Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2022

NGƯỜI ANH XẤU SỐ

 


NGƯỜI ANH XẤU SỐ

Hồ Dzếnh

Trong ba anh em chúng tôi, mẹ tôi thương anh hai tôi nhất. Mẹ tôi thương anh vì anh khổ, vì anh, vẫn theo lời mẹ tôi, đã từng biết qua trong thuở đầu xanh những ngày đào củ chuối, nấu cháo cám ăn trừ cơm.

Nhưng lòng người mẹ càng nghiêng xuống đứa con thứ bao nhiêu thì lại càng xa đứa con cả bấy nhiêu. Mẹ tôi ví chúng tôi như cây mía có ba đốt đều nhau, sinh cách nhau đúng bảy tuổi, ba đốt mà một đã bị sâu, còn hai đốt kia thì "chưa biết".

Có lần, tôi hỏi mẹ tôi:

- Tại sao anh cả con lại là đốt mía cuối bị sâu đục hả mẹ? Sao anh hai lại được là đốt giữa?

Mẹ tôi gắt:

- Rồi mày liệu, không lại sâu nốt, con ạ.

Mà kể ra anh hai tôi cũng xứng đáng là đốt mía giữa thật. Anh có vẻ dịu dàng và phong nhã. Miệng anh cười rất xinh, làm núng hai đồng tiền ở má. Anh hai tôi ít nói, mà đã nói thì hết sức chắc chắn. Mẹ tôi yêu anh và gửi gắm vào anh những ngày già sắp rụng. Anh tôi chải tóc lật ra hai phía gáy, làm nổi rõ lên cái đường ngôi thẳng tắp. Bắt chước anh, tôi nhất định nuôi tóc để chải cho đẹp, nhưng mỗi lần thấy hàng thợ húi rong đi qua, mẹ tôi hay nhìn đầu tôi mà bảo:

- Bé định búi tóc hay sao mà chưa thiến bớt nó đi?

Nhìn cái tăng đơ tàn nhẫn cày từng mảng tóc âu yếm của tôi lên, tôi hùng hổ bảo người thợ:

- Sao anh không cắt mẹ nó cái đầu tôi đi luôn thể?

- Bà dạy thế. Vả lại cắt ngắn tóc cho mát, cậu ạ.

Tôi không nén nổi tiếng khóc vì bực tức:

- Hu hu... nhưng tôi muốn... bức kia mà!

Cuối năm ấy, ba anh em chúng tôi được chụp ảnh chung với nhau để gửi về quê nội. Bức ảnh đó, tôi vẫn còn giữ được, tuy thời gian đã làm phai nước đi. Cách một ngày trước hôm chụp ảnh, anh hai tôi đã lo lắng về quần áo. Anh cả tôi lớn rồi nên tỏ vẻ lãnh đạm. Tôi thì chỉ suốt ngày ngắm anh hai tôi.

Rồi sáng hôm sau, chững chạc quá, anh hai tôi diện một bộ quần áo sọc, mái tóc chải dẹt xuống, hai mắt tươi cười, tay cầm một chiếc mùi soa.

Đến anh cả tôi mới thật khiếp! Anh mặc một bộ quần áo tây của ba tôi sửa lại, vai cứ dốc xuống, đôi ống quần bó lấy bắp chân như xà cạp. Tôi đã mất công lục hết rương hòm, rồi để chịu mặc một cái áo rộng tay và cái quần ngắn cỡn, vì có bao giờ mẹ tôi may cho tôi được một bộ quần áo nào vừa ý đâu. Cái thì rộng, cái thì hẹp, cái làm tôi đang gầy hóa béo, đang lớn hóa lùn. Nhưng cái nào cũng đẹp hết, vì mẹ tôi bảo: áo tàu mặc thế nào cũng... chững!

Ba chúng tôi ra ngoài sân với một cái ghế. Anh cả tôi ngồi giữa, tay cầm quyển sách. Anh hai tôi đứng chống nạnh bên cạnh. Tôi nhỏ, đứng vòng tay cho có vẻ lễ phép, đôi mắt đờ nhìn vào ống máy ảnh. Mẹ tôi ngắm kỹ ba chúng tôi rồi bỗng giận dữ:

-Trông con mắt thằng cả! Cứ long lên sòng sọc thế kia, trách nào!

Tôi nghe anh cả tôi thở dài một cái. Tôi biết trong nhà sắp có chuyện, nên đưa mắt liếc anh hai tôi. Lúc người thợ ảnh sửa lại dáng điệu cho chúng tôi, mẹ tôi lại nhìn anh cả tôi, lè bã trầu ra ngoài miệng, giọng gắt gỏng:

- Người thì cứ sừng sững ra ấy!

Anh cả tôi vùng đứng dậy, bước ra ngoài, vất lại mấy tiếng:

- Để cho hai đứa nó chụp!

Mẹ tôi nóng tiết, quăng que củi cầm trong tay theo anh, gắt ầm nhà. Anh hai tôi bấm vào đít tôi một cái, dấu hiệu giữ mình chúng tôi vẫn báo cho nhau vào giờ phút nghiêm trọng. Mẹ tôi bảo ông thợ ảnh:

-Ông cứ chụp cho hai cháu cũng được. Thằng con đầu của tôi chết rồi!

Do một sự hớ hênh rất có ý nghĩa của người thợ ảnh, tấm hình được chụp ra với cái chỗ trống anh cả tôi bỏ lại. Đôi mắt tôi, mỗi lần đặt lên bức ảnh, chợt thấy thiếu một cái gì, và điều này làm tôi bồi hồi, cảm động. Tôi chạnh lòng, thấy số phận của anh cả tôi hẩm hiu quá. Ngày xưa cũng như ngày nay, người anh đau khổ ấy vẫn bước những bước cô quạnh trong cuộc đời, sống với mình hơn là sống với người xung quanh, nóng nảy và liều lĩnh.

Một lần đang ngồi ăn cơm với nhau, không nhớ tôi nói hỗn điều gì, anh cả tôi ném ngay cái bát vào mặt tôi. Cơn nóng nổi lên, tôi quăng trả cái chén, và cứ thế, chúng tôi nhảy vào nhau, đấm nhau, cắn nhau.

Thường thường, sau những phút giận dữ như trên, tôi thấy lương tâm bị giày vò, day dứt. Tôi dịu ngọt làm thân với anh cả tôi, nhưng chỉ được vài ngày, chúng tôi lại xem nhau như thù địch. Có điều mãi đến nay tôi vẫn lấy làm lạ, là càng ghét anh bao nhiêu, tôi lại càng thương anh bấy nhiêu.

Trước đây, anh cả tôi có quen biết một người con gái mà đôi mắt, tôi còn nhớ, tròn như đôi mắt bồ câu. Nhưng tình yêu vốn là thứ hay vỡ vì bất cứ một cái chạm nhẹ nào, anh tôi đã thấy chết mối tình đầu âm thầm và vô vọng, rồi về quê nội lấy một người vợ mà tôi chắc rằng anh không yêu lắm.

Đây là một đoạn đời bất thường của anh cả tôi ở bên quê nhà do chính anh thuật lại:

- ... "Thế rồi đến lượt anh. Anh bị trói gô vào một xâu cùng với những người khác, chỉ vì anh là người lạ mặt lạc vào thành phố, đúng cái hôm nổ ra cuộc cách mạng đánh đổ nhà Mãn Thanh. Cây súng, anh còn nhớ rõ, cây súng có cái nòng ngắn, nhưng anh thấy nó đen ngòm và sâu không đáy. Bốn người bên anh đã ngã gục xuống, và sắp đến lượt anh..."

Tôi sợ quá, nhảy chồm lên, hỏi:

- Thế người ta có bắn anh không?

Anh hai tôi đang nghe chuyện, vênh mặt lên bảo anh cả tôi:

- Bé nó hỏi thật dở nhỉ? Đã bắn rồi thì làm gì còn sống mà ngồi kể chuyện nữa!

Anh cả tôi kể tiếp:

- ... "Thế rồi đến lượt anh. Nhưng lúc cây súng sắp giơ lên thì cũng là lúc cây súng... hạ xuống. Khi ấy là vào đúng ban trưa, vì anh nhớ rõ là trời nắng lắm. Thì ra hôm anh bị bắt, ông nội chúng mình đi vắng. May ông về kịp, hối hả gom góp được một món tiền và thuốc phiện lên biếu quan huyện. Thế là quan sai lính phi ngựa ra pháp trường, hô tên anh là Ho Yan lên, và cứu thoát!"

Nghe xong chuyện, anh hai tôi bấm tôi ra chỗ vắng mà bảo:

- Anh cả anh ấy bị một mẻ mất vía, nên từ đó anh mất vía luôn. Cứ buổi trưa trở đi là anh như người lẩn thẩn, và đêm nào cũng lảm nhảm nói mê.

Anh cả tôi có một tâm trạng đúng như vậy. Chị dâu tôi cứ việc yên lặng nằm bên cạnh mà cũng biết hết anh đã làm gì, nghĩ gì hay bậy bạ gì trong ngày hôm ấy.

Một lần, mẹ tôi mất năm chục bạc. Đến đêm, anh cả tôi tự khai ngay ra:

- Còn khoắng một mẻ nữa là ít. Ngần ấy đã ăn thua gì! Đại để là thế. Ban ngày, anh tôi tính toan gì trong bụng, thì đến đêm nói hết ra ngoài miệng. Tâm hồn anh như căn lều trống, gió thổi qua không vướng một bức vách, thổi một mạch, thổi vù vù. Trước đây mấy năm, và đây cũng là nguyên do khiến mẹ tôi ghét anh, một chiều đi học về, tôi ngạc nhiên thấy một quang cảnh đổ vỡ bừa bãi. Mẹ tôi, bên cạnh là người đầy tớ trai, đang giận dữ ném các đồ vật vớ được về phía anh, dồn anh vào một góc tường.

Anh tôi không kêu, không khóc, nhưng nét mặt xạm lại, một nỗi hằn học lẫn đau đớn vỡ tràn trong cặp mắt ngầu đỏ.

Cuối cùng, tôi thấy anh cả tôi kêu lên một tiếng, ngã xuống: một dòng máu chảy ra trên vai anh, thấm vào manh áo rách. Trong cảnh hỗn loạn, bỗng nhiên, anh tôi vớ được một thanh mác, thứ khí giới phòng kẻ trộm hồi ba tôi còn sống, lao về phía trước mặt. Mũi mác cắm phập vào chiếc tủ đứng, và tiếng mẹ tôi la lên:

- Nó giết, nó giết tôi, các ông, các bà ơi!

Thực ra đó chỉ là cách chống đỡ điên cuồng và tuyệt vọng của một người bị thương, gần như loạn óc. Sau tiếng kêu của mẹ tôi, tôi nóng mắt, sẵn hòn gạch vớ được, ném về phía anh...

Từ đấy, mẹ tôi vẫn dùng hai tiếng "sát nhân" gán cho anh, mỗi lần tức giận. Lòng mẹ tôi đã gần như mất hết thiện cảm đối với giọt máu của mình, đốt mía sâu đục. Còn tôi, tôi không thiếu tình thương hại mỗi lần tôi nghĩ đến người anh đau khổ, nghĩ đến cái gì không tươi đẹp đã làm hoen ố cả một quãng đời của ba chúng tôi.

* * *

Rồi anh Cả tôi mất vào một năm lụt lội, đói kém. Anh bỏ nhà, đi lên miền ngược, tìm lại những người bạn ngày xưa, vì anh vừa đói cơm trắng lại vừa đói cơm đen. Nhưng anh đã chết ở dọc đường vì kiệt sức. Dân địa phương đi qua, làm phúc vùi tạm xác anh ở một góc rừng đâu đó.

Hôm được tin anh chết, tôi ở xa không về được, chỉ có chị dâu tôi và đứa cháu đầu lòng thất thểu kéo nhau đi tìm xác anh. Mẹ tôi thì già yếu, nhặt nhạnh được một thúng lá chuối khô, dặn chị tôi mang theo.

Tôi thương anh tôi khi anh còn sống, hơn là khi đã chết. Chết như anh là thoát. Tôi thương những giọt nước mắt mẹ tôi chắt ra từ đáy lòng để khóc lần cuối cùng đứa con dại dột. Và tôi hay nghĩ đến bó lá chuối khô của mẹ, thứ "cây nhà lá vườn", không tốn tiền mua, mà chị dâu tôi mang theo để gói hài cốt của chồng.

 

1942 Rút từ tập Hồ Dzếnh - Tác phẩm chọn lọc.

Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1989.

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét