Nguyễn Khải
Nữ nghệ sĩ Xuân Nội tuổi đã lớn nhưng giọng hát của chị vẫn còn được giới trẻ hâm mộ. Một giọng hát quý hiếm, không thay đổi với thời gian, vẫn rất ngọt, rất ấm và hơi lẳng. Chị vốn là cô gái đặc quê, nhờ thanh sắc lại sinh ở một làng chèo nổi tiếng nên được lấy lên đoàn văn công tỉnh từ năm mới 17 tuổi. Ngày còn trẻ, các anh chị trong đoàn gọi chị là "cái Nội", "Cái Nội đâu rồi, sắp đến lượt mày ra hát đấy!" Khi chị đã là một diễn viên hát được quan tỉnh quen mặt, dân chúng thuộc tên thì mọi người đều gọi chị là Xuân Nội. Cũng không rõ ai đã đặt cho nhưng nghe có vẻ tỉnh thành, có vẻ văn nghệ nên chị vui vẻ chấp nhận. Dăm năm gần đây mặc dầu chị đã nghỉ hưu nhưng các liên hoan ca nhạc ở tỉnh nhà hoặc ở các thành phố lớn đều có mời chị với lời lẽ hết sức trân trọng của ban tổ chức chương trình và trên quảng cáo: nữ nghệ sĩ Xuân Nội... Về đường công danh chị thành đạt hơn bạn bè, hơn cả lòng mong muốn. Nhưng về đường tình duyên thì hết sức hẩm hiu. Chị về đoàn mới được nửa năm đã có một anh chàng bên văn phòng ủy ban tỉnh để ý, muốn làm quen. Tối thứ bảy hoặc sáng chủ nhật tuần nào anh cũng đến đoàn tìm cách trò chuyện với Nội. Anh không già cũng không trẻ, khó đoán tuổi nhưng sạch sẽ, nghiêm trang. Nói chuyện với bạn gái nhưng anh ta lại sợ bị hiểu lầm là không đứng đắn nên chỉ ngồi ở chỗ đông người, ngồi có khoảng cách, nói cười đều mực thước. Các chị trong đoàn hỏi Nội: "Thằng cha ấy nó muốn chim mày à ?" Nội đáp: "Làm gì có !" - "Vậy nó nói những gì với mày cả buổi thế ?" - "Chỉ nói em phải phấn đấu vào Đoàn. Rồi những gỉ những gì. Nói rặt chính trị thôi". Mấy bà chị cười nghiêng ngả rồi phán: "Tội nghiệp cho mày, lần đầu gặp đàn ông lại vớ phải thằng lại cái". Lại một nửa năm nữa cô bé ngây ngô mới gặp người chồng sau này, là đội trưởng đội kịch, cũng là một cán bộ của đoàn. Anh tên là Minh. Lấy vợ từ năm còn chưa mọc lông nách, vợ hơn chồng những mười mấy tuổi, cưới con dâu để có người làm, mà rồi cũng có một mặt con với nhau, bắt đầu đi văn công thì anh bỏ lửng vợ, rồi tuyên bố bỏ hẳn. Mấy năm nay anh đã tán tỉnh nhiều cô chưa chồng trong đoàn và trong đội kịch nhưng hỏng cả, cuối cùng lại vớ được Nội. Những lần đoàn đi biểu diễn luôn luôn Minh tìm được những chỗ kín đáo để rủ Nội đi chơi và tâm sự. Người đàn ông này hoàn toàn khác hẳn với người đàn ông trước. Miệng chưa nói tay chân đã quờ quạng, nắm tay, ôm lưng, vuốt mông. Quen nhau chưa được một tháng hắn đã nói với bạn gái những chuyện nhảm nhí, tục tĩu, mắt long lanh, răng trắng nhởn, lưỡi đỏ chót, hơi thở nồng và hôi như loài thú. Thoạt đầu cô cũng sợ, nhưng càng sợ lại càng thích gặp, vì mỗi lần gặp như đang dấn mình vào một cuộc phiêu lưu đầy nguy hiểm. Rồi hắn đòi cưới. Cô không đồng ý thì hắn bảo luôn: "Cưới bây giờ là đẹp mặt cả đôi. Còn khi bụng đã to mới cưới thì anh em làng nước họ sẽ chửi cho". Cô phản đối: "Em không đồng ý thì làm sao có chuyện đó được". Hắn cười nhăn nhở: "Tính em hiền, lại cả nể mà cũng dâm nữa. Anh tấn công vài lần là em đổ ngay". Nghĩ đi nghĩ lại thấy cái thằng nửa quỉ nửa người ấy nói cũng phải nên cô bằng lòng cưới. Năm 19 tuổi cô sinh đứa con trai đầu lòng. Năm sau lại có chửa, chồng bắt phá thai. Cô quỳ khóc, van lạy nhưng hắn vẫn không lay chuyển. Hắn lý lẽ: "Có một con cho vợ chồng gắn bó, có hai con mất cả nghề nghiệp, mất cả tuổi thanh xuân, có mà điên". Cô phải nghe lời. Thai đã lớn, bác sĩ mới ra trường, thuốc men vớ vẩn, đã tưởng chết. Cô không chết nhưng cơ quan sinh nở vĩnh viễn hỏng. Ông chồng tuyên bố: "Từ nay em là một nghệ sĩ hoàn toàn tự do" Chả hiểu ý tứ của hắn ra sao. Sinh đứa đầu được hai tháng thì Minh được về Hà Nội học lớp đạo diễn sân khấu ba năm. Con được bốn tháng, Nội đã phải ôm con theo đoàn đi biểu diễn. Một tay bế con, một tay xách cái túi đựng bếp dầu, bột và đường. Ba lô trên vai nhét toàn tã lót, võng gối của thằng nhỏ. Đêm diễn chả biết gửi con cho ai, mắc võng vào khung sắt gầm sàn diễn, lại che mảnh vải dù lên mặt võng để bụi khỏi rơi vào mặt con. Đến tiết mục kịch, quân ta và quân Mỹ đánh nhau, ném lựu đạn gỗ lăn trên sàn diễn rầm rầm. Thằng nhỏ nằm dưới giật mình khóc thét lên, tiếng khóc bắt vào máy phóng thanh, người xem được một mẻ cười còn người mẹ thì bị phạt suất tiền bồi dưỡng đêm diễn. Tiền là mấy đồng hay mấy hào thì quên rồi, đại khái mua được cái bánh chưng mỏng như lưỡi mèo hoặc nửa bát phở. Ông chồng đi học đạo diễn ba năm chỉ về nhà khoảng bốn lần, có hai lần vào dịp Tết. Về tay không, tiền không có, quà Tết cho vợ con cũng không có, bảo là đã mua sách nghiên cứu hết. Nội chưa bao giờ tin chồng cô có tài làm đạo diễn. Anh sống như kịch, mồm mép như kịch sĩ nhưng chưa có vai diễn nào thành công trong suốt mười năm ở đoàn. Không ai dám giao anh nhận vai chính phái. Nghĩ rằng con người có dáng dấp tà phái sẽ dễ dàng nhập vai Việt gian, mật thám, ma cô, quân gian lận, lừa đảo hoặc cán bộ đã mất phẩm chất. Nào ngờ anh diễn vẫn hỏng. Vai quân tử thất bại, vai tiểu nhân cũng thất bại. Cứ giả giả thế nào. Cũng chả hiểu vì sao?
Sống trong một đoàn văn công tỉnh, biết gì nhiều những chuyện trên trời dưới biển nhưng có lúc anh lại phàn nàn với vợ bị cấp tỉnh trù ếm vì họ đã xem anh là phần tử xét lại. Có lúc lại bảo bị đám văn nghệ sĩ ở tỉnh thù ghét vì anh thuộc phái bảo thủ, giáo điều. Hình như cũng chả phải, cô vợ nghĩ thế. Cũng là giả cả, anh chả là cái gì, chỉ là chính anh thôi. Mà cái con người thực ấy chỉ sau vài năm lấy nhau là chị biết liền, biết anh lúc đếm tiền, biết anh lúc ái ân với vợ và lúc ghen tuông, và biết anh lúc tính chuyện tương lai với vợ nhân có chuyện vui nào đó. Cái biết ấy buồn lắm. Vì anh chỉ là một thằng đàn ông rất tầm thường. Tầm thường thì đã sao ? Cái tầm thường vốn nó không phải là một cái tội để người ta khinh, người ta ghét. Có điều đã tầm thường lại còn thích nổi danh, thích đánh đu với những người nổi danh, thích học đòi cách sống đài các, quái dị của những kẻ nổi danh, muốn đứng lẫn với họ để tự coi là một phần tử trong đám họ. Sống với nhau được mười năm thì anh bỏ đoàn lên một tỉnh mạn ngược làm cán bộ sáng tác kịch của Hội Văn nghệ trên đó. Vì anh được nghe ai đó trong giới sân khấu nói rằng anh có khả năng sáng tác hơn khả năng biểu diễn. Rồi anh lấy một bà góa vào loại giàu có vì bà ta có nghề nuôi ong rừng. Đi là đi, một đi không trở lại, chả nói sao cả, đến một lời nói dối cũng không có. Hơn hai chục năm nghệ sĩ Xuân Nội vừa là gái có chồng vừa là gái không chồng, lại đang thời cả tài lẫn sắc đều vừa độ chín, quyến rũ cả trăm người, trai tân có, trai có vợ có, cả mấy ông quan chức hàng tỉnh cũng muốn bỏ vợ quê để được làm chủ một cái tài sản vừa thơm vừa ngọt, nhưng đêm về người đàn bà nổi danh kia vẫn ngủ rất yên giấc bên cạnh đứa con trai đã lên mười. Vì cô sợ đàn ông quá, thực sự là đã rất sợ đàn ông.
Cuối năm 1994 nhân một buổi gặp mặt vui chơi với anh chị em văn nghệ tỉnh H. tôi lại được gặp Xuân Nội sau nhiều chục năm xa cách. Đến tin tức về nhau cũng không có. Chị vẫn rất đẹp, rất đàn bà và hơi lẳng. Cặp mắt dài, hàm răng hơi hô nhưng đều và tròn, cái cằm lẹm một chút là những nét quyến rũ từ thời còn con gái. Chị không được học nhiều nhưng nhạy cảm, thông minh, biết nói chuyện, càng có tuổi xem ra càng đằm thắm. Tôi hỏi:
- Người đàn ông của bà em dạo này ra sao rồi?
Chị nhướn mày, hỏi lại:
- Đàn ông nào?
Thấy vẻ mặt ngơ ngác của tôi, chị vừa cười vừa dí ngón tay trỏ vào trán tôi, như ngày xưa, bả:
- Ông này lại nghĩ bậy rồi, phải không ? Xưa nay em chỉ có một thằng chồng mà anh đã biết. Hắn bỏ em từ lâu lắm rồi.
Tôi lại hỏi :
- Cô sống một mình à?
- Một mình thế nào, em đang sống với thằng đàn ông khác. Rồi lại cười, lại ngấm nguýt, lại bảo tôi đừng có nghĩ vớ vẩn vì cái thằng đàn ông này là con trai chị. Nó đã 32 tuổi, trưởng phòng kỹ thuật của Sở Công nghiệp, chưa vợ con gì, là một thằng đàn ông quá đổi từ tế.
Chị kể, thằng con tên là Mẫn, thương mẹ và tháo vát từ ngày còn nhỏ. Năm 12 tuổi nó đã biết đi chợ, nấu cơm, giặt quần áo, đảm đang như con gái. Lớn lên một chút nó là ông chủ nhỏ của gia đình. Nó không có sự thơ ngây, tính ỷ lại, thói làm nũng của trẻ con. Nó đã già sớm, làm người lớn sớm như để chuộc lỗi cho bố nó. Nó không thể nghĩ được thế nhưng người mẹ đã tưởng tượng ra thế để được hy sinh cho nó nhiều hơn nữa. Là một nghệ sĩ có tên tuổi nhưng chị không hề may sắm quần áo và giày dép mới, chưa hề sắm đồ nữ trang. Toàn mua đồ cũ của bạn bè thải ra, về may cắt lại. Đêm biểu diễn chị thường quấn quanh cổ một vòng hạt cực đẹp, lấp lánh nhiều màu như kim cương. Bạn bè hỏi, chị chỉ mỉm cười rất bí mật. Hỏi giá tiền, chị trả lời : "Năm ngàn !" Nói thế là thật chứ không đùa. Các hạt có nhiều cạnh sáng chỉ là những hạt cườm nhỏ của mọi gánh hàng xén, tẩm qua cồn pha loãng để hơi khô rồi lăn tròn trên tay. Chị nói với tôi : "Váy áo và đồ trang sức của em rất hợp thời trang nhưng giá trị chỉ trong vòng trăm ngàn".
Tôi có hỏi, vì sao con trai đã 32 tuổi mà chưa lấy vợ ? Nó xấu trai hay bà mẹ nghệ sĩ khó tính không muốn chia xẻ tình yêu của mình với một người đàn bà khác. Chị nói rất buồn bã rằng, chị cũng đã nghĩ thế, chị rất sợ bạn bè chị cũng nghĩ thế. Con trai chị có đầy đủ tiêu chuẩn một người đàn ông được đàn bà thèm muốn. Nó có nhiều bạn gái, thân mật với nhiều người nhưng chưa gắn bó với một ai cả. Chỉ vì nó sợ các cô gái của thời bây giờ sẽ làm mẹ nó buồn vì cách sống phóng túng và ích kỷ của họ. Đã có hai người con gái thường đến với chị gần như người thân mà rồi hỏng cả. Cô đầu tiên tuổi ngoài đôi mươi, không đẹp nhưng hiền. Chị hỏi cô gái : "Cháu có thích nghe ca nhạc không ?" - "Cháu cũng thích nhưng chỉ nghe qua đài" - "Cháu thích bài hát nào và ca sĩ nào ?" Con bé cười: "Cháu toàn nghe nửa chừng nên cũng không biết tên bài hát và người hát". Sau lần ấy không thấy cô gái đến chơi nữa. Chị hỏi con trai, nó trả lời: "Mẹ chồng là ca sĩ, con dâu lại điếc đặc âm nhạc, sống với nhau thế nào được". Thế là thôi. Cô thứ hai lớn tuổi hơn, từng trải, sắc sảo, nói chuyện với mẹ chồng tương lai toàn hỏi tiền thu mỗi đêm biểu diễn, tiền thu bài hát qua băng, tiền may gia công mỗi ngày, rồi cô tính toán luôn một chương trình làm ăn rất kinh tế nhờ vào cái giọng vàng trời cho của bà ca sĩ già. Con trai nói với mẹ : "Con lấy nó thì gia đình mình sẽ thành xí nghiệp in tiền, nó là giám đốc còn mẹ con mình thành kẻ làm công. Mẹ chịu chứ ?" Cũng lại thôi luôn. Chị đã nói thẳng với con trai : "Con lấy vợ hay chưa muốn lấy vợ là việc riêng của con, việc một đời của con, đừng có tính đến mẹ, đừng có hy sinh vì mẹ".
Chị thở dài, gương mặt nhìn nghiêng, hơi cúi xuống, trong thoáng chốc như già đi hẳn. Năm tháng chả buông tha cho ai cả, lại là những năm tháng có bao nhiêu lo nghĩ :
- Một đời em chỉ có hai người đàn ông thân thiết, cả hai đều cho em uống mật đắng. Một ông chồng làm khổ em một đời vì những cái mộng hão huyền của ông ta. Một thằng con thì bắt em phải ân hận những năm tháng còn lại vì sự hy sinh vô lý của nó. Nói anh đừng cười, phụ nữ chúng em không thể sống chung với ma quỉ nhưng cũng không thích sống chung với thần thánh. Đằng nào cũng là mất tự do, mà cái phần tự do của bọn em đâu có bao nhiêu.
Chị ngồi co chân ôm gối trên cái kỷ dài, vạt váy buông trùm kín bàn chân, vẫn hơi nghiêng đầu để một bên mái tóc cắt ngắn che nửa mặt, một dáng ngồi nũng nịu và quen thuộc từ ngày còn rất trẻ, rồi hát khe khẽ một trổ trèo cũng rất quen thuộc, hình như tôi đã được nghe nó một lần từ mấy chục năm về trước thì phải:
Một mình thiếp tôi trằn trọc a...a...á...a ới...ới...a
Như bình nấu nung
Lửa tiêm kinh càng giập
sao thiếp tôi í... ì... i càng nồng
Thu phong bát ngát, giấc mòng cô đợi ai
Gió thoảng đưa phảng phất ở cửa ngoài...
Tháng 11 năm 1995
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét