Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2022

CHÀNG TRAI TRÊN SÂN THƯỢNG

 


CHÀNG TRAI TRÊN SÂN THƯỢNG

Dương Thu Hương

Lê Quý Thanh, chủ nhân gian gác xép trên sân thượng (tầng ba) số nhà 162..

Sổ tay theo dõi hộ khẩu của cô công an khu vực ghi thế. Không hiểu sao, mọi người cứ gọi căn nhà nhỏ của Thanh là gác xép. Thực ra, đó chính là một cái phòng gạch nhỏ. Nhỏ xíu. Xây ngay trên gác ba của một tòa nhà lớn. Tòa nhà này trước kia của một tên chủ đồn điền cà phê Pháp. Y chỉ ở Hà Nội vào mùa thu và mùa đông. Trong thời gian đó, giới quan chức lại chơi rất nhiều và y thường tổ chức tiệc trà trên sân thượng. Sang xuân, y đưa vợ vào Đà Lạt, đám gia nhân lại phải hì hục khuân bàn ghế, giá treo mũ áo, cây đèn, chậu cảnh, bồn hoa xuống nhà, qua chiếc cầu thang cheo leo ngất ngưởng. Được vài năm, gã quản gia mới tới liền cho xây một căn phòng nhỏ xíu nơi góc sân, để hết mùa tiệc tùng của chủ, hắn dẹp luôn những thứ để phục vụ vào đó. Năm năm mươi tư, căn phòng nhỏ lọt vào tay cô ruột của Thanh. Bà thuê nhà bên dưới, nhưng dùng căn buồng trên sân thượng để chứa măng khô, miến tinh, bột bánh tả quanh năm. Khi Thanh từ Hải Dương lên Hà Nội học đại học Y khoa, bà liền giao cho cháu căn buồng đó. Hai năm sau bà chuyển chỗ ở nhưng căn buồng vẫn nghiễm nhiên là của Thanh. Anh trở thành chủ nhân một hộ, và anh cũng có riêng một quyển sổ hộ khẩu như ai.

Căn buồng Thanh ở vuông, mái đổ bằng. Trông xa, nó giống như hộp phấn mà ai đó lên chơi sân thượng đã bỏ lại. Mùa hè, nóng như rang bắp. Mùa đông, gió thành phố bốn bên tha hồ lùa vào. Tuy nhiên, đối với một sinh viên căn buồng đó là món gia tài đáng kể. Trước tiên là vì nó đem lại sự tự do ngoài những giờ lên giảng đường. Anh muốn ngủ, muốn ăn, muốn chơi, muốn hát hò... đều không sợ va chạm với ai. Tính thanh niên thích tự do, hứng gì làm nấy.

Thanh là một chàng trai hai mươi bốn tuổi. Người lòng khòng, vai lệch, nói chung là xấu mã. Duy chỉ được cặp mắt đầy cảm mến, dịu dàng. Người khu nhà dưới thỉnh thoảng mới nhìn thấy anh xuống xách nước hoặc mang quần áo đi tắm (vì anh cũng thuộc loại lười tắm). Nghe các bà các chị nói chuyện, anh thường trố mắt lên và ngạc nhiên kêu: “Thế ạ, thế ạ...”. Các cô gái thích đùa nghịch với anh chứ không yêu anh. Thanh có một cây đàn ghi-ta. Anh đàn giỏi và hát khá hay. Mỗi dịp vui vẻ: cưới xin, hội hè hay liên hoan chẳng hạn, các cô kéo ào ào từ dưới sân lên căn phòng nhỏ, ngồi khắp nơi, từ nóc trạn đựng đồ ăn cho tới nắp chiếc va li vốn đã bẹp dúm dó của Thanh. Các cô bắt anh dạy hát cho bằng được. Trêu chọc anh, bắt anh mua táo dầm và mận chín về chiêu đãi. Bắt anh kể những câu chuyện rùng rợn trong nghề y... Thưởng công cho anh vài điếu thuốc cuốn... Để rồi hết dịp vui vẻ đó, các cô lại cuốn đi ào ào, như những cơn lốc, để lại trong căn phòng ngổn ngang của anh những mẩu giấy thiếc bọc kẹo, vài mẩu len buộc tóc và những nắm vỏ hạt dưa, hạt bí.

Trẻ em, trái lại yêu quý Thanh tới mức cha mẹ chúng phải ghen lị. Từ những chú nhỏ ba, bốn tuổi, lứa thiếu niên nhong nhóc chín mười, đến loại choai choai mười ba, mười lăm… Đứa nào cũng dính với Thanh như sơn. Thậm chí, anh phải van vỉ, chúng mới chịu rời bỏ cái tổ chim cheo leo trên sân thượng. Nỗi khủng khiếp nhất đối với các ông bố, bà mẹ là chiếc cầu thang quanh queo, tay vịn sơ sài dẫn lên sân thượng. Bất cứ đứa bé nào lơ đãng cũng có thể rơi từ trên đó xuống và tan xương. Họ phải ra lệnh cấm trẻ con lên gác. Và Thanh cũng phải làm mặt giận dỗi dọa không chơi với tụi trẻ nữa nếu chúng còn leo lên nhà anh. Từ ngày có lệnh đó, mỗi hôm Thanh phải bỏ ra một giờ xuống sân. Ở đó, anh vừa rửa rau, giặt quần áo, vừa kể chuyện cho lũ trẻ. Hết việc, Thanh lại phải vót tre làm diều. Trẻ con của khu nhà thích chơi diều, nhưng chúng không có chỗ thả. Vì thế Thanh phải làm cho mỗi đứa một chiếc diều bằng tre và giấy của mẹ chúng kiếm. Rồi chiều đến, anh lại phải cầm cả lũ diều lên sân thượng, thả gió. Bọn trẻ đứng dưới nghển cổ lên:

- Diều của tao kia kìa, cái dây tròn ấy.

- Của tao trên của mày, dán toàn giấy pơ-lua hồng, sang nhất hội.

Những chiếc diều lắc lư, chao đảo theo gió. Chúng từ từ bay lên, cái thấp, cái cao. Lúc ấy, lũ trẻ bắt đầu kêu gào :

- Chú Thanh, diều của cháu không lên nữa rồi. Chú giật dây đi.

- Chú Thanh,diều của cháu mà thua diều của thằng Hùng din à? Bắt đền chú đấy...

- Chú Thanh, chú cho diều của thằng Thiệu trèo lên đầu diều của cháu, ghét chú lắm, ứ thèm chơi với chú nữa...

Và Thanh, khổ tâm thật sự, bối rối thật sự vì những lời trách móc, kiện cáo của lũ trẻ, cố gắng xoay xở sao cho tất cả bọn chúng được vừa lòng.

Người ta khó biết được vì sao lũ trẻ yêu anh thế. Còn anh, anh yêu chúng vì anh thiếu chúng quá nhiều. Bố mẹ anh, dân làm thuê bánh ở Hải Dương chỉ sinh được mỗi mình anh. Những năm học phổ thông anh lại phải ở với bà ngoại trong một ngôi chùa bốn bề là đồng vắng. Bà giữ chùa, Thanh đi học về giúp bà nhặt hoa lan, trẩy ổi, trèo cau đem đi chợ. Bạn bè với anh chỉ có những bức tường ẩm ướt, rêu phong và những pho tượng ngồi trầm mặc. Thanh thường đứng nhìn lũ trẻ chăn trâu thả diều, chơi trận giả, hò reo la hét ngoài cánh đồng xa xa. Có lẽ, nỗi khát khao đó ám ảnh anh cho tới tận bây giờ. Bố mẹ Thanh mất cách đây hai năm. Anh sống bằng học bổng và tiền bán dần những món đồ hai ông bà còn để lại. Thỉnh thoảng bà cô sai đứa em gái mang đến cho anh vài cân khoai tây và miếng sườn hoặc miếng thịt. Thế là tươm. Không lúc nào Thanh có tiền. Cũng không lúc nào Thanh kêu túng. Còn gạo, anh nấu cơm. Hết gạo, hết thức ăn, anh gọt mấy củ khoai tây bỏ vào nồi, một nắm muối và ba gáo nước, cứ thế ninh nhừ lên. Rồi ngồi bên bếp dầu, vừa đọc sách vừa thò thìa vào nồi khoắng. Ăn hết khoai, uống một cốc nước máy là xong bữa.

Đám thanh niên trong phố ít để ý tới Thanh. Thường thường, họ chỉ để ý đến những ai trội lên. Hoặc là đẹp trai, hoặc là giàu sang hoặc đầu tóc tài tử, lắm tài lẻ và được nhiều cô mê… Thanh không ở trong số đó. Nhưng đôi lần trong những chiều vàng, hoặc trong những đêm thu mướt mát, êm ả, từ căn buồng tổ chim trên sân thượng, một giọng hát tha thiết vang lên:

Người bạn hiền xinh

Anh yêu em qua tháng ngày

Tìm bóng em qua

Gọi tình trong gió mưa...

Giọng hát nồng nhiệt, tha thiết và bâng khuâng quá. Đám trai trẻ trong phố ngơ ngác nhìn nhau:

- Thằng cha nào hát đẹp thế mày ?

- Lặng im nghe... Chà, khá quá !...

Thanh không biết điều đó. Bởi vì, nếu thảng có cô gái dạn dĩ nào ở dưới sân chạy lên phòng anh nhìn vào thì anh im bặt ngay tức khắc. Rồi vừa cười ngượng nghịu vừa dấu đôi chân khẳng khiu xuống gầm bàn.

Hết thời gian đầu, các lớp y tổ chức phân khoa. Bạn bè Thanh nhao nhác hẳn lên. Họ chạy tới nhà giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn kỳ kèo, vòi vĩnh. Thậm chí, có cô gái tuôn cả một suối nước mắt để được phân công về một khoa ưng ý. Thanh không hay biết chuyện đó. Anh cứ lừng khừng đi hết phòng này qua phòng kia trong thư viện nhà trường... Tới một tối, anh vừa bập bùng ghi-ta vừa chén món khoai vĩnh cửu của mình thì Hà, bạn cùng lớp xộc tới:

- Thanh, biết gì chưa ?

- Biết gì ?

- Đùng là người thượng cổ. Bây giờ mà còn ngồi bật ghita, ung dung như ông từ vào đền. Cậu biết không? Cậu bị phân vào khoa pháp y, phẫu thuật tử thi rồi.

- Sao Hà biết?

Thanh bỏ đàn xuống, ngơ ngác trong khoảng khắc. Cậu bạn quát vào tai anh:

- Con Hồng mắt trâu báo tin chiều nay nó đọc trộm bảng phân khoa trên phòng tổ chức.

Thanh ngồi lặng đi hồi lâu, buồn thiu. Hà trách:

- Cậu lạ thật, đáng lẽ phải chạy lên nói trước với thầy Đàm, ông ấy quý cậu lắm cơ mà.

- Mình đã ghi nguyện vọng về chuyên khoa ngoại rồi.

- Ghi thì ăn thua cóc gì? Chủ yếu là cái mõm chứ. Phải nói thật hăng vào, thằng nào to mồm thằng ấy được. Đấy cậu xem, đứa nào cũng đánh võ miệng và đòi bằng được chuyên khoa nó thích. Còn cậu thì im như thóc, thế là họ ấn ngay cho cái khoa pháp y, suốt đời làm bạn với xác chết!

Thanh ngồi thừ ra một lúc. Rồi anh chép miệng:

- Thôi kệ, học pháp y cũng được. Nói đi nói lại làm gì cho mệt, chuyên phẫu thuật tử thi tớ sẽ luôn luôn làm việc với công an và tòa án, tớ sẽ có vô khối chuyện kể cho các cậu nghe...

Từ dạo đó, Thanh hay tìm đọc sách tâm lý và luật. Bạn bè cười anh:

- Cậu muốn làm tâm lý gia và trạng sư nữa cơ à ?...

Thanh gật gù không đáp. Lúc rảnh, anh đọc tiểu thuyết của Đốt và Hêminuê. Đêm đêm, những chú bé dưới sân ngủ được một giấc dậy đi tè, ngẩng lên nhìn cái tổ chim trên sân thượng, vẫn thấy mái đầu bù xù của anh dưới chiếc chao đèn.

Đời sống cứ thế trôi đi, cho tới ngày Thanh về một bệnh viện ngoại ô thực tập. Ở đó, anh quen với một cô y tá gây mê hồi sức. Cô quê ở Hưng Yên. Thoạt đầu, họ nhận nhau là đồng hương. Tiến lên một bước, hai người xưng hô mình mình, bạn bạn. Rồi từ đó chuyển sang anh em ngọt như đường lúc nào không nhớ. Cô gái không đẹp, nhưng được cái đậm đà, khỏe khoắn. Như các cụ nói, thì cô thuộc loại tốt nái, mát da mát thịt. Cô đến thăm anh luôn. Trèo lên trèo xuống cầu thang với một vẻ dũng cảm và hăng hái ít thấy. Lũ trẻ dưới nhà nhìn cô bằng con mắt tò mò, ghen tị. Còn anh, anh đón nhận cô với tất cả nỗi say mê chân thành của một người con trai đã hai mươi bốn tuổi mà chưa hề cùng ai... Căn buồng anh ở tươi đẹp hẳn lên nhờ tình yêu sưởi ấm. Cô y sĩ gây mê là người tháo vát. Cô kê dọn lại đồ đạc, quét tước, treo tranh lên tường, mua hoa đồng tiền cắm trong chiếc bình sứ cổ lỗ mà Thanh đem từ dưới quê lên. Ở trường về, chàng trai đứng sững trước những bông hoa, thán phục và sung sướng. Thường thường, cô ở chơi với anh suốt ngày chủ nhật. Tối đến, họ đi xem kịch hoặc chiếu bóng rồi anh đưa cô về viện. Một sớm chủ nhật, hai người đang lúi húi xem chỉ tay thì anh có khách. Cậu bạn cùng khoa tới mượn cây đàn. Cậu ta ở trong đội văn nghệ nhà trường và tối nay phải đi biểu diễn. Thấy hai người đang bói tay, cậu liền sà xuống ngay:

- Đưa tôi xem cho nào, ông Thanh gà tồ này thì biết gì mà bói với toán ?...

Thanh cười nhũn nhặn, lùi ra phía sau. Anh chàng kia nắm bàn tay mập mạp của cô y sĩ, đặt lên bàn:

- Chà, gan bàn tay đầy hoa thế này, phúc lộc dồi dào lắm đây.

- Thế hả anh ?- Cô gái reo lên - Nghĩa là sau này em giàu lắm chứ?

- Giàu chắc chắn! Cô có nhiều nguồn lộc lắm. Bàn tay này là bàn tay hóa lộc… Nào, đặt lên đùi tôi thật thẳng, tôi xem mới rõ.

Cô y sĩ cười, mắt tít lại, hai má đỏ au:

- Đây, anh xem nữa đi.

- Tôi đang xem đường đời của cô đây... Ô, lạ thật đường đời cô chia đôi ngả. Thế này là tâm hồn cô luôn luôn vật vã, trăn trở vì tình duyên.

Cô gái lo lắng nhìn anh chàng:

- Thế thì sao, hả anh?

Anh ta nhăn trán lại nghĩ ngợi, rồi khẽ gật gù:

- Mệnh cô là thổ. Cô phải tìm người đàn ông nào mệnh Hỏa mới hợp. Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim...

Cô y sĩ ngồi đần mặt ra. Thanh nhìn đồng hồ đã mười một giờ, anh lấy túi đi chợ. Còn anh thầy tướng kia thì tiếp tục lật lên lật xuống bàn tay mập mạp của cô y sĩ.

- Đường tâm đạo của cô đậm nét lắm. Hỏng, truân chuyên là lẽ không thể tránh được rồi !

Cô y sĩ gây mê hồi sức dán mắt vào cái miệng mỏng dính của anh chàng, hồi hộp đến tức thở.

Thấy người yêu không còn hứng thú đi chợ nữa, Thanh bảo cậu bạn:

- Ngồi chơi nhé, lúc về thì cứ lấy đàn. Dây si bị đứt phải kiếm sợi khác mà thay.

Rồi anh hối hả xuống cầu thang vì nắng đã tới đỉnh đầu.

Hôm qua, bà cô mới đưa cho Thanh món tiền. Đồ đạc bố mẹ anh để lại cô giữ và bán dần cho cháu. Hôm nay chàng sinh viên định làm bữa bún chả thết người yêu. Đạp xe tới chợ đã gần mười hai giờ. Thanh vội vã đi tìm đứa em gái, con bà cô. Cô bé đang ngồi trông hàng cho mẹ. Thanh kê ra những món cần mua, đưa tiền và ngồi chờ. Chừng hai mươi phút sau cô bé xách về một chiếc túi “cóc” nặng trĩu. Chàng trai không còn kịp cám ơn em, mắc chiếc túi lên ghi-đông anh hối hả đạp về.

Leo hết ba tầng thang, anh hổn hển xách túi vào nhà, một cảnh tượng khiến anh đứng sững như trời trồng trên ngưỡng cửa: Cô y sĩ gây mê đang ngả đầu vào lòng anh thầy tướng. Họ hôn nhau thắm thiết đến độ không còn nghe bước chân anh. Khi Thanh ném chiếc túi thức ăn xuống sàn, cánh cửa bật lên một tiếng động khô khốc. Cặp trai gái bung choàng nhau ra. Cô y sĩ ngồi im, mặt cúi gằm xuống. Còn cậu bạn thì đứng dậy, nói lắp bắp gì đó rồi chuồn thẳng, không kịp mang theo cây đàn.

... Thế là căn buồng nhỏ trở lại vắng vẻ như xưa. Ngay buổi trưa hôm đó, Thanh đã đưa cô y sĩ gây mê về bệnh viện, dù cô gái đồng hương khóc lóc sùi sịt. Mấy lần cô nói, anh lắc đầu:

- Đừng nói, tôi không nghe đâu, tôi không quen nói nhiều...

Ban đêm, anh nằm nhìn chăm chăm lên khoảng trần nhà hoen những vết mưa, cho tới khi gà gáy sáng lại vùng dậy vùi đầu vào cuốn “Những bước nhảy của giải phẫu trong thế kỷ XX”.

Anh gày rộc đi, nhưng không ốm. Những bông hoa đồng tiền cô y sĩ cắm trong bình đã héo quăn, rụng đầy cánh trên bệ cửa sổ. Anh để mặc cho gió thổi những cánh hoa bay tan tác khắp nhà. Anh không nỡ quét chúng đi. Người ta không thấy anh hát vang lên trong các chiều thanh vắng như xưa. Nhưng nếu có đứa trẻ nào liều lĩnh, vụng trộm leo cầu thang lên tới căn buồng tổ chim trên sân thượng, thì nó sẽ thấy chú Thanh ngồi ôm đàn thì thầm:

Người bạn hiền xinh

Anh yêu em qua tháng ngày

Tìm bóng em qua

Gọi tình trong gió mưa...

Đó là tiếng hát của tình yên đau khổ và chân thành.

Thời gian cứ trôi.

Đã qua một mùa xuân và Thanh hai mươi nhăm tuổi. Năm nay, anh sẽ ra trường. Ở chuyên khoa của anh, anh là y sinh giỏi nhất. Nhưng ngoài giờ lên giảng đường hay thực tập lâm sàng, anh nhảy sang khoá ngoại học thêm. Các cô gái cùng lớp nhờ anh gà cho luôn. Họ trả công anh bằng một câu cám ơn, một túi kẹo, hoặc một nụ cười lúng liếng. Anh vẫn đi về căn buồng nhỏ xíu, một mình. Cuối năm, luận án của anh cao điểm nhất khóa. Anh tự thưởng công cho mình bằng một ngày lang thang. Buổi sớm, anh ăn phở phố Bùi Thị Xuân rồi ghé vào một quán cà phê đầu đường Nguyễn Du uống một tách cà phê nóng, xong, anh đạp xe lững thững ra sông Hồng. Một thời gian dài, chúi mũi vào sách vở anh đã không gặp dòng sông. Bây giờ, là nước đỏ phù sa mênh mông và lãng đãng gợi lên trong anh nỗi khao khát chập chờn. Dường như những cánh buồm lượn lờ kia, những đám bèo nổi lềnh bềnh hay những bọt sóng trắng xóa đều kêu gọi một miền xa xăm mà anh chưa hình dung tới. Dường như chúng đang hát lên bài hát mà căn phòng nhỏ của anh đang thiếu vắng…

Thanh đi miết. Ngược theo bờ đê. Anh im lặng, mơ màng và sung sướng. Phía trước có một người đàn bà cũng đi tới. Thanh tránh sang ven đường. Người đàn bà cũng lách về phía bên kia để chiếc ghi-đông xe đạp của chị ta khỏi ngoắc vào xe anh.

Vào lúc đó, Thanh bỗng nhận ra cô y sĩ gây mê hồi sức. Cô ta cũng vậy. Cô ta kêu lên một tiếng thảng thốt, mặt tái đi, rồi hốt hoảng gỡ chiếc nón đang đội để che cái bụng lùm lùm.

- Cô đi đâu đấy ? -Thanh hỏi

- Em đi... - Cô lúng túng trả lời.

Thanh không thể không nhìn cô. Cô đã xấu đi tàn nhẫn. Mặt cô vàng vọt, hai gò má nhô lên với những chấm tàn hương. Anh mủi lòng. Hồi yêu anh, cô vẫn không đẹp nhưng hồng hào, tươi tốt và dễ thương.

- Bao giờ cô sinh ?

- Cuối năm nay.

- Thế đi lên đây làm gì?

- Em đến nói trước với bà cô họ, cho ở nhờ mấy tháng sinh.

Thanh cau mặt. Anh nghĩ đến người chồng của cô không hiểu hắn đi đâu mà lại để cô vợ lặn lội lo toan những chuyện này.

- Thế anh ấy đâu ?

Mặt cô y sĩ nhợt ra. Cô nói liến láu:

- Nhà em ở tận trên Cao Bằng. Anh ấy đang xin chuyển công tác về đây… Gia đình chồng em cũng có nhà ở Hà Nội nhưng con đông quá, em không muốn nhờ vả...

Nói xong, cô thở dồn dập. Sợi gân trên cổ phập phồng. Thanh nhìn sợi gân nhảy trên cổ cô:

- Ở bệnh viện của cô đến đây những mười lăm cây số. Cô làm sao đạp xe hàng ngày được ?

Cô y sĩ đứng im, không che đậy nổi vẻ lo âu thiểu não. Lòng anh bỗng trào lên niềm hờn oán: Vì sao cô có thể đối xử với anh như vậy? Trong cái buổi trưa ấy, khi cô ngả vào lòng anh chàng bẻm mép kia... Tại sao cô có thể cho cậu ta hôn mà anh, anh yêu nửa năm trời mới chỉ dám cầm tay cô mà chơi trò bói toán ? Làm sao cô có thể vứt bỏ tình yêu chân thành của anh, và đánh đổi bằng vài lời tán tỉnh ?... Rút cục, cái đó đem lại gì ? Những đêm thức trắng của anh. Và cô, một gương mặt vàng bủng đầy tàn nhang.

Cô y sĩ im lặng hồi lâu, lén đưa mắt nhìn:

- Anh có khỏe không ?

- Khỏe.

Thanh đáp. Anh nhớ lại những ngày dài trong căn buồng tổ chim, khi cô đã bỏ đi. Những cánh hoa đồng tiền héo quăn bay đầy nhà. Cái bếp dầu lạnh tanh với mấy củ khoai tây lăn lóc dưới gầm chạn. Thời gian đầu hai người đã hạnh phúc bao nhiêu: Gương mặt hồng hào dễ thương của cô, tiếng guốc nện giòn giã trên cầu thang. Cánh tay tròn trĩnh của cô xắn lên lau nhà, bữa cơm tươm tất với đĩa khoai rán vàng trộn rau sống mà cô đã cắm những trái ớt chín đỏ lên đó bằng bàn tay còn vụng về của một cô gái gốc quê... Dẫu sao thì cô cũng đã đem lại cho anh những tháng ngày vui sướng. Đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong hai mươi lăm năm của đời anh. Thanh nhìn người đàn bà võ vàng trước mặt mình, bồi hồi thương xót :

- Lúc nào... Cô ghé qua tôi chơi. Nếu cần, cô có thể ở tạm đó vài tháng sinh nở. Tôi vào trường cũng được...

Cô y sĩ liếc mắt nhìn trộm anh lần thứ hai, miệng lí nhí:

- Thôi, em chả dám phiền anh... Nhà chồng em cũng ở Hà Nội, chỉ tội là...

Họ chia tay nhau. Thanh dắt xe đạp đi thêm một đoạn nữa nhưng không còn thấy hứng thú. Anh quay về nhà. Ở nhà, Hà đang đợi anh. Cậu bạn thân thiết nhất đang nằm sõng sượt:

- Đến bao giờ thế? - Thanh hỏi.

- Hơn một giờ. Rang cơm ăn xong nằm đọc sách chán chê. Cậu đi đâu thế?

- Ra ngoại ô cho nhẹ đầu. Có việc gì không?

- Mình sắp sửa xa nhau. Tụi này đã có danh sách đi Nam. Tất cả nội, ngoại, đa khoa. Còn cậu thì được ở lại. Ai người ta cần đến cái nghề mổ xác chết của cậu trong chiến trường ?...

- Có danh sách rồi sao ?

- Phải. Và tụi này sẽ phiên chế vào những đơn vị quân y. Họ sẽ phong hàm chuẩn úy hoặc thiếu úy gì đó.

- Chắc chắn không?

- Chắc chắn. Ra đi tớ chẳng bận gì. Nhưng có hai thằng bạn thân thì xé lẻ hết: Cậu thì ở lại. Thằng Tuyên phải về Vĩnh Phú vì mẹ nó già, không ai nuôi.

- Mình cũng vậy thôi...

Thanh thở dài:

- Mình ở đây cũng buồn như trấu cắn.

Họ nằm bên nhau hồi lâu, rồi Thanh nhỏm dậy:

- Này, hay mình xin đi B với cậu?

Hà cũng ngồi bật dậy:

- Hả ? Cậu nói gì ?

Thanh nhắc lại:

- Mình xin đi Nam với cậu cho vui. Ở đây mình còn ai nữa đâu? Hai cụ cải táng rồi. Còn bà cô, bà ấy cũng thương mình nhưng còn một đàn con nhỏ.

- Nói thật chứ ?... Trời ơi, thế thì nhất đời rồi! Hai thằng mình sẽ vi vu cùng trời cuối đất.

Hà ôm Thanh vật ầm ầm trên giường. Cậu ta rất trẻ con. Mặc dù là bạn, Hà vẫn quen dựa vào Thanh như dựa vào người anh lớn. Từ việc rửa bát đến những công việc hệ trọng nhất. Và Thanh, Thanh cũng quen đối xử với Hà bằng cái vẻ bao dung, độ lượng của kẻ bề trên. Trong đời thường, Hà khôn ngoan ranh mãnh. Nhưng cậu ta như quả lắc đồng hồ, chỉ nghiêng chút ít là dao động. Còn Thanh, trong con người khiêm nhường của anh có điểm tựa chắc chắn, có sự định hướng rạch ròi mà bạn bè thường thiếu hụt.

Thấy Hà múa may, Thanh nói thêm:

- Chắc chắn họ chấp nhận. Chiến tranh cần nhiều bác sĩ, dù là thứ bác sĩ chuyên khoa mổ tử thi. Vả lại, chuyên môn ngoại tớ cũng kha khá, đừng lo...

Đơn đề nghị Thanh gửi lên hôm sau được chấp nhận ngay. Anh lo áo quần, hành trang... Hà vui sướng đến độ mấy cô gái gọi anh ta là thằng ruồi bắng nhắng.

Một tối thứ bảy, Thanh định đạp xe sang thăm bà cô thì cô y sĩ gây mê hồi sức đến. Cô ta loanh quanh hồi lâu dưới sân chưa dám lên. Dưới ánh đèn, mặt cô ta xanh tái. Cái bụng sắp đến ngày sinh to chình ình. Cô xin anh cho ở nhờ vài tháng, vì bà cô họ ở xa quá, mà nhà chồng thì lại đông con, và cô chưa thể mua nhà ngay, vì chồng cô đang thu xếp tiền nong trên Cao Bằng...

- Được thôi - Thanh gật đầu - Tôi cũng sắp đi xa một thời gian. Tôi định trả lại phòng cho người nhà, nhưng nếu cô...

Tối hôm đó, anh nói chuyện với bà cô. Bà bảo :

- Cho cô ta ở nhờ nhưng không cho nhập khẩu. Phải viết giấy cam đoan trước chính quyền hết ba tháng phải dọn di.

Thanh giao hộ khẩu cho gia đình, nhưng anh ngượng ngùng không nỡ nói những điều khác với cô y sĩ. Tối hôm cô ta đến, anh đưa cô ta đến trình diện khối phố, rồi thu vén quần áo, đồ lặt vặt vào trường:

- Mọi thứ cô đều có thể dùng được. Còn một can dầu ở dưới gầm trạn. Trong thùng cũng còn gạo. Tôi vào trong kia chẳng cần đến nữa đâu... Thỉnh thoảng cô nên xuống làm vệ sinh với những gia đình dưới nhà.

Thanh vào trường. Anh cùng bạn bè học chính trị, luyện tập đeo gạch hành quân, chờ ngày lên đường. Hai ba tuần sau, có một cậu bạn đột nhiên tới vỗ vai anh :

- Này, tao vừa gặp con bé y sĩ gây mê của mày ngày xưa. Cô ả chửa phưỡn bụng, nom xấu như ma mút. Mày bán lại nhà cho vợ chồng nó rồi sao ?

Thanh ngạc nhiên hỏi lại:

- Bao giờ?

- Nó bảo chồng nó là phó tiến sĩ kinh tế. Vợ chồng nó mua lại căn buồng của mày giá ba nghìn...

Thanh lẳng lặng nhún vai bỏ đi.

Hết đợt luyện tập, họ được nghỉ mười ngày. Sau đó, khám lại sức khỏe, nhận thuốc men, thực phẩm đi đường. Đột nhiên Hà được gọi đi làm hộ chiếu ra nước ngoài học thêm về giải phẫu. Cả trường chỉ có hai người được chọn. Người thứ nhất là Hà, điểm thực nghiệm mổ của Hà cao và điểm ngoại ngữ cũng khá. Nhận vé tàu rồi Hà vẫn ỉu xìu:

- Tớ làm khổ cậu. Đang yên lành tớ rủ cậu sang đây. Bây giờ chẳng lẽ để cậu đi một mình ?

- Nghĩ vớ vẩn - Thanh gạt đi - Cậu chẳng rủ thì trước sau tôi cũng xin đi. Chiến tranh thế này, anh em đi cả, mình ở lại đây sao yên ?

- Nhưng tớ đã nguyện là hai đứa mình sẽ cùng nhau...

- Trẻ con. Vợ chồng cũng có lúc phải rời nhau ra nữa là bạn bè. Cứ yên tâm đi học. Biết được gì về đây dạy lại cho anh em...

Hà đi rồi Thanh bâng khuâng mất cả tuần lễ. Nhung rồi cũng đã có lệnh lên đường. Con tàu xuôi Thanh Hóa rú lên những hồi còi giục giã. Và từng làn khói trắng tỏa trên những mái nhà thành phố, khắc khoải, thiết tha. Khi tàu đi qua ngã tư đường Nam Bộ - Khâm Thiên, Thanh nhoài người ra khỏi ô cửa. Anh nhìn bầu trời quen, nhìn dòng người ứ lại sau thanh chắn. Anh cố gắng tìm cái tổ chim bé nhỏ của mình, nhưng vô hiệu. Và Hà Nội lùi dần, với những ngọn đèn nhấp nháy, với những chiếc xe đạp chen chúc trên lòng dường, mái tóc xõa ngang vai của các cô gái, tiếng reo hò ồn ã của trẻ con và làn bụi như một thứ sương mở ảo bay nghiêng.

Đến Thanh Hóa tàu dừng lại. Từ đây, đoàn người đi theo đường khác. Non một trăm cây số nữa được ngồi trên ô-tô. Sau đó, hoàn toàn đi bộ. Cắt rừng băng núi, cứ thế, ngày nọ sang ngày kia. Ngót ba tháng ròng mới tới nơi. Ở đây, những bác sĩ trẻ nhận đơn vị. Thanh nhận quyết định về một bệnh viện dã chiến thuộc chiến trường C. Cùng về với anh có hai cô chuyên khoa nội. Bắt đầu từ đó là những ngày bận rộn. Thanh không còn nhớ phút đầu tiên anh thực sự đứng mổ chính. Bởi vì, thương binh liên tục chuyển về, không còn có khoảng lùi để ngẫm lại quá khứ. Thanh ít thời giờ đọc sách. Nhưng bù lại anh có thêm nhiều thực tế mà những năm trong trường anh không thể tưởng tượng ra. Anh mổ chính xác và nhanh. Kể cả những bác sĩ cũ nhiều đố kỵ cũng phải công nhận tài năng của anh. Thương binh tin cẩn người bác sĩ mới, vụng về, xấu mã nhưng có đôi tay và tâm hồn dịu dàng. Đời tư anh không thêm được gì. Hai cô bạn cùng đi đã có người yêu tức khắc, ở chiến trường con gái cao giá lắm.

Đời sống trôi đi. Viện di chuyển qua rất nhiều nơi vì bị bắn phá. Họ nhích dần về phương Nam. Một lần, vừa tới địa điểm mới, viện lại bị oanh tạc. Thuốc cháy. Một số bệnh nhân và bác sĩ hy sinh. Các cô y tá trong khoa nhận nhiệm vụ tới khu dược liệu quân khu xin thuốc. Buổi sớm, Thanh phải thay băng cho bệnh nhân. Đêm, anh đã thức mổ tới ba giờ. Thêm nữa những cơn sốt rét vừa qua đã làm anh nhức nhối xương thịt. Đôi tay bác sĩ Thanh rã rời, không còn muốn tuân theo cái đầu nữa. Thương binh thấy anh lì xì, không tươi tỉnh như mọi bận. Tới lượt một thương binh bị cưa chân hai tuần trước, Thanh đặt khay bông băng lên đùi, ngồi im. Có lẽ anh mệt quá. Người thương binh sốt ruột, giục:

- Mau lên đi, tôi khó chịu quá...

Thanh dịu mắt, lặng lẽ bắt tay vào làm. Lúc đó anh ta lại kêu:

- Đau quá, đau quá bác sĩ ơi… Ông làm tôi chết bây giờ...

- Chịu khó một chút. - Thanh nói.

- Thôi thôi buông ra, tôi không thay nữa… Buông ra ! - Anh chàng kia la to hơn.

Thanh cau mày, lại cố nói ôn tồn :

- Chịu đựng một chút. Thay băng xong, anh sẽ thấy dễ chịu hơn.

Nhưng anh chàng khó tính càng la lối to hơn :

- Dứt thịt người ta ra còn dễ chịu nỗi gì ? Ôi cha mẹ ơi, đau quá, buông tôi ra, buông ra !...

Thanh không kìm được nữa, anh ném chiếc kéo xuống khay, quát:

- Im đi, đồ con khỉ!

Mọi người sửng sốt nhìn Thanh. Còn anh chàng kia thì gầm lên như sư tử:

- Ai cho anh quyền ? Ai cho anh quyền lăng nhục tôi ? Chúng tôi đi chiến đấu cho cách mạng, ai cho phép anh nói láo...

Mặt anh ta đỏ rực lên hung dữ. Không còn thấy đâu vẻ đau đớn. Cái chân băng dở vật vã trên giường, bông băng tung tóe lẫn với máu tươi. Thanh ngẩn người. Anh đờ đẫn nhìn thương binh và lắp bắp:

- Tôi nói gì ?... Tôi nói anh... Làm sao?

Có lẽ chính anh cũng không biết mình đã nói gì. Một thương binh ở giường bên bảo anh chàng bị cưa chân :

- Thôi đi đừng kêu la mãi thế. Phải biết xấu hổ chứ. Đàn ông gì mà đau một chút đã rống lên như bò. Kêu như thế bụt cũng phải điên chứ đừng nói đến người...

Anh chàng đó cũng biết điều. Anh ta làu bàu vài câu nữa rồi ngoan ngoãn nằm xuống giường cho Thanh thay băng tiếp. Hôm sau, mấy cô y tá về, Thanh không còn phải thay băng cho anh thương binh nữa. Anh quên đi anh chàng bị cưa chân nọ. Một tháng sau, cô y tá ít tuổi nhất bỗng bảo anh :

- Anh Thanh ơi, có người mời anh xuống lán số 7 chơi.

Thanh ngạc nhiên hỏi:

- Tôi có quen ai đâu?

Cô y tá tủm tỉm:

- Có, cái người bữa trước bị anh mắng là đồ con khỉ ấy.

Thanh sực nhớ ra. Anh bật cười và đi rửa tay vào phòng mổ. Chiều, ăn cơm xong, Thanh xuống lán số 7. Anh nhận ra ngay người la lối bữa trước. Té ra, anh ta rất đẹp trai. Bây giờ vết thương đã lên da non, nét mặt anh ta mất đi vẻ cau có hờn giận. Nụ cười rất tươi, hàng râu quai nón xanh rì quanh má. Thấy Thanh anh ta toét miệng cười:

- Mời bác sĩ xuống chơi cờ với anh em.

Thanh cũng cười :

- Cậu không thù dai chứ?

- Ai lại thế ? Hôm ấy tôi sai mà. Ông tính xem, đang đầy đủ hai chân đàng hoàng, đẹp đẽ, tự dưng bị thiếu hụt một bên, ai mà chẳng điên ?

- Tôi cũng sai. Hôm đó tôi mệt quá, mất cả bình tĩnh.

Chàng thương binh bày ra một gói kẹo hồng đã chảy, dính cả một khối, trong suốt:

- Kẹo nhà gửi người quen đem vào, anh ăn thử.

Thanh nhìn những hạt đường chưa chảy hết, bám trên giấy gói:

- Kẹo hồng Hà Nội, phải không?

Chàng thương binh tròn mắt lên:

- Đúng rồi, sao anh biết?

- Tôi vẫn thường mua... Những năm học ở trường Y ngoài đó. Kẹo Hà Nội thường rắc đường áo. Còn kẹo ở quê tôi, người ta rang vừng, xảy vỏ làm áo nên kẹo lâu chảy hơn.

- Trời ơi, anh cũng ở Hà Nội à?... - Anh chàng kia reo lên đột ngột.- Tôi người Hà Nội đây. Ngay phố Bà Triệu.

- Tôi ở gần đấy. Buồng tôi ở là một cái phòng hộp chứa đồ trên sân thượng gác ba.

- Phòng chứa đồ trên sân thượng, tôi biết những căn phòng loại đó. Đó là những cái chuồng chim mà đáng lẽ người ta phải dỡ bỏ từ lâu rồi. Một thành phố muốn đẹp, phải loại bỏ tất cả những căn buồng phình ra hai bên hông, hoặc ngồi chồm hỗm trên sân thượng. Những thứ cỏ rác đó phá hết vẻ đẹp của kiến trúc. Bên Đông Âu những thứ nhà kiểu đó đã được thanh toán hai chục năm nay rồi.

- Ồ, cậu có vẻ sành kiến trúc thật.

- Tôi học đại học kiến trúc ở Hung-ga-ri. Vừa về nước là nhập ngũ đấy.

- Nước mình đang thiếu cán bộ giỏi. Sao cơ quan lại để cho cậu đi.

- Có cho đâu. Tôi xung phong đấy. Ông chú ruột tôi là thứ trưởng. Tôi bảo ông ấy : Để cho cháu đi. Nếu con cháu mấy ông cán bộ khá mà chỉ học nước ngoài và ngồi ở những chỗ béo bở thì bảo được ai đi lính ? Cháu ở lại, chú cũng không đủ vật liệu, và tiền cho cháu thi thố tài năng. Cứ cho cháu đi. Hết giặc rồi, cháu sẽ về. Và cháu sẽ xây những lâu đài chưa bao giờ chú thấy, kể cả lúc ngủ mê.

- Ông cụ bảo sao ?

- Ông ấy bảo tôi là thằng kiêu ngạo, thằng mất dạy, nhưng phải ký quyết định cho tôi nhập ngũ.

- Trời đất, thế sao lúc thay băng cậu gào lên to thế?

Anh chàng kiến trúc sư cười ha hả :

- Chuyện ấy cũng thường thôi. Con người mà...

Hai người trở nên đôi bạn từ hôm ấy.

Chàng kiến trúc sư thích hát. Thanh kiếm được một cây đàn ghi-ta, khệ nệ mang ba chục cây số đường rừng về viện. Hai người dạy nhau hát. Vốn liếng chẳng có là bao. Thế nên, mỗi khi bác sĩ Thanh xuống lán số 7 thì những tay thương binh nằm lâu nhất thường hát toáng lên những bài tủ của anh. Thanh lắng nghe, tủm tỉm cười. Chàng kiến trúc sư sắp lành chân, lúc nào cũng vui như tết. Cậu chỉ chờ làm xong thủ tục là chuyển ra ngoài Bắc. Nhiều lần trò chuyện với Thanh, cậu cứ hỏi đi hỏi lại bác sĩ:

- Có viết thư cho ai không ? Tôi xin chuyển. Có em nào ngoài đó không? Tôi xin làm người động viên và cảnh giới...

Hoặc là:

- Nhất định tôi phải tìm cho anh một cô thật khá. Trong Bộ của tôi ít ra cũng có trên ba chục nữ kiến trúc sư học nước ngoài về. Một phần ba số đó là các cô coi được.

Và:

- Nhất định tôi sẽ kiếm được vợ ra vợ cho anh. Người như anh mà không yêu sao được?...

Thanh lặng lẽ mỉm cười. Anh thoáng nhớ đến cô y sĩ gây mê, tình yêu vụng dại và những năm dài cô đơn đã đi qua tuổi trẻ. Chàng kiến trúc sư lại than thở:

- Sao bố mẹ tôi lại không chịu đẻ con gái nhỉ? Các cụ ấy hỏng thật, đẻ ra một lũ năm thằng con trai… Phải chi tôi có một đứa em gái, nhất định tôi sẽ gả cho anh...

Thanh đáp lại tất cả những lời lẽ nồng nhiệt của bạn bằng một nụ cười mơ hồ, mà một ánh mắt dịu dàng, trầm ngâm.

Còn ba ngày nữa chàng kiến trúc sư ra Bắc thì viện bị oanh tạc. Lúc đó, Thanh đang rửa tay sau ca mổ. Mấy cô gái xếp dụng cụ trên những chiếc khay tráng men nghe lanh canh. Đột nhiên ba đợt nổ dây chuyền rất xa dội đến. Cô trẻ nhất đứng ở cửa phòng phẫu thuật kêu to:

- Bê năm hai rồi... Bê năm hai...

Những tiếng thét thất thanh lặp lại:

- Bê năm hai...

- Đưa thương binh xuống hầm.

Thanh kêu to. Hai hộ lý đang chuyển thương binh lùi vào hầm mổ. Mấy người khác trên mặt đất cũng nhảy ùa xuống. Đúng lúc đó, Thanh nhìn thấy chàng kiến trúc sư lao tới với vẻ tuyệt vọng. Trong cơn hoẵng loạn, anh đã đánh rơi nạng và đang cập quạng chồm trên hai cùi tay với bên đầu gối còn lành. Thanh nhảy lên, nhoài người kéo anh chàng kiến trúc sư, ôm chặt lấy anh ta, lăn xuống hầm. Tất cả mọi hành động xảy ra trong một khoảnh khắc cực kỳ ngắn ngủi. Cũng trong khoảnh khắc đó, người ta không còn nghe thấy tiếng động nào nữa. Im lăng đột ngột đến tức thở. Rồi là không khí dồn ép lên mọi vật, khiến tất cả như bị đục rỗng ra, hẫng hụt, nhẹ bỗng, rơi tuột xuống đáy của một cái vực vô hình. Những khối đất bị đào lên, ném xuống, âm như bão lốc, trùm phủ lên mọi vật. Một trái bom nổ sát hầm mổ, làm sập một phần cửa hầm. Người hy sinh duy nhất là bác sĩ Thanh. Anh đã ôm chàng kiến trúc sư lăn xuống hầm, trước lúc bom nổ một giây, và tấm thân anh đã hứng chịu những mảnh thép độc ác.

 

°  °  °

Mùa thu năm một ngàn chín trăm bảy mươi sáu.

Đất nước đã thống nhất. Trên đường phố cũ có một người đàn ông trẻ tuổi. Một người đẹp trai: mắt đen, râu quai nón, cằm cương nghị. Nhưng dáng đi của anh ta khập khiễng vì một bên chân giả.

Người đàn ông đi quanh quẩn mãi trước ngôi nhà số 162. Gót giày gõ trên những viên gạch lát men đã mòn nhẵn.

Người đi đường đưa mắt liếc trộm con người kỳ cục đó. Nhưng anh ta dường như không quan tâm tới một ai. Anh ta cứ đi đi lại lại hoài, thỉnh thoảng lại đưa mắt trầm ngâm nhìn căn buồng tổ chim trên sân thượng.

Tiếng giày vang lên một âm điệu đều đặn, rất khó nhận ra tiếng xe cộ ồn ào và dòng thác âm thanh của thành phố. Nhưng ở giữa hai bước đi vội vã, người ta vẫn có thể nghe thấy nó. Cũng giống như vào một giây phút ít ngờ nhất, người ta sẽ nhận ra những hồi âm xa thẳm của cuộc đời của khoảng thời gian trùng điệp ở phía sau lưng mỗi con người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét