Chủ Nhật, 2 tháng 5, 2021

những điều họ đeo mang (phần 2)

những điều họ đeo mang (phần 2)

(Trích The Things They Carried) 

Tiếp phần 1
Sau khi máy bay trực thăng chở Lavender đi rồi, Thiếu úy Jimmy Cross dẫn trung đội trở lại Than Khe. Họ đốt cháy tất cả mọi thứ. Họ bắn gà và chó, họ đổ rác xuống giếng làng, và họ gọi pháo binh nã đạn vào làng và ngắm nhìn sự tàn phá, rồi họ hành quân thêm vài giờ nữa trong nắng chiều nóng hực và khi hoàng hôn xuống, khi Kiowa giải thích cái chết của Lavender, Thiếu úy Cross thấy mình run rẩy.

Anh cố nén khóc. Với dụng cụ đào hố, nặng 2.2kg anh bắt đầu đào một cái hố trong đất.

Anh cảm thấy nhục nhã. Anh tự ghét mình. Anh yêu Martha nhiều hơn thuộc cấp của anh, và đó là hậu quả tại sao mà Lavender chết, và đó là điều mà anh phải mang như viên đá nằm trong bao tử anh cho đến suốt cuộc chiến tranh.

Anh chỉ có thể đào đất thôi chứ chẳng làm gì khác được. Anh dùng cái dụng cụ đào hố như là một cái rìu, chặt đứt, cả yêu thương lẫn ghét bỏ, rồi sau đó, khi trời tối hẳn, anh ngồi trong hố cá nhân và khóc. Mãi rất lâu anh cứ khóc như thế. Một phần anh thương tiếc Lavender. Một phần cho Martha, và cho chính mình, bởi vì nàng thuộc về một thế giới khác, không hoàn toàn có thật, và bởi vì nàng là một sinh viên năm thứ ba đại học Mount Sebastian ở New Jersey, nhà thơ và trinh nữ và không liên hệ vương vấn, và bởi vì anh nhận biết rằng nàng chẳng yêu anh và sẽ chẳng bao giờ yêu anh.


Như bao xi măng, Kiowa nói thì thầm trong bóng tối. Tao thề có trời – bùm, gục xuống. Không một lời.

Tao đã nghe câu này rồi, Norman Bowker nói.

Thằng ấy đi đái, mày biết không? Nó còn đang kéo cái cái dây kéo lên. Bị xì nẹt lúc đang kéo quần rẹt rẹt.

Được rồi, đủ rồi.

Biết thế nhưng tao không thể chịu được, cái thằng chỉ mới vừa –

Tao nghe rồi, mày thật là… Bao xi măng. Sao mày không câm mồm dùm đi?

Kiowa lắc đầu buồn bã và liếc nhìn cái hố nơi Thiếu úy ngồi nhìn đêm. Không khí đặc sệt hơi nước. Một cơn sương mù dày đặc bao trùm lên cánh đồng và cái im ắng đến trước cơn mưa.

Sau một đỗi rất lâu Kiowa thở dài.

Có một điều chắc chắn, hắn nói. Thiếu úy đau lòng lắm. Tao muốn nói cái chuyện ông ấy khóc – cái cách mà ông tiếp tục – không giả dối hay gì gì, nó là một cái đau đớn nặng nề thứ thiệt. Ông ấy thật sự quí mến thuộc cấp.

Chắc chắn rồi. Norman Bowker nói.

Lúc nãy mày định nói cái gì thì nói đi, ông ấy thật sự quan tâm.

Chúng ta đều có những chuyện không vui.

Lavender thì không.

Không. Tao cũng đoán thế. Bowker nói. Mày làm ơn dùm tao một chút được không?

Câm mồm?

Đúng là một thằng In-điêng khôn ngoan. Câm mồm.

Rùn vai, Kiowa cởi đôi giày bốt ra. Hắn muốn nói thêm, cho nhẹ người dễ ngủ, nhưng thay vào đó hắn mở quyển Tân ước và xếp nó dưới đầu như cái gối. Sương mù làm mọi vật có vẻ trống rỗng và không tình cảm. Hắn cố không nghĩ đến Ted Lavender, nhưng rồi hắn lại nghĩ, cái chết đến sao nhanh quá, không bi thảm, chỉ gục xuống chết, và sao mà khó nghĩ đến những chuyện gì khác, ngoại trừ nỗi ngạc nhiên. Nó có vẻ gì đó không đúng theo tinh thần Thiên chúa. Hắn ước gì hắn có thể cảm thấy buồn vô tận, hay nổi giận, nhưng hắn không có cảm xúc và không thể cấu tạo cảm xúc. Hắn chỉ vui mừng là mình còn sống. Hắn thích cái mùi quyển Tân ước phía dưới gò má hắn, mùi da và mực và giấy và keo, hay bất cứ thứ chất hóa học nào. Hắn thích nghe âm thanh của đêm. Ngay cả khi mệt mỏi, hắn vẫn cảm thấy dễ chịu, những bắp thịt đau nhức và hắn quan sát thân thể rất tinh tế, một cảm giác bềnh bồng. Nằm đấy, Kiowa thán phục là Thiếu úy Jimmy Cross biết thương tiếc. Hắn muốn chia sẻ nỗi buồn với Thiếu úy. Hắn muốn yêu mến đồng đội như Jimmy Cross đã yêu mến thuộc cấp. Tuy thế khi nhắm mắt lại, hắn chỉ có thể nghĩ đến cái Bùm- gục xuống, và hắn thấy dễ chịu vì được tháo đôi giày bốt ra và sương mù đang bao phủ hắn và mùi đất ẩm ướt và mùi của quyển thánh kinh và cái yên ấm dễ chịu của ban đêm.

Sau một hồi lâu, Norman Bowker ngồi bật dậy trong bóng đêm.

Anh ta nói. Mày muốn nói, thì nói đi. Nói. Kể cho tao nghe.

Quên chuyện đó đi.

Không, thằng nỡm, nói đi. Có một điều mà tao ghét nhất, đó là một thằng In-điêng im lặng.


Thường xuyên, họ mang vẻ tự hào nghiêm túc. Thỉnh thoảng, tuy thế, có khi họ hoảng hốt, khi họ la hét và khi muốn la hét nhưng không thể la hét, khi họ vặn vẹo và rên rỉ và ôm đầu và kêu Chúa ơi và nằm xuống đất và bắn bừa và nhăn nhó và nức nở và van nài cho những tiếng nổ kia chấm dứt đi và trở nên điên cuồng và hứa những lời ngu xuẩn với chính mình và với Chúa và với mẹ và với cha, và hy vọng không bị chết. Nói cách khác, điều này xảy đến với tất cả mọi người. Sau khi ngừng bắn, họ nhấp nháy mắt rồi len lén nhìn lên. Họ rờ rẫm khắp người, cảm thấy nhục nhã, rồi nhanh chóng che dấu đi. Họ bắt buộc họ phải đứng lên. Như một diễn tiến chậm chạp, từng khung ảnh rồi từng khung ảnh, thế giới thay thế những điều hợp lý cũ – sự im lặng tuyệt đối, rồi cơn gió, rồi ánh sáng mặt trời, và giọng nói. Đó là nỗi nhọc nhằn của việc còn sống. Vụng về, họ tập hợp, ban đầu nhóm nhỏ, rồi thành nhóm đông, và trở lại thành quân nhân. Họ lau nước mắt. Họ kiểm soát số tử thương, phủi bụi, châm thuốc, cố gượng cười, dặng hắng cổ, khạc, và bắt đầu lau chùi vũ khí. Sau đó một hồi, một kẻ nào đó chợt lắc đầu và nói, Không dóc đâu nghe, suýt nữa là tao ị trong quần, rồi một kẻ khác cười to, điều đó có nghĩa là không tốt, đúng rồi, nhưng thằng cha ấy rõ ràng là không ị trong quần, thế thì không đến nỗi tệ, và dù có thế nào đi nữa không ai làm chuyện như thế rồi đi rêu rao cho mọi người biết. Họ nheo mắt nhìn vào trong ánh mặt trời dày đặc và dữ dội. Hồi lâu họ rơi vào im lặng, châm một điếu cần sa rồi theo dõi đường di chuyển của nó từ người này sang người kia, hít vào, giữ cái hèn kém ở bên trong. Toàn là thứ đáng sợ, một người trong bọn nói. Thế rồi có kẻ sẽ nhăn nhở cười hay nhướng mày và nói, Roger-dodger[1], suýt nữa tao bị khoan thêm một cái lỗ đít nữa, suýt thôi.

Họ ngồi đứng với đủ loại tư thế. Có người mang vẻ bỏ cuộc, còn các người khác mang vẻ tự hào hay vẻ nghiêm trang cứng ngắc của lính hay khôi hài hay hung hăng anh hùng. Họ sợ chết nhưng họ sợ để người khác nhìn thấy vẻ sợ chết của họ hơn.

Họ tìm những câu chuyện khôi hài để kể.

Họ dùng những lời cứng rắn nhưng chứa tình cảm mềm mại dịu dàng. Thoa mỡ[2] họ sẽ nói như thế. Tiêu tùng, cháy, bị xì nẹt lúc đang kéo dây quần rẹt rẹt. Không phải họ độc ác, họ chỉ vờ đóng kịch như trên sân khấu. Họ là diễn viên. Khi có người chết, mà cái chết chầm chậm từ từ, thì cái chết này khá lạ lùng như là diễn kịch. Và bởi vì họ đã thuộc lòng câu nói trong vở kịch, cái khôi hài mỉa mai pha lẫn với bi kịch, họ gọi cái chết đó bằng những tên khác nhau như muốn bao bọc cái chết và biến nó thành một khối u để hủy diệt sự thật về cái chết. Họ đá xác chết. Họ cắt ngón tay cái. Họ càu nhàu cằn nhằn. Họ kể chuyện về những thứ thuốc an thần của Ted Lavender, anh chàng đáng thương này không cảm thấy đau đớn chút nào cả, và anh ta ra đi thanh thản nhẹ nhàng làm sao.

Có một bài học ở đây. Mitchell Sander nói.

Cả trung đội đang chờ máy bay đến chở xác Lavender. Cả đội chia nhau dùng ma túy của anh ta.

Bài học này rõ ràng quá. Sander nói, và nháy một bên mắt. Phải tránh xa ma túy. Nó phá hỏng mất ngày giờ của bạn mỗi khi dùng.

Nói nghe dễ thương lắm, Henry Dobbins nói.

Làm hư hoại tinh thần, biết không? Nói chuyện say sưa nghiện ngập. Chẳng còn gì, chỉ có máu và não.

Họ bắt buộc họ phải cười.

Nó đây rồi, họ sẽ nói. Lập đi lập lại mãi – Nó đây rồi, bạn ta ơi, nó đây rồi – như thể sự lập lại là một hành động đàng hoàng chững chạc, một cân bằng giữa cái điên và cái suýt điên, biết mà chẳng làm được gì, nó đây rồi, điều này có nghĩa là hãy bình tĩnh, để cho nó đi, bởi vì, ừ hứ, bạn ạ, bạn không thể thay đổi những gì không thể thay đổi, nó đây rồi, nó thật sự và chắc chắn và chó má đây rồi.

Họ dữ dằn.

Họ mang tất cả những hành trang tình cảm của những người biết có thể một lúc nào đó mình sẽ chết. Tiếc nuối, sợ hãi, yêu thương, nhớ nhung – đó là những điều không cụ thể, nhưng những điều không cụ thể cũng có thể chất, trọng lực riêng, chúng có sức nặng cụ thể. Họ mang trong lòng ký ức những điều nhục nhã. Họ mang chung nỗi hèn nhát thầm kín chỉ được kềm giữ sơ sài, cái bản năng bỏ chạy hoặc chết đứng hoặc ẩn trốn, trên nhiều khía cạnh đây là một gánh nặng lớn nhất của tất cả mọi người, bởi vì người ta không thể nào đặt nó xuống, nó đòi hỏi sự cân bằng tuyệt hảo và tư thế toàn hảo. Họ mang tiếng tăm của họ. Họ mang nỗi lo sợ lớn nhất của một quân nhân đó là sợ bị đỏ mặt vì thẹn thùng. Người ta giết chóc, và bị giết chết bởi vì người ta hỗ thẹn nếu không làm chuyện giết chóc. Đó là những điều đầu tiên đã mang họ đến với chiến tranh, chẳng có gì tốt đẹp cả, không có những mơ ước vinh quang hay danh dự, chỉ để lãng tránh nỗi hổ thẹn bị mất danh dự. Họ chết, để không phải bị chết vì hổ thẹn. Họ bò vào trong đường hầm và giữ những vị trí lộ liễu sơ hở nhất và tiến công dưới lằn đạn. Mỗi sáng, mặc dù có bao nhiêu điều không thể lường trước, họ vẫn bắt buộc chân họ phải bước. Họ chịu đựng. Họ tiếp tục khuân. Họ không chịu thua hay chấp nhận những phương tiện có ngay trước mắt, chỉ cần nhắm mắt và ngã xuống. Rất dễ dàng, thật thế. Duỗi người rồi nhào xuống đất để cho bắp thịt dãn ra và không nói không rằng cũng không cử động cho đến khi đồng đội đỡ bạn lên và đưa bạn lên trực thăng; và nó, cái trực thăng, sẽ rồ máy chúi mũi xuống rồi bay lên và đưa bạn lìa xa thế giới. Chỉ cần một cái ngã thôi, thế mà không ai ngã cả. Đó không phải là gan dạ, thật ra; mục đích của họ không phải là thể hiện lòng can đảm. Nói một cách thật chính xác, họ quá sợ hãi để có thể hèn nhát.

Nói chung, họ mang những thứ này trong lòng, bên ngoài họ đeo lớp mặt nạ thản nhiên. Họ dè bĩu những người báo cáo bị bệnh. Họ mỉa mai những kẻ đã được thả về bằng cách tự bắn vào ngón chân hay ngón tay. Đồ đàn bà, họ chê. Đó là những lời nhạo báng dữ dội, chỉ loáng thoáng chút ganh tị hoặc nể nang, nhưng chuyện này cũng nhanh chóng tàn phai.

Họ tưởng tượng nòng súng chĩa vào da thịt. Thật dễ dàng; bóp cò và bắn vỡ ngón chân cái. Họ tưởng tượng cái đau nhanh chóng và ngọt xớt, rồi được rút sang Nhật, vào nhà thương với giường ấm nệm êm và những cô y tá geisha xinh xắn.
Họ mơ ước cánh chim tự do.

Ban đêm, khi canh gác, nhìn vào bóng tối, họ được mang đi bằng phi cơ phản lực khổng lồ. Họ sung sướng phấn khởi khi máy bay cất cánh. Thoát rồi! Họ hét to. Rồi tiếp theo là vận tốc – cánh phi cơ và động cơ – cô tiếp viên hàng không mỉm cười – nhưng đó không chỉ là cái máy bay, đó là con chim thật, một con chim bạc sáng loáng sang trọng với lông cánh và móng vấu và tiếng kêu lảnh lót. Họ đang bay. Những gánh nặng rơi mất; chẳng còn gì để gánh chịu. Họ cười to, và đeo chặt, cảm thấy gió lạnh tạt vào mặt và chiều cao, và bay vút, nghĩ rằng Xong rồi, Ta thoát rồi – họ trần truồng, nhẹ nhàng và tự do – tất cả chỉ còn lại cái nhẹ thênh thang, sáng lạng và nhanh nhẹn và sôi nổi, sáng như ánh sáng, đầu óc lâng lâng, cái vui mừng sung sướng như sùi lên trong phổi, như họ được mang lên cao vượt qua khỏi mây trời và chiến tranh, vượt qua khỏi bổn phận, bên ngoài trọng lực và cái chết và những rối rắm của thể giới – Sin loi! (xin lỗi) họ kêu to. Xin lỗi nhé, mấy thằng con dại, nhưng tao khùng rồi, tao đang chơi đùa, tao đang lang thang trong vũ trụ, tao thoát rồi! – và đó là một cảm giác thảnh thơi, không vướng bận, chỉ có cưỡi lên những sợi sóng ánh sáng, rong buồm trên con chim bạc khổng lồ tự do vượt lên trên núi non và biển cả, lên trên nước Mỹ, lên trên nông trại và các thành phố đang say ngủ và những nghĩa địa và xa lộ và những cái vòng cung màu vàng của tiệm McDonald’s, đó là một chuyến bay, một cách chạy trốn, một cách rơi, rơi từ chỗ cao hơn và cao hơn, quay cuồng từ bên bìa của quả đất và vượt cao hơn mặt trời và xuyên qua một khoảng không to lớn im lặng nơi không có những gánh nặng và là nơi mà tất cả mọi vật đều không có trọng lượng – Thoát rồi! Họ hét. Tao xin lỗi nhưng tao thoát rồi! – và vì thế ban đêm, không hẳn là nằm mơ, họ buông thả cho cái nhẹ tênh, họ được khiêng đi, họ thật sự được sinh ra đời.

Vào buổi sáng sau khi Ted Lavender qua đời, Thiếu úy Jimmy Cross nằm phục dưới đáy hố cá nhân và đốt hết những lá thư của Martha. Sau đó anh đốt hai tấm ảnh. Mưa rơi đều làm khó khăn thêm, nhưng anh dùng viên nguyên liệu nhóm lửa và hộp nhiên liệu Sterno để nhóm một ngọn lửa nhỏ, dùng thân hình của mình che ánh lửa, ngón tay nhón cầm những tấm ảnh để hơ phía trên đốm lửa nhỏ màu xanh.
Anh nhận ra đây chỉ là một cử chỉ tượng trưng. Ngu ngốc, anh nghĩ. Ủy mị nữa, nhưng phần lớn là cái ngu ngốc.

Lavender đã chết. Mi không thể nào đốt cháy cái tự trách mình.

Thêm vào đó, những lá thư đó đã in sâu trong đầu anh. Và bây giờ ngay cả khi không có những tấm ảnh, Thiếu úy Cross vẫn nhìn thấy Martha chơi bóng chuyền trong cái quần soóc thể thao trắng và cái áo thun màu vàng. Anh có thể nhìn thấy nàng di động trong mưa.
Khi đốm lửa tàn, Thiếu úy Cross trùm cái poncho qua vai và ăn sáng bằng thức ăn trong hộp.

Trong những lá thư bị đốt cháy, Martha không bao giờ nhắc đến chiến tranh, ngoại trừ câu nói, Jimmy, cẩn thận. Nàng không vương vấn. Nàng ký cuối thư với chữ Thương, nhưng đó không phải là tình yêu, và tất cả những lời hàm chứa hay lý lẽ chẳng quan trọng chút nào. Tiết trinh không phải là chuyện chính. Anh ghét nàng. Vâng. Anh đã. Anh đã ghét nàng. Và cũng yêu, nhưng đó là một tình yêu cứng rắn có lẫn cái ghét.

Buổi sáng ướt át và mờ mịt. Thiếu úy Jimmy Cross lấy bản đồ ra. Anh lắc đầu thật mạnh, như để giúp đầu óc tỉnh táo, và cúi xuống bắt đầu đặt kế hoạch hành quân trong ngày. Trong mười hay hai mươi phút, anh sẽ đánh thức thuộc cấp của anh và họ phải chuẩn bị quân trang quân cụ tiến về hướng tây; nơi bản đồ cho thấy vùng đất này xanh mướt đầy mời mọc. Họ sẽ làm chuyện họ vẫn làm. Cơn mưa có thể khiến mọi vật trở nên nặng nề hơn, nhưng mặt khác sẽ có thêm một ngày mới chồng chất lên những ngày đã qua.

Anh rất thực tế về việc này. Có một sự cứng rắn mới mẻ trong tâm hồn anh. Anh yêu nàng nhưng anh cũng ghét nàng.

Kể từ khi ấy, mỗi khi anh nghĩ về Martha, anh sẽ nghĩ nàng thuộc về một nơi khác. Anh sẽ dập tắt những mơ mộng. Đây không phải là Mount Sebastian, mà là một thế giới hoàn toàn khác biệt, nơi đây không có những bài thơ đẹp hay những cuộc thi giữa khóa, đây là nơi người ta chết vì bất cẩn và ngu xuẩn. Kiowa nói đúng. Bùm-gục xuống, và anh chết toi chết tiệt, không bao giờ chết nửa mùa.
Trong một thoáng, trong màn mưa, Thiếu úy Cross nhìn thấy đôi mắt xám của Martha nhìn anh đăm đắm.

Anh hiểu.

Rất buồn, anh nghĩ. Những điều người ta mang trong lòng. Những điều họ đã làm hoặc cảm thấy cần phải làm.

Suýt tí nữa anh gật đầu chào nàng, nhưng đã không làm thế.

Thay vì tiếp tục suy nghĩ, anh trở lại với cái bản đồ của anh. Anh nhất quyết sẽ thực hiện nhiệm vụ của anh một cách nghiêm túc và không sơ suất. Điều này đã quá trễ để có thể bảo toàn mạng sống của Lavender, anh biết thế, nhưng từ lúc này anh sẽ chỉ cư xử ở cương vị một người sĩ quan. Anh sẽ loại bỏ viên cuội bùa hộ mạng của anh. Nuốt nó, có lẽ, hoặc dùng cái ná của Lee Strunk, hay chỉ cần đánh rơi nó trên đường mòn. Trong cuộc hành quân anh sẽ bắt thuộc cấp thực hành nghiêm chỉnh qui luật chiến trường. Anh sẽ cẩn thận khi dàn quân bảo vệ hai bên hông, để ngăn ngừa lạc hướng, hay dồn chụm vào nhau, giữ cho trung đội của anh tiến với mức độ vừa phải ở một khoảng cách thích hợp. Anh sẽ bắt họ phải lau chùi vũ khí. Anh sẽ tịch thu tất cả các thứ thuốc an thần ma túy của Lavender. Chút nữa trong ngày, có lẽ, anh sẽ tập họp trung đội và sẽ nói với họ một cách rất đơn giản. Anh sẽ nhận cái chết của Lavender là do lỗi của anh. Anh sẽ có chí khí đàn ông khi nhận lỗi. Anh sẽ nhìn thẳng vào mắt họ, giữ cái cằm quân bình, anh sẽ đọc bản mới của nguyên tắc hoạt động bằng một giọng bình tĩnh, không để lộ xung đột tư tưởng qua giọng nói, giọng nói của anh là giọng nói của một Thiếu úy, không chừa chỗ cho cãi lệnh hay thảo luận. Bắt đầu ngay bây giờ, anh sẽ bảo họ, họ sẽ không được bỏ dụng cụ dọc đường hành quân. Họ phải tự kiểm tra hành động của họ. Họ phải đàng hoàng, gọn ghẽ, sạch sẽ và sẵn sàng để được sử dụng.

Anh sẽ không bỏ qua những sự cẩu thả. Anh sẽ chứng tỏ bản lĩnh, không gần gũi với thuộc cấp.

Giữa bọn họ với nhau, họ sẽ than thở càu nhàu, dĩ nhiên, và có thể còn tệ hơn thế, bởi vì ngày của họ dường như dài hơn, những thứ họ đeo mang trở nên nặng nề hơn, nhưng Thiếu úy Cross tự nhắc nhở mình, nhiệm vụ của anh không phải để được yêu thương mà lãnh đạo. Anh sẽ ra lệnh bằng sự thương mến; nhưng chuyện ấy bây giờ không phải là một yếu tố chính. Và nếu có người nào cãi vã hay cự nự, anh sẽ mím môi, ưỡn vai với tư thế chỉ huy. Anh có thể sẽ khẽ gật đầu. Có thể không. Anh có thể nhún vai và bảo, Tiếp tục, rồi họ sẽ sắp xếp và xếp hàng một rồi đi về hướng các làng ở phía Tây của Than Khe.


[1] Ngôn ngữ trong quân đội. Roger là chữ dùng để xác nhận mệnh lệnh hay tin tức nghe qua máy truyền tin. Dodger là tiếng đệm. Tuy nhiên nguyên câu Roger-Dodger, you old codger có một giai thoại khác đi kèm.

[2] Tiếng lóng có nghĩa là bắn chết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét