Trần Thị Trường |
Tôi có cảm giác, Trần Thị Trường là một người đàn bà buồn, đa cảm, đầy tâm trạng trong các truyện ngắn và tiểu thuyết của chị. Nhưng ngoài cuộc đời, chị lại là một người nữ khá cứng rắn, sắc sảo, mang phong cách báo chí nhiều hơn tôi tưởng. Chị từng nói với tôi: nghề báo đã mang lại cho nhà văn một cái nhìn đầy vốn sống tỉnh táo. Còn tôi thì xin được bổ sung: nghề văn đã mang lại cho nhà báo một cái nhìn nhân bản và vị tha hơn, đúng như tâm sự của chị: "Ta còn muốn chia sẻ với cuộc đời thì ta hãy viết để chia sẻ với con người!". (Nguyễn Việt Chiến)
Thủy Chung, Bài Ca Riêng Của Đàn Bà
Trần Thị Trường
Tôi vội vã dúi những bộ áo váy vào trong cái túi du lịch, miệng la hét thằng con trai. Nó cứ lươn khươn, dầm dề như thể định chống lại lệnh của tôi, như thể sẽ không đi cùng tôi, mà ngày thì đã trưa lắm rồi.
Hôm nay không đi xe của ông ấy, mẹ con tôi phải thuê xe ngoài bến. Để ông ấy khỏi biết, cũng là để trong nhà, kẻ ăn người làm không bàn tán xuýt xoa. "Kẻ ăn người làm", ý tôi muốn nói là những nhân viên dưới quyền chồng tôi quản lý.
Không thể để cho họ biết, thủ trưởng của họ "đang bị vợ con theo dõi bắt quả tang bồ bịch". Nếu họ biết, chắc rằng họ sẽ có cớ để lôi thêm vào đó những khuyết tật khác nữa và không khéo họ đánh bật ông khỏi cương vị này.
Loanh quanh với mấy bộ áo và thằng con, mãi rồi tôi mới đi được. Đến sân gôn thì trời đã về chiều. Một vùng cây cối xanh tươi, gió hồ man mác. Sơn thủy hữu tình, nhấp nhô đồi thông, bãi tắm, sân gôn và các nhà đa mái ẩn hiện trong những lùm cây xanh biếc. Người ra kẻ vào, những chiếc ô tô sang trọng, những cô gái xinh đẹp thoang thoảng mùi nước hoa. Một không khí quý tộc và trưởng giả. Thằng Nam nhà tôi háo hức nhìn, vẻ mặt bực bội của nó biến đâu mất, thay vào là hân hoan, thích thú. Nó bảo: "Đấy mới là thế giới của con người". Một tốp đàn ông quần soóc trắng, áo may ô, bước từ con đường rải đá răm vào phòng uống. "Câu lạc bộ - Bia - nước khoáng". Trông họ cường tráng, cơ bắp cuồn cuộn, đầy sức sống. Câu chuyện của họ xoay quanh bãi tập, đường ban, thi thoảng nhắc đến vài cái tên của các cô gái nhặt bóng nào đó: Nga, Huyền, Kiều, My, họ gọi đó là "sự gợi hứng cho nghệ thuật và thể thao". Họ trạc tuổi chồng tôi nên bất giác tôi ngượng ngập về thân thể mình: dù được khoác một bộ trang phục với những đường may tuyệt khéo và chất vải mềm mại, tôi vẫn là người hơi đậm, lùn và chậm chạp - đàn bà ở tuổi ngoài bốn mươi, không giấu được. Thằng Nam, khác hẳn lúc khởi hành, với vẻ mặt bất đắc dĩ, buồn bực, nó nói thẳng không thích thú cái việc đi đánh ghen với mẹ. Nhiều lần nó định quay về, tôi phải lấy cái quyền làm mẹ ra lấn át, bắt buộc nó mới xong. Tôi còn nói thêm:
- Danh dự và hạnh phúc gia đình ta đang bị đe dọa nghiêm trọng. Nguy cơ mất tất cả đang đe dọa chúng ta. Con biết thế nào là người đàn ông mê gái không? Nhất là người đàn ông ấy có địa vị, có tiền bạc và tên tuổi?
Hai mẹ con dừng lại ở phòng tiếp đón. Tôi vào hỏi danh sách thuê phòng. Mấy cô gái tròn xoe mắt nhìn tôi, có cô hơi nhếch mép cười. Người mang số 36, một thanh niên, bảo: "Xin lỗi bà, đó là một việc không thể. Để làm đẹp lòng bà, chúng tôi phải xâm phạm vào bí mật của người khác và đó là tự do của họ, xin bà hết sức thông cảm cho". Tôi ứa nước mắt vì xấu hổ. Điều anh ta nói hết sức đúng, lại giản dị mà sao tôi không hiểu ra. Quyền làm vợ không phải là tất cả. Quyền làm vợ chỉ to trong căn hộ của mình thôi. Tôi cũng hiểu như vậy. Song nỗi đau lớn hơn sự xấu hổ ấy. Với nỗi đau, tôi có quyền làm mọi nhẽ. Tôi đưa mắt nhìn thằng con, nó đang ngắm cảnh vật ngoài sân gôn. Tôi phân vân một lát rồi quả quyết hành động, lần này thì chín chắn hơn. Tôi cười, đổi giọng:
- Bạn thân mến này, có chút hiểu lầm, không phải mình định tìm ai đâu; mình muốn thuê phòng nghỉ ấy mà. Cho mình lấy phòng đôi, đây là chứng minh thư của mình và khai sinh con trai mình...
Tôi đưa các thứ giấy tờ. Người tiếp viên số 36 nói:
- Xin trả lại bà giấy tờ của cậu nhà, chúng tôi chỉ cần biết một người để liên hệ mà thôi.
Hai mẹ con tôi lên lầu 2, buồng số 10. Đứng trong buồng nhìn qua cửa sổ có thể thấy toàn cảnh khu nhà nghỉ này. Những sân gôn cách nhau một hồ nước, nhìn rõ cả những người chơi gôn. Các quả bóng băng qua mặt hồ sang lỗ gôn bên kia, cũng có khi đường ban đi ngắn, quả bóng rơi xuống nước. Lập tức các cô gái còn trẻ, các cậu thiếu niên chạy ào xuống nhặt. Chồng tôi, người ta cũng mới biếu một cây vợt, nghe nói đến mười triệu đồng. Việc chơi bời kéo theo những lơ đãng trong quan hệ vợ chồng làm tôi chán nản, nhiều lúc tôi định đập gẫy cây vợt đó ra...
Cất quần áo vào trong tủ, trong khi cậu con trai tôi giơ ống nhòm nhìn ra sân gôn, tôi đi đặt bữa ăn chiều. Lúc ra cửa, tôi gặp một cô gái quá đỗi xinh đẹp. Làn da mịn màng đỏ au màu nắng, eo lưng thon nhỏ, ngực nở nang, gương mặt rạng rỡ, môi thắm hồng. Bộ đồ soóc may ô càng làm tăng vẻ trẻ trung của cô. Thảo nào đàn ông có thuật ngữ "tươi mát", cô cười cả với cánh cửa, với hành lang, với tôi, nụ cười rạng rỡ cả không gian. Cô mở phòng 12 rồi mất hút sau cánh cửa. Tôi đi xuống tầng dưới trong tâm trạng u buồn. Phải chi thời gian đừng trôi đi như đã trôi đi. Phải chi tôi có thể níu kéo thời gian, có thể đánh đổi bất cứ giá trị nào để tôi không già đi như thế này, để tôi dừng mãi mãi ở tuổi hai mươi như cô gái ban nãy.
Tiếng thở dài bật ra, tôi bất giác đưa mắt nhìn xuống lớp mỡ bụng. Rồi cố bước đi thật nhanh để chữa sự vụng về chậm chạp của mình. Tất cả đã vèo đi nhanh thế, chỉ còn lại đây các vết nhăn và nỗi u buồn cùng các cơ bắp nhão nhoẹt. Cái ngày tôi ở tuổi hai mươi cũng biết bao chàng trai vây quanh và ông ta là người đã trổ hết tài để lấy tôi. Còn bây giờ, ông đang hết sức thận trọng để tránh xa tôi mà không ai biết, kể cả tôi, ông cũng tưởng tôi không biết là ông chỉ ở gần tôi đúng như nghĩa vụ quy định. Còn đâu là đam mê, còn đâu khát khao cháy bỏng...
Người bán vé ăn cho tôi biết, nếu ăn ở phòng lớn thì bữa ăn khá ồn ào vì ở đấy gồm những người đầy phấn khích sau khi chơi thể thao. Còn nếu muốn yên tĩnh, nhà ăn sẽ phục vụ tại phòng riêng. Tôi đã có chủ đích bắt quả tang nên tôi mua vé ăn phòng lớn, hy vọng ông và cô bồ cũng đến ăn ở đó. Trong suốt bữa ăn tôi không nhìn thấy ông ấy đâu cả. Ngoài trời hoàng hôn dần thẫm. Thằng con tôi nhắc khẽ:
- Con thấy mẹ không lịch sự, cái nhìn nhớn nhác của mẹ hệt như một tên mật thám đang rình mò.
Tôi ngượng ngập nhưng cố thanh minh:
- Thì mẹ chỉ nhìn thôi chứ có làm gì đâu! Mẹ nén nhịn đến thế là tốt lắm rồi đó.
- Nhưng có ai rình mẹ đâu?
- Mẹ thì làm gì để bị rình cơ chứ?
- Mỗi người có sở thích riêng, có cách chơi riêng. Mẹ ưa gì, bố có bao giờ ngăn cản?
Tôi còn mải nhìn để tìm ông ta, nên không muốn tranh cãi với nó. Vả lại nó còn bé quá, làm sao hiểu được vợ chồng là một cuộc chơi chung ở mọi phương diện?
Thằng con nhắc lại:
- Có khi mẹ nghe nhầm, người như bố còn bao nhiêu việc, thì giờ đâu để làm những điều vô ích?
- Thế còn cây vợt? Tao thấy người ta bảo ông ấy thường xuyên lên đây, lần nào cũng vậy, vợt, quần áo thể thao, giày, mũ mang đi sạch cả, chơi bời chả là điều vô ích hay sao?
Nấn ná dùng món tráng miệng, vẫn không thấy tăm hơi ông ấy, mẹ con tôi đành ra về. Tôi lên phòng nghỉ, còn thằng Nam thì thả bộ ra đồi cây. Đến cửa phòng, tôi mới chợt nhớ ra rằng cô gái phòng 12 cũng không có mặt ở phòng ăn lớn. Không hiểu vì lẽ gì, tôi đột ngột nghĩ rằng ông ta ở trong phòng cô gái. Tim tôi thắt lại, mắt tôi hoa lên, đầu gối khuỵu xuống. Tôi tựa vào tường hồi lâu, tim mới đỡ thổn thức. Mệt mỏi rã rời, tôi ước ao cái chết. Nhưng trạng thái ấy được thay thế bằng câu hỏi: "Tại sao ta lại phải chết nhỉ, ta là người đàn bà đoan chính, lấy chồng một cách xứng đáng như tất cả các phụ nữ nề nếp gia phong, quý tộc và sang trọng, tại sao lại phải chết vì bọn "gái bao cướp chồng"?" Câu hỏi ấy giúp tôi thăng bằng lại. Đúng hơn là khỏe hẳn lên. Tôi định giang thẳng tay đấm mạnh cửa buồng số 12. Song lóe ra trong đầu tôi câu nói của tiếp viên số 36: "Thưa bà, điều đó không thể. Chúng ta không có quyền xâm phạm bí mật của người khác. Đó là quyền tự do tối thiểu của mỗi con người". Toát mồ hôi, tôi buông tay xuống rồi ủ rũ chậm chạp bước về mở khóa buồng số 10. Trong phòng mình, tôi như con hổ bị nhốt, gầm gừ với chính mình. Soạt. Tôi nghe tiếng phòng bên đổ một cái gì đó. Đúng là họ đang ham muốn nhau, khao khát nhau. Mịn màng là thế, đỏ au lên màu nắng, mọng, mát. Đến mình còn thấy đẹp, còn muốn áp má vào nữa. Tôi cũng muốn làm đổ một cái gì đó, thì cô đơn cũng cần tiếng động mạnh chứ sao! Không, không đủ, phải gào lên cơ. Nhưng rồi tôi không dám, cái môi cô tiếp viên nhếch lên cười mỉa lúc tôi đòi xem danh sách thuê phòng như chế giễu tôi. Tôi ngồi phịch xuống ghế, vơ lấy chai nước uống một hơi. Phải làm thế nào? Làm thế nào ngăn chặn cơn cuồng nhiệt của "chúng" bên kia? Tôi đứng lên thì tiếng thằng con trai vẳng đến: "Mỗi người được hành động theo sở thích của mình, mẹ làm gì ai rình mẹ? Sao mẹ đi rình bố?" "Phải rồi, tôi khát thì tôi uống không ai cấm, nhưng thứ nước tôi khát trong sạch biết bao, thứ mà ông ta khát, nhơ bẩn dường nào?". Nhơ bẩn nào? Đôi mắt cô gái mặc soóc như muốn hỏi tôi: "Nhơ bẩn nào, ai bảo bà tôi nhơ bẩn? Bà cho rằng thế thì tùy bà, đó là quan niệm riêng của bà. Còn tôi, tôi cười cả với thế giới là vì tôi trong sạch đấy. Thế gian không có điều nhơ bẩn. Có chăng đó là sự ích kỷ mà thôi"...
Lại có tiếng cười, tiếng cười của cô gái. Hẳn là ông ta đã làm cho cô ta mãn nguyện! Trời! Thế có điên không! Với tôi thì ông thờ ơ. Không, nói đúng ra thì tôi không muốn ông quá gần gũi, tôi ốm luôn mặc dù rất béo. Thân xác tôi rất mệt mỏi, song chỉ thân xác thôi. Tôi muốn ông vẫn phải say mê, ngưỡng vọng quấn quýt tôi như ngày thân xác tôi còn tươi tắn. Và bây giờ tinh thần tôi vẫn minh mẫn lắm, vẫn cần tình cảm lắm, còn ông thì hình như nếu đàn bà không có một thân thể quyến rũ, song hành với tinh thần thì là một bất hạnh cho ông. Đã có lần hai vợ chồng cãi nhau. Tôi bảo ông đã làm tuổi trẻ, sức lực, nhan sắc của tôi tàn tạ chứ ai? Ông cười: "Ô hay, thế tôi đã làm gì nào, cuộc vui nào chúng ta chẳng vui chung? Bà góp bao nhiêu sức thì tôi góp bấy nhiêu đấy chứ? Có khi tôi còn góp hơn ấy cơ!" Tôi thừa nhận, hai chục năm chung sống, vợ chồng tôi rất hài lòng về khoản tình cảm, chưa kể đến việc ông là một cán bộ cao cấp có trọng trách và làm được rất nhiều việc. Đuối lý, tôi đành viện cớ: "Vợ chồng là nghĩa trăm năm, phải thủy chung như nhất mới là người tốt". Ông lại cười: "Thì tôi vẫn thủy chung với bà đó thôi, bao nhiêu điều bà cần tôi đều đáp ứng cả, con cái nữa, thằng Nam, con Hải tôi chăm nom học hành, nuôi dạy, tôi có định bỏ bà lấy ai đâu. Thế là thủy chung nhất đấy". Tôi nói: "Nhưng dạo này, ông không đậm đà với tôi, ông cứ vắng nhà tuần một lần đó thôi?". Ông bảo: "Thế bà có muốn tôi đậm đà đâu?". Thế là hết nói. Đúng, nhiều khi ông ôm ấp ve vuốt tôi, tôi đã kêu lên: "Xin ông để cho tôi yên, tôi mệt lắm...."
"Dù sao thì...". "Dù sao thì, ông cũng không được phép ôm ấp một thân thể khác, như thế là ông phản bội tôi. Còn danh dự của tôi nữa, của gia đình nữa, nếu ông không định giữ lấy danh dự của ông!..." Suy nghĩ ấy khiến tôi một lần nữa định nhào ra đập phá căn phòng bên cạnh. Bỗng cánh cửa mở ra, thằng con tôi bước vào. Nó vui vẻ xin lỗi tôi:
- Đẹp quá mẹ ạ, lẽ ra con phải rủ mẹ đi cùng, để mẹ ở nhà một mình, thật có lỗi. Không khí dễ chịu, thoảng mùi hoa hồng, gió vi vu, xao động cành lá, mẹ cứ ở trong buồng làm sao thấy được?
Tôi thở dài, con trai tôi hồn nhiên hết chỗ nói. Tuyệt không một lời an ủi mẹ. Nó vào phòng tắm rồi trở ra với vẻ mặt tươi rói: "Thôi con đi ngủ đây"
Nhìn nó ngủ, tôi ghen với nó. Bao giờ thì tôi có giấc ngủ như vậy? - Không một thoáng ưu tư... Tôi cùng nằm giường đối diện, nhưng không sao ngủ được. Bỗng tôi bắt gặp bức tranh trên tường. Tranh sơn dầu vẽ chân dung người đàn bà trạc tuổi tôi. Trông bà bình thản, mà lại kiêu sa, mà lại sang trọng. Có lẽ họa sĩ thấy cần phải ca ngợi cái vẻ ấy của bà. Và họa sĩ có lý. Người trong tranh nhìn tôi như muốn nói: "Bạn không ý thức được hạnh phúc của bạn, bạn không biết tự hài lòng - Điều đó làm bạn trở nên bất hạnh. Đàn bà ai cũng có một thời và chỉ một thời thôi rồi nhan sắc sẽ tàn phai. Nhưng đàn bà vĩnh viễn đẹp, vĩnh viễn quyến rũ đó là sự yêu thương người khác. Bạn nghĩ đến bản thân nhiều quá!" Tôi cãi thầm: "Nào tôi có ăn ngon mặc đẹp mà quên đi chồng con tôi đâu". Tiếng nói trong tranh lại thì thầm: "Này nhé, bạn đòi chồng nghĩ đến mình, yêu mình, đem lại hạnh phúc cho mình, thủy chung với mình. Thế đã bao giờ bạn đặt câu hỏi ngược lại: "Mình đã làm gì cho chồng, đem lại gì cho chồng chưa?" Tôi lại cãi: "Tôi một đời chung thủy; tôi có ối kẻ theo nhưng tôi không tơ hào đến còn gì". "Thôi xin bạn, thực ra, bạn đã lựa chọn được cái mình ưng ý nhất, hài lòng nhất nên bạn không còn vấn vương điều khác mà thôi. Vả lại, nói nhỏ với bạn nhé, nếu bạn có vấn vương thì sức lực cũng không ủng hộ bạn. Trong những cuộc vui chung với chồng, bạn đã tiêu hết vốn bạn có rồi đấy! Và đó là hạnh phúc của đời người đàn bà nề nếp đoan trang. Bạn còn đòi hỏi gì nữa. Bạn không thấy sự khác biệt giữa đàn ông và đàn bà thì đó là một sai lầm. Đàn ông, trời cho một tâm sinh lý khác đàn bà. Họ có nhu cầu riêng và cũng có những hiệu quả lao động riêng. Bạn chỉ bất hạnh khi chồng bạn là kẻ ham gái mà lười lao động, hoặc không lao động có hiệu ích cho đời. Còn sai lầm thứ hai của bạn đó là sự ích kỷ nằm sâu trong tâm: bạn không còn khả năng chơi ván bài tam cúc cùng chồng, mà bạn không cho ai chơi với chồng bạn nữa... Này, hãy nhớ lời tôi nói và ngẫm lại. Khi thấy đúng bạn sẽ thanh thản vô cùng, sẽ ngủ ngon, sẽ hoạt bát, sẽ trẻ đẹp lại và mãi mãi hạnh phúc"...
Không biết bà còn thủ thỉ khuyên nhủ tôi thế nào nữa. Vốn cũng không phải người vô cảm, và bất khả tri nên tôi thấy bà nói hay quá, tôi không còn cãi được nữa, nhịp thở đều hơn, cơn bực tức không còn ùn tắc trong lồng ngực. Bình tĩnh lại tôi ngượng với chính tôi. Liếc nhìn sang thằng con trai, té ra nó "văn hóa" hơn tôi nhiều trong mọi hành động... Tôi thở đều đều và chìm vào giấc ngủ.
Sáng hôm sau, tôi trang điểm trước gương, ngạc nhiên vì vẻ tươi tắn của mình. Tôi rủ thằng con đi dạo ở chân đồi. Ban mai khoác lên vùng sân gôn một tấm voan mỏng, nhấp nháy các giọt sương. Thoang thoảng hương hoàng lan. Tiếng chim chuyền cành ríu rít. Thiên nhiên đẹp và huyền diệu vô cùng.
Khoảng chín giờ chúng tôi vào ăn sáng. Tôi bắt gặp nhiều ánh mắt của các tay gôn. Có tiếng trầm trồ. "Phụ nữ của chúng ta luôn luôn đẹp, họ đẹp ở mọi lứa tuổi ông ạ. Đàn ông chúng ta không cẩn thận họ cho ra rìa cả đấy!" Có tiếng suỵt nhỏ. Lại có ánh mắt nhìn. Lòng tôi rộn ràng, không biết có gì mà vui thế. Một tấm gương lớn treo ở cửa phòng ăn, tôi soi vào, thấy trong gương một người thon thả, kiều diễm và thanh thoát. Tôi nghiêng bên trái, thì người trong gương nghiêng bên phải, tôi giơ tay thì người trong gương cũng giơ tay. Đúng tôi rồi! ồ! Không có lẽ. Mà không thể. Thay đổi gì nhanh thế?
Làm gì để có thay đổi? Nhưng dù sao thì cũng chính là tôi. Tôi đang mải ngắm chính tôi thì tôi thấy cao hơn tôi cái đầu, một người cũng đang soi gương và hơn nữa đang nhìn tôi. Tôi ngượng nghịu cúi xuống, bỗng ông ấy cười lên há há: "Ôi vợ anh - em đến chơi gôn đó à?" Tôi nhận ra tiếng ông ấy. Đằng sau nữa là cô gái mặc soóc. Cô ấy vẫn đẹp như hôm qua. Tôi chìa tay bắt: "Chào cô - chúng ta hình như đã gặp nhau ở hành lang gác 2". Cô nói: "Vâng - thưa bà, cháu cũng mang máng nhưng hôm nay bà đẹp quá, hình như bộ áo váy này hợp hơn với bà thì phải - ông nhà chỉ cho cháu từ đằng xa và bảo: "Đó là vợ tôi!" Cháu không ngờ ở tuổi bà lại vẫn có thể đẹp đến thế này. Chúng cháu đến tuổi ấy dễ thành nắm bột nhão..." Chồng tôi đặt tay lên vai tôi trong lúc cô ấy ríu rít nói chuyện. Rồi ông bảo: "Nào, nào, ta làm chút gì đi chứ! Tôi đói ngấu đây này". Tôi hỏi: "Ông chưa ăn sáng sao?" Ông lúng túng và ngượng nghịu: "Chưa! Tôi dậy muộn quá". Tôi thoáng nghĩ điều gì đó, lại thôi ngay. Tôi chỉ còn nhớ, y như ở nhà lúc ông ấy đòi ăn, tôi vội vàng vào mua cà phê sữa và một lát bánh phết bơ cho ông, không quên hỏi và mua cho cô gái ổ bánh mì với hai quả trứng ốp lếp. Ông và cô gái có vẻ như ân hận điều gì đó.
Chiều đến. Ông thuê xuồng cho chúng tôi đi. Xuồng của gia đình tôi lao hết tốc lực làm mặt nước xé ra trắng xóa. Tôi hò reo thích thú như một cô gái trẻ, còn cô gái lại rất âu sầu. Bố con ông ấy luôn nhắc canh chừng: "Kẻo rồi hai chị em lại ngã xuống nước". Lúc trở lên bờ, ông hỏi mẹ con tôi thuê phòng nào. Tôi nó số phòng. Ông bảo: "Em và con về đi, lát nữa anh đến!" Rồi ông đến ngay.
Đêm ấy, chúng tôi còn chơi tam cúc đến khuya mới đi ngủ. Tôi quên mất không hỏi cô gái kia "quan hệ thế nào" với ông!
Cho đến bây giờ vợ chồng tôi thi thoảng đến sân gôn. Khi cao hứng, ông thường hát câu trêu chọc tôi: "Thủy chung, bài ca riêng của đàn bà". Những khi chồng tôi đi một mình, hình ảnh cô gái hiện ra làm tôi có chút chua xót. Song tôi dẹp ngay điều đó lại không cho nó có dịp phát triển. Tôi thấy rằng kể từ khi trò chuyện với người đàn bà trong tranh, tôi trẻ khỏe hẳn lại. Vợ chồng tôi lại đam mê nhau như xưa. Tôi sống trong tâm trạng vui vẻ và thanh thản. Nếu cô gái có xen vào cuộc sống của ông ấy, đi với ông ấy một quãng đường nào thì chưa chắc mọi việc đã xấu đi... Vả lại cũng ít khi ông đi sân gôn một mình. Có điều phải nói thêm rằng cái đêm ở sân gôn, thằng Nam nhà tôi đi dạo một mình, nó đã gặp bố và người bạn trai của ông. Họ đang chơi cờ vua, bên cạnh họ là cô gái trẻ. (Một là cô gái mặc soóc). Thấy nó, lúc đầu ông cũng lúng túng, sau thì bố con, bác cháu đã tranh luận nhiều điều... Mãi sau thằng Nam mới kể lại cho tôi nghe. Nó kết luận rằng: "Nhìn vào đàn ông là nhìn vào hiệu ích cho đời, cho xã hội, cho gia đình của họ, đừng nhìn những hành động chi tiết mà sai lầm mất".
Điều nó nói với tôi không hẳn đúng, theo quan niệm của tôi. Bây giờ, với tôi "ông thế nào" không quan trọng nữa, mà thiết yếu rằng "Tôi đã vươn tới tình yêu" đến đâu. Đó chính là hạnh phúc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét