Thứ Năm, 8 tháng 4, 2021

TẬP SÁCH CÁI CƯỜI & SỰ LÃNG QUÊN (1)

 

Nhà văn Milan Kundera

TẬP SÁCH CÁI CƯỜI & SỰ LÃNG QUÊN (1) 

Milan Kundera

Từ số này, Văn Việt xin trân trọng giới thiệu tới các bạn tiểu thuyết Tập sách cái cười & sự lãng quên của Milan Kundera qua bản chuyển ngữ của Dịch giả- Nhà văn Trịnh Y Thư.

Độc giả Việt Nam hẳn chưa quên tiểu thuyết Đời nhẹ khôn kham của Milan Kundera đã được Trịnh Y Thư chuyển ngữ và xuất bản lần đầu năm 2002 ở nước ngoài, nhưng mãi đến năm 2018, bản in mới có cơ hội xuất hiện tại Việt Nam.

Lần này, với bản dịch tiểu thuyết Tập sách cái cười & sự lãng quên vừa mới hoàn tất, dịch giả Trịnh Y Thư đã có nhã ý cho công bố trên trang Văn Việt, để độc giả Việt Nam có cơ hội tới-gần-hơn với một nhà văn được đánh giá: “Kundera hiện nay được xem là một trong những nhà văn hàng đầu của văn học Hậu Hiện đại Tây phương. Có người đi xa hơn, không ngần ngại gọi ông là một trong ba hoặc bốn nhà văn lớn nhất của văn học thế giới đương đại”.

VĂN VIỆT

Lời người dịch 

Trong bài tựa cuốn tiểu thuyết Chuyện đùa, Milan Kundera thuật lại giai thoại sau: Năm 1980 (lúc này ông đã cùng gia đình sang Pháp định cư), có buổi hội thảo trên kênh truyền hình nào đó nói về sự nghiệp văn học của ông. Một nhân vật trong thành phần tham dự đứng lên phát biểu, gọi cuốn Chuyện đùa là bản cáo trạng hùng hồn tố cáo tội ác của chủ nghĩa Stalin. Kundera nghe vậy vội vàng ngắt lời, “Ông làm ơn đừng gán ghép chủ nghĩa Stalin của ông vào tôi. Chuyện đùa chỉ là một câu chuyện tình”.

Quả vậy, mặc dù tiểu thuyết Kundera không thiếu những mạch đoạn viết về chính trị – đúng hơn lịch sử chính trị – và ông không bao giờ che giấu thái độ hằn hộc, gần như thù hận với nước Nga, bởi quốc gia này đã gây nên không biết bao nhiêu tai họa và thống khổ cho quê hương, dân tộc ông, thậm chí cho chính cá nhân ông, nhưng thật sai lầm nếu chúng ta bới móc giữa những dòng chữ ông viết để tìm kiếm một thông điệp hay luận đề chính trị nào. Ông có vẻ dị ứng với tất cả những điều đó. Với ông, lịch sử chỉ là tấm phông trừu tượng mà ông ví tiểu thuyết gia như nhà thiết kế sân khấu kịch dùng nó để kiến dựng một tiết kịch. Câu nói “Tiểu thuyết gia không phải là kẻ hầu của sử gia” thường được ông nhắc đi nhắc lại trong những bài tiểu luận. (Ngoài vai trò một tiểu thuyết gia hàng đầu trên thế giới vào nửa sau thế kỷ XX, Kundera còn là một ngòi bút viết tiểu luận văn học xuất sắc).

Biết vậy, nhưng cũng như phần lớn chúng ta, Kundera chẳng thể nào đứng bên ngoài những biến động lịch sử khốc liệt của thế hệ ông. Thế kỷ XX, châu Âu của ông chứng kiến sự đổ nát kinh hoàng chưa từng thấy trước đó bao giờ. Hai cuộc Thế chiến, Lò thiêu, Quốc xã, Quân phiệt, Cộng sản, như những bóng ma, cho đến tận bây giờ vẫn ám ảnh tâm tư người dân lục địa đó. Bohemia của ông – miền đất tuy nhỏ bé nằm nép mình giữa hai cường quốc Đức và Nga nhưng lại là giao điểm chính trị và văn hóa quan trọng – luôn luôn là mảnh đất chịu thiệt thòi và bị dẫm nát trong bất kỳ cuộc tương tranh lớn nhỏ nào. Ở châu Âu, ngoài Ireland, Bohemia có lẽ là quốc gia duy nhất mà nền văn học bao giờ cũng trĩu nặng tính thời đại và lịch sử. Dù sao chăng nữa, Kundera vẫn khó lòng đi chệch ra khỏi quy luật đó.

Nhưng nếu lịch sử chính trị chỉ là bối cảnh, chỉ là cái phông của tiết kịch, thì cái gì chiếm cứ phần trọng đại nhất trong tiểu thuyết Kundera? Câu trả lời giản dị lắm: Đó chính là cuộc truy tìm bản ngã con người, để từ đó rất có thể lóe lên luồng sáng mới mẻ cho ta thấy rõ hơn cái ẩn mật của hiện tồn. Đưa ra một định nghĩa cho tính cách của tiểu thuyết, ông nói: “Ngay khi bạn tạo dựng một hiện hữu tưởng tượng, một nhân vật, tự động bạn đối đầu câu hỏi: Bản ngã là gì? Làm cách nào thấu triệt được cái bản ngã đó? Đây là một trong những câu hỏi cơ bản của tiểu thuyết”. Và qua tác phẩm chúng ta thấy ông truy xét cái bản ngã đó đến tận cùng. Bản ngã bị ông lật trái lật phải, lật ngang lật dọc đến chóng mặt. Nhưng không phải vì thế ông nắm bắt được điều muốn tìm kiếm; bản ngã vẫn vuột khỏi tầm tay, và ông thú nhận cuộc truy tìm bao giờ cũng chấm dứt trong nghịch lý.

Đọc Kundera, chúng ta cũng dễ dàng mắc phải ngộ nhận, cho là tiểu thuyết ông chịu ảnh hưởng triết học hiện sinh. Ý tưởng phê phán nghệ thuật tiểu thuyết chẳng qua chỉ là cái gì rút ra từ các trào lưu triết học và lý thuyết bị ông đem ra phản bác gay gắt. Dẫn chứng tác phẩm văn học của các nhà văn cận/hiện-đại, ông bảo tiểu thuyết đã va chạm đến vô thức trước khi có Freud, đã luận về đấu tranh giai cấp trước khi có Marx; và trước khi các nhà hiện tượng học ra đời, tiểu thuyết đã nói đến hiện tượng học, để chứng minh ông đưa Marcel Proust ra làm thí dụ. Câu nói “Tiểu thuyết nói những điều mà chỉ tiểu thuyết mới nói được” thường được ông đem ra dùng khi cần bênh vực cho vai trò tích cực và vị thế trọng đại không thể thiếu của tiểu thuyết trong đời sống văn hóa con người.

Kundera cũng tuyệt đối trung thành với những ý niệm mỹ học mà ông khai triển gần như suốt văn nghiệp ông. Ở những cuốn nổi tiếng như Đời nhẹ khôn kham, Chuyện đùa, chúng ta thấy ông say sưa với những cặp phạm trù nặng/nhẹ, tâm-hồn/thế-xác, chung-thủy/phản-bội, cái-cười/sự-lãng-quên, vân vân. Thậm chí ông lấy cặp phạm trù cái-cười/sự-lãng-quên làm nhan đề cho một tác phẩm của ông, Tập sách cái cười và sự lãng quên. Kundera nói về cuốn sách này của ông như sau:

Sách này là cuốn tiểu thuyết viết theo dạng thức biến tấu. Những phần của sách nối tiếp nhau như những chặng đường chuyến du hành dẫn đến cái nội tại của chủ đề, nội tại một suy tưởng, nội tại một tình huống duy nhất, giản dị, mà cái hiểu cứ dần dà trôi mất vào cõi xa, ra khỏi tầm nhìn của tôi.

Nó là cuốn tiểu thuyết viết về Tamina, và những chuyện diễn ra lúc Tamina bước ra khỏi sân khấu. Nó là cuốn tiểu thuyết viết cho Tamina. Cô là nhân vật chính diện và cũng là khán giả chính diện. Tất cả những chuyện khác là biến tấu dựa trên chuyện của chính cô, gặp gỡ đời sống cô như gương soi mặt.

Nó là cuốn tiểu thuyết về cái cười và sự lãng quên, về thành phố Praha, về Praha và những thiên sứ của nó…”.

Ông viết cuốn sách vào khoảng giữa thập kỷ 70. Tác phẩm có bảy phần. Gọi mỗi phần là một truyện ngắn cũng đúng, nhưng theo chính Kundera, ta nên xem nó là một tổ khúc, như tổ khúc âm nhạc gồm bảy hành âm mà mỗi hành âm là một cuộc truy tìm hiện hữu khác nhau. Khác nhau nhưng vẫn có sự liền lạc chặt chẽ bởi mô-típ chỉ đạo chế ngự toàn tác phẩm: cái cười và sự lãng quên. Những mã số hiện sinh ông sử dụng ở đây vẫn là những phạm trù quen thuộc lồng trong tình huống một chuyện tình buồn cười. (Các chuyện tình của Kundera đều buồn cười, nhưng là nụ cười cay đắng.) Tình dục thì luôn luôn buồn bã, như hoang mang giữa mê lộ. Và quái! Không phải quán đản hay quái dị, mà quái “chiêu.” (Ở đây, tôi chỉ có thể tìm ra một tiếng lóng, một từ đường phố, “quái chiêu”, để diễn tả chất “quái” trong văn Kundera khi viết về tình dục). Tất cả quay cuồng trong bối cảnh lịch sử: cuộc sống nghẹt thở dưới chế độ công an trị của nhà nước Cộng sản sau khi Nga xua cả nghìn chiến xa và nửa triệu quân sang xâm chiếm Bohemia.

Cuốn tiểu thuyết đã đưa Kundera lên đài danh vọng quốc tế vào cuối thập niên 70. Nó là cuốn sách chẳng những phong phú ở mặt xây dựng nhân vật và câu chuyện, mà còn lạ lùng, sâu sắc ở phần tưởng tượng. Nơi đây thực tại và huyễn tưởng đan xen nhau dễ dàng và tự nhiên đến nỗi người đọc khó phân biệt đâu là đời sống thật, đâu là giấc mơ. Kỳ thực, điều đó không cần thiết khi đọc tiểu thuyết Kundera. Tuyệt đối không cần thiết, bởi chính ông cũng hay nhắc nhở người đọc rằng đừng xem những gì ông viết là sự thật, mặc dù trong đó có rất nhiều phần thuộc dạng hồi ức tự truyện, âm nhạc, triết học hay lịch sử. Và cũng như hầu hết những tác phẩm khác của ông viết trước đó hoặc sau này, bảy phần trong cuốn sách là một tổng hợp những khía cạnh khác nhau của hiện tồn được khuếch đại, thu nhỏ, sắp xếp lại trật tự, nhấn mạnh, xem xét, phân tích, trải nghiệm… với một cái nhìn thật mới mẻ và tinh tế.

Viết tiểu thuyết, Kundera ưa chuộng thủ pháp “tiểu thuyết tư duy”. Có nghĩa là ông không thuật một câu chuyện từ đầu chí cuối, mà đưa ra một ý tưởng rồi dựng, đúng hơn, bịa một hay nhiều “tình huống” để biện minh cho ý tưởng đó. Với lối viết đó, Kundera chịu ảnh hưởng nhiều từ hai nhà văn kiệt xuất người Áo của nửa đầu thế kỷ XX là Robert Musil [1880-1942] và Hermann Broch [1886-1951]. Kẻ không quen lối viết này có thể nhún vai chê bai, “Sao mà lý sự lắm thế!”, bởi đối với họ, nghệ thuật tiểu thuyết yêu cầu ý kiến của tác giả đứng ngoài tầm nhìn, tất cả mọi tư duy hãy để người đọc định đoạt.

Thế nhưng Kundera đã mở toang cánh cửa để tư duy tuôn tràn vào tiểu thuyết. Ông không ngần ngại tuyên bố rằng “Biện pháp bổ sung những tư duy chắc nịch một cách đầy thông tuệ vào tiểu thuyết và bằng những thủ pháp tuyệt luân đầy nhạc tính khiến nó trở nên thành phần bất khả phân ly trong tác phẩm là một trong những sáng tạo táo bạo nhất mà không phải tiểu thuyết gia nào cũng dám làm trong kỷ nguyên nghệ thuật hiện đại”.

Tư duy tiểu thuyết, theo Kundera, không dính líu gì đến tư duy khoa học hay triết học; nó là phi triết học; thậm chí phản triết học, có nghĩa là nó hết sức độc lập với bất kỳ hệ suy tưởng tiên nghiệm nào; nó không thẩm định; không công bố chân lý; nó ra câu hỏi, nó kinh ngạc, nó xét nét; loại hình của nó thật là phong phú: ẩn dụ, châm biếm, giả định, khoa đại, châm ngôn, bông lơn, gây hấn, huyễn hoặc; và điều chính yếu là không bao giờ nó tách lìa ra khỏi cái vòng tròn ảo diệu bao quanh đời sống những nhân vật của nó; những đời sống nuôi dưỡng, chứng thực nó.

Đọc Kundera, chúng ta cũng dễ dàng nhận ra tính hài thấm đẫm trong văn ông. Tập sách cái cười và sự lãng quên không thiếu những mạch đoạn khiến người đọc cười chảy nước mắt, nhưng thật sai lầm nếu chúng ta hiểu chủ ý của ông là chọc cười độc giả. Để hiểu tính hài của Kundera, ta phải tìm hiểu tính hài trong văn Kafka. Vâng, chính Kafka đã cho ông nguồn cảm hứng bất tận đem tính hài vào văn chương. Kafka lấy mặt nạ của cái khả lý đeo lên cái bất khả lý, trong lúc tuyệt đối duy trì tính chính xác tâm lý, nó khiến tiểu thuyết của ông mang vẻ mê hoặc huyền ảo không ai có thể bắt chước được. Chuyện bông đùa, giai thoại, chuyện hài hước: chúng là những bằng chứng hùng hồn nhất cho thấy giữa cảm quan nhạy bén của hiện thực và thần trí tưởng tượng, tiểu thuyết liều lĩnh đi vào cái bất khả lý. Kundera bảo như vậy. Ở bình diện này, Kundera nhận Rabelais và Cervantes là những bậc thầy.

Đừng kỳ vọng Kundera cho chúng ta câu trả lời về bất cứ điều gì sau khi đọc xong tác phẩm. Sẽ không có câu trả lời và mọi chất vấn hoài nghi chỉ làm tối tăm thêm cái nghịch lý của đời sống. Hãy nhận ra nét đẹp của nghệ thuật và đó là phần thưởng duy nhất nhà văn có thể cống hiến.

Milan Kundera sinh năm 1929 tại thành phố Brno nay thuộc Cộng Hòa Czech, trong một gia đình Czech trung lưu. Cha ông là cầm thủ piano kiêm nhà âm nhạc học. Thế chiến II, ông làm nghề buôn và chơi nhạc jazz kiếm sống trước khi được nhận vào đại học Charles ở thủ đô Praha theo học Âm nhạc học, Điện ảnh, Văn học và Mỹ học. Năm 1952, ông tốt nghiệp, trở thành phó giáo sư và sau đó giáo sư khoa Điện ảnh của Viện Nghệ thuật Trình diễn ở Praha, ông cũng là giảng viên thuyết trình về Văn học thế giới. Thời gian này, ông cho xuất bản một số thơ, tiểu luận, dựng kịch, tham gia ban biên tập hai tạp chí văn học Literani Noviny và Listy.

Kundera thuộc thế hệ nhà văn có rất ít quan hệ và trải nghiệm đối với nền Cộng hòa Dân chủ Tiệp Khắc. Ý thức hệ của họ được khởi nguồn từ Thế chiến II và thời gian bị Đức Quốc xã chiếm đóng. Năm 1948, cũng như các trí thức nhiệt huyết khác, Kundera gia nhập Đảng Cộng sản. Năm 1950 ông bị Đảng khai trừ vì tội danh “có xu hướng cá nhân chủ nghĩa” và những hành vi chống Đảng. Việc này được ông dùng làm chủ đề cho cuốn tiểu thuyết Chuyện đùa xuất bản năm 1967. Tuy thế mấy năm sau đó ông được cứu xét lại và từ năm 1957 cho đến 1970 ông trở lại Đảng. Suốt thập kỷ 50, Kundera công tác với tư cách một dịch giả, một nhà viết tiểu luận, một nhà dựng kịch. Năm 1953, ông xuất bản cuốn sách đầu tay, và mặc dù có vài tập thơ ra mắt công chúng nhưng ông chỉ được biết đến sau khi tập truyện Những chuyện tình buồn cười xuất hiện. Năm 1967, ông xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay, cuốn Chuyện đùa, với chủ đề chống chủ nghĩa Stalin. Năm 1970, ông bị khai trừ khỏi Đảng lần thứ hai, bị cách chức giáo sư và tác phẩm bị cấm lưu hành vì là một trong những trí thức hàng đầu trong phong trào Mùa Xuân Praha, một phong trào tranh đấu của trí thức Tiệp đòi hỏi dân chủ hóa và bị Xô Viết xua quân sang dẫm nát năm 1968. Ông chủ trương cải tổ chứ không đánh đổ Đảng Cộng sản, và đã có những bài bút chiến nảy lửa với nhà soạn kịch Václav Havel về vấn đề này. Sau cùng, có lẽ thất vọng, ông từ bỏ mọi giấc mơ cải tổ và năm 1975 đưa gia đình di cư sang Pháp.

Tác phẩm tiểu thuyết thứ hai của ông, cuốn Đời sống ở nơi khác xuất bản ở Paris năm 1973. Năm 1975, ông được mời làm giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Rennes, Bretagne, Pháp quốc. Năm 1979, cuốn tiểu thuyết Tập sách cái cười và sự lãng quên ra mắt quần chúng với nội dung không tốt cho chế độ cầm quyền và ông bị nhà nước Tiệp Khắc tước quyền công dân. Năm 1981, ông vào quốc tịch Pháp và từ 1985, ông chỉ nhận trả lời phỏng vấn qua văn bản vì ông cho là trước đó người ta hay có xu hướng diễn dịch sai ý ông. Năm 1986, ông xuất bản cuốn Nghệ thuật tiểu thuyết, một tập tiểu luận đặc sắc và là tác phẩm đầu tiên viết bằng Pháp ngữ. Cuốn tiểu thuyết tiếp theo, Sự bất tử, và cho đến ngày nay, ông đều sử dụng Pháp văn cho sáng tác của mình. Ông tự cho mình là một tác giả Pháp, và yêu cầu người ta xếp loại cũng như nghiên cứu công trình trước tác của ông như là văn học Pháp. Cuốn Lễ hội những điều vô tích sự gần đây nhất, xuất bản năm 2014, lấy bối cảnh là Paris, và mặc dù có va chạm ít nhiều đến chủ nghĩa Stalin, nhưng gần như ông không quay lại các chủ đề quen thuộc như lòng hoài niệm quê hương, sự lãng quên, cái nhẹ khôn kham, v.v…

Kundera hiện nay được xem là một trong những nhà văn hàng đầu của văn học Hậu Hiện đại Tây phương. Có người đi xa hơn, không ngần ngại gọi ông là một trong ba hoặc bốn nhà văn lớn nhất của văn học thế giới đương đại. Nhà văn Simon Leys có lần tuyên bố tác phẩm của Kundera khiến George Orwell bị lu mờ. Đâu đó người ta còn so sánh ông với Franz Kafka.

Dịch “Milan Kundera”

Giữa tôi và Milan Kundera, tính cho đến ngày nay, hiển nhiên có một gắn bó trên 30 năm, một quan hệ phi vật thể vì tôi biết ông chứ ông không biết tôi là ai. Nhưng tôi thấy trên trang viết của ông những điều rất gần gũi và tâm đắc. Gần gũi vì cũng như ông, tôi không được sinh sống trên quê hương mình. Tâm đắc vì hầu như tất cả những gì ông viết, tôi đều thấy lôi cuốn, cầm sách lên khó lòng buông xuống, bỏ đi làm chuyện khác. Ông suy nghĩ thay cho tôi. Ông là nhà văn với một khối óc phân tích và tổng hợp uyên áo, câu chuyện kể thường dẫn đến vô vàn những tư duy độc đáo, và đó chính là điểm mạnh của ông.

Vào quãng năm 1988, 89 gì đó, tôi đọc Kundera lần đầu sau khi đọc những bài phê bình, giới thiệu của các nhà văn Mỹ như Philip Roth, John Updike. Đó là thời điểm đế quốc Xô Viết đang trên đà sụp đổ, tan rã toàn diện và Chủ nghĩa Cộng sản bắt đầu đi vào giai đoạn cáo chung ở Đông Âu. Trí thức phương Tây bỗng chú ý đến văn học của vùng đất đang tận lực đấu tranh để thoát ra khỏi tai ách Cộng sản phủ trùm trên quê hương, dân tộc họ suốt già nửa thế kỷ qua, và Kundera xuất hiện như một kiện tướng hàng đầu. Cũng như nhiều người khác, tôi chụp lấy cuốn Đời nhẹ khôn kham đọc ngấu nghiến, và với sự khuyến khích của nhà văn Nguyễn Mộng Giác, bắt đầu dịch tác phẩm này sang tiếng Việt. Tác phẩm được đăng rải rác trên các tạp chí văn học thời đó như Văn, Văn Học, Hợp Lưu… Nhưng phải đợi đến năm 2002, tôi mới xuất bản cuốn sách dịch lần đầu, và mãi đến năm 2018, cuốn sách mới về tới Việt Nam do công ty sách Nhã Nam thực hiện xuất bản và phát hành.

Dĩ nhiên, tôi không ngừng ở Đời nhẹ khôn kham mà vẫn ấp ủ ý định dịch tiếp một cuốn tiểu thuyết nữa của Kundera, và thật dễ hiểu, đó là cuốn Tập sách cái cười và sự lãng quên.

Dịch Tập sách cái cười và sự lãng quên là việc làm thú vị tuyệt vời đối với tôi. Dịch xong, tôi thấy tiếc tại sao Kundera không viết thêm bảy phần nữa trong cuốn sách cho tôi dịch tiếp. Và, bây giờ tôi muốn chia sẻ cùng bạn đọc. Nhưng trước khi đi vào văn bản của tác phẩm, tôi muốn ghi lại đây suy nghĩ của Kundera để bạn hiểu tại sao cuốn sách lại cho tôi ấn tượng như vậy:

Nhân vật trong tiểu thuyết tôi là những khả thể vô thức của chính tôi. Đó là lý do tại sao tôi yêu quý và khiếp sợ những nhân vật đó bằng nhau. Mỗi nhân vật vượt qua đường biên do chính tôi vạch ra. Chính đường biên bị vượt qua đó (bên kia đường biên, ‘bản ngã’ của riêng tôi chấm dứt) là cái gì quyến rũ tôi nhất. Bởi bên kia đường biên là nơi khởi đầu cho cái ẩn mật cuốn tiểu thuyết yêu cầu. Tiểu thuyết không phải là lời tự thú của tác giả; nó là cuộc nghiệm sinh của con người trong cái bẫy thế giới này đang dần dà biến thành”.

Và sau cùng, tôi xin gửi lời tri ân đến các anh chị trong Ban Biên tập Văn Việt (của Ban Vận động Văn đoàn Độc Lập Việt Nam) đã hoan hỉ đồng ý cho tôi phổ biến tác phẩm quan trọng này đến với độc giả Việt khắp nơi.

Trịnh Y Thư, 1/2021

Dịch giả Trịnh Y Thư cà phê với Ban biên tập Văn Việt và thân hữu, tháng 6/2017.

Từ trái qua: Nhà văn Nguyễn Quang Thân (đã mất), Dịch giả Trịnh Y Thư, Nhà thơ Hoàng Hưng, (một bạn trẻ), Nhà thơ Bùi Chát, Nhà văn Nguyễn Viện, Nhà văn Nam Dao.

————————————————————

PHẦN I.

Những cánh thư thất lạc

KỲ 1.

1.

Tháng 2 năm 1948, lãnh tụ cộng sản Klement Gottwald bước ra bao lơn tòa dinh thự xây từ thời Baroque thủ đô Praha để hiệu triệu hàng trăm nghìn công dân đứng chật ních dưới quảng trường Phố Cổ. Đó là khúc quành trọng đại của lịch sử Bohemia1 – một thời khắc định mệnh.

Đứng cạnh Gottwald là các đồng chí của ông, Clementis gần nhất, ngay bên cạnh. Tuyết rơi tầm tã, trời se sắt lạnh, và Gottwald để đầu trần. Thấy vậy Clementis ân cần lấy mũ của mình đội lên đầu Gottwald.

Cơ quan tuyên truyền của đảng in ra hàng trăm nghìn bức ảnh Gottwald đứng trên bao lơn, mũ lông thú trên đầu, các đồng chí đứng bên cạnh, nói chuyện với quốc dân. Lịch sử xứ Bohemia cộng sản khởi đi từ cái bao lơn đó. Qua bích chương, sách vở, bảo tàng viện, đứa trẻ nào cũng biết rõ bức ảnh.

Bốn năm sau họ khép Clementis vào tội phản quốc và đem ông ra treo cổ. Ngay tức khắc cơ quan tuyên truyền của đảng bôi xóa ông khỏi lịch sử và, dĩ nhiên, ra khỏi tất cả những hình ảnh họ công bố trước đây. Từ lúc đó trở đi, Gottwald đứng một mình trên bao lơn.

Nơi Clementis đứng giờ đây chỉ còn lại bức tường trơ trọi của tòa dinh thự. Clementis hoàn toàn tan biến, chẳng còn lại gì, ngoại trừ cái mũ lông thú trên đầu Gottwald.

2.

Đó là năm 1971, Mirek bảo: Cuộc đấu tranh của con người chống lại quyền lực là cuộc đấu tranh của trí nhớ chống lại sự lãng quên.

Đó là cố gắng bào chữa cho cái mà bạn bè anh gọi là bất cẩn: kỳ khu viết nhật ký mỗi ngày, giữ kỹ thư từ, sổ tay ghi chép nội dung những buổi hội thảo trong đó họ trao đổi tình hình thời sự và suy luận về đường đi tương lai. Anh bảo bạn anh: Chẳng có gì vi hiến những việc chúng ta làm. Che đậy và mang mặc cảm tội lỗi trong người là bước khởi đầu của chiến bại.

Tuần trước, trong lúc lao động cùng toán thợ trên nóc tòa nhà cao tầng đang xây dựng, anh nhìn xuống bên dưới và bỗng thấy chóng mặt. Mất thăng bằng, anh ngã xuống và bị cây cột đóng hờ đè lên người. Thoạt đầu có vẻ anh bị thương nặng, nhưng sau đó, khi biết chỉ bị nứt nhẹ xương cánh tay, anh thấy vui vui trong lòng bởi nhờ thế anh có vài tuần nghỉ ngơi ở nhà và cuối cùng anh có thể thanh toán các việc vặt vãnh mà trước đây anh chẳng bao giờ có thời gian làm cho xong.

Cuối cùng, anh công nhận bạn bè anh có lý. Hiến pháp quả có bảo đảm quyền tự do ngôn luận; nhưng luật pháp trừng phạt bất kỳ những ai có hành vi bị xem là có hại cho an ninh nhà nước. Người ta chẳng bao giờ biết lúc nào nhà nước hét to chữ này từ kia phương hại an ninh quốc gia. Thế là anh quyết định đã đến lúc phải cất giấu vào nơi an toàn những giấy tờ, hồ sơ có hại kia.

Nhưng trước hết, anh muốn thu xếp cho ổn thỏa vấn đề Zdena. Anh gọi điện cho cô, thành phố nơi cô sinh sống cách Praha khoảng trăm cây số, nhưng cô không có nhà. Anh phí mất bốn ngày trời chỉ để gọi cô và mãi ngày hôm qua anh mới nói chuyện được với cô. Cô hứa chiều nay ở nhà chờ anh đến.

Cậu con trai mười bảy tuổi của Mirek phản đối: Bố sẽ không thể nào lái ô-tô được với cánh tay bó bột như thế kia. Quả nhiên anh lái xe thật khó khăn. Cánh tay bị thương đeo băng cứ ỳ ra đong đưa một cách vô tích sự trước ngực anh. Lúc sang số xe, anh phải buông tay lái.

3.

Hai mươi lăm năm trôi qua từ ngày anh có mối tình với Zdena, và tất cả những gì còn lại chỉ là đôi ba kỷ niệm.

Một hôm có hẹn đi chơi với anh, cô xuất hiện tay cầm khăn chặm nước mắt và cứ thế sụt sùi. Anh hỏi cô chuyện gì. Cô bảo một yếu nhân Nga mới qua đời ngày hôm trước. Cái ông nào tên là Zhdanov, Arbuzov, hay Masturbov gì đó. Căn cứ vào những giọt nước mắt lã chã từ mắt cô rơi xuống, cái chết của ông Masturbov này còn làm cô đau buồn hơn cả cái chết của chính cha đẻ cô.

Có thật thế không? Hay đây chỉ là sản phẩm của sự căm ghét trong lòng anh ngày hôm nay, nó khiến anh tưởng tượng ra những giọt nước mắt bi thương cô dành cho cái ông Masturbov nào đó. Nhưng dĩ nhiên, sự thật là cảnh huống xảy ra lúc đó làm bằng chứng những giọt nước mắt có thật và đáng tin, nhưng giờ đây chẳng còn lưu lại chút gì trong trí nhớ anh, vì thế nó trở nên xộc xệch như một bức biếm họa.

Tất cả những gì anh còn nhớ về cô đều như thế. Hai người làm tình với nhau lần đầu tại căn hộ anh ở trọ rồi sau đó anh lấy xe điện đưa cô về. (Mirek thấy hả dạ vì anh hoàn toàn quên bẵng chuyện anh có làm tình với cô, thậm chí một giây phút chuyện đó anh cũng không tài nào nhớ lại được). Thân hình cô chắc, khỏe, cao hơn anh (người anh bé nhỏ, mảnh khảnh), cô ngồi trên băng ghế góc xe, thân hình tưng lên tưng xuống vì xe chạy xóc, khuôn mặt tư lự của cô trông buồn bã và già nua quá đỗi. Anh hỏi cô chuyện gì khiến cô trầm tư như vậy, cô bảo anh cô không thỏa mãn chuyện làm tình vừa rồi. Cô nói anh làm tình với cô như một trí thức.

Trong mớ thuật ngữ chính trị thời đó, “trí thức” là một từ xấu. Nó ám chỉ kẻ không thức thời, thiếu am hiểu đời sống và bị mọi người xa lánh. Tất cả những người cộng sản bị những người cộng sản khác treo cổ vào thời đó đều bị dán lên người danh hiệu này. Khác với những kẻ có đôi bàn chân bám chặt mặt đất, người ta bảo họ nổi lềnh bềnh trong không khí. Thế rồi, ở ý nghĩa nào đó, khi bị trừng phạt, mặt đất dưới chân họ bị lấy đi, và xác thân họ treo lơ lửng trên mặt đất.

Nhưng Zdena muốn nói gì khi cô lên án anh làm tình với cô như một trí thức?

Bởi nguyên do nào đó, anh không làm cô vui, và y như chuyện cô có khả năng hòa nhập liên hệ trừu tượng (liên hệ giữa cô với Masturbov, một kẻ hoàn toàn xa lạ) vào cảm xúc cụ thể nhất (dưới dạng nước mắt), cô có khả năng gán ghép ý nghĩa trừu tượng lên hành vi cụ thể nhất, hoặc một danh hiệu chính trị cho cái cô không thoả mãn.

4.

Nhìn vào kính chiếu hậu, anh nhận ra anh đang bị chiếc xe khác bám sát đuôi. Anh không bao giờ nghi ngờ chuyện anh bị theo dõi, nhưng cho đến thời điểm này hành vi của họ kín đáo đến mức thượng thừa. Hôm nay chuyện đó đột biến: Họ muốn anh biết họ đang có mặt.

Khoảng hai mươi cây số ngoại thành Praha, giữa đồng không mông quạnh có cái hàng rào cao nghệu, đằng sau có trạm xăng và ga ra sửa chữa ô-tô. Anh có người bạn làm việc trong đó và anh cần đưa xe vào để bạn anh thay cái cơ phận kích hoạt bị hỏng. Anh dừng xe trước cổng ra vào, là thanh đà gỗ sơn hai màu trắng đỏ. Đứng bên cạnh cổng là một mụ đàn bà dáng người to béo. Mirek chờ mụ nâng thanh đà ngang lên cho anh lái xe vào, nhưng mụ cứ đứng ỳ ra đó, nhìn anh không chớp mắt. Anh nhấn còi inh ỏi mà mụ vẫn không di chuyển. Anh thò hẳn đầu ra khỏi xe.

“Chưa bị bắt à?”. Mụ ta hỏi anh.

“Chưa”. Mirek trả lời mụ. “Này, nhờ tí. Nâng cái cổng lên được không?”.

Mụ đứng nhìn anh chăm chăm thêm chặp nữa, quai miệng ngáp dài, đoạn bỏ vào trạm gác, ngồi xuống ghế, quay lưng lại phía anh.

Thế là anh phải chui ra khỏi xe, đi vòng qua cổng vào tận chỗ sửa xe tìm người thợ máy quen. Anh thợ theo anh ra cổng và tự tay nâng thanh đà ngang lên (mụ đàn bà vẫn ngồi bên trong trạm gác, mắt nhìn ra vô hồn) cho Mirek lái xe vào.

“Đáng kiếp! Ai bảo cậu cứ chường mặt mũi lên truyền hình làm gì”. Anh thợ sửa xe bảo Mirek. “Tất cả những con mụ đó đều biết rõ mặt cậu”.

“Mụ ấy là ai thế?”. Mirek hỏi bạn anh.

Anh thợ sửa xe bảo anh cuộc xâm lăng của lính Nga vào đất Bohemia đã làm đảo lộn mọi thứ, mụ ta chợt thấy có dấu hiệu giúp mụ ra khỏi chỗ tầm thường. Chứng kiến cảnh đổi đời của những người đang ở địa vị cao (tất cả mọi người đều ở địa vị cao hơn mụ) bỗng nhiên bị tước đoạt mọi thứ, từ quyền hành, chức tước, nghề nghiệp cho đến thức ăn thức uống hằng ngày chỉ vì lời tố cáo vu vơ nào đó, mụ hồ hởi lắm, và mụ bắt đầu đi tố cáo hết người này đến người kia.

“Thế tại sao mụ vẫn đứng gác cổng? Tại sao họ không cất nhắc mụ lên?”.

Anh thợ mỉm cười. “Đếm từ một đến mười mụ ta còn không biết. Họ kiếm không ra việc khác cho mụ làm, đành để mụ tự do đi tố cáo người khác. Với mụ, đó là lên chức rồi!”.

Anh mở mui xe, thò đầu vào xem xét.

Mirek bỗng thấy gã đàn ông lạ đứng cách anh mươi bước. Anh quay người lại nhìn: Gã mặc sơ mi trắng, cổ thắt cà vạt, áo khoác ngoài màu xám, quần nâu. Gã có cái cổ to khoẻ, khuôn mặt phì nộn, mái tóc hoa râm uốn dợn sóng. Gã đứng đó quan sát anh thợ đang khòm lưng sửa máy xe.

Lát sau, anh thợ máy cũng nhận ra sự có mặt của gã, anh đứng thẳng người lên hỏi: “Ông tìm ai?”.

Gã trả lời: “Không, tôi chẳng tìm ai cả”.

Anh thợ lại cúi xuống tiếp tục lúi húi xem máy xe. Anh bảo Mirek, “Cậu biết chuyện này không? Giữa quảng trường Wenceslaus ở Praha có kẻ bị ói mửa. Kẻ khác đi ngang thấy vậy đứng lại nhìn rồi lắc đầu bảo, ‘Tôi hiểu ý ông muốn nói gì.’”

5.

Vụ ám sát Allende nhanh chóng làm lu mờ trí nhớ vụ Nga xâm lăng Bohemia, cuộc thảm sát đẫm máu ở Bangladesh khiến vụ Allende rơi vào lãng quên, âm thanh rùng rợn của chiến tranh sa mạc Sinai khỏa lấp tiếng rên xiết của Bangladesh, vụ thảm sát ở Kam Pu Chia khiến người ta quên mất Sinai, và cứ thế tiếp diễn cho đến lúc tất cả mọi thứ đều bị mọi người quên lãng.

Thuở xưa, khi lịch sử còn di chuyển với tốc độ chậm rãi, vài ba biến cố dễ dàng ăn sâu vào trí nhớ con người, nó kết hợp thành bối cảnh, mọi người đều hay biết, và trước bối cảnh đó, đời sống riêng tư mở ra những trò mạo hiểm. Ngày nay, lịch sử di chuyển với tốc độ nhanh vùn vụt. Chỉ qua đêm chẳng còn ai nhớ đến nữa, sáng sớm hôm sau biến cố lịch sử lóng lánh như giọt sương mai và bởi thế nó không còn là bối cảnh của người kể chuyện nữa, chính nó là cuộc mạo hiểm kỳ thú, được dựng lại đằng trước bối cảnh cuộc sống riêng tư tầm thường, vô vị.

Bởi chẳng còn biến cố lịch sử nào đậm nét trong trí nhớ chúng ta, bắt buộc tôi phải xem những biến cố cách đây ít năm như thể chúng xảy cả nghìn năm trước: Năm 1939, quân Đức tiến vào Bohemia, và quốc gia Tiệp bị xóa sổ. Năm 1945, quân Nga tiến vào Bohemia và quốc gia này một lần nữa được gọi là một cộng hòa độc lập. Dân chúng vồ vập lấy nước Nga vì Nga đánh đuổi Đức ra khỏi xứ sở họ, và bởi đảng cộng sản Tiệp là cánh tay trung thành của Nga, người dân quay sang hướng về phía họ. Thế là hôm tháng 2 năm 1948 cộng sản lên nắm chính quyền giữa tiếng hò reo vang dậy của một nửa dân chúng mà không hề có máu đổ hay bạo động nào xảy ra. Xin ghi nhớ: phân nửa dân chúng hò reo là những người năng động hơn, thông minh hơn, tài giỏi hơn.

Vâng, bạn cứ việc nói thế, người cộng sản là người thông minh, vượt trội. Họ có trong tay chương trình vĩ đại. Dự án cho một thế giới hoàn toàn mới mẻ trong đó mỗi người đều có thể tìm ra chỗ đứng của mình. Phe chống đối chẳng có giấc mơ lớn nào, chỉ vài ba nguyên tắc đạo lý, cũ mòn và ngắc ngoải, để vá víu cái quần rách bươm của nền trật tự cũ. Vì thế, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi kẻ nhiệt tình, kẻ với tinh thần phấn chấn dễ dàng chiến thắng kẻ lừng khừng, nhút nhát. Họ không để phí phạm thời gian và đã nhanh chóng biến giấc mơ của họ thành hiện thực: kiến tạo khu vườn thượng uyển của công lý cho tất cả mọi người.

Tôi nhấn mạnh: khu vườn thượng uyển cho tất cả mọi người, bởi con người chúng ta luôn luôn vọng tưởng lên khu vườn nơi có tiếng hót của con họa mi, nơi tuyệt đối hài hòa thế gian không xa lạ với con người và không có cảnh người ức hiếp người, nơi thế giới và tất cả con người trở nên đồng dạng cùng một thể chất. Nơi đó, mỗi con người là nốt nhạc trong bản fuga tuyệt vời của Bach2 và bất cứ ai không chịu trở thành nốt nhạc đó sẽ chỉ là chấm đen, cần tóm cổ nó ra và bóp nát nó giữa hai ngón tay như bóp chết một con muỗi.

Có những kẻ ngay tức khắc đã tự hiểu mình không đủ tính cách thích ứng cho khu vườn thượng uyển như vậy và mong ước của họ là lìa bỏ quê hương ra đi. Nhưng bởi định nghĩa cơ bản của vườn thượng uyển là thế giới cho tất cả mọi người, những kẻ muốn bỏ xứ di cư lộ nguyên hình là bọn người từ chối vườn thượng uyển, thế là thay vì ra nước ngoài họ vào tù nằm. Chẳng bao lâu, nhập bọn với họ là hàng nghìn, hàng chục nghìn người khác, trong đó có cả nhiều người cộng sản như ông Ngoại trưởng Clementis, người đã cho Gottwald mượn cái mũ lông thú. Những tình nhân nhút nhát nắm tay nhau trên màn bạc, kẻ ngoại tình bị đem ra tòa án nhân dân xét xử thật nặng, họa mi vẫn hót, và xác thân Clementis đong đưa như cái chuông đang đổ rền vang giữa buổi bình minh của nhân loại.

Thế rồi những kẻ cấp tiến thông minh trẻ tuổi đó bỗng có cảm tưởng lạ lùng, đó là họ đã phóng thả ra thế giới bên ngoài một hành trạng và giờ đây nó có đời sống khác mất rồi, nó không còn giống cái ý tưởng nguyên thủy khi xưa nữa, và nó chẳng đoái hoài gì đến những kẻ tạo dựng ra nó. Thế là những kẻ thông minh trẻ tuổi đó bắt đầu kêu la mắng chửi cái hành trạng đó, họ kêu gọi nó hãy trở về, họ trách móc nó, họ chạy đuổi theo nó, săn tìm nó. Giả như tôi viết một cuốn tiểu thuyết về thế hệ những kẻ cấp tiến tài giỏi đó, tôi sẽ đặt nhan đề cuốn sách là Đuổi bắt một hành trạng hư hỏng.

6.

Anh thợ máy đóng sập mui chiếc ô-tô, Mirek hỏi anh bao nhiêu tiền.

“Có gì đâu. Tôi làm không công cho cậu”. Anh thợ trả lời.

Mirek thấy cảm kích, anh lên xe ngồi sau tay lái. Anh thấy mất hết mọi hứng thú tiếp tục chuyến đi. Anh chỉ muốn ở lại nghe bạn mình kể chuyện phiếm và tán gẫu với anh. Anh thợ chui nửa người vào xe vỗ vai anh, đoạn ra mở cổng.

Trong lúc Mirek lái xe ra khỏi cổng, anh thợ hất hàm về phía chiếc xe đang đậu phía ngoài.

Gã đàn ông có cái cổ to khoẻ và mái tóc dợn sóng đứng cạnh cổng mắt không rời Mirek. Gã ngồi sau tay lái cũng thế. Cả hai đều trơ trẽn lì lợm, chẳng biết ngượng là gì. Mirek lộ vẻ khinh bỉ ra mặt lúc anh lái xe ngang hai gã.

Qua kính chiếu hậu, anh thấy gã đứng ngoài nhẩy vội vào xe rồi chiếc xe quay đầu tiếp tục bám đuôi theo anh. Linh cảm cho anh biết anh phải làm cái gì đó để tẩu tán mớ giấy tờ có hại cho anh và bạn bè anh. Phải chi, ngay hôm đầu tiên nghỉ ở nhà anh thực hiện việc này thay vì chờ đợi nói chuyện với Zdena trên điện thoại thì có lẽ mọi chuyện đã đâu vào đấy và anh không bị nguy hiểm nào đe doạ. Nhưng đầu óc anh cứ mãi vướng bận về chuyến đi thăm Zdena. Thật ra, anh đã tính chuyện đi thăm cô từ mấy năm nay. Và cách đây mấy tuần, anh có cảm tưởng anh không thể nào lần lữa thêm được nữa, bởi số mệnh anh đã sắp đến đoạn cuối và anh phải làm tất cả những gì có thể để mọi chuyện trở nên tuyệt hảo và đẹp đẽ hơn.

–––––––––——————————————————-

Chú thích của người dịch:

1 Bohemia, tên gọi từ thời thế kỷ XIX trở về trước miền đất ngày nay là Tiệp Khắc. Trong các tác phẩm của mình, tiểu thuyết hay tiểu luận, Kundera thích gọi quê hương mình bằng cái tên cổ này thay vì Czechoslovakia, hay Cộng hòa Czech, tên gọi chính thức hiện nay.

2 Johann Sebastian Bach với những nhạc bản fuga chưa có người thay thế dù sau hơn ba thế kỷ. Kundera đặc biệt yêu thích nhạc của Bach. (Xem thêm Những chúc thư bị phản bội, tiểu luận văn học.) Tuy nhiên, trong ngữ cảnh ở đây, fuga lại được sử dụng như một hoán dụ cho nước Nga thù địch, khiếp hãi.

(Còn tiếp)

——————————————————-

*Trịnh Y Thư dịch từ The Book of Laughter and Forgetting, Milan Kundera, ấn bản Anh ngữ của Aaron Asher.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét