Nhà văn Mạc Ngôn nhận giải Nobel Văn học năm 2012 - Ảnh: vtc.vn |
Nobel văn chương 2012:
Mạc Ngôn - người vinh danh làng quê Cao Mật bằng bút pháp hậu hiện đại kiểu
Trung Quốc
NGUYỄN THỊ TỊNH THY
Mạc Ngôn tên thật là
Quản Mạc Nghiệp, người Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, sinh năm 1955.
Bỏ dở tiểu học giữa chừng do Cách mạng văn hóa, phải tham gia lao động nhiều năm ở nông thôn, luôn bị đói khát và cô đơn. Nhập ngũ năm 1976. Tốt nghiệp khoa Văn học Viện nghệ thuật Giải phóng quân (1984 -1986). Từ tháng 10/1987, hoạt động trong lĩnh vực báo chí và viết văn chuyên nghiệp.
Đã xuất bản 11 tiểu thuyết, 22 truyện vừa, hơn 60 truyện ngắn và 5 tuyển tập
những bài ký, phóng sự, tùy bút..., tổng cộng trên 200 tác phẩm. Tác phẩm của
ông được dịch ra khoảng 18 ngôn ngữ. Ông sở hữu trên 40 giải thưởng và danh
hiệu cho sáng tác văn chương: giải Tiểu thuyết toàn quốc 1987,
giải nhất tiểu thuyết của Hội Nhà văn Trung Quốc 1996,
giải Laure Batailin của Pháp 2001, giải Văn học Hoa
ngữ New York - Mỹ 2004, Huân chương Kỵ sĩ Nghệ thuật văn hóa Pháp
2004, giải Văn học quốc tế Nonino của Ý 2005, giải Hồng
lâu mộng 2008, giải Mao Thuẫn, 2011, giải Nobel 2012...
Tác phẩm tiêu biểu: Gia tộc cao lương đỏ, Rừng xanh lá đỏ, Báu vật của
đời, Cây tỏi nổi giận, Đàn hương hình, Tửu quốc, Bốn mươi mốt chuyện tầm
phào, Thập tam bộ, Sống đọa thác đày, Ếch, Người tỉnh nói chuyện mộng du,
Củ cà rốt trong suốt, Dòng sông khô khát, Mỹ nhân băng tuyết, Người đẹp cưỡi
lừa trên phố Trường An, Nói đi, Mạc Ngôn...
Ngày 8/12/2006, “hội nghiên cứu Mạc Ngôn Cao
Mật” đã thành lập tại Sơn Đông - Trung Quốc. Hội có trang web “Cao lương
đỏ” http://www.gmmy.cn, tập san Nghiên cứu Mạc Ngôn.
Ngày 2 tháng 8 năm 2009, tại thành phố Cao Mật đã diễn ra lễ khánh thành nhà
Bảo tàng văn học Mạc Ngôn có tổng diện tích 1.900m2. Bảo tàng là nơi
giới thiệu cuộc đời và thành tựu nghệ thuật của Mạc Ngôn, trình bày một cách
sinh động quá trình trưởng thành và phong cách đỉnh cao của một tác gia nổi
tiếng bao gồm các bộ phận chính là: “thành tựu văn học”, “con đường trưởng
thành”, “vương quốc văn học”, “gắn bó với quê hương”, “giao lưu văn học”. Ngoài
ra còn có nhà chiếu phim, phòng sáng tác, phòng trưng bày thư pháp và bản thảo,
phòng tư liệu tác phẩm Mạc Ngôn…
1. Cao Mật – Trung Quốc – nhân loại: duy nhất và tất cả
Nhà thơ Lưu Vũ Tích trong
bài Lậu thất minh có hai câu đáng được gọi là “danh cú” như
sau:
“Sơn tuy bất cao hữu tiên tắc danh
Thủy tuy bất thâm hữu long tắc linh.”
Nghĩa là:
Núi tuy không cao nhưng nổi danh vì có tiên đến
ở
Sông tuy không sâu nhưng hiển linh
vì có rồng cư ngụ.
Quả vậy, hơn một ngàn năm trước, ngôi chùa
Hàn Sơn nhỏ bé nằm ở nơi thâm sơn cùng cốc phía thượng
nguồn ngoài thành Cô Tô bỗng chốc trở thành một địa danh
nổi tiếng nhờ bài thơ xuất thần Phong Kiều dạ bạc của
Trương Kế. Hơn một ngàn năm sau, mảnh đất Cao Mật nghèo khó, khắc nghiệt và hẻo
lánh của tỉnh Sơn Đông lại được cả thế giới biết đến nhờ vào các tác phẩm văn
chương của người con Mạc Ngôn. Mạc Ngôn nói rằng mọi thứ ông có đều “được
moi từ chiếc bao tải rách của làng Đông Bắc Cao Mật” nhưng cũng có thể khẳng
định ngược lại, mọi thứ có được ông đều dồn vào chiếc bao tải của làng Đông Bắc
Cao Mật. Trong hầu hết các tác phẩm, nhà văn này đã đưa tất cả những gì mình
từng biết, từng thấy, từng tưởng tượng ra đặt vào vùng đất Cao Mật, biến nó
thành “nơi đẹp đẽ nhất, xấu xa nhất, siêu thoát nhất, thế tục nhất”; thành miền
đất thánh trong sáng tác của mình. Ở đó có ánh trăng đẹp nhất, có rượu cao
lương ngon nhất, có làn điệu Miêu Xoang bi thiết nhất, có nạn châu chấu đỏ
khủng khiếp nhất, có những chiến thắng ngoại xâm bi hùng nhất, có những cuộc
đấu tố oan khuất nhất của cải cách ruộng đất và cách mạng văn hóa, có những đổi
thay lớn nhất và cũng trái khoáy nhất từ kinh tế thị trường và cải cách mở cửa.
Đó còn là nơi sinh ra những con người “trong trắng nhất, nhơ bẩn nhất, anh hùng
hảo hán nhất, đểu giả mất dạy nhất, giỏi uống rượu nhất, biết yêu đương nhiều nhất
ở trên trái đất này”(1). Cao Mật là một, là duy nhất nhưng cũng là
tất cả. Nó vừa là của riêng Mạc Ngôn nhưng cũng là của Trung Quốc bởi vì mảnh
đất và con người nơi đây đều tiêu biểu cho hồn phách, khí cốt Trung Hoa. Cao
Mật của Mạc Ngôn trở nên sâu sắc hơn bởi ông không chỉ đã cố gắng “làm cho nó
trở thành hình ảnh thu nhỏ của Trung Quốc” mà còn “khiến cho nỗi đau khổ và
niềm vui sướng ở đây trở thành nỗi đau khổ và niềm vui sướng của toàn thể nhân
loại”(2).
Mạc Ngôn từng nói rằng, làng Đông Bắc Cao Mật của ông chỉ
bé bằng con tem trên bản đồ Trung Quốc, vậy mà bằng tâm huyết
và tài năng của mình, qua góc nhìn lịch sử và văn hóa, ông đã
biến nó thành một biểu trưng của đất nước.
Tuy nhiên, Cao Mật không chỉ là Trung Quốc, Cao Mật còn là nhân
loại bởi trong không gian độc đáo này còn chất chứa những triết lý sinh
tồn với nhiều bi kịch phận người: những con người thiểu năng, những người đàn
ông bất lực, những người đàn bà không sinh nở, muốn làm một con người chân
chính thì phải phản luân lý, trở thành anh hùng nhiều lúc không phải vì cứu
được nhiều người mà vì giết được nhiều người (Báu vật của đời, Đàn hương
hình, Rừng xanh lá đỏ, Ếch)... Đó là bi kịch của mối quan hệ giữa con người
với định mệnh, giữa cá nhân và lịch sử. Con người đang ở đâu trong dòng chảy
miên viễn của lịch sử? Họ là tinh hoa của tạo hóa hay là trò chơi của tạo hóa?
Họ là chủ nhân hay là nạn nhân của lịch sử? Họ phải xác lập bản thể, bản ngã
của mình như thế nào đây? “Thế nào là chính đạo? Thế nào là lương thiện? Thế
nào là tà ác?”(3). Những câu hỏi không dễ trả lời này vẫn luôn là
nỗi ám ảnh phiền muộn đối với con người từ muôn xưa cho đến muôn sau.
Để đưa Cao Mật bước ra thế giới, Mạc Ngôn đã sử dụng các sách lược tự sự
linh hoạt, độc đáo và đầy ấn tượng, mà các sách lược ấy đều xuất phát từ bút
pháp hậu hiện đại kiểu Trung Quốc, từ đó xác lập nên một phong cách
“tự sự kiểu Mạc Ngôn”.
2. Kết hợp đặc trưng tự sự truyền thống của Trung Quốc với tự sự
hiện đại và hậu hiện đại phương Tây
Sử dụng đến bốn hình thức người kể chuyện hạn tri,
tự bạch, đa ngã và tự biếm từ các ngôi
kể khác nhau, Mạc Ngôn đã tạo được sự đa dạng cho phương
thức tự sự trong các tiểu thuyết của mình. Đặc biệt, hình thức trần
thuật ngôi thứ hai với người kể chuyện phân thân và hình thức trần thuật kiểu
tác giả với thủ pháp pastiche - tự giễu nhại chính mình và cố tình để lộ hành
vi tự sự theo lối tự sự hậu hiện đại - trong Rừng xanh lá đỏ, Tửu
quốc, Sống đọa thác đày… là một sự “mạo hiểm của tự
sự ” thể hiện ý thức cách tân, tài năng và sức sáng tạo của nhà văn này.
Việc chọn trẻ thơ, súc vật và người dân đen làm
chủ thể mang điểm nhìn (Báu vật của đời, Sống đọa
thác đày, Đàn hương hình, Bốn mươi mốt chuyện tầm phào, Tửu
quốc…) vừa thể hiện quan niệm sáng tác trở về với dân gian, đứng trên lập
trường dân gian để bình xét lịch sử và nhân sinh như sử gia Tư Mã Thiên thời cổ
đại, vừa xác lập nên một dạng thức của trần thuật gắn với tên tuổi Mạc Ngôn. Từ
các kiểu người kể chuyện và điểm nhìn trên, tác giả đã triển khai các sách lược
gia tăng, đa tầng bậc và chứng nhân hóa người kể chuyện trong mối luân chuyển
giữa sự di động, tham chiếu và hòa phối điểm nhìn. Các sách lược tự sự này đã
giúp người đọc chiếm lĩnh hiện thực tác phẩm với tất cả bề rộng lẫn chiều sâu,
cuốn hút họ bằng việc “kể như thế nào” một cách đích thực.
Cũng chính điểm nhìn bên trong đã chi phối việc tổ chức trần thuật
dẫn đến sự phá vỡ trật tự và làm gãy đổ
tính chất vật lý của thời gian bằng các hình thức đảo thuật,
dự thuật và ngưng trệ (Báu vật của đời, Đàn hương
hình, Rừng xanh lá đỏ, Sống đọa thác đày…). Bằng
những trải nghiệm, suy tư, triết lý trong cảm nhận về thời gian, người kể
chuyện đã làm sai lệch dòng chảy tự nhiên của thời gian câu chuyện khiến cho
thời gian tự sự trở thành một đối tượng thẩm mỹ của trần thuật. Đồng thời, kéo theo
đó là sự phân mảnh, lồng ghép và dán ghép trong kết cấu như là một cách thể
hiện quan niệm đa nguyên, đa chiều về sự tồn tại của thế giới và sự hỗn loạn
của hiện thực theo tinh thần hậu hiện đại (Gia tộc cao lương đỏ, Báu
vật của đời, Đàn hương hình, Thập tam bộ, Tửu
quốc…). Các hình thức kết cấu này thể hiện tài năng của Mạc Ngôn trong việc
tổ chức nên những cuộc gặp gỡ giữa đặc trưng hiếu kỳ, tạp giao của tiểu thuyết
truyền thống Trung Quốc với đặc trưng liên văn bản của tiểu thuyết hậu hiện đại
cũng như giữa văn học với điện ảnh.
Từ sự chi phối của điểm nhìn, với hai nhãn quan hiện thực
và kỳ ảo, Mạc Ngôn đã xây dựng nên trong tiểu thuyết của mình
một thế giới ngôn từ rất hồn nhiên, ngạo ngược, trần tục và đầy
nhục tính nhưng cũng rất nhuần nhị, uyển chuyển, đa biến và ảo diệu. Việc
sử dụng những từ ngữ và ngữ pháp tự sự đầy
sáng tạo cũng đã làm tăng sức sống động cho ngôn ngữ và sự phong phú cho giọng
điệu tiểu thuyết. Sáu kiểu giọng điệu chủ yếu là bỡn cợt, giễu nhại, khoa
trương, bi cảm, tâm tình, lạnh lùng cất lên trong tột cùng của các cảm xúc
khinh mạn, xót xa, kiêu hãnh, uất hận, cay đắng, đau đớn... đã biến các tiểu
thuyết trở thành những bản hợp âm làm xao động và se thắt lòng người.
3. Tái sinh những sách lược tự sự cổ xưa nhất của
Trung Hoa
Trong nhiều tiểu thuyết mà nhất là Thập tam bộ, Đàn
hương hình và Cây tỏi nổi giận, Tửu
quốc…, Mạc Ngôn tái sinh những sách lược tự sự cổ xưa nhất của Trung Hoa và
kết hợp chúng với những thi pháp tự sự hiện đại nhất. Đó cũng chính là chất dân
gian và chất hiện đại, dân tộc và quốc tế của ông. Sự đan quyện giữa hý khúc
Miêu xoang, lối kể theo hình thức biến văn đã thất truyền từ sau đời Đường,
motif truyện truyền kỳ, chí quái… với các kỹ xảo tự sự hậu hiện đại như phân
mảnh, dán ghép, liên văn bản của Mạc Ngôn rất nhuần nhuyễn. Đáng lưu ý là qua
sự phối kết, đan quyện đó, người đọc có thể nhận ra quy luật “chu nhi phục
thủy” của nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Trung Quốc. Những điều vụn vặt,
tầm thường, những mảnh vỡ, xáo trộn, hoang đường, huyễn hoặc trong thi pháp tự
sự hiện đại và hậu hiện đại thực chất là “mệnh căn tử” của tiểu thuyết được
khai sinh từ thời Tiên Tần. Vì vậy, qua sự cách tân bằng con đường phục cổ, Mạc
Ngôn lại một lần nữa khẳng định sức sống thanh tân và trường cửu của tiểu
thuyết nói chung và lý luận tự sự truyền thống của Trung Quốc nói riêng, xác
lập nên một đặc trưng hậu hiện đại kiểu Trung Quốc: hậu hiện đại thực chất là
sự phục sinh, phục hưng của hậu cổ đại kết hợp với yếu tố hậu hiện đại của
phương Tây. Đó là ý thức và phương cách tầm căn của nhà văn Cao Mật này.
Tầm căn không chỉ là quay về với cội nguồn văn hóa, lịch sử dân tộc ở phương
diện đề tài, nội dung mà còn ở phương diện lý luận văn học, tự sự học theo
phương châm “sử dụng kinh nghiệm Trung Quốc, dung hợp lý luận phương Tây, tạo
ra một lý luận mang màu sắc Trung Quốc”(4).
4. Đặc trưng “cực hạn”
Trong tác phẩm Ếch, Mạc Ngôn có nói: “Khi viết về số phận cá nhân
thì phải động đến nỗi đau lớn nhất của tâm hồn người ấy; viết về nhân sinh thì
phải lục lọi những điều không dám ngoái đầu nhìn lại trong ký ức của mình”(5).
Đó là tôn chỉ sáng tác, là tuyên ngôn nghệ thuật mang đậm bản lĩnh “thẳng thừng
và dấn thân” đã chi phối tất cả, làm nên đặc trưng “cực hạn” (6) cho
tiểu thuyết của ông. Đó cũng chính là điều cốt tử của phong cách tác gia Mạc
Ngôn. Giống như Lỗ Tấn, ông là người “hiệp sĩ múa kích một mình trên sa
mạc”, cay nghiệt, dũng cảm, tha thiết, chân thành, và bền bỉ phê phán những
điều “xấu xí” trong tính cách của dân tộc và những sai lầm của lịch sử Trung
Hoa, đặc biệt là lịch sử hiện đại. Trong các tiểu thuyết của ông, những phẩm
chất cao đẹp thường chỉ có ở những người cùng đinh, hạ cửu lưu, những người vốn
bị quan niệm truyền thống cho là tiểu nhân, là đồ mạt hạn như con hát, ăn mày,
thổ phỉ, trốn chúa lộn chồng… (Tôn Bính, Tám Chu, Út Sơn - Đàn hương
hình; Từ Chiếm Ngao, Đới Phượng Liên – Gia tộc cao lương đỏ; Lỗ
Thị - Báu vật của đời…). Người đọc Trung Quốc hẳn sẽ phải giật
mình, phản tỉnh, nhức nhối bởi cái cách yêu dân tộc này của đứa con vừa là
nghịch tử vừa là hiếu tử Mạc Ngôn.
Niềm vui, nỗi đau, cái đói, cái rét, sự cô đơn, sự
độc ác, đức hy sinh, lòng vị tha, sự nhẫn nại, sự bỉ ổi, đồi bại… trong tác
phẩm Mạc Ngôn đều được đẩy đến mức cực hạn, nghiệt ngã. Các trạng thái cảm xúc
mà tác phẩm của ông mang lại cho người đọc hoặc thán phục, ngưỡng mộ, hoặc ghê
tởm, sợ hãi, hoặc xót xa, tiếc nuối, hoặc kinh hãi, ngỡ ngàng… đều được đẩy đến
tận cùng, đến mãnh liệt, đến quỷ khốc thần sầu. Đó là thứ phương pháp sáng tác mà
Mạc Ngôn tự gọi là “Chủ nghĩa hiện thực dữ dội”, “Chủ nghĩa hiện thực yêu
tinh”, “Chủ nghĩa hiện thực thần bí hoang tưởng” (Tửu quốc). Đó cũng là
nội lực, là “quỷ tài”, là sự cực đoan, nghiệt ngã của Mạc Ngôn. Nhưng đằng sau
sự cực đoan và nghiệt ngã ấy là cả một tấm lòng trăn trở và sự hoài nghi đầy
trách nhiệm của nhà văn đối với “căn bệnh tinh thần của dân tộc”, đối với
lịch sử, hiện tại và tương lai của đất nước Trung Hoa.
5. Những nét bại bút
Có thể thấy tính chất cực đoan, quyết liệt và triệt
để, vốn rất thích làm những điều “nhất tuyệt” trong tinh thần của dân tộc
Hán đã chi phối rất mạnh và làm nên thành công cho văn nghiệp của Mạc Ngôn. Tuy
nhiên, “thái quá như bất cập”, khi được đẩy đến “cực hạn” cũng là lúc nhà văn
này rơi vào quy luật “cực tắc phản” của Kinh dịch. Đó là sự dung
tục thái quá mà hầu như khó có thể tìm thấy thông điệp hay “cái được biểu đạt”
gì ở những đoạn miêu tả chuyện đại tiểu tiện của người Cao Mật trong Tổ
tiên có màng chân dài đến mấy trang; là sự miêu tả quá khoa trương về
nhân vật, sự việc hoặc so sánh thô lậu với giọng điệu bông lơn quá mức đến
không giấu được vẻ ngạo mạn của người viết trong Thập tam bộ, Tửu
quốc, Sống đọa thác đày; là sự say sưa hướng dẫn tỉ mỉ cách chế
biến món ăn từ con thú giống hình người trong Tửu quốc; là sự cố
tình tạo ra những rối loạn ngôn từ theo lối tự sự hậu hiện đại nhưng chỉ là một
nàng Đông Thi nhăn mặt trong Thập tam bộ và Tửu quốc...
Tất cả những nét bại bút đó thực chất không đến từ sự non kém về nghệ thuật tự
sự mà đến từ tính cách ngạo ngược và sự tự đắc của một tác gia vốn có sở trường
“phi mã hành không”. Điều đó khiến cho những phát ngôn mang tính nhún nhường
của Mạc Ngôn nhiều lúc rơi vào thế ngôn hành bất nhất và lộ ra chất “ngụy khiêm
tốn”. Dẫu thấm nhuần câu nói của nhà bác học Lê Quý Đôn: “Văn chương là của
chung thiên hạ, ý kiến mỗi người mỗi khác, phân tích thì được, chứ không nên
chê mắng”(7) nhưng thật khó để chiêu tuyết cho những tự do thái
quá trên của nhà văn.
6. Phong cách “tự sự kiểu Mạc Ngôn”
Chân đất, lưng trần, bụng đói, tâm hồn chứa đầy những câu chuyện
kỳ ảo của xứ sở Liêu Trai và khởi nghiệp văn chương bằng
ước mơ nhỏ nhoi là một ngày được ăn ba bữa bánh sủi
cảo có nhân thịt; đã từng nói “văn không nên nhất, võ không nên nhì” nhưng
đến bây giờ, Mạc Ngôn đã có một sự nghiệp lẫy lừng. Ngoài huy chương và danh
hiệu, có thể nói Mạc Ngôn đã xác lập được phong cách “tự sự kiểu Mạc Ngôn” mà
ông cho là không giống một ai, kể cả ở phương Tây lẫn Trung Quốc. Đó là phong
cách có được từ sự kết hợp giữa đặc trưng tự sự “cực hạn” và đặc trưng
hậu hiện đại của văn học Trung Quốc. Và Mạc Ngôn đã đưa Cao Mật - quê hương
Cao lương đỏ - của mình ra thế giới bằng bút pháp đặc thù và phong cách riêng
có ấy.
N.T.T.T
(SH285/11-12)
CHÚ THÍCH:
(1), (3) Mạc Ngôn, Cao lương đỏ,
Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2000, tr.8, 144.
(2) Lâm Kiến Phát, Vương Nghiêu), Mạc Ngôn và những lời
tự bạch, (Nguyễn Thị Thại dịch) Nxb Văn học, Hà Nội, 2004, tr. 194.
(4) Trần Đình Sử (chủ biên), Tự sự học - Một số vấn đề
lí luận và lịch sử (phần 2), Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2008, tr.
16.
(5) Mạc Ngôn, Ếch, Nxb Văn học, Hà Nội, 2010, tr.
94.
(6) Cực hạn: cực hạn ở đây là đẩy đến cực hạn, không có nghĩa
theo “cực hạn” trong quan điểm hậu hiện đại của Raymond Carver (Mỹ) là
giản thiểu tối đa, hướng tới tiểu tự sự, phản ánh cuộc sống bằng hoán dụ.
(7) Nguyễn Minh Tấn (chủ biên), Từ trong di sản,
Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội, 1988, tr. 94.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét