Hồ Anh Thái
Thiên hạ đã viết về Đức Phật suốt 2.500 năm nay, nhưng triết luận một cách độc đáo mà thuyết phục như Osho thì quả là hiếm có.
Osho là nhà hiền triết ở Ấn Độ hiện đại. Trong chuyên luận này, ông đi từ phản biện để dẫn đến tính “không thể bác bỏ” của Phật giáo: “Thật khó thấy Phật giáo hấp dẫn. Chỉ những người hiếm hoi vô cùng thông minh mới có thể bị nó hấp dẫn. Nó không thể trở thành một tôn giáo đại chúng. Khi nó trở thành một tôn giáo đại chúng, nó chỉ trở thành như vậy khi đánh mất tất cả tính nguyên sơ để thỏa hiệp với đám đông.
Ở Ấn Độ, Phật giáo biến mất bởi vì những người theo Đức Phật yêu cầu nó phải thuần khiết. Có những người nghĩ rằng bởi vì các triết gia và nhà huyền môn Hindu bác bỏ đạo Phật nên đạo Phật mới biến mất khỏi Ấn Độ. Điều đó là sai. Không thể bác bỏ nó. Chưa bao giờ có ai bác bỏ nó. Không có khả năng bác bỏ vì ngay từ đầu nó đã không dựa trên logic.
Nếu điều gì đó dựa trên logic, bạn có thể phá hủy nó bằng logic. Nếu điều gì đó dựa vào luận chứng logic, bạn có thể bác bỏ nó. Phật giáo không hề dựa trên logic. Nó dựa trên kinh nghiệm, nó mang tính hiện sinh. Nó không tin tưởng vào bất kỳ lý thuyết siêu hình nào thì làm sao bạn có thể bác bỏ nó? Nó không bao giờ xác nhận bất cứ điều gì về bất cứ khái niệm nào. Nó chỉ đơn giản là mô tả kinh nghiệm sâu thẳm nhất. Nó không có triết lý cho nên các triết gia không thể bác bỏ nó.
Nhưng đúng là Phật giáo đã biến mất khỏi Ấn Độ. Lý do cơ bản của sự biến mất đó là Đức Phật và những người theo ông yêu cầu nó phải thuần khiết. Chính yêu cầu về tính thuần khiết này trở thành một cái hố ngăn cách không thể san lấp. Đám đông không thể hiểu nó, chỉ những người hiếm hoi, một nhóm rất có văn hóa, thông minh, quý tộc, một số ít được lựa chọn mới có thể hiểu những gì Đức Phật ngụ ý. Những ai thấu hiểu nó thì trong chính sự thấu hiểu đó, họ đã được chuyển hóa. Còn với đám đông thì nó là vô nghĩa. Nó mất chỗ đứng của mình đối với đám đông.
Ở Trung Quốc, nó thành công. Ở Tây Tạng, ở Sri Lanka, ở Myanmar, ở Thái Lan, ở Nhật Bản, nó thành công - nhờ những nhà truyền giáo. Khi thấy những điều xảy ra ở Ấn Độ, những nhà truyền giáo Phật giáo đi ra khỏi đất nước này đã trở nên rất thỏa hiệp. Họ đã thỏa hiệp. Họ bắt đầu nói bằng ngôn ngữ khẳng định. Họ bắt đầu nói về thành tựu, phúc lạc, thiên đường, từ cửa sau họ mang vào mọi thứ mà Đức Phật từng từ chối. Một lần nữa đám đông thấy hạnh phúc. Cả nước Trung Quốc, cả châu Á ngoại trừ Ấn Độ đã cải đạo sang Phật giáo. Ở Ấn Độ, người ta chỉ cố gắng trao thông điệp thuần khiết, không có sự thỏa hiệp, điều đó là không thể. Ở Trung Quốc, đạo Phật trở thành một tôn giáo đại chúng nhưng khi đó, nó đã mất đi chân lý của mình.
… Ngay khi một tôn giáo được tổ chức, nó sẽ chết, bởi vì bạn chỉ có thể tổ chức một tôn giáo khi bạn thỏa hiệp với đám đông. Bạn chỉ có thể tổ chức một tôn giáo khi bạn thuận theo khao khát của đại chúng. Bạn chỉ có thể tổ chức một tôn giáo khi bạn sẵn sàng biến nó thành chính trị và sẵn sàng đánh mất tính tôn giáo của nó.
Chỉ có thể tổ chức một tôn giáo khi nó không còn là một tôn giáo thực sự. Nói cách khác, không thể tổ chức một tôn giáo như một tôn giáo. Khi được tổ chức, nó không còn là tôn giáo. Một tôn giáo thực sự về cơ bản sẽ luôn vô tổ chức, sẽ luôn hỗn loạn một chút, sẽ luôn lộn xộn một chút, bởi vì tôn giáo thực sự là tự do” (trang 236 - 241).
Osho sinh ra trong gia đình theo đạo Hindu nhưng không khẳng định mình là người tôn giáo. Ở vị trí ấy, Osho có quyền nhìn nhận khách quan về các tôn giáo: “Loài người đã tạo ra thượng đế bằng chính hình ảnh của mình. Đó là một sáng tạo của con người. Thượng đế không phải là một phát hiện mà là một phát minh. Và thượng đế không phải là sự thật, nó là sự dối trá vĩ đại nhất.
Đó là lý do tại sao tôi nói Phật giáo không phải là một tôn giáo theo nghĩa thông thường của từ này. Một tôn giáo không có thượng đế, bạn mường tượng được không? Lần đầu tiên các học giả phương Tây biết về Phật giáo, họ đã bị sốc. Họ không thể hiểu nổi việc một tôn giáo có thể tồn tại mà không có thượng đế. Họ chỉ biết Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo. Tất cả ba tôn giáo này đều ở trên một con đường rất non nớt so với Phật giáo.
Phật giáo là một tôn giáo trưởng thành. Phật giáo là tôn giáo của một tâm trí trưởng thành. Phật giáo hoàn toàn không trẻ con chút nào và nó không ủng hộ bất kỳ khao khát trẻ con nào trong bạn. Nó tàn nhẫn. Để tôi nhắc lại: chưa bao giờ có ai từ bi hơn Đức Phật, nhưng tôn giáo của ông thì rất tàn nhẫn.
Trên thực tế, bằng sự tàn nhẫn đó, ông thể hiện lòng từ bi của mình. ông ấy sẽ không cho phép bạn níu bám vào bất cứ dối trá nào” (trang 246).
… “Đức Phật là cá nhân gây choáng váng nhất trong lịch sử loài người. Cả đời ông chỉ nỗ lực làm một việc là đánh gãy tất cả các cột chống. Ông không nói phải tin vào điều gì. Ông là một người nghi ngờ và tôn giáo của ông cũng là tôn giáo của sự nghi ngờ. Ông không nói “tin tưởng đi”, ông nói “hoài nghi đi” (trang 248 - 249).
“Một khi bên trong bạn sự sống vốn đã phong phú, bạn sẽ không tìm kiếm giàu sang, bạn sẽ không tìm kiếm quyền lực. Các nhà tâm lý học đã nhận thức được rằng khi con người bắt đầu bị mất năng lực tình dục, họ bắt đầu tìm kiếm các biểu tượng thể hiện tình dục để bù vào. Nếu một người bị mất năng lực tình dục thì anh ta có thể tìm cách có được chiếc xe hơi lớn nhất, đó là biểu tượng thể hiện sức mạnh trong tình dục.
… Các nhà tâm lý học thấy rằng những người có một mặc cảm thấp kém nào đó luôn luôn trở nên tham vọng. Trên thực tế, hầu như không ai tham gia vào hoạt động chính trị trừ khi anh ta bắt rễ sâu trong một mặc cảm thấp kém. Các chính trị gia về cơ bản là những người mang trong mình những mặc cảm thấp kém. Họ phải chứng tỏ sự ưu trội của mình theo cách nào đó, nếu không, họ sẽ không thể sống với mặc cảm thấp kém của mình” (trang 285 - 286).
Hiểu biết và có kiến thức là hai khái niệm khác nhau, Osho khẳng định: “Đức Phật không tích lũy kiến thức. Người trí tuệ không quan tâm nhiều đến đến thông tin hay kiến thức. Người trí tuệ quan tâm nhiều đến khả năng biết. điều người ấy quan tâm là việc biết chứ không phải kiến thức.
Việc biết cho bạn sự thấu hiểu, kiến thức chỉ cho bạn cảm giác am hiểu mà thiếu đi sự thấu hiểu thực sự. Kiến thức là giả, nó lừa bịp. Nó chỉ cho bạn cảm giác rằng bạn biết, nhưng bạn hoàn toàn chẳng biết gì. Bạn có thể tích lũy thật nhiều kiến thức nếu muốn. Bạn có thể viết sách, bạn có thể có bằng cấp, bạn có thể có những tấm bằng tiến sĩ hay thạc sĩ nhưng vẫn nguyên là con người dốt nát, ngốc nghếch mà bạn vốn thế. Những bằng cấp đó không thay đổi bạn, chúng không thể thay đổi bạn. Trên thực tế, sự ngốc nghếch của bạn trở nên mạnh mẽ hơn, giờ đây nó đã có bằng cấp. Nó đã có thể chứng tỏ mình thông qua bằng cấp. Nó không thể chứng tỏ mình thông qua cuộc sống, nhưng thông qua bằng cấp thì được. Nó chẳng thể chứng tỏ bất cứ điều gì qua bất cứ cách nào khác, nhưng nó sẽ đem theo bằng cấp, chứng chỉ, sự thừa nhận từ xã hội. Người ta nghĩ rằng bạn biết, và bạn cũng nghĩ rằng bạn biết.
Bạn đã thấy điều này chưa? Những người được cho là rất uyên bác cũng dốt nát như bất cứ ai, đôi khi còn dốt nát hơn. Thật hiếm có những người trí tuệ trong thế giới học thuật, rất hiếm. Tôi đã từng sống giữa thế giới học thuật và tôi nói vậy thông qua trải nghiệm của chính mình. Tôi đã thấy những nông dân trí tuệ nhưng chưa thấy những giáo sư trí tuệ. Tôi đã thấy những tiều phu trí tuệ nhưng chưa thấy những giáo sư trí tuệ. Tại sao? Có điều gì sai ở những người này?
Một điều sai: họ có thể dựa vào kiến thức. họ không cần trở thành người biết, họ có thể trông cậy vào kiến thức. Họ đã tìm được một phương cách gián tiếp.
… Khi bạn có thể có kiến thức theo cách gián tiếp, sao phải bận tâm? Bạn chỉ cần ngồi trên chiếc ghế của mình. Bạn đến thư viện hay trường đại học là có thể thu thập thông tin. Bạn có thể dựng nên một chồng thông tin và ngồi lên đỉnh.
Thông qua kiến thức, trí nhớ của bạn trở nên ngày một lớn, nhưng trí tuệ của bạn thì không. Đôi khi cũng có trường hợp, bạn không biết nhiều, bạn không quá uyên thâm thì bạn sẽ phải trở nên trí tuệ.
Tôi đã nghe…
Một phụ nữ mua được một hộp hoa quả nhưng bà ta không mở được hộp. Bà ta vội vàng lao vào phòng làm việc để xem một cuốn sách dạy nấu ăn. Đến khi tìm thấy đúng trang và chỉ dẫn, bà ta hối hả quay lại để mở hộp thì người hầu đã mở nó ra rồi.
Bà ta hỏi: “Làm sao mà anh mở được?”
Người hầu trả lời: “Thưa bà, nếu bà không biết đọc, bà sẽ phải dùng đến trí óc”.
Phải, chuyện xảy ra như thế đấy. Đó là lý do tại sao những người nông dân, thợ làm vườn hay tiều phu thất học lại trí tuệ hơn, xung quanh họ tỏa ra một sự tươi mới nào đó. Họ không biết đọc, cho nên họ phải dùng đến trí óc. Con người phải sống và dùng đến trí não của mình” (trang 15 - 18).
_______
* Đức Phật - cuộc đời và giáo huấn, chuyên luận của Osho, Lê Xuân Khoa dịch, Thái Hà Books và NXB Hà Nội 2019.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét