TẬP SÁCH CÁI CƯỜI & SỰ LÃNG QUÊN (11)
Milan Kundera
PHẦN V
Các ngài thi sĩ
Anh đứng đợi ông Voltaire trước cửa Câu lạc bộ Nhà văn rồi cùng ông bước lên tầng hai. Hai người đi ngang phòng gửi áo choàng rồi bước vào một gian tiền sảnh. Họ nghe tiếng người nói ồn ào như chợ vỡ từ phòng trong vẳng ra. Lúc ông Voltaire đẩy cánh cửa bước vào, anh sinh viên thấy tất cả thi ca của đất nước xung quanh một cái bàn lớn, ngồi cả ở đấy, chẳng thiếu một ai.
Tôi quan sát họ từ
khoảng cách thật xa, hai nghìn kí-lô-mét. Đó là mùa Thu năm 1977, chín năm trời
quê hương tôi mơ màng trong giấc ngủ ngọt ngào từ khi bị đế quốc Nga siết chặt,
Voltaire bị đuổi khỏi trường đại học, và tất cả sách của tôi bị hốt sạch từ thư
viện đem về vứt đống trong gian hầm tối nào đó của nhà nước. Đợi thêm vài năm,
một hôm tôi leo lên xe và cứ thế lái càng xa càng tốt về hướng đông, đến Rennes
của Breton thì tôi dừng lại và ngay hôm đầu tôi thuê một căn hộ ở tầng trên
cùng một khu chung cư cao nhất thành phố. Khi mặt trời đánh thức tôi dậy sáng
hôm sau, tôi nhận ra cái cửa sổ lớn trong phòng hướng về phía đông, phía Praha.
Và thế là tôi quan sát
họ từ cái vọng đài trên cao, nhưng khoảng cách quá xa xôi. Rất may, có giọt
nước mắt trong mắt tôi khiến tôi như được ban cho thiên lý nhãn, và tôi nhìn
thấy thật rõ ràng mặt mũi từng người. Tôi thấy ngài thi sĩ vĩ đại ngồi chắc
nịch giữa những người khác. Trông ông chắc chắn phải trên bẩy mươi, nhưng mặt
còn đẹp, đôi mắt còn tinh anh, thông tuệ. Cặp nạng dựng cạnh bàn ngay bên người
ông.
Tôi trông thấy họ giữa
một kinh thành Praha tráng lệ cách nay mười lăm năm, lúc sách của họ chưa bị
tịch thu đem vứt đống trong hầm tối nhà nước, lúc họ vẫn có thể ngồi quanh một
cái bàn lớn lỏng chỏng ly tách chai lọ, ồn ào và vui vẻ nói đủ thứ chuyện trên
đời. Bởi rất quý mến họ nên tôi không muốn đặt bừa cho họ những cái tên tầm
thường lấy ra từ cuốn niên giám điện thoại. Không muốn phơi bày tung tích họ,
phải che giấu mặt họ đằng sau cái mặt nạ, tôi thích gán cho họ những cái tên
lịch sử như một món quà, một bó hoa trao tặng, vinh danh họ.
Vì Voltaire là biệt
danh do đám học trò đặt cho ông giảng viên, chẳng có gì ngăn cản tôi gọi ngài
thi sĩ vĩ đại là Goethe.
Ngồi đối diện ông là
Lermontov.
Và người ngồi đằng
kia, với đôi mắt nhung mơ màng, tôi muốn gọi ông là Petrarch.
Rồi đến Verlaine,
Yesenin và vài người khác không cần nhắc đến, kể cả vài người có lẽ có mặt
trong phòng do nhầm lẫn. Dẫu từ khoảng cách xa xôi (hai nghìn kí-lô-mét), tôi
vẫn thấy một người mà hiển nhiên không được thi ca hôn lên vầng trán, ông không
thích thơ. Và tôi gọi ông là Boccaccio.
Voltaire nhấc hai
chiếc ghế dựng sát tường đem lại bàn, ra hiệu cho anh sinh viên ngồi xuống cùng
với ông, đoạn giới thiệu anh với mọi người. Các thi sĩ gật đầu chào xã giao,
mọi người, trừ Petrarch bởi ông đang say sưa tranh luận điều gì đó với
Boccaccio và không để ý anh sinh viên. Ông kết thúc bằng câu nói: “Đàn bà luôn
luôn có cái gì đó khiến họ nắm thế thượng phong. Tôi có thể nói về điều đó từ
tuần này sang tuần khác chưa hết”.
Như để khích lệ,
Goethe bảo ông: “Tuần này sang tuần khác thì khí nhiều đấy, ông ạ. Nhưng ông có
thể cho chúng tôi ít nhất mười phút nghe chuyện của ông, được chăng?”.
Chuyện của Petrarch
“Tuần rồi có chuyện
động trời xảy ra cho tôi, các ông biết không? Vợ tôi vừa tắm xong, cô mặc chiếc
áo choàng bông, mái tóc vàng chưa chải gỡ mà trông vẫn xinh đẹp. Chín giờ mười,
tôi nghe tiếng chuông cửa. Ra mở cửa tôi thấy một cô gái đứng dựa người vào
tường. Tôi nhận ra cô ngay. Mỗi tuần một lần tôi có lớp dạy tại một trường nữ
trung học. Họ tổ chức một câu lạc bộ thơ và tôi được mấy cô thầm ái mộ tôn sùng
làm thần tượng.
“Tôi hỏi cô gái làm gì
ở đây vào giờ này.
“‘Em cần nói chuyện
với thầy!’.
“‘Em cần nói chuyện
gì?’.
“‘Chuyện quan trọng
lắm, em cần nói với thầy một chuyện vô cùng quan trọng’.
“‘Này, đã trễ lắm rồi,
em không thể vào nhà được, nghe tôi nói này, em đi xuống lầu đợi tôi ngay cửa
hầm than. Tôi sẽ xuống ngay’.
“Tôi vào phòng ngủ bảo
vợ người ta bấm chuông lầm nhà. Đoạn tôi xách hai cái xô không, và với giọng
bình thản như không có chuyện gì, tôi bảo cô tôi đi xuống hầm lấy than. Thật là
ngu hết chỗ nói. Suốt ngày hôm đó túi mật tôi có vấn đề và tôi nằm bẹp trong
nhà. Tự nhiên bây giờ sung lên đòi đi lấy than thì vợ phải nghi ngờ thôi”.
“Túi mật ông có vấn đề
à?”. Goethe tò mò hỏi.
“Cả mấy năm nay rồi,
chán lắm!”. Petrarch đáp.
“Sao ông không đi bệnh
viện giải phẫu cho rồi”.
“Không đời nào!”.
Goethe gật gù ra vẻ
thông cảm.
“Tôi kể tới đâu rồi?”.
Petrarch hỏi.
“Tới đoạn túi mật có
vấn đề và ông xách trên tay hai xô than”. Verlaine nhắc.
Petrarch kể tiếp:
“Xuống tới hầm than tôi thấy cô gái đứng đó. Tôi bảo cô theo tôi vào trong và
tôi lấy xẻng xúc than bỏ vào xô. Trong lúc tay làm việc tôi hỏi cô gái muốn gì
thì cô chỉ lặp đi lặp lại một điều rằng cô phải gặp tôi. Xúc đầy một xô than
rồi mà tôi vẫn chẳng hiểu cô gái muốn gì.
“Thế rồi tôi nghe
tiếng chân bước xuống cầu thang. Tôi vội vàng xách cái xô than đầy chạy lên
khỏi hầm. Vợ tôi đang đi xuống. Tôi nhét xô than vào tay cô: ‘Em xách cái này
lên lầu ngay cho anh, anh xuống xúc nốt xô kia’. Vợ tôi quay lui lên lầu với xô
than, và tôi chạy ào xuống hầm bảo cô gái không thể ở trong này được. ‘Em chịu
khó đợi tôi ngoài đường nhé’. Tôi xúc vội xô than thứ hai rồi bặm môi chạy lên
lầu. Xong xuôi tôi hôn lên má vợ bảo cô đi ngủ. ‘Anh đi tắm một phát cho khỏe
rồi vào với em, nha’. Cô vào phòng ngủ và tôi vào phòng tắm mở nước. Tiếng nước
xối xả chảy xuống bồn. Tôi tháo dép đi trong nhà, chân đi tất rón rén ra mở cửa
căn hộ. Tại ngạch cửa tôi để đôi giày đi ban ngày hôm đó để cho thấy tôi không
đi đâu xa. Tôi lấy một đôi giày khác đi vào chân và lẻn ra khỏi căn hộ”.
Petrarch kể đến đây
thì Boccaccio ngắt lời: “Petrarch, tất cả chúng tôi đều biết ông là một thi sĩ
vĩ đại. Nhưng bây giờ chúng tôi còn biết thêm ông là người biết tính toán nữa,
một tay mưu lược cáo già, không giây phút nào bị đam mê của mình làm mờ mắt!
Cái việc ông làm với đôi dép và hai đôi giày quả là một kiệt tác chứ chẳng
chơi!”.
Tất cả các thi sĩ khác
đều đồng ý với Boccaccio và không tiếc lời ca ngợi khiến Petrarch cảm thấy hãnh
diện, thấy rõ.
“Cô gái đứng đợi tôi
ngoài đường. Tôi cố vỗ về cô, bảo cô tôi phải vào nhà và đề nghị chiều mai cô
trở lại, lúc vợ tôi đi làm. Ngay trước khu nhà có một trạm xe điện. Tôi bảo cô
ra đón xe về đi. Nhưng lúc xe điện trờ tới, cô phá lên một tràng cười rồi bước
nhanh về phía khu nhà”.
“Đáng lẽ ông phải đẩy
con bé xuống gầm xe điện”. Boccaccio mở miệng buông thõng một câu nghe chẳng
thuận tai chút nào.
“Hỡi các bạn thân quý
của tôi”, Petrarch tuyên bố, giọng trang trọng như đang đọc một bài diễn từ,
“Có những lúc, dù đi ngược lại ý muốn, bạn vẫn phải tàn nhẫn với đàn bà. Thế là
tôi bảo cô gái: ‘Nếu cô không về nhà ngay bây giờ thì tôi sẽ khóa cửa khu nhà
lại. Cô đừng quên đây là nhà tôi và tôi không thể biến nó thành cái sân thóc,
ai muốn vô thì vô!’. Và các bạn đừng quên rằng trong lúc tôi đang nhùng nhằng
với cô gái trước cửa khu nhà thì vòi nước trong phòng tắm trên lầu vẫn đang
tuôn chảy xối xả, và có lẽ nước sắp trào ra khỏi bồn!
“Tôi quay người phóng
chân chạy thật nhanh vào cửa khu chung cư. Cô gái chạy theo tôi bén gót. Tôi
lọt vào trong rồi nhưng sự thể hình như không mấy tốt đẹp cho tôi, ngay lúc đó
có người vào và cô gái nhân cơ hội cũng lách người vào theo. Tôi ba chân bốn
cẳng phóng lên cầu thang! Tôi nghe tiếng chân cô đuổi theo. Căn hộ chúng tôi ở
nằm trên lầu tư! Quả là một kỳ công! Nhưng tôi nhanh hơn cô một chút, và thiếu
điều tôi đóng sầm cánh cửa vào mặt cô. Tôi cũng có đủ thời gian giật đứt phăng
dây chuông điện bởi vì tôi biết cô sẽ đứng đó bấm chuông miết cho đến khi có
người ra mở cửa. Sau đó, tôi nhón chân đi vào phòng tắm”.
“Lúc đó nước đã trào
ra khỏi bồn tắm chưa?”. Goethe hỏi, giọng lo lắng.
“Tôi tắt kịp ngay trước
khi nước trào ra, ông ạ. Đoạn tôi ra cửa mở lỗ nhòm và thấy cô gái vẫn đứng đó,
bất động, hai mắt trợn trừng nhìn lên cánh cửa. Hỡi các bạn của tôi ơi, tôi
hoảng sợ đến phát khiếp, không biết cô gái định đứng đó đến bao giờ, suốt đêm
chăng?”.
Boccaccio có những
hành vi hư đốn
“Petrarch, ông là kẻ
thờ-phụng-đàn-bà hết thuốc chữa”. Boccaccio chen vào. “Tôi có thể tưởng tượng
mấy đứa con gái đó thành lập hội thơ và tôn sùng ông như thần Apollo. Tôi thì
chẳng hề muốn gặp chúng nó làm gì. Một người đàn bà làm thơ bằng hai người đàn
bà gộp lại. Chịu không nổi! Không thể nào chịu nổi đối với một kẻ ghét đàn bà
như tôi”.
“Này ông Boccaccio”,
Goethe ngắt lời Boccaccio, “Tại sao ông cứ hay vỗ ngực tự xưng mình là kẻ ghét
đàn bà thế?”.
“Bởi vì đàn ông mà
ghét đàn bà mới ngon lành, ông hiểu chửa?”.
Các thi sĩ khác nghe
thế, nhất loạt la ó phản đối. Boccaccio phải cất giọng thật to để át tiếng họ:
“Làm ơn! Xin các bạn
đừng hiểu lầm tôi! Kẻ ghét đàn bà không coi thường, khinh dể đàn bà, họ chỉ
không thích cái tính chất đàn bà thôi. Xưa nay có hai loại đàn ông: Kẻ thờ
phụng đàn bà, còn gọi là thi sĩ, và kẻ ghét đàn bà, hay chính xác hơn, sợ đàn
bà. Kẻ thờ phụng đàn bà, hay thi sĩ, sùng thượng các giá trị nữ tính truyền
thống như cảm xúc, mái nhà, tình mẫu tử, sự phong nhiêu, một giây phút điên
loạn thần thánh, và tiếng nói thánh hóa bên trong chúng ta, trong khi đó đối
với kẻ ghét đàn bà, hay sợ đàn bà, thì những giá trị này là nỗi kinh hoảng chỉ
khiến người đàn ông khiếp hãi. Kẻ thờ phụng đàn bà sùng bái tính chất đàn bà,
trong khi kẻ ghét đàn bà thích người đàn bà chứ không phải tính chất đàn bà.
Đừng quên: đàn bà chỉ hạnh phúc với kẻ ghét đàn bà. Các ông thử nhìn lại mà
xem, đã có người đàn bà nào hạnh phúc với bất cứ ai trong bọn các ông chưa?”.
Lý luận cùng lời lẽ
của Boccaccio chỉ khiến các thi sĩ phẫn nộ hơn và một lần nữa họ la ó phản đối.
“Kẻ thờ phụng đàn bà,
còn gọi là thi sĩ, chỉ biết đem lại bi kịch, đam mê, nước mắt, và mối lo cho
đàn bà, chẳng bao giờ họ đem lại niềm hoan lạc cho người mình yêu. Tôi biết một
kẻ như thế. Ông ta thờ phụng vợ mình. Rồi một ngày đẹp trời ông ta đi thờ phụng
người đàn bà khác. Ông ta không muốn gian dối với vợ, mà cũng không muốn bạc
đãi người tình, vì làm thế là gây ô nhục cho cả hai. Thế là ông ta thú thật mọi
chuyện với vợ, và nhờ vợ giúp cách giải quyết, vợ ông ta nghe xong ngã bệnh,
ông ta chỉ biết đau khổ than khóc, còn cô nhân tình sau khi biết chuyện cũng
không chịu nổi và đòi bỏ ông ta. Sầu thảm quá sức chịu đựng, ông ta ra nằm trên
đường rầy xe điện. Chẳng may, tài xế thấy kịp thắng xe trước khi cán lên người
ông ta, và kẻ thờ phụng đàn bà đó bị phạt năm mươi quan tiền vì tội cản trở
giao thông”.
“Boccaccio là thằng bố
láo!”. Verlaine hét lên.
“Chuyện ông Petrarch
vừa kể”, không thèm để ý tiếng hét phản đối chói tai của thi sĩ Verlaine,
Boccaccio nói tiếp, “nó cũ rích và chẳng khác gì chuyện lão bạn tôi. Bà vợ với
mái tóc vàng của ông có tội tình gì mà phải nghe ông nói một cách nghiêm túc về
cái cô gái điên loạn ấy?”.
“Ông biết gì về vợ
tôi, hử?”. Petrarch hậm hực đáp lại. “Vợ tôi là người bạn chí thiết luôn luôn
chung thủy với tôi! Giữa chúng tôi không bao giờ có chuyện bí mật phải che đậy,
giấu diếm!”.
“Nếu vậy, tại sao ông
thay đôi giày?”. Lermontov hỏi.
Nhưng Petrarch tỏ ra
chẳng bối rối chút nào. “Hỡi các bạn của tôi, tại thời điểm nghiêm trọng đó,
lúc cô gái đứng ngoài cửa và tôi bấn loạn trong lòng chẳng biết làm gì, tôi vào
phòng ngủ và kể tất cả mọi chuyện cho vợ tôi nghe”.
“Y như gã thờ phụng
đàn bà tôi quen!”. Boccaccio phá lên cười. “Kể tất cả! Đó là phản xạ tự nhiên
của bất cứ kẻ thờ phụng đàn bà nào! Thế rồi ông nhờ vợ ông giúp cách giải quyết
chứ gì!”.
Giọng Petrarch bỗng
trầm hẳn xuống, dịu dàng, êm ái: “Đúng, tôi nhờ cô ấy giúp tôi. Vợ tôi chẳng
bao giờ từ chối giúp tôi điều gì. Lần này cũng thế. Cô đi ra cửa một mình. Tôi
ở lại phòng ngủ vì tôi sợ chết khiếp”.
“Đặt địa vị tôi là ông
thì tôi cũng sợ chết khiếp thôi”. Goethe gật gù ra vẻ thông cảm.
“Lúc vợ tôi quay lại
tôi thấy cô bình tĩnh như chẳng có chuyện gì xảy ra. Sau khi nhìn qua lỗ nhòm,
cô mở cửa và chẳng thấy ai. Người ta có thể bảo tất cả là do tôi tưởng tượng.
Nhưng đột nhiên chúng tôi nghe tiếng đập phá ầm ầm phía ngoài, rồi tiếng kính
vỡ loảng xoảng nghe kinh người; các ông biết đấy, chúng tôi sống trong một khu
nhà cổ mà cửa sổ các căn hộ cùng lối đi vào đối diện một khoảng sân rộng. Cô
gái bấm chuông mãi không thấy ai ra mở cửa, rồi không biết vớ được ở đâu một
thanh sắt, thế là cô đi đập nát tất cả cửa kính căn hộ chúng tôi ở, lần lượt
hết cái này đến cái kia. Từ bên trong chúng tôi nhìn cô đập phá, cứng đờ người
và chẳng biết làm gì. Rồi từ bóng tối lối đi đối diện, chúng tôi thấy ba cái
bóng trắng. Hóa ra đó là ba bà già hàng xóm. Tiếng cửa kính bị đập vỡ khiến họ
choàng tỉnh, vội vội vàng vàng, vẫn mặc nguyên áo ngủ trên người hào hứng chạy ra
xem chuyện gì đang xảy ra. Các ông hãy thử tưởng tượng mà xem! Một cô gái xinh
đẹp, trẻ trung, vung vẩy trên tay thanh sắt, và đứng xung quanh là ba mụ phù
thủy áo trắng toát trông thật ghê rợn!
“Cô gái đập đến cửa sổ
cuối cùng, xong cô điềm nhiên bước qua cái cửa sổ toang hoác đó đặt chân vào
phòng ngủ chúng tôi.
“Tôi dợm bước định lại
nói chuyện với cô nhưng vợ tôi nắm cánh tay tôi giữ lại, khẩn khoản: ‘Anh đừng
lại, nó giết anh đấy!’. Cô gái đứng đó ngay giữa phòng với thanh sắt trên tay,
xinh đẹp, lẫm liệt, uy nghi như vị anh thư Jean d’Arc với cây thương sẵn sàng
tử chiến với quân thù! Tôi giằng người ra khỏi tay vợ tôi, bước lại gần cô gái.
Càng đến gần trông cô càng bớt vẻ đe dọa, gương mặt cô dịu dàng trở lại, tỏa ra
nét an bình thánh thiện. Tôi giằng thanh sắt trên tay cô ném xuống sàn nhà, và
thò tay ra nắm lấy tay cô gái”.
Điều qua tiếng lại
“Láo! Láo khoét! Tôi
chẳng tin chuyện của ông tí nào”. Lermontov đột ngột lên tiếng.
“Dĩ nhiên, nó không
hẳn xảy ra y như những gì ông Petrarch vừa thuật”, Boccaccio một lần nữa xen
vào, “nhưng tôi tin nó có thật. Cô gái ấy chẳng qua chỉ là một kẻ thác loạn, và
bất cứ người đàn ông bình thường nào khác ở vào hoàn cảnh tương tự đã tát hai
cái vào mặt cô ta rồi. Kẻ thờ phụng đàn bà, còn gọi là thi sĩ, luôn luôn là con
mồi béo bở cho những kẻ thác loạn như cô gái ấy, bởi vì họ biết chắc họ chẳng
bao giờ bị tát. Kẻ thờ phụng đàn bà mất hết mọi khả năng chống cự khi đối diện
với đàn bà, bởi vì họ vẫn ở trong cái bóng của bà mẹ. Nhìn đàn bà nào hắn cũng
thấy đó là sứ giả của mẹ mình và sẵn sàng quy phục. Chiếc váy của bà mẹ phủ
trùm lên hắn như bầu trời xanh”. Ông khoái trá lắm với hình ảnh sau cùng trong
lời phát biểu, đến nỗi ông lặp đi lặp lại mấy lần. “Hỡi các thi sĩ! Cái các ông
nhìn lên không trung không phải bầu trời mà là chiếc váy vĩ đại của mẹ các ông
đấy!”.
“Ông nói cái gì thế,
hử?”. Thi sĩ Yesenin đột nhiên đứng phắt dậy, hét tướng vào mặt Boccaccio. Ông
đứng không vững, thân hình lảo đảo, ngay từ đầu ông đã uống nhiều hơn mọi
người. “Ông nói cái gì về mẹ tôi? Ông nói cái gì?”. Giọng ông sừng sộ như sẵn
sàng gây chuyện.
“Tôi nào có nói gì về
mẹ ông”, Giọng Boccaccio vẫn ôn tồn, không chút nóng giận. Ông biết chuyện
Yesenin sống chung với một nữ vũ công danh tiếng già hơn ông cả ba mươi tuổi,
và ông thực tình cảm thấy ái ngại cho nhà thơ. Nhưng bãi nước bọt đã ra tới môi
Yesenin, ông chồm người về phía trước vận hết sức phun ra. Nhưng ông say quá,
và thay vì phóng trúng mặt Boccaccio thì nó nằm gọn trên cổ áo Goethe.
Boccaccio chẳng nói chẳng rằng, bình thản rút khăn tay chùi cổ áo nhà thơ vĩ
đại.
Nhổ bãi nước bọt,
Yesein như mất hết sức lực, ông mệt nhọc buông mình xuống ghế, gục cằm lên
ngực, không nói gì thêm.
Petrarch lại nói tiếp:
“Các ông nghe tôi nói này, tất cả các ông, bạn bè thân quý của tôi, điều cô gái
nói với tôi, không thể quên được, các ông ạ. Cô gái bảo tôi rằng, và nó nghe
dịu êm như lời kinh cầu, cô ấy bảo, ‘Tôi chỉ là một cô gái giản dị, tầm thường,
rất tầm thường, tôi chẳng có gì cống hiến cho ngài, nhưng tôi đến đây vì tình
yêu, chính tình yêu đã đưa đường dẫn lối cho tôi đến đây gặp ngài. Tôi đến
đây’, cô siết chặt tay tôi, ‘để ngài thấy rõ tình yêu chân thực là gì, cho ngài
trải nghiệm nó ít nhất một lần trong cuộc đời ngài’”.
“Thế rồi vợ ông nói gì
với vị sứ giả tình yêu đó?”. Lermontov hỏi, giọng đầy mỉa mai.
Thi sĩ vĩ đại Goethe
cười to: “A, còn cái ông Lermontov này, có người đàn bà nào đến nhà ông đập phá
như thế thì ông cho cô ta cái gì? Tôi nghĩ chắc ông còn trả tiền cho cô ta phá
nhà ông!”.
Lermontov ném cái nhìn
căm ghét về phía Goethe, trong lúc Petrarch tiếp tục nói: “Vợ tôi nói gì ư? Ông
Lermontov này, nếu ông chỉ đơn thuần nghĩ đây là câu chuyện hài do Boccaccio
bịa ra thì ông lầm to. Cô gái quay về phía vợ tôi với cái nhìn thánh thiện và
nói, vẫn cái âm giọng ôn nhu như một bài kinh cầu, ‘Thưa bà, xin bà đừng căm
ghét tôi, bởi vì bà là người tốt lành và tôi cũng yêu bà lắm, tôi yêu cả ông
lẫn bà’. Với bàn tay còn lại cô gái thò ra nắm lấy tay vợ tôi”.
“Nếu đây là một phân
cảnh lấy ra từ chuyện hài của Boccaccio thì tôi chẳng có gì phải chê bai, bình
phẩm”. Lermontov cất tiếng. “Nhưng ông Petrarch ơi, chuyện ông vừa kể cho chúng
tôi nghe, nó tồi hơn thế nhiều. Nó là thứ thơ dở tệ”.
“Ông là kẻ hay ganh
ghét!”. Petrarch quát to vào mặt Lermontov. “Cả đời ông, ông chẳng bao giờ có
cái diễm phúc đó, diễm phúc ở trong một căn phòng với hai người đàn bà đẹp và
cả hai đều thương yêu mình! Ông phải thấy vợ tôi lúc đó, nàng đẹp tuyệt trần
trong bộ áo choàng tắm màu đỏ với mái tóc vàng không chải gỡ!”.
Lermontov phá lên
tràng cười nhạo báng, và lần này Goethe nhất định trừng phạt ông ta vì những
câu nói khiêu khích như châm chích kia: “Lermontov, ông là một thi sĩ lớn,
chúng tôi ai cũng biết, nhưng xin hỏi tại sao ông lại có nhiều mặc cảm đến
thế?”.
Lermontov lặng người
đi một lát, đoạn gắng gượng lấy lại bình tĩnh, ông bảo Goethe: “Johann, lẽ ra
ông không nên nói với tôi như thế. Chẳng ra làm sao cả, nó thô lậu lắm, ông
biết không?”.
Goethe, người yêu cái
hài hòa, không muốn chọc tức Lermontov thêm nữa, nhưng ông Voltaire vừa cười
vừa nói xen vào: “Nó hiện ra rành rành như cái mũi của ông đấy, ông Lermontov
ạ, rằng ông là người đầy mặc cảm”, đoạn ông bắt đầu phân tích toàn bộ thi ca
của Lermontov, nào là nó thiếu cái duyên dáng tự nhiên hạnh phúc của Goethe,
nào là nó không có cái cảm hứng đam mê của Petrarch. Thậm chí ông còn bắt đầu
mổ xẻ từng ẩn dụ và trình bày một cách tinh tường rằng cái mặc cảm tự ti của
Lermontov là ngọn nguồn trực tiếp cho trí óc tưởng tượng của ông ta và nó bắt
rễ từ một ấu thơ nghèo túng, bị người cha khắc nghiệt bóp nghẹt.
Ngay lúc đó Goethe
chồm người sang Petrarch ghé tai ông này nói với một âm giọng rõ to cốt ý cho
mọi người trong phòng, kể cả Lermontov, nghe rõ: “Thôi, bỏ qua đi ông! Toàn
những chuyện vớ vẩn, chẳng ra làm sao cả. Vấn đề của Lermontov là ông ta thiếu
đàn bà, thiếu thậm tệ! Thế thôi!”.
Anh sinh viên đứng về
phe Lermontov
Anh sinh viên nãy giờ
ngồi im rót rượu uống (anh phục vụ chốc chốc kín đáo bước vào phòng thu dọn
đống chai không và đặt lên bàn vài chai rượu mới). Anh chăm chú theo dõi cuộc
bàn luận nảy lửa giữa các thi sĩ. Đầu anh xoay bên này, xoay bên kia, quay
cuồng đến chóng cả mặt.
Anh cố suy xét xem thi
sĩ nào anh yêu thích nhất. Anh tôn sùng Goethe và Kristyna cũng thế, kỳ thực,
cả nước có ai là người không yêu thơ ông. Petrarch khiến anh mê hoặc với đôi
mắt cháy bỏng. Nhưng lạ lùng thay, chính Lermontov, người nãy giờ bị mọi người
bêu rếu quá mức, anh mới cảm thấy gẫn gũi nhất, nhất là sau khi bị Goethe buông
cho một câu khá đau, điều này khiến anh chợt có một ý nghĩ thoáng qua trong
đầu, một thi sĩ vĩ đại (Lermontov là một thi sĩ vĩ đại đấy chứ) cũng nếm trải
những khó khăn trong đời y như một sinh viên bình thường như anh. Anh nhìn đồng
hồ và thấy đã đến giờ ra về nếu anh muốn tránh lâm vào cảnh huống tương tự như
Lermontov.
Thế nhưng, anh không
thể nào bỏ ra về được, và thay vì về nhà với Kristyna, anh vào toa-lét. Đầu óc
anh đầy ắp những ý tưởng to tát trong lúc đứng nhìn những viên gạch tráng men
trắng toát trên tường, anh nghe tiếng Lermontov ngay bên cạnh mình: “Cậu nghe
bọn họ nói gì rồi đấy. Một lũ chẳng tinh tế chút nào. Cậu hiểu
không? Chẳng một tí tinh tế”.
Từ “tinh tế” Lermontov
thốt, nghe như thể nó được viết nghiêng. Vâng, có những từ không giống những từ
khác, ý nghĩa đặc biệt của chúng chỉ người nói mới hiểu được. Anh sinh viên không
hiểu tại sao Lermontov thốt từ “tinh tế” như thể nó được viết nghiêng, nhưng
tôi hiểu, tôi biết Lermontov có đọc pensée của Pascal về những
đầu óc tinh tế và những đầu óc kỷ hà, từ đó trở đi ông chia thế gian ra thành
hai loại người: người tinh tế và tất cả những người khác không tinh tế.
“Cậu cũng nghĩ là bọn
họ chẳng tinh tế chút nào, đúng không?”. Lermontov nói như
quát vào mặt anh sinh viên.
Trong lúc cài lại khuy
quần, anh sinh viên bỗng để ý thấy hai chân của Lermontov ngắn lắm, y như nữ Bá
tước Rostopchin viết trong cuốn nhật ký của bà một trăm năm mươi năm trước đây.
Anh thầm biết ơn ông thi sĩ vì đây là lần đầu tiên trong đời anh được một thi
sĩ vĩ đại hỏi một câu hỏi nghiêm túc và chờ đợi một lời đáp nghiêm túc không
kém.
“Bọn họ thực chẳng tinh
tế chút nào”. Từ “tinh tế”, anh viết thường chứ không nghiêng.
Lermontov đứng im, đôi
chân ngắn ngủn của ông trông vững chãi lắm: “Đúng! Đúng! Bọn họ chẳng tinh
tế chút nào”. Đoạn ông cất cao giọng, nói thêm: “Nhưng tôi tự
hào lắm! Cậu hiểu không? Tôi tự hào vô cùng!”.
“Tự hào” là một từ
khác thốt từ miệng ông với dạng chữ nghiêng, để ám chỉ rằng chỉ có kẻ ngu đần
mới nghĩ cái tự hào của Lermontov giống như cô gái đẹp tự hào về nhan sắc mình,
hoặc người chủ tiệm tạp hóa tự hào về các mặt hàng trong tiệm mình, bởi nó là
loại tự hào dị thường, rất chính đáng và cao quý.
“Tôi tự hào!”.
Lermontov la lên, và ông cùng anh sinh viên trở lại phòng họp. Voltaire đang
thuyết giảng một bài tán dương Goethe. Lermontov chịu không nổi nữa, ông điên
tiết lắm rồi, ông không ngồi xuống ghế mà đứng cạnh bàn, trông ông cao hơn
những người khác cả một cái đầu, ông nói to: “Tôi sẽ cho các ông biết tôi tự
hào về cái gì! Điều tôi sắp nói cho các ông nghe, tôi tự hào lắm.
Đất nước này chỉ có hai thi sĩ mà thôi: Tôi và Goethe”.
Voltaire cất cao
giọng: “Lermontov! Có thể ông là một thi sĩ vĩ đại thật đấy, nhưng ông có một
cái xác bé tí như thế kia! Tôi bảo cho mà biết, dù ông là một thi sĩ vĩ đại,
nhưng ông không có quyền nói như thế”.
Lermontov khựng lại
vài giây, đoạn ông lắp bắp nói không thành câu: “Tại sao tôi không có quyền nói
như thế? Tôi tự hào lắm mà”.
Lermontov lặp đi lặp
lại mấy lần rằng ông tự hào lắm. Đột nhiên Voltaire phá lên cười, và những
người khác cũng cười rộ theo. Phòng họp náo động như chợ vỡ.
Anh sinh viên nhận ra
thời điểm anh chờ đợi nãy giờ đã tới. Anh đứng lên như Lermontov, đưa mắt nhìn
khắp lượt các thi sĩ, đoạn từ tốn nói: “Các ngài chẳng ai hiểu Lermontov cả.
Niềm tự hào của một thi sĩ không giống kẻ bình thường. Chỉ thi sĩ mới hiểu được
giá trị những câu chữ hắn viết ra, mãi về sau kẻ khác mới hiểu, hoặc giả có thể
chẳng ai hiểu bao giờ. Bởi thế cho nên, nhiệm vụ của thi sĩ là phải tự hào. Nếu
không hắn sẽ phản bội lại công trình trước tác của chính hắn”.
Chỉ mấy giây đồng hồ
trước đó, mọi người còn ôm bụng cười nghiêng ngửa, đột nhiên tất cả ngưng bặt
tiếng cười và gật gù tán thành câu nói của anh sinh viên, bởi tất cả, ai cũng
tự hào như Lermontov. Tự hào nhưng không dám nói ra vì xấu hổ, họ không nhận ra
từ “tự hào” một khi phát biểu đúng đắn, nó sẽ không buồn cười nữa, mà trở nên
minh triết và cao quý. Bởi thế họ biết ơn anh sinh viên đã lý giải thật đúng ý
giùm họ. Một thi sĩ, có lẽ là Verlaine, còn vỗ tay tán thưởng.
Goethe biến Kristyna
thành Hoàng hậu
Anh sinh viên ngồi
xuống ghế, Goethe xoay lại nhìn anh với nụ cười thân thiện: “Cậu trai của tôi
ơi, cậu là kẻ hiểu thi ca là gì”.
Những người khác tiếp
tục chìm đắm vào những tranh luận lèm bèm trong men rượu, họ bỏ mặc anh sinh
viên với nhà thơ vĩ đại. Anh rất muốn nhân cơ hội quý giá nghìn năm một thuở
này làm cái gì đó, nhưng anh chẳng biết mở miệng nói gì. Và bởi anh cứ lúng ta
lúng túng tìm một câu nói thích hợp nên Goethe chỉ im lặng nhìn anh miệng khẽ
mỉm nụ cười thân ái. Anh cũng mỉm cười nhìn lại nhà thơ. Đột nhiên anh nhớ đến
Kristyna, và anh bảo nhà thơ:
“Thưa thi sĩ, cháu
đang quen một cô gái, không, một người đàn bà thì đúng hơn. Cô ấy là vợ một anh
hàng thịt”.
Nghe vậy nhà thơ vĩ
đại bỗng hào hứng thấy rõ, ông cười thân mật.
“Cô ấy thần tượng bác
lắm, và nhờ cháu xin bác ký vào một cuốn sách của bác”.
“Sách đâu? Đưa đây cho
tôi ký”. Nhà thơ cầm cuốn sách từ tay anh sinh viên, mở trang đầu, miệng hỏi
tiếp: “Cô ấy là người như thế nào? Đẹp không?”.
Anh sinh viên chẳng
thể nào nói dối ngài thi sĩ được. Anh thú nhận chị vợ anh hàng thịt không đẹp.
Hơn nữa, hôm nay cô đánh một bộ cánh trông thật buồn cười. Suốt ngày cô thơ
thẩn phố phường Praha với sợi chuỗi hạt to tướng và đôi giày cao gót mầu đen cổ
lỗ sĩ.
Goethe lắng nghe với
tất cả sự thú vị chân thật, ông nói, giọng đượm chút khao khát: “Tuyệt đến thế
cơ à”.
Anh sinh viên cảm thấy
can đảm hơn, thậm chí anh còn kể thêm chị vợ anh hàng thịt có một chiếc răng
vàng lấp lánh trong miệng như một con ruồi bọc vàng.
Hào hứng, Goethe cười
to, sửa lại: “Như một chiếc nhẫn”.
“Như ngọn hải đăng!”.
Anh sinh viên đáp lời.
“Như một ngôi sao!”.
Goethe vừa cười vừa đáp trả.
Anh sinh viên bảo chị
vợ anh hàng thịt chỉ là người đàn bà bình thường nơi tỉnh lẻ, và chính điều đó
đã thu hút anh đến với cô.
“Tôi biết rõ cậu muốn
nói gì”, Goethe đáp lời anh, “Chính những chi tiết đó – quần áo quê mùa, hàm
răng không toàn bích, một tâm hồn bình thường, dung dị – mới khiến người đàn bà
trở nên sống động và có thật. Hạng phụ nữ thấy trên biển quảng cáo hay tạp chí
thời trang, mà gần như tất cả đàn bà thời nay đều cố bắt chước, là đồ giả, bởi
vì họ chỉ là tổng thể một quy trình trừu tượng. Họ không sinh ra như những cơ
thể con người mà là sản phẩm của máy tính! Cậu bạn nhỏ của tôi ơi, tôi dám
khẳng định với cậu rằng người đàn bà tỉnh lẻ của cậu chính là cái gì một thi sĩ
cần có, và tôi thành thật chúc mừng cậu!”.
Đoạn ông cúi xuống
trang sách, rút ra chiếc bút và bắt đầu hí hoáy viết. Ông viết nhiệt tình gần
như xuất thần nhập hóa, nét mặt ông rạng rỡ với tình thương yêu và thông hiểu,
ông viết kín cả trang sách.
Anh sinh viên cầm lại
cuốn sách từ tay ông, anh thấy cảm kích vô cùng. Những điều Goethe viết cho một
người đàn bà không quen biết vừa đẹp vừa buồn, vừa khát khao vừa gợi cảm, vừa
sống động vừa thông tuệ, và anh sinh viên biết chắc những câu chữ đẹp đẽ như
thế chưa bao giờ được viết cho bất cứ người đàn bà nào. Anh nghĩ đến Kristyna
và thấy yêu cô vô hạn. Thi ca đã khoác lên chiếc áo choàng may bằng thứ ngôn từ
linh diệu nhất che phủ bộ cánh buồn cười của cô. Goethe đã biến cô thành một
Hoàng hậu.
Khiêng một thi sĩ
Anh phục vụ bước vào
phòng, lần này anh không cầm theo chai rượu mới nào. Anh yêu cầu các thi sĩ
chuẩn bị ra về. Đã đến giờ đóng cửa. Người quản lý dọa nếu các thi sĩ không
chịu đứng lên ra về, ông ta sẽ khóa cửa nhốt tất cả ở lại đây qua đêm.
Anh ta phải nói đi nói
lại mấy lần, lúc to lúc nhỏ, nói với cả phòng và nói riêng vào tai từng người.
Anh ta nói mãi các thi sĩ mới nhận ra là ông quản lý không nói bỡn khi ông dọa
nhốt các ngài ở lại đây qua đêm. Petrarch đột nhiên nhớ đến vợ mình với chiếc
áo choàng tắm màu đỏ, ông đứng bật dậy như thể có ai đá vào mông đít.
Goethe nói với giọng
buồn bã vô hạn: “Các ông cứ ra về, để mặc tôi một mình ở lại đây”. Cặp nạng vẫn
dựng cạnh bàn bên người. Mặc các thi sĩ khác nài nỉ xin ông ra về cùng với họ,
ông lắc đầu quầy quậy.
Ai cũng biết vợ ông là
một lịnh bà tai quái, gớm ghê. Mọi người sợ bà ta lắm. Họ biết rằng Goethe mà
không về nhà đúng giờ bà ta sẽ nổi tam bành và làm một trận lôi đình ngay trước
mặt họ. Họ nài nỉ ông: “Johann, ông phải biết điều hơn một chút. Đứng dậy đi về
nào!”. Đoạn họ gượng gạo xốc nách ông và cố nhấc ông đứng dậy. Nhưng thân xác
ông thần Olympia nặng lắm, và cánh tay những người xốc nách ông lại không mấy
quả quyết. Ông hơn bọn họ ít nhất ba mươi tuổi, và họ thật tình xem ông là gia
trưởng trong ngôi
nhà văn chương; đột nhiên, trong lúc xốc nách
và đưa ông cặp nạng, tất cả bỗng cảm thấy nhỏ bé và ngượng nghịu, bối rối. Còn
ông thì cứ luôn mồm đòi ở lại một mình!
Không ai đồng ý với
ông, ngoại trừ Lermontov. Ông này chụp ngay lấy cơ hội để chứng tỏ mình gian
ngoan hơn người khác: “Các ông cứ ra về, để ông cụ ở lại đây với tôi, tôi sẽ
tiếp chuyện ông cụ cho tới sáng. Các ông không hiểu à? Thời còn trẻ, ông ấy
vắng nhà cả tuần lễ là chuyện thường. Ông ấy chỉ đang muốn tìm lại tuổi trẻ của
mình thôi! Các ông không thấy sao? Các ông toàn là một lũ ngốc nghếch đến buồn
cười! Johann, có đúng không nào? Hai chúng ta sẽ nằm dài dưới thảm ngay tại nơi
đây với chai rượu đỏ này cho đến sáng. Bọn chúng nó phải ra về hết! Petrarch có
thể chạy về ôm bà vợ yêu quý với chiếc áo choàng tắm màu đỏ và mái tóc không
chải gỡ!”.
Nhưng Voltaire biết rõ
chẳng phải vì hoài nhớ tuổi trẻ mà Goethe nằng nặc đòi ở lại. Ông già có bệnh
và bác sĩ cấm ông không được uống rượu. Nhưng tối nay mải vui ông uống khá
nhiều và bây giờ đôi chân không tuân lệnh ông nữa. Voltaire cầm lên cặp nạng và
ra lệnh cho những người khác phải quả quyết hơn nhấc ông già đứng dậy. Thế là
những cánh tay yếu ệp vì rượu luồn dưới nách Goethe và nhấc bổng ông ra khỏi
ghế. Họ khiêng ông từ phòng họp ra tới tiền sảnh, hay đúng hơn, họ lôi ông đi
xềnh xệch (có lúc chân ông chạm sàn nhà, có lúc co lên như đứa trẻ đánh đu).
Goethe nặng lắm, và các thi sĩ khiêng ông, ai nấy đều say bí tỉ cả rồi. Ra đến
tiền sảnh, họ vứt ông nằm co quắp dưới sàn nhà, miệng ông không ngớt rên la:
“Các ông ơi! Các ông làm ơn làm phúc cho tôi chết ở đây!”.
Thấy vậy Voltaire bốc
giận, ông quát tháo bảo các thi sĩ khác nhấc Goethe lên ngay lập tức. Các thi
sĩ bị mắng, chạm tự ái, hậm hực. Thế rồi, người nắm tay, kẻ cầm chân, và họ khiêng
ông già đi qua cửa ra vào câu lạc bộ đến một cái cầu thang. Tất cả hè nhau
khiêng ông già. Tất cả, không thiếu một ai. Voltaire. Petrarch. Verlaine.
Boccaccio. Thậm chí Yesenin, đứng không vững và vì sợ ngã, cũng thò tay nắm
chân ông già.
Anh sinh viên cũng
muốn giúp một tay khiêng nhà thi sĩ vĩ đại xuống lầu, anh biết đây là cơ hội
hãn hữu chẳng bao giờ có lần thứ hai. Nhưng Lermontov không để anh rời ông một
bước, ông khoác chặt tay anh và miệng nói liên hồi, không cho anh lại giúp
những thi sĩ kia.
“Chẳng những bọn họ
không tinh tế, mà còn vụng về nữa. Tất cả là những đứa trẻ được
nuông chiều, hư hỏng cả. Hãy nhìn họ khiêng ông già kìa! Thể nào cũng buông ngã
ông già! Họ có lao động tay chân bao giờ đâu. Cậu có biết là tôi từng lao động
trong xưởng máy không?”.
(Chúng ta đừng quên
rằng tất cả những người hùng của chúng ta vào thời đó đều đã từng lao động
trong xưởng máy, hoặc xung phong vì nô nức hưởng ứng cách mạng, hoặc do bị
cưỡng ép như một hình thức trừng trị. Bất luận, họ cảm thấy hãnh diện về điều
ấy lắm, bởi hình như đối với họ, lao động trong xưởng máy, hiện thân của Cuộc
Sống Khó Khăn viết hoa, là vị nữ thần hiển sáng, và họ được vị nữ thần hôn lên
trán một cách thân yêu).
Kẻ nắm cánh tay, người
ôm ống chân ngài tộc trưởng, họ hì hụi khiêng nhà thơ vĩ đại của họ xuống cầu
thang. Đó là một cái cầu thang vuông vức, có nhiều chỗ ngoặt thẳng góc, mà mỗi
lần đến là một thử thách gay go cho sức mạnh cùng tài khéo léo của người
khiêng.
Lermontov lại nói
tiếp: “Cậu bạn của tôi, cậu có biết khiêng một thanh gỗ xà ngang khó nhọc như
thế nào không? Cậu là một sinh viên, chắc cậu chưa bao giờ phải làm công việc
đó. Nhưng mấy thằng cha này chắc cũng chưa bao giờ làm. Xem kìa! Xem bọn họ
khiêng lão già kìa! Thật là ngu đần hết chỗ nói! Cẩn thận! Lão già sắp rớt rồi
kìa!”. Ông la to. “Giữ chặt ông già vào! Đồ ngu! Ông già rớt xuống đất bây giờ!
Mấy ông chẳng biết lao động chân tay là gì! Thật là một lũ ăn hại đái nát!”.
Trong lúc vẫn khoác chặt tay anh sinh viên, ông chầm chậm lê từng bước theo sau
những thi sĩ kia. Và những thi sĩ vẫn bặm môi bặm lợi lặc lè khiêng Goethe
xuống cầu thang, ông già hình như mỗi lúc mỗi nặng hơn, và trong lòng họ mỗi
lúc thấy bồn chồn, lo lắng hơn. Cuối cùng họ xuống tới lề đường. Họ dựng Goethe
đứng dựa vào cột đèn, Petrarch và Boccaccio, mỗi người đứng một bên giữ chặt
hai cánh tay để ông không tụt xuống đất, trong lúc Voltaire chạy ra ngoài đường
vẫy xe.
Lermontov lại bảo anh
sinh viên: “Cậu có nhận ra sự kiện gì cậu đang chứng kiến không? Cậu là một
sinh viên, cậu chưa biết gì về cuộc đời. Nhưng đây là một cảnh tượng hay ho, lạ
lùng, hiếm có! Họ đang khiêng một thi sĩ. Cậu có biết nếu đưa tình huống này
vào một bài thơ thì nó sẽ ra sao không?”.
Trong lúc đó Goethe từ
từ tụt xuống đất; Petrarch và Boccaccio cố xốc ông già lên.
Lermontov thấy vậy nói
tiếp với anh sinh viên: “Xem kìa! Giữ cho ông già không bị tụt xuống đất, họ
còn không làm nổi. Cánh tay họ mất hết sức lực rồi. Họ không hề biết đời sống
là gì. Khiêng một thi sĩ. Một cái tựa đề nghe hay ho xiết bao. Cậu có hiểu tí gì
không? Lúc này tôi đang soạn hai tập thơ. Hai tập hoàn toàn khác nhau. Một tập
theo truyền thống cổ điển, vần điệu niêm luật chỉn chu. Và tập kia gồm những
bài thơ tự do, mà tôi cho cái nhan đề là Những cảnh huống diễn trình.
Bài thơ cuối trong tập này sẽ có tựa đề “Khiêng một thi sĩ”. Nó sẽ là một bài
thơ không êm ái. Nhưng chân thật. Chân thật”.
Đó là từ thứ ba
Lermontov viết nghiêng. Nó biểu hiện cái đối nghịch lại tất cả những gì có tính
cách hoa mỹ hay minh triết. Nó biểu hiện cái đối nghịch với tính cách mơ mòng
thơ mộng của Petrarch và bông lơn tinh nghịch của Boccaccio. Nó biểu hiện lòng
cảm thông với công nhân lao động và đức tin vào vị nữ thần Cuộc Sống Khó Khăn
viết hoa.
Không khí trong lành
của trời đêm khiến thi sĩ Verlaine thấy ngất ngây, ông ngửa mặt lên nhìn bầu
trời đầy sao, miệng cất tiếng hát. Thi sĩ Yesenin thì ngồi bệt dưới đất tựa
lưng vào tường tòa nhà, ngủ. Voltaire vẫn đứng ngoài đường, thấy chiếc xe nào
chạy qua cũng vẫy vào, và sau cùng ông gọi được một chiếc tắc-xi. Đoạn, Boccaccio
giúp ông đẩy Goethe vào băng ghế sau. Ông la lớn bảo Petrarch lên ngồi băng
trước cạnh tài xế, bởi Petrarch là người duy nhất trong bọn có hy vọng xoa dịu
bà Goethe. Nhưng Petrarch giãy nảy, nhất quyết không chịu làm cái việc khủng
khiếp đó.
“Tại sao lại là tôi?
Tại sao, hử? Tôi sợ cái bà ấy đến phát khiếp, các ông đừng đùn việc ấy cho
tôi”.
Lermontov bảo anh sinh
viên: “Cậu thấy chưa? Lúc bạn bè nhờ đến thì họ từ chối phắt rồi chạy biến.
Không người nào trong bọn họ có thể đối đáp một câu với mụ vợ già ông Goethe”.
Thế rồi, thò hẳn đầu vào băng ghế sau nơi Goethe, Boccaccio và Voltaire đang
chen chúc ngồi, ông bảo: “Này các ông, tôi sẽ đi với các ông về nhà cụ Goethe.
Các ông hãy xem tôi xử trí bà Goethe như thế nào”. Và ông leo lên ghế trước
cạnh tài xế đóng sập cửa xe lại.
—————————————————–
*Trịnh Y Thư dịch
từ The Book of Laughter and Forgetting, Milan Kundera, ấn bản Anh
ngữ của Aaron Asher.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét