Phan Thúy Hà - từ xóm Trùa đến cây bút “phi hư cấu” nổi tiếng
Tôi chú ý đến Phan Thúy Hà, khi 3 cuốn truyện “phi hư cấu” của
cô nổi đình đám trong giới truyền thông: Đừng kể tên tôi, Tôi là con
gái của cha tôi, Gia đình đều do NXB Phụ nữ cấp phép, trong đó
cuốn Đừng kể tên tôi đã tái bản lần thứ 4.
3 cuốn sách của Phan Thúy Hà: 'Đừng kể tên tôi', 'Tôi là con
gái của cha tôi', 'Gia đình' - do NXB Phụ nữ ấn hành ẢNH: N.K.P |
Khi biết quê Phan Thúy
Hà ở Hương Khê là nơi tôi đã qua lại nhiều lần trong những năm chiến đấu trên
đường 12A, tôi đã “kết bạn” với cô qua Facebook. Hai “bác cháu” đã “trò chuyện”
với nhau nhiều lần, mong có dịp gặp để hiểu thêm cuộc đời cây bút trẻ đồng
hương.
Mấy năm qua, dư luận
hầu như chỉ bàn đến 3 tác phẩm Đừng kể tên tôi, Tôi là con gái của cha
tôi, Gia đình, nhưng Phan Thúy Hà còn cuốn thứ tư - Qua khỏi dốc là
nhà (NXB Kim Đồng, 2018) cũng thuộc dòng “phi hư cấu” mà gần như là
“Tự truyện”, lại bị “chìm” so với 3 cuốn kể trên, mặc dù có bạn đọc rành về văn
chương cho rằng, cuốn này về một số mặt còn hay hơn 3 cuốn kia!
Có thể xem Qua
khỏi dốc là nhà là “chân dung tự họa” không chỉ của bản thân và gia
đình Phan Thúy Hà mà của cả một làng quê đúng là “vùng sâu vùng xa”, trong đó
có xóm Trùa, xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê. Vào dịp ra Hà Nội dự Đại hội Nhà
văn, hai bác cháu lần đầu gặp nhau. Như đã hẹn, Phan Thúy Hà mang đến tặng tôi
cuốn Qua khỏi dốc là nhà.
Tôi đã đọc cuốn sách suốt trên chuyến tàu vô Huế và ước chi tất
cả các học sinh cấp 2 và cấp 3 được đọc tác phẩm này. Ở đây có vấn đề thị hiếu
và tâm lý độc giả hiện nay do Qua khỏi dốc là nhà không thuộc
dòng sách “ăn khách” trên thị trường - chỉ là chuyện những đứa trẻ cùng gia
đình vật lộn với cuộc mưu sinh ở một vùng đất gian khó. Tác giả sinh năm 1979,
bố đang học Đại học Tổng hợp Sử Hà Nội thì đi bộ đội, mẹ học Trường Sư phạm năm
1972 rồi trở thành cô giáo. Năm anh chị em lớn lên chủ yếu trong thời bao cấp
thiếu thốn đủ thứ sau chiến tranh. Không có những sự kiện lớn, mâu thuẫn “địch
- ta” hay những cuộc đấu gay cấn với các quan tham và tệ nạn xã hội; cuốn sách
gồm toàn những chuyện rất bình thường, thậm chí là nhỏ nhặt trong đời sống hàng
ngày. Chuyện khó khăn thời bao cấp thì cũng đã có không ít sách nói đến.
Chính là với một đề
tài “chẳng có chi lạ” như vậy, Phan Thúy Hà đã chứng tỏ khả năng quan sát, lựa
chọn chi tiết và thể hiện bằng một bút pháp riêng - giản dị, kiệm lời mà rất
gợi cảm. Chuyện hai chị em tranh nhau ngủ với bà, nỗi đau khi người bạn phải bỏ
học, tình cảnh mẹ con đi bán nón, bán chè suốt buổi không ai mua, chuyện nữ
sinh “tuổi mới lớn” bỡ ngỡ trước dấu hiệu giới tính… Cả đến chuyện con chó mực
nhà chị Vân cũng làm bạn đọc thổn thức: khi gia đình chị dời vô Nam sinh sống,
nhà dỡ rồi, nó vẫn về nằm trên nền đất cũ, chỉ khi sinh con, nó mới đến “tạm
trú” bên thềm nhà Phan Thúy Hà; sau đó mất tích, ai ngờ nó ra nằm trên mảnh
ruộng cũ nhà chị Vân cho đến chết! Còn nhà Hà có con bê, do vô ý để nó bị cảm,
bụng trướng mà tưởng nó ăn no, “suốt đêm bò mẹ rống lên cầu người cứu con mà
không ai biết”; khi nó chết, Huân (em trai Phan Thúy Hà) “ôm bê khóc nức
nở… Người ta đến nhà làm thịt con bê. Huân bỏ học, ngồi ở thềm cửa khóc bê hời
hời…”.
Cuốn sách Qua
khỏi dốc là nhà không chia chương hồi, thường là những đoạn văn ngắn,
nhưng cũng có những “đoạn” nhiều tình tiết như trong một truyện ngắn. Hình như
Phan Thúy Hà không mấy bận tâm đến thể loại, mà chủ yếu tìm cách diễn đạt tốt
nhất cảm xúc của mình trước những cảnh đời, những số phận từng in dấu sâu đậm
trong cuộc đời mình.
Tôi đọc cuốn sách khi
mì tôm cứu trợ tràn ngập các tỉnh miền Trung, nên câu chuyện dân xóm Trùa lần
đầu được ăn mì tôm như là truyện cổ tích và hấp dẫn như… khi chị em Phan Thúy
Hà được ăn mì tôm. Nhà có mì tôm nhờ o Liên ở thị trấn mua về tặng bà. “Một
gói mì tôm, bà và 5 đứa cháu chia nhau. Còn bốn gói bà vùi trong thóc khỏi
chuột gặm… Một đêm… mở mắt thấy bà đang mở cánh cửa sập. Bà bảo nghe loạt xoạt,
đoán có chuột mò mì tôm…”. Rồi đêm khác, nghe tiếng loạt xoạt, Hà thấy bà
chui trong sập ra, bẻ nửa gói mì, còn nửa gói lại. “Bà thấy nhọc trong người…”.
Thế là bà cháu nhen lửa để bà bồi dưỡng mì tôm. “Thìa cuối cùng, bà nhường
cho mình. Ăn xong, hai bà cháu cười tươi. Bà lên giường ngủ ngon…”. Cô giáo
ốm, “cả lớp góp tiền mua mì tôm tới thăm. Cô bảo lớp trưởng bóc hết ra mời
các bạn. Mình đến lớp đem theo gói bột nêm bóc ra từ bao mì… Từng đứa xòe bàn
tay ra chia đều liếm láp…”. Đọc chuyện thật mà như… bịa; thấy tội tội
thương cảm một thời mà cũng ấm áp tình người một thời.
Ngày chiếc ti vi đầu
tiên xuất hiện ở xóm Trùa cũng lắm “chuyện lạ” như thế. Phấn là “trưởng toán”
trẻ con giỏi tìm cách đi xem nhờ ti vi nhà hàng xóm. Nhưng người xóm Trùa thời
nghèo khó ấy luôn giữ nếp sống “đói cho sạch, rách cho thơm”, mà có lẽ nhà Phấn
là tiêu biểu. Cha Phấn vác cày ra đồng, thấy một lá tre rụng, “cũng thả cày
vào nhà lấy chổi vơ sạch. Uống một bát nước chè ở nhà Phấn cũng ngon hơn vì
từng cái bát được đánh sạch bong… Phấn bảo vì mình nghèo nên phải sạch sẽ khỏi
bị khinh… Mẹ của Phấn đi đâu ai mời cũng bảo ăn no ở nhà rồi. Bụng đói cồn cào,
nhưng đi qua sân nhà người ta đang ăn cơm, mẹ Phấn cũng bẻ cái tăm ngậm miệng
vờ như vừa ăn xong…”.
Phấn phải bỏ học từ
nhỏ, trong lao động, Hà xem Phấn như “sư phụ”; mỗi khi đi chặt củi, “gánh
củi hắn to, đẹp, nuột nà. Gánh củi mình xộc xệch, rườm rà. Làm xong trước, hắn
đi chặt giúp mình… Mình mở đùm cơm ra, chia hắn một nửa. Hắn bảo mình ăn từ từ
để cảm nhận cho hết cái ngon…”. Phấn còn “dạy” cho Hà muốn được các em nể
trọng thì phải làm gương, bảo chúng quét nhà một lần không nghe thì mình quét,
ba lần như thế, chúng phải hiểu... Vậy mà một ngày Phan Thúy Hà vô “đôộng” đi
củi về, nghe tin Phấn nhảy giếng tự tử! “Tại sao mày chết?”, câu hỏi day
dứt Hà mãi cho đến khi xóm Trùa nhiều nhà có ti vi, có điện “chẳng phải vừa
xem vừa hồi hộp canh chừng bình ắc quy…”. Không dễ lý giải mọi điều trong
cuộc sống, nhất là ở những vùng heo hút như xóm Trùa. Ví như nhà bác Chắt bỗng
dưng bị vu “có thuốc độc” khi có đứa cháu ốm nặng “do ăn cơm nhà cậu
Chắt”; thế là “một câu chuyện li kỳ rùng rợn được dựng lên… mỗi người
lại thêm thắt tình tiết”; đến nỗi bác phải bỏ quê hương vô Nam. “Giờ
phút ra đi, vác bao đồ lên vai, bác gục xuống bậc thềm nhà, khóc rống lên như
một đứa trẻ”. Ở nơi xa quê, bác đột nhiên thành người mất trí!...
Dân xóm Trùa cũng có
gia đình vô Nam, gặp điều kiện sinh sống dễ dàng, trở nên sung túc hơn. “Dốc
quê nhà bây giờ cũng đã khác… Xe chở đất đi đắp đường…”. Cuộc sống khởi
sắc, Phan Thúy Hà đậu một lúc 3 trường
đại học, em trai được chọn Trường năng khiếu cấp Bộ ở Vinh…, nhưng
tác phẩm của Phan Thúy Hà ghi lại nhiều câu chuyện xưa “khiến ta nghẹn
giọng, vì nỗi buồn nặng như đất, mạnh mẽ và khô rốc ở trong đó” (Lời bình
của nhà văn Lê Minh Hà) không chỉ để nhắc nhở thế hệ hôm nay phải biết trân quý
cuộc sống đang không ngừng đổi mới mà còn lay động chốn sâu lắng hơn trong tâm
hồn con người. Cuộc sống xô bồ, xu hướng chạy theo vật chất ngày một “lên ngôi”
hiện nay rất dễ làm người ta xem nhẹ giá trị tinh thần, những tình cảm bà -
cháu, mẹ - con, anh - em… cả tình thương, nỗi nhớ với con dốc, gốc cây, con
chó, con bê từng chung sống với mình. Tất cả, đã được Phan Thúy Hà thể hiện một
cách thật chân thực và cảm động. Con người hơn các loại sinh vật khác chính là
ở đó! Và cuộc sống, tiện nghi giàu sang đến mấy cũng vẫn có cảnh đời bất hạnh,
những lúc gặp chuyện đau buồn.
Vậy nên, đọc tác phẩm
Phan Thúy Hà, nhà văn Lê Minh Hà bình luận: “Bạn sẽ được nhận vào mình một
cảm giác rất đau và rất đẹp, là cảm thông được với con người”.
Còn Phan Thúy Hà đã
viết trong những trang cuối tác phẩm Qua khỏi dốc là nhà:
“Người mua lại khu
vườn nhà bác Chắt kêu xe tới xúc đất bán đi. Bác Chắt không trở lại. Bác không
còn quê hương. Bác mất trí nhớ. Bác không biết buồn.
Một mình bước lặng
giữa lối Động Am. Trưa hè tháng tư đàn bướm rợn ngợp trên những lối đi không
dấu chân người… Những chiếc xe chở con dốc đi. Chở đi khúc tuổi thơ thân thương
khó nhọc…”.
Từ xóm Trùa vùng núi
Hương Khê xa xôi, từ tuổi thơ gian khó và giàu kỷ niệm như thế, Phan Thúy Hà đã
trở thành cây bút được rất nhiều nhà văn tên tuổi cả ba miền nể trọng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét