Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2022

Hàn Phi tử Phần III Chương 2: XÃ HỘI QUAN - DÂN

 

Lo lắng Hàn Phi sẽ đe dọa vị trí của mình, Lý Tư đã âm mưu hãm hại


XÃ HỘI QUAN - DÂN

Trong chương này và hai chương sau chúng tôi xét quan niệm của Hàn Phi về:

- Bản tính con người.

- Vua

- Và Quốc gia.

Về lịch sử quan, Hàn chịu ảnh hưởng trực tiếp của Thương Ưởng, chỉ khai thác tư tưởng của Thương Ưởng, mà không phát huy thêm được gì. Về xã hội quan, Hàn cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp của thầy, tức Tuân tử nhưng có nhiều sáng kiến và đưa tới những kết luận ngược hẳn với Tuân: Tuân chủ trương tính ác để khuyên nhà cầm quyền dùng lễ giáo uốn nắn lại cái tính cho dân, còn Hàn chủ trương dùng hình phạt để ngăn ngừa những hành động của dân có hại cho nước. Có phải vì đi ngược lại đường lối của Tuân mà Hàn muốn tránh không nhắc Tuân trong khi thường nhắc tới Quản Trọng, Thương Ưởng, Thân Bất Hại, Ngô Khởi… Đọc bộ Hàn Phi Tử chúng tôi chỉ thấy Tuân xuất hiện hai lần: một lần ở đầu thiên Hiển học: "có Nho phái của họ Tôn" 1 và một lần ở thiên Nạn tam trong câu: "Tử Khoái nước Yên cho Tử Chi là hiền mà không chịu Tôn Khanh cho nên thân chết mà bị chê cười". Nhưng sự kiện Tử Khoái "không chịu Tôn Khanh" ra sao thì từ trước tới nay không ai tra ra được, vì vậy có người ngờ Tôn Khanh đó không phải là triết gia Tuân Hướng, người đưa ra thuyết tính ác.

Chuyện đó không quan trọng, chúng tôi sở dĩ ghi lại để cho độc giả thấy Hàn Phi là môn đệ của Tuân tử mà đã sớm tách biệt với Nho gia, đứng hẳn về phía Pháp gia.

Hàn Phi chịu ảnh hưởng của Tuân tử ít nhất là về hai điểm: tính ác và không tin trời, quỉ thần (thiên nhiên bất tương quan). Chúng tôi xin xét điểm tính ác trước đã.

Tuân tử là triết gia lớn nhất ở cuối thời Tiên Tần, tư tưởng rất có hệ thống, đã viết riêng một thiên - thiên Tính ác - để đả thuyết tính thiện của Mạnh tử. Trong bộ Tuân tử chúng tôi đã phân tích thuyết đó và trọn thiên Tính ác, ở đây chỉ xin trích dẫn vài đoạn quan trọng nhất. 2

Tuân: định nghĩa chữ tính là cái tự nhiên trời sinh ra, cái sinh ra đã có sẵn không đợi làm (học tập) rồi mới có (Sinh chi sở dĩ nhiên giả, vị chi tính - Bất sự nhi tự nhiên giả, vị chi tính)

Và ông bảo rằng: "Cái tính của con người là đói thì muốn ăn, mệt thì muốn nghỉ. (Kim nhân chi tính, cơ nhi dục bão, lao nhi dục hưu, thử nhân chi tình tính dã)

Ba đặc điểm nữa của con người là hiếu lợi, đố kỵ, thích thanh sắc: "Tính con người sinh ra là hiếu lợi, thuận theo tính đó thì thành ra tranh đoạt lẫn nhau mà sự từ nhượng không có; sinh ra là đố kỵ, thuận theo tính đó thì thành ra tàn tặc, mà lòng trung tín không có; sinh ra là có lòng muốn của tai mắt, có lòng thích về thanh sắc, thuận theo tính đó thì thành dâm loạn mà lễ nghĩa, văn lí không có. Như thế thì theo cái tính của người ta, thuận cái tình của người ta, tất sinh ra tranh đoạt, phạm vào cái phận (tức quyền lợi của nhau), làm loạn cái lí mà mắc cái lỗi tàn bạo. Cho nên phải có thầy, có phép để cải hoá cái tính đi, có lễ nghĩa để dắt dẫn nó, rồi sau mới có từ nhượng hợp văn lí mà thành ra trị. (Kim nhân chi tính sinh nhi hiếu lợi yên, thuận thị cố tranh đoạt sinh, nhi từ nhượng vong yên; sinh nhi hữu tật ố yên, thuận thị cố tàn tặc sinh, nhi trung tín vong yên. Sinh nhi hữu nhi mục chi dụng hữu hiếu sắc yên, thuận thị cố dâm loạn sinh, nhi lễ nghĩa văn lí vong yên. Nhiên tắc tòng nhân chi tính, thuận nhân chi tình, tất xuất vụ tranh đoạt, hợp vu phạm phận loạn lí, nhi qui vu bạo. Cố tất tương hữu sư pháp chi hoá, lễ nghĩa chi đạo, nhiên hậu xuất từ nhượng, hợp vụ văn lí nhi qui vu trị - Tính ác).

Vậy theo Tuân tử, tính của con người là tính thỏa mãn ba nhu cầu chính: ăn, ngủ, truyền chủng; ngoài ra lại còn hiếu lợi, đố kị.

Hàn Phi không phải là một triết gia, chỉ là một lí thuyết gia về chính trị, có óc thực tế, không bàn về tính như Mạnh tử, Tuân tử. Chúng ta chỉ biết theo ông thì con người thời thượng cổ chất phác, thân với nhau, trọng đức hơn thời trung cổ, và người thời trung cổ lại hơn người thời ông. Vậy có thực ông chủ trương rằng bản tính con người thời nguyên thuỷ vốn tốt rồi sau vì hoàn cảnh xã hội mà hoá xấu không? Ông không hề giảng rõ điều đó cho ta. Mặt khác, ông lại bảo trừ một số ít thánh nhân, còn thì hạng thường nhân

- tranh nhau vì lợi

- làm biếng, khi có dư ăn rồi thì không muốn làm gì nữa.

- chỉ phục tòng quyền lực

Vậy thì cơ hồ ông cho rằng con người có một số rất ít tính vốn thiện, còn đại đa số tính vốn ác, ông thiên về Tuân, nhưng cũng nhận Mạnh có lí phần nào chăng?

Về tính ham lợi, ông bi quan thái quá, cho rằng ngay giữa cha con vợ chồng chớ đừng nói giữa vua tôi, bạn bè, người ta hành động, cư xử với nhau cũng chỉ vì tư lợi.

Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2022

Hàn Phi tử - PHẦN III Chương 1 HỌC THUYẾT HÀN PHI LỊCH SỬ QUAN

 


PHẦN III

Chương 1

HỌC THUYẾT HÀN PHI LỊCH SỬ QUAN

Từ Khổng Tử, không triết gia nào không bất mãn về xã hội thời Đông Chu, nhà nào cũng đưa ra một biện pháp để cứu thế. Đại khái có hai phái: phái quý tộc suy vi không muốn đổi mới, phái tân địa chủ muốn đổi mới.

Trong phái trên, Lão tử chủ trương hoàn toàn thoái hóa, trở về chế độ bộ lạc thời nguyên thủy. Nòng cốt tư tưởng về chính trị (mà cũng về nhân sinh nữa) của ông ở trong câu: "phản giả đạo chi động" (Đạo đức kinh- chương 40).

Chữ "phản" đó có thể hiểu theo hai nghĩa:

- Nghĩa thứ nhất là tuần hoàn, hết một vòng rồi lại trở về, như trăng tròn rồi lại khuyết, mặt trời lên tới đỉnh rồi lại xuống, triều dâng rồi rút, hết đông rồi sang xuân, tóm lại là "vật cùng tắc biến, vật cực tắc phản"

_- Nghĩa thứ nhì là trở về cái gốc, tức cái tự nhiên như "vô". Vì theo ông, vạn vật từ cái hữu mà ra, cái "hữu" lại từ cái "vô" mà ra.

Vì vây, ông cho rằng trị nước tốt nhất là "vô vi", mà lí tưởng là một nước nhỏ, dân ít mà không đi đâu xa. Có xe thuyền mà không ngồi, có gươm giáo mà không bày. Bỏ hết văn tự, dùng lối thắt dây (kết thằng) đời thượng cổ; ai nấy chỉ ăn no, mặc ấm, ở yên ổn; đến chết cũng không qua lại các nước láng giềng. Nhà cầm quyền không can thiệp đến đời sống của nhân dân để dân sống theo tự nhiên. (Xem Đại cương triết học Trung Quốc của chúng tôi, quyển hạ, trang 690, 691- Cảo thơm- Sài Gòn, 1996).

Khổng Tử muốn duy trì chế độ phong kiến, nhưng nghĩ rằng phải tùy thời biến dịch, cho nên tuy ông "tổ thuật Nghiêu Thuấn, hiến chương Văn Võ" 1 (bắt chước vua Văn, vua Võ nhà Chu), khen tổ chức nhà Chu là rực rỡ, đáng theo (Chu giám ư nhị đại, úc hồ văn tai! Ngô tòng Chu: Nhà Chu noi theo hai nhà Thương và Hạ mà định lễ tiết, rực rỡ, đẹp đẽ thay, cho nên ta theo lễ tiết nhà Chu- Bát dật- 14) mà cũng có tinh thần cải cách cho hợp thời:

1/ Đưa ra chủ trương chính danh- phải có tư cách ông vua thì mới đáng gọi là vua- viết sách Xuân Thu để "chính danh tự, định danh phận, ngu bao biếm".

2/ Bảo vua phải vậy mới gọi là cha mẹ dân được (dân chi sở hiếu, hiếu chi, dân chi sở ố, ố chi, thử chi vị dân chi phụ mẫu- Đại học), và kẻ cai trị dân mà dùng chính hà khắc thì còn gớm hơn cọp (Lễ Kí).

Trên một thế kỷ sau, xã hội loạn hơn, bọn quý tộc suy hơn, bọn tân địa chủ lớn mạnh, Mạnh tử đứng về phía bọn tân địa chủ, có tư tưởng tiến bộ hơn, cơ hồ không tin cậy gì ở nhà Chu nữa, muốn ủng hộ bất kì một ông vua Chư hầu nào chịu thi hành nhân chính để thay thế nhà Chu. Ông quí dân hơn Khổng tử, bảo: "dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh", lớn tiếng mạt sát những ông vua tàn bạo ham giết người, xa xỉ, để cho dân đói, bảo Trụ là tên thất phu, giết Trụ là giết một tên thất phu chứ không phải thí quân, mắng Lương Huệ vương là "cho loài thú ăn thịt dân"; có lần còn dọa Tề Tuyên vương là coi chừng kẻo bị truất ngôi, khiến cho Tuyên vương biến sắc (Vạn Chương hạ- 9). Ông cho bề tôi có quyền coi vua là giặc: "Vua xem bề tôi như chó như ngựa thì bề tôi xem vua như người lạ trong nước, vua xem bề tôi như đất như cỏ thì bề tôi xem vua như giặc như thú" (Quân chỉ thị thần như khuyển như mã, tắc thần thị quân như khấu như thù - Li Lâu hạ).

Mạnh còn sáng kiến đưa ra thuyết "nhất trị nhất loạn" trong lịch sử: Thiên Đằng Văn công hạ, bài 9, ông bảo một môn đệ là "đương thời vua Nghiêu, các dòng bị ngăn nên chảy nghịch, nước ngập tràn cõi Trung Quốc. Các giống rắn rồng ở lẫn lộn với người trên mặt đất, dân không có nơi ở yên. Kẻ ở dưới thấp phải làm chòi mà ở, kẻ trên hang phải đào hang mà trú. Kinh thư chép: "Nước tràn ta nên phòng bị. Nước tràn bờ là nạn lụt (hồng thủy) đấy".

Đó là một thời loạn.

"Vua Thuấn sai ông Vũ trị thủy. Ông Vũ đào vét những chỗ bế tắc cho nước chảy ra biển. Ông đuổi rắn rồng ra nơi đồng xa cỏ rậm. Các dòng nước mới theo chiều đất mùa (mà?) chảy, đó là mấy sông Giang, Hoài, Hà, Hán. Những cái ngăn trở sông rạch đã dẹp xong, loài chim loài thú hại người đều bị tiêu diệt, từ đó nhân dân mới được đất bằng mà ở". Đó là thời trị.

"Vua Nghiêu vua Thuấn đã mất, đạo trị quốc của hai ông thánh đó mỗi ngày một suy. Những ông vua bạo ngược nối nhau mà ngất ngưởng trên ngai; họ phá cung tường, nhà cửa bách tính để đào ao xây hồ, dân chúng chẳng có chỗ an nghỉ. Họ lấy ruộng đất của bách tính làm vườn bách thảo, bách thú, khiến cho dân thiếu ăn thiếu mặc. Lại thêm những tà thuyết bạo hạnh nổi lên. Vườn bách thảo bách thú, ao hồ, bái (hồ trồng hoa), đầm ngày càng nhiều thì các chim và thú quí tụ càng đông. Tới đời vua Trụ loạn cực điểm". Đó lại là một thời loạn nữa.

"Bấy giờ, ông Chu công giúp ông Võ vương, giết vua Trụ, phạt nước Yên, ba năm mới giết được vua nước Yên, đuổi Phi Liêm (kẻ sủng ái của vua Trụ) ra tận góc biển mà giết. Năm chục vua chư hầu (theo nhà Thương, tức theo vua Trụ) bị Võ vương tiêu diệt hết. Những đoàn thú như cọp, beo, tê, voi (vua Trụ nuôi), ông thả ra và đuổi đi xa. Thiên hạ rất mừng rỡ". Đó là một thời trị nữa.

"Rồi đời càng suy, đạo càng kém, những tà thuyết, bạo hạnh lại nổi lên, có kẻ bề tôi giết vua, có kẻ làm con giết cha". Đó lại là một thời loạn nữa. Khổng tử sợ, mới soạn bộ Xuân Thu, chép hành vi các vua để răn đời" (…).

" Ngày nay bậc thánh vương không ra đời, các vua chư hầu thì luông tuồng, mà hạng xử sĩ thì bàn ngang luận càn, học thuyết của Dương Chu và Mặc Địch lan tràn thiên hạ, khi bàn bạc người nào không theo Dương thì theo Mặc. Dương chỉ biết có mình, như vậy là không có vua; Mặc thương tất cả mọi người (như nhau), như vậy là không có cha. Không vua, không cha, tức là cầm thú". Loạn cực rồi. Mạnh tử còn bảo cứ năm trăm năm lại một thời thịnh, rồi lấy sử ra để chứng thực:

_Từ vua Nghiêu, vua Thuấn đến vua Thang là trên 500 năm ;

_ Từ vua Thang đến Văn vương là trên 500 năm

_Từ Văn vương đến Khổng tử là trên 500 năm nữa. 2

(Tận tâm hạ- 38)

Ông biết rằng từ Khổng tử đến ông mới được trên trăm năm, nhưng lại không tính theo từ Khổng tử, mà từ vua Thang đến ông được non 1500 năm (sự thực cũng gần đúng), nên ông hi vọng đã đến một thời thịnh, ông có thể nối nghiệp của Khổng tử được. Ông đã thất vọng: thuyết nhất thịnh nhất suy đúng (có bao giờ một triều đại, một dân tộc thịnh hoài được đâu) nhưng cái luật 500 năm của ông sai (từ Văn vương đến Khổng tử là 634 năm) mà ông chết rồi ( năm - 289), Trung Quốc còn tiếp tục loạn thêm 68 năm nữa, đến năm -221, Tần Thủy Hoàng mới diệt hết lục quốc, thống nhất được toàn cõi. Thực ra suốt triều Tần, Trung Hoa cũng không thể coi là trị được, phải đợi đến năm - 206, Hán Cao Tổ lên ngôi, mới bắt đầu một thời bình trị, vậy là từ khi Võ vương chết phải đợi 909 năm sau mới có một thời trị (- 1115 đến - 206) chứ không phải 500 năm.

Đưa ra thuyết nhất trị nhất loạn đó là Mạnh tử đã trình bày một lịch sử quan rồi. Trước thế kỉ thứ 4 trước T.L, ở Trung Quốc chưa xuất hiện một lịch sử quan nào cả; từ thế kỉ đó nối tiếp nhau, chúng ta có tới ba lịch sử quan: của Mạnh tử, của Trâu Diễn và của Thương Ưởng.

Trâu Diễn (- 340 _ - 260) sinh sau Mạnh tử, thuộc phái Âm dương, cũng chủ trương thịnh suy hữu thời, nhưng thuyết của ông rất kì cục, dùng ngũ hành - ông gọi là ngũ đức- để giảng lịch sử. Theo ông thì "ngũ đức chuyển di, trị các hữu nghi". Ngũ hành thay phiên nhau: thổ rồi tới mộc, mộc rồi tới kim, kim rồi tới hỏa, hỏa rồi tới thủy, hết thủy rồi lại trở về thổ; cứ mỗi hành thịnh cực rồi lại suy và cái hành khắc nó lên thay nó (mộc khắc thổ, kim lại khắc mộc, hỏa lại khắc kim, thủy lại khắc hỏa, thổ lại khắc thủy), như vậy là "ngũ đức chuyển di", và người trị dân, cầm quyền trong nước phải hành động hợp với hành nào đang thịnh ở thời mình, như vậy là "trị các hữu nghi". Khi một thời đại nào suy đến cùng cực, thời đại khác sắp dấy lên thì trời có điềm báo cho dân biết.

Thời Hoàng đế, hiện ra điềm ở các loài côn trùng vàng. Màu vàng là màu của thổ. Hoàng đế biết là khi thổ mạnh, cho nên ông chuộng màu vàng, và công việc chú trọng vào đất. Tới thời vua Vũ (nhà Hạ) có điềm cây cỏ mùa đông, mùa thu không tàn lụi, ông biết là khi mộc mạnh, nên chuộng màu xanh (màu của mộc) và công việc chú trọng vào cây cối. Qua đời vua Thang (nhà Thương) có điềm các loài kim thuộc sinh ra ở chất nước (?), ông biết là khí kim mạnh, nên chuộng màu trắng (màu của kim), và công việc làm theo tính chất của kim(?). Đến đời Văn vương (nhà Chu), có điềm con quạ đỏ ngậm sách vàng trên nền thờ nhà Chu, ông biết là khi hỏa thịnh nên chuộng màu đỏ và công việc làm theo tính chất hành hỏa. Thay thế hành hỏa tất sức là hành thủy, tất cũng sẽ có điềm khi thủy mạnh, và ông vua thời sau sẽ chuộng màu đen (màu của thủy), công việc là sẽ theo tình chất hành thủy. Tới khi hành thủy suy cực rồi, sẽ trở về hành thổ. Các thời đại trong lịch sử cứ nối tiếp nhau, thay nhau theo luật ngũ hành đó, hết một vòng rồi trở về thổ là nguyên thủy, hơi giống thuyết "phản giả đạo chi động"của Lão tử.

Nhưng thuyết của Lão tử hợp với thiên nhiên, còn thuyết của Trâu Diễn có tính cách thần bí, phản khoa học mà cũng không thể chứng minh bằng lịch được. Thời vua Thang có thật chuộng màu trắng không, mà công việc làm tính chất hành kim là như thế nào? Và kim thuộc sinh ra ở chất nước là kim thuộc nào? Truyện con quạ đỏ ngậm sách vàng đậu trên nền thờ nhà Chu là truyện hoang đường, và chúng ta cũng không hiểu công việc làm tính chất hành hỏa là làm sao?

Tuy nhiên tư tưởng của Trâu Diễn cũng có điểm đúng: ông nhận ra rằng lịch sử luôn luôn biến động, theo những mâu thuẫn bên ngoài (mâu thuẫn đó ông gọi là sự xung khắc của ngũ hành); và mỗi thời có một chế độ, văn hóa riêng (ông gọi là công việc làm theo tính chất của mỗi hành); cái gì không hợp thời đều phải bỏ, đời sau không nên theo chính sách của đời trước. Ông bảo:

"Chính trị, giáo dục, văn hóa, nghi thức cụ thể là những cái để bổ cứu cho thời đạo. Hợp thời thì dùng, lỗi thời thì bỏ, (thời thế) có thay đổi thì thay đổi. Cho nên người cố chấp mà không biến đổi thì chưa thấy việc chính trị được đạt đến hết mức vậy" (Theo sách Hán thư, chương Nghiêm An truyện- do Lã Chấn Vũ trích trong sách đã dẫn- trang 190).

° ° °

Lịch sử quan thứ ba của Thương Ưởng. Thương lớn tuổi hơn Mạnh. Theo Hàn Phi thì ở thời ông nhiều người còn giữ bộ "Thương Quân thư". Bộ đó có thể không phải của Thương Ưởng viết, và cũng như bộ Quản tử, do người đời sau ngụy tạo, vậy không đáng tin hẳn. Nhưng các học giả gần đây như Phùng Hữu Lan, Tần Khải Thiên, Lã Chấn Vũ… đều cho rằng Thương Ưởng có thuyết "tam thế", nên dưới đây chúng tôi cũng dẫn một đoạn trong chương Khai tắc về thuyết đó:

"Có trời đất lập ra rồi mới có dân, thời bấy giờ dân biết mẹ mà không biết cha; đạo lí của họ là thân cận với người thân thuộc và yêu cái riêng tư (…). Người thì đông mà ai cũng lo cho cái riêng tư, không biết đến ai thì sẽ gây ra loạn. Ở thời ấy dân chỉ nhằm lợi cho mình và dùng sức mà đè nén nhau. Muốn có lợi cho mình thì phải đè nén nhau; tranh giành nhau thì phải kiện tụng nhau; kiện và mất lòng ngay thẳng thì sẽ không còn là bản tính của mình. Cho nên khi người hiền đặt ra lẽ công bằng và đạo vô tư thì dân lại dần dần yêu thích đạo nhân. Và lúc bấy giờ người ta đã bỏ việc thân yêu người thân thuộc, mà tôn quý người hiền và lập họ lên (…). Đông người mà không có chế độ nhất định (…) thì sẽ có loạn, cho nên bậc thánh nhân nhận thấy điều đó mới có sự phân biệt ruộng đất, tài sản và nam nữ. Phân biệt như vậy mà không có chế độ để giữ gìn thì không được, cho nên đặt ra pháp lệnh cấm. Đặt ra pháp lệnh mà không có người thi hành bảo vệ thì không được, cho nên phải đặt ra quan. Có các quan rồi mà không có người thống nhất lại một khối thì không được, cho nên lập ra vua. Đã lập ra vua thì phải bỏ lệ tôn quý và lập người hiền, mà lại quý trọng người sang mà lập họ lên. Như vậy là thời thượng cổ thì thân yêu người thân thuộc và quý chuộng cái riêng tư, thời trung thế thì yêu quý người hiền và yêu thích đạo nhân, thời hạ thế thì quý người sang và tôn trọng các quan. Tôn quý người hiền là lấy việc giúp đỡ nhau làm đạo; mà lập ra vua là khiến cho người hiền thành vô dụng; thân yêu người thân thuộc là lấy cái riêng tư làm đạo lí; mà lập ra đạo công thì làm cho cái riêng tư không thực hành được. Ba điều đó không phải là trái ngược nhau nhưng khi đạo trong dân xấu nát thì phải đổi đi" (Lã Chấn Vũ trích trong sách đã dẫn, trang 193- 194).

Thời mà Thương Ưởng gọi là "thượng thế" tức là thời nguyên thủy, thời xã hội gồm những bộ lạc mà gia đình theo chế độ mẫu hệ. "Trung thế" là thời theo chủ nghĩa nhân trị, tức như nhà Nho gọi là thời Nghiêu, Thuấn. Còn "hạ thế" là thời "quan trị", tức "pháp trị", thời của Thương Ưởng. Thuyết đó chưa phát hiện được quy luật của lịch sử; mà quan niệm thành lập vua, quan của ông cũng không đúng: các nhà xã hội học ngày nay cho rằng chiến tranh giữa các bộ lạc tạo nên quốc vương và quốc gia. (Xem Nguồn gốc văn minh - Chương III, tiết I, Nguồn gốc quốc gia của Will Durant- bản dịch của tôi, nhà Phục Hưng 1974). Tuy nhiên lịch sử quan đó với hai lịch sử quan trên của Mạnh tử và Trâu Diễn tiến bộ hơn cả: không có chút gì thần bí, mà có tính chất tất nhiên; không có thời nào tốt đẹp hơn thời nào, không có một hoàng kim thời đại trong dĩ vãng như Lão, Khổng tin tưởng vì theo ông, thân yêu người thân, theo cái riêng tư, hay tôn quí người hiền mà giúp đỡ lẫn nhau, hoặc lập ra vua quan, theo đạo công, ba cái đó, "không trái ngược nhau" - ông muốn nói là đều theo luật tự nhiên cả, đều là hợp với mỗi thời cả, không thể gọi là tốt hay xấu được, hễ việc đời biến đổi thì việc hành đạo cũng phải khác.

Cho nên ông bảo: "Phải tùy thời đại mà định chế độ, mỗi cái đều phải thuận theo hoàn cảnh của nó".

Trong phần I chúng tôi đã dẫn lời ông đáp Tần Hiếu công: "Thời tam đại (Hạ, Thương, Chu) lễ không giống nhau mà đều làm được vương nghiệp; các ông bá pháp luật không giống mà đều lập được bá nghiệp (…). Vua Thang, vua Vũ không theo cổ mà làm bậc vương, Hạ và Ân có thời theo cổ mà mất nước. Vậy làm khác thời trước chưa hẳn là đáng chê mà theo thời cổ cũng chưa hẳn là đáng khen". Qui tắc là phải theo thời và hợp lí.

" Lễ độ và pháp luật phải theo thời mà qui định; chế độ và pháp luật phải thuận theo lẽ phải mà thích nghi với hoàn cảnh; quân đội, võ khí, các đồ dùng đều phải thuận tiện cho việc sử dụng".

° ° °

Nếu những đoạn chúng tôi mới dẫn đó thực là tư tưởng của Thương Ưởng (do người đời sau chép lại) thì Hàn Phi đã chịu ảnh hưởng rất lớn của ông.

Hàn cũng đưa ra thuyết "tam thế". Thiên Bát thuyết ông viết: "Người đời (thượng) cổ gấp lo về đức hạnh, người đời Trung cổ ganh nhau về trí, người đời nay tranh nhau về sức mạnh. (Cổ nhân cứu đức, trung thệ trục ư trí, đương kim tranh ư lực). Thời thượng cổ ít việc mà dùng thiết bị đơn giản, chất phác, thô lậu mà không tinh, cho nên mài vỏ trai lớn để dẫy cỏ, dùng xe bánh không có tay hoa. Thời thượng cổ ít người mà thân nhau, tài vật nhiều nên người ta khinh cái lợi và dễ nhường nhau, do đó mới có việc vái nhau mà nhường thiên hạ (ám chỉ việc Nghiêu, Thuấn nhường ngôi).

Thời thượng cổ theo Hàn là thời Nghiêu, Thuấn, Thang, Vũ, thời trung cổ là thời Xuân Thu, còn thời "đương kim" là thời Chiến Quốc. Chúng ta nhận thấy Thương Ưởng bảo "thời thượng cổ thì thân yêu người thân", mà Hàn Phi cũng nói "thời thượng cổ ít người mà thân nhau". Nhưng thuyết tam thế của Hàn Phi không tinh vi bằng thuyết của Thương Ưởng.

Lại thêm sự phân chia ra thượng cổ, trung cổ, hiện kim của Hàn cũng không nhất trí. Đầu thiên Ngũ đố, ông cho thời thượng cổ là thời Hữu Sào, Toại Nhân, tức thời loài người còn ăn lông ở lỗ; thời trung cổ là thời ông Vũ trị thủy (tức thời mà trong thiên Bát thuyết ông gọi là thời thượng cổ); thời cận cổ là thời ông Thang nhà Thương và ông Võ Vương nhà Chu:

"Đời thượng cổ nhân dân ít mà cầm thú nhiều, nhân dân không thắng nổi cầm thú, trùng rắn. Sau đó thánh nhân ra đời, kết cành làm ổ (trên cây) để các loài đó khỏi xâm hại, nhân dân mừng, tôn làm vua thiên hạ - (quan niệm về sự lập vua này cũng khác của Thương Ưởng) - gọi là họ Hữu Sào (có ổ). Nhân dân ăn trái cây, rau cỏ, trai hến, tanh tao hôi hám hại ruột, bao tử, nhiều người đau ốm. Sau các thánh nhân ra đời, dùng cái "toại" dùi cây khô để lấy lửa, nướng các thức ăn cho hết tanh tao, nhân dân mừng, tôn làm vua thiên hạ, gọi là họ "Toại nhân". Thời trung cổ, thiên hạ bị lụt lớn, ông Côn và ông Vũ (người sáng lập ra nhà Hạ), khơi ngòi (cho nước rút). Đời cận cổ, Kiệt Trụ bạo loạn, ông Thang, ông Võ Vương chinh phạt họ" (Ngũ đố).

Chắc hai thiên Bát thuyết và Ngũ đố viết các nhau khá xa và Hàn Phi không coi lại, nhưng điểm đó không quan trọng. Chúng tôi chỉ nhấn vào chỗ ông chủ trương phải biến cổ và dùng sức mạnh, ở đây chúng tôi xem xét điểm thứ nhất: biến cổ, trong một chương sau chúng tôi sẽ xét triết lí sức mạnh (làm cho quốc gia phú cường) của ông.

Cũng như Thương Ưởng, ông bảo thời đại đã khác thì việc cũng phải khác (thế dị tắc sự dị). Cho nên sau đoạn trong thiên Ngũ đố chúng tôi mới dẫn ở trên, ông viết tiếp: "Nếu có người ở đời Hạ dạy dân kết cành làm ổ hoặc dùng cái "toại" để lấy lửa, tất bị ông Côn, ông Vũ chê cười; có người ở đời Ân (Thương), Chu khơi ngòi, tất bị ông Thang ông Võ chê cười. Hiện nay nếu có người lại ca tụng đạo cái ông Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Võ tất bị các ông thánh đời nay chê cười. Vậy thì thánh nhân không nhất định phải theo cổ, giữ cựu lệ mà phải xét việc đương thời rồi tùy nghi tìm biện pháp".

聖人不期循古,不法常行,論世之事,因為之備

(Thánh nhân bất kì tuần cổ, bất pháp thường hành, luận thế chi sự, nhân vi chi bị).

Thiên Bát thuyết, ông cũng bảo : "Sống ở thời nhiều việc - tức thời ông - mà dùng những khí cụ của thời ít việc, không phải là cách xử sự của người có trí. Giữa thời tranh đấu gay gắt mà theo lối vái nhường, không phải là phép trị nước của thánh nhân".

Lời đó rất đúng. Chúng ta còn nhớ giai thoại vua Yên tên là Khoái ở thế kỷ thứ 4 trước TL, khi về già, vì muốn được người ta khen như vua Nghiêu, nên nhường ngôi cho Tử Chi, chỉ trong vài năm nước Yên đại loạn, bị Tề đánh, cả vua Yên lẫn Tử Chi đều bị giết.

"Người không biết cách trị nước tất bảo: "Không biến cổ, không đổi tập tục". Thánh nhân không nhất định phải biến đổi hay không biến đổi, miễn việc trị nước được thích nghi mà thôi"

不知治者,必曰:"毋變古,毋易常"。變与不變,聖人不聽,正治而已

(Bất tri trị giả tất viết: Vô biến cổ, vô dịch thường. Biến dữ bất biến, thánh nhân bất thính, chính trị nhất dĩ). Y Doãn không biến đổi nhà Ân, Thái công không biến đổi nhà Chu thì vua Thang vua Võ đâu lập được nghiệp vương. Quản Trọng không biến đổi nước Tề, Quách Yển không biến đổi nước Tấn thì Tề Hoàn công và Tấn Văn công đâu lập được nghiệp bá" (Nam diện).

Thời Hàn Phi, sau những cuộc tấn công mạnh bạo của Lí Khôi, Ngô Khởi, Thân Bất Hại, Thương Ưởng vào giai cấp quí tộc cũ, trong cái khí thế đương lên của bọn biện sĩ Tô Tần, Trương Nghi, chắc có ít vua chúa và chính khách nào chủ trương phục cổ. Ngay đến Nho gia cuối cùng của thời đại là Tuân Tử cũng không "pháp tiên vương" mà "pháp hậu vương" - nghĩa là không theo pháp độ của các vua thời xa xăm về trước mà theo pháp độ của các vua gần Tuân hơn như từ các vua đầu đời Chu trở đi - cũng đả đảo chế độ thế tập; dù là con cháu các Vương công mà không có tài có đức, không thuộc lễ nghĩa, thì cũng phải làm thường dân, con thường dân có tài có đức thì cũng được làm khanh tướng, đại phu. Nhưng cũng còn một bọn quân sư và nhiều xử sĩ không lãnh trách nhiệm gì ở triều đình vẫn đề cao thời Nghiêu Thuấn, viện dẫn lời Nghiêu Thuấn để mạt sát thời hiện tại, làm ngăn trở một phần công việc cải cách của các kẻ sĩ chủ trương dùng pháp thuật chứ không dùng nhân nghĩa, nên Hàn Phi rất ghét bọn đó. Trong Hàn Phi tử có trên chục lần ông lớn tiếng mắng mỏ họ, mỉa mai họ và ngọn bút của ông luôn luôn sắc bén.

Trong thiên Hiển Học, ông bảo các việc viện dẫn Nghiêu Thuấn là vô căn cứ, nếu không phải là ngu thì là lừa gạt:

"Khổng tử và Mặc tử đều xưng tụng Nghiêu Thuấn mà chủ trương khác nhau và đều tự cho là chân truyền của Nghiêu Thuấn. Nghiêu Thuấn đã không thể sống lại thì ai là người quyết định được học thuyết nào mới thực là của Nghiêu Thuấn? Đời Ngu và đời Hạ dài trên 700 năm, đời Ân và Chu dài trên 2000 năm3 mà còn không quyết định được Nho hay Mặc là chân chính; nay muốn khảo sát đạo cách đây 3000 năm của Nghiêu Thuấn thì cơ hồ không sao xác định được! Không tham nghiệm mà cứ xác định thì là ngu; không xác định được mà dùng làm chứng cứ thì là lường gạt người ta. Vậy căn cứ vào các tiên vương mà theo đạo Nghiêu Thuấn thì nếu không phải là ngu, cũng là lừa gạt thiên hạ. Cái học ngu và gạt người ấy, hỗ tạp và mâu thuẫn ấy, bậc minh chủ không thể chấp nhận được".

Ý Hàn Phi muốn nói Khổng Tử và Mặc Tử sống tương đối gần đời Nghiêu Thuấn mà còn không biết chắc thời Nghiêu Thuấn ra sao (nên mỗi nhà hiểu Nghiêu Thuấn một khác); thế thì những người thời ông, sống sau Khổng tử và Mặc tử, còn cách xa Nghiêu Thuấn hơn nữa, làm sao biết được thời đó mà dám viện ra làm chứng cớ.

Việc "thác cổ" (viện dẫn thời cổ) đó rất dễ, ai làm cũng được, muốn nói sao thì nói, hiểu cách nào thì hiểu, vì có ai biết thời cổ ra sao đâu bắt bẻ. Y như các chuyện vẽ quỉ Hàn chép trong Ngoại trừ thuyết tả thượng vậy:

"Có người vẽ cho vua nước Tề. Vua Tề hỏi:

- Vẽ cái gì khó nhất?

Người đó đáp:

- Vẽ chó, ngựa khó nhất.

- Vẽ gì dễ nhất?

- Ma quỉ dễ nhất.

(Vì) chó với ngựa ai cũng biết, cũng thấy trước mặt từ sáng tới chiều, không thể vẽ bậy được, cho nên khó vẽ. Còn ma quỉ không có hình trạng, không thấy trước mắt nên dễ vẽ".

Không kể trường hợp người "thác cổ" thiếu chính trực về tinh thần, cố ý hiểu sai, bẻ cong tư tưởng cổ nhân cho phù hợp với chủ trương của mình; ngay giữa người thành thực mà thiếu thông minh không chịu suy xét, tham khảo, cũng gán cho cổ nhân những ý không phải của cổ nhân, mà hạng người ngu đó thời nào cũng rất nhiều. Hàn Phi cũng trong thiên kể trên đưa ra ba ví dụ, chúng tôi xin phép chép lại hai:

"(Chu) thư có câu "thí nó, buộc nó". Một người nước Tống đọc tới đấy lấy hai cái dây lưng tự thắt buộc bụng. Người ta hỏi:

- Làm gì (kì) vậy? Đáp:

"Vì sách dạy vậy".

Sách dậy việc tu thân, phải giữ gìn, làm chủ dục vọng của mình, đừng phóng túng, chứ đâu phải bảo cột bụng cho chắc.

"Một người khác ở đất Dĩnh (kinh đô nước Sở) viết thư cho vị tướng quốc nước Yên. Viết ban đêm, lửa không đủ sáng, bèn bảo người cầm đuốc: "Đưa cây đuốc lên"

(Miệng nói vậy) tay chép ngay vào thư "đưa đuốc lên". Mấy chữ đó không phải là ý trong thư. Tướng quốc nước Yên đọc tới đó mừng lắm, bảo: "Đưa cây đuốc lên là trọng sự sáng, trọng sự sáng tức là tiến cử, bổ dụng người hiền". Rồi ông ta tâu với vua, vua hoan hỉ (theo lời) và nhờ vậy nước Yên thịnh trị. Tuy thịnh trị đấy nhưng đâu phải là ý trong thư. Đa số các học giả ngày nay giống như vậy." Hai trường hợp đó, gọi là nệ cổ, tin từng chữ của cổ nhân, không có phán đoán, thành thử cổ nhân nói một cách, ta hiểu một cách, hoặc cổ nhân lầm lẫn mà mình cứ tin là đúng.

Thời khác thì sự việc phải khác. Dù chính sách của tiên vương có hay mà không hợp thời thì cũng phải bỏ. Thời của Hàn người ta tranh nhau về sức mạnh thì đem nhân nghĩa ra dậy đời, ca tụng tiên vương là vô ích. Thiên Hiển học, ông viết:

"Khen Mao Tường, Tây Thi (hai mỹ nhân đời cổ) có ích gì cho mặt mình đâu; dùng son, phấn, dấu, than (thuốc màu đen) mà tô điểm thì mặt mới đẹp gấp bội. Khen tiên vương là nhân nghĩa, có ích lợi gì cho việc trị nước đâu; làm sáng pháp độ, thưởng phạt cho đúng và nghiêm, đó mới là thứ son phấn, dấu, than của quốc gia. Cho nên bậc minh chủ gấp lo việc có kết quả (tức pháp độ, thưởng phạt) mà hoãn cái việc ca tụng "tiên vương" lại".

Bọn ca tụng tiên vương, khoe khoang rằng cứ nghe theo lời họ, theo phép người xưa mà trị nước thì sẽ lập được nghiệp vương là bọn nói láo đáng khinh như bọn cô đồng thầy cúng:

Bọn cô đồng thầy cúng bảo một người: "tôi sẽ cầu cho ông sống ngàn vạn năm tuổi". Những tiếng ngàn vạn năm tuổi loạn cả tai người đó mà không có gì chứng tỏ rằng người đó thọ thêm được một ngày, vì vậy mà người ta khinh bọn thầy cúng cô đồng. Ngày nay bọn Nho sĩ thuyết các vua thì không chỉ cách thời nay phải trị nước ra sao mà cứ kể cái kết quả trị nước thời xưa, không xét đến cách trị dân của quan lại cùng lòng kẻ gian tà, mà chỉ kể những lời khen đời thượng cổ truyền lại, dùng sự nghiệp của tiên vương. Họ khoe khoang: "Cứ nghe lời tôi thì sẽ lập được nghiệp bá vương"; họ chính là bọn thầy cúng cô đồng trong giới du thuyết đấy; bậc vua chúa có pháp độ không dùng họ. Bậc minh chủ vụ cái thiết thực, bỏ cái vô dụng, không giảng thuyết nhân nghĩa, không nghe lời của bọn học giả" (Hiển học).

Hàn chê chính sách nhân nghĩa của cổ nhân là không hợp thời, vô dụng, chỉ như những trò chơi của trẻ con. Thiên Ngoại trừ thuyết tả thượng của ông viết:

"Trẻ con chơi với nhau, lấy đất làm cơm, bùn làm canh, dăm bào làm thịt, nhưng chiều thì về nhà ăn cơm, vì cơm bằng đất, canh bằng bùn, chơi thì được chứ ăn không được. Khen những điều thời thượng cổ truyền lại, nghe thì hay mà thực tế thì vô dụng; giảng thuyết nhân nghĩa của tiên vương mà không biết cách chỉnh lí quốc gia, đó cũng là những việc để chơi chứ không để đem trị nước được"

夫嬰兒相與戲也,以塵為飯,以塗為羹,以木為胾,然至日晚,必歸饟者,塵飯、塗羹可以.戲而不可以食也。夫稱上古之傳頌,辯而不愨,道先王仁義而不能正國者,此亦可以戲而不. 可以為治也

(Phù anh nhi tương dữ hí dã, dĩ trần vi phạm, dĩ đồ vi canh, dĩ mộc vi chi, nhiên chí nhật vãn, tất qui hướng giả, trần phan đồ canh khả dĩ hí nhi bất khả dĩ thực dã. Phù xưng thượng cổ chi truyền tụng, biện nhi bất khác, đạo tiên vương nhân nghĩa nhi bất năng chính quốc gia, thử diệc khả dĩ hí nhi bất khả dĩ vi trị dã)

Thiên Gian kiếp thí thần, giọng ông còn gay gắt hơn nữa:

"Các học giả ngu trên đời, đều không hiểu tình hình trị loạn, cứ lảm nhảm tụng hoài sách cổ, làm loạn sự cai trị hiện thời; trí lự của họ không đủ để tránh cái hố bẫy mà lại chế bậy các thuật sĩ (kẻ sĩ dùng pháp thuật). Nghe lời họ thì nguy, dùng kế họ thì loạn, ngu tới như vậy là cùng cực mà hại cũng là tột bực".

且夫世之愚學,皆不知治亂之情,讘䛟多誦先古之書,以亂當世之治;智慮不足以避阱井之陷,又妄非有術之士。聽其言者危,用其計者亂,此亦愚之至大,而患之至甚者也

(Thả phù thế chi ngu học giai bất tri trị loạn chi tình, chiếp giáp đa dụng tiên cổ chi thư, dĩ loạn đương thế chi trị; trí lự bất túc dĩ tỉnh tỉnh chi hãm, hựu vọng phi hữu thuật chi sĩ. Thính kì ngôn giả nguy, dụng kì kế giả loạn, thử diệc ngu chi chí đại, nhi loạn chi chí thậm giả dã).

Trong Ngoại trừ thuyết tả thượng Hàn dẫn chứng:

"Trọng nhân nghĩa (tức theo đạo của tiên vương) thì nước yếu loạn, đó là ba nước Tấn (tức Hàn Ngụy Triệu từ Tấn tách ra); không trọng nhân nghĩa mà mạnh là nước Tần".

Ông nhận thấy thời ông nước nào loạn cũng có cái thói: "bọn học giả thì khen đạo tiên vương, tạ khẩu là trọng nhân nghĩa, trau chuốt dung mạo, y phục và lời ăn tiếng nói để làm loạn pháp độ đương thời, làm mê hoặc lòng vua chúa"

亂國之俗: 其學者、 則稱先王之道、 以籍仁義、 盛客服而飾辯說、 以疑當世之法、 而貳人主之心

(Loạn quốc chi tục kì học giả tắc xưng tiên vương chi đạo, dĩ tạ nhân nghĩa, thịnh dung phục nhi sức biện thuyết dĩ nghi đương thế chi pháp nhi nhị nhân chủ chi tâm - Ngũ đố)

Và ông gọi bọn học giả đó là một loại sâu mọt của quốc gia. Họ ngu xuẩn cũng như anh chàng nước Tống ôm cây đợi thỏ:

"Nước Tống có người đi cày, trong ruộng có một gốc cây khô, một con thỏ đâm bổ vào, gãy cổ, chết. Anh ta thấy vậy, bỏ cày mà ôm gốc cây khô, hy vọng lại bắt được con thỏ nữa. Thỏ không được thêm mà bị cả nước cười chê" (Ngũ đố).

Và anh chàng nước Trịnh tin cái ni mà không tin mình:

"Một người nước Trịnh muốn mua giày, đo bàn chân mình rồi đặt cái ni ở chỗ ngồi. Anh ta ra chợ mà quên đem cái ni theo. Tìm được đôi giày muốn mua rồi, anh ta (sực nhớ lại), bảo: "Tôi quên đem cái ni theo, để tôi trở về lấy". Rồi quay về nhà, khi trở lại thì chợ đã tan, không mua được giày. Người ta hỏi: "Sao anh không lấy chân để thử giày?" Anh ta đáp "Nên tin cái ni chứ không nên tin mình".

° ° °

Tuy nhiên chúng ta cũng nên nhận rằng Hàn Phi vì bị bọn học giả quá tin cổ làm cản trở việc thuyết phục vua Hàn theo chính sách dùng pháp thuật của ông, nên thường nặng lời với họ, chứ ông không phản cổ đến triệt để, cái gì của thời xưa cũng là phải bỏ hết. Rốt cuộc chủ trương của ông cũng như của Thương Ưởng: không nhất định bỏ cổ hay chạy theo cổ, cứ cái gì hợp thời thì làm, "miễn việc trị nước được thích nghi mà thôi". Chẳng hạn ông cũng tôn quân như Nho gia, còn hơn Nho gia nữa, vẫn trọng nông như Nho gia, trọng lợi như Mặc gia có điều về quan niệm về "quân" (vua), về "lợi" của ông có khác quan niệm của Nho và Mặc, như trong một chương sau chúng ta sẽ thấy.

--------------------------------
1Vì trong thiên nhiên thì dân tộc Trung Hoa đã biết luật thịnh suy hữu thời từ hồi mới có nông nghiệp, mà Lão tử, Khổng tử đã cho nó là một luật tự nhiên.
2Sự thực thì (1)= - 1783- (12357) = 574 năm; (2)= - 1185- (- 1783) = 598 năm; (3)= - 551- (- 1185) = 635 năm.
3Coi chú thích chương 5 trang 138 - Phần V thiên Hiển học.

Hàn Phi tử - Phần II Chương 2 TÁC PHẨM

 

Chương 2

TÁC PHẨM

1. Các bản từ trước tới nay.

Theo niên biểu ở chương trên thì Hàn Phi bắt đầu viết sách vào khoảng năm thứ 8 đời Tần Thủy Hoàng và theo Sử kí thì năm, sáu năm sau khi Hàn Phi đi sứ Tần, cả Lí Tư và Tần Thủy Hoàng đều đã được đọc một phần tác phẩm của Hàn. Thời đó người làm sách và kẻ sao lại đều phải khắc chữ lên thẻ tre hoặc dùng que nhúng vào sơn rồi viết lên lụa. Vậy mà chỉ trong có mấy năm, tác phẩm của Hàn Phi đã vượt biên giới Hàn và qua Tần, đủ biết nó nổi danh và phổ biến rất mau.

Sau khi Hàn Phi mất, Lí Tư và Tần Nhị thế Hoàng đế đều có dẫn lời trong sách của Hàn (coi thiên Truyện Lí Tư trong Sử kí).

Hơn một trăm năm sau Tư Mã Thiên bảo tác phẩm của Hàn Phi gồm trên một vạn chữ và có những thiên Cô phẫn, Ngũ đố, Nội, ngoại trừ, Thuyết Lâm, Thuế nan, mà không cho biết trọn bộ có bao nhiêu thiên. Tới khoảng đầu kỉ nguyên tây lịch, Lưu Hướng là con của Lưu Hâm mới thu thập lại được 55 thiên, nhưng không chia thành quyển. Bản ngày nay chúng ta dùng có lẽ là bản đời Hán hay đời Lương đó.

Gần đây, nghe nói ở Trung Quốc, người ta khai quật được một bản trong ngôi mộ đời Hán, không rõ bản này có khác nhiều không.

Tứ đời Hán đến đời Tống, các bản sao hay khắc lại đều mang nhan đề là Hàn Tử. Bắt đầu từ đời Tống, mới có nhà gọi là Hàn Phi tử để phân biệt với bộ Hàn tử ghi chép tư tưởng của Hàn Dũ, được Nho gia tôn trọng gần ngang với Mạnh tử.

Tuy nhiên đời Tống và đời Minh vẫn có nhà dùng nhan đề cũ, qua đời Thanh, nhan đề Hàn Phi tử mới thật thông dụng.

Theo Trần Khải Thiên trong Hàn Phi tử hiệu thích (Trung Hoa tùng thư - 1958) thì từ thời Bắc Ngụy tới nay có ít nhất là 30 tác phẩm hiệu đính và chú thích Hàn Phi tử; mỗi thời tiến bộ hơn một chút, nhưng hiện nay vẫn còn ít chỗ sai hoặc thiếu.

Họ Trần khen bản Hàn Phi tử tập giải của Vương Tiên Thận (đời Thanh) là tập đại thành những bản hiệu thích của người trước, nhưng có chỗ còn sai sót.

Ông cũng có nhắc tới bản Hàn Phi tử bổ tiên của Cao Hanh, nhà này cũng có tiếng, cải chính được nhiều chỗ, phát minh được nghĩa mới, giúp cho ông nhiều, nhưng ông chỉ được đọc trên tạp chí Văn Triết quí san, quyển II, số 3 và 4 (1933) của trường Đại học Vũ Hán, không biết tới nay đã xuất bản chưa.

Ngoài ra hai bản:

- Hàn Phi tập giải các (giác) chứng của Vương Thúc Mãn (Dân)

- Hàn Phi tử tập giải bổ chính của Long Vũ Thuần cũng có chỗ dùng được, nhưng cả hai cũng chỉ mới đăng trên tạp chí.

Chúng tôi chỉ kiếm được 3 bản chữ Hán:

- Hàn Phi tử tập giải của họ Vương: bản này khắc từ năm Quang Tự thứ 22 (1896), không chấm câu, chú thích sơ sài, rất khó đọc.

- Hàn Phi tử bạch thoại chú giải của Diệp Ngọc Lân (Hoa Liên xuất bản xã - không đề in năm nào), chỉ tuyển 33 trong số 55 thiên. Chú thích sơ sài, chỉ được cái lợi là dịch ra bạch thoại, nhưng có nhiều chỗ dịch không chắc đã đúng.

- Hàn Phi tử hiệu thích của Trần Khải Thiên. Bản này quí nhất. Họ Trần đã bỏ ra hàng chục năm nghiên cứu Hàn Phi tử, thu thập được nhiều bản cũ, tham khảo nhiều nhà, hiệu đính và chú thích lại rất kĩ, đưa ý kiến về vấn đề chân, ngụy của mỗi thiên, cuối bộ lại có phần tiểu sử Hàn Phi, tổng hợp tư tưởng Hàn Phi, sau cùng chép thêm cả những lời phê bình Hàn Phi từ đời Hán tới nay. Toàn bộ gồm trên một ngàn trang khổ lớn. Thật là một tác phẩm rất công phu (tuy hơi rườm) đã giúp chúng tôi được nhiều. Không nhờ một ông bạn - ông Tạ Trọng Hiệp - kiếm giùm cho bộ đó thì chưa chắc chúng tôi đã quyết tâm viết về Hàn Phi.

- Và một bản Việt dịch của Nguyễn Ngọc Huy (Lửa thiêng xuất bản - 1974) gồm hai cuốn. Bản dịch này khá công phu, dùng được 1­, căn cứ vào bản Vương Tiên Thận và có lẽ một phần vào bản Trần Khải Thiên nữa. Ông Nguyễn chú thích kĩ, gồm các chú thích vào cuối mỗi cuốn và cuối bộ lại thêm một bản Mục lục các nhân danh và địa danh, với một bản Mục các đề tài.

Ngoài ra chúng tôi tham khảo thêm ba bộ dưới đây:

- La Formation du Légisme của Léon Vandermeersch (Ecole Française d’Extrême Orient - Paris 1965);

- Trung Quốc chính trị tư tưởng sử của Tiêu Công Quyền - (Trung Hoa Văn hóa xuất bản xã - Đài Bắc 1961);

- Trung Quốc cổ đại chính trị gia của Tần Cảnh Dương (Hoa Quốc xuất bản xã Hương Cảng - 1950)

- Lịch sử tư tưởng chính trị Trung Quốc của Lã Thiên Vũ - bản Việt dịch của Trần Văn Tân, xuất bản năm 1963 ở Hà Nội, không biết do nhà nào vì mất bìa

2. Nội dung tác phẩm:

Các bản Hàn Phi tử ngày nay đều theo đúng cách trình bày của người xưa, chia ra làm 20 quyển, 55 thiên. Sự xắp đặt các thiên khá tạp loạn, không hợp lí, không theo một qui tắc nào cả. Trần Khải Thiên có sáng kiến sắp đặt lại, chia thành mười quyển theo qui tắc này: những thiên nào quan trọng nhất như Hiển học, Ngũ đố, Nạn thế… đưa lên trên, những thiên kém quan trọng hoặc còn nghi là không phải của Hàn Phi viết thì đưa xuống dưới.

Ngay trong từng thiên, đôi khi nội dung cũng không được nhất trí, chẳng hạn thiên 42 Vấn Điền gồm hai đoạn không liên quan gì với nhau: đoạn trên bàn về lẽ nên đề cử các quan văn cũng như võ từ chức thấp lần lần lên chức cao; đoạn dưới là lời Hán Phi đáp Đường Khê công, đại ý rằng mình đặt ra pháp luật độ số để làm lợi cho dân, dù có bị hôn quân hãm hại cũng can tâm. Thiên 18 Nam diện cũng vậy: phần đầu nói về thuật dùng bề tôi, phần cuối bàn về lẽ không ngại sửa đổi pháp chế thời cổ.

Về nhan đề của mỗi thiên, đa số tóm tắt được nội dung của thiên, như Cô phẫn, Thuế nan, Nhị bính, Bát gian, Bát kinh, Giải lão, Dụ lão, Hiển học, Ngũ đố… , nhưng cũng có nhiều thiên chỉ dùng hai chữ trong câu đầu làm nhan đề, như thiên Vấn Điền đã ghi ở trên. Thiên 52 Nhân chủ cũng vậy: đoạn trên nói về thế, ý nghĩa giống thiên Nhị bính, đoạn dưới nói về sự thù ghét nhau giữa các kẻ sĩ giỏi pháp thuật và bọn quí tộc cầm quyền, ý nghĩa giống thiên Cô phẫn. Nhưng nhan đề là Nhân chủ tức hai chữ ở đầu thiên không liên quan một chút gì với nội dung cả. Những nhan đề như vậy có thể do người sau đặt, chứ không phải của Hàn.

Khuyết điểm thứ nhì là trong một thiên, sự trình bày có khi lỏng lẻo: trên hô mà dưới không ứng như thế là thiếu, hoặc trên không hô mà dưới lại ứng, như vậy là thừa. Chẳng hạn trong thiên 33 Ngoại trừ thuyết tả hạ, có cố sự nêu ra trong phần Kinh mà không thấy giải thích trong phần Truyện; ngược lại trong phần Truyện có những cố sự không liên quan gì tới phần Kinh.

Khuyết điểm thứ ba: có nhiều ý lập đi lập lại một cách vô ích, chứng tỏ rằng Hàn Phi khi viết không bố cục trước, cứ thuận tay nghĩ tới đâu viết tới đó, hoặc có thể do nhiều người chứ không phải một mình Hàn Phi viết. Như thiên 52 Nhân chủ lập lại những ý trong hai thiên 7 Nhị bính và 11 Cô phẫn nên bị nghi ngờ là của người đời sau ngụy tác. Hai thiên 12 Thuế nan và 3 Nan ngôn đều diễn tả nỗi khó khăn, nguy hiểm của bọn biện sĩ muốn thuyết phục các vua chúa. Cách dùng người và nhất là cách thưởng phạt được nhắc đi nhắc lại trong cả chục thiên;

Khuyết điểm thứ tư là tư tưởng có nhiều chỗ mâu thuẫn: chẳng hạn các thiên 49 Ngũ đố, 46 Lục phản, 47 Bát thuyết, 30 Nội, trừ thuyết thượng chê nhân nghĩa; mà thiên 27 Dụng nhân lại có câu đề cao liêm sỉ, nhân nghĩa; thiên 51 Trung hiếu chê Nghiêu Thuấn không biết lễ vua tôi, mà thiên 25 An nguy, 26 Thủ đạo lại đề cao Nghiêu Thuấn; thiên 3 Nan ngôn, thiên 10 Thập quá khen Quan Long Phùng là người hiền, mà thiên 44 Thuyết nghi lại chê Quan là can gián mạnh bạo, muốn thắng vua, hăm chúa, chết là đáng; Ngũ Tử Tư cũng vậy, thiên 3 Nan ngôn, thiên 25 An nguy, thiên 26 Thủ đạo khen, mà thiên 44 Thuyết nghi lại chê.

Do bốn lẽ kể trên: nội dung tạp loạn trình bày không kĩ, cách đặt nhan đề không nhất trí, nhiều ý lập lại, một số tư tưởng mâu thuẫn; và cũng do lẽ lời văn có thiên già dặn như Thuế nan, Cô phẫn, có thiên rất tầm thường như thiên Nhân chủ; đa số hoàn toàn là văn xuôi, một số ít lại dùng văn vần, số chữ mỗi vế cân nhau (thiên Chủ đạo và thiên Dương giác) nên học giả nào cũng nhận rằng Hàn Phi tử không phải hoàn toàn của Hàn Phi, mà có nhiều thiên do người sau ngụy tác thêm vào. Vì vậy trước khi nghiên cứu tư tưởng Hàn Phi, chúng ta cần xét thiên nào là chân, thiên nào là ngụy đã.

Công việc này rất khó. Chúng tôi đã tham khảo ý kiến của Trần Khải Thiên và Léon Vandermeersch và theo qui tắc, thiên nào nội dung trái với thuyết Hàn Phi thì có thể tin là ngụy mà gạt bỏ đi, thiên nào mà mọi nhà đều bảo là của Hàn Phi thì giữ lại; có những thiên nào tư tưởng hoặc giọng văn còn có điều đáng ngờ thì tồn nghi.

Chúng ta đã có một bản dịch đầy đủ rồi - bản của ông Nguyễn Ngọc Huy - nên trong cuốn này, chúng ta chỉ dịch tất cả những thiên chắc chắn của Hàn và một số thiên nữa, tuy khả nghi nhưng chúng tôi cho là quan trọng thôi.

Để cho những độc giả nào không có bản dịch của ông Nguyễn Ngọc Huy cũng có được một khái niệm về nội dung toàn bộ, chúng tôi tóm tắt trong bản dưới đây ý chính của mỗi thiên và đưa thêm ít nhận xét về sự chân ngụy của từng thiên. Về số thứ tự các thiên, chúng tôi vẫn theo các bản cũ để độc giả dễ kiếm trong các bản chữ Hán.

(Chú thích của người hiệu đính: chỗ này Nguyễn Hiến Lê làm thành 1 bảng kê cứu, mỗi hàng là một thiên, có 4 cột là: Số, Nhan đề, Nội dung, Nhận xét. Vì diễn đàn vnthuquan không hiển thị dạng bảng này được, nên chúng tôi phải chép lại thành hàng dọc. Vậy người đọc cứ nhớ, mỗi thiên như vậy có 4 phần, mỗi phần là 1 lần cách hàng.)

Số: 1

Nhan đề: Sơ kiến Tần

Nội dung: Bài biểu Hàn Phi dâng vua Tần bảo có thể thôn tính thiên hạ, phá thế hợp tung của lục quốc (trong số đó có Hàn) mà thành bá, vì lục quốc kho lẫm rỗng mà quân lính sợ chết.

Tần đã mấy lần mất cơ hội làm bá vì thiếu bề tôi trung. Hàn Phi nguyện làm tôi trung của vua Tần.

Nhận xét: Chắc chắn không phải của Hàn Phi vì nội dung trái với thiên 2. Dung Triệu Tổ và Trần Khải Thiên bảo là của Thái Trạch. Chiến Quốc sách chép là của Phạm Tuy (Tần 1.5)

2

Tồn Hàn

Bài biểu Hàn Phi dâng Tần Thủy Hoàng khi vâng lệnh vua Hàn qua thuyết phục vua Tần đừng đánh chiếm nước Hàn

Có phần chắc chắn là của Hàn Phi, mặc dầu có người ngờ là của người sau chép.

3

Nan ngôn

Bài biểu của Hàn Phi dâng một ông vua (có người bảo là vua Hàn, có người bảo là vua Tần) vạch ra 12 lí do tại sao thuyết phục vua chúa là việc đã khó lại nguy hiểm, và dẫn chứng trong sử đã có hơn 10 người bị cái họa vì nói thẳng.

Chắc chắn của Hàn Phi vì nội dung hợp với thiên Thuế nan mà ai cũng nhận là của Hàn.

4

Ái thần

Cái nguy của vua là bề tôi giàu quá, chư hầu lớn quá. Muốn chế ngự họ, vua phải nhất thiết theo đúng pháp luật, phòng bị trước mà giữ cho họ ngay thẳng.

Tư tưởng rất hợp với Hàn Phi, nhưng lời văn hơi khác cho nên còn ngờ.

5

Chủ đạo

Dùng thuyết vô vi của Lão, thuyết hình danh của Danh và thuyết thưởng phạt của Pháp. Vua phải hư tỉnh, giữ cho hình và danh hợp nhau, thưởng phạt cho đúng

Không phải của Hàn Phi, mà có lẽ của một Đạo gia. Văn có vần, giống văn Hoài Nam tử (theo Lương Khải Siêu)

6

Hữu độ

Đại ý là vua phải dùng phép nước, chứ đừng theo ý mình. Dùng phép thì bề tôi không lấn mình được.

Trong thiên có đoạn nhì và đoạn cuối hơn giống Quản tử mà Quản tử do người đời Chiến Quốc viết, đầu thời Hán thêm thắt. Nên chưa quyết được là của Hàn hay không mặc dầu tư tưởng đều hợp với Hàn Phi.

7

Nhị bính

Nhị bính là hai quyền bính của vua, tức thưởng và phạt. Thưởng phạt thì danh phải hợp với hình, vua phải bỏ ham, ghét đi, đừng có tự ý.

Vì lời văn có chỗ khác với thiên chắc chắn của Hàn, nên còn phải tồn nghi, mặc dầu tư tưởng hợp với Hàn.

8

Dương giác (nhiều bản chép là Dương quyền, hai chữ quyền giác hơi giống nhau)

Dương giác có nghĩa là đưa ra những cốt yếu (của việc trị nước). Đại ý như thiên Chủ đạo. Bàn về thuật vua chế ngự bề tôi. Cũng theo Lão (vô vi), theo Danh (hình danh), theo Pháp (thưởng phạt). Đặc biệt có một đoạn về sự mâu thuẫn quyền lợi giữa vua tôi.

Văn cũng có vần, cứ bốn chữ là một vế như thiên Chủ đạo, nên chắc chắn không phải của Hàn Phi.

9

Bát gian

Xét tám lẽ bề tôi hoá gian; muốn đề phòng thì vua phải dùng thuật nào.

Có lẽ của Hàn Phi, chỉ hơi ngờ ngợ có đoạn nói về việc tiến cử kẻ hiền tài, không hợp với tư tưởng của Hàn Phi.

10

Thập quá

Dùng cố sự để chứng minh mười cái lỗi của vua. Những cố sự đó cũng thấy chép trong nhiều khác như Quốc sách, Hoài Nam tử, Lữ giám… Tư tưởng có vẻ hợp với Hàn Phi.

Bút pháp kém, lời rườm, nên rất đáng ngờ.

11

Cô phẫn

Kẻ sĩ giỏi pháp thuật và bọn quý tộc cầm quyền không thể cùng sống với nhau được. Tranh nhau với bọn quý tộc thì kẻ sĩ sẽ chết. Bọn quý tộc chuyên quyền che lấp nhà vua mà nước sẽ nguy. Cái lợi của chúng với của vua trái ngược nhau.

Chắc chắn của Hàn Phi, viết hồi không được trọng dụng ở Hàn.

12

Thuế nan

Du thuyết là việc khó và nguy hiểm. Những trường hợp nguy vào thân. Chứng cớ trong lịch sử. Cần nhất là phải biết vua chúa thích cái gì, ghét cái gì mà đừng làm cho họ giận.

Chắc chắn của Hàn.

13

Hoà thị

Nội dung giống thiên Cô phẫn. Bọn sĩ đề cao pháp thuật cũng không được mà còn nguy vào thân như người họ Hoà có ngọc bích dâng vua mà bị chặt chân, vì không ai biết là ngọc quí. Dẫn chứng Ngô Khởi và Thương Ưởng bị giết

Chắc của Hàn

14

Gian kiếp thí thần

Bọn gian thần dùng thuật nào để lừa vua? Muốn ngừa họ thì phải giữ "quyền thế" và làm sáng tỏ pháp luật. Phải dùng nghiêm hình, đừng dùng nhân nghĩa.

Tư tưởng hợp với Hàn Phi. Nhưng có một đoạn ở giữa nói về Xuân Thân Quân, Thương Ưởng, Ngô Khởi không có chút liên lạc gì với đoạn trên và đoạn dưới, nên ngờ là của thiên Hoà thị đặt lầm vô đây.

15

Vong trưng

Kể 47 điềm suy vong. Nhưng nếu biết dùng thuật và pháp thì vẫn có thể cứu được.

Tư tưởng hợp với Hàn, trừ điều 43, nói đến cái hiếu của vua chúa với cái hiếu của kẻ thất phu, thì giọng lại không phải của Hàn, nên còn tồn nghi.

16

Tam thủ

Vua phải giữ ba điều: đừng tiết lậu, đừng nghe lời khen chê kẻ khác, đừng giao quyền cho ai, để bề tôi khỏi cướp mất cái danh, công việc và quyền hình phạt của mình.

Không chắc của Hàn nhưng cũng không có xác chứng rằng không phải của Hàn.

17

Bị nội

Bậc vua chúa mà tin người thì sẽ bị áp chế. Ngay vợ con cũng không nên tin. Đừng tin bề tôi mà cho họ có quyền thế.

Có phần tin được là của Hàn.

18

Nam diện

Thuật chế ngự bề tôi: làm rõ pháp luật và xét xem lời nói của bề tôi có đúng với việc làm không.

Đoạn cuối không liên lạc với hai đoạn trên, vì xét về lẽ có thể thay đổi phép cổ.

Có phần tin được của Hàn.

19

Sức tà

Giữ pháp thì mạnh; đừng tin dị đoan cứ thưởng phạt cho đúng, khuyến khích bề tôi bỏ tư tâm mà lo cho nghĩa công.

Đáng ngờ vì có đoạn khen tiên vương, không hợp với tư tưởng Hàn Phi; lại thêm đoạn nói về Tư Mã Tử Phản y hệt một đoạn ở thiên Thập quá. Không phải của Hàn Phi.

20

Giải Lão

Trích một số đoạn Đạo Đức kinh rồi giải thích. Tư tưởng hợp với Lão, trái hẳn với pháp.

Không phải của Hàn.

21

Dụ Lão

Lấy việc cũ để dẫn dụ cho dễ hiểu học thuyết Lão Tử. Xét chung thì tư tưởng hợp với Lão Tử, trừ một vài chỗ hơi hợp với Pháp gia.

Cũng không phải của Hàn.

22

Thuyết lâm thượng

Hàn Phi đọc nhiều sách, gồm trong thiên này và thiên sau một số cố sự cho biết thuật của người xưa; nhiều cố sự chép trong Chiến Quốc sách.

Lương Khải Siêu bảo "hai thiên Thuyết Lâm" cơ hồ như là tài liệu Hàn Phi dự bị để viết các thiên Nội ngoại trừ thuyết ở sau.

Chắc chắn của Hàn

23

Thuyết Lâm hạ

(như trên)

(như trên)

24

Quan hành

Thiên này diễn hai ý: bậc vua chúa phải dùng đạo mà sửa thân mình cho ngay; nhân cái thế mình có được mà tìm cái đạo dễ thi hành, như vậy ít tốn sức mà nhiều kết quả.

Tư tưởng của Đạo gia, không phải của Hàn Phi.

25

An nguy

Có bảy thuật làm cho nước yên ổn và sáu con đường khiến cho nước nguy. Phải nghe can gián của bề tôi trung mặc dầu nó chối tai; phải sửa mình như vua Nghiêu.

Đề cao Nghiêu, Thuấn, trái với tư tưởng Hàn Phi. Không phải của Hàn.

26

Thủ đạo

Phép giữ nước là thường cho hậu và phạt cho thật nghiêm.

Hợp với tư tưởng Hàn Phi, nhưng có câu khen vua Nghiêu sáng suốt, không để lọt kẻ gian, nên chắc của người sau bắt chước Hàn, không phải của Hàn.

27

Dụng nhân

Đại ý: phép dùng người phải theo trời, thuận người và làm rõ việc thưởng phạt. Phải khuyến khích sự liêm sỉ, vời bậc nhân nghĩa tới giúp. Đừng đặt ra việc khó làm, thưởng kẻ dở, phạt kẻ không đáng phạt.

Đề cao liêm sỉ, nhân nghĩa, không phải tư tưởng của Hàn.

28

Công danh

Xét về đạo lập công và thành danh; phải theo thiên thời, nhân tâm, dùng tài năng, dùng quyền thế, địa vị.

Thuyết theo thiên thời và nhân tâm (như thiên trên) không hợp với Pháp gia mà hợp với Đạo gia. Không phải của Hàn.

29

Đại thể

Nhân mệnh trời mà nắm cốt yếu của việc trị nước, khiến cho dân không mắc cái tội rồi (không theo) pháp luật, như cá mắc cái hoạ rời khỏi nước.

Mệnh trời đây là lẽ tự nhiên. Chủ trương theo tự nhiên này của Đạo gia, trái hẳn chủ trương của Pháp gia. Không phải của Hàn.

30

Nội trừ thuyết thượng

Thiên này và năm thiên sau đều gom góp các qui tắc, các cố sự về việc trị nước, để cho vua chúa dùng. Cả sáu thiên cùng theo một lối trình bày: mới đầu đưa ra cái cương yếu làm quy tắc, gọi là phần kinh, sau dẫn những cố sự để giải thích phần kinh, gọi là phần truyện. Thiên này đưa ra bảy thuật về việc xem xét cho đủ, thưởng phạt cho nghiêm và minh, nghe hết lời bề tôi trình bày giả vờ ra lệnh, tập hợp các nguồn tin, đổi lời, tráo việc để biết tình gian của bề tôi.

Có học giả cho phần kinh là của Hàn, phần truyện là của người sau; nhưng cũng có học giả cho rằng cả hai phần kinh và truyện đều của Hàn, chỉ những chỗ: "nhất viết": (có thuyết khác bảo) mới là của người sau. Vậy ta có thể coi 6 thiên đại khái là của Hàn. Thiên nào cũng kết cấu chặt chẽ, có giá trị về luận thuyết, trừ vài chỗ chép thiếu có trong truyện mà không có trong Kinh hoặc ngược lại.

31

Nội trừ thuyết hạ

Nhận định chung như trên. Thiên này nói về sáu điều bậc vua chúa phải dò xét: quyền giao cho kẻ dưới, lợi của vua tôi khác nhau, kẻ dưới dựa vào sự dối trá, lợi hại đều có bề trái, địa vị không rõ ngoại quốc can thiệp vào việc nước mình.

Nhận định chung như trên.

32

Ngoại trừ thuyết tả, thượng

Đưa ra 6 thuật trị nước dùng người; xét xem hành động của bề tôi có hợp với lời nói hay không, xem lời có thực dụng không, đừng khen tiên vương, không tự làm thì dân không tin, đừng dùng kẻ sĩ bàn suông, phải giữ chữ tín, rồi mới hành pháp.

nt

33

Ngoại trừ thuyết tả, hạ

Lại đưa ra 6 thuật nữa: thưởng phạt cho đúng, trông cậy vào thế và thuật của mình, cứ theo khả năng mà dùng người, đừng cho bề tôi quá xa xỉ hoặc quá biển lặn…

nt

34

Ngoại trừ thuyết hữu thượng

Lại đưa ra 3 thuật nữa: bề tôi nào không cải hoá được thì giết đi, đừng để lộ sự thích và ghét của mình, người thân cũng theo pháp mà trị.

nt

35

Ngoại trừ thuyết hữu hạ

Lại đưa ra 5 thuật nữa: về sự thưởng phạt, đừng tin bọn biện sĩ, trị quan lại chứ không trị dân, tuỳ theo việc mà làm

nt

36

Nạn nhất

Thiên này và ba thiên sau đều chỉ trích hành động của một số nhà cầm quyền và học giả thời xưa, như Khổng Tử, Quản Trọng, Tề Hoàn công, Án tử, Tử Sản.v.v. Để làm rõ chủ trương của Pháp gia.

Chẳng hạn thiên này chủ trương: ra trận thì cần phải gian trá, trị dân thì cứ giữ cái "thế" mà ra lệnh, không cần phải cải hoá dân, không công thì không nên thưởng, vua phải giữ đạo vua, bề tôi phải giữ đạo bề tôi, có tội thì phải trị không tha.

Chắc chắn của Hàn Phi.

37

Nạn nhị

Nhận định chung như thiên trên. Đại ý: hình phạt mà xứng với tội thì không ngại nhiều, không xứng đáng với tội thì mới là nhiều; đừng nên nhân từ, phải dùng hình danh thống nhất, sự đo lường để làm tiêu chuẩn; thu được nhiều hoá vật vị tất đã là tốt.

Duy có đoạn 3 có câu "theo đạo thì nên vô vi, đừng cho thấy" cơ hồ hợp với đạo gia hơn là pháp gia.

38

Nạn tam

Nhận định chung như thiên 36. Đại ý: phải phạt kẻ giấu cái ác, thưởng kẻ tố cáo bọn gian tà, đừng nghe lời giả dối của bề tôi, đừng cho bề tôi lấn vua, phi tần lấn Hoàng hậu, con thứ lấn con cả, pháp phải ban bố rõ ràng, thuật thì đừng nên cho người ta biết…

Chắc chắn của Hàn Phi.

39

Nạn tứ

Nhận định chung như thiên 36. Đại ý: vua giữa phận vua, bề tôi giữ phận bề tôi; vua nên nghiêm khắc mà sáng suốt; giận và ghét phải đúng lúc…

nt

40

Nạn thế

Phê bình và bổ túc thuyết giữ "thế" (tức chủ quyền) của Thận Đáo.

nt

41

Vấn biện

Thiên này dùng để vấn đáp, khác hẳn các thiên trên. Hàn Phi ghét không khí tranh biện thời Chiến Quốc. Hàn tìm cách ngăn sự tranh biện: vua cứ coi hành vi của bề tôi xem có công dụng không, ngôn hành phải có ích mới được; hễ bàn bạc mà không hợp với pháp lệnh thì trị tội.

Chắc chắn của Hàn Phi.

42

Vấn Điền

Thiên này gồm hai đoạn không liên lạc gì với nhau. Đoạn trên diễn ý: dùng người thì đừng đề cử ngay lên một chức cao, để cho người đó tiến lần lần từng cấp. - Đoạn dưới bảo Hàn Phi định pháp thuật để làm lợi cho dân, dù có bị tội cũng không ân hận.

Đoạn dưới nhất định không phải của Hàn Phi, mà do người sau viết. Do đó đoạn trên cũng đáng ngờ.

43

Định pháp

Hàn Phi phê bình Thân Bất Hại về "thuật" và Thương Ưởng về "pháp", bảo phải dùng cả hai thuyết đó, thiếu một không được.

Có phần chắc chắn là của Hàn Phi.

44

Thuyết nghĩ

Xét về thuật dùng bề tôi. Phải cấm bề tôi có lòng gian, có lời gian, có hành vi gian. Năm hạng người không dùng được.

Nên cấm 5 cái gian, phá 4 cái tương tự như nhau so sánh với nhau, chống đối nhau (con vợ lẽ với con đích, thiếp với thê, bề tôi với tướng quốc, bề tôi được vua yêu với vua), đừng để sinh loạn.

Thế văn có vẻ như luận thuyết lại có vẻ như một bài biểu, nên còn tồn nghi.

45

Ngụy sử

Ba đạo trị nước là lợi, uy và danh. Vậy mà người đương thời lại trọng những kẻ trái với đạo trị nước như cao, hiền, trung, liệt, dũng mà khinh hạng người làm lợi cho nước.

Cho nên cách thưởng phạt cũng ngược đời hết. Nguyên tắc là phải đặt ra pháp lệnh, để bỏ cái riêng tư.

Chắc chắn của Hàn Phi.

46

Lục phản

Sáu hạng người đáng phạt mà dân lại khen (là môn đồ Lão, Nho, Âm dương gia, Danh, Mặc…) ngược lại sáu hạng người đáng thưởng thì bị chê. Ai cũng tham lợi, cha con cũng chỉ nghĩ tới tư lợi. Cho nên phải dùng hình pháp cho nghiêm, phải xét hành vi và lời nói phù hợp nhau không.

Chắc chắn của Hàn Phi.

47

Bát thuyết

Tám hạng người không nên dùng. Dùng người phải có thuật nghe bề tôi tố cáo lẫn nhau. Lập pháp phải theo thời theo việc. Thời đó không dùng nhân ái được. Đừng cho sủng thần ra lệnh.

Cũng có phần chắc là của Hàn Phi., nhưng nội dung thiên này hỗn tạp.

48

Bát kinh

Tám thuật trị nước: thưởng phạt, nghe ý của mọi người, phòng gian, cách xét bề tôi, phải bí mật…

Nội dung hợp với thuyết của Hàn Phi, nhưng hình như nguyên văn thiếu sót người sau thêm vào, nên khó hiểu.

49

Ngũ đố

Năm hạng mọt dân: nho gia, biện sĩ, hiệp sĩ, bọn thị thần, bọn công và thương. Quan trọng nhất là lịch sử quan của Hàn Phi: thời dị tắc sự dị, sự dị tắc biến, và chủ trương: đĩ pháp vi giáo, dĩ lại vi sư.

Chắc chắn của Hàn Phi. Lý Tư từng dùng ý trong thiên này.

50

Hiển học

Đả đảo các thuyết nổi danh, có thế lực đương thời: Khổng và Mặc, Nho và hiệp sĩ (Mặc gia) không cày ruộng, không đánh giặc, vô dụng. Đạo Nho vu khoát, không cần dùng nhân nghĩa, chỉ cần sức mạnh.

nt

51

Trung hiếu

Ý chính là trọng pháp chứ không trọng hiền. Đả Nghiêu, Thuấn, Thang, Vũ là bất trung bất hiếu (trung, hiếu theo quan niệm Pháp gia).

Nội dung tạp: đoạn cuối đả bọn Tung hoành gia, không liên lạc với các đoạn trên. Chắc chắn là của Hàn.

52

Nhân chủ

Ý như hai thiên Nhị bính và Cô phẫn: bề tôi mà có thế mạnh hơn vua thì nguy cho vua; bọn sĩ đề cao pháp luật là kẻ thù của bọn quý tộc cầm quyền thời đó.

Lời văn kém. Chắc là người sau viết thêm.

53

Sức lệnh (Chỉnh lý hiệu lệnh cho nghiêm chỉnh)

Cũng lại xét về cách thưởng phạt: hình phải nghiêm, thưởng nên ít; có chiến công mới cho quan tước.

Ý và lời nhiều chỗ giống Thương quân thư (tương truyền của Thương Ưởng nhưng không chắc Thương Ưởng viết); vì vậy còn ngờ, không biết của ai, sách nào chép của sách nào.

54

Tâm độ

Tâm đây là lòng dân. Lòng dân thích loạn; ghét khó nhọc nên thưởng phải sáng suốt, hình phải nghiêm. Vua phải ngăn kẻ địch bên ngoài, chặn tư tâm tư ý của bề tôi bên trong, chỉ trông cậy nơi mình thôi.

Ý thì giống Hàn Phi mà lời thì khác. Nên còn tồn nghi.

55

Chế phân

Bàn về pháp chế định thưởng phạt, và phân biệt công với tội. Hình, thưởng nên nặng và phân minh. Bắt dân phải cáo gian, liên đới chịu trách nhiệm. Không được bỏ pháp luật mà dùng trí tuệ.

--------------------------------
1Chúng tôi có nhiều điểm không đồng ý với ông Nguyễn, nhưng ngay các nhà hiệu chú Trung Hoa tới nay vẫn chưa có ai hoàn toàn đồng ý với ai thì bản dịch của ông và của chúng tôi sẽ phải có những điểm khác nhau, không thể tránh được.

Hàn Phi Tử Phần II - chương I HÀN PHI: ĐỜI SỐNG VÀ TÁC PHẨM ĐỜI SỐNG

PHẦN II


Về tiểu sử Hàn Phi chúng ta chỉ có ba nguồn tài liệu: Chiến Quốc sách, Hàn Phi Tử và Sử ký của Tư Mã Thiên; nhưng những tài liệu ấy đa số đều mập mờ hoặc không đáng tin, có khi mâu thuẫn nhau nữa.

Trước hết chúng ta có thể gạt bỏ tài liệu trong Chiến Quốc sách, tức bài Diệu Cổ đáp vua Tần (Tần - V.8- bản dịch của chúng tôi, nhà Lá Bối 1973) vì Chiến Quốc sách không đáng coi là một tác phẩm về sử, (nhiều bài chỉ có giá trị về văn học, về luận thuyết thôi, điều này chúng tôi đã trình bày trong phần giới thiệu Chiến Quốc sách trang 40, nhất là bài Diệu Cổ đáp vua Tần có giọng tiểu thuyết quá, không thể tin được). Đại khái truyện như sau:

Hàn Phi thấy Diệu Cổ là người nước Ngụy, giúp vua Tần (Thủy Hoàng) đắc lực được phong chức thượng khanh, mà ghen ghét, dèm pha, tấu với vua Tần: "Cổ đem châu báu, phía Nam đi sứ Kinh (tức nước Sở), Ngô, phía Bắc đi sứ Yên, Đại. Ba năm sau, tình giao thiệp với các nước vị tất dùng quyền của đại vương, bảo vật của quốc gia mà tự kết giao với chư hầu xin đại vương xét lại. Vả lại tên lính giữ cửa của nước Lương đó đã ăn cướp ở Lương, lại có lần làm bề tôi ở Triệu mà bị đuổi (...) mà đem bàn việc xã tắc với hắn thì còn đâu cái nghiêm khắc đối với quần thần"

Vua Tần bèn vời Diệu Cổ vô hỏi. Cổ nhận hết, nhưng bảo Thái Công Vọng, Quản Trọng, Bách Lý Hề đều xấu xa đê tiện vì Thái Công Vọng có lúc làm tên đồ tể, Quản Trọng vốn là một con buôn tham bỉ, Bách Lý Hề là một tên ăn xin ở đất Ngu, vậy mà vua Văn vương, vua Tề Hoàn công, vua Tần Mục công vẫn dùng họ mà nhờ họ lập được nghiệp vương, nghiệp bá, còn hạng cao khìết như các ẩn sỹ Biện Thùy, Vụ Quang, Thân Đồ Địch thì không vua nào dùng được, nên họ chẳng giúp gì cho xã tắc. Vậy là khi dùng người, nhà vua chỉ nên xem xét kẻ đó giúp được việc cho mình không, chớ đừng câu nệ họ dơ bẩn, xấu xa; nhất là đừng nghe lời gièm pha mà sẽ không có bề tôi trung với mình đâu

Rốt cuộc, "vua Tần khen là phải, lại dùng Diệu Cổ mà giết Hàn Phi".

Nhân vật Hàn Phi trong bài đó bị bôi nhọ quá thành một biện sỹ hạ đẳng, vô tư cách mà Tần Thủy Hoàng cũng không đáng là một ông vua dựng được nghiệp lớn nhất thời Chiến Quốc: Đã hồ đồ nghe lời Hàn Phi, rồi lại dễ dàng bị Diệu Cổ thuyết phục, giết Hàn Phi một cách vô lý. Sự thực, Hàn có thể bị Lý Tư (và có lẽ cả Diệu Cổ nữa) gièm pha, nhưng chết vì một lý do khác hẳn.

Chiến Quốc sách chỉ chép mỗi truyện đó về Hàn Phi. Bộ Hàn Phi Tử cho ta được nhiều tài liệu hơn: năm thiên hết thảy.

Thiên I - Sơ kiến Tần, mà nhiều tác giả chú giải là bài biểu Hàn Phi dâng vua Tần trong lần hội kiến đầu tiên, nhưng họ không cho ta biết việc xảy ra năm nào. Đại ý bài đó bảo Tần đừng sợ lục quốc (Triệu, Yên, Ngụy, Kinh "Sở", Tề, Hàn) hợp tung đánh Tần vì kho lẫm của họ trống rỗng mà sỹ tốt của họ sợ chết, nên họ sẽ thua. Còn Tần có điều kiện để làm bá chủ, sở dĩ chưa thôn tính được thiên hạ vì mưu thần bất tài, bất trung (Hàn dẫn chứng Tần vì lầm lẫn mà ba lần để lỡ cơ hội làm bá).

Cuối cùng, Hàn kết: "Thần không sợ chết, xin yết kiến đại vương để bàn về cách phá thế hợp tung của các nước trong thiên hạ, thắng Triệu, diệt Hàn1 bắt Kinh, Ngụy phải thần phục, bắt Tề, Yên phải kết thân với mình, để thành cái danh bá vương. Xin đại vương thử nghe thuyết của thần, một lần ra quân mà quân trong thiên hạ không bị phá (…) danh bá vương không thành, chư hầu bốn phương không thần phục thì xin đại vương chém đầu thần đi để mọi người trong nước biết rằng thần mưu tính mà không trung thành với chúa".

Có ba lí do để nghi ngờ bài đó không phải của Hàn Phi:

- Không có một sách nào khác chép truyện đó cả, trước sau Hàn Phi chỉ đi sứ Tần có một lần để dâng vua Tần bài biểu Tồn Hàn (coi phần dưới) thôi.

- Giọng bài đó cũng là giọng bọn biện sĩ như Tô Tần, Trương Nghi, chứ không phải giọng một tư tưởng gia về chính trị như Hàn. Có người ngờ là của Thái Trạch (người nước Thái, lấy tên nước làm tên họ, làm tể tướng Tần Chiêu vương sau khi Phạm Tuy từ chức); nhưng Chiến Quốc sách cho là của Trương Nghi thuyết Tần Huệ Vương. Bài trong Chiến Quốc sách (Tần sách I.5) y hệt bài trong Hàn Phi tử, chưa rõ bộ chép bộ nào.

- Tư tưởng của Hàn Phi trong bài đó, tức thiên 1- Sơ kiến Tần trái ngược hẳn với thiên 2 - Tồn Hàn. Trong Sơ kiến Tần Hàn Phi nguyện giúp Tần diệt lục quốc, trong đó có nước Hàn, tổ quốc của Hàn Phi. Trong Tồn Hàn, trái lại Hàn Phi cố thuyết phục Tần Thủy Hoàng duy trì nước Hàn:

Lúc đó Triệu và Tần xích mích với nhau, Tần muốn chiếm Hàn trước vì Hàn nằm giữa Tần và Triệu. Hàn Phi khuyên đừng đánh Hàn vì Hàn từ trước vẫn cống nộp và thi hành mệnh lệnh của Tần, chưa chắc đã diệt ngay được, Hàn sẽ cố thủ; trong khi đó Ngụy, Triệu sẽ hướng về Tề, khối hợp tung sẽ mạnh mà Tần sẽ nguy:

"Hàn vốn là một nước nhỏ, phải chống cự sự công kích ở bốn phía, chúa nhục, tôi khổ, trên dưới cùng lo lắng với nhau từ lâu rồi, cho nên phòng bị kỹ, đề phòng kẻ địch mạnh, tích trữ lương thực, xây đắp hào lũy để cố thủ. (Như vậy) Tần mà đánh Hàn thì một năm chưa chắc đã diệt được, còn nếu như chỉ chiếm được một thành rồi rút lui thì quyền uy của Tần sẽ bị thiên hạ coi thường, mà thiên hạ sẽ bẻ gẫy binh của ta, (vì) Hàn mà phản (chống) Tần thì Ngụy sẽ hưởng ứng, Triệu sẽ dựa vào Tề, được Tề hậu viện. Như vậy Hàn, Ngụy thêm sẽ cho Triệu, mượn cái phúc của Triệu, cái họa của Tần"

Vì vậy tốt hơn, Tần nên giao hảo với Kinh (Sở), Ngụy, rồi đánh Triệu, thắng được Triệu, Tề rồi thì tự nhiên Hàn, Ngụy, Kinh đều qui phục Tần: "Theo kế ngu của thần thì nên (một mặt) sai người đi sứ Kinh, dùng lễ hậu mua chuộc các bề tôi có trọng trách, trình bày cho họ thấy Triệu đã khinh nhau (hay gạt) Tần ra sao; mặt khác trao đổi con tin với Ngụy cho Ngụy an tâm, rồi đốc suất quân của Hàn để đánh Triệu 2, dù Triệu có liên kết với Tề cũng không đáng lo. Dẹp xong hai nước đó (Triệu, Tề) rồi, chỉ cần gởi một bức thư là định được nước Hàn. Như vậy là nhất cử mà hai nước bị suy vong, lại thêm Kinh, Ngụy cũng tự qui phục ta"

Đoạn trên, Hàn Phi giữ được tư cách một sứ giả, đề cao tinh thần đoàn kết quyết tâm cố thủ của vua tôi Hàn; đoạn dưới lí luận vững nên Tần thủy Hoàng có vẻ xiêu, nhưng còn do dự.

Thiên Tồn Hàn đó có học giả cũng ngờ không phải của Hàn Phi, vì giọng cũng hơi có giọng biện sĩ nhưng sự việc kể trong thiên thì chắc đúng, vì hợp với Sử kí của Tư mã Thiên (coi đoạn sau)

- Thiên 3 - Nan ngôn, nhiều nhà chú giải cũng cho là một bài biểu của Hàn Phi vì mở đầu "Thần là Phi, không phải là khó nói….." mà tư tưởng cũng hợp với Hàn Phi (so sánh thiên đó với thiên XII Thuế Nan), nhưng không học giả nào biết được bài biểu đó dâng vua nào, nên chúng tôi không thể dùng để viết tiểu sử của Hàn được.

- Thiên 19 Sức tà - Bài này cũng có giọng một bài biểu, các nhà chú giải cho là Hàn Phi viết để dâng vua Hàn, khuyên đừng nên tin dị đoan, đừng nên trông cậy vào nước lớn, chỉ nên tin ở chính mình thôi, và muốn nước mạnh thì vua phải sáng suốt trong việc thưởng, nghiêm khắc trong việc phạt, thưởng và phạt không được quá đáng mà cũng không được bất cập.

Những tư tưởng đó đúng là của Hàn Phi, nên chúng ta có thể tạm tin được.

Sau cùng Thiên XLII Vấn điền có chép một đoạn Hàn Phi trả lời Đường Khê công, một mưu thần của nước Hàn.

Đường Khê công cảnh cáo Hàn Phi rằng lập ra pháp luật và thuật thì sẽ nguy cho thân như Ngô Khởi và Thương Ưởng. Hàn đáp rằng mình vẫn biết vậy nhưng đặt ra pháp luật là việc lợi cho dân, cho nên mình cứ làm, dù có gặp bề trên hôn ám, không hiểu mình mà bị tai họa ra sao thì cũng chịu, như vậy mới đáng là bậc nhân, trí.

Đoạn đó rõ ràng là của người sau viết và không đáng tin, vì theo một học giả Trung Hoa hiện đại, Trần Thiên Quân, thì Đường Khê Công lớn hơn Hàn Phi khoảng bảy chục tuổi, khó có thể nói chuyện với Hàn Phi như vậy được. (Coi Léon Vadermeersch - sách đã dẫn trang 58- 59) Tóm lại những tài liệu trong Hàn Phi tử chỉ có hai điểm này là có thể tin được:

- Hàn Phi muốn cho nước Hàn mạnh, khuyên vua Hàn nên trọng pháp luật, đừng tin dị đoan, đừng trông cậy nước lớn.

- Hàn Phi ráng thuyết phục Tần Thủy Hoàng bảo tồn nước Hàn.

Chung qui, tài liệu giúp chúng ta được nhiều nhất vẫn là Sử kí của Tư mã Thiên. Trong Sử kí có ba thiên nhắc tới Hàn Phi:

- Thiên 63: Lão tử, Trang tử, Thân Bất Hại, Hàn Phi trong phần Liệt truyện.

- Thiên 6: Tần Thủy Hoàng trong phần Bản kỉ.

- Thiên 45: Hàn trong phần Thế gia.

Thiên 63, Tư mã Thiên viết:

"Hàn Phi là một công tử 3 của nước Hàn, thích cái học về hình danh, pháp, thuật, nhưng gốc là cái học của Hoàng đế, Lão tử.

Ông vốn cà lăm, nói không hay nhưng viết hay. Ông cùng với Lý Tư theo học Tuân Khanh; Lý Tư tự xét không bằng ông. Ông thấy nước Hàn mất đất, suy nhược, mấy lần dâng thư can gián vua Hàn 4, nhưng vua Hàn không biết dùng ông, nên ông bực mình rằng nhà vua trị nước không lo sửa chữa, làm sáng tỏ pháp chế, không nắm lấy cái thế để chế ngự bề tôi, làm cho nước nước giàu binh mạnh, không tìm hiền tài giao cho chức vụ mà trái lại, cất nhắc bọn sâu mọt bậy bạ, trọng dụng chúng hơn hạng người thật có lòng. Ông cho rằng bọn Nho sĩ dùng văn làm loạn pháp luật, còn bọn hiệp sĩ dùng võ mà phạm cấm lệnh. Thời thong thả (bình an), nhà vua quí hạng người có danh tiếng (hão), đến khi cấp bách thì lại dùng kẻ sĩ mang áo giáp, đội mũ trụ (nón trận), như vậy kẻ dùng được không nuôi mà kẻ được nuôi lại không dùng được. Ông buồn vì nỗi kẻ liêm khiết ngay thẳng là nạn nhân của bọn bề tôi gian tà, cong queo, xét các biến cố nên hay hỏng trong thời trước, mà viết các thiên Cô phẫn, Ngũ đố, Nội, ngoại trừ, Thuế nan….gồm trên mười vạn chữ.

"Có người đem sách của ông đến nước Tần, vua Tần 5 đọc các thiên Cô phẫn và Ngũ đố, bảo: "A, nếu quả nhân được gặp người này, giao du với ông ta thì chết cũng không hận!" Lý Tư tâu rằng tác giả những thiên đó là Hàn Phi.

Lúc đó Tần đương đánh nước Hàn. Vua Hàn trước kia không dùng Hàn Phi, bây giờ lâm nguy mới sai Hàn Phi đi sứ Tần. Vua Tần thích ông nhưng chưa tin dùng thì Lý Tư và có lẽ Diêu Cổ muốn hại ông, gièm pha ông với vua Tần rằng: "Phi là công tử nước Hàn. Nay nhà vua muốn kiêm tính chư hầu; rốt cuộc Phi tất vị Hàn chứ không vị Tần đâu, nhân tình như vậy. Nhà vua không dùng hắn, giữ hắn lâu ở đây rồi cho về Hàn thì là tự chuốc lấy họa vào mình. Sao bằng buộc tội hắn rồi giết đi." Vua Tần cho là phải, xử tội Hàn Phi. Lý Tư sai người đem thuốc độc cho Hàn Phi, bảo nên sớm tự xử, Hàn Phi muốn trần tình, xin yết kiến vua Tần mà không được. Sau vua Tần ăn năn, sai người tha cho Hàn Phi thì Hàn Phi đã chết.

"Nguyên nhân cái chết của Hàn Phi ở đây đáng tin hơn trong Chiến Quốc sách, hợp với thiên Tồn Hàn trong Hàn Phi Tử. Hàn Phi được nhà vua Hàn Vương An phái qua thuyết phục Tần Thủy Hoàng nên tồn Hàn, nhưng Hàn Phi thất bại, bị vua Tần nghi ngờ mà chết oan.

Thiên 6: Trong phần Bản kỉ cho ta biết thêm: năm thứ 10 đời Tần Thủy Hoàng, Lí Tư bàn với vua Tần chiếm Hàn trước cho các nước khác sợ. Vua Tần bèn phái Lí Tư qua Hàn để thuyết phục vua Hàn thần phục Tần. Vua Hàn cảm thấy Tần muốn thôn tính mình, bàn với Hàn Phi về cách làm cho Tần yếu đi. Bốn năm sau, tức năm 14, Hàn Phi được phái qua Tần thuyết phục vua Tần tồn Hàn, nhưng vua Tần nghe lời Lí Tư 6, muốn chiếm Hàn, nên giữ Hàn Phi lại và Hàn Phi chết ở Vân Dương. Năm 17, Tần chiếm Hàn, đổi thành quận Dĩnh Xuyên.

Sau cùng, thiên 45, phần thế gia Tư Mã Thiên chép:

Năm thứ 5 đời (Hàn) Vương An: Tần đánh Hàn, Hàn lâm nguy, phái Hàn Phi qua Tần, nhưng Tần giữ Hàn Phi lại xử tử.

Năm thứ 9 đời Vương An, Tần bắt sống được Vương An, chiếm hết nước Hàn, đổi thành quận Dĩnh Xuyên. Hàn bị diệt.

Vậy Tư Mã Thiên ghi rõ Hàn Phi chết năm thứ 14 đời Tần Thủy Hoàng tức năm thứ 5 đời Hàn Vương An, Tây lịch là - 234 và bốn năm sau, tức năm - 230 Hàn bị diệt.

Tất cả các tài liệu chúng tôi kiếm được đời Hàn Phi chỉ có bấy nhiêu. Tóm lại, chúng ta có thể tin được những điều dưới đây:

Hàn Phi là một công tử nước Hàn, học rộng, biết cả đạo Nho (vì là môn đệ của Tuân Tử), đạo Lão, nhưng thích nhất học thuyết của các Pháp gia, có nhiều tư tưởng mới về chính trị, được Lí Tư phục là giỏi. Ông ở trong giai cấp quí tộc nhưng có tinh thần tiến bộ, trọng kẻ sĩ giỏi pháp thuật (tức bọn tân địa chủ), chê bọn "trọng nhân" (quí tộc) là cổ hủ, vô dụng.

Ông có tinh thần ái quốc cao. Nước Hàn nhờ Thân Bất Hại mà được yên ổn mười lăm năm. Từ khi Thân chết, nước Hàn lại rất suy nhược. Đất hẹp, không được ngàn dặm mà ở vào một vị trí nguy hiểm, tại ngay cửa ngõ của Tần. Khi Tần mạnh lên, muốn thôn tính chư hầu, Hàn thành ra cái đích của các chư hầu nhắm vào. Thờ Tần không được, sẽ bị Tần nuốt; mà chống Tần thì không đủ sức. Hợp tung hay liên doanh thì Hàn ở địa đầu, bao giờ cũng bị tai họa trước nhất. Cho nên trong thiên Ngũ đố (coi phần trích dịch), Hàn Phi rất ghét bọn du thuyết dùng miệng lưỡi ngoại giao nay liên kết với nước này, mai liên kết với nước khác, chỉ nghĩ đến lợi của họ mà không nghĩ đến cái lợi nước. Theo ông muốn cho nước mạnh, thì phải dùng thuật và pháp, cải tổ lại nội chính, đừng trông cậy vào ngoại giao. Chắc ông đã nhiều lần đề nghị với vua Hàn như vậy mà vua không nghe, nên ông buồn rầu. Thiên Cô phẫn (coi phần dịch) của ông có lẽ viết vào lúc ông không được dùng ở Hàn, chứ không phải trong khi bị giam ở Tần.

Mãi tới khi Hàn lâm nguy, sắp bị Tần thôn tính, Vương An mới phái ông đi sứ qua Tần để thuyết phục Tần Thủy Hoàng bảo tồn Hàn, nhưng Tần Thủy Hoàng không nghe lời ông mà nghe lời Lí Tư, ngờ ông không thực tình mà chỉ làm lợi cho Hàn thôi nên giết ông năm -234. Có sách chép là đầu năm - 233. Chúng tôi dùng năm này. Ba năm sau Vương An bị bắt sống, tổ quốc ông bị diệt.

Năm tử của ông không còn gì nghi ngờ cả. Còn năm sinh thì Tư Mã Thiên không cho ta biết, nhưng các học giả gần đây, chẳng hạn Tiền Mục dựa vào các giả thuyết này: Hàn Phi và Lí Tư cùng học chung một thầy là Tuân tử, tuổi chắc xấp xỉ nhau; rồi đoán rằng Lí Tư khi tới Tần, ít nhất cũng khoảng ba chục tuổi, ở Tần khoảng bốn chục năm rồi mới bị Nhị thế Hoàng đế (Hồ Hợi) giết năm - 208; như vậy Lí Tư phải sinh vào khoảng bảy chục năm trước, tức khoảng - 280, mà Hàn Phi cũng vậy.

Các sách chúng tôi có đều theo thuyết đó, nhưng chúng ta nên nhớ rằng niên đại - 280 chỉ là phỏng chừng, có thể là sai mười năm.

Có người đọc tiểu sử Hàn Phi trong Sử kí đưa ra nghi vấn này: Lí Tư vốn là con người thủ đoạn, biết Hàn Phi giỏi hơn mình, tất ghen tài Hàn Phi, tại sao lại giới thiệu Hàn với vua Tần khi mà vua Tần khen các thiên Cô phẫn và Ngũ đố của Hàn? Mà đã giới thiệu rồi, tại sao sau lại gièm pha bạn bị xử tử? Rốt cuộc là Hàn chết vì yêu nước hay vì bị gièm pha? Chúng tôi nghĩ rằng có thể vì cả hai: Lí Tư có thể vô tình, buột miệng ra mà bảo tác giả là Hàn Phi, không ngờ rằng sau Hàn Phi đi sứ qua Tần, mà vua Tần được gặp rồi thích; rồi tới khi Hàn Phi thuyết phục vua Tần duy trì Hàn, trái với chủ trương của Lí Tư thì tất nhiên phải bác, gièm pha Hàn là tô điểm lời nói để che đậy mưu gian, vì nếu vua Tần nghe mà Tần và Hàn thân thiết với nhau thì lợi cho Hàn, nhất là cho Phi vì Phi sẽ được trọng dụng.

Nhưng truyện vua Tần thích văn của Hàn Phi tới nỗi than rằng được gặp thì chết cũng không hận, có đáng tin không đã? Chúng tôi ngờ rằng chỉ là một giai thoại cho vui thôi, vì Tư Mã Thiên đã mâu thuẫn với chính ông. Trong tiểu sử Hàn Phi đó, ông bảo vua Tần đọc hai thiên Cô phẫn và Ngũ đố trước khi gặp Hàn Phi; rồi cuối bộ Sử kí, trong thiên 130 Thái sử công, tự ông lại bảo "Hàn Phi bị giam ở Tần nên mới viết hai thiên Thuế Nan và Cô Phẫn". Vậy thì thiên Cô Phẫn viết lúc nào? Trước khi Hàn Phi qua Tần hay khi Hàn Phi (chỗ này chắc sắp chữ thiếu) chỉ là một giai thoại, như vậy cái chết của Hàn Phi rất dễ hiểu: Lí Tư sợ thuyết của Hàn Phi làm trở ngại chủ trương của mình nên mới tìm cách hại Hàn Phi, và Hàn Phi chết vì có tài bênh vực cho tổ quốc.

Tinh thần ái quốc của Hàn Phi thật đáng khen, chúng tôi đã có lần nói (trong Chiến Quốc sách) rằng quan niệm quốc gia của người Trung Hoa thời Xuân thu và Chiến quốc không như quan niệm của chúng ta ngày nay. Thời đó tuy Trung Hoa chia làm nhiều nước, phong tục, ngôn ngữ, y phục một số nước ở phương Bắc (như Yên, Triệu) rất khác một số nước ở phương Nam (như Sở, Việt), một số nước ở phương Đông (như Tề, Lỗ) cũng rất khác một nước ở phương Tây (như Tần) nhưng hết thẩy đều tôn nhà Chu là thiên tử, tự mình cùng là chư hầu cả - ít nhất trên danh nghĩa và cho tới giữa đời Chiến quốc -vì vậy một triết gia hay một kẻ sĩ ở này, không được vua mình trọng dụng vẫn thường đi nước khác tìm một "minh quân" để thờ, coi mọi người trong "thiên hạ" là dân của nhà Chu 7 đều là anh em với nhau cả; Khổng Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử…..đều như vậy hết, nói gì tới Tô Tần, Trương Nghi, Thái Trạch…….

Đọc Hàn Phi Tử, chúng ta thấy Hàn có một lí tưởng rõ rệt: giúp các ông vua làm cho nước phú cường lên mà hết loạn. Suốt đời ông hoài bão lí tưởng đó, nhiệt tâm với nó tới nỗi biết rằng mình nói ra không ai nghe, sẽ bị cô lập vì mình phải "chọi lại ý của chúa", chống lại bọn "bề tôi gian tà", "chỉ có một miệng mà muốn tranh với cả nước (Cô Phẫn); hơn nữa, có thể nguy tới tính mạng vì người ta có thể vu oan cho tội lỗi rồi dùng phép công để giết, nếu không thì sẽ tìm cách ám sát, nghĩa là có thể chịu cảnh của Ngô Khởi, tướng quốc của Sở Điệu vương - bị giết và chặt tay chân, hoặc cảnh Thương Ưởng - tướng quốc của Tần Hiếu công - bị xé xác, nhưng ông vẫn giữ lí tưởng, không sợ chết mà chỉ hận rằng không gặp được một bực vua chúa biết nghe như Sở Điệu vương, như Tần Hiếu công để ông được chết như Ngô khởi và Thương Ưởng sau khi làm sáng tỏ pháp luật và thuật của ông (Hòa Thị). Tác giả thiên Vấn điền hiểu tâm sự đó của ông, nên đã cho ông trả lởi Điền Khê công như trên chúng tôi đã tóm tắt.

Bây giờ xét lại đời ông, chúng ta thấy ông sinh vào khoảng - 280 thì

- Năm đó tướng Tần là Bạch Khởi đánh Triệu,

- Năm - 260 (Hàn Phi mới vào khoảng hai chục tuổi), Bạch Khởi lại thắng Triệu, chôn sống bốn chục vạn quân Triệu đã đầu hàng.

- Bốn năm sau, năm - 256, Tần vô Chu, Chu phải dâng hết đất cho Tần.

Vậy khi Hàn Phi dựng được học thuyết của ông về chính trị rồi (trên dưới ba chục tuổi) thì ông tất thấy rõ rằng trong thất hùng, Tần mạnh nhất, chỉ có Tần mới thống nhất được Trung Quốc và thời cơ gấp lắm rồi, muốn thực hiện lí tưởng của ông thì phải về với Tần. Thời đó, như chúng tôi đã dẫn chứng, bỏ tổ quốc mà thờ nước khác là chuyện bình thường. Chính Lí Tư bạn học của ông, người nước Sở mà cũng thờ Tần, và chẳng ai trách cả. Vậy mà ông không bỏ Hàn qua Tần, mặc dầu ông không được trọng dụng ở Hàn, lại biết Hàn rất suy nhược - tới Triệu và Sở kia, lớn gấp mấy Hàn mà không chống nổi Tần - thì sớm muộn gì cũng bị Tần thôn tính. Ông trung với Hàn tới phút chót, tới khi vua Hàn phái ông qua Tần thuyết phục Tần đừng diệt Hàn, ông vẫn làm tròn sứ mạng của ông, khiến Lí Tư phải nhận rằng lời văn, giọng biện thuyết của ông thật tài, có sức mê hoặc mạnh mẽ. Và chính vì vậy mà ông bị giết! Cho nên Vương Sung đời Hán tiếc rằng vua Hàn đã không nghe lời ông nên mới mất nước và gần đây Trần Khải Thiên bảo ông bị Lí Tư hại mà thực ra là ông hi sinh cho tổ quốc.

Thật chua xót cho ông. Thà gặp được một ông vua biết nghe mình, thực hiện một phần lý tưởng của mình rồi bị giết như Ngô Khởi, Thương Ưởng thì ông cũng cam tâm, đằng này, chỉ vì một ông vua tầm thường, không chịu nghe lời ông, ông phải chết oan uổng mà không ích gì cho tổ quốc cả: ba năm sau khi ông mất, nước Hàn bị Tần tiêu diệt.

Lòng ái quốc của ông ngang với Khuất Nguyên mà còn có kẻ còn căn cứ vào bài biểu Sơ kiến Tần không một chút gì đáng tin để trách ông là rước voi về giày mồ nữa! Nhưng thốn tâm của ông đã được lưu lại thiên cổ trong hai thiên Cô Phẫn và Thuế nan mà từ Tư Mã Thiên đến nay ai cũng nhận là bất hủ.

Lời này của ông ở cuối thiên Nan ngôn: "Dù là hiền thánh cũng không tránh được chết chóc và lăng nhục (...) chỉ vì bọn ngu khó thuyết phục được" là một lời chua xót hơn là một lời tự phụ.

--------------------------------
1Chúng tôi nhấn mạnh.
2Vì Hàn đã tự coi là một quận huyện của Tần.
3Tức con trai thứ của một vua chư hầu: con trưởng là thái tử hay thế tử.
4Hàn Vương An.
5Tần Thủy Hoàng.
6Trong thiên II Hàn Phi tử sau bài Tồn Hàn của Hàn Phi, cá nhân bài biểu của Lí Tư khuyên vua Tần đừng nghe lời Hàn Phi vì Hàn Phi chỉ muốn mưu lợi cho nước Hàn thôi, mà nên tấn công ngay Hàn đi.
7Cho nên dân khi muốn ở trong nước mình nữa vì vua tàn bạo hay vì chiến tranh liên miên thì chạy qua một nước khác mà ông vua nào cũng muốn dân các nước khác về với mình: dân có đông nước mới mạnh.

NIÊN BIỂU HÀN PHI

Hàn Phi Tử. Phần I - Chương 2 CÁC PHÁP GIA TRƯỚC HÀN PHI


Chương 2

CÁC PHÁP GIA TRƯỚC HÀN PHI

Chiến Quốc là một thời đại đặc biệt chẳng những trong lịch sử Trung Hoa mà cả trong lịch sử nhân loại nữa. Đọc lịch sử thế giới thời thượng cổ và trung cổ, chúng tôi không thấy một dân tộc nào có một chương sử như vậy: đất đai rộng chia làm thành nhiều nước nhỏ, dân đông mà loạn lạc liên miên trong ba thế kỷ, càng loạn, dân tình càng khổ, mà nhà nào cũng chỉ nghĩ cứu dân ra khỏi cảnh lầm than, thống nhất quốc gia bằng cách này hay cách khác, tích cực có, tiêu cực có, một cảnh "trăm hoa đua nở", trong hai ngàn năm sau không hề tái hiện nữa.

Lâm Tri, kinh đô nước Tề, có thể coi là kinh đô văn hoá của Trung Hoa thời đó, nơi tụ tập của các danh sỹ bậc nhất. Tư tưởng được hoàn toàn tự do, mà vua Tề trọng đãi mọi nhà, cho họ ở trong những dinh thự lộng lẫy ở Tắc môn, cửa tây kinh đô (do đó có tên là Tắc Hạ tiên sinh), tặng họ chức tước (liệt đại phu) và lương bổng rất hậu, chỉ để thỉnh thoảng hỏi ý kiến họ về việc nước, hoặc mới họ về triều giảng đạo lý, viết sách truyền bá đạo của họ. Riêng Mạnh Tử, thời Tề Tuyên Vương cũng đã dắt mấy trăm môn sinh với một đoàn xe mấy chục chiếc lại ở kinh đô Tề trong mấy năm; Thuần Vu Khôn, Thận Đáo, Hoàn Uyển, Điền Biền..., còn biết bao triết gia khác cũng đã qua đó: như vậy ta đủ tưởng tượng được sự thịnh vượng của văn hoá ra sao.

Tề là nước giầu nhất thời đó, có thể nuôi hàng ngàn hàng vạn kẻ sỹ; ngay nước Tấn là nước không giàu bao nhiêu, mà cũng là nơi trọng đãi kẻ sỹ, đa số là pháp gia. Theo Léon Vandermeersch 1 thì Tử Sản, Đặng Tích, Lý Khắc, Ngô Khởi, Thương Ưởng, Thân Bất Hại đều có thời sống ở Tấn hoặc những nước chịu ảnh hưởng Tấn.

Sau cùng tới đời Tần Thủy Hoàng, Hàm Dương là kinh đô văn hoá cũng(?) Trung Hoa đã thống nhất. Lã Bất Vi tập hợp các học giả danh tiếng đương thời, cấp dưỡng cho họ để họ soạn chung bộ Lã Thị Xuân Thu, gồm 26 quyển, chép lại Nho thuật và tư tưởng của Đạo gia, Mặc gia, Âm dương gia.

Người ta thường gọi thời Chiến Quốc là thời của Bách gia (trăm nhà) chư tử, lời đó không quá đáng.

Trong Chiến Quốc sách, trang 17 - 19, chúng tôi đã sắp xếp tư tưởng của những triết gia muốn vãn hồi trật tự cho Trung Hoa thời đó thành hai chủ trương.

"Một chủ trương muốn giữ lại chế độ cũ, chế độ phong kiến, tăng uy quyền cho thiên tử, bắt các chư hầu phải phục tòng;

"Một chủ trương đạp đổ chế độ cũ vì biết rằng nó không tồn tại bao lâu nữa, mà lập một chế độ mới.

"Theo chủ trương thứ nhất có Nho gia và Mặc Gia. Mới đầu Khổng Tử muốn cứu vãn nhà Chu. Rồi sau, Mặc Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử thấy nhà Chu suy quá, không thể cứu được, mong có vị minh quân thay thế nhà Chu để thống nhất Trung Hoa mà thi hành chế độ cũ sau khi sửa đổi ít nhiều. Rõ nhất là chủ trương của Mạnh Tử. Một lần Lương Tương vương hỏi ông: "Khi nào thiên hạ yên định được?" Ông đáp: "Khi nào thống nhất thiên hạ thì yên định được...và ai không thích giết người thì thống nhất được... Hiện nay trong thiên hạ chẳng có bậc chăn dân nào mà chẳng ham giết người. Nếu có một vị vua có lòng nhân, chẳng ham giết người hại chúng thì mọi người trong thiên hạ sẽ quay đầu ngóng cổ trông về vị ấy" (Lương Huệ vương, thượng - 6). Nghĩa là ông không tin gì nhà Chu nữa, muốn gặp bất kỳ ông vua nào biết theo đạo của ông - biết dùng nhân nghĩa trị dân - để ông phò tá thống nhất thiên hạ.

"Theo chủ trương thứ nhì, có Đạo gia và Pháp gia. Đạo gia muốn dùng chính sách phóng nhiệm, giảm thiểu chính quyền, cứ theo tự nhiên như thời sơ khai; họ tin rằng khi không còn giai cấp thì sẽ hết loạn, chẳng cần thống nhất cũng như thống nhất. Như vậy phái này đả đảo một cái cựu (chế độ phong kiến) để trở về một cái cựu hơn (xã hội nguyên thủy).

"Pháp gia trái lại, không muốn trở về cái cựu, mà muốn tiến tới một chế độ mới; họ muốn dùng chính sách độc tài, dùng vũ lực lật đổ chế độ phong kiến mà lập một chế độ quân chủ chuyên chế. Họ cho đạo "Vô Vi" 2 của Lão, Trang là hoang đường, họ muốn cực "hữu vi"; họ lại nghĩ rằng "vương đạo" của Khổng, Mạnh, chỉ làm quốc gia thêm loạn, nên họ chủ trương "bá đạo".

Trong cuốn này viết về Hàn Phi, người tập đại thành tư tưởng của các pháp gia thời Xuân Thu và thời Chiến Quốc, chúng tôi đứng về một khía cạnh khác mà chia lại, cũng làm hai chủ trương:

1- Chủ trương lý tưởng, trọng đạo đức của Nho (Khổng, Mạnh, Tuân) Mặc, Dương, Lão, Trang.

2 - Chủ trương thực tế, trọng quyền lực của Pháp gia, như Quản Trọng, Thận Đáo, Thân Bất Bại, Thương Ưởng, Hàn Phi...

Phái trên hoàn toàn là những triết gia bàn về chính trị; phái dưới gọi là triết gia cũng được, nhưng thực sự họ là chính trị gia hơn triết gia. Phái trên có công với triết học, đạo đức, với sự đào tạo tâm hồn dân tộc Trung Hoa nhưng hoàn toàn thất bại về chính trị (Khổng được cầm quyền ở Lỗ không lâu; Mạnh chỉ làm khách khanh ở Tề, Lương, Đằng; Tuân chỉ làm một viên huyện lệnh; Mặc bôn ba khắp chư hầu mà không ai theo học thuyết của ông 3, còn Dương, Lão, Trang thì lánh đời).

Phái dưới trái lại, đã hoàn toàn thành công thống nhất được Trung Hoa, lập được chế độ quân chủ chuyên chế nhờ họ:

- Không ngăn cản sự biến chuyển của giòng lịch sử mà còn thúc đẩy nó tiến mau hơn.

- Trọng thực tế, không bàn suông, chỉ nhắm kết quả ngắn hạn, tách rời chính trị và đạo đức 4

Đời sau có nhiều người không phục họ vì họ không đứng về quan niệm của dân, mà đứng về quan niệm của vua (của quốc gia); nhưng chính sách của họ từ Tần, Hán trở đi không thời nào nhà cầm quyền không theo, sau khi dung hoà nó ít nhiều với chính sách của Nho gia

Trong chương này chúng tôi xét sơ lược sự tiến triển của học thuyết Pháp gia trong thời Xuân Thu và Chiến Quốc, tức tư tưởng của một số Pháp gia quan trọng để độc giả nhận được uyên nguyên của học thuyết Hàn Phi.

QUẢN TRỌNG

Người mở đường cho các Pháp gia là Quản Trọng. Không ai biết ông sinh năm nào, chỉ biết ông làm tướng quốc cho Tề Hoàn công từ năm - 685 đến năm - 645, năm ông mất.

Thời đó Tề Tương công hoang dâm vô độ, bị một công tôn là Vô Tri giết, nước Tề loạn. Hai vị công tử có tư cách nối ngôi là công tử Củ và công tử Tiểu Bạch. Bão Thúc Nha là đại phu nước Tề đem Tiểu Bạch chạy sang nước Cử lánh nạn, còn Quản Trọng đưa công tử Củ sang Lỗ.

Quản Trọng tên là Di Ngô người đất Dĩnh Thượng (Tề), sinh trong giới bình dân, nhưng có học, nhà nghèo, phải đi buôn dầu, hồi trẻ chơi thân với Bão Thúc Nha. Hai người hẹn với nhau sau hễ ai thành công thì giúp đỡ người kia. Năm - 648, Vô Tri bị một đại phu giết, nước Tề không có vua, Bão Thúc mượn quân đội của Cử đưa Tiểu Bạch về; Lỗ cũng đưa công tử Củ với Quản Trọng về. Tiểu Bạch về trước, có thì giờ sắp đặt để đối phó với Lỗ, Lỗ thua, công tử Củ chết, Quản Trọng bị cầm tù để trả về Tề. Tiểu Bạch lên ngôi, tức Tề Hoàn công. Bão Thúc biết tài Quản Trọng, chẳng những thuyết phục được Hoàn công tha rồi trọng dụng Quản Trọng, mà còn tự đặt dưới quyền Quản Trọng nữa.

Hoàn công phong Quản Trọng làm tướng quốc, trọng ông như cha chú, nên gọi ông là Trọng phụ (cũng như thúc phụ). Hoàn công là một ông vua rất tầm thường hiếu sắc, thích ăn ngon, ưa nịnh, chỉ nhờ biết tin dùng Quản Trọng trong 40 năm liên tiếp, mọi việc trong nước đều giao phó cho ông hết, mà nước Tề đương suy hóa thịnh, thành bá chủ các nước chư hầu. Quản Trọng chết rồi, Tề lại suy liền vì Hoàn Công không nghe lời Quản Trọng, dùng bọn tiểu nhân Dịch Nha, Thụ Điêu..., và hai năm sau bị bọn này nhốt, bắt nhịn đói, chết, thây thành dòi mà không được chôn.

Đời sau truyền lại bộ Quản Tử (gồm 86 thiên, mất 10 thiên) chép thành tích chính trị, tư tưởng cùng pháp chế của Quản Trọng. Tư Mã Thiên, trong Sử ký bảo đã đọc những thiên Mục dân, Sơn cao, Thừa mã, Khinh trọng, Cử phụ của Quản Trọng, lại bảo bộ đó nhiều người có; Hàn Phi cũng bảo trong dân gian nhiều nhà có bộ đó, vậy ta có thể tin rằng nó đã xuất hiện trễ lắm vào cuối đời Chiến Quốc. Nhưng hết thảy các học giả đời sau đều nhận rằng nó không phải của Quản Trọng soạn, mà của người đời Chiến Quốc viết vì trong bộ đó có nhiều đoạn trùng nhau, nhiều chữ mâu thuẫn, nhiều tư tưởng y hệt học thuyết Pháp gia đời sau. Tuy nhiên nó cũng chứa một phần di thuyết của Quản Trọng, và dưới đây là những điều chúng ta có thể gần tin được, sau khi tham khảo một số sách khác như Sử ký, Trung Quốc cổ đại chính trị gia, Trung Quốc chính trị tư tưởng sử...

1/ Chủ trương của Quản Trọng là "lời bàn luận không cao xa mà dễ thi hành (luận ti nhi dị hành), nghĩa là ông có óc thực tế, không bàn chuyện viễn vông, tránh những lý thuyết cao siêu (như Mặc tử, Lão, Trang sau này).

2/ Mục đích trị nước theo ông là làm sao cho quốc phú, binh cường. Ông chú trọng nhất đến sự phú quốc vì "kho lẫm đầy rồi mới biết lễ tiết, y thực đủ rồi mới biết vinh nhục".

Thời đó là Xuân Thu, Tề cũng như mọi nước khác trọng nông nghiệp hơn hết. Nhưng Tề tương đối hẹp hơn các nước khác, mà lại ở gần biển và có nhiều mỏ, nên ông khuyến khích sự khai thác mỏ để đúc tiền, nấu nước biển làm muối. Muối sản xuất được nhiều, chở đi bán các nước khác ở xa bờ biển, thành một mối lợi lớn, nhờ vậy mà Tề mau giàu.

Ông lại biết lưu thông hoá vật , thu mua hàng hóa trong thiên hạ để một chỗ, đợi dịp giá cao bán lấy lãi, lập ra 300 nhà nữ lư (tức như thanh lâu) cho khách buôn đi lại tụ họp, để thu thuế. Như vậy ông đề xướng ra hai cải cách: coi công và thương cũng quan trọng ngang nông nghiệp, nếu không hơn, và quốc hữu hoá một số nguồn lợi trong nước.

3/ Muốn cho binh cường, ông có sáng kiến "ngụ binh ư nông" (gởi việc binh vào nghề nông ), thời bình dân làm ruộng, những lúc rảnh rỗi thì luyện võ bị, có bao nhiêu nông dân khoẻ mạnh là có được bấy nhiêu binh sỹ.

Như vậy cần phải nhiều giáp binh; ông đặt ra lệ cho chuộc tội: tội nặng thì chuộc bằng một cái tê giáp (áo giáp bằng da con tê), tội nhẹ thì chuộc bằng một cái quy thuẫn (cái thuẫn bằng mai rùa); tội nhỏ thì nộp kim khí, tội còn nghi thì tha hẳn; còn như hai bên thưa kiện nhau mà bên nào cũng có lỗi một phần thì ông bắt nộp mỗi bên một bó tên rồi xử hoà.

Ông tổ chức lại quân đội: năm người họp thành một ngũ, năm chục người (tức mười ngũ) thành một tiểu nhung, hai trăm người thành một tốt, hai ngàn người thành một lữ, một vạn người thành một quân. Mùa xuân tổ chức những cuộc đi săn để nhân thể chấn chỉnh hàng ngũ; mùa thu cũng nhân những cuộc đi săn mà luyện tập binh sỹ.

4./ Về quốc chế, sự tổ chức cũng hết sức nghiêm mật: năm nhà thành một quĩ, mười quĩ thành một lý, bốn lý thành một liên, mười liên thành một hương; như vậy mỗi hương gồm hai ngàn (5x10x4x10) người. 5

Ông cho bốn hạng dân (sỹ, nông, công, thương) ở trong những khu riêng: bọn sỹ ở những khu yên tĩnh, bọn công nhân ở gom lại gần những quan nha dinh thự, bọn thương nhân ở những vùng thị tứ, còn nông dân quy tụ ở điền dã; như vậy con em dễ luyện tập quen tay nghề, không vất vả mà còn nhiều kết quả.

5./ Trong bộ Quản tử có nhiều thiên bàn về pháp luật như: Bản pháp, Lập pháp, Pháp cấm, Trọng lệnh, Pháp pháp...,và có tác giả như Tiêu Công Quyền trong bộ Trung Quốc chính trị tư tưởng sử (Trung hoa văn hóa xuất bản - 1961) căn cứ vào đó mà cho rằng Quản Trọng đã lập ra một học thuyết rất hoàn bị về pháp luật, xét về đủ các vấn đề:

- Lập phát là quyền của vua, quy tắc lập pháp là phải lấy tình người và phép trời làm tiêu chuẩn;

- Hành pháp thì phải chuẩn bị, công bố cho rõ ràng, thi hành cho nghiêm chỉnh, đừng thay đổi hoài, mà phải chí công vô tư, "vua tôi sang hèn đều phải theo luật pháp", thưởng phạt phải nghiêm minh, tóm lại nếu "danh chính, phép hoàn bị thì bực minh quân chẳng có việc gì phải làm nữa, vô vi mà được trị".

Chúng tôi nghĩ điều đó khó tin được, tác giả Quản tử đã đem tư tưởng của các Pháp gia đời Chiến Quốc mà gán cho Quản Trọng đấy thôi. Đại khái chúng ta chỉ có thể căn cứ vào câu này của Tư Mã Thiên "Người trên có pháp độ thì sáu người thân mới được yên ổn" đoán rằng Quản Trọng trọng pháp luật, đặt ra một số cấm lệnh và mong rằng người trên (vua, quan, cha, anh) theo đúng lẽ làm gương cho người dưới, như vậy xã hội mới có trật tự được.

6 / Ông chủ trương tôn quân như mọi tư tưởng gia thời Xuân Thu, nhưng sự tôn quân của ông có điểm khác với Nho gia. Chẳng hạn Khổng tử, sinh sau Quản Trọng khoảng trăm rưỡi năm, tôn quân vì vua là người được nhận lệnh mệnh của trời để trị dân, cho nên đi ngang qua ngai vàng dù không có vua ngồi, ông cũng tỏ vẻ sợ sệt. Vua có lỗi ông không dám trách thẳng, nhưng khi vua Lỗ say mê sắc đẹp, ca hát, bỏ bê việc nước, ông muốn bỏ đi nước khác nhưng phải đợi vua Lỗ làm lễ tế Giao, không chia thịt cho các quan, rồi mới từ chức, qua nước Vệ, để tỏ rằng vua không muốn dùng mình nữa nên mình mới đi, chứ không phải là ông chê vua vô đạo ham mê tửu sắc.

Quản Trọng khác hẳn, tuy không làm trái ý Hoàn công, khéo can gián Hoàn công không nên vì giận Thiếu Cơ, một quý phi lỡ vô lễ với mình, mà đem quân đánh nước Thái, lại để mặc Hoàn công gần gũi với bọn tiểu nhân Dịch Nha, Thụ Điêu; nhưng đối với Hoàn công ông có thái độ thân mật, mà Hoàn công cũng trọng ông như cha chú, cơ hồ như ông tôn quân chỉ vì vua đại biểu cho quốc gia; lòng trọng vua của ông không có chút màu sắc thần quyền hay tôn giáo gì cả. Chắc chắn ông không tin rằng vua là "con trời". Ông không đòi hỏi gì nhiều ở Hoàn công, không mong rằng Hoàn công phải sáng suốt, có uy, có đức; chỉ cần tin dùng ông, nghe lời ông, yêu dân một chút, đừng tàn bạo, ngoài ra, có ham tửu sắc mà đừng trụy lạc thì cũng không sao, vì ông nghĩ còn mình thì bọn Dịch Nha, Thụ Điêu không làm hại xã tắc được.

Cách dùng người, ông chỉ chú trọng tới tài năng, không cần biết đến giai cấp của họ, chẳng hạn giới thiệu Ninh Thích, một ẩn sỹ chăn bò, với Hoàn công, và Hoàn công phong làm đại phu, cho cùng coi việc nước với ông. Điều đó dễ hiểu, chính ông cũng ở trong giai cấp bình dân mà được Bão Thúc tiến cử với Hoàn công.

Tuy nhiên, đối với các quý tộc ở Tề, như họ Cao, họ Quốc, ông tỏ ra nhã nhặn, không nghi kỵ tìm cách triệt hạ quyền lợi của họ như Ngô Khởi và Thương Ưởng sau này; một phần do ông ôn hoà, khôn khéo, một phần có lẽ do bọn quý tộc thời đó uy quyền còn mạnh lắm, không suy như cuối đời Chiến Quốc, ông biết rằng không thể lật họ được.

7/ Quản Trọng biết thuận ý dân, "dân muốn gì thì cấp cho cái đó, không muốn cái gì thì trừ cho cái đó" (Sử ký). Ông tìm cách giúp đỡ dân, giảm bớt thuế má, khuếch trương công thương, dùng chính sách kinh tế tự do làm cho dân giàu.

Có người cho rằng ông yêu dân là vì thủ đoạn, nghĩa là yêu dân không vì dân mà vì vua, vì quốc gia; chúng tôi nghĩ lời chê đó vô căn cứ và cũng vô lý: ông vừa làm lợi cho nước, mà lại vừa làm lợi cho dân thì là thành công lớn, còn đòi gì hơn nữa.

8/ Sau cùng ông cũng chú trọng đến đạo đức, bảo lễ, nghĩa, liêm, sỉ là bốn điều cốt yếu (tứ duy) trong nước, người cầm quyền ráng giữ mà trị dân.

Xét kỹ tám điểm kể trên, hai điểm cuối cùng rất hợp với quan điểm của Nho gia, điểm 6 cũng hơi giống Nho gia, còn năm điểm đều là nhũng sáng kiến rất thực tế của Quản Trọng ảnh hưởng lớn đến các Pháp gia sau này. Cho nên chúng ta có thể coi ông là thuỷ tổ của Pháp gia mà cũng là chiếc cầu nối Nho gia 6 với Pháp gia, biết dung hoà thực tế với lý tưởng, trọng kinh tế, võ bị mà cũng biết lễ nghĩa, nhân tín. Công của ông rất lớn chẳng những đối với Tề, mà đối với cả văn minh Trung Quốc nữa. Cho nên chính Khổng tử đã hai lần khen ông.

Bài 18 - chương Hiến vấn (Luận ngữ) - 
Tử Cống hỏi:


- Quản Trọng không phải là người nhân chăng? Hoàn công giết công tử Củ (chúa của Quản Trọng), ông ta đã không chết theo mà còn làm tướng quốc giúp Hoàn công.

Khổng tử đáp:

- Quản Trọng giúp Hoàn công làm bá chủ chư hầu, bình định được thiên hạ. Dân tới nay còn mang ơn ông. Nếu không có ông thì chúng ta đã thành mọi rợ, đầu dóc tóc, áo cài nút bên trái hết rồi.

Nghĩa là Khổng tử nhớ ơn Quản Trọng đã dẹp rợ hồ phương Bắc, cứu nền văn minh Trung Quốc.

Lần khác (bài 17 cũng chương trên), Tử Lộ cũng chê Quản Trọng bất nhân, không chết theo công tử Củ.

Khổng tử đáp:

Hoàn công chín 7 lần họp chư hầu mà không dùng đến vũ lực (binh xa), đó là nhờ tài sức Quản Trọng. Như vậy chẳng phải là nhân sao? Chẳng phải là nhân sao? 8

Còn Mạnh Tử, sinh sau Quản Trọng ba trăm rưỡi năm, chê Quản Trọng được chuyên dùng bốn chục năm mà chỉ giúp Hoàn công lập được nghiệp bá, thì tài chưa gọi là cao. Đức độ và kiến thức Mạnh tử quả chưa bằng Khổng tử; ông ta chưa biết rằng thời Quản Trọng, Trung Quốc chưa loạn lạc lắm, chế độ phong kiến còn khá vững, chư hầu, ngay cả Tề vẫn còn tôn trọng nhà Chu, chưa có vấn đề phải thống nhất như sau này.

TỬ SẢN

Tử Sản sinh sau Quản Trọng một trăm năm, cầm quyền nước Trịnh từ - 554 đến khi chết - 523 (hay - 522); vậy có thể lớn hơn Khổng tử ba bốn chục tuổi (Khổng tử sinh năm - 551).

Ông là một công tôn (cháu vua, ngành thứ) của nước Trịnh, tên là Kiều, nên thường gọi là Công tôn Kiều. Trịnh thời đó là một nước nhỏ, thịnh về thương mại, có nhiều tân địa chủ, nằm kẹp giữa hai nước mạnh: Tấn ở Bắc, Sở ở Nam, lại thêm phía Tây có Tần, phía đông có Tống, Tề, Lỗ, thành một cái đích cho mọi mũi tên nhắm vào, thường bị lân bang xâm phạm, khó mà tự cường được, cố giữ được cho khỏi bị diệt vong là may.

Đã vậy, triều đình lại hỗn độn, quyền hành ở trong tay bọn công tử, công tôn, họ hoành hành, tranh dành ngôi vua, chém giết nhau, có kẻ muốn nhờ cậy Tấn hoặc Sở tiêu diệt kẻ địch của mình để đưa mình lên ngôi nữa.

Tủ Sản có lòng ái quốc cao, hồi trẻ chuyên tâm học hỏi, lớn lên lưu ý tới việc nước, không chủ trương dùng võ lực mà dùng ngoại giao để cứu nước. Nhờ học rộng, có tài ngoại giao, mà tư cách lại cao, ông được các chính trị gia đương thời (như Án Anh ở Tề, Quý Trát ở Ngô, Thúc Hướng ở Tấn...) quý trọng, các nước khác không gây sự với Trịnh nữa. Trong nước ông cương quyết và ngay thẳng áp dụng Pháp chế, tỉa lần bọn thế gia hào phiệt mà an định được xã tắc. Khi đặt ra một luật lệ mới, ông để cho dân tự do phê bình. Ông lập ra nhiều "hương hiệu" (trường làng), dân thường tới đó bàn về chính sự. Có người khuyên ông nên dẹp đi, ông bảo: "Tại sao lại dẹp? Cứ để cho dân tới mà bàn bạc, đưa ý kiến. Dân thích điều gì thì ta theo, không thích thì ta sửa đổi, dân là thầy của chúng ta mà".

Ông tôn trọng dư luận như vậy lại thương dân nữa, có một lần cho người dân ngồi xe ông để qua sông. Mạnh tử chê rằng làm chính trị sao mà lo ban những ân huệ nhỏ mọn cho dân như vậy, thì giờ đâu mà lo việc lớn nữa; nhưng Khổng tử lại khen là người nhân.

Trước Tuân Tử mấy trăm năm, ông đã đả đảo dị đoan: có lần Trịnh bị lụt lớn, dân cho rằng tại các con rồng tranh đấu nhau, xin ông cầu đảo long thần, ông đáp: "Rồng tranh nhau là việc của rồng, liên quan gì tới việc của chúng ta? Chúng ta không cầu gì ở rồng, thì rồng cũng không cầu gì ở chúng ta".

Lần khác sao chổi xuất hiện, có người bảo bốn nước Tống, Vệ, Trần, Trịnh sắp bị hoả tai, xin ông cầu đảo cho Trịnh tránh được họa, ông không nghe. Sau quả nhiên bốn nước đều bị hoả tai, người ta lại thúc ông cầu đảo, ông đáp: "Đạo trời ở xa, đạo người ở gần, không liên quan gì tới nhau". Tư tưởng đó ảnh hưởng tới Tuân tử và một số Pháp gia đời sau như Hàn Phi.

Những lý do chính chúng tôi đặt ông vào phái Pháp gia, là ông cho đúc "hình thư", nghĩa là cho đúc những cái đỉnh để ghi lại hình pháp. 9

Hễ có quốc gia thì tất nhiên phải có pháp luật và Trung Hoa đã có pháp điển từ lâu. Tương truyền có các bộ Vũ hình (đời vua Vũ), Thang hình (đời vua Thang) và Cửu hình (đời Chu), cả ba đều thành lập trong khi quốc gia rối loạn. Lại có thuyết cho rằng đời vua Thuấn (trước đời vua Vũ nữa) ông Cao Dao đã coi việc hình. Những hình luật đó được chép trong sử mỗi nước. Chứng cớ là trong lần họp chư hầu ở Ninh Mẫu (Sơn đông) năm - 653. Quản Trọng bảo Tề Hoàn công rằng các quyết định trong cuộc hội họp đều được ghi vào sử mỗi nước chư hầu, tức khắc trên thẻ tre, cất trong thư khố của mỗi triều đình.

Tới năm - 536, mười tám năm sau khi cầm quyền, Tử Sản mới cho đúc hình pháp của Trịnh trên những cái đỉnh bằng sắt 10 rồi năm - 513, Tuân Dần và Triệu Ưởng noi gương, cũng cho đúc hình pháp của Tấn trên đỉnh.

Khổng Tử và Thúc Hướng nước Tống đều chỉ trích hành vi đó của Tử Sản, không phải vì đúc trên đỉnh thì hình pháp sẽ có tính cách cố định, không thay đổi được, cũng không phải vì như vậy hình pháp sẽ được công bố, dân chúng ai cũng biết rồi sẽ khó trị (dù khắc trên thẻ tre hay đúc trên đỉnh thi cũng vẫn là để ở triều đình, dân chúng làm sao vô mà đọc được); mà chỉ vì lẽ đúc trên đỉnh, hình pháp có tính cách bớt bí mật: các quan coi về hình không còn được giữ riêng những thẻ tre ghi luật pháp nữa, không thể tự ý giải thích luật pháp nữa, mà hễ giải thích sai thì các quan trong triều so sánh với bản văn trên đỉnh, không ai cất giấu được mà sẽ chỉ trích, bắt giải thích lại.

Chúng ta nên nhớ thời đó các quan coi về hình cũng như các quan đại thần ở triều đình đều ở trong giới quý tộc, họ thường giải thích luật pháp theo quan niệm lễ tục của họ, có lợi cho họ. Việc đúc hình thư làm cho họ mất quyền giải thích pháp luật theo tự ý, tức là làm giảm quyền uy của họ. Họ cố giữ các tục "lễ bất hạ thứ nhân, hình bất thượng đại phu" (Lễ ký), nghĩa là giữa họ với nhau có xảy ra việc gì thì họ theo pháp điển bất thành văn (lễ) của họ mà dàn xếp; còn đối với dân thường họ mới dùng hình mà chỉ họ được biết thôi.

Vì vậy Thúc Hướng ngại người ta sẽ tranh nhau giải thích hình thư mỗi người một ý, rồi nạn hối lộ sẽ nảy nở, nước sẽ loạn, "tới đời con cháu chúng ta, nước Trịnh sẽ nguy mất". Tử Sản đáp: "Kiều tôi bất tài, đâu dám nghĩ đến đời con đời cháu chúng ta, chỉ mong cứu đời lúc này thôi. Nhưng mặc dầu tôi không vâng lời ngài, tôi vẫn không dám quên cái đức lớn của ngài" (tức lòng nhân từ của ngài đối với tôi).

Tử Sản chưa phải chủ trương pháp trị, nhưng cũng đã làm cho pháp luật có tính cách khách quan hơn trước, nhà cầm quyền không thể tự ý giải thích theo quyền lợi của mình nữa; vì dân ông đã tước một chút quyền của giai cấp quý tộc, tức giai cấp của ông. Ông thực sự có lòng yêu dân và ngay thẳng. Cho nên Khổng Tử dù chê việc đúc hình thư mà vẫn khen ông là người quân tử: "khiêm cung đối với người, thờ vua thì kính trọng, thường ban ân huệ cho dân, sai khiến dân một cách hợp lẽ" (Luận Ngữ - Công Dã Tràng - 15). Tương truyền khi hay tin Tử Sản chết, ông khóc.

Theo Hàn Phi (thiên XXX) thì trước khi chết, Tử Sản dặn dò Du Cát, người sẽ nối chức ông:

- Tôi chết rồi, ông sẽ cầm quyền nước Trịnh, ông phải nghiêm khắc trị dân. Lửa có vẻ dữ dằn, nên ít người bị chết thiêu; nước có vẻ nhu nhược nên nhiều người chết đuối. Ông nên dùng hình phạt nghiêm khắc, đừng để cho dân chết đuối vì sự nhu nhược của ông.

Du Cát không nghe, tới khi thanh niên muốn nổi loạn, mới ân hận thẳng tay trừng trị. Nếu truyện đó đúng thì Thương Ưởng và Hàn Phi sau này đều chịu ảnh hưởng của Tử Sản.

LÝ KHÔI

Thế kỷ thứ 4 trước T.L., các pháp gia nối tiếp nhau xuất hiện. Đáng ghi trước hết là Lý Khôi ở sơ kỳ thời Chiến Quốc. Có sách gọi ông là Lý Khắc (có lẽ vì âm Khắc và âm Khôi gần nhau), có sách gọi ông là Lý Đoái (vì chữ Khắc 克 với chữ Đoái 兌 rất giống nhau). Ông làm quan thú đất Thượng Địa rồi làm tướng quốc cho Ngụy Văn hầu, không rõ năm sinh tử, chỉ biết sống ở hậu bán thế kỷ thứ 4. Tương truyền ông viết bộ Pháp kinh gồm 6 thiên và Thương Ưởng sau này dùng bộ đó để biến pháp ở Tần. Bộ đó đã thất lạc. Ông lại có công đưa ra thuyết "Tận địa lực" tức tăng gia nông sản tới mức tối đa.

Hàn Phi chịu ảnh hưởng ít nhiều của ông và trong thiên XXX - Nội trừ thuyết thượng (coi phần dịch) có nhắc tới ông như sau:

Khi làm quan thú Thượng Địa, muốn cho dân nơi đó bắn giỏi, ông ra lệnh rằng hễ trong việc tranh tụng mà còn hồ nghi thì cho hai bên bắn vào đích, ai bắn trúng sẽ thắng kiện, ai bắn trật sẽ thua. Dân đua nhau tập bắn, hoá ra bắn giỏi, nhờ vậy mà khi chiến tranh với Tần, ông đại thắng.

NGÔ KHỞI

Ông chính là một Binh gia, nhưng đồng thời cũng là một Pháp gia về thực hành: Binh gia và Pháp gia tinh thần có nhiều điểm giống nhau. Ông sống cùng thời với Lý Khôi, mới đầu là tướng quân nước Sở, sau làm quan thú đất Tây Hà và tướng quốc cho Ngụy Vũ hầu, con Ngụy Văn hầu, sau cũng làm tướng quốc cho Sở Điệu vương. Theo Hàn Phi thì thời của Hàn, người ta chứa cất nhiều sách của Thương Quân, Quản tử, Tôn tử, Ngô tử. Ngô tử tức Ngô Khởi và bộ binh thư của ông gồm 18 thiên.

Khi làm quan thú đất Tây Hà, muốn triệt hạ một cái "đình của Tần ở biên giới mà không phải trưng binh, chỉ dùng dân trong miền thôi, ông nghĩ ra một thuật: chống cái càng xe ở cửa bắc, bảo ai dời nó qua cửa nam thì sẽ được thưởng ruộng và nhà thượng hạng. Mới đầu dân không tin, chỉ cười; sau đó có một người cứ thử dời đi, quả nhiên được thưởng như đã hứa. Một lát sau ông đặt một thạch (10 đấu) ở cửa đông bảo ai dời qua cửa tây thì cũng sẽ được thưởng như trước; dân tranh nhau dời đi. Rồi ông lại ra lệnh hôm sau đánh chiếm cái đình, người đầu chiếm được sẽ được phong chức đại phu, thưởng ruộng và nhà thượng hạng. Dân tranh nhau tấn công, chỉ trong buổi sáng chiếm được. Có lẽ Thương Ưởng sau này dùng thuật đó để được lòng tin của dân chúng nước Tần trước khi ông biến pháp.

Làm tướng quốc nước Sở, thấy quyền thế bọn quý tộc quá lớn, ông muốn tước bớt, khuyên vua ra lệnh rằng con cháu các vị hầu được phong đất, cứ ba đời thì thu tước lộc lại. Ông có lẽ là người đầu tiên dám tấn công bọn quý tộc, họ rất oán ông, chặt chân tay ông khi Điệu vương chết, nghĩa là chỉ một năm sau khi kế hoạch của ông được thực hiện.

Hàn Phi trọng và thương ông muốn cho Sở được phú cường mà phải chết thảm, nên hai lần nhắc tới ông trong tác phẩm của mình, một lần thiên XXX, một lần thiên XIII. Trong thiên XIII, Hàn viết: "Sở không dùng Ngô Khởi bị mất nước và loạn, Tần thi hành pháp của Thương Quân (tức Thương Ưởng) mà phú cường. Lời hai ông ấy đều đúng mà Ngô Khởi bị chặt chân tay, Thương quân bị xe xé thây là tại sao? Tại bọn đại thần oán pháp thuật mà dân chúng ghét sự cai trị."

THÂN BẤT HẠI

Quản Trọng và Tử Sản đều tôn trọng đạo đức, vẫn còn tư cách của Nho gia. Thân Bất Hại mới cho chính trị ly khai đạo đức, nên có người cho chính ông mới thực là thuỷ tổ của Pháp gia. Ông thuộc giai cấp địa chủ mới nên mới chống lễ, đề cao pháp.

Thiên 63 trong Sử ký, Tư Mã Thiên sắp ông chung với Hàn Phi và cho biết qua loa về đời của ông. Ông gốc gác đất Kinh 京 thuộc nước Trịnh, (đừng lầm Kinh 荊 là nước Sở), mới đầu làm một chức quan nhỏ ở Trịnh. Chuyên học về hình danh (học thuyết của phái Danh gia), sau được Chiêu Ly hầu nước Hàn (Trịnh lúc này đã bị Hàn thôn tính) dùng làm tướng quốc.

Trong 15 năm - từ - 351 đến - 337, 11 có sách chép là từ - 355 đến - 341, xê xích 4 năm - nhờ tài nội trị và ngoại giao của Thân mà Hàn thành một nước mạnh, không bị nước nào xâm lấn cả.

Thân để lại hai thiên, nhan đề là Thân tử.

Về năm sinh năm tử, Sử ký không cho ta biết. Các học giả đời sau đưa ra hai thuyết:

- Sinh năm - 401, mất năm - 337 ("- " trước Tây lịch).

- Sinh năm nào chưa quyết, mất năm - 341.

Chúng ta còn nhờ năm - 376, nước Tấn chia ba thành Ngụy, Hàn, Triệu. Trong ba nước đó, Hàn nhỏ nhất, đất lại khô cằn, dân chúng nghèo khổ. Khi Thân Bất Hại làm tướng quốc cho Chiêu Ly hầu, nước Hàn mới thành lập được độ vài chục năm, chưa tổ chức kịp, luật lệ cũ của Tấn chưa bỏ mà lại ban thêm luật lệ mới, có khi mâu thuẫn nhau, nội chính rối loạn, quan lại không biết áp dụng luật lệ nào, kẻ dưới có khi không phục tùng kẻ trên. Thân Bất Hại phải lập lại trật tự trước hết, theo thuyết hình danh (danh phải đúng với thực), chủ trương "tôn quân, ti (trái với tôn) thần, sùng thượng ức hạ". Ông chú trọng nhất đến "thuật", tức phương tiện, mưu mô để đạt được mục đích: vua chọn và dùng bề tôi cách nào, thử tài họ, điều tra họ ra sao.

Cuốn Thân tử đã không còn, học thuyết của ông, chúng ta chỉ biết được đại khái nhờ ít đoạn trong thiên Định pháp (coi phần trích dịch ở sau) của Hàn Phi.

Gần đầu thiên đó, Hàn viết: "Thuật là nhân tài năng mà giao cho chức quan, theo cái danh mà trách cứ cái thực (tức là nói sao thì phải làm đúng như vậy, hoặc giữ chức vụ nào thì phải làm đúng nhiệm vụ); nắm quyền sinh sát (cho sống hay bắt bề tôi chết) trong tay, mà xét khả năng của quần thần. Đó là cái mà bực vua chúa phải nắm trong tay."

術者,因任而授官,循名而責實,操殺生之柄,課群臣之能也,此人主之所執也

(Thuật giả, nhân nhiệm nhi thụ quan, tuần danh nhi trách thực, thao sát sinh chi bính, khóa quần thần chi năng giả dã, thử nhân chủ chi sở chấp dã).

Gần cuối thiên Hàn Phi lại viết: "Thân tử bảo: "Quan lại không được vượt chức, dù biết cũng không được nói" (治不踰官,雖知弗言 - Trị bất du quan, tuy tri bất ngôn).

Nghiã là theo thuật hình danh, giữ một chức quan nào đó thì phải làm đúng chức quyền của mình thôi, việc gì ngoài chức quyền thì dù biết cũng không được nói 12.

Cũng trong thiên đó Hàn Phi chê Thân Bất Hại chỉ chuyên dùng thuật, không lo về pháp, nên có kẻ lợi dụng sự mâu thuẫn giữa lệnh cũ của Tấn và luật lệ mới của Hàn mà làm nhiều điều gian trá, thấy luật lệnh nào có lợi cho họ thì họ theo. Do đó, Hàn có một vạn cỗ chiến xa, Thân cầm quyền được mười bảy năm mà Hàn không làm bá chủ được. Lời đó có phần nghiêm khắc quá. Thân không đưa Hàn lên ngôi bá chủ được vì có những nước mạnh hơn Hàn nhiều như Tần, Sở, Tề, Triệu, nhất là nước Tần lúc đó đã lớn lại có Thương Ưởng giúp mà hùng cường lên rất mau. Hàn làm sao bằng được? Về nội trị, ông có lẽ chưa diệt hết bọn tham nhũng như Hàn Phi trách, nhưng về ngoại giao, ông giúp cho nước Hàn khỏi bị xâm lấn, như vậy cũng đã khá rồi.

Trong thiên XXXIV - Ngoại trừ thuyết hữu thượng, Hàn còn dẫn một đoạn của Thân, đại ý khuyên bậc vua chúa phải có cái thuật "bí hiểm" đừng để lộ ra cho bề dưới biết sự sáng suốt hay không sáng suốt, sự hiểu biết hay không hiểu biết, sự yêu hay ghét của mình; nếu không kẻ dưới đề phòng, tìm cách gạt, nhử mình. Cuối cùng Thân bảo "Ta không dựa vào đâu mà biết người (bề tôi) được, chỉ có vô vi (không làm gì cả) là có thể dò xét được họ mà thôi". Có lẽ vì câu đó mà Tư Mã Thiên bảo học thuyết của Thân gốc ở Hoàng, Lão chăng? Bộ Thân tử đã thất truyền, chúng ta không biết chắc được Thân đã chịu ảnh hưởng của Lão tử tới mức nào: nhưng xét chung thì phép vô vi của pháp gia khác xa thuyết vô vi của đạo gia - Điểm này chúng tôi sẽ xét kỹ trong một phần sau.

Chiến quốc sách (Hàn sách III - 5) chép lại chuyện dưới đây của Thân Bất Hại: Hàn với Ngụy là hai nước ngang hàng nhau mà Thân Bất Hại với Chiêu Ly hầu cầm khuê ngọc lại yết kiến vua Lương (tức vua Ngụy), không phải là thích sự ti tiện mà ghét sự tôn quý, cũng không phải là vụng suy mà tính lầm. "Thân Bất Hại mưu tính như vầy: "Ta cầm ngọc khuê yết kiến vua Ngụy, vua Ngụy tất tự đắc rằng Hàn phải thần phục mình, tất sẽ miệt thị thiên hạ, thế là nguy cho Ngụy vì chư hầu ghét Ngụy tất sẽ thờ Hàn, mà ta chịu khuất thân dưới một người để được duỗi mình trên vạn người. Làm cho binh lực của Ngụy suy nhược đi mà làm cho quyền thế của Hàn mạnh lên, thì không gi bằng triều phục Ngụy". Rồi khen Thân "Chiêu Ly hầu thi hành kế đó quả là một vị minh quân; Thân Bất Hại mưu tính việc nước mà bày kế đó, quả là một trung thần". Chuyện đó có thể tin được mà cho ta biết một "thuật" nữa của Thân Bất Hại về ngoại giao. Rõ là cái không khí của thời Chiến Quốc, thời của các biện sỹ áo vải mà Thân Bất Hại là một.

THẬN ĐÁO

Chúng ta được biết rất ít về đời Thận Đáo, mặc dù học thuyết của ông được nhều người nhắc tới; như Tuân tử, Hàn Phi, và tác giả thiên Thiên hạ 13 trong Trang tử. Nguyên do có lẽ tại ông khác hẳn các Pháp gia trước và sau ông, không làm chính trị, nên sử không nhắc tới 14. Ông thuần túy là một tư tưởng gia.

Các sách chúng tôi có chỉ nói rằng ông đồng thời với Thân Bất Hại, Thương Ưởng; duy Trung Quốc triết học đại cương của Vũ Đồng (Thương vụ ấn thư quán - 1958) là cho biết ông sinh vào khoảng -370, mất vào khoảng - 290 mà không hề dẫn chứng hoặc cho xuất xứ.

Sử ký của Tư Mã Thiên có hai chỗ nhắc qua tới ông:

Thiên 46 về Điền Kính, Trọng Hoàn, bảo Tề Tuyên Vương trọng kẻ sỹ đi du thuyết, như Trâu Diễn, Thuần Vu Khôn, Điền Biền, Tiếp Dư, Thận Đáo, Hoàn Uyên, phong họ chức đại phu và cho họ nhà ở tại Tắc Hạ. Có tới 76 người như vậy, người ta gọi họ là Tắc Hạ tiên sinh. Rồi sau số đó tăng lên tới cả trăm, cả ngàn. Họ tự do tranh luận nhưng không dự vào việc trị nước của Tề.

- Thiên 74 về Mạnh Kha, Thuần Vu Khôn, Thận Đáo, Trân Thích, Tuân Khanh, cho ta biết thêm rằng Thận Đáo là người nuớc Triệu, Điền Biền, Tiếp Dư là người nước Tề, Hoàn Uyên là người nước Sở, hết thẩy đều theo đạo Hoàng Lão.

Ông viết 12 bài luận, có sách nói là 42 thiên sách, nhưng thất truyền 15

Thiên Thiên hạ trong Trang tử bảo ông chủ trương "bỏ trí tuệ, quên mình đi, cứ theo thế bất đắc dĩ mà hành động, thản nhiên thuận theo sự vật, như vậy hợp với đạo lý (...) Ông tròn trịa theo sự biến hoá, bỏ quan niệm thị phi để khỏi bị lụy về vật, ông không tin tri thức cùng sự suy nghĩ của mình, không biết trước sau, đứng một mình một cõi..." Vậy là ông cùng một chủ trương với Lão, Trang.

Tuân tử trong thiên Phi thập nhị tử sắp ông vào phái Pháp gia, chê ông quá trọng "pháp" và "thế".

"Nói rằng trọng pháp mà chính mình lại không giữ pháp luật, cho việc tu thân để trị quốc là thấp mà ưa bày đặt sinh sự, trên khiến được vua nghe theo, dưới làm cho bọn thế tục vừa lòng, suốt ngày nói cùng dẫn văn trưng điển, nhưng xét kỹ thì thấy bông lông xa vời, không đưa tới đâu, không kiến thiết được quốc gia, chuẩn định được chế độ, vậy mà biện luận vẫn có chứng cớ, bàn luận vẫn mạch lạc, đủ để gạt gẫm bọn ngu, đó là trường hợp Thận Đáo và Điền Biền".

Nét chính trong tư tưởng ông là trọng "thế", mà hễ trọng thế thì tự nhiên trọng pháp luật.

Theo Hàn Phi trong thiên Nạn thế, thì Thận Đáo bàn về "thế" như sau:

"Con phi long cưỡi mây (mà bay lên trời), con đằng xà (một loài rắn như rồng, không có chân) chế ngự sương mù mà lượn trong đó. Mây tan, sương tạnh rồi thì hai con đó cũng chỉ như con giun, con kiến vì mất chỗ dựa. Người hiền mà chịu khuất kẻ bất tiếu là vì quyền (thế) nhẹ, (địa) vị thấp; kẻ bất tiếu mà phục được người hiền là vì quyền trọng, vị cao. Nghiêu hồi còn là dân thường thì không trị được ba người, mà Kiệt khi làm thiên tử thì có thể làm loạn cả thiên hạ. Do đó tôi biết rằng quyền thế và địa vị đủ để nhờ cậy được, mà bậc hiền, trí không đủ cho ta hâm mộ.

Cây ná yếu mà bắn được mũi tên lên cao là nhờ sức gió đưa đi, kẻ bất tiếu mà lệnh ban ra được thi hành là nhờ sức giúp đỡ của quần chúng. Nghiêu khi còn là kẻ lệ thuộc, đi giảng dạy thì dân không nghe; đến khi ngồi quay mặt về phương Nam, làm vua thiên hạ, ban lệnh là người ta thi hành liền, cấm đoán là người ta phải ngừng ngay. Do đó mà xét thì hiền và trí không đủ cho đám đông phục tùng; mà quyền thế, địa vị đủ khuất phục được người hiền."

慎子曰:"飛龍乘雲,騰蛇遊霧,雲罷霧霽,而龍蛇與螾螘同矣,則失其所乘也。賢人而詘於不肖者,則權輕位卑也;不肖而能服於賢者,則權重位尊也。堯為匹夫不能治三人,而桀為天子能亂天下,吾以此知勢位之足恃,而賢智之不足慕也。夫弩弱而矢高者,激於風也;身不肖而令行者,得助於眾也。堯教於隸屬而民不聽,至於南面而王天下,令則行,禁則止。由此觀之,賢智未足以服眾,而勢位足以詘賢者也。"

Thận tử viết: Phi long thừa vân, đằng xà du vụ, Vân bãi vụ tễ, nhi long xà dữ dẫn nghĩ đồng hĩ, tắc thất kì sở thừa dã. Cố hiền nhân nhi khuất ư bất tiếu giả, tắc quyền trọng vị tôn dã. Nghiêu vi thất phụ bất năng trị tam nhân, nhi Kiệt vi thiên tử năng loạn thiên hạ. Ngô dĩ thử tri thế vị chi túc thị, nhi hiền trí chi bất túc mộ dã.

Phù nỗ nhược nhi thỉ cao giả, kích ư phong dã. Thân bất tiếu nhi lệnh hành giả, đắc trợ ư chúng dã. Nghiêu giáo ư lệ thuộc nhi dân bất thính, chí ư nam diện nhi vương thiên hạ, lệnh tắc hành, cấm tắc chỉ. Do thử quan chi, hiền trí vị túc dĩ phục chúng, nhi thế vị túc dĩ khuất hiền giả dã.

Thận Đáo đề cao sức mạnh và tác dụng của quyền thế, địa vị; điều đó đúng. Nhưng không đủ. Không rõ trong 42 thiên đã thất truyền, ông có bàn gì thêm không, có xét quyền thế, địa vị do đâu mà có, khi nào thì chính đáng, khi nào không, và một khi đã có được rồi thì làm sao giữ được... Vì trọng "thế" nên Thận Đáo chủ trương tập quyền, cấm không được lập bè đảng, địa vị và quyền lợi của vợ lớn bé, con cả con thứ phải rõ ràng, đại thần không được lấn vua, phải bỏ ý riêng mà chỉ theo luật.

THƯƠNG ƯỞNG

Pháp gia có ba phái chính, phái trọng thuật là Thân Bất Hại, phái trọng thế là Thận Đáo, phái thứ ba trọng pháp là Thương Ưởng. Về đời của Thương Ưởng chúng ta được biết khá đầy đủ. Sử ký dành riêng một thiên về ông: Thiên 68 Thương Quân Ưởng.

Ưởng, không rõ sinh năm nào, có thể vào khoảng - 388, sống cùng thời với Thân Bất Hại và Thận Đáo, nhỏ tuổi hơn Thân và lớn tuổi hơn Thận. Ông là người nước Vệ (vì vậy còn gọi là Vệ Ưởng), một nước nhỏ phụ dung của nước Ngụy, tên họ là Công tôn (vậy là giòng dõi quý tộc sa sút, khác hẳn Ngô Khởi và Thân Bất Hại) cho nên còn gọi là Công tôn Ưởng.

Ông thích môn học hình danh, làm chức Trung thứ tử, tức như bí thư, cho quan tướng quốc nước Ngụy là Công Thúc Tọa (có sách nói là dạy con cho Tọa); Công Thúc Tọa khen là có kỳ tài, khi đau nặng, tiến cử ông với Ngụy Huệ vương và dặn: " Nếu đại vương không dùng hắn thì giết hắn đi, đừng cho hắn ra khỏi nước Ngụy". Lúc Huệ vương ra về rồi, Công Thúc Tọa lại bảo nhỏ Vệ Ưởng; "Ta tiến cử thầy với nhà vua và dặn nhà vua nếu không dùng thầy thì nên giết thầy đi. Ta coi ý nhà vua không muốn dùng thầy đâu, vậy nên mau mau trốn đi". Ưởng điềm nhiên đáp: "Nhà vua đã không nghe lời ngài mà dùng tôi thì lẽ nào lại nghe lời ngài mà giết tôi", rồi cứ ở lại nước Ngụy. Nếu chuyện đó có thực thì Vệ Ưởng quả là biết người, gan dạ mà có bản lĩnh cao. Trong thời giúp việc cho Công Thúc Tọa, chắc Ưởng được biết tư tưởng của Ngô Khởi.

Sau nhận dịp qua vua Tần Hiếu công cầu hiền, Vệ Ưởng qua Tần năm - 361, nhờ một viên quan thân tín của Hiếu công là Cảnh Giám tiến cử, được Hiếu Công cho yết kiến. Mới đầu ông bàn về đạo làm "đế" (tức đạo trị nước của các bậc thánh như Nghiêu, Thuấn), Hiếu công chán không buồn nghe. Lần sau, ông hạ thấp xuống, bàn về đạo làm "vương" (vương đạo), dùng nhân nghĩa để trị dân, Hiếu công cũng không thích. Sau cùng, bàn về bá đạo thì Hiếu công lộ nét vui, nghe Vệ Ưởng thuyết mấy ngày mà không chán. Truyện đó chưa chắc có thật, nhưng cho ta biết rằng thời đó đạo Nho đã suy, các vua chư hầu chỉ thích dùng bá đạo thôi, cho vương đạo là vu khoát.

Vệ Ưởng được trọng dụng ngay, hai năm sau (- 359) đưa ra một cải cách về pháp luật. Một vị đại thần tên Cam Long phản đối, bảo:

- Thánh nhân tùy theo dân mà dậy, theo pháp luật cũ mà trị, như vậy không mệt sức mà thành công.

Vệ Ưởng đáp:

- Đó là lời thế tục, bọn người thường thích giữ tục cũ, không biết rằng tam đại (Hạ, Thương, Chu), lễ không giống nhau mà đều làm được vương nghiệp, các ông bá, pháp luật không giống nhau mà đều lập được bá nghiệp. Bậc trí nhân lập ra luật pháp mới, bậc hiền nhân đặt ra các điều lệ mới. Không phải chỉ có mỗi một cách trị nước. Vua Thang, vua Vũ không theo cổ mà làm bậc vương, Hạ và Ân có thời theo cổ mà mất nước. Vậy làm khác thời trước chưa hẳn là đáng chê, mà cổ chưa hẳn là đáng khen.

Hiếu công cho Vệ Ưởng là có lý, và theo đề nghị của Ưởng mà ra lệnh:

- Tổ chức liên gia 5 nhà và 10 nhà, bắt phải tố cáo lẫn nhau 16, thấy kẻ có tội mà không tố cáo thì bị chém ngang lưng, tố cáo thì được thưởng như chém được một đầu giặc; chứa chấp kẻ gian thì bị xử như tội hàng quân địch.

- Có hai người con trai trưởng thành trở lên mà ở chung nhà thì người trong nhà phải đóng thuế gấp đôi.

- Ai có chiến công thì được phong chức, ai gây lộn nhau thì bị trừng trị.

- Ai cầy cấy, nuôi tằm, dệt lụa năng suất trên mức đã định thì khỏi phải làm khổ dịch; ai làm giàu bằng thương mại hoặc làm biếng không sản xuất thì phải làm nô lệ.

- Quý tộc mà không có chiến công thì sẽ hạ xuống thường dân.

Trước khi ban bố sắc lệnh, sợ dân không tin, Thương Ưởng dùng thuật dưới đây:

Ông cho dựng một khúc cây dài ba trượng ở cửa Nam chợ Kinh đô, bảo hễ có người nào dời được khúc cây ấy qua cửa Bắc thì được thưởng mười nén vàng 17. Dân lấy làm lạ; việc dễ như vậy sao mà thưởng hậu như vậy, ngờ triều đình có ẩn ý gì nên do dự. Hôm sau ông lại ra lệnh dời được thì thưởng năm chục nén vàng. Một người thử dời khúc cây xem sao, quả nhiên được thưởng năm mươi nén. Từ đó dân Tần tin rằng lệnh của triều đình ban ra thì thi hành đúng. Cố sự này rất giống cố sự về Ngô Khởi ở Tây Hà mà chúng tôi đã dẫn ở trên; Thương Ưởng chắc đã chịu ảnh hưởng của Ngô Khởi.

Lệnh ban ra, trong triều nhiều người chống đối, mà dân chúng cũng kéo nhau cả hàng ngàn người tới kinh đô để phản kháng. Chính Thái tử cũng bất bình, có lần phạm pháp. Thương Ưởng bảo mọi người chẳng kể sang hèn, đều bình đẳng về pháp luật. Nhưng thái tử sẽ nối ngôi vua, vậy hai sư phó của thái tử phải chịu tội thay. Từ đó dân đều sợ lệnh của ông, trong mười năm của rơi ngoài đường không ai dám lượm, tại rừng núi cũng không còn trộm cướp, chẳng bao lâu Tần đã hơi mạnh, thắng được Ngụy một trận

Từ năm - 350 đến - 348, Thương Ưởng lại biến pháp lần nữa, lần này vê hành chánh và tài chánh:

- Cấm cha con anh em đồng cư để cho công việc khẩn hoang mau phát triển.

- Chia nước thành quận huyện.

- Mở mang đất đai, ai vỡ thêm được đất thì làm chủ đất, đặt một thứ thuế công bằng, ai cũng như ai.

Hai việc lập quận huyện và mở mang đất đai này đã có từ thời Xuân Thu, Thương Ưởng chỉ có công đưa ra thành quốc sách, và áp dụng một cách đại quy mô thôi.

- Thống nhất đồ đo lường.

Ít năm sau, Tần mạnh lên, thắng Ngụy một trận lớn ở Mã Lục, giết được tướng Ngụy và cầm tù thái tử Ngụy. Từ đó Ngụy không ngóc đầu lên được nữa, vua Ngụy chắc ân hận đã không nghe lời Công Thúc Tọa, không dùng mà cũng không giết Thương Ưởng.

Danh vọng, chức tước của Thương Ưởng bây giờ lên đến tột bực. Tần Hiếu công phong cho ông một khu gồm 15 ấp ở đất Thương, với tước Thương quân, vì vậy ông có tên là Thương Ưởng. Tất cả triều đình, nhất là giới quý tộc, cha anh của vua đều ghét ông. Sở dĩ ông còn đứng vững được chỉ nhờ Hiếu công che chở. Chiến Quốc sách (Tần sách - I.1) chép rằng khi Hiếu công đau nặng, muốn truyền ngôi cho ông, ông không nhận vì giữ đúng chủ trương của Pháp gia: bề tôi giữ phận bề tôi.

Hiếu công mất rồi, Huệ vương lên thay. Huệ vương chính là thái tử hồi trước đã bị Thương Ưởng làm nhục. Có người bảo Huệ vương:

- Đại thần mà quyền lớn quá thì nước nguy; kẻ tả hữu thân cận quá thì bản thân nguy. Nay ở Tần, đàn bà trẻ con đều nói: pháp lệnh của Thương quân, chứ không nói pháp lệnh của đại vương, thế là chính Thương quân mới làm vua, mà đại vương hoá thành bề tôi. Vả chăng Thương quân chính là kẻ thù của đại vương, xin đại vương xét kỹ.

Huệ vương sai bắt Thương Ưởng, ông trốn ra biên giới, tới một lữ điếm, chủ lữ điếm không dám chứa, bảo: "theo lệnh của Thương quân, khách tới trọ phải có "thân phận chứng", tức như thẻ căn cước. Ông không có, chứa ông tôi sẽ bị tội."

Thương quân đành phải trốn sang Ngụy, người Ngụy đuổi ông về Tần. Cùng quá, ông liều trở về đất Thương, dùng binh đất Thương chống lại triều đình, thất bại bị giết ở Thằng Trì (thuộc đất Trịnh). Thây ông bị "xa liệt": cột đầu và tay chân vào 5 con ngựa, rồi đánh cho ngựa chạy về 5 phía. Năm đó là năm - 338; ông sống khoảng 50 tuổi. Người ghét ông, cho rằng ông bị quả báo, nhưng người phục ông như Hàn Phi thương ông chết vì bổn phận, vì lý tưởng.

Sách Hán chí chép rằng ông có soạn một bộ nhan đề Thương tử nay còn 24 thiên, nhưng theo các học giả gần đây thì bộ đó hoàn toàn của người sau viết.

Chủ trương của ông là:

- Pháp luật phải rất nghiêm, ban bố khắp trong nước, và từ trên xuống dưới ai cũng phải thi hành, không phân biệt giai cấp; pháp đã định rồi thì không ai được bàn ra bàn vào nữa, không được "dùng lời khéo mà làm hại pháp", nghĩa là làm sai ý nghĩa của pháp để tìm lợi cho mình.

- Tội dù nhẹ cũng phạt rất nặng, để cho dân sợ, mà sau khỏi phải dùng hình phạt. Đó là cách "dùng hình phạt để trừ bỏ hình phạt" (Dĩ hình khử hình). Tử Sản cũng đã chủ trương như vậy trước khi dặn Du Cát phải dùng hình phạt cho thật nghiêm. Về việc thưởng, ông cho rằng làm điều thiện là bổn phận của dân, không đáng thưởng; nhưng ông lại trọng thưởng bọn cáo gian, đó là điểm mâu thuẫn. Hàn Phi rộng rãi hơn, bảo làm điều thiện cũng đáng khuyến khích.

Ông bảo: "Nước sở dĩ được trọng, vua sở dĩ được tôn là nhờ sức mạnh" - Mà muốn cho nước mạnh thì phải trọng nông và chiến, nông để nuôi chiến: học thuật và cả công nghệ, thương mại ông cho là vô dụng, có hại cho nước: "Có ngàn người dân làm việc nông, chiến, mà có một người đọc thi thư, tranh biện nhau về trí tuệ, thì ngàn người kia đều hóa ra làm biếng về nông chiến. Có trăm người dân làm việc nông, chiến mà có một người lo về kỹ nghệ thì trăm người kia đều hoá ra làm biếng về việc nông chiến. Nước nhờ nông, chiến mà yên, vua nhờ nông chiến mà được tôn".

Vì vậy ông khuyến khích, gần như bắt buộc nông dân phải khẩn hoang, cho họ làm chủ đất họ khai thác được; mặt khác bắt toàn dân phải là lính (chúng ta thấy ông đã chịu ảnh hưởng của Quản Trọng): "tráng nam họp lại thành một quân, tráng nữ họp lại thành một quân, còn các ông già bà cả hoặc đàn ông đàn bà ốm yếu hợp thành một quân gọi là tam quân. Quân tráng nam thì cho ăn nhiều và luyện tập việc binh, sắp hàng đợi địch, quân tráng nữ cũng cho ăn nhiều và đắp thành, sắp hàng đợi lệnh; (...) Quân già yếu thì chăn bò, dê heo, trồng trọt, kiếm cây cỏ, thức ăn nào ăn được thì thu thập để nuôi bọn tráng nam, tráng nữ"

Theo Hậu Hán thư, chính sách đó có rất hiệu quả; qua đời Hán, nghĩa là trên một trăm năm sau khi Thương Ưởng mất, ở Quan Tây, nghĩa là ở đất Tần, ở phía Tây cửa ải Hàm cốc, phụ nữ còn biết dùng khí giới ra trận.

Hơn nữa, Thương Ưởng còn muốn tạo một giai cấp quý tộc gồm các quân nhân - như giai cấp noblesse d épée thời Trung cổ châu Âu; ông đề nghị: "Chỉ bọn đánh giặc mới được giàu sang 18, như vậy dân nghe thấy ra trận là chúc mừng nhau, đứng ngồi ăn uống lúc nào cũng ca hát chiến tranh".

富貴之門,必出於兵。是故民聞戰而相賀也;起居飲食所歌謠者,戰也

- Phú quý chi môn tất xuất ư binh, thị cố dân văn chiến nhi tương hạ dã, khởi cư ẩm thực sở ca dao giả chiến dã - "Ai chặt được đầu giặc thì tước được thăng một cấp, muốn làm quan thì được một chức quan lương bổng là 50 thạch (100 thúng là một thạch); chặt được hai đầu giặc, tước được thăng hai cấp, muốn làm quan thì được một chức quan lương bổng là 100 thạch; quan tước thăng đều xứng đáng với công chém đầu giặc".

Như vậy là Thương Ưởng đánh một đòn mạnh vào giai cấp quý tộc đương thời không có công lao gì với quốc gia mà cũng được hưởng tước lộc ông cha truyền lại. Có lẽ về điểm đó ông cũng đã chịu ảnh hưởng của Ngô Khởi vì Ngô Khởi đề nghị với Sở Điệu vương: đối với con cháu những người được phong thì cứ ba đời sẽ thâu tước lại. Nhưng thời đó giai cấp quý tộc còn mạnh, họ quật lại: Ngô Khởi và Thương Ưởng đều bị họ giết một cách tàn nhẫn. Phải đợi tới đời Hán, giai cấp tân địa chủ mới thắng được giai cấp quý tộc và có một địa vị vững vàng.

Như vậy là giai cấp tân địa chủ với một số quý tộc tiến bộ như Tử Sản và tiện dân như Mặc Tử đã can đảm tranh đấu khoảng năm thế kỷ - có kẻ bị bọn quý tộc quật lại tới chỗ chết không toàn thây - mới xoá bỏ được một số đặc quyền của quý tộc, bỏ được lệ "hình bất thướng đại phu, lễ bất há thứ dân" ở đầu đời Chu; và lần lần tạo được một xã hội tương đối công bằng (thứ dân được tuyển dụng và xử theo luật pháp cũng như quý tộc), một xã hội tạm ổn định trong non 2000 năm, được tiếng là dân chủ sớm hơn Tây phương mươi thế kỷ

Mãi tới gần thế kỷ chúng ta, sau hai cuộc cách mạnh liên tiếp của tiểu tư sản và vô sản, tình trạng xã hội đầu đời Chu mới lật ngược lại; giai cấp vô sản dành được quyền lợi và địa vị của giai cấp quý tộc ba ngàn năm trước. Một chu kỳ chấm dứt. Rồi bắt đầu một vòng trôn ốc khác chăng?

Tới đây học thuyết của Pháp gia có đủ ba phái: Thế của Thận Đáo, Thuật của Thân Bất Hại, và Pháp của Thương Ưởng; kể như đã hoàn bị. Chỉ cần một người tập đại thành, sửa chữa, thêm bớt. Người đó là Hàn Phi mà chúng tôi sẽ xét trong các phần sau. Nhưng Hàn Phi muốn làm chính trị mà không được dùng; người áp dụng học thuyết của ông làm cho Tần thống nhất được Trung Quốc là Lý Tư, một bạn học của ông.

Xét lại, trong thời Xuân Thu và Chiến Quốc, những người có công thúc đẩy sự biến chuyển của xã hội Trung Hoa từ chế độ phong kiến qua chế độ quân chủ chuyên chế, không phải Nho gia, Mạc gia hay Đạo gia mà chính là Pháp gia. Những nước Tề, Trịnh, Hàn, Ngụy, Tấn nhờ Quản Trọng, Tử Sản, Thân Bất Hại, Ngô Khởi, Thương Ưởng, Lý Tư đã thay nhau nổi bật lên nhiều hay ít trong số các nước chư hầu, đánh dấu những giai đoạn quan trọng, vì vậy mà có nhà như Vandermeersch 19 đã nghĩ nên chia lại thời Xuân Thu và Chiến Quốc theo những giai đoạn đó, mà bỏ lối phân chia từ trước tới nay chỉ căn cứ vào sử của nhà Chu. Ý kiến đó mới mẻ và có lý một phần.

--------------------------------
1La formation du Légisme - École française d Extrême Orient - Paris- 1965.
2Hàn Phi cũng dùng tiếng "vô vi", nhưng theo một nghĩa khác. Khi xét học thuyết Hàn Phi chúng tôi sẽ giảng rõ.
3Thuyết Mặc tử từng làm quan ở Tống đã bị các học giả có tiếng bác.
4Xét chung thì các triết gia theo phái trên hầu hết ở trong giai cấp quý tộc suy vi, còn muốn duy trì quyền lợi của giai cấp mình nên có tinh thần bảo thủ hoặc phục cổ (Khổng tử, Lão tử, Mạnh tử, Tuân tử); còn phái dưới ở trong giai cấp địa chủ mới, nên chống lại giai cấp quý tộc cũ (Lý Khôi, Ngô Khởi, Thận Đáo, Thân Bất Hại). Nhưng cũng có nhiều lệ ngoại; Mặc tử ở trong giai binh đầu chống cả quý tộc lẫn địa chủ mới; Trang tử ở trong giai cấp quý tộc suy vi mà quá yếm thế, hoài nghi; Thương Ưởng, Hàn Phi đều ở trong giai cấp quý tộc mà chống lại giai cấp đó, bênh vực giai cấp địa chủ mới.
5Theo Cương giám di tri lục của Ngô Thừa Quyền ( đời Thanh) thì nước Tề chia làm 21 hương, 6 dành cho công nghệ và thương mại, 15 dành cho sỹ và nông - 21 hương tức 2000 x 21 = 42.000 người. Sao mà ít vậy? 420.000 người thì đúng hơn.
6Chúng ta nên nhớ đạo Nho có trước Khổng tử. Từ Nghiêu, Thuấn, hoặc trễ nhất là từ Chu công, cho nên Khổng tử bảo ông chỉ thuật đạo người xưa chớ không sáng tác.
7Thực ra là 11 lần.
8Nguyên văn: "như kỳ nhân?" Có thể hiểu là: Hãy làm nhân như ông ấy.
9Theo Lã Thị Xuân Thu thì Đặng Tích là người đầu tiên ở nước Trịnh nêu việc phải đặt ra hình pháp. Đặng về phe các tân địa chủ, thường chỉ trích các lệnh của giai cấp quý tộc, Tử Sản cấm không được. Ông có óc "thầy cãi", xúi người ta kiện nhau. Tương truyền có người vớt được xác một người nhà giàu, gia đình người này xin chuộc. Người vớt xác đòi nhiều tiền quá, người nhà giàu nói với Đặng Tích. Đặng bảo: "cứ yên, mặc họ, họ còn bán được cho ai đâu?". Người vớt được xác đâm lo, lại hỏi ông, ông bảo: "cứ yên, mặc họ, họ còn mua ở đâu được nữa". Đặng có cái tài lấy trái làm phải, lấy phải làm trái; lại dám đặt ra pháp luật riêng chép lên thẻ tre, treo ở trước cửa khiến cho dư luận xôn xao. Tử Sản phải giết ông, nhưng vẫn dùng chính sách cải lương pháp luật của ông.
Sách Tả Truyện bảo Từ Thuyên giết Đặng Tích rồi dùng Trúc hình của Đặng, như vậy Đặng với Tử Sản không sống cùng một thời.
Có học giả lại cho rằng họ sống cùng thời, nhưng Đặng Tích chết sau Tử Sản hai chục năm.
Chưa biết thuyết nào đùng.
10Có học giả ngờ là bằng đồng đỏ vì thời đó Trịnh hoặc Tấn chưa có sắt hoặc mới có mà chỉ làm những đồ thường dùng thôi.
11Chúng tôi bỏ dấu - trước những năm này, vì không thể lầm được là năm Tây lịch.
12Hàn Phi chê chủ trương đó, coi một chương sau.
13Trong bộ Trang tử đã đưa ra những lý lẽ tại sao tác giả không tin thiên này là do Trang tử viết (N.X.B Văn Hoá, 1991) (B.T.)
14Mạnh tử, Cáo tử hạ, bài 8, có chép truyện Mạnh tử thuyết Thận tử đừng nghe lời vua Lỗ, đem quân đánh Tề. Thận tử đó là người khác, không phải Thận đáo.
15(Chiến Quốc sách - Sở II.7- có một truyện lý thú về Thận Đáo, nhưng không đáng tin nên không chép vào đây ).<
16Chính sách cáo gian này, Mặc tử đã đề nghị khoảng 100 năm trước - coi các thiên Thượng đồng- bộ Mặc tử.
17Nguyên văn là "kim". Chữ này có thể trỏ một đồng tiền vàng, một nén, một dật, một cân vàng; lại có thể trỏ một kim loại khác, như đồng.
18Mặc tử cũng đã đề nghị chỉ người hiền mới được giàu sang, còn quý tộc bất tài thì cũng phải nghèo hèn - coi các thiên Thượng hiền, bộ Mặc tử.
19Sđd, trang 275.