Chủ Nhật, 2 tháng 5, 2021

những điều họ đeo mang (phần 1)

 những điều họ đeo mang (phần 1)

Tim O'Brien
♦ Chuyển ngữ: Nguyễn Thị Hải Hà

 

Lời giới thiệu của người dịch: Tim O’Brien (1946 – ) là người được trao giải văn học National Book Award năm 1979 với quyển Going After Cacciato. Ông cũng là tác giả của tác phẩm Những Điều Họ Đeo Mang (The Things They Carried) (được chọn vào chung kết của giải Putlizer và sau đó được trao giải National Book Critics Circle Award); và quyển If I Die in a Combat Zone, một hồi ký về chiến tranh Việt Nam.

Những Điều Họ Đeo Mang, trước khi trở thành một chương truyện trong tác phẩm meta-fiction mang cùng tựa đề, được chọn là truyện ngắn hay nhất năm 1987, và đã xuất hiện trong tuyển tập Những Truyện Ngắn Hoa Kỳ Hay Nhất Thế Kỷ 20 (The Best American Short Stories of the Century), chủ biên John Updike (nxb Houghton Mifflin: 2000). Bản dịch Việt ngữ đã được dựa trên nguyên bản này.


Thiếu úy Jimmy Cross cất giữ những lá thư từ Martha, cô sinh viên năm thứ ba Đại học Mount Sebastian ở New Jersey. Những lá thư này không phải là thư tình, tuy nhiên Thiếu úy Cross vẫn nuôi hy vọng, vì thế anh gấp chúng lại, bọc trong bao nhựa và xếp tận ở dưới đáy ba lô. Buổi chiều, sau một ngày hành quân, anh đào hố cá nhân, rửa tay bằng nước chứa trong bi-đông, mở cái bao nhựa có những lá thư, nhón tay cầm những lá thư đưa chúng ra dưới ánh sáng một cách trịnh trọng giả vờ như đấy là những bức thư tình. Anh tưởng tượng những buổi cắm trại lãng mạn trong núi White Mountains ở tiểu bang New Hampshire. Anh cũng thỉnh thoảng liếm nắp phong bì, biết nơi ấy cô nàng đã đặt lưỡi. Trên tất cả, anh chỉ muốn được Martha yêu, như anh đã yêu nàng; tuy nhiên, những lá thư chỉ nói chuyện vẩn vơ, không đề cập gì đến tình yêu. Nàng vẫn còn là một cô thiếu nữ trinh nguyên, anh chừng như có thể cam đoan điều này. Nàng học văn chương ở Đại học Mount Sebastian và nàng viết những lá thư rất hay nói về giáo sư, bạn học, và những kỳ thi giữa khóa. Nàng nói rất nể phục nhà văn Chaucer và yêu thích Virginia Woolf. Nàng thường trích dẫn thơ nhưng tuyệt nhiên không đả động gì đến chiến tranh, ngoại trừ câu nói, Jimmy, anh phải cẩn thận. Lá thư cân nặng 283g, cuối lá thư được ký tên dưới chữ Thương, Martha, nhưng Thiếu úy Cross hiểu rằng chữ Thương ở đây chỉ là một chữ theo thói quen người ta dùng để chấm dứt lá thư chứ không có nghĩa thương yêu như anh vẫn đôi khi dối mình nó có nghĩa thương yêu thật sự. Khi chiều buông, anh cẩn thận cất những lá thư vào ba lô. Thong thả, hơi lơ đễnh, anh đứng lên di chuyển giữa đội ngũ, kiểm soát chung quanh, và khi trời hoàn toàn tối đen anh trở về hố cá nhân nhìn đêm tối, tự hỏi có thật Martha vẫn còn là một thiếu nữ trinh nguyên không.

Có những thứ họ mang bởi vì cần thiết. Giữa những thứ cần thiết, có những thứ ít cần thiết hơn như đồ mở hộp P-38, dao con loại bỏ túi, viên nguyên liệu để đốt lửa, đồng hồ đeo tay, thẻ bài, thuốc chống muỗi, kẹo cao su, kẹo viên, thuốc lá, muối viên, mấy gói bột Kool-Aid để pha nước uống, bật lửa, diêm quẹt, kim chỉ, thẻ lãnh lương, thẻ lãnh phần thức ăn, hai hay ba bi-đông nước. Tổng cộng những thứ này cân nặng từ 6.5 kg cho đến 9 kg, tùy theo thói quen và sức tiêu thụ của mỗi người. Henry Dobbins, một anh chàng to béo, đã mang theo thức ăn nhiều hơn mức cố định, hắn đặc biệt rất yêu thích loại trái đào đóng hộp ngâm trong nước đường thật ngọt để trên mặt bánh bông lan. Dave Jensen, rất quan tâm việc vệ sinh cho mồm và răng, mang theo bàn chải đánh răng, dây tơ xỉa răng, và vài thỏi xà bông nho nhỏ loại người ta hay dùng trong khách sạn hắn đã trộm trong R&R ở Sydney, Australia. Ted Lavender, hay sợ hãi, luôn luôn mang theo thuốc an thần cho đến khi hắn bị bắn vào đầu ở bìa làng Than Khe vào giữa tháng Tư. Bởi vì cần thiết và cũng bởi vì luật của quân đội, tất cả đều phải đội nón sắt nặng khoảng 250g kể cả vải lót và vải bọc. Họ phải mặc quân phục. Một vài người mang theo quần lót. Họ phải mang giày bốt, nặng một 1kg – và Dave Jensen mang theo ba đôi vớ với một chai bột trừ mùi hôi trong giày. Cho đến khi bị bắn, Ted Lavender mang theo khoảng chừng 2g cần sa loại tốt nhất, bởi vì đối với hắn những thứ này rất cần thiết. Mitchell Sanders, chuyên viên truyền tin, mang theo condom. Norman Bowker mang nhật ký. Rat Kiley mang truyện tranh. Kiowa, một người rất tin đạo Baptist, mang quyển Tân Ước quà của ông bố, người đã từng dạy tôn giáo mỗi Chủ nhật ở thành phố Oklahoma thuộc tiểu bang Oklahoma. Như để ngăn ngừa chuyện không hay, Kiowa mang trong lòng nỗi nghi kỵ người da trắng hắn đã thừa hưởng của bà nội và cái rìu đi săn của ông nội. Những thứ đó là những thứ cần thiết. Bởi vì mặt đất bị cài mìn và đặt bẫy, qui luật của quân đội bắt buộc mỗi quân nhân phải mặc áo giáp, bên ngoài là vải ny lông bên trong có lót thép. Cái áo giáp này nặng 3kg, nhưng trong những ngày nóng bức dường như nó nặng nề hơn. Bởi vì bạn có thể chết rất nhanh, mỗi người mang theo ít nhất là một một tấm băng lớn có sức ép thật mạnh để ngăn chảy máu, thường thường được cất trong mũ sắt để tiện dùng. Bởi vì ban đêm thường khá lạnh và mùa mưa rất ướt át, mỗi người phải mang một cái poncho màu xanh lá cây vừa che mưa vừa dùng làm lều tạm trú. Với tấm vải lót kèm theo, cái poncho nặng khoảng 900g nhưng công dụng của nó xứng đáng từng gram. Thí dụ như, trong tháng Tư lúc Ted Lavender bị bắn, họ dùng cái poncho của hắn để bao bọc thân thể hắn, rồi khiêng hắn băng đồng, đưa lên phi cơ trực thăng chở hắn đi.

Họ gọi những thứ đó là legs hay grunts. Tiếng lóng dùng để chỉ những thứ nặng nề nhọc nhằn ngoài sức diễn tả.

Mang một vật gì thì gọi là khuân, như khuân của nợ hay như con lạc đà khuân cái bướu trên lưng. Như Thiếu úy Jimmy Cross đã khệ nệ khuân cái tình yêu anh dành cho Martha leo đồi và băng đầm lầy. Chữ khuân ở đây ám chỉ một sức trì trệ ray rức nặng nề hơn nghĩa của nó.

Hầu như người nào cũng khuân theo một vài tấm ảnh. Trong ví, Thiếu úy Cross đã giữ hai tấm ảnh của Martha. Tấm ảnh đầu là một tấm ảnh màu Kodac có viết chữ Thương, dù anh biết là nó không mang nghĩa như thế. Nàng đứng tựa vào một tường gạch. Đôi mắt xám không biểu lộ vui buồn, môi hé mở khi nàng nhìn thẳng vào máy ảnh. Đôi khi, trong đêm tối, Thiếu úy Cross tự hỏi ai đã chụp cho nàng tấm ảnh ấy bởi vì anh biết nàng có nhiều bạn trai, bởi vì anh yêu nàng quá, và bởi vì anh nhìn thấy cái bóng của người chụp ảnh trải lên trên tường gạch. Tấm ảnh thứ hai được cắt từ quyển niên giám của trường Mount Sebastian năm 1968. Đó là một bức ảnh chụp trong lúc di động – đội bóng chuyền nữ – và Martha đang cúi người nằm rạp song song với mặt đất, nhoài người vói quả banh, lòng bàn tay của nàng thật rõ nét, lưỡi đanh lại giữa đôi môi, nét biểu hiện rất thật và đầy tranh đua. Không thấy rõ những giọt mồ hôi. Nàng mặc quần thể thao ngắn màu trắng. Đôi chân của nàng, anh nghĩ, chắc bẫm là đôi chân xử nữ, khô và mịn trơn, đầu gối bên trái hơi co lại và chịu toàn thể sức nặng của nàng, chừng hơn 45 kg. Thiếu úy Cross nhớ là đã từng sờ vào cái đầu gối này. Trong bóng tối của rạp chiếu phim, anh còn nhớ, phim Bonnie and Clyde, Martha đã mặc một cái váy bằng vải tuýt xô, phim đang chiếu màn cuối, khi anh sờ đầu gối nàng, nàng quay lại nhìn anh bằng vẻ buồn bã nhưng trầm tỉnh làm anh phải rút tay về. Tuy nhiên anh nhớ mãi cảm giác của cái váy và cái đầu gối dưới làn vải và tiếng súng đã giết chết Bonnie cùng với Clyde, anh đã hổ thẹn như thế nào, chậm chạp và tự kềm chế ra sao. Anh nhớ đã hôn nàng đêm ấy, lúc chào từ giã ở cửa phòng nội trú của sinh viên. Ngay lúc ấy, anh nghĩ, anh nên làm một cái gì thật gan dạ. Anh nên bế nàng, leo những bậc thang, vào phòng cột nàng vào giường, và mân mê cái đầu gối trái ấy suốt đêm. Đáng lẽ anh nên mạo hiểm làm chuyện ấy. Rồi mỗi khi anh nhìn tấm ảnh anh lại nghĩ thêm nhiều điều mới mà đáng lẽ anh nên làm.

Những thứ họ mang theo một phần tùy thuộc vào cấp bậc, và một phần tùy thuộc sở trường của họ trên mặt trận.

Là Thiếu Úy và cũng là trung đội trưởng, Jimmy Cross mang la bàn, bản đồ, sách kỹ luật, ống nhòm, và một khẩu súng lục nòng .45 cân nặng 1.3 kg và mang trách nhiệm về mạng sống của thuộc cấp.

Là nhân viên truyền tin, Mitchell Sanders mang cái dadio PRC-25, cái máy bị xem là đồ giết người, gần 12 kg tính luôn bình điện.

Là nhân viên cứu thương, Rat Kiley mang một cái túi vải chứa đầy mọt phin và huyết thanh và thuốc chống sốt rét và băng giải phẩu và sách tranh ảnh và tất cả những thứ một người cứu thương cần phải mang, ngay cả kẹo sô cô la M&M, đặc biệt dành cho những người bị thương nặng, tất cả sức nặng chừng 9kg.

Là một người to béo nên được thủ cây súng máy, Henry Dobbins mang M-60, nặng hơn 10 kg lúc chưa nạp đạn và khoảng 4.5 kg cho đến 6 kg đạn quàng ngang ngực và trên vai.

Là binh nhì, họ khuân những thứ nặng nề thông thường theo tiêu chuẩn. M-16, vũ khí này nặng khoảng 3.3 kg khi chưa có đạn và khoảng 3.7 kg khi có một băng đạn chừng 20 viên đạn. Tùy theo nhiều yếu tố, như địa thế và tâm lý, những người dùng súng trường mang từ 12 cho đến 20 băng đạn chứa trong bao vải, ít nhất là 3.8 kg và nhiều nhất khoảng chừng 6.3 kg. Khi có sẵn đồ, họ cũng mang theo dụng cụ để lau chùi M-16 – que và bàn chải sắt và vải lau và các ống dầu LSA – tất cả các thứ này cộng lại chừng nửa kí lô. Bên cạnh các thứ nặng nề, có người khuân súng phóng lựu M79, khi chưa nạp đạn nặng 2.7 kg, tương đối khá nhẹ ngoại trừ lựu đạn rất nặng. Mỗi một trái lựu đạn nặng đến 280g. Mỗi một băng lựu đạn thường có 25 quả. Nhưng Ted Lavender, người hay sợ hãi, đã mang 34 quả. Khi bị bắn ở bìa làng Than Khe, anh ngã xuống lúc mang trọng lượng quá mức bình thường, hơn 9 kg đạn dược, cùng với áo giáp và mũ sắt và phần ăn và nước uống và giấy đi cầu và thuốc cần sa và tất cả các thứ còn lại cùng với một nỗi sợ hãi không thể cân được. Anh ta là một sức nặng chết. Không vặn vẹo hay co giật. Kiowa, người đã chứng kiến cái chết của Ted, nói anh ta ngã xuống như một hòn đá rơi, hay một túi cát hay một cái gì đó – chỉ có bùm, rồi gục xuống – không giống như trong phim ảnh khi mà người chết lăn vòng vòng và quay mòng mòng và rơi vượt qua ấm trà – không giống như thế, Kiowa nói, thằng con dại chỉ sụm xuống. Bùm. Gục xuống. Không có gì khác hơn. Đó là một buổi sáng tháng Tư đầy nắng. Thiếu úy Cross cảm thấy đau đớn. Anh tự trách mình. Họ tháo gở bình nước và đạn được của Lavender, tất cả những thứ nặng nề, và Rat Kiley nói chuyện hiển nhiên, cái thằng ấy chết rồi, và Mitchell Sanders dùng radio báo cáo lính Mỹ chết trong lúc làm nhiệm vụ xin gởi máy bay trực thăng. Rồi họ quấn Lavender bằng cái poncho của hắn. Họ khuân hắn ra chỗ đồng khô, thiết lập vòng đai an ninh, và ngồi đó chia nhau hút cho hết tất cả những thứ ma túy của hắn cho đến khi máy bay trực thăng đến. Thiếu úy Cross giữ im lặng, ngồi một mình. Anh ta tưởng tượng đến gương mặt mịn màng non trẻ của Martha, nghĩ rằng anh yêu nàng hơn tất cả mọi thứ trên đời và không thể nào ngừng nghĩ đến nàng. Khi máy bay trực thăng đến họ mang Lavender lên máy bay. Sau đó họ đốt cháy rụi làng Than Khe. Họ hành quân cho đến chạng vạng tối, rồi đào hố cá nhân, và đêm ấy Kiowa cứ tiếp tục giải thích lý do sự hiện diện của bọn họ ở chỗ này, nó nhanh làm sao, cách thằng đáng thương ấy ngã xuống như là bao xi măng. Bùm-gục xuống, hắn nói. Như một bao xi măng.

Bên cạnh ba loại vũ khí căn bản – M-60, M-16, và M-79 – họ còn mang theo bất cứ thứ gì khi những thứ này tự giới thiệu về sự hiện diện của chúng, hay bất cứ những gì thích hợp dùng để giết người hay để tự cứu mạng sống của mình. Họ mang những gì họ gặp, những gì có sẵn. Vào những lúc khác nhau, ở những tình huống khác nhau, họ mang M-14 và CAR-15 và K Thụy điển và mỡ dầu dùng để lau súng và AK 47 được tịch thu và Chi-com[1] và RPG[2] và súng các bin Simonov và súng Uzis mua ở chợ đen và súng lục .38 Smith & Wesson và 66 mm LAW và súng shotguns có hãm thanh và blackjacks và dao găm và chất nổ plastic C-4. Lee Strunk mang theo cái ná, hắn gọi là loại vũ khí cuối cùng khi không còn phương tiện nào khác. Mitchell Sanders mang cái găng tay có dát đồng. Kiowa mang cái rìu có gắn lông chim của ông nội. Người thứ ba, hay người thứ tư mang mìn Claymore – 1.6 kg cùng với ngòi nổ. Họ mang lựu đạn – mỗi trái gần 400g. Họ mang ít nhất là một trái lựu đạn khói màu – 680g. Có người mang lựu đạn cay. Họ mang bất cứ thứ gì họ có thể mang nổi, và có một số người nhận ra, những thứ họ mang bao gồm cả một sự sợ hãi cái sức mạnh khủng khiếp của những đồ vật họ mang.

Tuần đầu tiên trong tháng Tư, trước khi Lavender chết, Thiếu úy Jimmy Cross được món quà nhỏ, bùa hộ mạng, do Martha tặng. Đó là một hòn cuội nặng lắm là 28g, nhẵn thín, màu trắng sữa lấm tấm những đốm màu cam và tím, hình bầu dục, như một quả trứng con con. Trong lá thư kèm theo, Martha viết là nàng nhặt được hòn cuội ở bờ biển New Jersey, ngay chỗ nước thủy triều dâng cao tiếp giáp bờ biển, nơi những thứ gặp nhau nhưng vẫn xa nhau. Và chính vì cái tính chất bên nhau mà vẫn xa nhau này, nàng viết, đã xui khiến nàng nhặt hòn cuội và giữ nó trong túi áo trên ngực đôi ba ngày. Ở trong túi áo trên ngực nàng hòn cuội dường như không có sức nặng. Sau đó nàng gửi nó kèm theo trong thư, theo đường hàng không, như một bằng chứng về cái tình cảm chân thật nhất nàng dành cho anh. Thiếu úy Cross thấy chuyện này lãng mạn quá, nhưng anh tự hỏi không biết tình cảm chân thật nhất của nàng, nói cho chính xác, là cái gì, và cũng không hiểu nàng ngụ ý gì về cái ở bên nhau mà vẫn xa nhau. Anh tự hỏi thủy triều dâng làm sao và những ngọn sóng lăn tăn thế nào vào buổi chiều hôm ấy, trên bờ biển Jersey, khi Martha nhìn thấy hòn cuội, cúi xuống nhặt và cứu nó ra khỏi vùng đất này. Anh tưởng tượng đôi chân trần. Martha là một nhà thơ, bản tính thi sĩ, đôi chân nâu trần, móng chân không sơn phết, đôi mắt lạnh giá và thẫn thờ như mặt đại dương của tháng Ba, và tuy đau đớn anh cũng tự hỏi nàng đã đi dạo biển cùng ai chiều hôm ấy. Anh tưởng tượng đôi bóng bước dọc theo dải cát nơi mọi vật ở gần bên nhau nhưng vẫn xa nhau. Đó là một cơn ghen bóng gió, anh biết, nhưng anh không thể tự kềm chế. Anh yêu nàng nhiều quá. Trong lúc hành quân, qua những ngày nóng bức đầu tháng Tư, anh ngậm hòn cuội trong mồm, dùng lưỡi đảo nó, nếm mùi muối biển và vị ẩm ướt. Tâm hồn anh đi hoang. Anh khó lòng tập trung tư tưởng vào cuộc chiến tranh này. Thỉnh thoảng anh la mắng thuộc cấp của anh phải đi cách xa ra, chú ý đến chung quanh, nhưng chính anh rồi cũng rơi vào cơn mơ mộng, tưởng tượng, đi chân trần dọc bờ biển, với Martha, không mang gì trên người. Anh cảm thấy hứng lên, mặt trời và sóng biển và gió mơn man, chỉ có tình yêu và đời nhẹ thênh thang.

Có những thứ họ mang theo tùy thuộc vào nhiệm vụ.

Khi nhiệm vụ bắt họ lên núi, họ mang theo màn che muỗi, mã tấu, những tấm bạt để che, và mang thuốc chống muỗi nhiều hơn bình thường.

Nếu nhiệm vụ có vẻ cực kỳ nguy hiểm, hay nó xảy ra ở địa điểm nổi tiếng là chết chóc, họ mang tất cả những gì họ có thể mang. Chắc chắn là phải mang mìn loại nặng AO, nơi mà mặt đất đầy dẫy với Toe Poppers[3] và Bouncing Betties[4] họ thay phiên nhau khuân máy dò mìn nặng 12.6kg. Với bộ hãm thanh và cái mâm dò mìn thật to, dụng cụ này quá nặng làm đau lưng và mỏi vai, khó xoay trở lúc sử dụng, thường khi vô dụng bởi vì có vô số mảnh kim loại dưới mặt đất, tuy thế họ vẫn mang nó theo, một phần để bào vệ an toàn, một phần vì cái ảo tưởng an toàn nó mang đến.

Khi phục kích, hay thực hiện nhiệm vụ trong đêm, họ mang theo những thứ lặt vặt đặc biệt. Kiowa luôn luôn mang theo quyển Tân uớc và đôi giày da mềm để đi không có tiếng động. Dave Jensen mang thuốc bổ có chất carotene trợ giúp mắt nhìn ban đêm. Lee Strunk mang cái ná và bì để bắn, hắn tuyên bố là sẽ chẳng bao giờ có chuyện không lành. Rat Kiley mang rượu brandy và kẹo M&M. Cho đến khi bị bắn Ted Lavender mang cái viễn vọng kính để nhìn sao, cái này cân nặng 2.85kg với cái hộp chứa bằng nhôm. Henry Dobbins quấn chung quanh cổ anh ta đôi tất bằng nylon của người yêu để thấy bình yên dễ chịu. Tất cả đều mang trong lòng những bóng ma. Khi màn đêm rơi xuống, họ đi hàng một, băng ngang đồng khô hay ruộng nước đến chỗ phục kích, nơi ấy họ đặt mìn Claymore, rồi nằm chờ suốt đêm.

Những nhiệm vụ khác phức tạp hơn đòi hỏi dụng cụ đặc biệt. Vào giữa tháng Tư, nhiệm vụ của họ là tìm kiếm và phá hủy hệ thống đường hầm rất tinh vi ở Than Khe phía Nam Chu Lai. Để phá tung hệ thống đường hầm này họ mang theo những khối chất nổ pentrite rất mạnh, mỗi khối nặng chừng nửa kí, mỗi người mang bốn khối, tất cả là chừng 30kg. Họ mang theo dây thuốc nổ, ngòi nổ, và những cái bật lửa bằng pin. Dave Jensen mang theo đồ bảo vệ lỗ tai. Thường xuyên trước khi đánh nổ đường hầm, cấp trên ra lệnh họ phải khám xét. Đây là chuyện không hay tuy nhiên họ vẫn nhún vai hứng chịu và thi hành mệnh lệnh. Vì to béo, Henry Dobbins được miễn cho nhiệm vụ khám đường hầm. Những người còn lại phải rút thăm. Trước khi Lavender chết ở đó, có 17 người trong trung đội và người nào bị rút trúng số 17 phải cởi hết đồ trang bị, chui vào đường hầm cái đầu đi trước mang theo cái đèn bấm và khẩu súng lục .45 của Thiếu úy Cross. Nhóm người còn lại phải tản mác để bảo vệ an toàn. Họ sẽ ngồi hoặc quì, không đối diện với đường hầm, lắng nghe tiếng động dưới mặt đất dưới chân họ, tưởng tượng đến mạng nhện và ma, hay bất cứ cái gì dưới ấy – đường hầm rất bé hẹp – cái đèn bấm trở nên nặng vô cùng và ánh sáng ấy trong đường hầm bị giới hạn không thể nhìn xa, người ta dễ cảm thấy bị vây bủa đè ép từ bốn phía, ngay cả thời gian cũng không đứng về phe của bạn, và bạn phải nhúc nhích từng chút một để chui vào – cả mông đít lẫn cùi chõ – một cảm giác bị nuốt chửng – và bạn thấy mình lo sợ đủ thứ kể cả những chuyện không đâu vào đâu. Liệu cái đèn bấm có sẽ tắt ngấm không? Chuột có mang bệnh dại không? Nếu bạn kêu gào tiếng vang sẽ đi xa đến đâu? Đồng đội của bạn có nghe không? Liệu họ có đủ can đảm kéo bạn ra khỏi đường hầm không? Ở vài khía cạnh, dù không nhiều, sự chờ đợi kinh khủng hơn là chính cái đường hầm. Sự tưởng tượng là kẻ giết người.

Ngày 16 tháng Tư, khi Lee Strunk rút trúng số 17, hắn cười phá lên, nói lầm bầm cái gì đó rồi nhanh chóng xuống đường hầm. Buổi sáng mà trời đã nóng và không gian rất yên lặng. Không tốt. Kiowa nói. Hắn nhìn miệng hầm rồi nhìn băng qua cánh đồng khô hướng về phía làng Than Khe. Im lìm không một bóng di động. Không mây, chim chóc, hay người ta. Lúc chờ đợi, đám lính hút thuốc, uống Kool-Aid, không nói gì với nhau chỉ cảm thấy tội nghiệp cho Lee Strunk nhưng cũng mừng là mình đã chẳng bắt trúng thăm. Được cái này, mất cái kia. Mitchell Sanders nói, đôi khi bạn phải chờ lần sau. Đó là một câu nghe mãi đến nhàm chẳng ai cười.

Henry Dobbins ăn một thỏi sô cô la ở miền nhiệt đới. Ted uống một viên thuốc an thần và đi tiểu.

Năm phút sau, Thiếu úy Jimmy Cros đến gần đường hầm, nghiêng người xuống, quan sát bóng tối. Không yên tâm, anh nghĩ – cái hầm có thể bị sụp. Bất thình lình, ngoài ý muốn, anh nghĩ đến Martha. Những chấn động, những rạn nứt, sự sụp đổ nhanh chóng, cả hai người bị vùi lấp dưới sức nặng. Tình yêu dày đến độ có thể đè người ta bẹp dúm. Quì gối nhìn cửa hầm, anh cố gắng tập trung tư tưởng về Lee Strunk và chiến tranh, tất cả những nỗi hiểm nguy, nhưng anh không chịu nổi tình yêu này, anh cảm thấy tê dại, anh muốn được ngủ trong lồng phổi của nàng và thở trong máu của nàng và anh muốn bị đè ngạt. Anh muốn nàng vừa là trinh nữ vừa không là trinh nữ. Anh muốn hiểu muốn biết về nàng. Biết những bí mật rất thân thiết: như tại sao lại yêu thơ? Tại sao hay buồn? Tại sao có màu xám trong đôi mắt? Tại sao thường đơn độc? Không cô đơn, chỉ một mình – đạp xe băng ngang khuôn viên của trường hay ngồi một mình trong cafeteria – ngay cả khi khiêu vũ nàng cũng khiêu vũ một mình – và tất cả những chuyện đơn độc ấy trở thành tình yêu lấp đầy trong anh. Anh nhớ có lần nói với nàng trong một buổi tối. Cách nàng gật đầu rồi nhìn lảng ra chỗ khác. Và sau đó, khi anh hôn nàng, cách nàng nhận cái hôn mà không đáp lại, mắt nàng mở to, không sợ hãi, không phải là đôi mắt của một cô gái trinh nguyên, chỉ vô cảm và không lưu luyến vương vấn gì cả.

Thiếu úy Cross nhìn đường hầm trân trối nhưng anh không có mặt ở đấy. Anh đang được vùi chung với Martha dưới cát trắng của bờ biển Jersey. Họ ghì chặt lấy nhau, và viên cuội trong miệng anh là lưỡi nàng. Anh mỉm cười. Mù mờ, anh nhận biết cái im vắng của ngày hôm ấy, cánh đồng im lìm như dỗi hờn, tuy thế anh đã chẳng thể nào chú tâm vào việc bảo vệ an toàn. Anh ở bên ngoài điều ấy. Anh chỉ là một đứa bé đang chơi trò chơi chiến tranh, đó là tình yêu. Anh mới hai mươi bốn tuổi. Anh không thể tự kềm chế mình.

Một ít lâu sau, Lee Strunk bò ra khỏi đường hầm. Hắn cười nhe răng, bẩn thỉu nhưng vẫn còn sống nhăn. Thiếu úy Cross gật đầu và nhắm mắt lại trong khi những người kkác vỗ lưng Strunk và nói đùa về việc chết đi sống lại.

Giun. Rat Kiley nói. Xuất hiện từ trong cái mộ này. Đồ quỷ khốn nạn.

Mọi người cười. Họ cảm thấy nhẹ nhõm.

Lee Strunk giả tiếng ma hú để đùa cợt, nghe như tiếng rên, nhưng vui vẻ hơn, và ngay khi Strunk hú tiếng hú ma quái mà vui vẻ, khi mà hắn kêu ahhhuuu, chính lúc ấy Ted Lavender bị bắn vào đầu khi hắn đi tiểu xong và quay trở lại. Hắn nằm, miệng mở toác. Hàm răng của hắn bị vỡ nát. Dưới con mắt bên trái có một vết sưng bầm đen. Xương gò má biến mất. Ô, cứt thật, Rat Kiley nói, cái thằng ấy chết rồi. Cái thằng ấy chết rồi. Hắn tiếp tục lập lại, như thể đây là điều sâu sắc lắm – Cái thằng ấy chết rồi. Tôi nói chết thật mà, chết ngắc.

Có những thứ họ mang theo vì mê tín dị đoan. Thiếu úy Cross mang hòn cuội làm lá bùa hộ mạng. Dave Jensen mang một cái chân thỏ, Norman Bowker, bình thường là một người chân chất hiền lành, mang một ngón tay cái, đó là món quà của Mitchell Sanders tặng cho hắn. Ngón tay cái màu nâu sậm, trơn bóng, nặng chừng 110g là nhiều nhất. Nó được cắt từ cái thây của một chú bé VC, chừng 15 hay 16 tuổi. Họ tìm thấy chú ở dưới rãnh ruộng, cháy đen, ruồi bu đầy mồm và mắt. Chú thiếu niên mặc quần đùi đen và dép râu. Lúc chết chú ấy mang một bọc gạo, khẩu súng, và ba băng đạn.

Bạn muốn biết ý kiến của tôi, Mitchell Sanders nói, chắc chắn có một bài học ở đây.

Hắn đặt tay lên cổ tay người chết. Hắn im lặng một đỗi, như thể bắt mạch, xong rồi hắn vỗ bụng của cái xác, như đầy thương xót, và dùng cái rìu đi săn của Kiowa cắt ngón tay cái.

Henry hỏi cái bài học đó là gì?

Bài học?

Chú mày biết mà. Bài học.

Sanders dùng giấy đi cầu gói ngón tay lại và đưa nó cho Norman Bowker. Không có máu. Mỉm cười, hắn đá vào đầu chú bé, nhìn đám ruồi bay tán loạn, và nói. Nó giống như một chương trình TV cũ – Paladin. Có súng, sẽ du hành.

Henry nghĩ về điều này.

Ừ, hừm. cuối cùng hắn mở miệng. Tao chẳng thấy bài học nào cả.

Đó nó đó. Mày sao kỳ quá.

Đù mẹ mày.

Họ mang giấy USO bút chì và bút mực. Họ mang Sterno, kim băng, đèn đánh dấu đường, đèn làm tín hiệu, cuộn dây thép, kẽm gai, thuốc lá để nhai, bó nhang rời và tượng Phật Di Lặc, nến, bút dầu, Cờ Hoa Kỳ, đồ cắt móng tay, truyền đơn Psy Op, mũ mềm (như mũ hướng đạo), cái rìu, và còn nhiều thứ. Mỗi tuần hai lần, khi máy bay trực thăng tiếp tế đến, họ mang thức ăn tươi nóng trong những cái thùng nhựa hai lớp màu xanh lá cây (mermite cans). Họ mang những thùng nhựa chứa chừng 8 lít nước. Mitchell mang một bộ đồ trận rằn ri như da cọp để dành cho những buổi đặc biệt. Henry Dobbins mang thuốc trừ sâu bọ Black Flag. Dave Jensen mang những cái bao không để có thể nếu cần thì ban đêm đổ cát vào để tăng cường chuyện bảo vệ. Lee Strunk mang kem chống nắng. Có nhiều thứ họ chung nhau mang. Thay phiên nhau họ mang cái máy PRC-77 thật to để phá tín hiệu, cái này cân nặng 13.5 kg với bình điện của nó. Họ mang chung kỷ niệm ký ức. Họ gánh vác cái mà người khác không mang nổi nữa. Rất thường xuyên họ khiêng nhau, những người bị thương và những kẻ yếu sức. Họ mang những vết thương bị nhiễm độc và bệnh tật. Họ mang bộ cờ, bóng rổ, tự điển Việt Anh, phù hiệu của cấp bậc, huy chương đồng và Bảo Quốc Huân Chương, những cái thẻ nhựa có in điều lệ qui luật. Họ mang bệnh sốt rét và tiêu chảy. Họ mang chí, ghẻ chốc, đĩa, rong và nhiều loại rau rễ rữa thối mốc meo. Họ mang mặt đất-Việt Nam, nơi chốn, đất đai- một thứ bụi khô màu cam đỏ bám đầy giày bốt, quần áo, và mặt mày. Họ mang bầu trời. Cả không trung khí quyển, họ mang nó, hơi ẩm, mưa dầm, mùi thối của nấm và những thứ rữa nát, tất cả những thứ ấy, và trọng lực. Họ di chuyển như những con lừa. Ban ngày họ bị bắn sẻ, ban đêm họ bị pháo kích, nhưng đó không phải là trận chiến, đó là những cuộc hành quân vô tận, hết làng này sang làng khác, không có mục đích, không có gì thắng cũng không bị thua cái gì. Họ đi hành quân chỉ để đi hành quân. Họ nối nhau đi chậm chạp, ngu ngốc, chúi đầu về phía trước để chống lại hơi nóng, không suy nghĩ, với tất cả máu xương, chịu đựng khuân những thứ đơn giản, thực hiện công việc lính tráng bằng đôi chân, ráng leo lên đồi và xuống ruộng, băng sông rồi lại leo lên và leo xuống, chỉ cố mà khuân, một bước, thêm một bước, rồi bước nữa, nhưng không có sự chọn lựa hay quyết định nào cả, không có ý thức, bởi vì bước như tự động, như phản xạ, và chiến tranh hoàn toàn chỉ là vấn đề của tư thế đi đứng và những thứ họ đeo mang, những thứ họ khuân vác là tất cả, một thứ trọng lượng trì trệ, một thứ rỗng tuếch, cái cùn mằn của mơ ước và trí thức và lương tâm và hy vọng và sự nhạy bén cảm giác của con người. Nguyên tắc của họ là đôi bàn chân của họ. Những toan tính của họ hoàn toàn thuộc về thể xác. Họ không có ý thức về chiến thuật và nhiệm vụ. Họ lùng xét làng mạc mà không biết cần phải tìm kiếm điều gì, không quan tâm hay tử tế gì cả, đá đổ khạp gạo, đe dọa trẻ em và người già, phá nổ đường hầm, có khi đốt phá và có khi không, xong rồi chỉnh đốn hàng ngũ và tiếp tục qua làng bên cạnh, rồi các làng khác, nơi mà chuyện lại tuần tự xảy ra như trước. Họ mang mạng sống của chính họ. Sự căng thẳng khổng lồ. Trong hơi nóng của buổi chiều, họ cởi nón sắt, và áo giáp, đi trần trụi như thế, nguy hiểm nhưng đỡ nhọc nhằn. Họ thường ném bớt mọi thứ dọc đường hành quân. Để được dễ chịu họ thường ném bỏ phần ăn, phá nổ mìn Claymore và lựu đạn, không có gì phải lo lắng than phiền bởi vì khi đêm xuống máy bay trực thăng tiếp tế sẽ mang đến cũng những thứ đó, rồi một ngày hay hai ngày sau vẫn cùng những thứ đó, dưa hấu và những thùng đạn dược và mắt kính đen và áo len – nguồn cung cấp thì thật là đáng kinh ngạc – pháo bông mừng ngày 4 tháng Bảy, trứng màu Phục sinh – đó là cái tủ trưng bày chiến tranh Mỹ vĩ đại – thành quả của khoa học, của ống khói, loài chim cannery, kho đạn dược ở Hartford, rừng Minnesota, xưởng cơ khí, những cánh đồng bao la bắp và lúa mì – họ mang (đủ thứ trên người và trong người họ) như những toa xe lửa chở hàng; họ mang trên lưng, vác trên vai –tất cả những điều mù mờ của Việt Nam, tất cả những huyền thoại có tên và vô danh, chắc chắn một điều là họ không bao giờ thiếu những thứ mà họ phải mang theo.


[1] Chinese Communist (Trung Cộng) hay súng tấn công loại 56.

[2] Súng bắn đạn pháo chống xe tăng

[3] Bẫy được chế tạo bằng một viên đạn nhỏ gài lên một cây đinh khi đạp lên sẽ bị nổ đứt ngón chân.

[4] Mìn khi nổ tung lên đến ngang tầm đầu người để sức tàn phá mãnh liệt hơn.

Còn nữa Phần 2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét