Thứ Năm, 8 tháng 4, 2021

TẬP SÁCH CÁI CƯỜI & SỰ LÃNG QUÊN (4)

 

TẬP SÁCH CÁI CƯỜI & SỰ LÃNG QUÊN (4)

 Milan Kundera

PHẦN II.

Mama

KỲ II.

8.

Buổi tối không bị phá hỏng. Marketa cầm một chai rượu đem ra đưa tận tay Karel. Mặt anh tươi tỉnh hẳn lên, anh mở chai rượu với động tác trịnh trọng như người bắn súng làm hiệu cho cuộc chạy đua Olympic vòng chung kết. Rượu rót ra ba ly, Eva vừa đi vừa nhún nhảy về phía cái máy hát. Cô chọn một đĩa nhạc rồi tiếp tục uốn éo nhún nhảy theo tiếng nhạc khắp phòng (lần này không phải Bach mà là Duke Ellington).

“Anh nghĩ Mama đã ngủ chưa?”. Marketa hỏi chồng.

“Tốt nhất mình nên vào chúc mẹ ngủ ngon.”. Karel đề nghị.

“Anh mà vào chúc mẹ ngủ ngon bây giờ thì mẹ sẽ giữ lại nói chuyện cả tiếng đồng hồ nữa cho xem. Anh đừng quên sáng mai Eva phải thức dậy thật sớm ra ga đón tàu về”.

Marketa thấy mình đã phí phạm quá nhiều thời gian, cô nắm tay cô bạn gái, và thay vì vào chúc Mama ngủ ngon, cô dẫn Eva vào buồng tắm.

Còn lại một mình trong phòng với tiếng nhạc Ellington, Karel cảm thấy vui vui trong lòng vì đám mây mù đã tan nhưng tối nay thì anh chẳng chờ đợi gì khác. Cái sự cố cú điện thoại chẳng ra gì ấy đột nhiên hiển lộ điều anh vẫn chối từ, không chịu thừa nhận bấy lâu: anh cũng mệt mỏi lắm rồi và chẳng còn ham muốn gì nữa.

Ít năm trước đây, Marketa khuyến dụ anh thử làm tình tay ba với cô và một cô nhân tình của anh mà cô ghen khủng khiếp. Đề nghị của cô khiến anh như thác loạn vì hưng phấn! Nhưng buổi tối hôm đó, anh chẳng thấy khoái cảm chút nào. Ngược lại là đằng khác, đó là một trải nghiệm kinh khủng! Hai người đàn bà ôm nhau hôn trước mắt anh, nhưng không phút giây nào họ tạm ngưng vai trò tình địch mà cứ canh cánh xem chừng anh chú ý đến ai, ai là người anh tỏ ra âu yếm hơn. Anh phải cẩn thận cân nhắc mỗi lời nói, đong đếm từng cái vuốt ve. Anh làm tình với hai người như thể anh là nhà ngoại giao, ân cần một cách cẩn trọng, gắng gổ, nhã nhặn, và vô tư, chứ không phải một người tình. Dù sao chăng nữa, anh hoàn toàn thảm bại. Thoạt tiên, cô nhân tình bật lên khóc ngay giữa pha làm tình, rồi đến phiên Marketa, cô chìm sâu vào im lặng.

Giả như anh tin rằng Marketa chỉ muốn đem lại tí khoái cảm nhục dục thuần túy – giữa hai người, cô là kẻ xấu hơn, ít tốt lành hơn – thì có lẽ anh đã thỏa mãn. Nhưng đằng này, theo đúng như giao ước từ thuở ban đầu, anh là kẻ xấu hơn, trong mắt anh cái trò mây mưa trụy lạc cô bày ra chỉ là sự tự hy sinh đau đớn, một cố gắng từ tấm lòng bao dung, độ lượng để tiên liệu cái thói trăng hoa, đa tình, đa mang của anh, và chuyển hóa nó thành những vật dụng nhằm tạo dựng một hôn nhân hạnh phúc. Thói ghen tương của Marketa là con dấu đóng lên anh suốt đời, và chính anh đã tự gây nên vết thương đó ở những ngày đầu yêu nhau. Lúc thấy cô nằm trong vòng tay người đàn bà khác, anh chỉ muốn quỳ xuống van xin cô tha thứ.

Thế nhưng những trò dâm ô trụy lạc như thế có thật là buổi tập diễn để người ta biết ăn năn, hối lỗi không?

Anh nghĩ rằng để cái trò làm tình tay ba này đem lại lạc thú, Marketa chẳng nên để lộ ra ngoài mặt thái độ gây hấn đối với tình địch của cô. Chắc cô nên rủ một người bạn của cô vào trò chơi, một người đàn bà không quen Karel và cũng không thích anh. Đó là lý do vì sao anh lập mưu cho Marketa và Eva gặp nhau tại phòng tắm hơi. Âm mưu đó thành công: hai người đàn bà trở nên thân thiết, trở thành đồng minh của nhau, toa rập hãm hiếp anh, chơi đùa với anh, dùng anh làm trò vui thú, và cùng đam mê ham muốn anh như nhau. Karel hy vọng Eva sẽ khôn khéo làm cách nào hóa giải được mối ưu tư trong lòng Marketa về tình yêu, để cuối cùng anh được giải phóng, giải phóng ra khỏi mặc cảm tội lỗi.

Nhưng giờ đây, anh thấy không cách nào thay đổi được cái đã quyết định từ nhiều năm về trước. Marketa vẫn như cũ, anh vẫn là kẻ có tội.

Nhưng nếu thật như thế thì tại sao anh lại tạo cơ hội cho Marketa và Eva gặp nhau? Tại sao anh làm tình với hai người đàn bà? Anh làm thế cho ai? Bất cứ kẻ nào khác, chẳng cần đợi đến bây giờ mà từ lâu lắm, đã biến Marketa thành người đàn bà vui tươi, gợi cảm và hạnh phúc. Bất cứ kẻ nào, ngoại trừ Karel. Anh thấy chính anh mới là Sisyphus.

Sisyphus ư? Có phải Marketa mới là người tự ví mình là Sisyphus?

Vâng, đúng thế, nhưng thời gian trôi qua, vợ chồng biến thành anh em sinh đôi, có chung một ngôn ngữ, chung một ý tưởng, chung một định mệnh. Người này cho người kia, người kia cho lại người này món quà tặng Eva, cốt để đem lại hạnh phúc cho nhau. Người nào cũng có cảm tưởng mình đang lăn tảng đá ngàn cân ngược lên đỉnh núi. Người nào cũng mệt mỏi.

Karel nghe tiếng nước chảy rào rào và tiếng cười của hai người đàn bà trong phòng tắm. Anh bỗng chạnh nghĩ, anh chưa bao giờ được sống cuộc đời như anh muốn, chưa bao giờ có đàn bà như anh muốn, chưa bao giờ có đàn bà như cách anh muốn. Anh ước gì anh có thể chạy trốn ra khỏi nơi đây, tìm một chốn nào để anh dệt câu chuyện của riêng anh, chính tay anh dệt theo phẩm vị của anh và không bị con mắt yêu thương nào nhòm ngó.

Thật sâu trong tâm khảm, anh chẳng buồn dệt câu chuyện của anh làm cái đếch gì, anh chỉ giản dị muốn được yên thân một mình.

9.

Sốt ruột, Marketa trở nên thiếu tinh tường. Cô ngỡ Mama ngủ rồi và cô không vào chúc bà ngủ ngon. Chuyến thăm viếng vợ chồng anh con trai lần này, đầu óc Mama làm việc hơn mức bình thường, và buổi tối hôm đó, đầu óc bà cứ rối tinh lên. Tất cả chỉ vì cái cô gái em họ của Marketa trông giống một người nào đó thuở bà còn trẻ. Nhưng ai là người đó? Ai là người bà thấy giống cô gái trẻ này?

Cuối cùng, ký ức bà bật mở: Nora! A, đúng rồi, cũng thân hình đó, cũng dáng điệu đó, cũng cặp chân dài, đẹp, đi cùng khắp thế gian.

Nora không mấy tử tế, lại thiếu đức tính khiêm tốn, và Mama thường bị hành vi của bà ta làm tổn thương. Nhưng lúc này, bà đâu nghĩ đến chuyện đó. Điều quan hệ đối với bà bây giờ là, tại nhà anh con trai lần này, đột nhiên bà tìm thấy lại những mảnh vụn quá khứ khi bà còn trẻ; khuôn mặt, hình dong từ khoảng cách nửa thế kỷ thốt nhiên hiện về chào mừng bà. Bà thấy lòng mình tràn ngập nỗi vui không đè nén được, với ý nghĩ những gì bà trải nghiệm từ thuở xa xưa đó vẫn còn hiện hữu trong tâm khảm, phủ trùm nỗi niềm cô đơn của bà và chuyện trò cùng bà. Mặc dù bà chẳng bao giờ thích Nora, nhưng bà rất vui mừng gặp bà ta ở đây, hơn nữa, bởi vì hiện thân bà ta bây giờ hiền thục hơn nhiều với một cung cách quý mến, trân trọng Mama.

Nghĩ đến đó, bà chỉ muốn chạy ra ngoài nhập bọn với lũ trẻ. Nhưng bà kềm lại. Bà biết rất rõ bà ở lại đêm nay là do bà gạt chúng nó, và tốt nhất nên để hai đứa con khùng khùng điên điên ấy có thời gian riêng tư với cô em chúng. Ừ, hãy để chúng nó kể cho nhau nghe những bí mật cuộc đời! Một mình trong phòng thằng cháu nội, bà vẫn có trò tiêu khiển, bà có thể đan len, đọc sách báo, và hay nhất là đầu óc bà luôn luôn bận rộn suy nghĩ điều gì đó. Karel đã đảo lộn ý nghĩ của bà. Vâng, anh con trai nói đúng, dĩ nhiên rồi, bà tốt nghiệp Trung học trong lúc chiến tranh vẫn còn tiếp diễn. Bà mới là người nhớ sai. Sự cố bà đọc bài thơ mà quên béng khổ cuối cùng xảy ra năm năm trước đó. Đúng, đúng là bà có trốn trong toa-lét đoạn khóa cửa lại và ngồi bên trong khóc òa, ông hiệu trưởng có đập cửa toa-lét gọi bà ra. Nhưng năm đó bà mới vừa tròn mười ba tuổi, và chuyện xảy ra tại buổi lễ Giáng Sinh trong trường. Trên sân khấu có cây Nô-en trang trí thật đẹp, ban nhạc thiếu nhi hát thánh ca Giáng Sinh xong, đến phiên bà đọc một bài thơ ngắn. Đọc đến khổ thơ cuối thì đầu óc bà trống trơn, và bà không tài nào tiếp tục được nữa.

Trí nhớ kém cỏi khiến Mama cảm thấy xấu hổ. Bà nên nói với Karel như thế nào đây? Bà có nên thú nhận với anh là bà đã nhầm lẫn không? Vợ chồng anh bây giờ xem bà như một bà già, bà thấy chứ. Hai người tử tế, dễ thương với bà, đúng đấy, nhưng bà thấy trong cách cư xử của họ, bà là một đứa trẻ, với sự nuông chiều chỉ khiến bà khó chịu. Bây giờ nếu bà xác nhận Karel hoàn toàn đúng, và bà đã lẫn lộn buổi trình diễn mừng Giáng Sinh của đám thiếu nhi trong trường với một buổi lễ chính trị,, thì hai người sẽ càng lớn hơn và bà càng cảm thấy nhỏ bé hơn. Không, không, không đời nào bà chịu thua hai người, không đời nào bà cho hai người cái niềm vui đắc thắng đó.

Bà sẽ nói với vợ chồng Karel là quả thật bà đã đọc bài thơ tại buổi lễ mừng nước nhà độc lập sau khi chiến tranh chấm dứt. Đúng, lúc đó bà đã tốt nghiệp Trung học rồi, nhưng ông hiệu trưởng nhớ bà có biệt tài đọc thơ, và ông đã mời cô cựu nữ sinh đến đọc thơ tại buổi lễ trọng đại đó. Một vinh dự to tát! Nhưng Mama xứng đáng nhận lãnh vinh dự đó chứ! Mama là người yêu nước mà! Hai người làm sao hiểu được cái cảm giác sau khi chiến tranh chấm dứt, Đế quốc Áo-Hung sụp đổ! Ôi, vui sướng xiết bao! Tiếng hát vang lừng, bóng cờ rợp đất! Và rồi bà lại thấy nung nấu trong lòng chỉ muốn chạy bay ra ngoài, kể lể cho anh con trai và chị con dâu nghe về thế giới tuổi trẻ của bà.

Hơn nữa, bây giờ bà cảm thấy gần như bà có bổn phận ra gặp vợ chồng anh. Mặc dù bà hứa không làm phiền vợ chồng anh, nhưng đấy mới chỉ là phân nửa sự thật. Nửa kia là Karel đã không biết bà tham gia buổi lễ mừng nước nhà độc lập sau chiến tranh như thế nào. Mama là một bà già trí nhớ kém cỏi. Bà chậm chạp, đã không giải thích sự việc ngay lúc đó cho anh con trai hiểu, nhưng bây giờ bà nhớ ra, và bà không thể giả vờ quên câu hỏi của anh. Làm thế không đẹp tí nào. Bà sẽ ra gặp (dù sao chăng nữa, chúng nó có điều gì quan trọng nói với nhau đâu), và xin lỗi chúng nó: mình không muốn làm phiền chúng nó, nhưng chắc chắn mình sẽ không quay về phòng nếu thằng Karel không hỏi làm thế nào mình lại có thể đọc thơ tại buổi lễ mừng nước nhà độc lập tại trường học sau khi đã tốt nghiệp.

Đoạn bà nghe tiếng cửa đóng, mở. Bà nghe tiếng hai người đàn bà nói chuyện rồi lại tiếng mở cửa, kế đó là tiếng cười và tiếng nước chảy. Chắc hai đứa đang tắm chuẩn bị đi ngủ. Đây là lúc tốt nhất để ra gặp chúng nó nếu bà muốn nói gì thêm với chúng.

10.

Thấy Mama ra, Karel mừng rỡ như bắt được của. Bà càng sai giờ, sự có mặt của bà ở nhà ngoài càng đúng lúc. Bà chẳng cần xin lỗi, bởi Karel đã dồn dập hỏi bà đủ thứ chuyện linh tinh, nào là suốt buổi chiều bà làm gì, bà có gì buồn lòng không, tại sao bà không ra sớm hơn?

Mama bảo anh, người trẻ luôn luôn có nhiều điều trao đổi với nhau và người già phải biết không nên làm phiền.

Lúc này hai người đàn bà đã tắm xong, cười giỡn như con nít, bà nghe tiếng chân chạy ngoài cửa phòng. Eva vào trước, trên người mặc một cái áo thun màu xanh dương đậm dài, vừa vặn chạm vùng tam giác trái cấm đen mượt của cô. Thấy Mama trong phòng, cô khựng lại nhưng không lẽ thoái lui, cô nhìn bà nở nụ cười rồi chạy lại ngồi vào chiếc ghế bành, như cố thu vén che đậy thân thể gần như lõa lồ của mình.

Karel biết Marketa sắp vào, chắc chắn cô cũng mặc đồ ngủ. Và trong ngôn ngữ phòng the của vợ chồng, thì đồ ngủ là một sợi chuỗi hạt đeo cổ và cái đai lưng nhung đỏ quấn hờ ngang hông. Anh biết anh phải can thiệp ngay, không cho cô bước vào để tránh Mama bị sợ hãi bất ngờ. Nhưng anh làm gì được? Anh có thể kêu to, “Em, đừng vào!”, hay là, “Em, mặc quần áo vào, Mama đang ở trong này!”, được ư? Có thể có cách khác, khôn khéo hơn, để giữ Marketa đừng vào, nhưng trong một hai tích tắc đó anh chẳng nghĩ ra cách nào. Ngược lại là đằng khác, bởi thần trí anh như chìm đắm trong mê muội hoan lạc và anh mất tất cả mọi khả năng suy nghĩ. Anh không làm gì cả, và Marketa bước vào phòng, trần truồng, ngoại trừ sợi chuỗi hạt trên cổ và cái đai lưng thắt ngang hông.

Ngay lúc đó, Mama quay sang Eva với nụ cười khả ái: “Chắc cháu đã đến giờ đi ngủ, bác chẳng muốn giữ cháu ngoài này làm gì”. Eva liếc mắt thấy Marketa đi vào, cô vội vã nói to, “Không, không sao, bác ạ, bác cứ nói chuyện”. Cô to giọng như muốn lấy tiếng nói mình che đậy thân thể lõa lồ của Marketa. Marketa ngẩn ngơ trong một giây nhưng cô chợt hiểu ra và vội vã thụt lùi ra ngoài hành lang.

Lát sau Marketa trở lại với chiếc áo choàng tắm trên người. Thấy cô, Mama lặp lại câu nói bà vừa nói với Eva, “Marketa, mẹ không muốn bắt các con thức khuya, chắc đã đến giờ các con đi ngủ”.

Marketa định trả lời bà, đúng vậy, con buồn ngủ lắm rồi. Nhưng cô chưa kịp mở miệng thì Karel đã vui vẻ lắc đầu: “Chưa đâu, Mama à, chúng con rất vui có Mama ra ngoài này nói chuyện với chúng con”. Thế là Mama cuối cùng có cơ hội kể lại câu chuyện bà đọc thơ tại buổi lễ mừng nước nhà độc lập sau cuộc chiến 1914, sau khi Đế quốc Áo-Hung sụp đổ, tại trường học và ông hiệu trưởng đã mời cô cựu nữ sinh lên đọc bài thơ yêu nước như thế nào.

Hai người đàn bà trẻ chẳng ai buồn để tai nghe Mama nói gì, nhưng Karel thì thú vị lắng nghe. Tôi muốn xác định cách rõ ràng ở đây: Câu chuyện về cái khổ thơ bị quên không làm anh thú vị, anh đã nghe nó và quên nó không biết bao nhiêu lần. Cái làm anh thú vị không phải câu chuyện của Mama mà là Mama kể chuyện. Mama và thế giới của bà, một thế giới trông như một quả lê khổng lồ, trên đó chiếc tăng của quân đội Nga nhỏ xíu như con cánh cam đang hạ xuống. Cánh cửa toa-lét ông hiệu trưởng đập liên hồi, gọi cô nữ sinh bước ra hiện lên ở tiền cảnh, và tuốt đằng sau, thật mờ nhạt là hai người đàn bà trẻ đang mất dần kiên nhẫn.

Đó là cái làm Karel vui thích. Anh khoan khoái nhìn Eva và Marketa. Thân thể nóng bỏng của hai người đàn bà bên dưới lớp áo thun và áo choàng tắm run rẩy vì mất kiên nhẫn. Trong khi đó, anh vẫn chăm chú hỏi mẹ thêm về ông hiệu trưởng, về ngôi trường, về cuộc chiến tranh 1914, và sau cùng, anh còn yêu cầu mẹ đọc lại cho anh nghe bài thơ yêu nước mà bà quên béng khổ chót.

Mama ngẫm nghĩ trong giây lát, đoạn bà tập trung hết tinh thần đọc bài thơ bà đọc hôm lễ hội trong trường năm bà mười ba tuổi. Thay vì bài thơ yêu nước thì bà đọc mấy câu vần ca ngợi cây Nô-en và ngôi sao Bethlehem, nhưng chẳng ai chú ý chi tiết đó. Thậm chí Mama cũng không. Bà chỉ bận tâm một điều duy nhất: liệu bà nhớ những câu ở khổ thơ chót không? Và bà nhớ. Sao Bethlehem soi sáng và Ba Vua đến quỳ bên máng cỏ. Đọc xong, thành công mỹ mãn, thích quá, bà vừa cười vừa lắc lắc cái đầu.

Eva vỗ tay tán thưởng. Nhìn cô, Mama chợt nhớ ra lý do quan trọng nhất lôi bà ra ngoài này: “Karel, anh biết cô em họ anh làm tôi nhớ đến ai không? Nora!”.

11.

Karel nhìn sang Eva, anh không tin nổi điều vừa nghe. “Nora? Bà Nora?”.

Anh nhớ rõ bà bạn của mẹ mình thời anh còn thơ ấu. Bà có vẻ đẹp lộng lẫy, thân hình cao, với khuôn mặt quý phái như một nữ hoàng. Karel nhớ là anh chẳng thích bà ta tí nào, bởi tính tình bà kiêu căng và khó thân cận. Tuy vậy, lúc đó mắt anh cứ dán miết vào bà. Chúa tôi, giữa bà ta và Eva nồng ấm này thì có cái gì giống nhau cơ chứ!

“Đúng, chính là Nora”, Mama trả lời. “Chỉ cần nhìn con bé là thấy ngay, cũng chiều cao, cũng dáng đi ấy, và khuôn mặt!”.

“Eva! Em đứng lên cho anh xem”. Karel bảo.

Eva không dám đứng lên vì cô sợ cái áo thun không che kín được hạ thể, nhưng Karel nói mãi và cuối cùng cô đành gượng gạo vâng lời. Cô đứng lên hai tay ép sát hai bên hông, kín đáo kéo áo thun xuống. Karel quan sát cô thật kỹ và quả nhiên cô có nét của bà Nora thật. Không giống như đúc và không dễ dàng nhận ra, nó chỉ hiện trong chớp nhoáng, và nếu Karel gắng giữ nó trong đầu thì qua Eva, anh thấy bà Nora đẹp tuyệt trần.

“Eva! Xoay người lại!”. Anh lại ra lệnh.

Cô ngần ngừ vì vẫn không ngớt lo lắng làm thế nào che hạ thể cho bớt lõa lồ. Nhưng Karel không tha, anh luôn mồm bảo cô xoay người, đến nỗi Mama phải kêu lên phản đối: “Con bé đâu phải lính tập mà anh bắt nó thao diễn như thế!”.

Karel nhất quyết đòi cô xoay người cho bằng được, và cuối cùng một lần nữa cô vâng lời.

Chúng ta đừng quên thị lực của Mama rất kém. Bà nhìn đá biên thùy ra làng mạc, bà lẫn lộn Eva với Nora. Nhưng nếu hai mắt nửa nhắm nửa mở thì Karel cũng thế thôi, anh cũng nhìn đá biên thùy ra nhà cửa. Có phải suốt tuần anh đã thầm ao ước có cái nhìn lên sự vật như mẹ mình? Với hai mắt khép hờ, anh nhìn thấy trước mắt anh người đàn bà tuyệt đẹp quay về từ quá khứ xa xăm.

Nó là bí mật khó quên mà anh vẫn ghi sâu trong ký ức. Một lần, khi đó anh khoảng bốn tuổi, anh, Mama và bà Nora đi tắm hơi (ở đâu? anh hoàn toàn không nhớ), và anh phải đợi hai bà trong phòng thay quần áo yên tĩnh không một bóng người. Anh kiên nhẫn một mình ngồi đợi bên cạnh một núi quần áo đàn bà. Bỗng một người đàn bà trần truồng, thân hình cao, tuyệt đẹp bước vào, day lưng về phía cậu trai bốn tuổi, vói tay lấy chiếc áo choàng tắm treo trên móc. Người đó là bà Nora.

Hình ảnh thân thể tuyệt mỹ của người đàn bà trần truồng, đứng day lưng về phía anh, phô tấm lưng đài các, không bao giờ phai mờ trong ký ức anh. Lúc đó dĩ nhiên anh còn bé lắm và anh chiêm ngưỡng thân thể đó từ phía dưới, từ viễn cảnh của một con kiến. Với chiều cao anh bấy giờ, bà Nora phải là bức tượng cao năm mét. Anh ở thật gần thân thể ấy nhưng cũng thật xa, xa vô hạn. Khoảng cách xa gấp đôi. Trong chiều kích không gian và thời gian. Nó hiện ra, nhô cao trước mắt anh nhưng cũng xa, xa thăm thẳm nghìn trùng, với năm tháng mịt mờ, dằng dặc. Khoảng cách dài gấp đôi khiến cậu trai chóng mặt. Lúc này, cảm giác chóng mặt y như thế trở lại với người đàn ông, mạnh mẽ bội phần.

Anh nhìn Eva chằm chặp (cô vẫn day lưng về phía anh) và trong mắt anh, cô gái là bà Nora. Anh chỉ cách bà hai mét và một hai phút đồng hồ.

“Mama, mẹ ra nói chuyện, chúng con vui lắm, nhưng bây giờ hai cô mệt lắm rồi, đã đến giờ đi ngủ”. Anh bảo mẹ, và bà ngoan ngoãn lui về phòng.

Mama đi rồi, Karel mơ màng ngồi kể cho hai người đàn bà nghe cái ký ức của anh về bà Nora. Đoạn anh phủ phục dưới chân Eva, bắt cô day lưng lại và lần mò cố moi lại hình ảnh trong tâm trí cậu trai từ cái thuở ấu thơ xa xăm ấy.

Đột nhiên, sức mạnh không biết từ đâu ùa về, anh vật cô xuống sàn, cô nằm sấp, anh lại quỳ phục dưới chân cô, đưa mắt chậm chạp đi từ gót chân lên mông cô gái, đoạn anh nhảy chồm lên, đi sâu vào cô.

Anh có cảm giác cú nhảy lên thân thể Eva là cú nhảy vọt qua khoảng cách thời gian mịt mùng, cú nhảy của cậu trai phóng mình từ tuổi thơ trở thành người lớn. Và rồi, trong lúc nhấp nhổm trên thân thể Eva, dường như anh không ngớt lặp đi lặp lại một chuyển động, từ ấu thơ thành người lớn và ngược lại, từ người lớn trở về tuổi thơ, trở về cái cậu bé con tội nghiệp ngước nhìn lên thân thể khổng lồ người đàn bà, và rồi tích tắc sau cậu bé biến thành người đàn ông to khỏe ôm chặt thân hình ấy, chế ngự nó. Mỗi chuyển động, nếu đo được thì dài lắm cũng bất quá mười lăm xăng-ti mét, nhưng nếu để vô thức cảm nhận thì nó là thời gian ba mươi năm.

Hai người đàn bà chịu trận dưới trận bão vùi liễu dập hoa tơi bời của anh, anh đi từ bà Nora sang Marketa, rồi lại trở về bà Nora, cứ thế mà làm. Lâu lắm anh mới thôi, anh phải ngưng một lát để nghỉ mệt. Cảm giác cực kỳ khoan khoái tràn ngập trong lòng, anh cảm thấy khỏe khoắn hơn bao giờ. Nằm ngửa trên ghế bành, tay chân dang rộng, anh suy nghĩ về hai người đàn bà đang nằm lả trước mặt anh trên cái đi-văng to rộng. Trong khoảng thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi đó, anh không nghĩ đến bà Nora, anh nghĩ đến những người đàn bà đi qua đời anh, đến hai chứng nhân cuộc đời anh, Marketa và Eva, và anh có cảm tưởng anh là tay đấu cờ kỳ tài và anh vừa hạ đo ván hai đối thủ cùng một lúc trên hai bàn cờ. Anh thấy khoái chí hết sức với so sánh này và anh phá lên cười sằng sặc, vừa cười vừa hét to: “Haha! Ta là Bobby Fischer! Ta là Bobby Fischer!”.

12.

Trong lúc Karel hét to ví mình với Bobby Fischer (ông này vừa đoạt chức vô địch cờ Vua thế giới tại Iceland cách đó không lâu), Eva ghé sát mặt thì thầm vào tai Marketa: “Chị OK không?”. Hai người vẫn nằm co quắp trên đi-văng.

Marketa gật đầu nhẹ, đoạn cô áp sát môi mình lên môi Eva.

Trước đó một giờ, lúc hai người còn trong phòng tắm, Eva rủ Marketa hôm nào sang nhà cô chơi (nó chính là cái ý tưởng lãng đãng thoáng hiện trong tâm trí cô lúc trên đường đến đây, cái ý tưởng nghe có vẻ khiếm nhã khiến cô không ngớt băn khoăn). Cô cũng muốn rủ Karel đi theo, nhưng cô sợ cả Karel lẫn ông chồng cô đều không chịu nổi sự có mặt của một người đàn ông khác trong cuộc vui.

Lúc thoạt nghe đề nghị khiếp hãi này của Eva, Marketa nghĩ làm sao chuyện đó có thể xảy ra được và cô chỉ cười với Eva. Nhưng sau đó ít phút, trong lúc những câu nói lảm nhảm của Karel và Mama lùng bùng trong tai cô, đột nhiên cô thấy như bị ám ảnh bởi đề nghị của Eva, chỉ vì thoạt đầu nó có vẻ như không thể nào chấp nhận nổi. Bóng ma ông chồng Eva dường như lẩn khuất đâu đây.

Rồi tới lúc Karel quác mồm la to bảo mình là thằng bé con bốn tuổi và anh phủ phục dưới gót chân Eva trong lúc cô gái đứng thẳng người thì Marketa mơ hồ cảm thấy Karel là thằng bé bốn tuổi thật chứ không phải chồng mình, như thể anh đã thoát xác bay về tuổi ấu thơ bỏ lại cái thân thể cực kỳ cường tráng và hiếu dâm cho hai người đàn bà, một thân thể cứng như sắt nguội, cứng đến nỗi nó như chẳng còn tí con người nào, hoàn toàn trống rỗng, và bất cứ tâm hồn một người nào khác cũng có thể nhập vào nó. Thậm chí, nếu cần, có thể là tâm hồn ông chồng Eva, một kẻ hoàn toàn xa lạ, không mặt mũi, không hình thể.

Marketa để cái thân thể vô hồn cứng như sắt nguội làm tình với mình, rồi nhìn nó nhấp nhổm giữa cặp đùi Eva, nhưng cô tránh nhìn mặt cái thân thể đó để cố nghĩ đây là thân thể một kẻ lạ. Một lễ hội mặt nạ hóa trang. Karel đeo mặt nạ bà Nora lên mặt Eva rồi tự đeo cho mình mặt nạ thằng bé con bốn tuổi. Cái đầu của Karel bị Marketa lấy ra khỏi thân thể anh. Anh là người đàn ông có mình nhưng không đầu. Karel biến mất và phép lạ hiện ra: Marketa được giải phóng, và chao ôi là sung sướng!

Nói dông dài như thế, phải chăng tôi đang cố xác định lại mối nghi ngờ của Karel, cho rằng, đối với Marketa, cái trò dâm ô trụy lạc cỏn con ba người bày ra trong phòng the chẳng qua chỉ đưa đến sự tự hy sinh và khổ đau?

Không, hoàn toàn không, nói như thế tức là giản lược sự việc đến mức tối đa. Marketa thật sự ham muốn những người đàn bà mà cô xem là nhân tình của Karel, với hết cả tâm hồn lẫn thể xác cô. Cái đầu cô cũng bảo cô hãy ham muốn đi: để chứng nghiệm lời tiên tri của ông thầy dạy toán, cô muốn – chí ít ở những giới hạn của bản hợp đồng tai hại – cho thấy cô là người biết mạo hiểm, biết vui chơi hưởng thụ, và cô muốn làm Karel kinh ngạc.

Thế nhưng, ngay khi nằm trần truồng bên cạnh cô nhân tình của Karel trên giường, tất cả mọi khoái lạc lan tỏa trong người cô lập tức tan biến, và chỉ cần nhìn thấy chồng mình là cô quay về vai trò của cô, vai trò con người tốt lành hơn, người nhận lãnh biết bao thiệt thòi đau khổ. Ngay cả khi cô nằm với Eva, người cô yêu và không ghen, sự có mặt của người đàn ông cô quá yêu vẫn đè nặng lên cô, chặn đứng mọi hoan lạc.

Giây phút cô lấy đầu anh ra khỏi thân thể, một cảm giác lạ lùng và say đắm chế ngự tâm khảm cô, cô cảm thấy mình như được giải phóng. Từ cái thân thể không tên tuổi kia, đột nhiên cô khám phá nó là thiên đường. Với chút vui sướng lạ lẫm, cô dẹp sang bên cái tâm hồn thương tổn, lúc nào cũng cảnh giác quá mức của cô, và biến thành một xác thân đơn giản không quá khứ hay ký ức, có lẽ hơn thế, một xác thân nồng ấm và khao khát đón chờ. Cô âu yếm vuốt ve mặt Eva trong lúc cái thân thể không đầu nghiến ngấu cô gái như bão táp.

Nhưng đến đây cái thân thể không đầu bỗng ngưng chuyển động, và tiếng hét vô nghĩa nghe ngu ngốc không thể nào tưởng tượng nổi thốt ra từ miệng Karel “Ta là Bobby Fischer! Ta là Bobby Fischer!” đã khiến mọi hưng phấn êm ái đột ngột tan biến trong lòng cô.

Như bị đánh thức từ một giấc mơ. Ngay lúc đó, trong lúc cô và Eva ôm nhau (như người đang ngủ say bỗng bị nắng ban mai chiếu vào phải dụi mặt vào gối), Eva ghé sát mặt thì thầm vào tai cô, “Chị OK không?”. Cô trả lời bằng dấu hiệu, áp sát môi mình lên môi Eva. Cô vẫn yêu Eva đấy chứ, nhưng buổi tối hôm nay lần đầu tiên cô thấy cô yêu với tất cả tấm lòng và niềm rung động, cô gái, với thân thể mỹ miều, làn da mịn màng, khuôn mặt quyến rũ, tất cả trở nên say đắm với tình yêu mới mẻ mà cô đột nhiên phát hiện.

Sau đó, trong lúc nằm sấp cạnh nhau, hai cặp mông hơi nhô lên cao, da thịt Marketa có cảm giác cái thân thể cường tráng, hiếu dâm cứng như sắt nguội kia lại đang mon men tiếp tục cuộc mây mưa với hai người. Cô gắng bỏ ngoài tai những câu lải nhải vô nghĩa về một bà Nora tuyệt thế giai nhân nào đó, cô cố làm sao cho cô chỉ giản dị là một thân xác không nghe thấy gì trong lúc nằm ép giữa một cô gái với làn da mịn màng và một gã đàn ông không đầu.

Tàn cuộc, Eva chìm ngay vào giấc ngủ. Marketa thấy ganh tị vì cô gái dễ ngủ như một con chó con. Cô muốn hít lấy hơi thở của Eva, muốn nhập vào giấc ngủ của cô gái. Cô ép người sát vào Eva rồi nhắm mắt giả vờ ngủ. Karel tưởng hai người đàn bà đã ngủ, anh lẳng lặng đứng dậy bỏ vào phòng ngủ kế bên.

Bốn giờ rưỡi sáng, cô mở cửa nhìn vào. Anh nhổm dậy nhìn cô, mặt còn ngái ngủ.

“Anh ngủ lại đi. Em lo cho Eva được rồi”. Cô bảo anh đoạn cô hôn anh âu yếm. Anh xoay người vào trong ngủ ngay không kịp nói tiếng nào.

Lúc ngồi trên xe, Eva lặp lại câu hỏi: “Chị OK không?”.

Sáng nay Marketa không còn quyết tâm như tối hôm qua. Vâng, cô sẵn sàng vi phạm cái khế ước bất thành văn đó. Nhưng làm thế nào để vẫn không phá hủy tình yêu? Làm thế nào trong khi cô vẫn còn yêu Karel tha thiết?

“Chị đừng lo”, Eva bảo cô. “Karel sẽ không hay biết gì đâu. Giữa chị và anh ấy, đã có một lần xác định, nếu ai là kẻ nghi ngờ thì người đó là chị chứ không phải anh ấy. Chị không có lý do phải lo sợ anh ấy nghi ngờ bất cứ chuyện gì”.

13.

Eva ngủ gà ngủ gật trong lúc toa tàu xóc mạnh. Marketa về nhà lên giường ngủ tiếp (một tiếng đồng hồ nữa cô lại phải dậy chuẩn bị đi làm), và bây giờ đến lượt Karel đưa Mama ra ga. Hôm nay đúng là ngày tàu hỏa. Ít giờ nữa (lúc đó cả vợ lẫn chồng đều đã ở cơ quan làm việc), cậu con trai sẽ đặt chân lên sân ga và kết thúc câu chuyện này.

Đầu óc Karel vẫn đầy những hình ảnh đẹp buổi tối hôm qua. Anh biết rõ mười mươi rằng, trong số hai hoặc ba ngàn động tác làm tình của anh (anh làm tình bao nhiêu lần rồi trong cuộc đời anh?), chỉ có không quá hai hay ba lần thật sự đúng nghĩa và không thể quên, trong khi những lần khác thì chỉ là tái diễn, mô phỏng, lặp lại, hay hồi nhớ. Anh biết trận làm tình tối qua là một trong hai, ba trận để đời đó, và anh cảm thấy khoan khoái vô tả.

Trong lúc anh lái xe đưa Mama ra ga tàu hỏa, bà nói luôn mồm.

Bà nói cái gì?

Trước hết bà cám ơn anh: bà đã có một thời gian nghỉ ngơi rất thú vị tại nhà con trai con dâu bà.

Đoạn bà đổi sang giọng trách móc, bảo vợ chồng anh thuở còn chung sống dưới cùng mái nhà đã không tử tế với bà. Lúc đó anh thiếu kiên nhẫn với Mama, đôi khi tỏ ra cục cằn và không nể nang bà chút nào. Bà đã khổ sở vô cùng. Vâng, bà công nhận, lần này vợ chồng anh thật là tử tế, dễ thương, khác hẳn thuở xưa. Đúng, vợ chồng anh thay đổi nhiều lắm. Nhưng tại sao đợi mãi đến bây giờ mới chịu thay đổi?

Karel lắng nghe bài kinh giảng than trách (anh thuộc nó nằm lòng) nhưng anh không mảy may khó chịu. Anh liếc mắt nhìn Mama và một lần nữa ngạc nhiên về vóc người gầy ốm co rút của bà. Như thể cả cuộc đời bà là một tiến trình co rút.

Nhưng sự co rút ấy là gì?

Có phải nó là sự co rút thật sự của một con người từ bỏ chiều kích người lớn của hắn và bắt đầu cuộc hành trình dài dằng dặc xuyên qua tuổi già và cái chết để đi đến những chân trời xa xăm nơi chỉ có cái trống rỗng không chiều kích?

Hay co rút chỉ là một ảo giác, dựa trên sự kiện Mama đang đi khỏi đây, bà ở nơi nào khác, anh chỉ thấy bà từ khoảng cách xa xa, trong mắt anh trông bà như một con cừu, một con búp bê, một con bươm bướm?

Lúc Mama tạm ngưng bài kinh giảng, Karel hỏi bà: “Mẹ, bà Nora sau này thế nào?”.

“Bà ta bây giờ cũng già yếu lắm, hai mắt gần như lòa hẳn”.

“Mẹ có bao giờ gặp lại bà ấy không?”.

“Anh không biết thật ư?”. Mama cảm thấy hơi bị xúc phạm. Hai người đàn bà từ lâu lắm rồi đã không gặp nhau nữa, sau một trận cãi vã to, họ cắt đứt luôn quan hệ tình bạn. Karel phải nhớ chuyện đó chứ.

“Thuở con còn bé tí, mẹ nhớ mình đi nghỉ hè với bà ấy ở đâu không?”.

“Dĩ nhiên tôi nhớ chứ!”. Bà nói tên một thị trấn khoáng tuyền ở Bohemia. Karel biết rõ thị trấn ở đâu nhưng anh không thể nào nhớ cái phòng thay quần áo nơi anh trông thấy bà Nora trần truồng.

Anh hình dung một nơi có phong cảnh hữu tình núi đồi trùng điệp bao quanh, ngôi nhà có phòng tắm hơi với hàng cột gỗ ngoài hiên, thảo nguyên xanh ngắt lượn lờ lên xuống với đàn cừu ăn cỏ, cổ đeo chuông phát tiếng kêu leng keng. Anh tưởng tượng ngay giữa khung cảnh ấy (như người họa sĩ phái cắt dán lắp ghép bức tranh) là thân thể trần truồng của bà Nora. Đoạn anh nghĩ cái đẹp chẳng qua chỉ là tia chớp lóe lên khi đột nhiên hai kỷ nguyên từ một khoảng cách thời gian mờ mịt tình cờ va chạm, cọ xát nhau. Cái đẹp ấy là sự triệt tiêu của mọi nguyên lý biên niên, cái gì phủ nhận thời gian.

Cái đẹp phủ trùm, mơn trớn tâm hồn anh, càng nghĩ anh càng cảm thấy khoan khoái trong lòng, đến nỗi anh buột miệng hỏi Mama: “Mama, không biết mẹ có muốn về ở với chúng con không? Tìm một căn hộ khác rộng rãi hơn chắc không đến nỗi khó khăn. Mẹ nghĩ sao?”.

Mama thò tay qua vuốt ve tay anh. “Karel, anh tốt lắm. Rất tốt. Nghe những lời chân thành ấy từ miệng anh, tôi rất vui. Nhưng anh biết là con chó lông xù của tôi, nó đã quen với mọi thứ trong nhà rồi. Và gần đây tôi cũng quen nhiều bà bạn láng giềng”.

Đoạn họ lên tàu, Karel chạy đi tìm buồng cho bà. Buồng nào cũng chật cứng và thiếu tiện nghi. Sau cùng anh mua vé hạng nhất cho bà và lại chạy đi tìm người soát vé để trả thêm tiền. Ví tiền vẫn cầm trên tay, anh móc ra tờ giấy bạc một trăm nhét vào tay Mama như thể bà là cô thiếu nữ đang đi đâu xa. Mama thản nhiên nhận tiền, xem như không có gì, như cô nữ sinh vẫn nhận tiền ăn quà của cha mẹ.

Rồi sau đó, Mama ngồi sau cửa kính lúc tàu bắt đầu chuyển bánh, Karel đứng dưới sân ga giơ tay vẫy vẫy theo bà một lúc thật lâu, thật lâu, cho đến khi con tàu khuất bóng.

—————————————————–

*Trịnh Y Thư dịch từ The Book of Laughter and Forgetting, Milan Kundera, ấn bản Anh ngữ của Aaron Asher.

(Còn tiếp)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét