CÁNH BUỒM LÚC HOÀNG HÔN
Dương Thu
Hương
Đại tá Quang bị liệt nửa
thân vào giữa tháng sáu. Lúc đó, những trái mận, trái đào bày khắp các mẹt hàng
rong và thành phố chói như mảnh đồng đánh bóng dưới mặt trời. Từ bảy giờ sáng tới
bảy giờ tối, mùi nắng, mùi bụi, mùi đất khét cùng những tiếng ồn ào ùa vào
phòng. Đại tá Quang nằm trên chiếc giường cá nhân trải tấm chăn len thay nệm, đắm
chìm trong những suy tư: “Khi nào những cơn đau dịu bớt, mình sẽ bắt tay vào việc.
Mình sẽ viết lịch sử quân đoàn kể từ ngày đầu tiên. Những thăng trầm. Chiến thắng
và chiến bại. Gương mặt các anh hùng... Và những người chết vô danh…”.
Đốm mặt trời quay vòng từ
phía tây sang phía đông căn gác. Ngày hôm qua cũng như ngày hôm nay, nó rạch một
đường cong từ bình thủy tinh cắm dây vạn niên thanh tới quyển lịch sử in hình
cô gái Mèo cầm ô. Và ngày mai cũng sẽ thế. Đại tá Quang ngắm không mệt mỏi cuộc
hành trình nhẫn nại của đốm mặt trời. Ông nghĩ tới cuốn sử quân đoàn sẽ viết.
Lúc ông dán mắt vào những chiếc lá vạn niên thanh trong suốt, rực như vàng dưới
nắng; cũng như khi ông lơ mơ ngủ, cuốn sách ám ảnh không dứt. Ông mơ thấy những
thung lũng mịt mù khói đạn ngay trong lúc nuốt từng thìa cháo bà vợ đem lên.
Bên trái họng bị liệt. Vì thế, một bát cháo ông phải ăn hai tiếng đồng hồ: “May
mà mình bị liệt nửa thân trái. Bàn tay phải còn có ích. Nó sẽ viết lại cuộc sống
của cả một quân đoàn...”. Ông nói thầm với những người thân trong ký ức. Cả người
sống và người chết, ông trò chuyện với họ trên chiếc com-măng-ca rong ruổi. Con
đường phun bụi đỏ mịt mờ phía sau. Đôi khi, đại tá chóe mắt vì một mảng cát lóe
nắng hoặc một lằn lửa bom. Những bụi gai trinh nữ cào vào ống quần khi họ đi
qua bãi trống tới binh trạm. Một chiếc O.V10 lượn vè vè đúng vào lúc anh nuôi
bưng cơm lên. Những giọt mồ hôi của anh ta nhỏ xuống bát canh bí ngô nghi ngút
khói. Rồi đại tá lại trò chuyện với những người lính của mình lúc tinh mơ. Trước
một căn hầm chữ A trên vách núi dưới chân họ, cỏ đầm đìa sương. Trong khoảng trời
mờ, con đại bàng đất buông tiếng kêu khàn khàn, vỗ cánh bay. Và Phèn người lính
bảo vệ ông bỗng kêu:
- Chui cha, tui nhớ biển quá
chừng!...
Những cơn đau không dịu bớt.
Đại tá tự an ủi: “Có lẽ mùa đông mình sẽ khỏe hơn. Tiết trời mát lạnh làm cho
con người tỉnh táo. Lúc đó mình sẽ cầm bút và...”. Mặt trời nồng nhiệt mùa hạ
đã trở thành mặt trời thiếu phụ của mùa thu. Đốm mặt trời không còn đi từ bình
thủy tinh cắm dây vạn niên thanh tới tấm lịch in cô gái Mèo. Vệt sáng cũng bớt
chói. Lúc màu nắng ngả sang trắng ngà, gió lạnh thổi về. Đại tá Quang lắng nghe
tiếng gió dài và mảnh như sợi dây chăng qua thành phố. Một ý nghĩ khiến ông hốt
hoảng: “Mùa đông đến thật sự mà ta chưa viết được một chữ nào. Có lẽ tới mùa hè
sang năm cũng vậy. Và ta sẽ không bao giờ thực hiện nổi điều mong ước”.
Ông ngồi bật dậy. Lúc ấy khoảng
chín giờ sáng. Vợ ông đi chợ, Tâm, đứa con gái nuôi cũng đi học. Còn đứa con
trai duy nhất của ông hai tuần nay không về nhà. Huy Toàn đang học trong trường
Sư phạm. Một năm nữa nó sẽ trở thành giáo viên cấp ba. Bấy giờ Toàn là một chàng
trai dễ thương hai mươi hai tuổi, các cô gái vây quanh anh như những hành tinh
chạy lăng xăng trong quỹ đạo của mặt trời: “Cái thằng nhóc...”. Ông bố thì thầm
trìu mến. Ông tì lên bàn tay phải, nhích tới bức tường. Tựa lưng vào đó, ông
nhìn ra ô cửa. Khóm lá xà cừ thẫm lại trong khoảng trời trắng đục. Đại tá thấy
rõ những đường gân xương cá trên phiến diệp lục hình thoi. Những chiếc lá già
nua ngơ ngác, khác hẳn chúng hồi mùa hè. Lúc đó, mỗi mảnh lá là một chú cá xanh
quẫy lên trong dung dịch của khí trời và nắng rỡ. Còn giờ đây, chúng y như bộ mặt
mình, một ông già bị liệt nửa thân. Đại tá Quang cười với ý nghĩ chua chát ấy.
Chiếc gương treo trên khung cửa sổ phản chiếu nụ cười của ông, những nếp nhăn hằn
quanh mép và hai đuôi mắt: “Mình không thể đơn độc chiến đấu. Mình cần sự viện
trợ của đứa con trai. Không có nó cuộc đời đầy biến động của một quân đoàn sẽ
theo mình mà chết... Mình không thể chờ đợi. Thời gian chẳng phải bạn tốt của
người già...”.
Vợ vừa đi chợ về, đại tá
Quang đã hỏi:
- Bao giờ con trai ta về hở
em?
Bà vợ đáp:
- Tối nay. Anh cần gì đến
nó?
Đại tá hạ giọng :
- Có một việc... Một việc
riêng không liên quan tới mình.
Bà vợ nhìn ông bằng con mắt
dò hỏi. Xưa nay, ông vốn không muốn phiền lụy ai. Trước các chuyến đi ông chuẩn
bị lấy áo quần, đồ dùng cần thiết rồi xếp gọn tất cả vào chiếc ba lô cóc. Ông tự
xoa dầu đánh gió cho ông khi bị cảm, tự đơm những chiếc khuy đứt và khâu lại
các đường may sứt chỉ. Điều đó trở thành thói quen, đến nỗi bà vợ không bao giờ
biết trong hành trang của chồng có những gì. Bà dành cho ông một ngăn tủ, và mỗi
khi trở về, ông vỗ, đập chiếc ba lô đầy bụi ngoài cửa rồi đem đặt vào cái góc
khiêm nhường đó. Sự hiện diện của ông không gây tổn thương nào cho sinh hoạt
gia đình. Các bà vợ lắm mồm trong khu tập thể vẫn kéo nhau tới đấu hót. Từng lũ
bạn trai, bạn gái của Huy Toàn ào vào nhà, chọc ghẹo nhau chán chê rồi mở nhạc
Jaz nhảy tới mười một giờ đêm. Còn ông, người lính già, ông ngồi trong góc
phòng thầm lặng nghe mọi người trò chuyện, ca hát. Ông nhìn những cặp trai gái
nhảy với nỗi e ấp. Gương mặt hân hoan của họ khiến ông hạnh phúc. Đó là thế giới
đối lập với tất cả những gì ông đã sống. Những gì đã được dồn vào chiếc ba lô
khiêm nhường cất trong góc tủ...
Bà vợ đã đi tới cửa quay lại
hỏi:
- Việc gì ghê gớm đến nỗi
anh phải giấu em?
Đại tá lắc đầu:
- Không, nhưng con trai mình
sẽ giúp anh làm.
Tối hôm đó Toàn về nhà, đúng
như bà vợ ông dự đoán. Túi tiền của chàng sinh viên đã cạn. Và mẹ anh cũng hẹn
nấu bún thang cho con trai bồi dưỡng. Đại tá gọi con vào phòng mình.
Chàng trai ngồi trước ông,
vóc dáng cân đối mềm mại trong chiếc quần bò nhung và chiếc áo Pun xám nhạt. Mặt
anh tròn trĩnh, giống mẹ nhiều hơn bố. Nước da mịn như thoa phấn hồng và ánh mắt
long lanh: “Nó giống mẹ quá thể. Nhất là đôi mắt..”. Ông thầm nghĩ một cách
sung sướng. Chàng trai thấy bố nhìn mình chăm chú đâm bối rối. Anh hỏi:
- Bố bảo gì con?
Đại tá Quang rút một điếu
thuốc theo thói quen, chậm rãi nói:
- Bố muốn con giúp bố một việc...
Toàn gật đầu :
- Vâng, con sẵn sàng.
Đại tá Quang nhìn đôi mắt đẹp
của con :
- Vì bố không thể làm nổi...
Nếu chỉ có mình bố. Bố muốn viết lại lịch sử quân đoàn. Cả cuộc đời bố đã gắn
bó với nó. Từ khi bố chưa gặp mẹ con cho tới bây giờ con đã thành một chàng
trai.
Ông ngừng lại. Điếu thuốc
run lên trong tay. Đúng lúc đó, Toàn cất tiếng hỏi:
- Để làm gì hở bố ?
Đại tá Quang nhìn con :
- Lịch sử của quân đoàn. Từ
đó chúng ta sẽ rút được những bài học về chiến thắng và chiến bại. Và những người
lính của thế hệ sau được phiên chế vào đơn vị sẽ biết giá trị truyền thống quân
đoàn mình. Trong quân đội, lịch sử cũng cần thiết như đối với một quốc gia...
- Con biết... - Đứa con trai
ngắt lời ông - Nhưng Bộ tư lệnh thuê bố hay sao?
Đại tá Quang chợt hiểu lời lẽ
của đứa con trai. Ông lắc đầu:
- Không ai thuê. Đấy là ý
nguyện của bố.
Chàng trai kêu to:
- Bố đừng dại thế! Bố đã về
hưu rồi và có ai trả thêm lương cho bố ngồi viết sử đâu ?...
Anh đứng dậy, ve vẩy hai
cánh tay, đi lại trong phòng:
- Con cứ tưởng việc gì quan
trọng... Thôi, bố đi nghỉ cho khỏe xác. Hay con mở đĩa hát cho bố nghe ? Đĩa
hát này con mới mượn chú Hào. Toàn là những ca khúc lãng mạn kiểu ông già: Đàn
chim Việt, Nụ cười sơn cước, Trở về Xu-ri-en-tô... Chắc là bố thích lắm...
Một nụ cười tế nhị làm gương
mặt chàng trai sáng lên. Anh ra phòng ngoài và vài phút sau tiếng hát tràn ngập
không gian, Toàn quay vào:
- Đấy, bố nghe hát và nghỉ ngơi có thú vị không? Nếu bố thích cải lương con sẽ đi mượn cho bố đĩa Lan và Điệp. Còn con thì… Con không sực nổi món đó. Bây giờ con ra phố một tẹo. Em Tâm sắp mang cháo vào cho bố đấy...
Đứa con trai đặt tay lên vai
ông một cách âu yếm rồi ra đi. Mùi Xà-phòng thơm lưu lại trong phòng. Đại tá
Quang biết con trai không muốn ngồi với mình lâu hơn nữa. Mặc dù đứa con gái của
ông cố giữ cho căn phòng luôn sạch sẽ nhưng nó vẫn là nơi trú ngụ của một người
bị bại liệt. Ông nhìn đăm đăm vào khuôn cửa mở, nơi Toàn vừa đi khỏi. Hình dáng
chàng trai như còn in trong đó. Trẻ trung, sang trọng và xa lạ. Lần đầu tiên
người cha nhận biết điều ấy. Cũng lần đầu tiên ông thấy đứa con trai có dáng đi
ve vẩy như đàn bà nhưng xử ]ý lại đích thực như người đàn ông. Nó đã buộc đại
tá phải nghe mình một cách ngoan ngoãn. Làn gió cay xè từ đâu đó lùa vào khiến
ông phải nhắm mắt lại. Lúc ông mở mắt, đứa con gái nuôi đã bưng bát cháo lên:
- Bố xơi cháo ạ!
Tâm nói. Nó đặt khay cháo
lên giường rồi xoay lưng định đi ra.
- Ở đây với bố đã.
Đại tá Quang hối hả gọi. Đứa
bé ngạc nhiên nhìn ông:
- Nhưng mẹ bảo con xuống dọn
cơm?
- Không. Ngồi đây với bố!
Đại tá nhắc lại. Có lẽ đấy
là lần đầu tiên ông nói một câu có tính mệnh lệnh. Đứa bé ngồi lên giường, ngếch
nhìn bố nuôi. Nó mười hai tuổi, mặt hơi vuông, da rám nắng, mắt xếch và miệng
ít khi cười. Tâm mới về ở nhà này được ba năm. Trước đây nó sống với bà nội
trong một làng biển Quảng Bình. Bố nó là trung sĩ Phèn, chiến sĩ bảo vệ của đại
tá Quang. Xã làm truy điệu cho Phèn tháng năm. Tháng sáu, đại tá Quang về làng
đưa Tâm lên Hà Nội. Thấy đại tá Quang ngồi tần ngần, con bé giục:
- Bố ăn cháo đi cho nóng.
Đại tá xúc một thìa cháo đưa
lên miệng. Lúc đó, ông trống rỗng và yếu ớt.
Đêm tới. Trăng như mọc trong
khuôn cửa ngỏ. Mặc dù trời lạnh, đại tá Quang vẫn bảo vợ mở cửa cho mình. Ông lắng
nghe tiếng guốc của những cô gái đi chơi khuya, tiếng lá khô xào xạc lăn trên
hè và tiếng gió leo trên các ngọn cây rên rỉ. Những vì sao trắng bạc hiện lên.
Chúng soi vào khoảng trống bên trong đại tá. Những con mắt thóc mách đính trên
nền trời. Dường như chúng thương hại ông: Khổ thân ông quá! Khổ thân ông...
Đại tá luồn những ngón tay
vào mái tóc. Ông bắt đầu mơ thấy căn hầm của mình tại chỉ huy sở. Tấm ván nằm
trải bạt. Cây cột nhẵn bóng vì không biết bao nhiêu lưng người đã dựa vào. Những
buổi sớm mù sương, đàn vượn chuyền trên các cành cây ven núi. Một lần trung sĩ
Phèn tháp tùng ông tới trận địa. Dọc đường, anh bắn được hai con dộc nặng mười
cân. Mấy tiểu đội giữ chốt mừng rơn vì món thịt tươi bóp với rau me rừng. Lần
trở về, họ đụng mìn. Phèn đã đẩy đại tá ngã xuống và nằm đè lên ông. Những mảnh
thép găm vào lưng người dân chài. Trung sĩ Phèn đã hy sinh cho ông được sống. Đại
tá nheo mắt trước con đường bỏng rộp dẫn tới làng Phèn. Những đám gai trinh nữ
hắt quắt queo. Gió Lào tung trăm ngàn búi cỏ mặt trời lên cồn cát và nô giỡn với
chúng không mệt mỏi. Các lối đi trồng cây xương cá và ngải cứu. Còn các mảnh vườn
nhỏ trồng ớt với hương nhu. Ruồi vo ve trên các chùm chượp mắm. Và mùi cá, mùi
lưới nhuộm vỏ giã với mùi sơn thuyền tỏa trong không gian. Đại tá ngửi những thứ
mùi riêng biệt của làng chài. Ông biết rằng chúng đã làm cho ông không thể nào
quên được người lính đã chết.
Sáng hôm sau, đại tá gọi đứa
con trai vào:
- Này con, bố cần nói chuyện
một cách nghiêm chỉnh.
Chàng trai vừa dụi mắt vừa
cười:
- Chắc là chuyện ngày hôm
qua phải không bố?
Đại tá Quang gật đầu:
- Sau mỗi cuộc chiến tranh
không phải tất cả những người ra đi đều sẽ trở về. Thế nên, những ai trở về phải
có trách nhiệm với đồng đội đã nằm lại.
Toàn giơ tay lên vuốt tóc:
- Con biết rồi bố ạ. Nhưng
không ai sống được bằng quá khứ. Dù quá khứ ấy có huy hoàng đến đâu cũng thế
thôi. Bố hãy thực tiễn hơn một chút. Con sẵn sàng làm bất cứ việc gì có lợi cho
bố, cho mẹ hoặc cho con. Nhưng ngồi chép sử quân đoàn... Điều đó không thể...
Hãy thử hình dung xem: Ngày hai mươi dự định đánh cao điểm này. Ngày hai mươi
lăm vị trí kia. Bao nhiêu trinh sát? Bao nhiêu chủ lực? Bao nhiêu các đơn vị trợ
chiến? Vũ khí A được cấp ngần này. Vũ khí B được cấp ngần kia… Có ích gì hở bố?
... Chiến tranh đã qua rồi. Người chết đã chết. Người sống đã trở về với cuộc sống
của họ. Giờ đây, người ta lo bón phân lúa, lo tưới cà chua, lo đóng gạch nung
bán… Mấy ai còn nghĩ tới những ngày đã qua?
Chàng trai đứng lên, ung
dung bước những bước dài khoái hoạt trong phòng. Và anh cúi nhìn bố với ánh mắt
trìu mến:
- Bố giàu cảm xúc quá! Giá bố
làm thơ thì thích hợp hơn là một sĩ quan tác chiến.
Đại tá Quang nhẹ nhàng hỏi:
- Thế còn lịch sử? Con không
nhớ những bài sử con đã học thuộc lòng thời thơ ấu hay sao?
Chàng trai cất tiếng cười,
hàm răng trắng phô ra như ngọc.
- Á à… Lịch sử cần cho tuổi
thơ ấu. Còn chúng con, chúng con không muốn học thuộc lòng. Khẩu hiệu của chúng
con là suy tính và hành động.
- Suy tính và hành động theo
hướng nào?
- Suy tính và hành động theo
lợi ích thiết thực và cụ thể của đời sống. Ôi có thế mà bố cũng phải truy nã
con...
Toàn lại cười. Rồi đột nhiên
anh quay phắt lại:
- À bố... Bố viết cho con
vài chữ để con tới nhà chú Triệu. Chút nữa thì quên mất. Chú ấy sẽ được việc
cho con đấy.
- Việc gì ?
- Một việc bình thường trong
sinh hoạt. Bố chẳng nên biết.
- Bố không thể viết thư cho
chú ấy, khi không biết con định nhờ cậy việc gì.
Đứa con trai lại cau mày.
Nhưng chỉ sau một giây lại tươi tỉnh như thường. Anh ta nghiêng người xuống. Lần
nữa, đại tá Quang nhận thấy dáng đi õng ẹo của đứa con trai.
- Bố ơi! - Anh ta nói - Trường
chúng nó sắp tổ chức đi thực tập nên cần ít phim chụp ảnh. Nhưng tiền mua phim
mới thu được non một nửa. Nếu có thư của bố, chú Triệu sẽ bán chịu và bán giá rẻ
cho. Chúng con thu tiền trả chú ấy sau một tháng.
Đại tá Quang ngẫm nghĩ rồi trả
lời:
- Nếu thế thì được.
Ông viết thư gửi người em kết
nghĩa từ thời kháng Pháp, hiện đang là chủ nhiệm một công ty nhiếp ảnh. Chàng
trai cầm lá thư hớn hở đi. Đại tá Quang nghe tiếng bước chân tắt dần trên cầu
thang. Nỗi phấn uất mơ hồ dâng trong lòng. Ở nhà này, người ta quen buộc ông phục
vụ các sở thích của họ: Ông phải giới thiệu vợ với bà chị dâu xa để bà này dẫn
bà vào phòng tắm nước nóng, ông phải đưa bà tới gặp vợ người bạn cũ giờ đây là
cấp trên của ông để bà này hùn vốn với bà mở tổ hợp nấu kem xà-phòng. Ông phải
xin người quen khác tấm thẻ cho con trai vào uống bia trong câu lạc bộ quân
nhân. Ông phải và ông phải... Thế nhưng không một ai nghĩ tới sở thích của
riêng ông. Mà xét cho cùng, đại tá Quang chưa bao giờ cần tới một điều gì. Có lẽ
do bản tính khiêm nhường, ông không muốn phiền lụy người khác. Từ ngày bị liệt,
mặc cảm vì làm vợ vất vả khiến ông co lại như con tôm. May mà còn có con bé
Tâm. Nó phục vụ ông nhẫn nại và thầm lặng. Cũng như trung sĩ Phèn ngày trước.
“Từ xưa tới nay mình chỉ có một yêu cầu. Đó là việc chép sử cho quân đoàn.
Nhung Toàn đã từ chối...”. Đại tá nghĩ. Ông tự hình dung mình. Mỗi bận từ chiến
trường trở về, ông đứng trước căn nhà lát gạch men bóng lộn như con chiên đứng
trước bàn thờ Chúa. Ông cởi bỏ đôi giày chua loét mồ hôi. Ông vỗ đập hồi lâu
chiếc ba lô bụi bặm dã chiến rồi nhét vào góc tủ. Khi cánh cửa lát gương sập lại,
dấu vết chiến tranh bị che lấp. Đại tá cởi quân phục, mặc bộ Pi-ja-ma đã sờn và
ngắn cũn cỡn mà bà vợ sắm cho ông đã chục năm có lẻ. Ông không giống như chủ
nhân mà giống một người khách bẽn lẽn ngồi trong góc nhà. Ở đỏ, ông chiêm ngưỡng
vợ và con trai. Ở đó, ông ngắm nghía những đồ vật xinh đẹp và sạch sẽ. Chiếc
máy truyền hình ông không quen sử dụng. Chiếc đài Ri-gon-đa phủ tấm ren tinh xảo
ông cũng nhường cho Toàn điều khiển vì nó thông thạo hơn mình. Khi uống nước bằng
chiếc cốc thủy tinh dày nhiều cạnh ông bỡ ngỡ và thận trọng. Dường như ngôi nhà
lịch sự và tinh tươm này là của vợ con ông. Ông được bước vào là một ân huệ.
Còn cuộc sống đích thực của ông là chiếc ba lô sờn mép với võng dù, tăng che
mưa, áo xuân hè, mền bông chống rét, hộp kim chỉ và những thứ thuốc thông dụng
của quân nhân. Cái ý niệm mơ hồ đó nghiễm nhiên chế ngự mọi người. Lâu dần,
không ai còn nhớ rằng ông là trụ cột gia đình. Rằng những năm đằng đẵng ông sống
trong chiến trường với mười mấy cân gạo và rau rừng để toàn bộ lương bổng nuôi
vợ con ngoài Bắc. Rằng nhờ ông và các chiến hữu quen thuộc vì nể ông, họ mới có
được căn nhà cùng những tiện nghi...
- Bố ơi, con mang nước rửa mặt
cho bố đây.
Con bé Tâm cất tiếng nói. Đại
tá ngẩng lên:
- Sao con không đi học?
Đứa bé đặt chiếc thau nhôm đựng
nước và khăn lên mặt tủ thấp ở đầu giường, đáp lời:
- Bố quên hay sao? Hôm nay
là chủ nhật. Anh Toàn về nhà chiều qua.
Đại tá Quang gật gù. Tâm nắm
hai bàn tay vào nhau đứng chờ mang thau nước bẩn xuống bếp. Ông nhìn nó, lòng
nhói đau :
- Sao con không ngồi xuống
giường? Đứng làm gì?
Đứa bé đáp:
- Thôi, con đứng thế này tiện
hơn.
Đại tá Quang rửa mặt và kì cọ
hai cánh tay xong. Tâm mang thau nước bẩn xuống bếp. Dáng điệu nó chín chắn như
người lớn. Khi đưa Tâm về, ông đã nói rất kỹ với vợ. Bà thông hiểu, chấp thuận
những yêu cầu của ông. Nhưng bà không thể đối xử với đứa bé như ông. Bởi vì đàn
bà giống loài trai. Hễ có vật lạ xâm nhập vào cơ thể là lập tức nó tiết ra chất
nhầy bao bọc. Nhưng chất nhầy của trai tạo thành ngọc. Còn thứ dung dịch bảo vệ
của đàn bà chỉ gây nên lớp màng ngăn cách lạnh lẽo. Đại tá Quang luôn luôn buồn
và thấy mình có lỗi. Tâm đã trở lại với bát cháo đỗ xanh:
- Bố ơi, mẹ đi chợ chưa về.
Bố ăn tạm bát cháo đỗ xanh con nấu.
Đại tá nhìn gương mặt nhẫn nại
của đứa con gái, chợt nảy ra ý nghĩ: Tại sao mình không bảo nó chép sử quân
đoàn? Nó làm được điều đó. Hơn nữa, nó còn vui vì tìm được bóng dáng trung sĩ
Phèn giữa những người anh hùng vô danh...
Ăn cháo xong, đại tá nói với
Tâm công việc của mình. Con bé vui sướng được làm thư ký cho ông. Họ nhất trí
sáng mai sẽ bắt tay vào việc. Thứ hai Tâm được nghỉ học. Còn chiều nay nó phải
sinh hoạt đội và giúp mẹ mua nốt mấy thứ thực phẩm bán phiếu. Đứa bé vừa chạy
xuống cầu thang vừa hát. Ít khi nó vui như thế. Nhưng lúc đó, đại tá lại buồn.
Ông thấy cái bờ đất lở trong mình. Đứa con trai ở bên kia bờ đất ấy. Với gương
mặt tươi cười không khoan nhượng. Ngoài ô cửa, một đàn sẻ bay ngang. Chúng trú
rét trong các hố nhỏ dưới mái nhà. Tiếng kêu rơi trong chiều mùa đông như những
hạt sỏi. Nó nhắc mùa hè qua.
- Ồ, cái mùa hè trong rừng
khộp đã cách đây tới chín năm trời...
Đại tá Quang lẩm bẩm. Mùa hè
ấy, ông từ biệt vợ với đứa con trai vào một buổi tối. Thành phố lên đèn. Mắt thằng
bé long lanh. Đại tá nhìn vào mắt con, thấy bầu trời xanh ngắt. Những con ve đậu
trong đám bàng đái ướt tóc ông. Cậu lính lái xe đổ xăng ồng ộc: “Thưa thủ trưởng
có cần kiếm thêm tí thức ăn không ạ? Vợ em nó nắm cơm và gói xôi nếp lạc đây rồi”.
Ông bảo: “Qua cửa hàng ăn tớ mua mấy ổ bánh mì. Thế là tươm”. Ông không muốn vợ
vất vả vì mình. Chiếc xe bắt đầu chuyển bánh. Đứa con trai hét lên: “Bố ơi, kiếm
cho con mấy ống đạn rốc-két... Càng nhiều càng tốt bố nhé!”. Và ông đi. Con đường
đầy các hố bom vừa san lấp và những rãnh thoát nước. Cánh đồng Ninh Bình giống
mặt biển với những hòn núi sừng sững cô đơn. Mùi lúa thơm làm dịu đi mùi mồ hôi
lẫn mùi xăng khét lẹt. Đại tá thấy gương mặt đứa con trai chập chờn giữa những
giấc mơ và các phác thảo tác chiến của mình. Cánh rừng khộp bỏng rộp hơi bom và
gió Lào. Thỉnh thoảng tiếng đá nổ làm một con chồn chạy cuồng lên vì sợ hãi.
Máy bay địch oanh tạc không cần dò mục tiêu. Một lần quay lại lán chỉ huy lấy ống
đạn rốc-két cho Toàn, ông đã dính mảnh bom. Sườn bên trái bị rách hơn ba đốt
ngón tay. Nếu mảnh bom đi chệch chút nữa, ông đã hóa người thiên cổ…
Đốm mặt trời trắng bạc in
trên chiếc ô của cô gái Mèo khiến đại tá biết chiều đã muộn. Tâm trở về, vừa cởi
khăn quàng đỏ vừa kể cho ông nghe tính bất trắc và đồng bóng của chị phụ trách.
Đại tá an ủi con. Đứa bé mặc bộ áo quần cũ rồi lấy giẻ ướt lau buồng. Khi cái
sàn gỗ đã bóng như gương, con bé tới cửa sổ. Nó tì tay lên bậu cửa và kêu lên:
- Ôi thuyền ! Có con thuyền
bố ạ… Buồm của nó nửa trắng nửa nâu, trông y như con seo séo ấy...
Mắt đứa bé sáng ngời. Đã lâu
lắm nó mới được thấy cánh buồm, kể từ ngày theo đại tá Quang rời làng ra Thủ
đô. Cánh buồm trôi lừ đừ trên các vòm cây, các mái nhà thành phố, trông lạ lùng
và yếu ớt so với những cánh buồm quê Tâm. Ở đó, những con thuyền bồng bềnh trên
biển. Mỗi cánh buồm giống một con bướm lớn. Còn đàn chim seo séo bay lượn quanh
các cột buồm, suốt ngày kêu ầm ĩ tranh cãi kiện tụng nhau. Tâm đã đi biển nhiều
lần với người chú ruột. Nó ngủ dưới bóng cây buồm. Ăn cá nướng với nước mắm ớt
xanh cháy lưỡi trên con thuyền nhớp nháp cá vừa đổ trong lưới ra. Giờ đây, sự
xuất hiện của cánh buồm làm những ký ức sống lại. Con bé đu lên bậu cửa, miệng
liến thoắng:
- Bố ơi, nó khuất sau cái
nóc vàng của nhà Bác Cổ rồi... Tẹo nữa nó sẽ hiện ra... Cánh buồm lớn ơi là lớn.
Bố biết vì sao mọi hôm mình không thấy được cánh buồm này không? Vì tháp chuông
nhà thờ kia kìa. Chả có chuông kêu mà nó đứng lù lù chắn lối nhìn ra bờ sông. Chúng
con đã tới tận đấy xem. Cái tháp mục ải, gạch rơi lung tung cả bốn mặt. Giờ họ
dỡ nó đi, mình tha hồ mà ngắm những con thuyền. Bố có thích không hả bố ?
Tới đó, con bé dừng lại. Nó
chợt hiểu rằng mình đang phạm sai lầm. Gương mặt giản dị hiện lên vẻ bối rối.
Tâm tụt xuống sàn, chạy tới giường bố nuôi:
- Bố ơi, ước gì con cõng nổi
bố... Bố sẽ nhìn thấy cánh buồm.
Đại tá Quang mỉm cười, xoa đầu
con gái :
- Bố cũng ước thế.
Ông nhắm mắt. Vòm lá xà cừ
xanh thẫm xào xạc ngoài ô cửa. Một ý tưởng lóe lên trong đầu ông: Toàn đủ sức
cõng mình tới cửa. Cũng như đủ sức viết xong cuốn sử quân đoàn. Nhưng chắc chắn
nó không làm việc đó. Ông nhìn thấy nụ cười của đứa con trai. Nó đã đè bẹp ông
bằng nụ cười dễ thương ấy...
Đêm, đại tá mơ thấy mình
trong một thung lũng, cỏ xanh rười rượi, ông khát khô họng nên muốn nhấm nháp
vài ngọn cho đỡ khát. Nhưng cứ mỗi bận ông cúi xuống, vạt cỏ lại hóa thành tấm
thảm xác xơ của những sợi gai. Giống như trái cam, trái chuối bằng nhựa bày
trên bàn thờ ngũ quả. Đại tá giận điên vì bị lừa. Nhưng ông bất lực. Ông vừa bước
đi, thảm cỏ tươi non lại mơn mởn như trêu ngươi, mùi hương ngọt ngào quyến rũ.
Sáng hôm sau, đại tá Quang
có một người khách bất ngờ. Một cán bộ phòng tổ chức trường Sư phạm:
- Chào đồng chí. Mời đồng
chí ngồi chơi...
Đại tá vồn vã mời khách, rồi
quay sang bảo vợ:
- Em pha cho anh xin một ấm
chè.
Từ ngày bị liệt, ông thèm được
nói chuyện với bất cứ ai. Ông cán bộ phòng tổ chức trường sư phạm ngồi xuống ghế
với vẻ bối rối. Sau khi nói vòng vo vài câu ông hỏi:
- Báo cáo thủ trưởng, cậu
Toàn đâu ạ?
- Nó vào trường từ sớm hôm
qua.
Ông cán bộ phòng tổ chức quấn
lại chiếc khăn sợi quanh cổ, ông nói:
- Chúng tôi không muốn phiền
lòng thủ trưởng, nhưng cậu Toàn đã bỏ học hơn một tháng nay rồi.
- Bỏ học ? Thế nó đi đâu ?
Đại tá bật lên hỏi. Sau đó
thấy mình vô lý, ông ngồi im.
- Cậu ấy không viết đơn xin
phép, cũng không báo cáo miệng với lớp. Cứ đủng đỉnh xách va li lên xe buýt đi.
Hiện nay trong khu nội trú còn đồ vặt, xoong nồi, bếp nấu ăn bỏ lại. Chúng tôi
chờ mãi không thấy nên tìm đến gia đình.
Người cán bộ tổ chức nói một
cách vội vã rồi cáo từ. Có lẽ ông cảm thấy nói điều đó với một người bại liệt
là không phải. Mặc dù công việc buộc ông làm thế.
Đại tá Quang gọi vợ lên hỏi.
Bà cũng không biết gì về việc học hành của con trai:
- Đành chờ nó về anh ạ.
Bà bảo chồng rồi xách túi đi
mua đường. Ngày nào bà cũng có việc phải ra phố. Ngoài phố thoáng đãng hơn
trong nhà. Có nhiều người thân đấu hót vui vẻ. Có thể rủ các bạn đi ăn bún mọc,
bún ốc hoặc tắm nước nóng cho da dẻ bớt nhăn... Vợ đi rồi. Đại tá nằm vật xuống
giường, đếm tiếng tích tắc của thời gian. Chưa bao giờ một ngày dài như thế.
Khoảng tám giờ tối, Toàn về nhà. Mặt đỏ bừng và miệng sặc mùi bia :
- Gọi nó vào đây ! - Đại tá
Quang bảo vợ.
Chàng trai mở cánh cửa trong
phòng với nụ cười:
- Hôm nay bố có dễ chịu
không?
Người bố nhìn vào ánh mắt lấp
lánh của đứa con, cố giữ cho giọng nói khỏi run :
- Ai cho phép con bỏ học ?
Toàn nhướng mày lên như ngạc
nhiên, rồi anh dang hai tay, đáp ngọt ngào:
- Con, con cho phép mình bỏ
học, bố ạ.
Đại tá Quang muốn thét lên.
Nhưng ông giữ được bình tĩnh:
- Tại sao con không hỏi ý kiến
bố mẹ ?
- Bố mẹ già rồi, làm sao suy
tính được chính xác? Mà nếu có tinh anh, bố mẹ cũng nghĩ theo cách nghĩ ngày
xưa. Con sống cuộc sống của chính mình. Con phải tự quyết định.
Những lời giản dị của đứa
con trai khiến tay chân đại tá lạnh buốt. Ông thấy trước mặt mình một thế cờ.
Nén dòng máu sôi sục trong tim, ông hạ giọng:
- Con tính ra sao?
- Có học hết khóa, tốt nghiệp
loại ưu, đồng lương giáo viên cũng không đủ cho con tiêu trong nửa tháng, mà từ
nay tới đó còn trầy trật nhiều. Chi bằng tìm nghề khác. Kiếm đồng tiền khác bở
béo hơn...
- Nghề gì ?
- Nghề làm ảnh.
Chàng trai đáp ngả đầu duyên
dáng: - Tất cả các cô gái son lẫn các bà nạ dòng đều muốn có một tấm hình xinh
đẹp, trẻ trung. Họ câu đàn ông bằng những tập an-bom nặng ít nhất cũng nửa cân.
Chúng con sống nhờ đám người ấy.
- Thế còn tương lai ?
- Tương lai? Xưa rồi bố ạ.
Chúng con không phải những kẻ theo chủ nghĩa vị lai. Phải chia động từ sống
theo thì hiện tại…
Đứa con trai cười, dẫn một
câu tiếng Pháp sai be bét khiến ông bố phải giơ tay lên:
- Con nói sai rồi.
Chàng trai nhún vai:
- Thế hả bố? Mà sai hay đúng
cũng chẳng nghĩa lý! Thích thì con nói một câu cho vui. Bây giờ ai sống được bằng
tài ngôn ngữ?
Dứt lời anh đứng lên, bước
những bước dài khoáng hoạt trong phòng. Tấm thân cân đối trẻ trung và gương mặt
hồng hào khiến ông bố phải im bặt. Khi đứa con ra phòng ngoài, đại tá Quang sực
tỉnh:
- Tại sao lại như thế ? Đáng
lẽ ta phải quật cho nó một trận. Đáng lẽ ta phải...
Nhưng từ khi đứa con ra đời
cho tới hôm nay, hai mươi hai năm tròn, ông chưa bao giờ cầm roi đánh. Thậm
chí, chưa bao giờ nghĩ tới điều ấy. Vả chăng, ông đã là một phế nhân..
Những ngày sau đó, đại tá
Quang ít gặp mặt con trai. Toàn đi suốt một tuần. Cậu ta cùng một anh họa sĩ thất
tình và một anh cán bộ tài chính hói đầu bị đuổi khỏi cơ quan lập tổ hợp nhiếp ảnh.
Họ xin được đăng ký chụp ảnh đám cưới, đám ma và khách vãng lai thăm cảnh Hồ
Gươm. Thỉnh thoảng họ lại kéo nhau về cùng những cô gái. Tiếng ồn ào vọng vào
phòng ông bố nằm tới tận nửa đêm. Các cô gái cụng ly, cụng cốc, cười sằng sặc
hoặc kêu ré lên như bị chọc vào nách. Họ phong tặng cho nhau các danh hiệu:
“Nghệ sĩ đích thực”, “Con người tự do”, “Sứ giả của thế kỷ hai mươi mốt”… Nhưng
trong mớ ngôn ngữ từ nhảm nhí đó, đại tá Quang vẫn lắng nghe tiếng nói của
mình. Một giọng nói bình thản, chính xác pha chút giễu cợt và đôi khi, vẻ thơ
ngây. Ông thấy mình hồi hộp chờ đợi phút tàn tiệc. Khi lũ người đàn đúm về rồi,
Toàn mở cửa ngật ngưỡng vào phòng bố:
- Hôm nay bố có dễ chịu
không hả bố?
- Bố có muốn nghe bản Đàn
chim Việt không? Con mở máy hát nhé ?
- Bố này, bánh trứng con mua
ở khách sạn Thống Nhất, bố thử ăn xem có được không?..
Có những hôm say quá, anh nằm
vật xuống sàn ngủ ngay. Đại tá Quang không ngủ được. Ông lắng nghe tiếng ngáy đều
đặn của con trai vọng vào. Những âm thanh ấy giống như các đợt sóng. Chúng nhấn
ông chìm xuống. Lòng ông quằn quại. Giờ đây, ông còn yêu đứa con trai hơn cả
khi nó thơ ngây ngoan ngoãn.
Trời mỗi ngày mỗi lạnh thêm.
Nửa thân trái của đại tá nhức nhối. Nhưng ông vẫn nhẫn nại ăn hết xuất cháo vợ
hoặc đứa con gái mang lên: Cánh cửa sổ đã đóng, khiến đại tá không nhìn thấy
vòm lá xà cừ đu dua. Ông chỉ còn nghe tiếng chim sẻ kêu chiêm chiếp lẫn trong
tiếng gió. Ngày nào Tâm cũng dọn vệ sinh và lau buồng cho ông. Nó đứng áp vào cửa,
nhìn qua khe hở để tìm những cánh buồm.
- Hôm nay có những ba thuyền
bố ạ. Hai buồm nâu và một buồm vá đủ thứ màu. Trông cứ như áo can bằng vải vụn.
Gió bấc mạnh nên thuyền trôi veo veo. Chắc nửa giờ nữa là nó tới cửa sông. Ôi,
giá mà bố còn khỏe... Như hồi bố về làng đón con ấy. Thế nào bố cũng cho con đi
thuyền...
Đại tá Quang lắng nghe tiếng
con bé. Thoạt đầu còn rõ lời. Sau thanh âm biến thành những con cá óng ánh
trong tấm lưới. Mặt trời ở phía sau tấm lưới đó, chiếu lên những giọt mồ hôi
trong suốt của biển khơi. Con thuyền ai bập bềnh nơi mé nước. Ngày xưa không hiểu
Lý Bạch hay Đỗ Phủ có câu thơ này: “Đẩy thuyền khỏi bờ cước, đã thấy cảnh giang
hồ…”. Giá như giờ đây ông được đẩy thuyền rời mí nước. Giá như giờ đây ông được
kéo cánh buồm lên! Chỉ cần như vậy, ngay tức khắc niềm vui sống sẽ ào tới như
gió lướt. Và mọi sự lại bắt đầu. Đại tá nhắm mắt. Ông lặn lội tìm con thuyền và
cây buồm cho đến khi đứa con gái luồn tay xuống cổ :
- Bố ơi, con xong việc rồi.
Ta tiếp tục thôi...
Đại tá choàng dậy :
- Ờ ờ... Con đã mang bút giấy
ra chưa?
Tâm đáp:
- Đây rồi ạ! - Nó lật giấy
soàn soạt - Hôm qua tới trang ba mươi sáu: Bước chuẩn bị cho chiến dịch Nam
Lào...
Đại tá Quang chống tay ngồi
đọc :
- Đường số 9 đã trở thành
huyết mạch chính của vùng chiến sự kể từ ngày 23 tháng 4…
Tâm ngoẹo cổ viết nắn nót.
Căn phòng yên lặng đến nỗi ngoài tiếng gió mùa đông có thể nghe rõ tiếng ngòi
bút gại trên giấy và tiếng lắc cổ của Tâm. Con bé có thói quen kỳ dị: cứ viết
xong vài dòng, nó lại lắc cổ một lần. Nét chữ mềm mại ngả rạp về bên trái. Hết
câu Tâm ngẩng lên:
- Bố ơi, bố có biết đường 10
không?
Đại tá Quang nhìn nếp nhăn
nhỏ xíu giữa hai tràng mày con bé :
- Bố có biết. Sao cơ?
Đứa con gái đang cắn bút, vội
bỏ ra đáp:
- Anh Tư con với cậu Thận hy
sinh ở đường 10. Mợ Thận khóc đến ba tháng ròng không nín. Bố có nhớ cái nhà ở
góc đường rẽ vào xóm không? Phía sau mấy gốc ngô đồng...
Đại tá Quang hình dung lại
cái làng chài cát cháy của Tâm. Ông cũng nhớ mang máng mấy gốc ngô đồng phía
trước những mái cỏ rười, cả những người đàn bà thô và chắc, bận bà ba đen, khăn
tang trên tóc, đôi chân trần thoăn thoắt bước trên đường... Mọi hình ảnh đều
ngâm trong chất nước mềm mại, sóng sánh giữa hai con bờ của trí nhớ và quên
lãng...
Con bé Tâm ngẩng đầu:
- Bố đọc tiếp đi.
Đại tá Quang nhìn cặp mắt
đau đáu của con bé, thầm nghĩ: Tại sao con trai mình không ngồi ở đây? Và ông đọc
tiếp...
Giữa những đợt gió rền rĩ chợt
có một tuần lễ ấm áp. Nắng trùm lên phố xá, cỏ cây. Các chàng trai và các cô
gái trút bớt áo khoác ngoài. Những ông già lững thững bước ra đường dạo chơi. Đại
tá Quang bảo Tâm mở cửa sổ. Ông muốn cho con gái nhìn rõ những cánh buồm. Cuốn
sử quân đoàn đã tới chương hai. Đại tá vui hẳn lên. Bên ngoài nắng in đầy một
khung vàng trong ô cửa. Chùm lá xà cừ lao xao. Lũ chim sẻ bay lăng xăng ríu
rít. Có thể mùa hè tới công việc sẽ xong. Đại tá hân hoan tưởng tượng phút cuối
cùng, khi mấy trăm trang giấy kia được đóng thành quyển sách. Chợt có tiếng gõ
cửa ở phòng ngoài. Những tiếng gõ đều nhanh và mỗi lúc một mạnh hơn:
- Ai đấy?
Ông nghe con trai hỏi, cáu kỉnh
vì ngái ngủ.
- Mở cửa ra! Đề nghị mở cửa
ra!
Giọng trả lời không có gì là
thân thiện khiến đại tá phải chú ý. Có tiếng dép cói lê lệt xệt và sau đó là giọng
nói vợ ông:
- Chào các anh. Các anh vào
nhà chơi đã.
Đáp lại là một câu hỏi cộc lốc
:
- Anh Lê Huy Toàn có nhà
không?
- Tôi đây.
Toàn trả lời. Hẳn đêm qua thằng
bé uống nhiều rượu và đi ngủ muộn. Đại tá đã chờ đến gần một giờ đêm mà không
thấy con trai loạng choạng vào phòng mình. Giờ nó đang ngáp rất to:
- Các anh hỏi gì tôi?
Giọng đáp lại:
- Chúng tôi yêu cầu anh đứng
dậy!
Một vài giây yên lặng. Chắc
Toàn đang sang sửa áo quần, đứng lên. Con trai ông có thói quen chỉ mặc một chiếc
quần lót, sau đó quấn hai ba lớp chăn bỏng như con sâu kèn mà ngủ.
Giọng nói xa lạ kia tiếp tục:
- Chúng tôi có nhiệm vụ bắt
anh về đồn công an quận. Yêu cầu anh đứng nghiêm nghe đọc lệnh!
Tai đại tá như có búa gõ bên
trong. Ông cố gắng trấn tĩnh để chịu đựng nhũng roi đòn. Con trai ông đã chụp ảnh
khỏa thân nhiều phụ nữ, bán ảnh khiêu dâm cho những kiều dân lấy ngoại tệ, và
sau rốt, nó đã quan hệ với gái bất lương...
Cái giường dưới lưng người
cha bập bềnh như mạn ván sóng dồi. Tay ông bíu chặt mép giường. Tai căng ra
nghe ngóng. Vợ ông đang khóc lóc van vỉ mấy anh công an một cách vô hy vọng. Chợt
tiếng gắt của Toàn cắt ngang:
- Mẹ buồn cười thật. Khóc
làm gì? đi lấy cho con hai bộ quần áo thay.
Vợ ông thôi khóc, nhưng cứ sụt
sịt mãi. Bà mở tủ ken két. Chắc là để lấy quần áo cho con. Tiếng ai đó khác lạ:
- Đi thôi!
Những bước chân dận trên sàn
nhà. Giọng nói đứa con trai:
- Xin phép các anh năm phút.
Tôi cần nói chuyện với mẹ tôi.
Tiếng đáp:
- Chúng tôi đồng ý.
Sau đó, cũng tiếng nói ấy
nhưng nhẹ nhàng hơn:
- Các đồng chí rút ra cửa.
Chúng ta sẽ chờ.
Có tiếng chân quen thuộc bước
về phía phòng trong. Đây là tiếng chân của vợ và con trai đại tá. Những tiếng động
gần gũi với ông đến quặn lòng. Hai mẹ con Toàn đứng sát vào cánh cửa thì thầm:
- Mẹ hãy bảo bố viết thư cầu
cứu bác Quỳ cho con. Bác ấy là chiến hữu với một tay xếp bự trong bộ Nội vụ. Chỉ
cần máy chữ của ông này, con thoát.
- Ai bảo con như vậy?
- Mẹ cứ yên tâm. Con đã tính
hết rồi.
- Nhưng mẹ có thấy bác Quỳ tới
bộ Nội vụ bao giờ đâu ?
- Chỉ có đàn bà mới chơi với
nhau theo kiểu ấy.
- Nhưng mà...
- Mẹ yên tâm. Đi chợ thì con
thua mẹ. Nhưng vào việc thì dứt khoát con hơn.
- Dạo này bố con khó tính lắm.
Chưa chắc bố đã viết thư cho bác Quỳ.
- Nếu vậy bố còn tích sự gì
nữa? Chẳng lẽ bao nhiêu năm đánh đấm của bố ném cả xuống sông? Mẹ đừng lo.
Không ai dại dột như vậy. Thôi, con đi đây. Mẹ nhanh tay lên kẻo tụi đầu trộm
đuôi cướp sẽ lột da con trong phòng giam mất.
Đứa con trai đi. Cánh cửa sập
lại. Và bà vợ chạy vào buồng ông chồng với cặp mắt đỏ hoe. Bà bảo ông viết thư
cho Quỳ, người bạn cũ và bây giờ là thượng cấp của ông. Không nhanh tay tụi lưu
manh sẽ hành hạ thằng bé. Dẫu sao nó cũng là hạt máu duy nhất của họ. Nếu rủi
ro, sau này còn biết cậy nhờ ai...
Những lời lẽ của bà tuôn vào
tai ông triền miên. Đại tá không còn nghe rõ mà chỉ thấy một luồng gió xoáy u.
Sau cùng khi bà đã ngừng lời, ông đáp:
- Cho nó ở trong tù. Nó xứng
đáng như vậy.
Bà vợ gào lên. Đại tá cúi đầu.
Nỗi đau trùm xuống vai ông nặng như chì. Nhưng từ trong nỗi đau ấy phóng lên
tia chớp hả hê. Đứa con trai đã đè bẹp ông bằng vẻ tươi cười lạnh buốt, bằng những
suy tính rạch ròi không khoan nhượng. Đứa con trai đã tước quyền làm chủ của
ông trên đời bằng dáng vẻ trẻ trung, làn môi hồng giễu cợt... Nó đáng được như
vậy...
Không biết ai đã nói: “Tình
yêu nào cũng hàm chứa mầm mống của hận thù…”. Đại tá hoảng hốt. Giống như tia
sét. nỗi hả hê vẽ những rạch sáng trên bầu trời tâm linh ông:
- Tại sao ông nhẫn tâm như
thế? Tại sao ông độc ác như thế? - Bà vợ nức nở.
Từ ngày lấy ông cho tới nay,
chưa bao giờ bà khóc. Kể cả những phút chia tay trước hiểm nguy... Đại tá nhìn
những giọt nước mắt đang nối nhau lăn trên làn da mỡ màng của vợ bằng cặp mắt
con thỏ bị con cáo dồn vào hốc cây. Những ngón tay gầy run run lùa vào mái tóc.
Ông thấy đứa con trai đang chập chững bước trên sàn gỗ đi tới mình. Cập má hồng.
Lớp tóc mềm rủ trước trán. Một chân nó đi giày vải. Chiếc giày kia tụt khỏi bàn
chân đeo lòng thòng phía sau. “Mình có lỗi. Vì mình đi biền biệt. Nó đã lớn lên
trong ảnh hưởng của những người khác... Mình có lỗi...”. Đại tá nghĩ. Bà vợ ngước
cặp mắt sưng mọng lên nhìn ông, đay nghiến:
- Ông sắt đá như thế cũng phải.
Ông không mang nặng đẻ đau. Ông chẳng thiệt thòi gì đến mình…
Đại tá Quang thở dài. Ông lẳng
lặng rút trong ngăn kéo tủ thấp ở đầu giường tờ giấy, cây bút bi. Bà vợ nín
ngay tức khắc. Hai tay nắm chặt lấy nhau, bà hau háu nhìn nét chữ ông hiện trên
trang giấy trắng, ông vừa viết xong, bà nhanh nhẹn cầm lá thư gập làm tư bỏ vào
phong bì. Rồi bà thay quần áo mang đi...
Đại tá Quang nằm vật xuống
giường. Tiếng chân bà vợ đã tắt hoàn toàn trên cầu thang. Căn gác yên tĩnh quá.
Vòm lá xà cừ đung đưa ngoài khung cửa. Tiếng chim sẻ nghe như rất xa. Mặt trời
in xuống sàn gỗ một khoảng vuông vắn. Ông nhìn khoảng nắng ấy biết rằng bây giờ
mới non trưa. Phải một tiếng đồng hồ nữa Tâm mới về. Nó đã đem cháo và nước rửa
mặt cho ông rồi đi học từ sớm. Đại tá Quang thấy thiếu đứa con nuôi ghê gớm.
Ông chờ tiếng guốc đứa bé gõ trên cầu thang. Thời khắc trôi qua thật chậm chạp.
Rồi khoảng nắng trên sàn thu hẹp lại từa tựa như một lá buồm. Nỗi khát khao cồn
cào thức dậy trong ông. Ông thèm nhìn cánh buồm lướt trên chân trời thành phố.
Những cánh buồm đứa con gái vẫn mô tả cho ông nghe. Chỉ cần đẩy thuyền ra mé nước,
kéo buồm lên, mọi sự sẽ bắt đầu... Chỉ cần nhìn thấy ngọn buồm, niềm vui sống sẽ
ào tới như gió lướt... Ý tưởng ấy xoắn chặt tim não ông. Đại tá nóng lòng chờ
Tâm đi học về để nó dìu ông ra cửa.
Trưa hôm đó Tâm không về được.
Cô giáo chủ nhiệm gọi nó tới nhà cộng sổ điểm. Con bé khôn ngoan đã mua hai chiếc
bánh giò nhờ bạn đem về cho bố. Đại tá ăn bánh hết hơn một giờ đồng hồ, vừa ăn
vừa chống chọi với cơn đau thể xác. Rồi ông ngủ thiếp đi. Khi đại tá thức dậy,
trời đã ngả sang chiều. Một đốm sáng vàng nhạt đậu trên nóc ô của cô gái Mèo.
Những chiếc lá xà cừ như phủ lớp bụi phấn vì tráng nắng. Gió nhè nhẹ lùa vào
phòng, thổi bùng ngọn lửa đang ủ ấp trong ông. Đại tá nhìn khoảng trời ngoài ô
cửa biết được không cưỡng được niềm khao khát, ông tự can ngăn mình, lưỡng lự
suy tính hồi lâu. Sau rốt, ông ngồi dậy. Từ giường ông nằm tới ô cửa sổ chỉ bảy
tám bước chân. Ba giây đồng hồ với một người mạnh khỏe. Giờ đây, với ông là cả
một hành trình.
Đại tá kéo chiếc ghế kê bên
tủ thấp đầu giường. Ông dùng nó làm điểm tựa để lê bàn chân phải lên phía trước.
Chân trái, tay trái đã hoàn toàn vô dụng. Không những thế, mỗi khi ông cử động,
phần cơ thể tiếp giáp với bộ phận bị liệt lại đau nhức như kim châm. Mồ hôi
toát đầm đìa. Tay đại tá run từ bả vai xuống tận các ngón. Nhưng ý chí mạnh
hơn. Đại tá Quang đã nhích được chừng sáu bước. Tới đó, các cơ bắp bị hủy hoại
không còn tuân theo sự điều khiển ông. Ông ngã vập xuống bậu cửa. Một vệt máu
ri rỉ bò xuống. Đại tá nhìn từng giọt máu tươi đỏ lọt giữa kẽ ngón tay mình.
Bên ngoài, một cánh buồm đang lướt trên các mái nhà thành phố, trên các lùm cây
cao thấp đậm nhạt, trong nền trời hồng rực ánh tà dương. Đại tá hít một hơi
dài, làn không khí mát lạnh. Đôi mắt ông mở to như muốn thu cả cánh buồm với
không gian khoáng đạt vào mình. Đó là một cánh buồm trắng. Phía sau nó có các
dòng sông, những bãi bờ dào dạt sóng, những cuộc hành trình...
Cánh cửa bật mở, đập vào tường
sầm một tiếng.
- Bố!
Đứa con gái kêu lên, tiếng
kêu hốt hoảng của loài chim bị thương. Nó lao tới, cúi lom khom, gồng người
nâng đại tá lên lưng mình. Đại tá Quang ôm đầu Tâm. Từ da thịt nóng ấm của đứa
bé, một cảm giác lạ lùng truyền sang ông. Mãnh liệt và thấm sâu hơn cả nỗi gần
gụi ruột rà. Đại tá Quang sửng sốt. Dòng xúc cảm kinh dị này ông đã gặp một lần.
Trên con đường nhỏ ven thung lũng. Tia lửa mìn tóe sáng, trung sĩ Phèn đẩy ông
ngã sấp xuống cỏ và áp lên lưng ông bộ ngực vạm vỡ của dân chài...
Tâm cõng đại tá Quang về giường.
Đặt ông nằm, nó mới thấy vết thương trên trán bố. Dòng máu bò ngoằn ngoèo xuống
tận cằm. Và vết máu dây trong các kẽ ngón tay chưa khô. Con bé ôm choàng lấy
ông, khóc nức nở:
- Bố ơi, từ rày bố đừng đi
như thế nữa. Bố cứ gọi con. Con đủ sức cõng bố rồi. Con sẽ cõng bố ra cửa...
Đại tá khẽ vuốt dọc sống
lưng gầy gò của đứa bé :
- Ừ !
Ông muốn mỉm cười. Nhưng một
tiếng nổ nhỏ, câm lặng như tiếng rạn nứt của thịt da búng lên vòm não. Có cái
gì đó, ấm và bỏng lan ra, thoạt đầu thật dễ chịu, sau đó tạo thành một lớp
sương đặc quánh và u tối trùm phủ óc não ông, xóa mờ mọi cảm giác, thấm nhòe mọi
ý nghĩ, cằm đại tá đột nhiên cứng đơ ra. Và tay ông tuột khỏi lưng Tâm, rơi xuống
giường, như một vật vô tri. Một linh cảm lạnh buốt khiến đứa con gái bật dậy.
Nó đứng sững, nước mắt ngừng chảy ngay tức khắc, cả tiếng nức nở cũng câm lặng.
Đôi mắt nó nhìn như xoáy sâu vào tấm thân bất động của ông, và miệng lắp bắp:
- Bố làm gì thế bố? Bố làm
chi vậy?...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét