Thứ Tư, 9 tháng 2, 2022

THIÊN SỨ CHƯƠNG 5 - TỦ SÁCH

 THIÊN SỨ

CHƯƠNG 5 - TỦ SÁCH


B
ây giờ, không ai nhắc đến quyển sách ấy nữa: “Nhãn đầu mùa”, quyển sách dẫn cuộc đời tôi sang một lối ngoặt.

Hôm ấy, cả nhà vắng, nghiễm nhiên tôi thành chủ nhân thế giới 400 ô vuông nâu. Tôi khóa trái cửa, giữ chặt chìa khóa trong tay và tận hưởng vai trò bà chủ. Tôi không nhớ, bằng cách nào mình đã tấn công tủ sách khổng lồ của bố, khu vườn cấm đầy mời gọi. Trước đó thế giới trí thức của tôi đóng khung trong những bài giảng kiểu “Thịt đóng vào ống bơ” của thày Kiên, trong những số báo “Thiếu niên tiền phong” hai màu lòe loẹt và ngớ ngẩn, trong một vài đầu truyện Kim Đồng do người lớn hạ cố viết cho lủ trẻ, của bố thí hèn hạ. Bố cai quản tủ sách như ông vua độc đoán coi giữ vườn cấm.

Tôi đã hoa mắt trước một rừng hoa thơm của lạ, rồi đánh liều hái bừa, một cuốn sách không quá dày, không quá mỏng: “Nhãn đầu mùa”. Không thể nhớ người ta kể chuyện gì trong đó, hình như chuyện chiến tranh, có súng ống và người chết. Điều duy nhất đọng lại trong tôi là mối tình của một cô du kích xinh đẹp và một anh bộ đội lực lưỡng. Không, không phải chuyện mối tình. Các chuyện cổ tích chẳng đầy rẫy những mối tình đó sao? Chúng chẳng gợi gì hơn một bài học luân lý, giản đơn và không hiếm khi ngốc nghếch. Tôi tiếp xúc với chuyện cổ tích bằng thái độ của người biết rồi phải nghe lại, không chút cảm xúc. Mà thực ra tôi đã biết gì? Còn ở đây, tôi đã mê mải, đã nuốt nước bọt, đã hẫng vào một trạng thái chưa từng biết, toàn bộ nửa dưới cơ thể không hoạt động bình thường nữa, chơi vơi không trọng lượng, rồi rơi tõm vào một đáy sâu không sao định nghĩa nổi. Một thân thể trắng ngần ngập ngừng hiện ra dưới ánh trăng vằng vặc, bộ quần áo du kích nâu non toạc rách, bàn tay mạnh mẽ của người đàn ông vụng về thèm khát một bầu ngực căng tròn run rẩy.

Giữa căn phòng khóa trái, tôi lột hết quần áo trên mình và tủi hổ bật khóc với cô bé 14 tuổi ngơ ngác trong gương. Bàn tay tôi quả quyết đi tìm bộ ngực chưa kịp nhú ra đã bị chặn lại của mình, không chút xúc cảm, không chút rùng mình đầy ma lực. Quyển sách văn học hạng bét ấy đã kết thúc giai đoạn ngây thơ của tôi.

Sau này, nhiều tác phẩm xuất sắc, bằng cách này cách khác đến tay tôi, nhưng không cuốn nào xóa nổi dấu ấn quyết định của “Nhãn đầu mùa”. Có những kẻ may mắn, cánh cửa dẫn họ đến thế giới tri thức là loại cửa sơn son thếp vàng, được xếp hạng chính thức, mở vào một vùng ánh sáng soi tỏ những tượng đài tề chỉnh, họ chỉ việc bước đi trong vùng ánh sáng ấy, dưới những tượng đài ấy, rồi ở nơi nào đó, lại một cánh cửa sơn son thếp vàng khác chờ sẵn. Cánh cửa của tôi sặc mùi da thịt nhớp nhúa, đằng sau nó là bóng tối tội lỗi và bí ẩn, nhưng quyến rũ biết bao, vô tận biết bao. Tôi không ghen tị với những cánh cửa sơn son thếp vàng, tôi giữ mãi lòng biết ơn dành cho biến cố trọng đại đầu tiên trong đời sống tinh thần mình, dẫu nó xứng đáng hay không.

Buổi tối, gia đình tụ họp, tôi lắng nghe những câu chuyện gẫu của bố mẹ, anh chị, và mỉm cười độ lượng. Những kẻ ngoại đạo.

Mặc dù còn lâu tôi mới hiểu những tiếng động ý tứ từ phía giường bố mẹ.

Đêm về, lần đầu tiên tôi mơ thấy một một bãi tắm ánh trăng, bộ quần áo du kích bỏ quên sát chân sóng, và rùng mình tỉnh dậy, toàn bộ nửa dưới người ướt đẫm, tê liệt và khoan khoái lạ thường. Bên cạnh, chị Hằng vẫn ngủ say. Tôi cởi cúc áo chị, lặng lẽ ngắm. Đến bây giờ tôi vẫn không dứt nổi thói say mê ngắm nhìn ngực phụ nữ, khao khát vuốt ve những da thịt trắng ngần. (Chị Hằng: “Có bệnh hoạn không đấy, con ranh?”)

May mắn, bố là một nhà sưu tập đam mê, với 2 động cơ chính:(1) trưng bày collection của mình như khai báo một bộ mặt tinh thần giàu có tươi tốt, bộ mặt hiếm thời cơ xuất hiện trong cuộc sống đầy rẫy những chuỗi xoắn kép thường ngày; (2) mở một hiệu cho thuê sách lúc về hưu – hình ảnh một ông già tóc trắng kính trắng đứng bên quầy sách có lẽ là ước mơ cuối cùng trong cuộc đời không nhiều ước mơ lắm của bố tội nghiệp. Độ phong phú của bộ mặt tinh thần và ước mơ của bố tăng trưởng tỉ lệ thuận với số đầu sách. Bao giờ cũng là những quyển “hiếm lắm”, “quý lắm”, “phải mua tay mới có được đấy”, bao giờ bố cũng ghi rõ ngày tháng, địa điểm mua – “quán sách cũ Bà Triệu”, “Hiệu sách Quốc văn tổng hợp” v.v... và kí chữ kí rắc rối của mình ở trang đầu, rồi trang 17, xác định quyền sở hữu bất khả xâm phạm với tài sản văn hóa nhân loại. Bố tội nghiệp.

Sau “Nhãn đầu mùa”, tôi ào ào tấn công các cánh cửa khác. Ba phần tư trong số ấy chỉ là những attrape không đáng nửa xu, món độn chế biến vội vã cho những dạ dày văn hóa ăn tạp.

“Ruồi trâu” không làm tôi xúc động, tôi từ chối các trò ú tim săn đuổi, những bí mật nửa kín nửa hở, những hồi hộp lên dây cót sẵn, những khung cảnh tạo dựng để thi thố một vài phẩm chất không cố định của con người, như lòng dũng cảm-hèn nhát, đức cao thượng-đê tiện... xoay xung quanh một người đàn ông và một người đàn bà, Đó không phải một tác phẩm chân thực, âu cũng là một dạng cổ tích viết tồi, dẫu dài hơn mọi chuyên cổ tích tôi từng biết.

“Thép đã tôi thế đấy” còn thiếu chân thực hơn. Có lẽ không phải lỗi ở người viết. Ông ta thực lòng tin một câu chuyện giả, và thuyết phục không ít kẻ tin theo. Cái tên sách, cũng như anh chàng Pavel, gợi cảm giác xa lánh nơi tôi, như xa lánh hết thảy những gì tỏ ra mạnh mẽ mà không cuồng dại. Lời tuyên bố của anh ta về cái chết; “... để đến khi nhắm mắt xuôi tay, khỏi thấy mình sống hoài sống phí...” đã sổ một nét tàn nhẫn phân cách đời sống và cõi bên kia, đặt một câu hỏi vô lí về ý nghĩa cuộc đời. Phải, ý nghĩa cuộc sống, chính tôi cũng không ngừng băn khoăn về nó trong vòng luẩn quẩn của 400 ô vuông nâu và một khuôn hình chữ nhật biến ảo, nhưng làm sao có thể đặt một câu hỏi choáng ngợp, thậm chí che lấp cả bản thân sự sống như thế. Anh ta hẳn không bao giờ biết tới những thiên sứ pha lê vụt đến, vụt đi, ban phát và trao tặng không hỏi vì sao, bí ẩn và mỏng mnah như bé Hon của tôi.

Hai cuốn sách quyết định bộ mặt tinh thần của cả một thế hệ. Con đẻ của thế hệ ấy, không thành những Ruồi Trâu thì thành Pavel Kortshagin, đi đứng, nói năng, tư duy, sống và yêu đương trong bộ đồng phục tinh thần may sẵn, hiệu Voynich hay Ostrovsky. Có vài mẩu tinh thần khác phụ thêm, tạo cảm giác nào đó như thể phong phú và sinh động trong khuôn khổ, đại loại “Jane Eyre”, mélodrame lâm li hậu hĩnh, “Nam tước Phôn Gôn-rinh”, mélodrame lâm li không hậu hĩnh cho lắm, hay Pautovsky – Bông hồng vàng, mélodrame ngọt ngào cố tỏ vẻ anti-mélodrame thông tục.

Tôi khước từ thế hệ ấy, không chỉ bằng lễ rửa tội vĩ đại năm 14 tuổi. Tôi khước từ quan hệ họ hàng với những nhân vật xa lạ kia, khước từ những sản phẩm confection may hoàng loạt.

Có những thế hệ may mắn – hoặc bất hạnh hơn, ai biết? – ra đời trong những đồng phục tinh thần khác. Có lẽ bố mẹ tôi đã lớn lên với Scholochov, Balzac, hay các “Tiểu thuyết thứ bảy” và “Tự lực văn đoàn” nào đó. Baudelaire, Lermontov, Tschechov, hết thảy người Nga và người Pháp. Nếu buộc lòng phải chọn một mô hình nào đó, tôi cầu chúc cho các thế hệ sau một hành trình văn hóa dài hơi hơn. Đừng bỏ quên mảnh đất nào trên địa cầu, nhất đừng quên mảnh đất ngay dưới chân mình.

Tôi từ chối không đứng vào bất kì thế hệ nào. Tôi từ chối bất kì bộ đồng phục quá chật hoặc quá rộng nào. Hãy để tôi trần truồng với cơ thể còm nhom sớm đình tăng trưởng của tôi.

Vậy mà có một cuốn sách đã theo tôi suốt chừng ấy năm: hiệp sĩ cô đơn Don Quichotte. Lúc đầu tôi gạt chàng sang bên, chàng lạc lõng giữa những cuộc tìm kiếm bất tận của tôi theo các mối tình, thật và không thật, gợi đê mê hay trơn chuội. Cho đến khi tôi giật mình dõi theo cuộc chiến đấu vô vọng và thơ mộng của chàng, chẳng riêng chống lại những chiếc cối xay gió nổi tiếng. Không thể nói gì hơn về chàng, như không thể nói gì về những giấc mơ lặp đi lặp lại của tôi, mơ những điều không thể xảy ở đời.

Sau này, thế giới sách sở đã mở những cánh cửa bất ngờ nhất đón tôi. Tôi lang thang trong cái mê cung ấy, không một sợi chỉ dẫn đường. Nơi cần, lắm khi phải vòng vèo mới tới, lại không được phép ngoảng nhìn đám núi lớn núi nhỏ sách vở đằng sau. Như bị thúc vào lưng, tôi lập những kỉ lục siêu nhân về tốc độ tiêu thụ sách. Thừa nhận, nhiều quyển bị tôi nuốt chửng, chưa kịp tiêu hóa – thói quen của kẻ nhịn đói lâu ngày – chồng chất ngổn ngang trong tôi, nhưng không chịu đào thoát. Rất lâu, rất lâu sau, tôi, con nhà nghèo, mới biết làm chủ cung cách thưởng thức những bữa tiệc thịnh soạn của kho tàng văn hóa nhân loại.

Mỗi người một phong độ. Bố tôi thưởng thức bằng cách lo sao cho những tư tưởng vĩ đại từ cổ kim đông tây chen vai thích cách trong tủ sách gia đình, rồi nhốt chặt chúng sau lần bìa cứng, một đám ma giấy không đến nỗi thiếu sang trọng. Mẹ khước từ văn hóa, phản ứng bản năng, phản ứng sinh tồn, không phải không gợi cảm phục nơi tôi. Anh trai cả, anh Hạc, chia xẻ triệt để thái độ của mẹ, phản ứng có điều kiện, những tín hiệu báo động thường xuyên xuất hiện trong cuộc thí nghiệm khổng lồ 31 năm trời anh vừa trải qua đã vĩnh viễn xóa bỏ cảm tình dành cho bất kể điều gì gợi hơi hướng văn hóa. Anh bỏ học năm 13 tuổi, chưa hết lớp 7, cười khẩy trước cái “uy tín danh dự gia đình cán bộ” của bố, nhún vai trước cặp mắt van nài của mẹ, bỏ đi bán kem, phe vé, đưa báo, đạp xích lô, đủ nghề, nhập ngũ, đào ngũ, rồi lại nhập ngũ, cuối cùng xuất ngũ và trở thành chủ số đề, một công việc chỉ liên quan tới dãy số tự nhiên từ 00 đến 99 mà vốn liếng văn hóa dở dang của anh có thể bảo toàn. Anh thứ hai, anh Hùng, là chiếc cầu quan trọng nối từ người con cả, đứa con bỏ đi, đến tôi, đứa con út nặng nợ của gia đình. Thái độ trung lập đối với văn hóa tiêu biểu cho toàn bộ thái độ sống của anh ở mọi lĩnh vực. Anh luôn đứng giữa, ôn hòa, cái gì cũng biết một chút, cái gì cũng say mê một chút, toàn diện và hời hợt, vừa đủ thông minh để hài lòng với mình, vừa để tốt bụng để tránh hại kẻ khác, một liên từ cần thiết, nối những mệnh đề phụ dài dòng rắc rốivà mệnh đề chính cụt lủn không ăn nhập nhau về ngữ nghĩa. Hậu sinh khả úy, anh không lặp lại những động tác sưu tập và đóng quan tài giấy của bố, anh biết đến sách vở, như đến với bóng đá, đàn guitar, hay các cô gái đẹp. Gia đình và họ hàng tôi ngưỡng mộ anh vô điều kiện, tệ sùng bái các dấu gạch nối.

Đến hai chị sinh đôi Hằng Hoài, sách vở đã là không khí hít thở. Tốt nghiệp đại học, chị về làm việc tại thư viện quốc gia, thư viện lớn nhất ở miền bắc. Tôi không còn phải trông cậy vào collection thượng vàng hạ cám của bố nữa. Nguồn cung cấp trung thành nhất là chị Hằng, dẫu chị đưa tôi sách với vẻ hạ cố, như những người soát vé dễ tính thường nhắm mắt làm ngơ để trẻ em chưa đủ tuổi thành niên vào xem phim cấm. Chim muông cùng ăn một quả mà trả những hạt vàng khác nhau. Hai chị em tôi cùng hít thở một bầu không khí, nhưng chị đã thành một người đàn bà xuất sắc, thông minh, nhạy cảm, đầy tham vọng, còn tôi mãi mãi không vượt qua ngưỡng cửa dẫn vào thế giới người lớn, dẫu từ lâu, từ thuở đặt chân vào khu vườn cấm của cha, tôi đã lãnh trọn tội tổ tông và không bao giờ còn trinh trắng nữa.

Ở nhiều gia đình khác, tôi chứng kiến một tiến trình văn hóa ngược lại. Những tủ sách khổng lồ, truyền từ đời cha ông, đến con cháu bỗng tan tác, chỉ còn thấy vài mảnh nay mắn lạc vào một quán sách cũ nào đó, nếu không tập kết tại các gánh đồng nát hay hẩm hiu hơn, dưới đáy xoong nồi hoặc các nhà vệ sinh công cộng. Dù sao mặc lòng, tôi có đủ chứng cớ khẳng đnh học vấn và tri thức là hai thứ rất ít liên quan tới các nhân tố tạo homo-A.

Chiều nay, anh ta lại đến dưới cửa sổ, không quên chiếc bơm. Hẳn anh ta đã qua lớp 10; ở thập kỉ này, bằng tốt nghiệp phổ thông còn nói lên điều gì? Anh không phải là người chăm đọc, chí ít, anh tỏ ra không lấy thời gian vục đầu vào bất kể quyển sách nào thuận tay vớ được. Nhưng anh homo-A từ đầu tới chân. Triệu người may lắm có một. Số mệnh run rủi đẩy anh vào tầm tay tôi, có những người sinh r a để thuộc về nhau. Tôi đã chờ anh bao nhiêu năm ròng bên cửa sổ. Kẻ vô địch trong nghệ thuật chờ đợi, giờ lại hoảng sợ cố thu mình thành ốc, để khỏi nôn nóng phá hỏng phút quyết định cuối cùng.

Chương 4 - Chủ nhật

Chương 6 - Chuyển động BROWN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét