TRANG TỬ NAM HOA KINH: CHƯƠNG 10 - KHƯ KHIẾP -
MỞ TRÁP 莊子 南華經
Luyện tài quỉ quyệt
khí trá, dùng những ngụy biện “kiên bạch”, những thuyết “đồng dị” để làm cho
người ta hoang mang, thì thiên hạ sẽ hôn mê, đại loạn. Tội đó là do thích cơ
trí. Ai cũng muốn học cái mình chưa biết mà không tìm hiểu thêm cái gì mình
biết rồi; ai cũng phê phán chỗ lầm lẫn của người mà không chịu nhận rằng những
điều mình cho là phải thực ra là lầm lẫn. Do đó mà sinh loạn, đến nỗi làm che
mờ ánh sáng mặt trăng mặt trời, tiêu diệt cái anh hoa của sông núi, nhiễu loạn
sự vận hành của bốn mùa. Thích cơ trí mà làm loạn thiên hạ đến như vậy đó! Dân
đã bỏ sự thuần phác của họ mà theo bọn cơ trí, khéo nói; bỏ thái độ điềm đạm,
vô vi mà ưa cái trò dạy đời. Chỉ vì ham dạy đời mà thiên hạ mới loạn như vậy
đó.
1
Đề phòng những kẻ ăn trộm mở tráp, moi đãy,
cạy rương, người ta lấy dây cột , rồi khoá thật chắc những thứ đó lại, tự cho
như vậy là khôn. Nhưng nếu có một tên cướp khiêng cả rương, xách cả tráp, vác
cả đãy thì nó vội vội vàng vàng, chỉ sợ dây đứt, khoá gãy. Vậy thì hành động
trước kia cho là khôn bây giờ chẳng hoá ra dại, làm sẵn cho kẻ cướp sao?
2
Thử bàn về điểm đó nào. Cái mà người ta cho là
khôn đó chẳng phải làm làm sẵn cho kẻ cướp ư? Cái mà người đời gọi là thánh
chẳng phải là kẻ giúp kẻ cướp bảo vệ của gian ư? Làm sao biết được điều ấy?
Xưa kia nước Tề, làng xóm ở gần nhau tới nỗi
dân chúng có thể trông thấy nhau, nghe tiếng gà gáy chó sủa của nhau. Phạm vi
giăng lưới bắt cá, và cày bừa làm ruộng trên hai ngàn dặm vuông. Trong cõi
người ta dựng tôn miếu [thờ tổ tiên] và nền xã [thờ đất đai và Thần Nông]; chia
đất thành ấp, ốc, châu, lữ, hương[316], theo đúng chế độ kiến quốc của các ông
thánh. Vậy mà một hôm Điền Thành tử giết vua Tề và cướp nước. Nào phải chỉ cướp
nước mà thôi, còn cướp cả những pháp độ sáng suốt nữa chứ, vì vậy Điền Thành tử
tuy mang tên là quân đạo tặc giết vua, mà được trị vì yên ổn như vua Nghiêu vua
Thuấn, không nước nhỏ nào dám chê hắn, không nước lớn nào dám tấn công hắn, hắn
truyền ngôi được tới mười hai đời. Như vậy chẳng phải hắn cướp nước Tề cùng
những pháp độ sáng suốt để bảo toàn cái thân kẻ cướp của hắn ư?[317]
3
Thử xét thêm điểm đó nữa nào. Cái mà người đời
cho là cực khôn chẳng phải là làm sẵn cho kẻ cướp ư? Cái mà người đời gọi là
chí thánh chẳng phải là giúp cho kẻ cướp bảo vệ của gian ư? Làm sao biết được
điểm ấy?
Xưa Long Phùng [một hiền thần của vua Kiệt] bị
giết, Tỉ Can bị moi tim, Trường Hoằng [một hiền thần của Chu Linh vương] bị
phanh thây, Ngũ Tử Tư [một hiền thần của Phù Sai nước Ngô] bị giết rồi ném
xuống sông, bốn ông ấy đều hiền năng mà không khỏi bị sát hại [vì bọn bạo quân
áp dụng qui chế của thánh nhân, cho vua có đủ quyền uy với bề tôi].
Vì vậy mà môn đệ của Đạo Chích[318] hỏi hắn:
- Làm nghề ăn cướp cũng có đạo chăng?
Chích đáp:
- Ở đâu mà chẳng có đạo? Đoán được trong nhà
có chỗ giấu của, đó là [tài] thánh đấy; vô trước [cả bọn] là dũng đấy, ra sau
là nghĩa đấy; biết việc có làm được hay không là trí đấy; chia nhau cho đều là
nhân đấy. Không có đủ năm đức ấy mà thành ăn cướp giỏi, là điều chưa hề có.
Do đó mà xét, một người bản tính tốt mà không
học đạo thánh nhân thì không thành người hiền được; tên Chích không theo đạo
thánh nhân thì không hành nghề được. Trong đời người tốt vốn ít mà kẻ xấu thì
nhiều, thành thử thánh nhân làm lợi cho đời ít mà làm hại cho đời thì nhiều.
Cho nên bảo: “Môi hở, răng lạnh”; vì rượu nước
Lỗ dở nên mới xảy ra vụ vây đánh Hàm Đan[319]; thánh nhân ra đời mà giặc cướp
nổi lên.
Do đó, đả đảo thánh nhân, phóng thích đạo tặc
thì thiên hạ thịnh trị. Sông cạn rồi thì hang mới trống rỗng[320], gờ sụp rồi
thì vực mới đầy đất. Thánh nhân chết rồi thì đạo tặc không nổi lên nữa, mà
thiên hạ được thái bình vô sự.
4
Thánh nhân không chết thì đạo tặc không hết.
Giao cho thánh nhân trị thiên hạ tức là làm lợi cho Đạo Chích. Dùng cái đấu cái
hộc [bằng mười đấu] để đong lúa, là lợi dụng hai cái đó để ăn cắp; dùng cán cân
và quả cân, là lợi dụng hai cái đó để ăn cắp. Dùng thẻ và ấn để cho người ta
tin, là lợi dụng hai cái đó để ăn cắp người ta; dùng nhân nghĩa để sửa đổi
người khác là lợi dụng hai cái đó để ăn cắp họ. Làm sao biết được điều ấy?
Ai ăn cắp một cái móc [đại lưng] thì bị tử
hình; ai ăn cắp một nước thì thành vua chư hầu; ở trong phủ các chư hầu, người
ta chỉ nói đến nhân nghĩa; như vậy chẳng phải ăn cắp bằng nhân nghĩa, thánh trí
đấy ư? Cho nên kẻ nào theo gót bọn đạo tặc thì cướp được chức vị chư hầu, rồi
mượn nhân nghĩa, lợi dụng đấu hộc, cán cân quả cân, thẻ và ấn, mà ăn cắp; kẻ đó
dù có hứa thưởng chức cao, tước lớn[321] cũng không thể răn họ được; doạ trừng
trị bằng hình phạt nặng[322] cũng không ngăn họ được. Tóm lại, làm cho bọn Đạo
Chích được lợi lớn mà không sao cấm chúng được, đó là cái tội của thánh nhân.
5
Do đó có câu: “Cá không nên ra khỏi vực; lợi
khí của quốc gia không nên để cho mọi người thấy”. Thánh nhân là lợi khí của
thiên hạ, không nên để cho thiên hạ thấy.
Cho nên “tuyệt thánh, khí trí” [trừ tuyệt
thánh nhân, bỏ trí tuệ] đi thì hết đạo tặc; liệng ngọc đập châu thì không còn
trộm cướp; đốt phù[323] đập ấn đi dân sẽ hoá ra chất phác; chẻ đấu, bẻ cán cân
đi thì dân sẽ không tranh nhau nữa; bỏ hết pháp độ của thánh nhân đi thì sẽ có
thể bàn bạc [về Đạo đức] với dân được[324]. Phá bỏ lục luật[325], đập nát ống
tiêu và đàn cầm, bịt tai Sư Khoáng đi thì mọi người sẽ thính tai; huỷ bỏ những
hình trang hoàng, không dùng năm màu nữa, làm mờ mắt Li Chu đi thì mọi người sẽ
sáng mắt; bỏ cái móc và dây nẩy mực, liệng cái qui cái củ đi, chặt ngón tay của
Công Thuỳ[326] thì mọi người sẽ khéo tay. Cho nên người ta bảo: “Cực khéo thì
tựa như vụng”.
Chê bai hành vi của Tăng [Sâm], Sử [Ngư], khớp
miệng Dương [Chu], Mặc [Địch], liệng bỏ nhân nghĩa đi, thì đạo đức của mọi
người thì sẽ đạt được cảnh giới “huyền đồng”[327]. Ai cũng giữ được mắt sáng
thì thiên hạ không bị huỷ hoại; ai cũng giữ được tai thính thì thiên hạ không
bị lo lắng[328]; ai cũng giữ được trí tuệ thì thiên hạ không bị mê hoặc; ai
cũng giữ được đức thì thiên hạ không bậy bạ. Tóm lại, Tăng, Sử, Dương, Mặc, Sư
Khoáng, Công Thuỳ, Li Chu đều dựa và một ngoại vật nào đó để tạo nên cái đức
(tức cái tài) của họ[329] mà làm mê loạn, bại hoại thiên hạ; đừng nên theo họ,
vô ích.
6
Ông biết thời đại chí đức [đức rất cao] không?
Đó là thời các vua Dung Thành, Đại Đình, Bá Hoàng, Trung Ương, Lật Lục, Lí Súc,
Hiên Viên, Hách Tư, Tồn Dư, Chúc Dung, Phục Hi, Thần Nông [tức các ông vua đầu
tiên theo truyền thuyết]. Thời đó người ta thắt dây để ghi nhớ [vì chưa có chữ
viết]; thoả mãn về thức ăn, y phục, phong tục, nhà ở. Dân các nước ở sát nhau,
trông thấy nhau, nghe tiếng gà gáy, chó sủa của nhau, mà tới khi già chết, cũng
không qua lại với nhau. Thời ấy cực trị.
7
Ngày nay tới nỗi dân chúng phải nghểnh cổ,
nhón chân bảo nhau: “Nơi này nơi nọ có hiền nhân”, rồi ai nấy vác lương thực đi
tìm người đó, bỏ cả bổn phận với cha mẹ, nhiệm vụ với vua chúa. Vết chân của họ
nối tiếp nhau ở trong cõi các nước chư hầu, vết xe họ giao nhau ở ngoài ngàn
dậm. Đó là do các nhà cầm quyền thích dùng bọn người cơ trí làm cho sự vật rối
loạn, rồi không có cách nào dẹp yên những rối loạn đó được. Làm sao biết được
điều ấy?
Nếu cung, nỏ, tên, lưới, bẫy mà nhan nhản thì
loài chim hoảng sợ, bay loạn trên không. Nếu lưỡi câu, mồi, lưới, lờ mà nhan
nhản thì cá bơi loạn ở dưới nước. Nếu giáo, mác, bẫy, lưới mà nhan nhản thì các
loài thú chạy loạn trong chằm. Luyện tài quỉ quyệt khí trá, dùng những nguỵ
biện “kiên bạch”, những thuyết “đồng dị”[330] để làm cho người ta hoang mang,
thì thiên hạ sẽ hôn mê, đại loạn. Tội đó là do thích cơ trí. Ai cũng muốn học
cái mình chưa biết mà không tìm hiểu thêm cái gì mình biết rồi[331]; ai cũng
phê phán chỗ lầm lẫn của người mà không chịu nhận rằng những điều mình cho là
phải thực ra là lầm lẫn. Do đó mà sinh loạn, đến nỗi làm che mờ ánh sáng mặt
trăng mặt trời, tiêu diệt cái anh hoa của sông núi, nhiễu loạn sự vận hành của
bốn mùa, khiến cho loài trùng không có chân, loài bọ nhỏ xíu cũng mất cả bản
tính của chúng. Thích cơ trí mà làm loạn thiên hạ đến như vậy đó! Từ đời tam
đại[332] tới nay, đều như vậy. Dân đã bỏ sự thuần phác của họ mà theo bọn cơ
trí, khéo nói; bỏ thái độ điềm đạm, vô vi mà ưa cái trò dạy đời. Chỉ vì ham dạy
đời mà thiên hạ mới loạn như vậy đó.
Chú thích :
[316] Đều là những đơn vị điền địa và hành chính. Có sách chú giải: thời đó, sáu chục thước (mỗi thước bằng khoảng một gang tay) là một bộ; trăm bộ là một mẫu, trăm mẫu là một phu, ba phu là một ốc, ba ốc là một tỉnh (tỉnh là giếng, đây trỏ một khu chính khoảng đất, giữa đào một cái giếng), bốn tỉnh là một ấp; hai mươi lăm nhà là một lữ, hai mươi lăm lữ là một đảng, hai mươi lăm đảng là một hương.
[317] Tác giả chương này – vì không chắc là
của Trang tử - muốn nói những người thành lập những pháp độ sáng suốt cho Tề
đáng gọi là thánh, nhưng họ vô tình giúp cho Điền Thành tử giữ và truyền được
ngôi báu đời đời.
[318] Chính nghĩa là thằng tướng cướp tên
Chích, ta quen gọi như vậy rồi.
[319] Sở Tuyên vương bắt các chư hầu lại chầu;
Lỗ Cung công tới sau cùng mà rượu đem tới lại dở. Tuyên vương mắng, Cung công
đáp: “Tôi là hậu vệ của Chu công, lớn hơn các chư hầu… tôi dâng rượu như vầy,
đã là không hợp lễ rồi, mà còn chê rượu dở nữa, như vậy thái quá”, rồi bỏ về.
Tuyên vương [cùng với Tề] đem quân đánh Lỗ; Lương Huệ vương bèn đem quân vây
Hàm Đan, kinh đô của Triệu, vì biết rằng Sở mãi đánh Lỗ, không cứu được đồng
minh là Triệu.
[320] Nghĩa là thung lũng khô cạn, cây cối
chết hết, loài vật bỏ đi chỗ khác.
[321] Nguyên văn: dùng xe và mũ lễ để thưởng.
[322] Nguyên văn: dùng rìu búa để trừng trị.
[323] Phù là thẻ mỗi người giữ một nửa để là
tin, cũng như tờ hợp đồng.
[324] L.K.h. dịch là: dân sẽ biết điều.
[325] Ở đây lục luật trỏ sáu nhạc cụ để làm
chuẩn tác.
[326] Một người thợ mộc khéo đời vua Nghiêu,
chỉ cách dùng cái qui, cái củ.
[327] Huyền đồng là trạng thái tối tăm
(huyền), không phân biệt vật này vật khác (đồng) ở thời nguyên thuỷ.
[328] Có sách dịch không bị kiết sức.
[329] Câu này mỗi sách giảng mỗi khác, tôi
theo L.K.h.
[330] Thuyết kiên bạch: coi chú thích 6 chương
V. Thuyết đồng dị của Huệ Thi, coi bài 9 chương XXXIII.
[331] Nguyên văn: thiên hạ giai tri cầu kì sở
bất tri, nhi mạc tri cầu kì sở dĩ tri giả. H.C.H. dịch là: ai cũng muốn cầu cái
tri thức ngoại tại mà mình chưa biết, chứ không muốn biết cái bản tính nội tại
mà mình có sẵn. Diệp Ngọc Lân dịch là: ai cũng muốn tìm hiểu cái tri thức ở
ngoài mà mình chưa hiểu; mà không thực hành cái mình hiểu ở trong rồi. Từ đây
tới cuối bài, nguyên văn tối nghĩa, mỗi nhà hiểu một cách. Tôi châm chước Hoàng
Cẩm Hoành.
[332] Tức ba đời Hạ, Thương, Chu.
(Theo: Trang Tử Nam Hoa Kinh, Nguyễn Hiến Lê,
NXB VH-TT, 1994.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét