Điệu vũ phi thường
“ĐƯỜNG XA NẮNG MỚI”
Nguyễn Tường Bách
Từ châu Á đi mãi về phía Tây người ta sẽ đến một vùng đất dường
như làm cầu nối giữa hai châu lục Âu - Á. Đó là một vùng đất mênh mông có núi,
có biển, có rừng, có sa mạc. Đó là nước Thổ Nhĩ Kỳ.
Ở một vị trí nối liền hai châu lục, Thổ Nhĩ Kỳ có một lịch sử đầy
biến động vì tất cả mọi đế quốc trong lịch sử loài người phải đi qua đây để
chinh phục các nước khác. Từ Hy Lạp với Alexander Đại đế hay từ La Mã với
Julius Caesar hay từ Mông Cổ với Thành Cát Tư Hãn, vó ngựa của các đoàn quân
viễn chinh đều dẫm chân trên các con đường xuyên lục địa Âu - Á nằm trên chiếc
cầu mênh mông này.
Thổ Nhĩ Kỳ lại còn có một thành phố Istanbul nằm trên eo biển Bosporus giữa Marmara Sea và Black Sea (Hắc Hải). Istanbul là thành phố duy nhất trên thế giới nằm trên hai châu lục Âu - Á. Hai chiếc cầu bắc ngang eo biển Bosporus nối hai bên của thành phố 14 triệu dân này cũng chính là hai chiếc cầu nối châu Âu và châu Á, chúng dường như là biểu tượng cụ thể vị trí của cả nước Thổ Nhĩ Kỳ.
Con đường viễn chinh Âu - Á của lính chiến thời cổ đại thực ra
cũng là con đường của khách thương đường dài mà đời sau gọi là Con đường tơ
lụa. Con đường tơ lụa bắt đầu từ Trung Quốc và chạy mãi đến La Mã, tức là Roma
của xứ Ý ngày nay. Đó là con đường chuyên chở lính chiến và vũ khí với xe với
ngựa. Nó cũng là con đường chuyên chở ngọc ngà, gấm lụa với từng đoàn lạc đà
hàng trăm con. Nhưng cũng trên con đường đó có một loại người đặc biệt, họ đi
từ Đông sang Tây cũng có, mà rong ruổi ngược lại cũng có. Đó là những tu sĩ,
nhà thám hiểm, khách hành hương. Huyền Trang của Trung Quốc hay Marco Polo
(1254-1324) của Ý là những người như thế.
Huyền Trang hay Cưu-ma-la-thập là những nhân vật lịch sử quá nổi
tiếng. Ngoài ông, còn có những vị khác, bí ẩn hơn, ít người biết đến. Ngày nọ,
tôi đến Konya, một tỉnh lẻ của phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Nơi đây, trong năm 1273 có
một thánh nhân được mai táng trọng thể. Tên ông là Mevlana, sinh năm 1207.
Lăng mộ của Mevlana được xây dựng trong một nơi mà ngày nay đã trở
thành viện Bảo tàng của thành phố. Trong tháng 12 mỗi năm, tín đồ Hồi giáo tụ
tập về đây để nhớ đến ông, một người mà người ta tin là đã “giác ngộ”.
Mevlana là người Ba Tư, quê hương ông ngày nay thuộc nước Iran,
nhưng ông sinh tại Afghanistan. Thời đại của ông là thời kỳ mà quân Mông Cổ của
Thành Cát Tư Hãn tung hoành suốt cả các nước Trung Á. Một ngày nào đó trong thế
kỷ thứ XIII, Mevlana theo cha bỏ nước trốn đi về phía Tây. Cha ông là một nhà
thần bí, tương truyền người cha đã tiên đoán trước biến cố ly hương. Hai cha
con theo Con đường tơ lụa, đi cả ngàn cây số đến Konya[1]. Tại Konya, Mevlana gặp một con người kỳ lạ tên gọi là Fariduddin
Attar (1136-1220), một đạo sĩ thần bí Hồi giáo và cũng là một nhà thơ. Gặp
người đó, như bừng tỉnh từ một cơn mơ dài, ông tu học theo phái Suffism,
một giáo phái của đạo Hồi. Suffism được phương Tây gọi là giáo phái “thần bí”,
có rất nhiều tương đồng với một số hướng tu tập của Ấn Độ và Tây Tạng. Ít người
biết Hồi giáo cũng có những phép tu thần bí, trong đó hành giả thực tập thân
tâm để tiến tới sự “hợp nhất” với Thượng Đế.
Nếu mi thay từ “Thượng Đế” bằng “Sự Sống” hay “Chân Tâm” hay “Đạo”
thì tất cả tôn giáo đều đồng qui. Cớ sao phải lụy vào ngôn từ?
Mevlana để lại cho người đời sau một phương pháp dạy hành giả tiếp
cận và hòa nhập với Thượng Đế. Đó là vũ điệu Derwish. Tôi may mắn được chứng
kiến vũ điệu này tại một nơi không xa lăng mộ của Mevlana. Đó không hề là một
điệu vũ như ta thường nghĩ, mà chính là nghi thức đảnh lễ thể tính cao nhất,
tối hậu của vũ trụ.
Vũ điệu Derwish đã bị cấm thực hành từ thời của Atatürk, người
thiết lập nền chính trị hiện đại của Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1924. Chính phủ của ông
liệt các nghi thức tôn giáo thần bí vào loại phải cấm trong nước Thổ Nhĩ Kỳ
hiện đại. Thế nên điệu vũ Derwish không còn được hành trì, chỉ được xem như trò
biểu diễn cho du khách, xem như một nét văn hóa có tính chất lịch sử. Những vũ
công Derwish được chấp nhận như thành viên của những câu lạc bộ chuyên tập
luyện điệu vũ này, họ không được xem là tu sĩ.
Thế nhưng vũ điệu Derwish đã truyền xa tiếng tăm của mình. Tại một
nước Bắc Phi, Tunisia, tôi đã từng được chứng kiến điệu Derwish nhiều năm về
trước. Lần đó là một thiếu niên chừng 16 tuổi biểu diễn điệu Derwish. Dù hồi đó
chưa biết nhiều về tính chất thiêng liêng của Derwish, tôi đã kinh ngạc về
khuôn mặt vô cùng thánh thiện và ngời sáng của thiếu niên này trong buổi trình
diễn. Cậu như được chiếu sáng bởi một ánh sáng siêu nhiên. Tôi vẫn nhớ đến khuôn
mặt cậu nên tìm đọc thêm về Derwish và biết đây không phải là một vũ điệu tầm
thường mua vui cho khách du lịch mà là một nghi lễ thiêng liêng trong tôn giáo
mà tiếng Thổ Nhĩ Kỳ gọi là Sema. Vì vậy khi đến Konya, quê hương
của Derwish, tôi không bỏ lỡ dịp may.
Trong phòng diễn khách đã ngồi chật. Lác đác tôi nghe xung quanh
tiếng Đức và tiếng Pháp. Sàn gỗ hình tròn, trên sàn đối diện với bục ra vào là
một miếng lông màu đỏ, tượng trưng cho Thượng Đế. Trên miếng lông là một chiếc
mũ chóp tròn. Một nhóm khoảng 10 người đàn ông trân trọng đi vào, mặc áo choàng
đen. Họ nghiêm trang cúi lạy Thượng Đế và ngồi xuống trên sàn. Một người đứng
ra tụng bài tán thán, giọng tụng rất thanh thoát và đi sâu vào lòng. Tụng xong
ông trở về chỗ ngồi, nơi có hai chiếc trống nhỏ và bắt đầu gõ trống. Thượng Đế
trong quan niệm Suffism là vô hình vô tướng. Tấm lông đỏ chỉ là biểu tượng.
Bỗng một tiếng “cóc” vang lên. Đó là dấu hiệu khi thể tính vô
tướng đã biến hiện thành thế giới hiện tượng, là “lệnh” của Thượng Đế cho vũ
trụ ra đời. Cái trùng trùng duyên khởi này được Suffism gọi là tiếng gõ Küdüm.
Sau đó trong phòng ngân lên một tiếng sáo, đó là “hơi thở” của Thượng Đế, cho
Sự Sống được thổi vào trong muôn vật.
Sáu người từ chỗ ngồi đứng dậy đi vào đứng hai bên tấm lông đỏ, họ
cúi đầu đảnh lễ lẫn nhau, đầy tỉnh giác và tương kính. Giai đoạn thứ tư này của
nghi lễ biểu diễn cho sự kiện tâm cá thể đảnh lễ tâm toàn thể, thể
hiện tâm đang ngắm nhìn tâm. Trong phần thứ năm các vũ công cởi áo choàng đen
để xuống sàn, để lộ áo quần trắng toát bên trong. Đây là động tác biểu diễn sự
từ bỏ cái tôi cá thể và sự tái sinh trong “thực tại”.
Hai tay họ khoanh trước ngực, biểu hiện của số 1, đó là động tác
nói lên tính nhất thể của Thượng Đế. Ngay lúc này vũ điệu bắt đầu, họ biểu diễn
bốn cuộc đảnh lễ bằng cách quay tròn thân mình và di chuyển cũng theo vòng
tròn, ngược chiều kim đồng hồ.
Trong một thời kỳ của thế kỷ thứ XIII, lúc người ta chưa biết đến
nguyên tử và sự vận hành của các hạt hạ nguyên tử, Mevlana đã biết đến tính
chất quay tròn vốn là tính chung nhất của sự vận hành trong vũ trụ, từ “cái nhỏ
nhiệm nhất đến những tinh cầu xa xôi”. Ông triển khai điệu vũ quay tròn này xem
như phương tiện để hợp nhất với vũ trụ, với Thượng Đế trong dạng thuần khiết
nhất của nó.
Vũ
điệu Derwish
Các vũ công, đúng hơn là các hành giả Sema, xoay tròn quanh người, lướt nhẹ trên sàn gỗ, mắt nhắm nghiền. Bàn tay mặt của họ chỉ lên trời, bàn tay trái chỉ xuống đất, con người đang ở trong một trạng thái nối liền và hợp nhất giữa trời và đất. Khuôn mặt của họ đầy sự tỉnh giác, họ thực hành bốn đợt đảnh lễ: Chứng nghiệm Thượng Đế và thế giới hiện tượng xuất phát từ Ngài, Quán sát trật tự xuất phát từ Thượng Đế và sự huyền diệu, Chuyển hóa tâm thức thông thường thành một lòng thương yêu vô tận và cuối cùng, con người cá thể chấm dứt sự hợp nhất, vui lòng trở về với đời sống bình thường và sứ mạng riêng của mình trong thế giới hiện tượng.
Các hành giả chấm dứt buổi lễ trong sự yên lặng tuyệt đối của
chính mình và khán giả. Cuối cùng thính phòng vang lên lời cầu nguyện cho các
vị thánh nhân xưa nay và cho toàn thể loài người.
Suốt buổi lễ Sema, tôi ngạc nhiên thấy mình dường như ở trong dạng
sơ định của thiền. Một tâm thức trong suốt đang ghi nhận mọi sự xảy ra, kể cả
thân mình đang bất động. Tôi không hiểu lời kinh tán thán bằng ngôn ngữ địa
phương, tôi cũng không có ai để hỏi, nhưng như vậy có lẽ tốt hơn vì tôi khỏi
phải rơi vào trí năng và tâm phân biệt. Tuyệt diệu thay, không những các hành
giả Sema trân trọng và tỉnh giác mà toàn thể tâm ý người nghe cũng đọng lại trong
sự chú tâm cao độ.
Mọi hành trì tôn giáo đều là phương pháp để đến với sự nhất tâm,
dù đó là thiền định, tụng niệm, trì chú hay trong trường hợp này là sự vận động
của thân với tâm tỉnh giác cao độ. Từ tình trạng nhất tâm hành giả sẽ đến tình
trạng vô tâm, đó là sự vắng bóng tính chất cá thể. Khi cá thể vắng bóng thì hai
trạng thái có thể xảy ra. Một dạng là sự đờ đẫn, tê liệt của tâm, dạng của hạng
đồng cốt. Một dạng là cái biết bao trùm và lòng thương yêu hiện hữu. Hai dạng
này cách nhau chỉ một sợi tơ nhưng khác nhau như ngày và đêm.
Suffism là giáo phái “thần bí” của Hồi giáo cũng như Thiên Chúa
giáo cũng có truyền thống thiền định với các khía cạnh thần bí của họ. “Thần
bí” là ngôn từ của kẻ đứng ngoài gọi những người trong cuộc. Vì đứng ngoài nên
họ thấy bên trong là bí hiểm, ẩn tàng. Đối với những ai ở bên trong thì những
gì họ chứng nghiệm hoàn toàn sáng sủa, nó chính là ánh sáng của tri kiến. Và kẻ
đứng ngoài mới là người bị vô minh chi phối. Vì lẽ đó mà Phật được gọi là bậc
“giác ngộ”, cũng vì lẽ đó mà Mevlana mới được quần chúng tôn thờ.
Hầu như tôn giáo nào cũng có điểm chung là phần giáo lý, tính thể
của nó rất thâm sâu, có khả năng đưa con người đến Sự thật tuyệt đối, đến giác
ngộ và giải thoát. Nhưng cũng vì thế mà phần tinh túy này quá khó hiểu, khó tin
đối với quảng đại quần chúng. Và khi nó đến với số đông con người thì tôn giáo
nào cũng đã xơ cứng và giáo điều. Hơn thế nữa khi con người chỉ hiểu tôn giáo
một cách xơ cứng thì nó lại trở thành nguy cơ của tín điều và đó là nguyên nhân
của nhiều xung đột trong xã hội. Lịch sử nhân loại đã chứng minh tình trạng này
của Thiên Chúa giáo, Hồi giáo và của cả Phật giáo.
Thế nhưng, dù số đông quần chúng không thể đến với phần tinh túy
kỳ diệu của tôn giáo, họ vẫn biết được ai là người đã đi được con đường vô ngã,
đã bỏ được tính cá thể, đã hòa nhập với Thượng Đế, mặc dù họ không bao giờ biết
được Thượng Đế là gì. Đó chính là lý do mà cứ mỗi tháng 12 trong năm, dòng
người vẫn đổ về Konya để chiêm bái Mevlana. Đó cũng chính là lý do mà Sema, vũ
điệu Derwish vẫn còn thu hút lòng thành kính của khán giả.
Gặp Mevlana người ta không thể không nhớ đến Rabindranath Tagore,
nhà thơ lớn của Ấn Độ thế kỷ XX. Mevlana cũng vốn là nhà thơ, tất cả mọi lời
kinh tán thán trong buổi lễ Sema đều là thơ của ông. Thơ của Mevlana toát lên
lòng yêu thương, yêu thương Thượng Đế, yêu thương sứ mạng của Ngài giao cho
trong thế giới.
Bảy trăm năm sau Mevlana, đáng kinh ngạc thay, phép hành lễ Sema
như được Tagore miêu tả lại. Tôi không thể không nhớ đến lời thơ của Tagore khi
hồi tưởng buổi đảnh lễ Sema. Tiếng sáo, “hơi thở” của Thượng Đế hầu như được
Tagore diễn tả:
“Ngài mang ống sáo bằng sậy cỏn con này qua đồi qua lũng, và thổi
vào đó bao nhạc điệu mãi mãi tươi xanh”.
Hành giả Sema cởi bỏ chiếc áo tự ngã màu đen trước
khi đảnh lễ và thể nhập với Thượng Đế. Động tác này được Tagore chuyển thành
lời thơ:
“Bài ca của con đã cởi bỏ đồ trang sức. Bài ca hết hãnh diện về
quần áo và vật trang trí. Vàng ngọc sẽ ngăn sự hợp nhất của Ngài và con; nó sẽ
chia lìa Ngài và con; tiếng thì thầm của Ngài sẽ chìm mất trong tiếng leng keng
của nó”.
Hành giả Sema đảnh lễ Thượng Đế bằng điệu vũ và âm nhạc thì Tagore
viết:
“Khi Ngài khiến con ca hát, dường như tâm con muốn tan vỡ vì lòng
hãnh diện; con nhìn khuôn mặt Ngài và nước mắt trào dâng.”
Thượng Đế thực ra hiện diện khắp nơi. Cuối cùng, hành giả trở về
với cuộc sống bình thường, nơi đó chính là trú xứ của Ngài:
“Đừng tụng niệm cũng đừng lần tràng hạt! Ngươi cầu khẩn ai đây
trong xó xỉnh tối tăm cô độc này của ngôi đền kín mít? Hãy mở mắt to ra, Thượng
Đế đâu nằm trước mắt ngươi. Ngài ở nơi mà người nông phu đang cày miếng đất khô
cằn, nơi người thợ làm đường đang đập đá. Ngài ở với họ trong ánh nắng và trong
cơn mưa, áo của Ngài bị phủ đầy bụi. Hãy cởi bộ áo lễ của ngươi ra và hãy xuống
cùng với Ngài dưới đất đầy bụi bặm!”.
Chỉ những ai vô minh mới đi tìm Thượng Đế một nơi nào khác. Tagore
có những lời thơ như:
“Hỡi kẻ ăn xin, hãy đến xin ăn tại cửa nhà mình.”
Trong đoạn cuối, hành giả Sema trở về với cuộc sống thế gian. Hãy
làm hết trách nhiệm và sứ mạng của mình trong đời, đó là niềm vui của Thượng
Đế. Tagore minh họa:
“Con đã nhận lời mời tham dự lễ hội của thế giới này, và có thế
mà đời con được ban phước. Mắt con đã biết nhìn và tai con đã biết nghe. Phần
việc của con trong lễ hội này là chơi nhạc cụ của mình và con đã làm tất cả khả
năng”.
Lời thơ tán thán qua giọng tụng thanh thoát của hành giả Sema đối
với tôi tưởng chừng như chỉ là thanh âm thuần túy bỗng nhiên được một nhà thơ
sống sau đó bảy thế kỷ giảng giải.
Những dòng thơ tôn quý nói trên nằm trong tập Gitanjali (Bài
ca dâng hiến) của Tagore được truyền tụng khắp thế giới, đưa ông đến
giải Nobel Văn chương năm 1951. Nhà thơ lớn đó chắc không bao giờ biết đến một
kẻ hậu sinh dùng thơ của mình để hiểu một nhà thơ khác và ngộ một lễ nghi tôn
giáo khác. Tính thể đích thực của mọi tôn giáo cũng như mọi tinh túy của nghi
lễ thực ra rất gần nhau.
[1] Xem bản đồ trong chương "Sông Hồng trên Thổ Nhĩ
Kỳ".
Vũ điệu tâm linh
Hồ Anh Thái
Ban nhạc dân tộc đang
tấu lên khúc dạo đầu. Các nhạc công cũng ăn mặc như vũ công. Tấm bảng đặt trước
ban nhạc có dòng chữ: đề nghị không vỗ tay. Hiểu ngay, đây là điệu múa chỉ thực
hành trong nghi lễ của những giáo sĩ đặc biệt thuộc dòng Hồi giáo thần bí Sufi.
Người ta đang tái hiện một nghi lễ, chứ không hẳn là biểu diễn, vì vậy người
xem cũng là người chứng kiến, chứ không hẳn là khán giả. Tôi có biết từ trước
về các giáo sĩ khổ hạnh mà người ta gọi là dervish. Ở một số nước, họ bị chính
người đồng đạo Hồi giáo coi là dị giáo, là tà đạo. Họ phải tụ tập nhau ở trong
các ốc đảo hoặc những nơi xa vắng để làm lễ. Một nhóm nhạc công ngồi bên, trong
khi các giáo sĩ dervish quay tròn ở chính giữa đền. Những vũ điệu quay tròn ấy
đưa người ta tiến gần đến chúa trời, hội ngộ với chúa trời, bằng cách ấy đạt
đến sự hoàn thiện hoàn mỹ. So sánh có thể chưa chính xác: vũ điệu quay tròn của
các giáo sĩ này có phần nào giống như việc nhảy múa quay cuồng lên đồng để tiếp
xúc với những linh hồn, người quay cuồng là vũ công trong khi dàn nhạc là các
cung văn cũng ngồi kề bên.
Nhà hát vốn là một nhà
tắm kiểu Thổ Nhĩ Kỳ, do Hodja Pasha xây từ những năm 1470 và hoạt động cho đến
năm 1988. Hodja là quan thái sư, về sau là tể tướng dưới triều hoàng đế Fatih
Sultan Mehmet. Nhà tắm mái vòm cao, những bức tường xung quanh xây bằng đá,
tường cũng thiết kế kiểu vòm như hình đuôi công, bao tròn quanh một chính sảnh,
bây giờ trở thành sân khấu tròn. Khán giả ngồi trên ghế quây tròn xung quanh.
Một tốp vũ công nam trong vai những giáo sĩ dervish thong dong tiến ra. Họ đội
mũ dạ kiểu Thổ gọi là Fes, mũ như cái ống hình trụ hơi nhỏ dần về phía trên.
Một tấm khăn màu đen choàng quanh thân, biểu tượng của ngôi mộ. Chiếc mũ vì vậy
là biểu tượng của tấm bia. Người đi đầu trải xuống đất một tấm thảm nhỏ như
thảm cầu nguyện, quỳ gối và dập đầu xuống đó, thành kính trước đấng tối cao.
Rồi ông ta đứng dậy, quay lại, thực hiện nghi thức cúi chào từng người trong
hàng giáo sĩ. Ban nhạc tấu lên một giai điệu, trên nền giọng đọc một đoạn thơ
trong kinh Koran.
Sau khi quay ba vòng, lúc này các vũ công mới bỏ khăn choàng màu đen ra, hàm ý họ đã thoát khỏi những ràng buộc trần thế. Bên trong là trang phục Semazen trắng toát. Áo dài tay, gấu áo ngang tầm thắt lưng. Váy trắng trùm quét đất. Hai cánh tay đặt chéo trước ngực, bàn tay ấp lên hai vai, họ bắt đầu quay. Nhanh dần. Nhanh đến mức chiếc váy trắng tung lên, quay tròn, như những chiếc nấm trắng. Giây phút gặp gỡ hội ngộ với đấng tối cao bắt đầu, nói là bắt đầu chứ thực ra sự hội ngộ ấy là vô thủy vô chung, không đầu không cuối. Vũ điệu quay tròn tưởng như miên man mê man nhưng thực ra tinh thần luôn tỉnh thức tỉnh táo trong cuộc thanh lọc để đạt đến hoàn thiện. Trong bốn mươi phút đồng hồ, họ quay tròn như thế ba lần, mỗi lần phải đến vài trăm vòng. Tôi có tập năm thức Tây Tạng, mỗi lần tập chỉ cần quay hai mươi mốt vòng. Ba tháng đầu chỉ đều đặn mỗi lần quay từ mười một đến mười lăm vòng, sau đó mới nâng dần lên, rồi ổn định hai mươi mốt vòng trong nhiều năm. Quay tròn thì phải lấy một vật làm điểm ngắm, sau một vòng lại định hướng nó ở nguyên đấy, nếu không định hướng thì quay xong có thể mất phương hướng mà ngã. Đằng này các vũ công mắt cứ nhắm nghiền, không cần định hướng, quay mỗi lần vài trăm vòng rồi đứng lại, như không.
Vũ điệu này đã tồn tại
tám trăm năm ở Thổ Nhĩ Kỳ và năm 2005 được UNESCO công nhận là di sản văn hóa
phi vật thể.
Các giáo sĩ vẫn quay.
Tay phải giơ lên cao, lòng bàn tay xòe ra để đón lấy ân sủng từ thiên đường ban
xuống. Lòng bàn tay trái úp xuống, hàm nghĩa nối liền ân sủng trên ban rồi
truyền xuống mặt đất, xuống thế gian. Kết thúc buổi lễ, một nhạc công lại xướng
lên một đoạn thơ Koran, bằng cách ấy ghi nhận đã xảy ra một cuộc hội ngộ thần
thánh, một hành trình tâm linh từ cá thể đến với đấng tối cao. Các giáo sĩ và
ban nhạc lặng lẽ rời sân khấu tròn và ra đi.
Không có tuyên bố kết
thúc, người xem không được vỗ tay, không được chụp ảnh. Tất nhiên. Và người xem
cũng không còn cảm thấy mình là khán giả. Họ đã thành một phần của một hoạt
động kết nối tâm linh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét