ được thiên chân như đứa bé, nên người ta gọi là em bé, mà em bé là
môn đệ của trời.
Kẻ nào “ngoài cong” là môn đệ của người. Hai
tay chấp lại, cầm cái hốt, quì xuống, cúi đầu, đó là bầy tôi giữ lễ với vua.
Mọi người giữ lễ đó, làm sao con dám không giữ? Làm như mọi người thì không ai
trách mình. Như vậy là môn đệ của người.
Kẻ nào hành động như cổ nhân thì là môn đệ của
cổ nhân; kẻ đó chỉ lập lại những lời của cổ nhân can ngăn vua, nhưng đó là lời
của cổ nhân chứ không phải lời của chính mình; cho nên dù có cương trực thì
cũng không có tội vì chỉ là theo cổ nhân thôi mà.
Con tính làm như vậy, thầy nghĩ có nên không?
Trọng Ni đáp:
- Không. Biện pháp của anh nhiều quá mà không
thông đạt. Anh chỉ tính làm sao cho khỏi bị tội, như vậy cảm hoá nhà vua sao
được?
- Con hết cách rồi. Xin thầy chỉ cho con có
biện pháp nào nữa không?
- Anh trai giới đi rồi thầy sẽ chỉ cho. Làm
theo thành kiến mà dễ thành công là trái với lẽ trời.[181]
- Nhà con nghèo, đã mấy tháng nay con không
uống rượu, không ăn thịt, như vậy có thể gọi là trai giới được không?
Trọng Ni bảo:
- Đó là trai giới để tế lễ, không phải là trai
giới của tâm (tâm trai).
- Thưa thầy, thế nào là trai giới của tâm?
- Anh tập trung tinh thần, không nghe bằng tai
mà nghe bằng tâm, không nghe bằng tâm mà nghe bằng cái khí. Tai chỉ nghe được
thanh âm, tâm chỉ lãnh hội được hiện tượng, khí vốn hư cho nên dung nạp được
vạn vật. Đạo ở chỗ hư không, cho nên bảo “hư không” là trai giới của tâm.
- Con khi chưa biết được sự trai giới của tâm
thì chỉ cảm thấy có mình thôi, khi đã biết rồi thì không thấy có mình nữa[182].
Như vậy có phải là “hư không” không?
- Phải, sự kì diệu của chỗ trai giới của tâm
là như vậy đó. Thầy bảo anh này: anh có vô nước Vệ thì đừng nên động tâm vì
danh lợi[183]. Vua Vệ có nghe lời anh thì anh hãy nói, không nghe thì anh đừng
nói. Đừng cho họ thấy kẽ hở của mình, công kích được mình, cứ hư tâm mà đợi khi
nào không thể không nói được hãy nói, như vậy là gần đạt được Đạo.
- Đi mà không chạm đất là điều khó hơn không
để lại một vết chân nào trên đất[184]. Giúp việc cho người thì dễ gian dối,
giúp việc cho trời thì khó gian dối[185]. Thầy nghe nói có cánh thì bay được,
chưa hề nghe nói không cánh mà bay được; nghe nói dùng trí tuệ thì đạt được tri
thức, không nghe nói không dùng trí tuệ mà đạt được tri thức[186]. Từ cái hư
không của tâm thần mà phát ra ánh sáng; cái phúc ở cả trong sự hư tĩnh của tâm
thần. Tâm thần không hư tĩnh thì gọi là “ngồi mà dong ruổi” (toạ trì: thân thể
ngồi yên mà tâm thần thì lang thang). Người nào có thể khiến cho tai, mắt thành
những cảm quan hướng nội mà thông suốt, mà không dùng tâm trí, thì dù quỉ thần
cũng phải qui phục, huống hồ là người? Đó là phép thích ứng với mọi biến hoá
của vạn vật, cái nút, cái chốt của sự sáng suốt của ông Vũ, ông Thuấn, cái qui
tắc xử sự xuất đời của Phục Hi, Kỉ Cừ[187] huống hồ là bọn người thường.
2
Viên đại phu nước Sở họ Diệp [tên Chư Lương],
hiệu là Tử Cao, sắp phải đi sứ nước Tề, lại hỏi Trọng Ni:
- Vua Sở phó thác cho tôi một sứ mệnh quan
trọng. Vua Tề đối với các sứ thần các nước ngoài thường tỏ ra rất cung kính,
nhưng rốt cuộc chẳng chịu giúp gì cả. Thuyết phục một người thường đã là khó
rồi, huống là một ông vua chư hầu. Tôi ngại quá. Thầy tướng bảo Chư Lương tôi
rằng: “Việc bất luận là lớn nhỏ, ít có việc nào không gây tai hại[188]. Nếu
không thành công, thì nhất định là chịu sự trừng phạt của người trên; nếu thành
công thì chịu cái “hoạ của âm dương” [nghĩa là phải lo lắng, lao tổn tinh
thần], bất luận là thành công hay không thành công mà không gây tai hại, thì
chỉ bậc hiền đức mới được vậy”.
Tôi bình thường ăn uống đạm bạc, không cầu món
ngon, không cần phải giải nhiệt [vì không ăn những đồ bổ mà sinh nóng]. Vậy mà
sáng được vua giao cho sứ mệnh thì buổi chiều tôi phải uống nước đá [nước đóng
băng] vì lo lắng mà hoá ra nóng trong mình. Chưa thi hành sứ mệnh mà âm dương
bất hoà như vậy, nếu sứ mệnh mà thất bại thì bị thêm hình phạt của vua nữa. Làm
sao chịu nổi hai nỗi ưu hoạn đó? Làm sao trọn được đạo bề tôi bây giờ? Thầy có
điều gì khuyên tôi không?
Trọng Ni đáp:
- Trên đời có hai luật chính là mệnh trời và
bổn phận. Con yêu cha mẹ, đó là mệnh trời vì đó là thiên tính cố kết trong lòng
đứa con. Bề tôi thờ vua, đó là bổn phận; bất luận thời nào, ở đâu, cũng bị sự
thống trị của vua[189] không sao tránh khỏi được, cho nên đó là một luật lớn.
Con thờ cha mẹ thì phải thích ứng với mọi hoàn cảnh, như vậy là chí hiếu; bề
tôi thờ vua phải chấp nhận mọi sự nguy hiểm, như vậy là tận trung. Người nào
làm việc hết lòng thì vui hay buồn cũng không đổi lòng. Biết rằng sự thể không
thay đổi được mà an mệnh chấp nhận nó, như vậy là chí đức [có đức tuyệt cao].
Phận làm tôi, con, thế nào cũng có những điều không được như ý, phải miễn cưỡng
làm tròn bổn phận mà quên mình đi, như vậy đâu còn tham sống sợ chết nữa? Ông
cứ làm sứ mệnh được giao phó đi.
Tôi đã được nghe điều này, xin kể lại: trong
việc giao tế với nhau, nếu ở gần nhau thì do tiếp xúc hàng ngày mà tin nhau; nếu
ở xa nhau thì chỉ căn cứ vào những lời trung thực của nhau. Những lời này do
một người thứ ba truyền đạt. Truyền đạt những lời vui vẻ hoặc giận dữ của hai
bên, là một công việc cực khó. Vì hai bên muốn làm vui lòng nhau thì họ tâng
bốc nhau lên; nếu giận nhau thì họ không tiếc lời trách móc nhau. Cái gì quá
mức tất không đúng sự thực, không làm cho người ta tin được. Người nào truyền
đạt những lời gây lòng nghi ngờ thì tất gặp tai hoạ. Cho nên cách ngôn có câu:
“Truyền những lời bình thường thôi, đừng truyền những lời quá lố, như vậy may
ra bảo toàn được thân”.
Như người đấu võ, mới đầu nghiêm chỉnh lắm,
rồi sau mới dùng ngón ngầm, rốt cuộc sẽ dùng cả trăm quỉ kế để hạ đối phương.
Người uống rượu mới đầu lễ độ rồi sau say sưa, hỗn loạn, hoá ra phóng đãng. Mọi
việc đều như vậy: mới đầu nhã nhặn, rồi sau thô tục, mới đầu là chuyện nhỏ, sau
thành đại hoạ. Lời nói như sóng gió, mà việc truyền đạt thì có đắc có thất (lỡ
lời). Sóng gió dễ nổi lên, sự đắc thất cũng bất thường (như sóng gió) dễ sinh
ra nguy hiểm. Sở dĩ người ta nổi giận vì những lời nói quá của người kia. Con
thú bị dồn vào đường cùng, sắp chết, nổi giận hoá ra hung dữ với người thợ săn;
kẻ dưới bị người trên đối xử hà khắc quá thì cũng bất giác nảy ra ý hãm hại
người trên. Những ý nghĩ bất giác như vậy rồi sẽ đưa tới đâu?
Cho nên cách ngôn có câu: “Đừng sửa đổi mệnh
lệnh của vua. Đừng miễn cưỡng làm quá để thành công”. Cái gì vượt quá mức tức
là quá độ[190].
Sửa đổi mệnh lệnh, miễn cưỡng làm quá thì sẽ
hỏng việc. Cho nên giải pháp tốt nhất là phải thủng thẳng. Việc hỏng rồi khó
sửa lại được. Vậy chẳng nên thận trọng ư?
Nên vượt ra ngoài sự vật mà tiêu dao tự tại,
thuận theo lẽ tất nhiên để dưỡng tâm, đó là đạt được Đạo. Ông không cần thêm ý
kiến của ông, cứ làm theo lệnh của vua. Đó là một việc khó đấy[191].
3
Nhan Hạp (một người hiền nước Lỗ) được vời làm
sư phó cho thái tử của Vệ Linh Công, lại thỉnh giáo Cừ Bá Ngọc, bảo:
- Có một người bản tính tàn bạo, hiếu sát, để
cho nó làm theo ý nó thì tất hại cho nước tôi. Nếu ngăn cản nó thì nguy hiểm cho
tính mạng tôi. Trí tuệ của nó chỉ đủ để thấy người khác lầm lỗi mà không hiểu
tại sao họ lầm lỗi[192]. Đối với kẻ đó tôi phải làm sao bây giờ?
Cừ Bá Ngọc đáp:
- Câu hỏi của ông hay lắm. Ông nên cẩn thận,
giữ gìn đừng lầm lỗi. Ngoài mặt nên nhã nhặn, thân mật, trong lòng nên hoà
thuận. Như vậy vẫn có thể có tai hoạ được. Nhã nhặn, thân mật nhưng đừng nhu
nhược [dung túng kẻ đó phạm tội]; lòng hoà thuận nhưng đừng phô trương. Ai nhã
nhặn, thân mật tới nhu nhược, bị (kẻ ác) đồng hoá thì sẽ sa đoạ. Ai khoa trương
sự hoà thuận là muốn cầu danh, mưu mô hại người[193]. Học trò ông còn là một
đứa con nít thì ông cũng làm ra vẻ con nít như nó; nó hành động không có phép
tắc, ông cũng làm bộ không giữ phép tắc với nó; nó phóng đãng, ông cũng làm bộ
phóng đãng với nó; như vậy ông lần lần sửa đổi được nó.
Ông có thấy con bọ ngựa đưa càng lên định ngăn
chiếc xe không? Nó không thấy việc đó không thể làm được vì nó quá tự cao tự
đại. Ông phải coi chừng đấy. Phải thận trọng. Nếu ông khoe tài ông mà xúc phạm
học trò ông thì ông gần như con bọ ngựa đó.
Ông có biết người ta nuôi cọp ra sao không?
Người ta không dám cho nó ăn một con vật còn sống hoặc ăn trọn một con vật
chết, sợ như vậy sẽ kích thích bản tính hung dữ hiếu sát của nó.
Phải cho nó ăn đúng giờ, tuỳ theo nó vui vẻ
hay hung dữ mà thuần phục nó. Hổ không cùng một loài với người, nhưng biết
thuận theo tính tình nó thì nó cũng tỏ vẻ làm vui lòng người nuôi nó. Nó vồ
người nuôi nó chỉ vì người này làm trái tính nó.
Một người yêu ngựa tới nỗi dùng sọt hứng phân
nó, dùng vỏ sò lớn hứng nước tiểu nó. Một hôm muỗi bu trên mình ngựa, người đó
vô ý đập muỗi mạnh quá, ngựa kinh hoảng, cắn bể hàm thiếc, rồi làm nát đầu và
ngực người nuôi. Bản ý người đó tốt mà bị hại như thế đấy. Vậy ông chẳng nên
thận trọng ư?
4
Một người thợ mộc tên Thạch, qua nước Tề, tới
một chỗ tên là Khúc Viên, thấy trên nền xã (nơi tế thổ thần) có một cây “lịch”.
Tàn lá nó che được cả ngàn con bò, vòng thân nó tới cả trăm vi[194]; nó cao như
núi, lên khỏi mặt đất tám trượng rồi mới đâm cành. Có tới một chục cành lớn có
thể khoét làm thuyền được. Người ta ùn ùn kéo nhau tới coi, nhưng người thợ cả
không thèm ngó, cứ tiếp tục đi.
Người học trò tập nghề nhìn cây ấy một hồi lâu
lại nói với thầy: “Từ khi con theo thầy học nghề, chưa bao giờ con thấy khúc gỗ
lớn như vậy. Tại sao thầy không ngừng lại coi?
Người thợ cả bảo:
- Thôi, đừng nói nữa. Cây đó vô dụng. Dùng để
đóng thuyền thì thuyền chìm; để đóng quan tài thì quan tài mau nát; để làm cánh
cửa thì cánh cửa thấm nước; để làm đồ dùng thì đồ dùng mau hư; để làm cột nhà
thì cột nhà mau bị mối, mọt. Không dùng được việc gì cả. Chính vì nó vô dụng
nên mới thọ được như vậy.
Sau khi về nhà, người thợ cả nằm mê thấy cây
của thổ thần đó hiện lên bảo: “Tại sao chú cứ so sánh như vậy? Chú muốn ta
giống với những cây hữu dụng ư? Khi cây tra[195], cây lê, cây quất, cây bưởi có
trái chín thì chúng bị tàn phá, cành lớn bị bẻ gẫy, cành nhỏ bị vặt trụi. Vì
chúng hữu dụng nên khốn khổ suốt đời và chết sớm. Thế là tự chúng gây sự tàn
phá cho chúng. Những vật nào hữu dụng cũng đều như vậy cả. Đã từ lâu ta cầu
được vô dụng, mấy lần suýt chết, nay mới được như sở nguyện đấy. Sự vô dụng đó
rất hữu ích đối với ta. Nếu ta dùng được vào việc gì thì làm sao sống lâu mà to
lớn được như vầy? Chú và ta đều là sinh vật cả. Một sinh vật làm sao phán đoán
được một sinh vật khác?[196] Một người vô dụng sắp chết như chú làm sao biết
được thế nào là một cây vô dụng? Người thợ cả tỉnh dậy, kể lại giấc mộng cho
học trò nghe.
Người này hỏi:
- Cây đó đã cầu được vô dụng, thế thì tại sao
lại làm cây tượng trưng thổ thần?
Người thợ cả đáp:
- Im đi, đừng nói nữa. Nó tạm dựa vào thổ thần
như vậy để những kẻ không hiểu nó khỏi chê nó là vô dụng. Nếu nó không tượng
trưng cho thổ thần thì bị người ta đốn rồi còn gì? Cách tự bảo toàn của nó thật
khác thiên hạ; lấy thường tình mà chê trách nó, chẳng là sai lầm quá ư?
5
Nam Bá Tử Kì tới đồi Thương, thấy một cây lớn
lạ lùng, tàn nó có thể che cả ngàn cỗ xe bốn ngựa.
Ông ta tự hỏi:
- Cây này là cây gì? Nó dùng được vào việc gì
không? Từ dưới nhìn lên, những cành nhỏ cong queo của nó không thể xẻ thành cái
đòn, cái rường nhà được. Ngó xuống, cái thân to lớn nứt nẻ, đầy mắt của nó
không làm quan tài được. Liếm lá của nó thì miệng sẽ loét lỡ. Nó hôi thúi, chỉ
ngửi thôi cũng hoá điên, mê sảng suốt ba ngày.
Rồi Tử Kì tự kết luận:
- Cây đó thật vô dụng cho nên mới lớn được như
vậy. Bậc thần nhân cũng cầu được bất tài như cây đó.
6
Nước Tống, ở một nơi tên là Kinh Thị, mọc
nhiều cây thu, cây bách, cây dâu. Những cây mà thân vừa một chét tay, thì bị
đốn làm cọc cho khỉ. Những cây vừa một ôm thì dùng làm rường cột cho những nhà
lớn. To hơn nữa thì khoét làm quan tài cho những thương gia giàu có và các nhà
sang trọng. Vì vậy mà những cây đó bị búa rìu đốn, không hưởng hết tuổi thọ. Vì
chúng hữu dụng nên mới bị hoạ.
Thời xưa, bọn thầy pháp không dùng con bò trán
trắng, con heo mõm cong, và đàn ông bị bệnh trĩ liệng xuống sông để tế thần, vì
cho như vậy là bất tường. Nhưng chính thần nhân thì lại cho vậy là đại cát.
7
Xưa có một người hình thù kì quái: cằm thòng
xuống tới dưới bụng, vai nhô lên khỏi đỉnh đầu, xương sống đưa lên trời; ngũ
tạng [tức tâm, can, tì, phế, thận] nằm lộn ngược lên phía trên [trong ngực],
hai đùi đưa lên tới ngang sườn. Hắn may vá, giặt dịa cho người khác, đủ ăn. Hắn
vét hột trong các thùng lúa đủ nuôi mười người[197]. Khi có lệnh trưng binh,
hắn khoanh tay mà đi thong dong trong đám đông. Khi có lệnh bắt xâu, hắn được
miễn vì tàn tật. Khi nhà nước cứu giúp các người tàn tật thì hắn được ba
chung[198] lúa và mười bó củi. Một kẻ hình thù kì quái mà tự túc được và hưởng
hết tuổi thọ của trời, huống hồ là người làm bộ có đức tính kì quái.
8
Khổng tử qua nước Sở. Một người cuồng nước Sở
là Tiếp Dư[199] tới trước nhà Khổng tử, hát:
Con phượng kia, con phượng kia,
Sao mà đức suy như vậy?
Không thể biết trước[200] được tương lai,
Không thể trở lui được về dĩ vãng.
Khi thiên hạ thịnh trị
Thì thánh nhân thực hiện sứ mệnh mình.
Khi thiên hạ loạn lạc
Thì thánh nhân bảo toàn thân mình.
Như thời này thì chỉ cầu đừng bị hình phạt.
Hạnh phúc nhẹ hơn cái lông
Mà không biết ai biết nhận lấy nó.
Tai hoạ nặng hơn trái đất
Mà không ai biết tránh nó.
Thôi đi, thôi đi! Đừng mong lấy đức cảm hoá
người.
Nguy thay, nguy thay! Đừng tự làm khổ mình
nữa[201].
Gai góc, gai góc! Đừng ngăn bước đường của
ta[202].
Đi vòng, đi vòng quanh, đừng để gai đâm vào
chân.
9
Cây trên núi tự rước lấy búa rìu vào thân; mỡ
tự dẫn lửa nên phải cháy; cây quế ăn được nên bị lột vỏ, cây sơn nhựa dùng được
nên bị rạch vỏ. Ai cũng biết chỗ dùng được của vật hữu dụng, mà không biết chỗ
dùng được của cái vô dụng.
NHẬN ĐỊNH
Vương Tiên Khiêm tóm tắt ý nghĩa chương này
như sau: Nhan đề “Nhân gian thế” có nghĩa là “dương thế” [tức xã hội thời đại
Trang tử]. Thiên này[203] bảo: Phục vụ một ông vua bạo ngược, sống trong cái xã
hội loạn lạc, ô uế, giao thiệp với người khác, tiếp xúc với sự vật, đừng nên
cầu có tiếng tăm mà nên ẩn danh, che giấu bớt đức hạnh của mình đi, như vậy mới
bảo toàn được tính mạng và đạo của mình. Cuối thiên, Trang tử mượn lời của Tiếp
Dư:
Không thể biết trước được tương lai,
Không thể hối tiếc được về dĩ vãng.
để bày tỏ lòng mình…
Bài 1 chỉ cho ta phép can gián: phải hư tâm,
đừng tranh thắng, khi nào không thể không nói được thì hãy nói.
Bài 2 chỉ cách đi sứ, nói rộng ra là cách giao
tế: chỉ truyền lại những lời bình thường của người khác thôi, bỏ đi những lời
quá lố, làm đúng việc người ta giao phó cho, nhưng đừng mong thành công mà làm
quá, như vậy thì may ra bảo toàn được thân.
Bài 3 chỉ cách dạy người: phải thuận theo
thiên tính của họ, như nuôi cọp thì phải để ý tới tính hiếu sát của nó mà đừng
xúc phạm nó.
Từ bài 4 trở đi – trừ bài 8, bài người cuồng
nước Sở khuyên Khổng tử - bài nào cũng diễn ý này: muốn bảo toàn được thân thì
che giấu tài đức của mình đi, kẻ vô dụng, tàn tật lại là kẻ sống yên ổn nhất.
Tóm tắt cả chương chỉ dạy ta cách bảo toàn
được thân trong thời loạn. Thâm thuý nhất là câu cuối của chương: “Nhân giai
tri hữu dụng chi dụng, nhi mạc tri vô dụng chi dụng dã”[204].
Về sự chân nguỵ trong chương này, xin coi phần
I, chương II – Nên so sánh chương Nhân gian thế này với chương Sơn mộc, phần
III.
Chú thích :
[172] Dịch sát là: cửa nhà thầy lang thì có
nhiều bệnh nhân.
[173] Tức hạng đạt Đạo, đức rất cao.
[174] Nguyên văn: phi sở dĩ tận hành dã – Có
sách dịch là không làm tiêu chuẩn cho phép xử thế được.
[175] L.K.h dịch là: nếu anh không có gì để
can gián thì vua Vệ sẽ thấy anh làm thinh mà tỏ rằng ông ta thắng anh.
[176] Tỉ Can là chú ruột của vua Trụ, cũng là
con vua, nên gọi là Vương tử.
[177] Bài II.9 chép là Tông, Khoái (2 nước).
[178] H.C.H. dịch là: sao có thể dùng đức lớn
mà cảm hoá ông ta được?
[179] L.K.h. dịch là: nếu bề ngoài anh cúi đầu
trước mặt ông ta mà trong lòng không chỉ trích ông ta thì có ảnh hưởng gì tới
ông ta được.
[180] Nội trực, ngoại khúc nghĩa là bề ngoài
chiều đời, nhưng trong lòng vẫn giữ chủ trương của mình.
[181] Câu này mội sách giảng một khác. L.K.h.
dịch là: kẻ nào có thành kiến thì chẳng thấy công việc của mình dễ dàng ư? Trời
rực rỡ không hợp với kẻ đó (!)
[182] L.K.h. dịch khác: Con chưa đạt được cảnh
giới hư không ấy nên con vẫn còn là Nhan Hồi. Nếu con đạt được thì con sẽ không
còn là Nhan Hồi nữa.
[183] L.K.h. dịch là: Nếu anh gặp được vua Vệ
thì đừng động tâm vì địa vị của ông ta.
[184] D.N.L. và H.C.H đề dịch: không đi trên
đường là điều dễ, đi mà không để một vết chân trên đất là điều khó. Nguyên văn:
tuyệt tích dị, vô hành địa nan.
[185] H.C.H. dịch là: Làm việc người thì dễ,
vô tâm mà thuận theo tự nhiên là khó. D.N.L.: Ở đời mà có thành kiến thì dễ làm
bậy, không có thành kiến thì khó làm bậy.
[186] Nguyên văn: Văn dĩ hữu trí trí giả hĩ.
Chữ trí (trí tuệ) ở đây có lẽ nên hiểu là trực giác. Khi mình đã hư tâm được
rồi.
[187] Đời thượng cổ Trung Hoa không có ông vua
nào tên là Kỉ Cừ, cho nên Văn Nhất Đa, một thi sĩ kiêm học giả hiện đại, cho
hai chữ Kỉ Cừ là Nhân Toại, mà Nhân Toại là Toại Nhân (người đầu tiên dạy cho
dân tộc Trung Hoa dùng lửa) viết ngược.
[188] Nguyên văn: quả bất đạo, dĩ hoan thành.
Mỗi sách giảng một khác. L.K.h.: nếu không theo đạo mà thành công thì rất ít
việc, không sinh ra ân hận sau này. Lại có sách chú giải: rất ít việc không làm
đúng theo đạo mà rồi vui vẻ thành toại được. Chỉ vì chữ hoan đọc là hoan thì có
nghĩa là vui vẻ, mà đọc là quan thì có nghĩa là lo lắng.
[189] L.K.h. dịch là: kẻ bề tôi ở đâu cũng
không quên vua được.
[190] Nguyên văn: quá độ dật dã. Có sách bảo
chép lộn, phải đọc là: quá độ ích dã, và có nghĩa là: Quá độ là làm tăng mệnh
lệnh của vua.
[191] Đoạn này thực tối nghĩa. Mỗi sách giảng
mỗi khác.
[192] Nguyên văn: bất tri kì sở dĩ quá. D.N.L.
và H.C.H đều dịch là: không thấy lỗi của chính mình.
[193] Có bản dịch là: khiến cho người ta tranh
danh dự với mình, mà mưu mô làm hại mình. Nguyên văn: vi thanh vi danh, vi yêu
vi nghiệt.
[194] Một vi là mười trượng, như vậy là ngàn
thước, tức 1.000 x 0,2m: 200 mét ngày nay!
[195] Một loại như cây lê.
[196] Nguyên văn: nại hà tai? Có sách dịch là:
Sao chú lại muốn dùng ta?
[197] D.N.L. và H.C.H. đều dịch là làm nghề
bói và đoán số mệnh mà nuôi được mười người.
[198] Chung là một đơn vị bằng 6 hộc 4 đấu
(mỗi hộc là 10 đấu)
[199] Tiếp Dư: coi bài 3 chương I.
[200] Có sách dịch: đợi được, hoặc trông cậy
được.
[201] Dịch cho sát là: vẽ một vòng tròn trên
đất rồi nhảy vào đó mà đứng. L.K.h. dịch là: lựa một nước để phụng sự.
[202] Nguyên văn: vô thương ngô hành. Có sách
chú giải chữ hành đó là đầu hay gót chân.
[203] Tức chương này.
[204] Chữ Hán: 人皆知有用之用, 而莫知无用之用也. Chữ giai 皆 có nghĩa là đều, cùng; trong sách in là
dai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét