TÔI LÀ CON GÁI CỦA CHA TÔI
Tác phẩm của Phan Thuý Hà
Thảo Dân
Phan Thúy Hà
1. Phan Thúy Hà.
Tôi không biết gì về Hà cho tới khi được người
bạn tặng cuốn sách “Đừng kể tên tôi”. Cuốn sách gây cho tôi ấn tượng mạnh. Bởi
như Hà viết: “Chúng tôi là những đứa con của lính. Đó không phải là một sự sắp
xếp. Ở một đất nước có chiến tranh kéo dài hơn nửa thế kỷ, có đứa con nào không
phải là con của lính. Cả đất nước là một chiến trường. Cả đất nước là một trại
gia binh”. Tôi cũng là một người con của lính. Rồi tôi quen Hà. Có lẽ tới giờ
vẫn chỉ là sơ giao, tuy đôi khi có trao đổi dăm ba điều. Những tấm hình Hà đăng
trên fb, luôn là mặt mộc, không phấn son với nước da ngăm đặc trưng của dân
miền Trung. Thậm chí, bịt kín khẩu trang, hoặc còn nguyên áo chống nắng. Cô không
giống phần lớn đàn bà trên fb, có cả tôi, luôn làm cho mình thành xinh đẹp nhất
có thể, so với bên ngoài. Hà lúc nào cũng mộc mạc, giản dị. Và cô mang tất cả
những mộc mạc, giản dị đó vào trang viết. Hà đã xuất bản 3 cuốn sách tử tế. Bạn
đọc gọi cô là nhà văn. Cô đủ tư cách để được gọi là nhà văn. Tôi lại không
thích gọi thế. Trong suy nghĩ của tôi, Hà là người đi cóp nhặt, kể lại những
câu chuyện đời bằng những chân tình, trắc ẩn của mình về con người và cuộc đời.
Bởi trong trang viết của Hà, không có gì hư cấu, bóng bẩy hoặc đẩy lên thành
hình tượng văn học. Chỉ là những lát cắt số phận mà Hà gặp trên chặng đường đi
tìm nguyên mẫu rồi trân trọng đặt họ vào trang sách. Nên tôi gọi Hà là Người kể
chuyện đời.
2.Tôi là con gái của cha tôi.
Lớp trẻ thời hậu chiến viết về chiến tranh là
một sự thách đố, rất dễ bị soi xét dưới nhiều lăng kính. Ở cuốn thứ nhất, Hà có
lối viết khá thông minh, không giống ai, không sa đà triết luận, không phô
phang trí tuệ. Để cho nhân vật dung dị tự kể về mình. Hà tự đặt mình lùi xuống,
phía sau, làm một người ghi chép. Lối viết đó tôn trọng tối đa nhân vật.
Khi biết Hà đang viết cuốn thứ 2, tiếp nối
mạch kể về những người lính trong chiến tranh Việt Nam, nhiều lúc tôi tự hỏi,
Hà sẽ viết thế nào, liệu có lặp lại mình. Nhưng thật may, Hà vẫn vừa giữ được
giọng điệu riêng, vừa có cách dẫn chuyện phong phú hơn, đủ để câu chuyện hấp
dẫn người đọc.
Tôi thích một câu nói của dịch giả Dương
Tường: “Tôi đứng về phe nước mắt”. Phe nước mắt là phe chịu nhiều thua thiệt,
đắng cay, chịu đựng sự bất công và câm lặng. Viết về người lính Bắc Việt thì có
quá nhiều sáng tác. Đủ mọi thể loại. Cả hay cả dở. Nhưng viết về người lính
“phía bên kia”, bằng sự đồng cảm, trân trọng, sẻ chia với tư cách họ là những
nhân vật trung tâm, thì có lẽ, giới cầm bút trong nước, dòng văn “chính thống”
chưa có ai.
Những nhân vật Hà gặp, và kể lại, có thể, với
người từ vĩ tuyến 17 trở vào, không có gì lạ lẫm. Bởi đó là ông bà, cha mẹ, chú
bác, anh em, hàng xóm láng giềng…Hai mươi mốt năm chiến tranh, có mái nhà nào
mà không có chết chóc, ly tán, không có sắc quân phục, bên này hay bên kia, có
gia đình nào liên quan chế độ VNCH không phải điêu đứng thời hậu chiến. Nhưng
với đa số người miền Bắc, rất ít người hiểu. Nên 21 số phận của người lính bên
thua cuộc, 21 thân thể không ai còn lành lặn trong “Tôi là con gái của cha
tôi”, tuy chỉ là con số rất nhỏ, rất nhỏ trong số khoảng hơn 20 ngàn thương phế
binh VNCH với mức độ thương tật nặng nhẹ khác nhau, mà trong số đó bị tàn phế,
cụt tay, cụt chân, mù, mất hoàn toàn sức lao động lên đến gần 5000 người, 21 số
phận chưa phải là tận cùng bi thảm, nhưng cũng đủ vẽ lên bức tranh khiêm tốn về
số phận người lính thất thế sau 1975, đủ khiến trĩu nặng tâm tư người đọc.
Chiến tranh qua đi gần nửa thế kỷ.
Thắng hay thua cũng đều chung màu da, tiếng
nói.
Tác giả đã cố gắng đưa vào vào trang viết
những gì chân thực nhất mà cô gặp và ghi chép lại. Không bi lụy hóa, không lý
tưởng hóa. Cô viết theo những gì cô được chia sẻ, từ góc nhìn của nhân vật.
Đó là nỗi đau đớn của “thằng ngụy què” gần 40
năm sau “ngày giải phóng” đến khi chết, không được cấp quyền công dân, là con
cái họ chỉ đi làm cái chứng minh nhân dân cũng phải chờ đợi 5 năm với 5 chục
lần đi tới đi lui, là những thương phế binh trải qua bi kịch thời tao loạn,
người tình nguyện đăng lính, người thì sợ phải ra chiến trường, trốn quân dịch
bằng nhiều cách, kể cả bằng cách tự phế. Họ đều mong đợi chiến tranh kết thúc
để được sống yên hàn, nhưng lại rơi vào một cuộc chiến dai dẳng không tiếng
súng, cả quãng đời dằng dặc âm thầm, đau khổ, lay lắt, vật vã vì tù đày, vì
thương tật, vì mưu sinh trong sự sợ hãi kinh niên, sự o ép, hận thù, kỳ thị để
rồi nhiều người trong số họ phải sống cuộc sống cùng cực khó hình dung, hoặc
thí mạng để bỏ nước ra đi.
Đó là bi kịch của những người dân ở vùng giáp
ranh Ngày Quốc gia đêm cộng sản, với những cái chết bi thảm nếu không biết cách
im lặng.
Đó là nỗi cay đắng của những gia đình mà cha
con, anh em ở hai bên chiến tuyến, “Đường nào cũng tốt. Cố giữ đừng chết để còn
về là được” nhưng rốt cuộc người chết, người tàn phế.
Đó là người lính chở xe ôm vẫn lưu giữ mãi ký
ức về một trái đạn pháo dội về từ Rừng Sác vào nội đô Sài Gòn cắt ngang cuộc
đời của một thanh nữ, giữ mãi ký ức bi tráng trong giờ phút cuối cùng của đạo
quân chiến bại, và vẫn giữ mãi ký ức day dứt của mối tình đầu.
Đó là người lính nhảy dù, đã sống oanh liệt
một đời lính trận, bị chuyển từ bệnh viện này tới Tổng y viện khác của những
ngày cuối tháng Tư năm 75, tới khi thời thế đổi thay vẫn sống với phương châm
“Ngẩng đầu lên và nở nụ cười”, đã có những tháng ngày không vô nghĩa khi viết
tới 30 đầu sách về kỹ năng sống cho thanh thiếu niên và 90 tập tài liệu cho
phong trào Hướng đạo.
Mỗi năm, thương phế binh, và cả những người
lính còn lành lặn, ngày một rụng rơi. Số phận của họ, bi kịch của họ liệu có
khiến chúng ta mang cái nhìn nhân ái hơn, liệu có khiến chúng ta, trong đó rất
nhiều người trẻ chưa từng biết chiến tranh và mùi khói súng nhưng lại nuôi giữ
hận thù lắng lòng lại mà hiểu rằng, bi kịch của cuộc đời những thương phế binh
Việt Nam cộng hòa chính là bi kịch của dân tộc, bi kịch của thời đại?
Tôi cảm ơn Phan Thúy Hà khi cô có lần nói đại
ý, Đây không phải là một cuốn sách mới. Nó là phần 2 của “Đừng kể tên tôi”.
Điều đó có nghĩa, Bắc hay Nam, “Giải phóng quân” hay lính Việt Nam cộng hòa,
thì họ đều là người lính Việt. Trong những giờ khắc của lịch sử, họ đều buộc
phải cầm súng ra chiến trường, bắn vào nhau vì lý tưởng hoặc vì nhiệm vụ. Bên
này hay bên kia, thì cũng đã tàn chinh chiến. Và có một người viết, bằng Tình
Người, từ trang viết của mình đã kéo họ xích lại gần nhau.
Cuối cùng, nếu bạn tinh ý một chút, sẽ thấy
đằng sau câu chữ giản dị, có nhiều điều mà tác giả kín đáo gửi gắm. Giống với
cách viết của Phạm Đình Hổ trong “Vũ trung tùy bút”. Bạn hãy tự đọc và tự hiểu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét