ĐỐI THOẠI SAU BỨC TƯỜNG
Dương Thu
Hương
Khi đã già, người ta dễ tủi
thân lắm. Bất cứ sợi dây liên tưởng nào cũng có thể co thắt trái tim ta lại đau
đớn và nhức nhối. Nhất là vào tiết đông giá lạnh này. Những ngọn cây cứ lắc lư
hoài trong gió. Lá vàng rụng tơi bời trên các lối đi. Trời xám đục và khói lởn
vởn ở cuối thành phố giống như cuộc cắm trại thời ta trai trẻ đã qua mà đống lửa
trại chưa tàn cứ âm ỉ ngún cháy. Trên hè phố, trai gái đi từng cặp - chúng nó
có lứa đôi. Những người đàn ông và những người đàn bà bước hối hả - họ có công
việc gia đình. Còn lũ trẻ choai choai, bắng nhắng xấc xược thì khỏi phải nói. Bất
kể thời tiết nào chúng cũng tràn ra đường và ầm ĩ, nhộn nhạo.
Tôi cuốn phu-la lên cổ. Sao
mùa đông năm nay trời lạnh thế. Năm mươi tư tuổi đâu đã phải là tuổi già đối với
người đàn ông ? Vậy mà tôi bỗng thấy ghê sợ cái mùa đầy thi vị với những năm
tháng trước. Ồ, đâu đã xa xôi gì ? Mùa đông năm kia tôi còn đi bắn sâm cầm với
một người bạn gái. Trời khoáng đãng. Chân trời lặng lờ không gợn mây. Không khí
trong trẻo và buồn. Con đường quốc lộ trôi vèo vèo dưới bánh xe Vespa Supe của
tôi. Người đàn bà ngồi phía sau im lặng. Không hiểu cô ta nghĩ ngợi gì, nhưng
mùi kem bôi da lùa vào mũi tôi một hương thơm nhẹ nhàng, thanh nhã. Chiếc khăn
quàng cổ lụa bay phần phật, cả chiếc khăn đó cũng tỏa mùi thơm kín đáo. Suốt
quãng đường đi, cô ta cứ ngồi im lặng như thế. Tôi biết rằng đôi mắt đẹp của cô
đang đăm đăm nhìn về phía trước, nơi con đường với hai hàng cây xanh thẫm tẽ
làm đôi để trôi tuột về phía sau, giữa đồng ruộng trơ gốc rạ, giữa những bờ cỏ
may và những đụn rơm con đang khơi gợi niềm cảm mến dịu dàng cùng nỗi hối tiếc.
Có thể cô ta nhớ lại thời thiếu nữ. Khi đó, đôi mắt đẹp kia còn trong veo, và
những nếp nhăn lờ mờ chân chim chưa hằn lên gò má. Khi đó, cô chưa bị trói buộc
vào một cuộc hôn nhân không toại nguyện, và phải thức suốt đêm để chấm bài thi
cho học sinh. Khi đó, cô chưa biết nỗi lo toan nhọc nhằn về chuyện cơm áo...
Vâng... Khi đó... Cái ngày tít mù khơi ấy hẳn là cô ta đẹp vô cùng. Nhưng cái
ngày đó đã qua. Khi cô ta biết tôi, cô cũng vẫn còn đẹp.
- Anh xem xem, như thế này
đã được hay chưa ?
Cô ta thường ngước mắt nhìn
tôi, hỏi như thế, khi trên tay cô, con sâm cầm bị xiên vào chiếc que tre đã
vàng rộm và nhỏ mỡ xèo xèo lên đám than.
- Có phải hong lên than chừng
dăm phút nữa cho già lửa không anh ?..
- Hình như rượu hơi chua,
không được thơm như lần trước, phải không anh?...
Bao giờ cô cũng có những câu
hỏi ngoan ngoãn, dễ chịu như thế. Và lúc ấy, cặp mắt đen như than của cô đẹp mê
hồn. Những nếp nhăn mờ nơi gò má bị chìm đi vì hơi lửa làm gương mặt cô hồng
lên một màu hồng trẻ trung và hạnh phúc. Trong những tia nhìn bất chọi ánh ỏi
như phản quang của một hạt cát, tôi đọc thấy tất cả nỗi mong mỏi, sự khao khát
và lòng tin cậy ở nơi tôi. Khi người đàn bà yêu, người ta trẻ lại. Những lúc
đó, không ai có thể coi cô quá tuổi ba mươi. Nhưng thực ra, cô ta đã bốn mươi mốt
tuổi. Và đứa con trai lớn của cô đã học đại học năm thứ ba rồi. Đứa con gái thứ
hai cũng học lớp chín. Tôi làm sao có thể kham nổi cái gánh nặng đó? Những đứa
con. Những đứa con của người khác. Chúng sẽ có đủ thứ nhu cầu: Tiền ăn, tiền học,
tiền áo quần, tiền tiêu vặt. Một ngày chủ nhật, một đôi giày, một chiếc áo
khoác mới… Rồi chúng sẽ cưới vợ, lấy chồng... Tôi sẽ phải đóng vai ông bố một
cách bất đắc dĩ. Tôi sẽ phải mất thời giờ đi hỏi vợ cho đứa con trai, thời giờ
tiếp chuyện gia đình thông gia cho đứa con gái, phải góp ý kiến cho chúng về
chuyện hôn nhân, chưa kể là sau đó có thể còn phải làm ông, một tai ương ít người
tránh khỏi.
- Anh có thể nuôi em hoàn
toàn - Tôi nói với cô ta - Anh có thể nuôi em hoàn toàn, có nghĩa là anh sẽ để
cho em được phép sử dụng toàn bộ số lương của em vào việc chi phí cho hai đứa
con em. Còn nhà ở, tiện nghi của anh và em, sinh hoạt của hai người do anh đảm
đương hết... Nhưng đáng tiếc rằng, ngoài vấn đề tiền nong, anh không có thời giờ
làm bố, dù là bố dượng, cũng phải có thời giờ, và có sự hy sinh. Nhưng em hãy
thông cảm cho anh, anh không có thời giờ. Thời giờ của anh dành cho khoa học một
cách tuyệt đối. Cả bộ sách về công trình Lý sinh, anh mới đặt bút dịch được hai
mươi bốn trang đầu...
Tội nghiệp, khi nghe tôi nói
thế, cô ta đã khóc. Những giọt nước mắt rất lớn, và rất trong. Ít người khóc, đẹp
như cô ta đã khóc. Hôm đó, chúng tôi đang ngồi trong một ngôi điếm gạch trên
đê. Bên ngoài gió lạnh. Những đám than bị gió quạt đỏ rực lên. Mùi sâm cầm nướng,
mùi rượu và xôi mới thơm nao nức. Đáng lẽ, đó là một ngày chủ nhật tuyệt điệu.
Đáng lẽ, tôi không nên nói những điều ấy vào lúc bữa ăn đã chuẩn bị sẵn sàng...
Vâng, nhưng người ta thường hay mắc những sai lầm lặt vặt, ngay cả khi đã năm
mươi hai tuổi…
- Cọc, cọc, cọc...
Có tiếng gõ cửa.
Người đàn ông quấn lại
phu-la cho kín cổ, khép hai vạt áo khoác và đi ra, mở khóa. Cánh cửa vừa hé thì
một gương mặt tròn trịa tươi tắn hiện ra:
- Thầy ạ!
- Chào em, vào đây.
Người đàn ông gật đầu, chờ
cô gái vào rồi khép cửa. Cô gái đứng chờ đợi. Mắt nhìn đôi giày vải thêu kim
luyến dưới chân ông:
- Ngồi xuống, có chuyện gì
mà cần đến tôi ?
- Thưa thầy, trong lớp vừa
có sự biến. Các bạn trong lớp cử em ra tìm thầy.
- Nói đi !
Người đàn ông nói, tay dỗ đầu
điếu thuốc lá xuống mặt kính lót trên bàn làm việc.
- Thưa thầy, anh Hùng bị tự
vệ trường nhốt trong văn phòng. Anh ấy thay mặt ban đời sống của lớp xuống bếp
kiểm tra. Bốn hôm nay nhà bếp toàn ăn bớt gạo, nên cơm bữa nào cũng thiếu. Sáng
nay, anh Hùng nóng quá không nhịn được, đem thúng cơm ra xúc cát ngoài sân trường
đổ vào mỗi xoong cơm một bát sắt lớn. Anh ấy hô hào anh em trong lớp rằng đem
các xoong cơm đó lên Ban giám hiệu trường, vì cân cả cát nữa mới đủ tiêu chuẩn
cơm.
- Có thày hiệu trưởng không?
- Thưa thầy, thầy hiệu trưởng,
hiệu phó đều đi vắng hết. Chánh văn phòng không thèm trả lời, lại còn gọi tự vệ
trói anh Hùng nhốt vào văn phòng.
- Tại sao các cô các cậu lại
hay sinh sự ra như thế. Một vài miếng cơm thì bõ bèn gì mà rắc rối?
- ...
Cô gái không trả lời, cúi mặt
xuống. Sau một hồi im lặng, người đàn ông thở dài rút trong ngăn kéo tờ giấy:
- Thôi được, tôi sẽ viết thư
cho văn phòng. Em mang đến và bảo là ngày mai tôi sẽ vào trường nhớ chưa ?
- Thưa thầy, em nhớ rồi ạ !
Cô sinh viên ngoan ngoãn
đáp. Mắt cô dán chặt vào những ngón tay bắt đầu nhăn nheo của ông thầy. Từng
dòng chữ hiện lên trang giấy. Đó là những dòng chữ rất đẹp, ngay ngắn, đều đặn,
rõ ra nét chữ của một kẻ tài hoa. Cô gái chờ ông giáo viết xong, gập lại làm
tư, bỏ vào túi xách rồi hớn hở chào ông ra về.
Tiếng cánh cửa sập lại đẩy căn phòng vào trạng thái yên tĩnh ban đầu. Lại nghe tiếng mọt nghiến gõ kèn kẹt đâu đó và tiếng gió lùa qua lỗ thông hơi hình hoa khế sát trần nhà kêu vo vo. Người đàn ông đặt đôi giày vải thêu kim tuyến lên tấm thảm trải sàn, nằm xuống đi-văng và bắt đầu nhìn những vết nứt trên trần nhà. Chúng vòng vèo như những dấu chân chim và có màu vàng ố.
... Cái thằng chánh văn
phòng này đồi bại thật. Con mụ quản lý bếp chuyên môn hầu hạ, đút lót nó. Nay
cân đường, mai tút thuốc, thì thụt suốt năm. Mình nghe người ta nói rằng con mụ
này còn lấy tiêu chuẩn gạo nếp tết năm vừa rồi của một số sinh viên chậm phép
đem cho lão ăn rồi trả lại anh em mì sợi mốc... Không hiểu có đúng không? Sớm
mai, mình sẽ vào trường. Cần phải làm cho ra lẽ... Trời ơi, gió rít ngoài kia mới
ghê chứ. Mùa đông năm nay bắt đầu một cách dữ dằn. Nó không cho con người đủ thời
gian để làm quen với nỗi kinh hoàng của giá rét. Năm mươi tư tuổi đầu, người ta
sẽ biết cô đơn và hối tiếc. Cái quãng đời dằng dặc đã qua, dù sao cũng lấp lánh
như một bãi biển lúc mặt trời lên. Đời mình đã đi qua bao nhiêu bãi biển: Đồ
Sơn, Sầm Sơn, Bãi Cháy, Cửa Lò, Đồng Hới, Mỹ Khê, Vũng Tàu, Đại Lãnh... Hồi đi
nghỉ mát ở Sầm Sơn, mình đang còn yêu cô bé quay phim. Cô ta là phóng viên đài
truyền hình. Hai mươi sáu tuổi, trẻ trung tươi rói như một bông hoa vừa nở. Khi
cô mặc áo tắm đi trên bãi cát, tất cả đám người tắm biển đều phải ngoái cổ nhìn
lên. Một tấm thân thon thả, óng nuột. Đôi chân dài, thẳng như chân diễn viên
ba-lê. Cả bãi cát, cả sóng biển, cả những cánh buồm trắng như bướm lượn cũng bị
lu mờ trước nhan sắc rực rỡ của cô. Mình đã tự hào bao nhiêu trong mùa hè thần
tiên ấy. Lũ bạn đồng niên đã chẳng nhảy rồ lên vì khao khát hạnh phúc của mình
đó sao:
- Thằng này đào hoa cư mệnh
hay chiếu mệnh mà may mắn thế hả? Còn chờ đợi gì nữa. Hãy làm ngay một đám cưới
gọn nhẹ của thập kỷ này cho bạn bè có dịp vui chơi nhảy nhót. Allons...
- Xin kính chào tình yêu thần
thánh của anh. Cô bé xinh quá và rất chân thành. Một tâm hồn trong sáng hứa hẹn
một hạnh phúc mỹ mãn. Cô ấy sẽ giúp anh thành công hơn nữa trong cuộc đời, nào
bắt tay.
- Nào, chúc hạnh phúc...
Cô bé đáng yêu đã cười sung
sướng bao lần trước những lời khen ngợi. Nụ cười con gái tin cậy, thơ ngây...
Mình đã yêu em từ bao giờ? Không còn nhớ. Mình đã đến giảng bài tại cơ quan cô ấy.
Và rồi sau giờ giảng đó, một cô bé vừa mạnh bạo, vừa bẽn lẽn đã đứng chờ mình
ngoài cửa hội trường:
- Em muốn hỏi anh một câu,
có được không ạ?
- Không sao, tôi sẵn lòng trả
lời cô.
- Ban nãy, anh nói tới khả
năng giao cảm của con người. Nhưng liệu rằng khoa học có điều khiển được khả
năng đó, hoặc phân phát nó một cách bình quân cho nhân loại hay không?
- A ha...
Mình đã bật cười vì câu hỏi
ngớ ngẩn ấy. Mặt cô gái đỏ bừng lên như đóa hoa mào gà:
- Xin lỗi cô, tôi cười vì cớ
khác... Khả năng điều khiển giao cảm của khoa học cho tới ngày nay vẫn còn nằm
trong những dự án tương lai. Còn sự phân phối bình quân hoạt động thần kinh đó
thì tôi chắc là khó thực hiện được. Cũng như người ta không thể phân phối nhan
sắc cho những cô gái, sự thông minh mẫn tiệp cho những người đàn ông, và cái
nghề phóng viên truyền hình của cô cho tất cả các công dân đến tuổi trưởng
thành...
- Dạ... Nhưng;
Cô ta trả lời một cách bối rối,
tay khoa lên định diễn giải điều gì đấy, nhưng hẳn là ngượng ngập nên lại thôi.
Lúc đó, cô gái tự bộc lộ hoàn toàn. Cô ta giống như một con thỏ trắng sạch sẽ
và xinh đẹp, dịu hiền nhưng bướng bỉnh. Tuy nhiên, ngay cả sự bướng bỉnh đó
cũng rất dáng yêu.
- Lúc nào rỗi, mài cô tới
nhà tôi chơi. Chúng ta sẽ có dịp tranh luận. Đây là tấm danh thiếp có ghi địa
chỉ của tôi.
Mình buột miệng mời cô tới
nhà, hoàn toàn không ý thức mà chỉ do điểu khiển của cõi vô thức. Cô gái cầm tấm
danh thiếp trên tay, vừa sửng sốt, vừa cảm động. Đôi mắt tròn to của cô giống hệt
mắt thỏ, nhìn vào mắt mình với nỗi rung động chói sáng như khi ta thức đậy và
nhìn vào phương trời đang ửng rạng bình minh.
- Anh nói...
Cô ấp úng. Mình cúi chào cô
ta rồi quay đi vì xe đã tới đậu sát một bên để đưa mình về nhà. Khi qua cổng,
mình vẫn còn nhìn thấy cô bé đứng một mình trước cửa hội trường. Một tay cầm cuốn
sổ. Tay kia mân mê chiếc nơ nhỏ trên cổ áo. Màu áo tím đỏ lấm tấm trắng làm góc
trời ấm lên.
Ôi
em, ngọn lửa nhỏ thần tiên.
Em,
ngọn lửa nhỏ trong khung trời cách biệt
Em
của riêng anh, mình anh nhận biết...
Mình đã đọc những câu thơ đó
từ bao giờ? Từ năm mình hai mươi tuổi. Trong một cuốn thơ in chữ nhỏ bằng tiếng
Pháp. Ngoài bìa sách có vẽ bông hoa tím và bàn tay thiếu nữ, với những chiếc lá
vàng tàn úa đang rơi…
- Cọc, cọc cọc cọc...
- Ai đấy ? Xin mời vào!
- Chào giáo sư !
- Cám ơn, chào anh. Mời ngồi.
- Thưa giáo sư...
- Anh uống nước đi. Anh ở
đâu nhỉ?
- Thưa giáo sư, tôi ở bên xuất
bản.
- Vậy hả ? Chắc anh mới về ?
- Vâng, thưa giáo sư, tôi vừa
về nhận công tác và được giao biên tập cuốn sách của giáo sư thay cho anh Hoan
vì anh ấy bị xơ gan phải vào viện Việt -Xô nằm.
- Anh thay cậu Hoan à ?
- Thưa vâng, chắc giáo sư ngạc
nhiên. Tôi cũng đã báo cáo với đồng chí tổng biên tập là nên cân nhắc vì dù sao
tôi cũng mới ra trường, còn rất ít kinh nghiệm. Nhưng cấp trên vẫn giao vì chủ
đề cuốn sách thuộc khu vực chuyên môn do tôi phụ trách.
- Thế hả ?...
- Thưa giáo sư, hôm nay tôi
tới đây để xin phép giáo sư được trao đổi về cuốn sách đó.
Chàng trai nghiêng mái tóc
dày, đen, có những gợn xoăn rất đẹp và anh ta mở cặp, lấy ra một nắm bìa trắng
nhỏ giống như những tấm phích chứa ên sách ở thư viện. Anh ta giơ từng mảnh bìa
nhỏ lên xem, xong lần lượt đặt trước mặt chủ nhân như trò bói bài tây :
- Thưa giáo sư ! - Anh ta cầm
mảnh bìa thứ nhất - Ở chương một phần đặt vấn đề dài quá. Vì là công trình khoa
học nên không cần đưa cả bảng tổng kết truyền thống vào đây. Theo tôi, giáo sư
nên gạch bỏ từ dòng chữ mười ba, trang hai mươi sáu.
- Anh định bắt tôi bỏ hết cả
khăn cả mũ đi để cuốn sách trọc long lóc như đầu ông sư hay sao ?
- Thưa giáo sư, tôi nghĩ rằng
như thế có lợi cho công trình của giáo sư hơn.
- …
- Tôi xin phép giáo sư để được
nói rằng: Đối với các công trình khoa học, lượng thông tin là giá trị tối ưu và
duy nhất. Nhân loại chỉ đánh giá các công trình dựa vào hiệu quả có thật của nó
trong thời đại này, vào thời điểm lịch sử này. Ngoài giá trị đó ra, nó không tồn
tại được dù bất cứ bảo trợ khả thủ nào. Dẫu chứng ta có đưa cả một bảng thành
tích dày đặc vào để làm chỗ tựa cho công trình khoa học của chúng ta trụ vững.
Chỉ có chính lượng thông tin của công trình đó, hiệu quả cụ thể của nó đối với
cuốc sống nhân loại mới thật là vàng ròng đảm bảo cho nó sống.
- Ha ha, anh thật là một nhà
cách tân đấy. Nhưng anh nên nhớ rằng những điều anh nói, chúng tôi đã từng nói
khi chúng tôi chập chững vào cổng trường đại học. Tuy nhiên, cuộc đời không còn
đơn giản như anh nghĩ. Ở nước ta, mọi thứ đều phải có cốt cách dân tộc. Tôi đố
anh cứ bỏ hết những lời mở đầu trong chương một mà được in đấy.
- Thưa giáo sư, cách nào thì
cũng phải hợp lý. Trước chưa hợp lý thì bây giờ phải hợp lý. Cả phần đó cũng
không ăn nhập gì vào nội dung công trình nghiên cứu của giáo sư cả. Mà bây giờ,
giấy đang thiếu. Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên lãng phí giấy để in những
dòng chữ vô bổ.
- Anh tuyên bố đấy phải
không?
- Thưa giáo sư, tại sao giáo
sư lại căng thẳng như vậy? Tôi chỉ muốn công trình của giáo sư được trình bày một
cách khoa học và chính xác.
- Nhưng nếu tôi không muốn bỏ?
- Thưa giáo sư, tôi là người
biên tập thứ nhất. Tôi phải chịu trách nhiệm về những dòng chữ đưa xuống nhà
in.
- Có nghĩa là anh nhất quyết
buộc tôi gạch bỏ.
- Thưa, vâng!
Chàng trai đáp, sau một liếng
thở dài. Người đàn ông đỏ mặt lên, cặp mắt sau kính chớp liền ba bốn lần. Ông
co tay, cho vào túi áo khoác và nói:
- Vậy thì lời tuyên bố: Những
gì tôi đã viết ra không được bỏ một chữ, chứ đừng nói tới một dòng.
- Nhưng thưa giáo sư, chính
giáo sư cũng thừa nhận rằng điều tôi nói, giáo sư cũng đã từng nói khi bước vào
trường đại học. Có nghĩa rằng nó hợp lý.
- Cứ cho là thế đi...
Người đàn ông châm thuốc,
hút một hơi dài rồi lại dúi mạnh đầu thuốc cháy xuống chiếc gạt tàn bằng sứ trắng.
- Nhưng tôi đã viết ra rồi,
tôi sẽ không bỏ, dù chỉ lả nửa chữ.
- Giáo sư không nghĩ rằng
chính điều đó sẽ làm hại mình?
- Quy kết ghê gớm nhỉ? Tuổi
trẻ các anh thường mắc cái bệnh này. Hình như các anh cho rằng nếu không quy kết
tội lỗi được một ai đó thì các anh sẽ kém giá trị đi, phải không?
- Thưa giáo sư! - Chàng trai
ngẩng lên, hai gò má đỏ ửng - Ông nhận định sai rồi.
Người đàn ông chợt thấy mình
quá lời liền lặng im. Chàng trai trẻ cũng lặng im. Chiếc quả lắc trên tường bỗng
ngân nga thánh thót một cách nhạt nhẽo. Sau đó, chàng trai mân mê những mảnh
bìa trắng trên bàn:
- Hai, ba, năm, bảy… Mười
hai... cuốn sách phải cắt đi mười ba đoạn dài, chưa kể các câu lặt vặt giữa
trang.
Anh nói cho riêng mình nghe,
vì người đàn ông không nhìn anh mà nhìn cái quả lắc đồng hồ. Cái quá lắc đồng
đã sỉn, lúc lốc đều đặn theo thói quen:
Sau cùng chàng trai ngẩng
lên:
- Như vậy là giáo sư cương
quyết...
Chủ nhân đứng lên, gật đầu.
Cặp kính cận dày tụt xuống
chóp mũi. Người khách trẻ cũng đứng lên, và đương đầu với tất cả uy quyền đó bằng
cặp mắt trong trẻo của anh,với mái đầu có những gợn xoắn rất đẹp:
- Thưa giáo sư, tôi cũng xin
phép được từ chối biên tập cuốn sách của giáo sư.
- Từ chối hả ? Anh nhầm lắm.
Tổng biên tập sẽ bắt anh phải làm.
- Dù tổng biên tập bắt buộc,
tôi cũng từ chối. Tôi muốn chịu trách nhiệm về công việc của mình.
- Đừng dại dột, một chân
biên tập viên đối với sinh viên mới như anh là may mắn lắm rồi. Không nên để tới
lúc người ta điều anh đi sửa mo-rát.
- Thưa giáo sư, tôi sẽ làm
thợ chấm mo-rát. Chào giáo sư…
Cánh cửa chưa kịp đóng chặt
thì một cơn gió ùa vào đẩy bật trở ra. Gió lùa vào phòng làm những mẩu giấy
trên bàn bay khắp nhà. Người đàn ông bỗng thấy run lên vì giá lạnh :
- Cha cha, rét quá...
Ông đóng cửa lại. Đứng ở đó
hồi lâu để nhìn những mảnh giấy rơi lung tung trên căn nhà. Sau đó, ông pha một
chén ca-cao đặc với sữa uống rồi lên đi-văng nằm.
Cái thằng ranh con khốn khiếp
làm mình rét run bần bật. Nó hung hăng thật. Không ngờ nó hung hăng đến thế:
“Tôi sẽ làm thợ chấm mo-rát. Chào giáo sư”. Một con thiêu thân điên rồ… Nhưng
hình như nó cũng nói đúng đôi điều.
Đã có một thời mình bị nung
đốt như tụi trẻ bây giờ. Nhưng rồi cái thời ấy qua đi. Người ta mãn nguyện với
cái mình có thì bao giờ cũng sống dễ chịu hơn. Hãy tập mãn nguyện, hãy luyện
cho mình thói quen hài lòng... Triết lý ấy là tối hảo. Mà thôi, hãy vứt bỏ triết
lý với thằng ranh con đó sang một bên. Vào một ngày giá lạnh như thế này, nghĩ
tới những chuyện đó buồn quá. Trước lúc thằng bé biên tập tới đây, mình đang sống
trong giấc mơ êm ái với cô bé quay phim. Màu áo tím đỏ có những chấm trắng. Cặp
đùi thon ướt rượt nước biển phơi dưới ánh trời. Sao những ngày hạnh phúc lại xa
xôi và ngắn ngủi như vậy ?... Năm đó, mình đã định cưới cô ta. Nhiều lần, mình
tới cái phố Bạch Mai dài dặc và đầy bụi. Con đường vừa chật, vừa có xe điện thật
khó chịu. Cô bé có tới năm đứa em. Mỗi lần mình đến, chúng nó chào loạn cả lên:
- Chào anh ạ, chào anh ạ...
- Chào chú ạ...
Thật chẳng ra thể thống gì cả.
Căn nhà mất điện tối om. Các bóng đèn dầu không chịu lau nên khói ám thành quầng
đen bên trên. Mấy đứa em nhỏ của cô ta rất nghịch. Chúng nhảy lên chiếc xe máy
mà quần đến vỡ cả bóng đèn trước. Bà mẹ cô kể cũng hiền nhưng lẩm cẩm quá. Có lẽ,
lấy cô bé, mình sẽ bị tụi trẻ con quấy nhiễu rất nhiều. Tuy vậy, mình có thể vượt
qua được. Chỉ có một trở ngại mình không thể vượt qua là cô bé lại có một ông
chú ruột đi lính thợ O. N. S. Rất có thể, vì kết hôn với cô ta mà mình trắc trở
trong chuyến đi Pháp. Pa-ri, đó là niềm mơ ước từ lâu, đó là một quyền lợi
không thể nào để tuột khỏi tay. Mình cần phải đánh đổi chuyến đi đó bằng bất cứ
cái gì.
- Vì sao anh không muốn
chúng ta chung sống cùng nhau?
Cô bé vừa khóc vừa nói:
- Em có làm gì vô đạo đức
đâu? Em yêu anh, và hứa sẽ giữ vững tình yêu đó.
Trái tim mình thắt lên trong
giây phút ấy. Làm sao mình có thể giải thích cho cô bé hiểu được ?...
- Em nín đi. Anh yêu em. Em
không có gì đáng cho anh phải phàn nàn... Nhưng em còn trẻ, em cần có hạnh
phúc. Mà anh thì không thể đáp ứng được nhu cầu đó. Cuộc đời anh để giành cho
khoa học. Thời giờ, sức lực, trí não của anh để giành cho...
- Nhưng em có làm gì để cản
trở anh đâu? Từ ngày anh yêu em, anh vẫn đọc sách, viết sách; giảng bài như trước
mà.
Cô bé kêu lên, giọng phẫn uất
nghẹn ngào, gương mặt đầm đìa nước mắt trông tội nghiệp. Hai má cô ta còn phơn
phớt lông tơ. Mỗi lần hôn lên đó, mình có cảm giác như đắm vào một vườn hoa mơn
mởn tháng hai. Phải cô bé đó là mùa xuân tươi đẹp nhất trong, cuộc đời mình:
- Xin em thông cảm cho anh.
- Em không thông cảm được.
Em thấy em chẳng có lỗi lầm gì.
- Vâng. Em tốt lắm... Nhưng
nghề nghiệp của anh không thể thích hợp với một người vợ như...
- Em cũng là người làm việc
- Cô ta hăm hở nói - Em cũng có mục đích cuộc sống. Em có phải thứ đàn bà phù
phiếm suốt ngày trang điểm son phấn quấy rầy anh đâu?
Rồi cô chìa đôi tay ra.
- Anh xem tay em đây này: Đầy
những vết chai cứng. Em vẫn phải cuốc vườn, trồng rau, lau nhà, quét sân như tất
cả những người đàn bà khác mà.
- Không, em không thể nào hiểu
được công việc của anh. Lấy nhau, em sẽ khổ, em sẽ ân hận và rồi thì…
Cô bé òa lên khóc thật to,
khóc nức nở. Và mình đã im lặng rút lui, không thêm một lời giải thích. Cô bé
chẳng bao giờ hiểu được sự thật cay nghiệt đó: Mình đã đổi cô bằng một chuyến
đi Pa-ri. Vâng, nhưng chuyến đi đó lại không thành. Sau rồi người ta có đền bù
mình bằng vài chuyến đi Đông Âu khác. Nhưng dẫu sao, mình cũng không thể nguôi
ngoai... Cuộc đời, đúng là một trò chơi lớn... Cuộc đời là trò chơi bất tận...
Thằng cha nào đã nói câu đó nhỉ ? Nó thông minh hơn mình. Cái con thò lò không
bao giờ đếm được vòng quay và chỗ dừng. Không bao giờ toan tính được chính
xác... Mình đã tưởng mình điều khiển được con tàu số phận theo lý trí. Nhưng
không, nó vẫn cứ trật đường ray…
Có lần, mình đưa cô bé đi Hồ
Tây chơi. Trên đường Cổ Ngư, cô bé chợt hỏi:
- Trước khi yêu em, anh yêu
bao nhiêu người con gái rồi?
Mình chưa kịp trả lời, cô bé
lại hỏi dồn dập thêm:
- Hai, ba, bốn hay năm?...
Tài như anh chắc nhiều người yêu lắm phải không?
Mình mỉm cười. Cô bé nói tiếp,
háo hức đúng như một đứa bé chờ nghe chuyện cổ tích:
- Anh cứ nói thật đi. Em
không ghen đâu mà...
Mình gật đầu:
- Anh có yêu một người.
Cô bé kêu to:
- Có một thôi à? Sao ít thế?
Em thì em đã yêu hai lần rồi cơ đấy.
Mình không hề thấy ghen
tuông. Mình hiểu là cô hoàn toàn thành thật. Đã yêu hai lần. Và cả hai lần đó
đích thực là tình yêu. Còn mình?... Năm hai mươi hai tuổi. Mình đã có một người
con gái tóc mềm như tơ, cặp mắt dài như mắt người Nhật. Cô ấy thường mặc áo cổ
cánh nhạn màu thiên thanh, tóc cắt ngang lưng. Mấy chục năm đã qua, không thấy
người ta mặc lại kiểu cổ áo đó. Mình đã từng đứng bên hàng rào hồi hộp chờ cô ấy
đi ra sân, để ném một mảnh giấy gập làm tư chép mấy câu thơ lãng mạn hoặc là một
câu dân ca.
Cô ấy vụng trộm nhặt những mảnh
giấy mình ném sang, giấu vào tay áo. Rồi sau đó ra vườn sau đọc. Cặp mắt viền
đen vừa hiền vừa đắm đuối. Những sợi tóc mai vương trên má mịn màng, khuôn mặt
bầu bĩnh, xinh tươi quá. Gương mặt đó hẳn là trẻ rất lâu. Một nửa năm si mê, rồ
dại từng ngày giờ như thế, cuối cùng mình đã rủ được cô ấy cùng đi xem chiếu
bóng ngoài bãi cỏ. Cô ấy đi trước hai thước, còn mình thì đi sau. Mũi giương
lên phập phồng ngửi mùi hoa bưởi lẫn mùi hương nhu trên tóc cô nàng. Ôi, đúng
là tình yêu quê mùa chất phác. Cái mối tình hạt lúa củ khoai đó đã khiến mình
điên đảo bao ngày?... Mẹ mình sắp sắm trầu cau chọn ngày lành tháng tốt sang ăn
hỏi thì cải cách ruộng đất. Bố cô gái bị quy là quốc dân đảng. Và mình đã hốt
hoảng đi lên thị xã ngay tức khắc. Cho đến một lời từ giã cũng không dám nói.
Mình chuẩn bị ít tiền ăn đường, nửa yến nếp, dăm bộ áo quần lúc ba giờ sáng ra
đi. Làng quê còn yên giấc... Không ai nhìn thấy mình, trừ mẹ. Mẹ đứng sau hàng
rào, chờ mình đi khuất mới cài cái then chốt ngõ. Chỉ có một vì sao cô đơn, nhợt
nhạt nơi góc trời và đàn chó sủa ăng ẳng ở các ngõ là biết mình đã ra đi. Tháng
một lần, mẹ đem gạo, thức ăn, tiền tiêu vặt lên thị xã tiếp tế cho mình. Bằn bặt
đúng ba năm bảy tháng, mình mới lại trở về quê. Lúc đó, xã đã sửa sai, bố cô ấy
được minh oan, trở lại làm phó bí thư đảng ủy xã. Mình không dám gặp chú ấy. Và
chú ấy cũng tránh mặt mình. Đứa em con cô cho biết chuyện nhà: Hồi mình đi, cô ấy
khóc sưng mắt. Một năm trời không ra khỏi nhà. Sau rồi, có một cậu trung úy đã
yêu cô. Ngay giữa lúc gia đình cô bị quy oan là phú nông quốc dân đảng. Nghe
nói vì yêu cô, anh đã bị tước sao đề bạt và nhiều quyền lợi khác. Nhưng tình
yêu vẫn cứ là tình yêu. Hai người không dám cưới xin ở xã mà dắt nhau lên Yên
Bái làm bữa cơm mời họ hàng thân thích. Bây giờ, nghe nói cô ấy vẫn làm thợ may
trên đó và đã có cháu gọi bằng bà... Trời ơi, không bao giờ ta nghĩ rằng người
con gái mà ta yêu lại có ngày trở thành một bà lão tóc trắng như tơ. Thời gian
khủng khiếp. Thời gian tàn bạo. Thời gian đã đem lại cho mình bao nhiêu tài sản?
Những công trình nghiên cứu? Những cuốn sách? Lòng hâm mộ của người nghe trước
bục giảng? Những chuyến đi du lịch khiến kẻ khác thèm khát, ước ao? Một chỗ đứng
đầy vinh quang và uy quyền?... Còn cái bà lão kia thì được cái gì? Một ông chồng
tận lòng và tận nghĩa? Những đứa con và những đứa cháu? Nỗi lo lắng cho cả đám
lau nhau đó: tiền ăn, tiền học, cưới xin, đau ốm, tã lót cho trẻ sơ sinh, quà
bánh cho trẻ trưởng thành?... Ôi, nặng nề quá, mình không bao giờ muốn gánh những
tảng đá vô hình đó trên vai. Mình không phải thần Át-lát. Mình là kẻ phải được
bảo trợ bằng một vì tinh tú tượng trưng cho sự thanh nhàn và những vinh quang…
Cha cha, những ngày như hôm nay thì quả cũng buồn. Cái răng hàm trái lại rức
lên rồi. Thế này là trưa nay không thể ăn cơm được nữa. Năm ngoái đã mất ba cái
răng hàm phải. Năm nay lại sắp phải nhổ cái răng hàm trái. Nhức lên tận đỉnh
óc. Mỗi hơi gió lọt vào trong miệng tê giá cả người. Không có đứa học trò nào ở
đây nhỉ ? Giá có, mình sẽ nhờ nó xách cà-mèn lên phố Hàng Điếu mua phở tim gan.
Từ sáng tới giờ, toàn cà-phê với ca-cao nóng ruột thật. Cái tụi ăn cháo đái bát
này cứ kỳ thi là chúng nó kéo tới suốt ngày, giờ thì cấm thấy mặt một ông mãnh
bà cô nào hết. Mấy hôm nay chắc chúng nó hú hí với người yêu hoặc ngồi trong
khu nội trú rang ngô ăn và tán láo. Ôi, sao bỗng dưng mình thấy nao nao trong dạ
?... Vâng, tươi đẹp biết bao cái thời ngồi quanh một rá ngô rang. Cái thời ấy
trôi qua như con nước sang mùa...
- Cọc cọc cọc cọc...
- Ai đấy ? Cứ đẩy cửa mà
vào... A, chào cụ, cụ có việc gì thế ?
- Khiếp thật, tôi rung đến vỡ
cả chuông mà ông giáo không nghe thấy gì sao.
- Không, cháu không nghe thấy
gì hết.
- Xe rác tới ngõ mình. Bà
con rủ nhau đi đổ rác cho sạch sẽ. Vậy mà ông giáo cứ ngồi lì trong buồng.
- Cháu có nghe thấy gì đâu ?
- Ông phải chú ý thì mới
nghe thấy chứ! Theo lịch đã quy định, cứ ba ngày xe rác đến một lần, tất cả các
nhà phải chú ý mà làm vệ sinh.
- Thôi được, cứ để đấy lần
sau cháu đổ. Cụ về đi.
- Sọt rác nhà ông nhưng cả
xóm phải ngửi chung. Vỏ cam thối, xương gà, xương vịt thối, lá rau ủng, trứng
ung... Bao nhiêu thứ chứ có phải chỉ lá rau già với cuộng rau như sọt rác các
nhà khác đâu! Vì rức đầu chịu không nổi nên tôi phải leo ba tầng gác lên đây đề
nghị ông giáo chú ý giữ vệ sinh chung. Tôi không lên đây để ăn chực ông giáo
đâu !... Ông giáo không đuổi, tôi cũng về.
- Thôi, thôi, xin lỗi cụ...
Nhưng cụ hiểu cho, cụ nói nhiều, cháu rức đầu lắm.
- Vâng, tôi biết các ông là
giáo sư, giáo xiếc tôi cũng nể lắm không dám quấy rầy... Nhưng cái sọt rác
không đổ được ai đi qua đi lại cũng phải ngửi, khổ quá...
Tiếng cánh cửa đóng lại khẽ
khàng. Rồi sau đó là tiếng dép lê chậm chạp yếu ớt ngoài hành lang và dưới chân
cầu thang. Khi những âm thanh đó tắt đi thì chỉ còn tiếng gió. Những tàn lửa yếu
ớt trong đống lửa sưởi bị vùi lấp đột nhiên lóe lên vì gió thổi... Và trong khoảng
mây mù lãng đãng nơi chân trời, ánh phản quang của một mùa hè nồng nhiệt và mệt
mỏi lại trở về, lại gieo nỗi băn khoăn náo nức trong từng trái tim cô đơn, già
cõi của con người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét