Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2022

Hàn Phi tử Phần III Chương 2: XÃ HỘI QUAN - DÂN

 

Lo lắng Hàn Phi sẽ đe dọa vị trí của mình, Lý Tư đã âm mưu hãm hại


XÃ HỘI QUAN - DÂN

Trong chương này và hai chương sau chúng tôi xét quan niệm của Hàn Phi về:

- Bản tính con người.

- Vua

- Và Quốc gia.

Về lịch sử quan, Hàn chịu ảnh hưởng trực tiếp của Thương Ưởng, chỉ khai thác tư tưởng của Thương Ưởng, mà không phát huy thêm được gì. Về xã hội quan, Hàn cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp của thầy, tức Tuân tử nhưng có nhiều sáng kiến và đưa tới những kết luận ngược hẳn với Tuân: Tuân chủ trương tính ác để khuyên nhà cầm quyền dùng lễ giáo uốn nắn lại cái tính cho dân, còn Hàn chủ trương dùng hình phạt để ngăn ngừa những hành động của dân có hại cho nước. Có phải vì đi ngược lại đường lối của Tuân mà Hàn muốn tránh không nhắc Tuân trong khi thường nhắc tới Quản Trọng, Thương Ưởng, Thân Bất Hại, Ngô Khởi… Đọc bộ Hàn Phi Tử chúng tôi chỉ thấy Tuân xuất hiện hai lần: một lần ở đầu thiên Hiển học: "có Nho phái của họ Tôn" 1 và một lần ở thiên Nạn tam trong câu: "Tử Khoái nước Yên cho Tử Chi là hiền mà không chịu Tôn Khanh cho nên thân chết mà bị chê cười". Nhưng sự kiện Tử Khoái "không chịu Tôn Khanh" ra sao thì từ trước tới nay không ai tra ra được, vì vậy có người ngờ Tôn Khanh đó không phải là triết gia Tuân Hướng, người đưa ra thuyết tính ác.

Chuyện đó không quan trọng, chúng tôi sở dĩ ghi lại để cho độc giả thấy Hàn Phi là môn đệ của Tuân tử mà đã sớm tách biệt với Nho gia, đứng hẳn về phía Pháp gia.

Hàn Phi chịu ảnh hưởng của Tuân tử ít nhất là về hai điểm: tính ác và không tin trời, quỉ thần (thiên nhiên bất tương quan). Chúng tôi xin xét điểm tính ác trước đã.

Tuân tử là triết gia lớn nhất ở cuối thời Tiên Tần, tư tưởng rất có hệ thống, đã viết riêng một thiên - thiên Tính ác - để đả thuyết tính thiện của Mạnh tử. Trong bộ Tuân tử chúng tôi đã phân tích thuyết đó và trọn thiên Tính ác, ở đây chỉ xin trích dẫn vài đoạn quan trọng nhất. 2

Tuân: định nghĩa chữ tính là cái tự nhiên trời sinh ra, cái sinh ra đã có sẵn không đợi làm (học tập) rồi mới có (Sinh chi sở dĩ nhiên giả, vị chi tính - Bất sự nhi tự nhiên giả, vị chi tính)

Và ông bảo rằng: "Cái tính của con người là đói thì muốn ăn, mệt thì muốn nghỉ. (Kim nhân chi tính, cơ nhi dục bão, lao nhi dục hưu, thử nhân chi tình tính dã)

Ba đặc điểm nữa của con người là hiếu lợi, đố kỵ, thích thanh sắc: "Tính con người sinh ra là hiếu lợi, thuận theo tính đó thì thành ra tranh đoạt lẫn nhau mà sự từ nhượng không có; sinh ra là đố kỵ, thuận theo tính đó thì thành ra tàn tặc, mà lòng trung tín không có; sinh ra là có lòng muốn của tai mắt, có lòng thích về thanh sắc, thuận theo tính đó thì thành dâm loạn mà lễ nghĩa, văn lí không có. Như thế thì theo cái tính của người ta, thuận cái tình của người ta, tất sinh ra tranh đoạt, phạm vào cái phận (tức quyền lợi của nhau), làm loạn cái lí mà mắc cái lỗi tàn bạo. Cho nên phải có thầy, có phép để cải hoá cái tính đi, có lễ nghĩa để dắt dẫn nó, rồi sau mới có từ nhượng hợp văn lí mà thành ra trị. (Kim nhân chi tính sinh nhi hiếu lợi yên, thuận thị cố tranh đoạt sinh, nhi từ nhượng vong yên; sinh nhi hữu tật ố yên, thuận thị cố tàn tặc sinh, nhi trung tín vong yên. Sinh nhi hữu nhi mục chi dụng hữu hiếu sắc yên, thuận thị cố dâm loạn sinh, nhi lễ nghĩa văn lí vong yên. Nhiên tắc tòng nhân chi tính, thuận nhân chi tình, tất xuất vụ tranh đoạt, hợp vu phạm phận loạn lí, nhi qui vu bạo. Cố tất tương hữu sư pháp chi hoá, lễ nghĩa chi đạo, nhiên hậu xuất từ nhượng, hợp vụ văn lí nhi qui vu trị - Tính ác).

Vậy theo Tuân tử, tính của con người là tính thỏa mãn ba nhu cầu chính: ăn, ngủ, truyền chủng; ngoài ra lại còn hiếu lợi, đố kị.

Hàn Phi không phải là một triết gia, chỉ là một lí thuyết gia về chính trị, có óc thực tế, không bàn về tính như Mạnh tử, Tuân tử. Chúng ta chỉ biết theo ông thì con người thời thượng cổ chất phác, thân với nhau, trọng đức hơn thời trung cổ, và người thời trung cổ lại hơn người thời ông. Vậy có thực ông chủ trương rằng bản tính con người thời nguyên thuỷ vốn tốt rồi sau vì hoàn cảnh xã hội mà hoá xấu không? Ông không hề giảng rõ điều đó cho ta. Mặt khác, ông lại bảo trừ một số ít thánh nhân, còn thì hạng thường nhân

- tranh nhau vì lợi

- làm biếng, khi có dư ăn rồi thì không muốn làm gì nữa.

- chỉ phục tòng quyền lực

Vậy thì cơ hồ ông cho rằng con người có một số rất ít tính vốn thiện, còn đại đa số tính vốn ác, ông thiên về Tuân, nhưng cũng nhận Mạnh có lí phần nào chăng?

Về tính ham lợi, ông bi quan thái quá, cho rằng ngay giữa cha con vợ chồng chớ đừng nói giữa vua tôi, bạn bè, người ta hành động, cư xử với nhau cũng chỉ vì tư lợi.


"Cha mẹ không săn sóc con kĩ khi nó còn nhỏ thì lớn lên nó oán mình. Con được nuôi cho thành người rồi mà cung dưỡng cha mẹ không được hậu thì cha mẹ giận oán trách nó. Cha con là tình chí thân mà có khi còn trách nhau, oán nhau là do ai nấy đều muốn cho người khác phải vì mình (cha muốn con phải vì cha, con muốn cho cha phải vì con), chứ không muốn cho mỗi người phải vì bản thân người đó thôi"

人爲嬰兒也、父母養之簡, 子長而怨; 子盛壯成人, 其供養薄, 父母怒而誚之. 子·父, 至親也, 而或譙或怨者, 皆挾相爲而不周於爲己也

(Nhân vi anh nhi dã, phụ mẫu dưỡng chi giản, tử trưởng nhi oán. Tử thịnh tráng thành nhân, kì cung dưỡng bạc, phụ mẫu bộ nhi tiếu chi. Phụ tử chí thân dã nhi hoặc tiếu hoặc oán giả, giai hiệp tương vị nhi bất chu ư vị kỉ dã - Ngoại trừ thuyết tả thượng).

Rồi Hàn so sánh với việc chủ nuôi thợ:

"Mướn người gieo mạ, cày ruộng cho mình thì người chủ không ngại phí tổn mà cho họ ăn ngon, lại còn lựa tiền, vải tốt mà trả công cho họ, như vậy không phải vì yêu thương họ đâu mà vì nghĩ: "Có vậy họ cày mới sâu, cào cỏ mới kĩ cho mình". Người làm công đó hết sức cày và cào cỏ, sửa sang lại bờ ruộng, không phải vì yêu chủ mà vì nghĩ: "Có vậy chủ mới cho ăn ngon, mà tiền, vải mới tốt." Như vậy một bên cung dưỡng hậu hĩ, một bên gắng sức làm việc, có cái ân trạch giữa cha con, hai bên đều hết nghĩa vụ (vì) đều mưu cái lợi cho chính mình cả. Bởi vậy con người làm việc với nhau, cho, tặng nhau, nếu thấy có lợi cho mình thì dù là người nước Việt (thời đó người Trung Hoa ở miền bắc coi người nước Việt ở miền Đông Nam là ngoại nhân) cũng dễ hòa, nếu lòng thấy có hại thì dù là cha con cũng xa nhau, oán nhau."

故人行事施予,以利之心,越人易和;以害之心,父子离且怨。

(Cố nhân hành sự thi dữ, dĩ lợi vi chi tâm, tắc Việt nhân dị hòa, dĩ hại chi vi tâm, tắc phụ tử li thả oán - Như trên)

Đoạn dưới đây trong thiên Lục phản còn tàn nhẫn hơn nữa:

"Cha mẹ đối với con, sanh con trai thì mừng, sanh con gái thì giết, trai gái đều trong lòng cha mẹ mà ra, mà con trai thì mừng, con gái thì giết, là do nghĩ đến sau này, đứa nào có lợi lâu dài cho mình hơn. Vậy cha mẹ đối với con mà còn đem lòng tính toán lợi hại, huống hồ là những người không có tình cha con với nhau"

父母之於子也,產男則相賀,產女則殺之。此俱出父母之懷衽,然男子受賀,女子殺之者,慮其後便、計之長利也。故父母之於子也,猶用計算之心以相待也,而況無父子之澤乎。

(Phụ mẫu chi ư tử dã, sản nam tắc tương tự, sản nữ tắc sát chi. Thử câu xuất phụ mẫu chi hoài nhậm nhiên nam tử thụ hạ, nữ tử sát chi giả, lự kì hậu tiện, kế chi trường lợi dã. Cố phụ mẫu chi ư tử dã, do dựng kế toán chi tâm dĩ tương đãi dã, nhi huống vô phụ tử chi trạch hồ!)

Tình giữa cha con như vậy thì tình giữa vợ chồng cũng không hơn gì:

"Chúa có vạn cỗ xe, vua có ngàn cỗ xe thì hoàng hậu, thứ phi, phu nhân, đích tử (thế nào cũng) có người muốn cho vua chết sớm. Làm sao biết được như vậy? Là vì vợ không có tình cốt nhục với chồng, hễ yêu thì thân, không yêu thì sợ. Tục ngữ có câu: "Mẹ được yêu thì con được chiều". Ngược lại hễ mẹ bị ghét thì con bị bỏ. Đàn ông năm chục tuổi vẫn còn hiếu sắc mà đàn bà ba chục tuổi sắc đã tàn. Vợ sắc đã tàn mà thờ ông chồng hiếu sắc thì tất ngại mình bị hắt hủi, con tất ngờ sẽ không được nối ngôi. Đó là lẽ tại sao hoàng hậu, thứ phi, phu nhân mong cho vua chết sớm. (…) Do đó mà có những vụ đầu độc bằng rượu và thắt cổ lén. Vì vậy mà sách Đào Ngột Xuân Thu bảo: "Bậc vua chúa chết vì bệnh chưa được phân nửa". Làm vua mà không hiểu điều đó thì loạn sẽ sinh ra nhiều. Cho nên có câu: "Số người có lợi thấy vua chết mà nhiều thì tính mạng của vua sẽ nguy".

利君死者眾則人主危。

(Lợi quân tử giả chúng, tắc nhân chủ nguy - Bị nội)

"Giữa vua và tôi, đã không có tình cốt nhục mà cái lợi hại còn khác nhau, nếu không muốn nói là ngược nhau: bề tôi muốn không có công mà được thưởng, còn vua thì muốn bề tôi phải hi sinh cho mình mà đừng kể công. Đã ở cái thế muốn không có công mà được thưởng, còn vua thì muốn bề tôi bó buộc không thể không thờ vua thì bề tôi tất luôn luôn dò xét lòng vua, không một lúc nào ngưng"

人臣之於其君,非有骨肉之親也,縛於勢而不得不事也。故為人臣者,窺覘其君心也無須臾之休

(… Nhân thần chi ư kì quân, phi hữu cốt nhục chi thân dã, phọc ư thế nhi bất đắc bất sự dã, cố vi nhân thần giả, khuy siêm kì quan tâm dã, vô tu du chi hưu… Bị nội) 
(Vì vậy mà có vụ Lí Đoái làm quan thái phó nước Triệu, theo phe Huệ vương, bao vây cung của Triệu Chủ Phụ để Chủ Phụ chết đói; vụ Tề Hoàn công chết mấy chục ngày không được chôn tới nỗi giòi bò ra cửa phòng và biết bao vụ bề tôi giết vua.)

Hành động nào của con người cũng vì lợi cả:

"Thầy lang khéo mút vết thương, ngậm máu bệnh nhân đâu phải là vì tình cốt nhục mà chỉ vì lợi. Thợ đóng xe mong cho nhiều người giàu sang, còn thợ đóng quan tài thì mong cho nhiều người chết yểu, không phải là thợ đóng xe có lòng nhân mà thợ đóng quan tài tàn nhẫn, chỉ vì người ta không giàu sang thì không mua xe, người ta không chết thì quan tài không bán được. Thợ đóng quan tài không phải là ghét người, nhưng người ta chết thì chú ta mới có lợi"

醫善人之傷醫善吮人之傷,含人之血,非骨肉之親也,利所加也。故輿人成輿則欲人之富貴,匠人成棺則欲人之夭死也,非輿人仁而匠人賊也,人不貴則輿不售,人不死則棺不買,情非憎人也,利在人之死也。

(Y thiện duẫn 3 nhân chi thương, hàm nhân chi huyết, phi cốt nhục chi thân dã, lợi sở gia dã. Dư nhân thành dư, tắc dục nhân chi phú quí; tượng nhân thành quan, tắc dục nhân chi yểu tử dã. Phi dư nhân nhân nhi tượng nhân tặc dã; nhân bất quí tắc dư bất thụ, nhân bất tử tắc quan bất mãi. Tình phi tăng nhân dã, lợi tại nhân chi tử dã - Bị nội)

Thời Tiên Tần, không có tác giả nào cực tả lòng vị lợi của con người bằng Hàn trong những đoạn dẫn ở trên. Ông nhận rằng thời ông, con người xấu xa hơn các thời trước, như vậy chỉ vì dân nghèo, người đông mà tài vật ít, phải làm lụng cực nhọc, tranh giành nhau mới sống được.

Thiên Ngũ đố có một đoạn bất hủ đủ cho Hàn Phi lưu danh lại cho hậu thế. Ông đã thấy dân số tăng gia theo cấp số nhân cả hai ngàn năm trước nhà kinh tế học Anh, Malthus: thời cổ đàn ông không phải cày ruộng, trái cây và hột cỏ đủ ăn rồi; đàn bà không phải dệt vải, da cầm thú đủ che thân rồi. Họ không phải gắng sức mà đủ ăn đủ mặc, nhân dân ít mà vật dụng thừa, cho nên không tranh giành nhau. Vì vậy khỏi phải thưởng hậu phạt nặng mà dân tự nhiên khỏi loạn. Ngày nay một người có năm người con, không phải là nhiều, mỗi người con lại có năm người con nữa, thành thử ông chưa chết mà đã có hai mươi lăm đứa cháu, vì vậy nhân dân đông mà tài sức ít, phải lao lực nhiều mà thức ăn đồ mặc lại ít, cho nên họ phải tranh giành nhau, dù có thưởng hậu gấp hai, phạt nặng gấp mấy thì cũng không tránh khỏi loạn.

古者丈夫不耕,草木之實足食也;婦人不織,禽獸之皮足衣也。不事力而養足,人民少而財有餘,故民不爭。是以厚賞不行,重罰不用而民自治。今人有五子不為多,子又有五子,大父未死而有二十五孫,是以人民眾而貨財寡,事力勞而供養薄,故民爭,雖倍賞累罰而不免於亂。

(Cổ giả trượng phu bất canh, thảo mộc chi thực túc thực dã; phụ nữ bất chức, cầm thú chi bi túc y dã. Bất sự lực nhi dưỡng túc, nhân dân thiểu nhi tài hữu dư, cố dân bất tranh. Thị dĩ hậu thương bất hành, trọng phạt bất dụng nhi dân tự trị. Kim nhân hữu ngũ tử bất vị đa, tử hựu hữu ngũ tử, đại phụ vị tử nhi hữu nhị thập ngũ tử tông. Thị dĩ nhân dân chúng nhi hóa tài quả, sự lực lao nhi cung dưỡng bạc, cố dân tranh. Tuy bội thưởng lũy phạt nhi bất miễn ư loạn).

Vì lẽ tình trạng kinh tế ảnh hưởng lớn - nếu không phải là quyết định - tới tâm tình, cách cư xử, đời sống tinh thần của con người, nên người thời cổ có từ nhượng hơn người đời nay cũng không đáng khen, người đời nay có tàn bạo hơn người thời cổ cũng không đáng chê, chỉ là luật tự nhiên cả. Hàn Phi viết tiếp:

"Ông Nghiêu làm vua thiên hạ mà nhà lợp bằng cỏ tranh không xén, cột rui bằng gỗ không đẽo, ăn cơm gạo xấu với canh rau lê, rau hoắc, mùa đông mặc áo da hươu da nai, mùa hè mặc áo vải thô, dẫu kẻ canh cổng cũng không sống đạm bạc hơn. Ông Vũ làm vua thiên hạ mà tự cầm bừa xách sọt đi trước nhân dân, đùi và ống chân trụi hết lông, đến kẻ nô lệ cũng không cực khổ hơn. Do đó mà xét, các vua thời cổ nhường ngôi thiên tử thì cũng chỉ là từ bỏ cuộc sống của người giữ cổng, đời lao khổ của tên nô lệ, có gì đáng khen đâu. Một viên huyện lệnh ngày nay khi chết rồi thì con cháu mấy đời sau còn được (ung dung) ngựa xe, vì vậy mà người ta quí chức huyện lệnh. Cho nên về cái việc từ nhượng, thời xưa nhường ngôi thiên tử thật là dễ mà ngày nay từ chức huyện lệnh thật khó, chỉ do cái lợi hậu hay bạc khác nhau xa (…) Mùa xuân những năm đói kém, dù là em ruột còn nhỏ, người ta cũng không nhường cho thức ăn, mùa thu những năm được mùa (mùa thu là mùa gặt lúa ở Trung Hoa), dù là khách lạ đến cũng mời ăn, đâu phải sơ với tình ruột thịt mà thân với khách qua đường, chỉ là vì thực phẩm còn nhiều hay ít đấy thôi. Cho nên cổ nhân khinh tài vật không phải là có lòng nhân, mà vì tại vật có nhiều; ngày nay người ta tranh đoạt của nhau không phải là ti tiện mà vì tài vật có ít. Ngày xưa người ta coi thường và từ bỏ ngôi thiên tử không phải là cao thượng mà vì quyền thế ít, ngày nay người coi trọng và tranh nhau quan chức không phải là đê tiện mà vì quyền thế nhiều".

故飢歲之春,幼弟不餉;穰歲之秋,疏客必食。非疏骨肉愛過客也,多少之實異也。是以古之易財,非仁也,財多也;今之爭奪,非鄙也,財寡也、輕辭天子,非高也,勢薄也;重爭士橐,非下也,權重也

(Cố cơ tuế chi xuân ấu đệ bất hướng, nhương tuế chi thu, sơ khách bất tự, phi sơ cốt nhục ái quá khách dã, đa thiểu chi thực dị dã. Thị dĩ cổ chi dị tài phi nhân dã, tài đa dã; kim chi tranh đoạt, phi bỉ dã, tài quả dã, khinh từ thiên tử phi cao dã, thế bạc dã: trọng tranh sĩ thác phi hạ dã, quyền trọng dã - Ngũ đố)

Hàn tả đời sống cực khổ của vua Nghiêu chắc là quá đáng: dĩ nhiên vua Nghiêu không có nhà cao cửa rộng, có ngựa xe gấm vóc như một viên huyện lệnh thời Chiến Quốc, nhưng dù là một tù trưởng thì ông ta cũng có kẻ hầu người hạ, có thịt ăn vì thời đó thú rừng không hiếm, đâu tới nỗi phải ăn toàn rau lê rau hoắc. Nhưng cái tinh thần khinh tài vật của người thượng cổ thì có thực, không phải chỉ vì tài vật nhiều mà còn vì nhu cầu người thời đó ít nữa. Ai cũng biết các dân tộc bán khai hiếu khách hơn các dân tộc "văn minh" chúng ta. Ông Will Durant - trong sách đã dẫn - chép lại một chuyện lí thú: "Một người Anh tên là Turner kể cho một thổ dân Samoa nghe tình cảnh bọn người nghèo ở Lơn- đơn (London) thì chú "mọi" đó rất ngạc nhiên hỏi: "Làm sao có thể như vậy được kìa? Không gì để ăn? Vậy họ không có bạn bè, không có nhà cửa sao? Nhưng họ ở đâu mà ra? Còn nhà cửa của bạn bè chứ?" Người da đỏ nào đói cứ đi xin ăn là có liền; nghèo tới mấy thì cũng không ai từ chối một người đói: "Trong thành phố mà còn lúa thì không ai bị nhịn đói cả" (trang 35 - 36)

Cái lẽ "có hằng sản rồi mới có hằng tâm" Quản Trọng đã giảng cho Tề Hoàn công tử đời Xuân Thu, rồi Mạnh tử nhắc tới hai lần, trong Lương Huệ vương thượng - 7: "Không có hằng sản mà chỉ có hằng tâm thì chỉ kẻ sĩ mới được như vậy. Còn thường dân, nếu không có hằng sản thì không có hằng tâm", và trong Đằng Văn công thượng 3: "Cách ăn ở của dân là: có hằng sản mới có hằng tâm, không có hằng sản thì không có hằng tâm" (Dân chi vi đạo dã: hữu hằng sản giả hữu hằng tâm; vô hằng sản giả vô hằng tâm). Nếu dân đói thì họ tranh giành nhau, và thời Hàn Phi là thời "người ta tranh đoạt của nhau", thời trọng sức mạnh.

Hàn Phi đã thấy luật "đấu tranh để sống". Luật đó ở thời Chiến Quốc thật gay gắt. Như ở phần I chúng tôi đã nói, bọn tân địa chủ có học vấn tài năng, trong Chiến Quốc sách gọi là kẻ sĩ, trong Hàn Phi tử gọi là kẻ sĩ giỏi pháp thuật - phải tranh đấu với bọn quí tộc cũ, tức bọn cha anh của vua chúa, bọn "trọng nhân" nắm hết quyền hành ở triều đình.

Trong Chiến Quốc sách (Lá Bối - 1972) phần I chúng tôi đã nói bọn biện sĩ như Tô Tần, Trương Nghi, Phạm Tuy…..phải đút lót kẻ hầu cận các vua chư hầu, phải ăn dầm nằm dề trong một quán trọ ở một kinh đô nào đó mới xin được vào yết kiến vua. Được yết kiến, trình bày kế hoạch của mình, được vua chấp nhận rồi còn phải đánh át bọn "cha anh" nhà vua; bọn này ảnh hưởng lớn tới chính sách của nhà vua, mà vì quyền lợi nên có tinh thần bảo thủ, ghét bọn biện sĩ. ("Bọn biện sĩ sợ thế lực của bọn "cha anh" đó nhất. Tính mạng họ ở trong tay bọn này; ngày nào mà vua không dùng họ, nghe lời bọn "cha anh" thì họ phải trốn đi nước khác ngay, nếu không thì chết, có khi trốn mà không thoát, rốt cuộc cũng bị phân thây (trường hợp Thương Ưởng). Cho nên họ luôn luôn nhắc vua chúa phải trọng kẻ sĩ, tức trọng họ, (…) nhắc vua chúa về cách dùng người theo tài năng…

"Đã phải đối phó với bọn quí tộc, các biện sĩ còn phải đối phó với chính bọn họ với nhau nữa vì chính họ với nhau cũng thường gièm pha nhau, lừa gạt nhau, kèn cựa nhau như Cam Mậu và Công Tôn Diễn (Tần II - 13) Công Tôn Hãn đối với Điền Kị (Tề I - 8)" (trang 54 - 58)

Họ cũng phải tranh đấu gay gắt non hai thế kỉ, tới đầu đời Hán địa vị mới có thể gọi là vững.

Hàn Phi hiểu rất rõ tình cảnh đó vì chính ông đã phải chiến đấu và đã thất bại mà lưu lại lời ai oán trong thiên Cô phẫn. Ông bảo bọn sĩ giỏi pháp thuật như ông với bọn "trọng nhân" thù nhau đến một mất một còn, mà biện sĩ giỏi pháp thuật có năm cái thế để bại:

"Bọn đại thần được cầm quyền ít khi không được tin yêu, lại được vua chúa biết từ lâu, cho nên đón được ý vua, vua thích hay ghét cái gì thì họ cũng thích hay ghét cái đó, nhờ vậy mà tiến thân. Quan tước cao quí mà bè đảng lại đông nên được cả nước khen. Còn kẻ sĩ giỏi pháp thuật, có muốn được yết kiến vua thì đã thì thiếu tình thân yêu tin cậy, không được cái may mắn vua biết từ lâu, mà lại đem lời pháp thuật ra kiểu chính lòng vua, tất làm trái ý vua. Địa vị họ thấp mà không bè đảng nên bị cô lập. Họ là kẻ sơ tình mà muốn tranh với kẻ thân cận của vua, tất nhiên không thắng được; họ mới tới mà muốn tranh với kẻ quen biết từ lâu, tất nhiên là không thắng được; họ ở địa vị thấp hèn mà muốn tranh với với kẻ cao quí, tất nhiên là không thắng được; họ chỉ có một miệng mà muốn tranh với cả nước (vì người ta về hùa với bọn quyền quí còn dân thì ngại sự cải cách của họ) tất nhiên là không thắng được. Kẻ sĩ giỏi pháp thuật ở vào năm cái thế không thể thắng được đó (…). Thế đã không thắng được mà lại không sống chung được (với bọn trọng nhân) tất có kẻ mất người còn, kẻ sĩ giỏi pháp thuật làm sao khỏi bị nguy? Bọn trọng nhân nếu có thể vu tội lỗi cho ai thì sẽ dùng phép công mà giết người đó; không thể vu được thì sai người ám sát. Tóm lại, làm sáng tỏ phép thuật mà trái ý vua chúa, nếu không bị quan giết, tất cũng chết vì bị ám sát." (Cô phẫn).

Từ quan niệm "đấu tranh để sống" tới quan niệm đấu tranh giai cấp, con đường có vẻ như không xa. Vậy mà thời Chiến Quốc, Pháp gia tức giai cấp tân địa chủ lẻ tẻ đánh vào giai cấp lãnh chúa cũ bằng các hình thư, bằng qui tắc mọi người bình đẳng trước pháp luật, bằng chính sách tước quyền thế tập của quí tộc như chính sách của Ngô Khởi, Thương Ưởng (cả Tuân tử nữa), nhưng không có một nhà nào có một quan niệm giai cấp cả; họ cũng không lập nên một đoàn thể chính trị nữa, như Khổng gia, Mặc gia.

Trong cuốn Nho giáo, một triết lí chính trị và Đại cương triết học Trung Quốc chúng tôi đã nhiều lần nhấn vào tính cách chính trị của Nho giáo: "Nhân đạo, Chính vi đại" 人道、政爲大。 Ngũ kinh của Khổng tử đều có mục đích chính là dạy về chính trị, mà cuốn Đại học dạy cách sửa mình để tề gia trị quốc và bình thiên hạ, nghĩa là để thành một người dân tốt, một ông quan, một ông vua tốt. Vậy có thể nói trường học của Khổng tử là một trường dậy chính trị mà ông cùng mấy ngàn môn sinh là một đoàn thể chính trị, một chính đảng 4.

Xét lời ông nhận định về sở trường của các môn sinh trong chương Tiên tiến - 2, ta cũng thấy ông có ý đào tạo những người ra làm việc nước. Ông bảo: "Về đức hạnh có Nhan Uyên, Mẫn Tử Khiêm, Nhiễm Bá Ngưu, Trọng Cung; về ngôn ngữ (tài ăn nói) có Tể Ngã, Tử Cống; về chính trị có Nhiêm Hữu, Quí Lộ; về văn học có Tử Du, Tử Hạ".

Khii ông bôn ba các nước chư hầu, ông dắt các môn sinh theo và khi phải giao thiệp với người ngoài, ông thường sai Tử Cống, Tể Ngã đi thay, coi họ như những nhà ngoại giao.

Mạnh tử nối chí Khổng Tử cũng dạy học và dắt các môn sinh đi khắp các nước, lần nào cũng gồm mấy trăm người trên mấy chục cỗ xe.

Còn đạo Mặc thì rõ ràng là một đoàn thể chính trị có qui luật nghiêm khắc hơn cả một chính đảng ngày nay: môn sinh phải tuyệt đối tuân lời Mặc tử. Ông thành một đảng chủ, gần như một giáo chủ. Người có tài đức trong đảng được cử làm "cự tử" (tức như thủ lãnh) và các người trong đảng hễ làm quan, có lộc phải nộp cự tử một phần để chi dùng cho đảng. Có một lần ở Dương Thành, tám mươi ba đệ tử cùng chết theo một cự tử tên là Mạnh Thắng; lần khác con trai một cự tử tên là Phúc Thôn giết người, Tần Huệ vương thương Phúc Thôn đã già mà chỉ có mình nó là con, tha tội cho nó; Phúc Thôn không tha, tự giết con, vì phải theo luật của đạo Mặc: hễ giết người thì phải đền mạng.

Lão tử và Trang tử tuy có bàn về chính trị - Lão tử chủ trương vô vi, Trang tử chủ trương hoàn toàn tự do, gần như vô chính phủ - nhưng không hoạt động về chính trị. (Trang tử muốn làm con rùa sống mà lết đuôi trong bùn còn hơn một con rùa chết được trân tàng ở miếu đường) cho nên không lập đảng, mà không có hoặc có rất ít môn sinh. Lẽ ấy là dễ hiểu.

Nhưng Pháp gia hầu hết ở trong giai cấp tân địa chủ, chuyên hoạt động về chính trị mà trong suốt ba bốn chục năm không nhà nào đào tạo môn sinh, thành lập một đảng, là tại sao? Họ rời rạc: Thương Ưởng không nhận là môn đệ của Ngô Khởi, Hàn Phi không coi Thương Ưởng là thầy. Hình như họ chỉ như người phương Tây ngày này gọi lài "technocrate" (kỹ phiệt), chỉ là những kỹ thuật gia về chính trị, về pháp thuật, không được như giai cấp "bourgeoisie" của Pháp ở thế kỷ XVIII, nên không gây được một cuộc cách mạng, không có ý lật đổ quân quyền, trái lại còn quá tôn trọng quân quyền nữa. Hàn Phi tập đại thành tư tưởng các Pháp gia đời Tiên Tần, học thuyết của ông tuy có hệ thống nhưng ông quá chú trọng tới thuật trị nước, còn tinh thần tranh đấu của ông kém Thương Ưởng, chỉ nhận thấy rằng "các huyện lệnh thời ông khi chết rồi, con cháu mấy đời còn được (ung dung) ngựa xe" (Ngũ đố) còn các nông dân, chiến sĩ làm cho nước giàu và mạnh thì sống cực khổ; không thấy ông chủ trương triệt các đặc quyền của giai cấp quí tộc, một phần có lẽ giai cấp đó là giai cấp của ông.

Tóm lại, cũng như các Pháp gia khác, ông không có ý thức rõ rệt về giai cấp đấu tranh. Phải chăng đó là một hạn chế của thời đại? Nếu họ có ý thức đó và lập được một đảng chính trị thì lịch sử và văn minh Trung Hoa có lẽ đã thay đổi hẳn.

° ° °

Về bản tính thứ nhì, Tuân tử bảo con người "mệt thì muốn nghỉ" (có thể hiểu là ít chịu gắng sức); Hàn Phi gay gắt hơn, cho là làm biếng, hễ có dư ăn rồi thì không muốn làm gì nữa. Hàn cũng có lý: loài người thời ăn lông ở lỗ chắc chắn là như vậy. Một người "esquimau" (thổ dân Bắc Mỹ sống gần Bắc cực) bảo: "Khi tôi dư thịt ăn rồi thì tôi chẳng nghĩ tới gì cả" Và theo ông Loskiel thì một bộ lạc láng giềng sẽ chia lương thực cho họ". Và những bộ lạc này thấy người siêng năng cứ phải nuôi báo cô kẻ làm biếng, nên càng ngày trồng trọt càng ít đi (Will Durant - sách đã dẫn).

Tuy nhiên, Hàn cũng nhận rằng có một số ít rất siêng năng có đủ dùng mà vẫn chịu gắng sức, nhờ họ mà nhân loại mới tiến bộ được; nhưng người trị dân là trị số đông, nên bắt buộc dân phải gắng sức, Thiên Lục phản ông viết:

"Con người bẩm sinh hễ có tài sản đủ dùng rồi thì hóa ra lười biếng, không chịu gắng sức, bề trên không nghiêm trị thì kẻ dưới phóng túng làm bậy. Tài sản đủ dùng rồi mà vẫn gắng sức làm lụng thì chỉ có Thần Nông thôi; bề trên không nghiêm trị mà kẻ dưới có đức hạnh thì chỉ có Tăng Sâm và Sử Ngư. Hạng dân thường không bằng được Thần Nông, Tăng Sâm và Sử Ngư là điều hiển nhiên rồi (…) Cho nên bậc minh chủ trị nước phải thích nghi với thời mà sản xuất nhiều tài vật, định thuế má sao cho giàu nghèo bình quân (công bằng), ban nhiều tước lộc để dùng hết tài năng trong dân, dùng hình phạt nặng để ngăn cấm gian tà, khiến cho dân hễ gắng sức làm lụng thì sẽ giàu, hễ có công nghiệp thì sẽ sang, làm bậy thì bị tội, có công thì được thưởng, chứ không mong được bề trên nhân từ ban cho ân huệ….."

凡人之生也,財用足則隳於用力,上治懦則肆於為非;財用足而力作者神農也,上治懦而行修者曾、史也;夫民之不及神農、曾、史亦已明矣 (...)故明主之治國也,適其時事以致財物,論其稅賦以均貧富,厚其爵祿以盡賢能,重其刑罰以禁姦邪,使民以力得富,以事致貴,以過受罪,以功致賞而不念慈惠之賜...

(Phàm nhân chi sinh dã, tài dụng túc tắc huy ư dụng lực, thượng trị nọa 5 tắc tứ ư vi phi. Tài dụng túc nhi lực tác giả, Thần Nông dã; Thượng trị nọa nhi hạnh tu giả, Tăng Sử dã. Phù dân bất cập Thần Nông, Tăng Sử diệc dĩ minh hĩ (…..) Cố minh chủ chi trị quốc dã, thích kì thời sự dĩ trí tài vật, luận kì thuế phú dĩ tuân bần phú, hậu kì tước lộc tận hiền năng, trọng kì hình phạt dĩ cấm gian tà, sử dân dĩ lực đắc phú, dĩ sự trí quí, dĩ quá thu tội, dĩ công trí thưởng nhi bất niệm từ huệ chi tứ….)

Hễ ai gắng sức nhiều thì được hưởng nhiều, được giàu sang, làm biếng thì chịu nghèo. Nhưng vì quá mong cho nước giầu và mạnh, quá theo "chủ nghĩa thực lợi", nên có khi ông bất công, tàn nhẫn với người nghèo:

"Đa số học giả ngày nay nói đến việc trị nước đều bảo: "Cấp đất cho dân nghèo, cho người không có đủ tư sản đủ ăn". Nay có người cũng như những người khác, không trúng mùa, không có nguồn lợi nào khác mà riêng được dư ăn, thì nếu không phải là nhờ siêng năng, tất là nhờ tiết kiệm. Lại có người cũng như người khác không gặp năm đói kém, không bị bệnh tật, tội lỗi gì mà riêng cùng khốn, thì nếu không phải là do xa xỉ, tất là do biếng nhác. Xa xỉ và biếng nhác thì nghèo, siêng năng và tiết kiệm thì giàu. Nay bậc vua chúa thu thuế của người giàu để bố thí cho người nghèo, thế thì cướp của người siêng năng và tiết kiệm để phân phát cho kẻ xa xỉ và biếng nhác, như vậy mà muốn cho dân gắng sức làm lụng tiêu pha bớt đi thì không thể được"

今之學士語治者多曰:"與貧窮地以實無資。"今夫與人相若也,無豐年旁入之利而獨以完給者,非力則儉也。與人相若也,無饑饉疾疚禍罪之殃獨以貧窮者,非侈則墯也。侈而墯者貧,而力而儉者富。今上徵斂於富人以布施於貧家,是奪力儉而與侈墯也。而欲索民之疾作而節用,不可得也

(Kim chi học sĩ ngữ trị giả, đa viết: dữ bần cùng địa, dĩ thực vô tư. Kim phú dữ nhân tương nhược dã, vô phong niên bàng nhập chi lợi, nhi độc dĩ hoàn cấp dã phi lực tắc kiệm dã. Dữ nhân tương nhược dã, vô cơ cận tật cứu họa tội, chi ương, độc dĩ bần cùng giả, phi xa tắc nọa dã. Xa phi họa giả bần, nhi lực nhi kiệm giả phú. Kim thượng trưng liễm ư phú nhân dĩ bố thí ư bần gia, thị đoạt lực kiệm nhi dữ nọa dã, nhi dục sách dân chỉ tật tác nhi tiết dụng, bất khả dã - Hiển học).

Có phải người nghèo nào cũng do xa xỉ hoặc làm biếng cả đâu, có phải người giàu nào cũng do tiết kiệm và siêng năng cả đâu, nhất là trong xã hội thời ông mà đã phải nhận rằng sự đấu tranh để sống rất gay go. Mà trong xã hội lí tưởng của ông, thưởng phạt rất công minh, thì vẫn có những người sinh ra yếu đuối, đần độn hơn người khác, hoặc cha mẹ nghèo nàn không nuôi nấng giáo dục như những người khác, những người đó khốn khổ đâu phải tại họ, sao lại không cưu mang, bố thí cho họ. Tâm lí Hàn đúng là tâm lí hạng tân địa chủ, tôn trọng sự cần kiệm nhưng bất công và có phần tàn nhẫn.

° ° °

Bản tính thứ ba của con người theo Hàn, là chỉ phục tùng quyền lực mà thôi. Về điểm này ông hoàn toàn khác Tuân tử. Tuân tin ở công dụng của sự giáo hóa bằng lễ, nghĩa, ông thì không.

Thiên Lục phản, ông viết:

"Mẹ yêu con gấp bội cha yêu con mà cha ra lệnh thì con tuân lệnh gấp mười mẹ ra lệnh. Quan lại không yêu gì dân mà lệnh được dân tuân lệnh gấp vạn lần của cha mẹ. Mẹ tích lũy lòng yêu con mà lệnh không được theo; quan lại dùng oai nghiêm mà dân tuân lệnh. Vậy dùng oai nghiêm hay dùng lòng yêu, cách nào nên theo là điều dễ quyết định được rồi"

母之愛子也倍父,父令之行于子者十母;吏之于民无愛,令之行于民也萬父。母积積愛而令窮,吏用威嚴而民聽從,嚴愛之策亦可决矣。

(mẫu chi ái tử dã bội phụ, phụ lệnh chi hành ư tử giả thập mẫu. Lại chi ư dân vô ái, lệnh chi hành ư dân dã vạn phụ. Mẫu tích ái nhi lệnh cùng, lại dụng uy nghiêm nhi dân thính phòng; nghiêm ái chi sách diệc khả quyết hĩ).

Thiên Ngũ đố, ông cho sự giáo hóa không có công hiệu, chỉ có nghiêm hình mới trị được thanh niên:

"Nay có đứa con hư, cha mẹ giận la ó, nó không sửa tính, người trong làng trách nó, nó cứ trơ trơ, thày dạy nó, nó cũng không chừa. Lòng yêu của cha mẹ, hành động của người trong làng, và lời giáo huấn sáng suốt của thầy dậy, có đủ cả ba cái đẹp đẽ đó mà chung qui châu bộ đem binh tới thi hành phép nước, lùng bắt kẻ gian, lúc đó nó mới hoảng sợ, thay đổi tính khí, hạnh kiểm. Vậy lòng yêu của cha mẹ không đủ để dạy con, phải đợi có nghiêm hình của châu bộ mới được, vì dân vốn được yêu thì nhờn, phải dùng uy lực mới chịu nghe".

故父母之愛不足以敎子、必待州部之嚴刑者、民故驕於愛、聽於威矣

(Cố phụ mẫu chi ái bất túc dĩ giáo tử, tất đãi châu bộ chi nghiêm hình giả, dân cố kiêu ư ái, thính ư uy hĩ).

Cha mẹ yêu con, con vị tất đã không loạn. Vua cũng vậy, dù yêu dân như con, dân cũng vị tất cũng không loạn. Muốn ngăn loạn, dùng nhân nghĩa không được phải dùng uy thế. Vì bản tính của dân là chỉ sợ hình phạt, tin ở tính thiện của họ là lầm lớn.

"Bậc thánh nhân trị nước, không mong gì dân làm điều thiện 6, chỉ cốt sao cho dân đừng làm bậy thì khắp nước có thể không làm bậy. Người trị nước dùng chính sách nào thích hợp với đại chúng, mà bỏ chính sách nào thích hợp với một số ít người, cho nên không vụ đức mà chỉ vụ pháp luật".

夫聖人之治國,不恃人之為吾善也,而用其不得為非也。恃人之為吾善也,境內不什數;用人不得為非,一國可使齊。為治者用眾而舍寡,故不務德而務法

(Phù thánh nhân chi trị quốc, bất thị nhân chi vị ngô thiện dã, nhi dụng kì bất đức vi phi dã. Thị nhân chi vi ngô thiện dã, cảnh nội bất thập số, dụng nhân bất đắc vi phi, nhất quốc khả sử tề. Vi trị giả dụng chúng nhi xả quả, cố bất vụ đức nhi vụ pháp - Hiển học)

Hàn Phi thật bi quan, không cho hạng bình dân có một đức nào cả, chỉ chê họ là tự tư tự lợi, biếng nhác, không dạy được để kết luận rằng muốn trị họ chỉ có một cách là dùng nghiêm hình, nhưng ông quên rằng thiên Ngũ đố ông đã bảo dù có thưởng hậu phạt nặng cũng không làm cho dân khỏi loạn được! Đó là một điểm mâu thuẫn của ông.

--------------------------------
1Tuân tử là Tuân Hướng, người trong thời tôn xưng là Khanh; Tuân và Tôn đọc giống nhau, nên Tuân Khanh thành ra Tôn Khanh.
2Trang tử - Nam Hoa kinh, NXB Văn Hoá, 1994.
3Có người đọc là duyện.
4Trong Luận ngữ (Tử lộ - 18) Khổng tử có dùng chữ "ngô đảng" mà có người dịch là xóm tôi, có người dịch là đoàn thể của tôi.
5Cũng đọc là nhu.
6Nguyên văn: vi vô nghiêm, có thể hiểu là làm điều thiện theo ý ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét