Thứ Năm, 16 tháng 6, 2022

Phạm Hải Anh, Huyết Ðằng

 

Phạm Hải Anh, Huyết Ðằng

Thụy Khuê

 

 Trong những tác giả trẻ trội lên vài năm gần đây tại hải ngoại, Phạm Hải Anh là một trường hợp đáng chú ý: khuôn mặt văn học tuy có vẻ như chưa thật sự định hình, nhưng đã có vài nét chấm phá rất rõ: Phạm Hải Anh có thể xoay từ thực tại này sang thực tại khác, từ nhân vật này sang nhân vật khác, khá dễ dàng. Tức là Hải Anh có khả năng đóng nhiều vai "tuồng" khác nhau, nếu như chị là diễn viên. Và đó là tính chất hiếm hoi trong văn học cũng như trong kịch nghệ.

 Hải Anh có một ưu điểm (và cũng là nhược điểm): viết rất dễ. Vì viết dễ dàng nên người đọc có cảm tưởng tác giả chưa khai thác hết khả năng của mình, chưa đi đến tận cùng của nhận thức, để tạo ra một sản phẩm văn học "tới nơi tới chốn". Một cảm giác tiếc nuối chen lẫn chờ đợi Hải Anh viết kỹ hơn, bởi vì ngay từ cái "jet", cái "phóng" đầu tiên, Hải Anh đã có những tia nhận xét sâu sắc với một giọng văn chắc nịch, tự tin, bình chân như vại.

 Ví dụ lối vào truyện Cửa sổ (dựng trên bối cảnh khu tập thể Hà Nội), nhân vật chính, kẻ xưng tôi, là một anh cán bộ nghiên cứu, đứng ở cửa sổ nhà mình nhìn xuống mái ngói của một tầng đối diện. Cách mở truyện mạnh bạo và trực tiếp làm cho ta nghĩ đến hai nhân vật của Mai Thảo đứng trên từng chót một tòa cao ốc, nhìn xuống cuộc đời ở dưới chân, hoặc liên tưởng tới Fenêtre sur cour (Cửa sổ nhìn ra sân) của Hitchcock. Tất nhiên đây chỉ là cảm tưởng chứ không hề có ý so sánh Hải Anh với Hitchcock hay Mai Thảo. Tóm lại, mạnh bạo và trực tiếp, đó là lối vào truyện của Hải Anh.

 Lần theo nét bút, người đọc dần dần khám phá ra những bản phác thảo chân dung nhân vật vừa nổi vừa chìm, ít lời mà ngụ ý, của tập thể "hàng xóm" anh cán bộ nghiên cứu trong cái tầng trước mặt. Họ sống quây quần nhưng xa lạ nhau, thuộc lòng những cử chỉ, thói quen của nhau, nhưng căm ghét nhau. Họ phả ra những thói tật, những phiền hà, những ganh tị nhỏ nhoi trong cuộc sống hàng ngày.

 Ðó là một tập thể bốn hộ gồm gia đình ông Mỹ, bán thịt lợn, có người con gái "cô Bích Liên" đang chờ lấy chồng; gia đình vợ chồng Tâm, cán bộ nhà nước, có đứa con gái ốm nhom; nhà bà Ðịnh chuyên môn làm phiền hàng xóm vì khói than và mùi nước gạo, và "nàng", cái đinh của câu chuyện, nàng cũng là đối tượng yêu của nhân vật xưng tôi, tức anh chàng ngồi bên cửa sổ nhìn sang những cuộc đời đối diện. Dùng "cửa sổ" để phóng cái nhìn sang tập thể, là một ý niệm độc đáo và có dụng ý: "Nàng mơ một ngôi nhà có nhiều cửa sổ", chị nàng "mơ một ngày nào đó được tặng một ôm hoa hồng màu đỏ chói lọi. Nhưng bạn trai chị ấy không thích hoa, chỉ thích gà. Sinh nhật chị, lần nào anh ta cũng vác đến một con gà luộc. Hai người chấm muối chanh ớt, liên hoan với nhau. Rồi chị ấy lấy anh-gà-luộc ấy. Bây giờ hai người ở một cái nhà to, có rất nhiều cửa sổ." (trang 30-31)

 Lúc đọc đến đoạn này, tôi đã phì cười: cô này hóm lắm, bịa y như thật, nhưng chỉ vài ngày sau, tình cờ có cô em họ ở Hà Nội sang Paris thăm con, cũng thấy lễ mễ trong hành lý ba con gà luộc (giấu  hải quan), thì ra chuyện này có thật, không bịa tí nào: sự thật vượt ngoài trí tưởng tượng, một sự thật hài hước mà xót xa: ám ảnh ẩm thực thay chỗ cho tất cả các thứ quà xa xỉ khác, đã vượt mọi giấc mơ, vượt cửa ... hải quan để đến cư ngụ trong lòng người. Tình yêu, dù là tình trai gái hay tình mẫu tử, đều chịu áp lực của ẩm thực, chứng tỏ con người khi phải ăn đói quá lâu ngày, thì không thoát ra khỏi khát vọng ẩm thực nữa mặc dù bây giờ họ đã giầu có, đã có điều kiện cho con du học và thừa tiền xuất ngoại du lịch thăm con.

 Khát vọng ẩm thực dẫn đến phăng-tát ăn uống, nó đè bẹp những phăng-tát khác, khiến chúng trở thành những nạn nhân, một loại công dân hạng nhì. Nạn nhân ở đây hiện ra dưới dạng phăng-tát ước mơ. Với phăng-tát này, Phạm Hải Anh quẹt một nét khác: Chân dung con bé gầy đét, con vợ chồng Tâm, cán bộ nhà nước:

 "Ngày Tết, tôi sang chơi, cả nhà đi vắng, con bé pha trà, mời nước như người lớn rồi chúc tôi "Mạnh khỏe, công tác tốt!" Tôi cười bảo: "Thế cháu muốn chú chúc lại gì nào?" Nó nói: "Tùy chú. Ai cũng chúc cháu ngoan, học giỏi. Thế thôi!" Tôi hỏi: "Thế cháu không ước có cái gì khác à? Ví dụ được thưởng đi nghỉ ở biển chẳng hạn...?" Con bé đáp: "Cháu chưa đi biển bao giờ. Nhưng chả cần. Ước làm gì cho mệt. Chú có chúc cháu cũng không được đi cơ mà!"" (trang 28)

 Thế là rồi đời mơ ước. Một bút pháp tàn nhẫn, có khả năng đưa lên đoạn đầu đài tất cả những tơ tưởng ngoạn mục của con người qua vài dòng chữ li ti.

 Nhưng ở dưới cái nét phũ phàng ấy là một bản ngã văn chương: Những nhận xét thoáng qua mà lại tỉ mỉ, chính xác và đau đớn ấy chứng tỏ Phạm Hải Anh có thể tạo dựng được những gì đằng sau ngôn ngữ, tạo được những khoảng trống ngôn ngữ. Và đó là mục đích của Hải Anh. Tạo được khoảng trống ngôn ngữ, làm bật lên những điều không nói cũng là sở trường của Nguyễn Huy Thiệp.

 Một số người viết trẻ chịu ảnh huởng của Nguyễn Huy Thiệp, muốn làm như Nguyễn Huy Thiệp, nhưng không phải dễ. Thường thường họ chỉ bắt chước được cách đặt câu ngắn gọn, cộc lốc, mà không tạo được khoảng trống ở những điều không nói. Phạm Hải Anh làm được. Truyện ngắn Cửa sổ là một truyện chịu ảnh hưởng Nguyễn Huy Thiệp trong chiều hướng đẹp của hai chữ ảnh hưởng: Hải Anh, trong vài câu ngắn gọn, cộc lốc, đã vẽ nên chân dung một con bé già trước tuổi, cử chỉ như người lớn, hỏi đáp như bà cụ non, nó đã hiểu hết những điều mà người ta gọi là "cay đắng" của cuộc đời. Nó biết có ước cũng chẳng được. Nó lõi đời hơn hai thiếu nữ: chị nàng ước được tặng bó hồng lại phải lấy anh chàng-gà-luộc. Nàng ước ngôi nhà có nhiều cửa sổ, nàng có người yêu là "tôi", nhưng chẳng may, một hôm cái anh "tôi" ấy, bắt gặp nàng đang "chọn một miếng thịt lên cân và cười", khiến hắn phải "chạy ra khỏi chợ. "Nụ cười "thịt" của nàng đã xua đuổi hắn. Rút cục, nàng với những giấc mơ "cửa sổ" cũng không thoát khỏi ám ảnh ẩm thực. Và chính ám ảnh ẩm thực ấy đã giết chết tình yêu.

 Qua một truyện rất ngắn, Phạm Hải Anh đã dẫn người đọc vào cái không khí nghẹt thở của một "chung cư tập thể". Chung cư của những giấc mơ chết yểu. Tập thể của những ước muốn tự lột xác thành những miếng thịt, miếng mỡ, miếng tim gan phèo phổi, để tìm được chỗ đứng trong lòng người. Chung cư tập thể khép lại với hình ảnh cuối cùng: Sau khi nàng đi lấy chồng, mẹ chàng cán bộ nghiên cứu dự định sẽ quây quách cái ban công sau lại, tức là bít nốt cửa sổ để làm thành chuồng cọp chứa đồ, tiện lợi hơn, bởi vì bà nghĩ: nhà có một cửa ra vào là đủ, thời buổi này ai cũng quay ra đường lớn, bao nhiêu người sống không cần cửa sổ.

 Hình ảnh cuối cùng này như nhát búa chót gõ vào mảnh ván quan tài, vĩnh viễn đóng lại "cõi nhìn" của kẻ xưng tôi. Ðể lại cho hắn cái thế giới duy nhất mà hắn độc quyền sở hữu: Thế giới không cửa sổ.

 

 Huyết đằng tập hợp 25 truyện ngắn, mỗi truyện một bối cảnh khác, một loại nhân vật khác, một thứ ẩn ý khác.

 

 Trở về không còn một chút gì ảnh hưởng Nguyễn Huy Thiệp nữa. Hải Anh bước sang bút pháp lãng mạn, kể chuyện một anh Việt kiều về nước. Sự trở về này, giở lại dĩ vãng đau thương của một tuổi thơ kinh hoàng, đầy chất bi kịch (kiểu anh em nhà Karamazov). Hải Anh dùng biểu tượng để chồng chất những lớp lang khác nhau, khiến độc giả có thể đọc Trở về như một truyện ngắn bình thường, "hồn nhiên" viết về hoàn cảnh éo le của một Việt kiều, nhưng cũng có thể đọc Trở về dưới nét khác thường của một gia đình, một dân tộc có một dĩ vãng âm u, khốc liệt, với những người con xâu xé, tranh giành, hãm hại nhau (kiểu anh em nhà Karamazov). Với Trở về cũng như với hầu hết những truyện ngắn khác, độc giả vẫn có một chút luyến tiếc: tại sao tác giả không chịu khó đẩy tâm lý các nhân vật sâu xa hơn nữa, để chúng ghi tạc lâu và mạnh hơn nữa vào tâm cảm người đọc. Chắc chắn Phạm Hải Anh có thể làm được việc đó.

 

 Thương lá rách là một truyện hiện thực "cổ điển" mà thời sự: lá lành đùm lá rách. Ở đây, tác giả vạch ra những "con sâu", "con bọ" trong đám lá rách, chúng nằm trong hệ thống "sâu bọ" hút tủy những cơ hàn, đói khát, liệt nhược của trẻ mồ côi. Những "lá lành", trong cuộc hành hương nhân đạo, mỗi ngày một lạc thêm vào mê lộ của cuộc đi, tự hỏi về hành trình chính mình, mình có đi lạc ngay từ đầu không? Mình có tiếp viện cho bọn mafia trưng dụng tình thương, dùng viện tế bần, trại mồ côi như những dụng cụ để làm tiền không cần xuất vốn. Ðây là câu chuyện một anh sinh viên vừa ra trường tìm được việc làm ở một tổ chức cứu trợ nhân đạo nước ngoài. Anh ta làm thông ngôn cho Eric, một nhân viên của cơ quan cứu trợ. Eric muốn đến thăm những nơi mà tổ chức cứu trợ này đã hoặc sẽ cho tiền.

 Cuộc đi của hai thanh niên dẫn đến những ngõ ngoặt không ngờ, mà mục tiêu đầu là một khám phá: phỏng vấn một em bé đánh giầy (đã được chỉ định) để lên chương trình tài trợ các trẻ em lang thang. Câu chuyện loanh quanh, hỏi qua hỏi lại, thì được biết "em bé đánh giầy" này làm ở khu có nhiều Tây, nên kiếm khá, lương em hơn cả lương hưu của cả hai cha mẹ cậu sinh viên làm "ghít" cộng lại, em bé tuy người nhỏ thó nhưng năm nay đã 21 tuổi và sắp về quê cưới vợ v.v... Chưa hết, Eric lại đòi dẫn đến một trung tâm nuôi và dạy trẻ mồ côi ở Hà Nội mà tổ chức đã trợ cấp. Tới nơi, đòi thăm phòng ăn: chẳng thấy, té ra ở đây không cần phòng ăn vì đã phát tiền cho các cháu đi ăn cơm bụi. Tìm đến lớp học: trống không bởi đang nghỉ hè, các cháu đi bán sách rong, chưa về. Hỏi: Vậy số tiền mà tổ chức gửi lần trước, được dùng vào việc gì? Trả lời: Ðể xây xưởng mộc và nuôi gà. Xin xuống thăm chuồng gà: không một mống. Hỏi tại sao? - Gà mới toi cả. Tìm đến xưởng mộc, chỉ thất mấy cái cưa đục hoen rỉ, vất bừa bãi trong căn phòng mái thủng toác hoác. Người phụ trách rưng rưng nước mắt, giải thích: "Gỗ thì đem làm củi đun hết cả rồi anh ạ. Các anh xem ... giọng người phụ trách trở nên buồn rầu xúc động, mái thì thủng lỗ chỗ, cái tường nứt toác thế kia, nhỡ đang học nó xụp xuống thì nguy hiểm chết người... Kinh phí như gió vào nhà trống, đắp chỗ nọ hở chỗ kia, khổ quá anh ạ!" (trang 65)

 Cứ từ tốn, thản nhiên như thế, Phạm Hải Anh dẫn người đọc vào những hoàn cảnh không thể tưởng tượng được mà lại rất thật, bởi sự thật ngoài đời đôi khi vượt quá giới hạn của tưởng tượng. Một chuyến đi "thực tế" vào những phũ phàng, gian lận, với những nhân vật được huấn luyện để nói lời thành tâm, chân thật, để phục vụ công tác cướp giật giữa đường; những nhân vật cái bang này có đủ khả năng tạo ra những giọt lệ làm tiền không tốn một xu, dùng việc thiện để giết chết việc thiện.
 
 

 Dạo phố Hà Nội như Thạch Lam, Hải Anh dừng lại ở một tiệm giầy, hàng "Xuân Phương Shoes Shop", có lời quảng cáo hoa mỹ "Ðến với Xuân Phương bạn sẽ hài lòng", rồi nghe chuyện đời ly kỳ của ông chủ, bạn sẽ thấy đó là cả một lịch sử lẫy lừng của dân tộc: Cụ thân sinh ra ông, nhờ có mỗi cái nghề bán dép lốp, dép râu mà mua được cả ti-vi, tủ lạnh. Một nửa dân Hà Thành xài dép lốp Xuân Phương, và trong cảnh giầu sang ti-vi tủ lạnh, cụ đã từng mơ một giấc mơ triệu phú, có tầm cỡ quốc gia, quốc tế, đó là ngày cụ trang bị dép lốp cho toàn thể phi công Việt Nam "chân dép lốp bay vào vũ trụ" (trang 89)

 Nhưng rồi cụ mất mà chưa được phỉ nguyện, con cụ, ông Xuân Phương ngày nay vẫn chỉ là chủ tiệm Xuân Phương shop và kiêm chức vụ quý hóa thứ nhì: Ông là một nhà thơ đầy triển vọng trong sinh hoạt câu lạc bộ thơ phường, với những chủ đề đầy ý nghĩa như "Khuyến khích sinh đẻ có kế hoạch". Tiệm ông luôn luôn chào đón khách quốc tế, hạng người mù chữ bản địa, cho nên cứ thấy bảng "oen khăm", "oen khiếp" là chúng nhào vô và dĩ nhiên là ông dành ưu tiên cho loại khách quý, không mà cả nhì nhằng bần tiện.

 Xuân Phương vừa pha trộn những hóm hỉnh rất Thạch Lam, lại vừa có những mỉa mai châm biếm rất Vũ Trọng Phụng, là một truyện ngắn đặc sắc của Hải Anh về con người Hà Thành ngày nay, và cũng là người Việt nói chung trong bối cảnh kinh tế thị trường. Về những ảo ảnh của khẩu hiệu, về những khôi hài của sự học mót, đua đòi, của sự dốt nát hồn nhiên, về bệnh nan y vọng ngoại.

 
 
 

 Tôi, anh, nàng và đức Phật là một thành công khác. Nàng trong truyện này là một nhân vật ảo, là cái bóng của nhân vật xưng tôi, một cô gái. Nàng là phăng-tát của tôi. Và tôi là một kẻ có khuynh hướng đồng tính nhưng lại muốn chối bỏ "tội lỗi" của mình bằng cách niệm Phật để diệt những đòi hỏi rối rắm đang phát triển trong lòng mình, diệt cái mà người ta cứ gọi trắng ra là "tà dục".

 Nhưng cả "tôi" lẫn "nàng" đều bất lực trong việc mưu sát này, cho nên dù chỉ có "một mình" anh bên "tôi", cái ả "nàng" vẫn cứ trơ trẽn chêm vào nằm cạnh, đến cả đức Phật trên đài có cao chứng, có mở lượng từ bi, cũng không "cứu vãn" được.
 
 

 Huyết đằng nổi trội như một cấu trúc chặt chẽ trong đó Phạm Hải Anh tạo được không khí truyện rất riêng biệt, một cái gì như mờ ảo, bí mật, liêu trai xung quanh mối tình giữa Hùng và Mận. Một tình yêu đến chết. Một sự đầu thai trong luân hồi. Tất cả được mở ra với biểu tượng huyết đằng, như một câu hỏi: Huyết đằng là gì? Hai chữ huyết đằng dấy lên như một ngư tiên bí mật và huyền bí, gợi âm, gợi hình, như một phù thủy của âm thanh, mời gọi mọi người tìm đọc Huyết đằng. Tất cả những nhân vật trong truyện đều có tính nửa người, nửa ma, có giọng âm, giọng dương như thể có đó mà không ở đó. Hải Anh đã vẽ được những nét bí mật của nỗi đam mê phi lý, vô tận trong tình yêu. Tuy vậy vẫn tiếc: Hải Anh viết ngắn quá, chưa đủ "thì giờ" đào sâu các nhân vật, tạo nên những tình huống, những hình ảnh gây dấu ấn lâu dài trong lòng người. Ðòi hỏi như vậy có quá chăng? Ðối với một ngòi bút mới viết được vài năm nay? Chắc là không, bởi vì qua tập truyện ngắn đầu tay, Phạm Hải Anh đã cho thấy tài năng của chị, nếu chỉ nhấn thêm lên một tý, là người đọc khi gấp cuốn sách lại, sẽ còn lưu trữ những ấn tượng lâu dài về cô Mận, về ông Xuân Phương, về cái cửa sổ, về con mèo có tên Culi và cô chủ nó v.v... Phải làm sao cho những người và vật đó ám ảnh người đọc mạnh hơn nữa, lâu hơn nữa. Chính cái ám ảnh là một trong những đích cao nhất của truyện ngắn. Nếu truyện dài là chạy marathon trong cuộc đời, thì truyện ngắn là soi kính hiển vi vào một khúc, một dòng marathon ấy, và phải tìm được những cận ảnh độc đáo nhất để làm đứng tim độc giả.

Thụy Khuê

Paris, thu 2002

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét