TRANG TỬ NAM HOA KINH: CHƯƠNG 9 - MÃ ĐỀ 莊子 南華經
Rồi sau thánh nhân
xuất hiện, gắng sức thi hành điều nhân, cố ý noi theo điều nghĩa, mà thiên hạ
bắt đầu mê loạn. Âm nhạc làm cho con người phóng đãng, lễ nghi phiền toái gây
nhiều bó buộc, và người ta bắt đầu chia rẽ nhau. Rồi sau thánh nhân xuất hiện,
dùng lễ nhạc uốn nắn con người, sửa thái độ con người cho ngay ngắn, đề cao
nhân nghĩa để vỗ về nhân tâm. Từ đó dân chúng mới tận lực dùng trí xảo, tranh
nhau lợi lộc, không làm sao ngăn được nữa, đó là tội của thánh nhân.
Họa phẩm Trang Chu mộng hồ điệp của họa gia Nhật Bản Shibata Zeshin (1888) |
1
Ngựa có móng để dẫm lên sương tuyết, có lông
để chống gió lạnh. Chúng ăn cỏ, uống nước, co giò nhảy nhót. Đó là chân tính
của chúng. Chúng có cần gì đến đài cao, chuồng rộng đâu.
Một hôm Bá Lạc[307] bảo: “Tôi khéo nuôi ngựa”,
rồi đốt, hớt lông chúng, gọt và đánh dấu móng chúng, làm chuồng có sàn gỗ cho
chúng ở. Mười con có hai ba con chết. Ông bắt chúng chịu đói chịu khát, phải
chạy nước kiệu, phải phi, dùng cái ách bắt chúng đứng yên thành hàng, dùng hàm
thiếc khóp mõm chúng, dùng roi quất vào mông chúng, và ngựa chết già nửa.
Người thợ gốm đầu tiên bảo: “Tôi khéo nặn đất
sét”, rồi dùng cái qui để làm hình tròn, cái củ để làm hình vuông. Người thợ
mộc đầu tiên bảo: “Tôi khéo làm đồ gỗ”, rồi dùng cái móc để làm hình cong, cái
dây để làm hình thẳng. Bản tình của đất sét, gỗ có hợp với cái qui, cái củ, cái
móc, sợi dây thừng không? Vậy mà đời sau khen Bá Lạc khéo nuôi ngựa, thợ gốm
khéo nặn đất sét, thợ mộc khéo làm đồ gỗ. Hạng người muốn cai trị thiên hạ cũng
làm như vậy đó.
2
Tôi cho rằng người khéo cai trị thiên hạ không
hành động cách ấy. Bản tính con người không thay đổi. Dệt vải để mặc, cày ruộng
để ăn, ai cũng có chung tính đó, mà hồn nhiên, không thiên tư. Như vậy gọi là
“thiên phóng”: để mặc thiên nhiên.
Thời đại chí đức [đức được hoàn toàn], người
nào cũng bước chậm chạp, ung dung, mắt nhìn thẳng đằng trước. Thời ấy trong núi
không có đường mòn, trên chằm không có thuyền, không bắc cầu. Vạn vật cùng sống
với nhau, không xâm phạm nhau. Cầm thú thành đàn, thảo mộc sum xuê. Cho nên có
thể cột một sợi dây nhỏ dắt cầm thú đi chơi, có thể leo lên cây nhìn tận ổ con
quạ[308], con chim khách.
Thời ấy, loài người sống chung với cầm thú,
sinh hoạt chung với vạn vật; như vậy đâu có phân biệt quân tử với tiểu nhân.
Vạn vật đều vô tri như nhau, sống theo bản tính của mình. Hết thảy đều vô dục
như nhau, cho nên gọi là hồn nhiên, chất phác. Chất phác nên dân chúng mới giữ
được bản tính.
3
Rồi sau thánh nhân xuất hiện, gắng sức thi
hành điều nhân, cố ý noi theo điều nghĩa, mà thiên hạ bắt đầu mê loạn. Âm nhạc
làm cho con người phóng đãng, lễ nghi phiền toái gây nhiều bó buộc, và người ta
bắt đầu chia rẽ nhau.
Không đục đẽo gỗ thì làm sao thành được cái
chén để cúng? Không đập mài ngọc trắng thì làm sao trang sức được vương trượng?
Không bỏ Đạo đức đi thì nhân và nghĩa có gì đáng lựa?[309] Không rời tính
tình tự nhiên thì dùng làm chi tới lễ nhạc? Ngũ sắc không loạn thì ai vẽ chi vẻ
này vẻ nọ? Ngũ âm không loạn thì ai đặt chi ra lục luật?[310] Đục đẽo gỗ để làm
đồ dùng, đó là tội của thợ mộc. Huỷ bỏ Đạo đức[311] để thay nhân nghĩa vào, đó
là tội của thánh nhân.
4
Những con ngựa hoang sống trong đồng, ăn cỏ,
uống nước; khi vui thì cà cổ vào nhau, khi giận thì quay lại đá nhau. Chúng chỉ
biết có vậy thôi. Khi đeo cái ách vào cổ chúng, cái nguyệt đề[312] vào trán
chúng để chế ngự chúng, chúng hoá ra lấm lét, bực tức, vặn cong cái ách, giật
đứt dây cương, cắn hàm thiếc để phản kháng. Chúng hoá ra xảo quyệt, tàn nhẫn,
đó là tội của Bá Lạc.
Thời vua Hách Tư[313], dân chúng ở trong nhà,
không biết mình làm gì, ra ngoài không biết mình đi đâu[314], ăn thấy thích, no
rồi thì vỗ bụng đi chơi. Họ chỉ biết có vậy thôi.
Rồi sau thánh nhân xuất hiện, dùng lễ nhạc uốn
nắn con người, sửa thái độ con người cho ngay ngắn, đề cao nhân nghĩa để vỗ về
nhân tâm. Từ đó dân chúng mới tận lực dùng trí xảo, tranh nhau lợi lộc, không
làm sao ngăn được nữa, đó là tội của thánh nhân[315].
Chú thích :
[307] Có người đọc là Bá Nhạc. Họ Tôn, tên
Dương, tự là Bá Lạc, một người giỏi coi tướng ngựa thời Tần Mục Công.
[308] Có sách bảo chữ điểu (chim) phải sửa là
chữ ô (quạ)
[309] Lão tử bảo: Đại đạo phế, hữu nhân nghĩa
= phế bỏ đạo lớn rồi, mới đặt ra nhân nghĩa.
[310] Coi chú thích trong bài 1 chương VIII.
[311] Nghĩa là không sống hồn nhiên theo luật
thiên nhiên nữa.
[312] Đồ đeo vào trán ngựa, hình như mặt
trăng.
[313] Một vua thời thượng cổ, có sách chú
thích là vua Thần Nông.
[314] Nghĩa là hồn nhiên, cữ động theo bản
tính, không suy nghĩ, tính toán.
[315] Thánh nhân trong chương này trỏ hạng
thánh nhân theo quan niệm nhà Nho, không theo quan niệm của Trang tử trong câu:
Chí nhân vô kỉ, thần nhân vô công, thánh nhân vô danh (bài 1, chương 1).
(Theo: Trang Tử Nam Hoa Kinh, Nguyễn Hiến Lê,
NXB VH-TT, 1994.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét