Các nhà văn bậc thầy trên thế giới nói rất đúng về những kinh nghiệm bản thân trong công việc viết văn của mình. Gơtơ: Tất cả những tác phẩm của tôi đều chỉ là những trích đoạn của bản tự thú vĩ đại về cuộc đời tôi. Ipxen: Tất cả những gì tôi đã tái hiện một cách sáng tạo, đều được lấy từ tâm trạng của tôi hay những khoảnh khắc của cuộc đời mà tôi đã sống qua... Tôi làm giải phẫu trong tâm hồn của bản thân vào đúng những chỗ mà sự lục lọi này làm cho tôi đau đớn nhất. Đôđê: Tôi bao giờ cũng đem mình ra làm một đơn vị so sánh. Ghertxen: Truyện này hơn hẳn tất cả những gì tôi đã viết, đây là một sự hồi tưởng sinh động, một mảnh tim nóng hổi.
Những người thợ xẻ là một chuyện gần như có thật. Năm nhân vật (Bường, Ngọc, Biên, Biền, cu Dĩnh) như năm ngón tay trên một bàn tay, đấy cũng là Kim, Mộc, Thuỷ, Hỏa, Thổ. Trong truyện, Biên từ đầu đến cuối không nói một câu nào.Năm 1979, ở rừng Tây Bắc toán thợ xẻ (người làng Chuông, Chương Mỹ, Hà Tây) có tác giả tham gia từng sống hai tháng trong rừng. Chúng tôi đã chôn một người chết vì bệnh uốn ván ở trong núi... Anh ta tên là Biên. Đến bây giờ anh ta vẫn chẳng nói một câu nào.(Ghi chú trong truyện – Nguyễn Huy Thiệp)
Nguyễn Huy Thiệp và vợ cùng hai cháu gái nội Hà Anh (lớn) và Bảo Ngọc tại sân nhà ở Khương Hạ |
Nguyễn Huy Thiệp
"Kéo cưa lừa xẻ
Ông thợ nào khỏe
Thì về cơm vua
Ông thợ nào thua
Thì về bú tí..."
(Hát dỗ em)
Ít năm trước đây, tôi theo một toán thợ xẻ lên miền ngược kiếm ăn. Chúng tôi có
năm người, do anh họ tôi tên là Bường đứng ra làm cai. Bường là một tay anh chị
khét tiếng. Trước kia Bường đi bộ đội, ở một đơn vị đặc công thủy. Năm 1975,
anh dây dưa vào một vụ trộm phân đạm ở huyện, bị tù ba năm. Ra tù, Bường chẳng
chịu làm ăn gì, mở một quán rượu thịt chó nhưng được hơn một năm thì phá sản.
Thời gian Bường mở quán, trong làng tôi nhiều nhà bị mất trộm chó hết sức thần
tình. Có nhà, dù chó đã được đóng cũi, cũi lại để trong buồng, buồng lại khóa,
thế mà vẫn mất. ủy ban xã ngờ Bường là thủ phạm các vụ trộm này nhưng không có
bằng chứng nên anh vẫn vô can. Sau này, vì thua bạc, chán đời, Bường phóng hỏa
đốt quán. Ít lâu sau Bường chuyển sang nghề buôn cây. Nhà nào có cây nhãn, cây
mít, cây hồng xiêm... mới ra hoa anh đã đến đặt tiền cọc mua trước. Được hai
năm, anh bỏ đi buôn bè trên mạn ngược. Lần này, Bường về lập một toán thợ xẻ
theo anh lên rừng kiếm ăn. Bường biết, ở miền núi, nghề thợ xẻ là nghề rất có
triến vọng.
Trong toán thợ chúng tôi có hai anh em sinh đôi
là Biên và Biền, đều mười bảy tuổi, khỏe như trâu mộng. Anh Bường và tôi họ
Đặng, còn Biên và Biền họ Hoàng, nhưng chẳng biết quan hệ họ hàng thế nào mà
Biên và Biền gọi anh Bường là bá, còn gọi tôi là ông trẻ. Biên và Biền là con
ông Hai Dung. Ông Hai Dung là thầy dạy võ trong môn phái Thiếu Lâm Hồng Gia ở
quê tôi. Trước, tôi có theo học ông Hai Dung hai năm. Tôi thuộc thế hệ đàn anh
của Biên và Biền. Trong toán thợ, ngoài bốn anh em còn có cu Dĩnh là con thứ
hai anh Bường, thằng bé mười bốn tuổi, đi theo chúng tôi để hầu cơm nước.
Tôi là một thanh niên khỏe mạnh. Tôi học xong
đại học, do thi trượt tốt nghiệp nên phải ở nhà, để đợi năm sau thi lại. Nhà
tôi đông anh em, bố mẹ tôi sinh được những chín người con. Các anh chị đều làm
ruộng, ai cũng chân chỉ hạt bột, chỉ có tôi ngỗ ngược hơn cả.
Anh Bường bảo bố mẹ tôi: “Thằng Ngọc (Ngọc là
tên tôi) có máu giang hồ, sao Tử vi đóng ở cung Di, ra ngoài thì Tả phù, Hữu
bật, ở nhà chỉ ngộ độc mà chết, chú thím thương nó thì cho nó lên rừng với tôi
một chuyến”. Bố tôi bảo: “Tôi chỉ sợ nó làm lỡ việc của anh”. Anh Bường cười
khà: “Lỡ việc, tôi đánh bỏ mẹ. Giang hồ có luật giang hồ. Chú thím cho nó đi
với tôi, vừa đỡ tốn cơm nhà, vừa có tiền, một năm sau tôi trả nó về nguyên vẹn
là được chứ gì?” Bố tôi bảo: “Hỏi nó xem”. Anh Bường bảo tôi: “Đi chứ? ở nhà
với mẹ biết ngày nào khôn?” Tôi bảo: “Đi thì đi, nhưng anh dánh tôi là tôi đánh
lại đấy”. Anh Bường cười nhạt: “Được rồi. Anh em họ hàng đối xử với nhau phải
nhũn nhặn chứ?”
Ăn tết Nguyên đán xong được mười ngày thì chúng
tôi lên đường. Hôm đi, chị Bường làm cơm.
Năm người chúng tôi, ai cũng hăng hái. Thức ăn
chẳng có gì: một đĩa lòng lợn, một đĩa dưa muối với hai bát khoai tây nấu cổ
cánh gà. Đĩa thịt gà lèo tèo ít miếng xương xẩu vì bao nhiêu miếng nạc chị
Bường phải lọc ra để làm thức ăn cho bố anh Bường đang ốm nặng bệnh viện.
Anh Bường bảo: “Chúng mày thông cảm. Tao cũng
muốn ra quân cho oai nhưng ngặt nhà nghèo quá. Bằng ngày này sang năm, ngồi ở
đây, tao xin hứa mỗi thằng một con gà tần”.
Chúng tôi ăn uống xong thì lên đường. Mỗi người
một ba lô con cóc đeo vai đựng gạo, đựng quần áo. Cu Dĩnh thì đeo nồi xoong bát
đĩa. Dụng cụ có hai bộ cưa xẻ, mấy cái choòng, mấy ái dũa, ngoài ra chẳng có gì
cả.
Chị Bường dắt theo ba đứa con đưa tiễn chúng
tôi. Anh Bường bảo: “Thôi mẹ đi vể đi, bảo vệ an toàn cái hĩm, chờ tớ một năm
sau tớ về”. Chị Bường nửa cười nừa khóc: “Đồ phải gió! ở trên ấy nước độc lắm
đấy! Đừng có tắm đêm mà ngã nước đấy!. Anh Bường bảo: “Nhớ rồi! Khổ lắm! Đêm ai
lại đi tắm nước lã bao giờ? Thôi về đi! Thương anh giấu ở trong lòng. Xin em
chớ có lòng thòng với ai”.
Chị Bường bảo “Các con chào bố đi”. Ba đứa con
anh Bường líu ríu: “Con chào bố”. Anh Bường bảo: “Vâng! Chào các ông các bà!
Các ông các bà ăn no ngủ khỏe. Bố phải xa mẹ lăn lóc trên đường”. Chị Bường
bảo: “Dĩnh ơi, con nấu cơm, nhớ đổ nước thì đo một đốt rưỡi tay là vừa đấy”. Cu
Dĩnh bảo: “Con nhớ rồi. ở nhà mẹ đừng đánh em Tín nhé. Con có mấy trăm đồng
giấu đằng sau cái gương, mẹ cứ lấy mà tiêu”. Anh Bường bảo: “Đủ rồi đấy, các
nhà tình cảm chủ nghĩa ạ. Cứ thế này văn học nước ta chảy nước ra mất”.
Chúng tôi đến Hà Nội tìm bến xe đi Tây Bắc. Anh
Bường có vẻ rất thạo. Biên, Biền và cu Dĩnh lần đầu mới được đi xa nên thấy cái
gì cũng lạ. Anh Bường bảo: “Chúng mày cẩn thận. ở Hà Nội ăn cắp như rươi. Nó
thỉnh mất bộ cưa thì ăn mày đấy”. Đường đi Tây Bắc lắm dốc đèo. Biên và Biền bị
say ô tô, nôn cả ra mật xanh, mật vàng. Hai ngày liền ngồi xe, tôi cũng lử lả
cả người.
Xuống xe, chúng tôi ăn uống qua quýt, nghỉ ngơi
ở thị trấn H. một buổi rồi theo anh Bường vào sâu trong vùng núi thuộc đất của
đội Bình Minh nông trường X. Hai bên bạt ngàn là ngô và bông. Những dãy núi đá
vôi trập trùng cao ngất. Chúng tôi đi men ở dưới chân núi, vừa bé nhỏ, vừa cô
đơn, lại liều lĩnh, mà bất lực, thậm chí vô nghĩa nữa. Bạt ngàn là hoa ban
trắng, màu trắng đến là khắc khoải, nao lòng. Này hoa ban, một nghìn năm trước
thì mày có trắng thế không?
Anh Bường bảo: “Cái thằng nào nghĩ ra cái tên
Bình Minh ở đất khỉ ho cò gáy này thật là một thằng bịp bợm khốn nạn”. Lại bảo:
“Cái tên hiệu nó ghê lắm nhé. Vùng ma thiêng nước độc thì tên là Tương Lai,
Bình Minh, Tân Lập, Đoàn Kết, Tự Cường! Kêu cứ như chuông! Mấy thằng bán quán,
khách vào thì chém cổ lại đặt tên là Bình Dân với Thanh Lịch! Còn mấy thằng bán
thuốc bắc nạo thai con gái lại đặt tên là Hồi Xuân với Cứu Thế! Văn học nước
mình rôm rả thật!”
Chúng tôi cười, vừa đi vừa nói chuyện lan man.
Khoảng gần tối, chúng tôi gặp một cặp vợ chồng đang đẩy một xe củi, người vợ
cầm càng xe, còn anh chồng đẩy phía đằng sau. Anh chồng đeo kính, ra dáng trí
thức, cô vợ thon thả, trắng trẻo, trông rất dễ mến. Anh Bường ngỏ lời:
“Thạch Sanh đốn củi trên
rừng.
Để nàng công chúa kéo
càng lệch vai”.
Cô vợ đáo để, dừng xe lại ngay: “Có thương thì
đẩy giúp, chứ làm thơ thì công chúa chẳng cần!” Anh Bường cười khà: “Khá lắm!
Chú Biền, chú giúp cô ấy một tay. Xin lỗi hai bác, hai bác về đâu mà đến giờ
này vẫn còn vất vả thế này?” Cô vợ bảo: “Chúng em về đội Bình Minh. Các bác đi
xẻ ở đâu thế” Anh Bường bảo: “Nào đã biết xẻ ở đâu? Tối nay còn chẳng biết ngủ
ở đâu nữa là”. Anh chồng xởi lởi: “Hay các bác về nhà chúng tôi? Nhà chỉ có mỗi
hai vợ chồng son, cũng rộng rãi. Biền cầm càng xe, chúng tôi đẩy phía đằng sau.
Cả bọn vừa đi vừa nói chuyện. Anh chồng cho biết tên là Chỉnh, là bác sĩ ở bệnh
viện nông trường, còn cô vợ tên là Thục, là giáo viên cấp hai. Hai vợ chồng có
nhà ở đội Bình Minh, lấy nhau được hơn năm nay nhưng chưa có con. Hai người đều
quê ở Hà Nam Ninh.
Ăn cơm xong, chúng tôi ngồi nói chuyện phiếm.
Anh Chỉnh bảo: “Trong Tạ Khoang có cây chò chỉ bị đổ, ông Thuyết phó giám đốc
nông trường xin xẻ làm nhà, các bác đến hỏi thì có việc đấy”. Chị Thục bảo:
“Dào ôi, xẻ cho cái lão người khu Bốn ấy thì ăn cứt sắt, lão ấy keo kiệt lắm”.
Anh Bường bảo: “Chó ngựa thì có chọn chủ bao giờ. Bà chị ơi, bà chị có thương
chúng em là loài súc vật thì mách đường đi đến nhà ông Thuyết ấy”. Chị Thục
bảo: “Đi thì đi. Cách đây dăm nhà chứ mấy”. Anh Bường đi theo chị Thục, lát sau
về bảo: “Mai quân ta kéo vào Tạ Khoang”. Chị Thục bảo: “Em chịu bác Bường, bác
nhũn thật đấy. Anh Chỉnh này, có ai công xẻ gỗ rừng lại đi tính như công thợ
mộc mướp của nông trường không? Thợ nông trường còn có gạo cấp, các bác là dân
tự do lấy gì mà ăn?” Anh Bường bảo: “Bí kế phải nhận thôi, tôi cũng chẳng nhũn
gì đâu. Kéo cưa lừa xẻ mà...”. Chị Thục bảo: “Dân khu Bốn ghê thật. Gì thì gì,
cái đất cằn nó làm ti tiện con người dến sợ. Ngồi nói chuyện, chủ nhà không mời
được hớp nước nóng”. Anh Chỉnh bảo: “Cô thành kiến lắm. Người ta chỉ xét gốc
tích quê quán của bọn người thường, ở bậc cao nhân điều ấy có quan trọng gì”.
Chị Thục cười nhạt: “Ông Thuyết là cao nhân
chắc?”. Anh Chỉnh bảo: “Gì thì gì, đã làm đến phó giám đốc nông trường thì đừng
có bỉ người ta”. Chị Thục bảo. “Vâng, anh thì lấy lễ làm trọng”. Anh Bường bảo:
“Tay ấy cũng cao nhân đấy, bà chị ạ. Hắn nói chuyện với mình hệt như nói với
thằng Không, thế là hắn cũng đắc đạo. Hắn có cho em cãi hắn một câu nào đâu?”
Chị Thục phì cười: “Đạo gì mà đạo lạ thế?” Anh Bường bảo: “Nước ta lắm dạo lắm.
Trong miền Nam có đạo thờ cả ông Quan Công, lẫn ông Victo Huygô thì mới quái
dị”. Chị Thục bảo. “Thế thì tôi biết ông Thuyết thờ đạo gì rồi”. Anh Bường cười
tủm: “Em cũng biết”.
Sáng hôm sau, chúng tôi dậy sớm nấu cơm ăn rồi
đi gặp ông Thuyết, Chị Thục bảo: “Tôi thấy các bác nấu canh suông, cầm lấy gói
mì chính mang đi chế vào cho nó có chất”. Anh Bường giãy nảy không nhận. Chị
Thục bảo: “Các bác khinh vợ chồng em, lần sau đừng có qua đây nhé”. Anh Bường
phảỉ nhận. Anh Bường bảo: “Chúng em cám ơn”. Rồi thở dài: “Nghĩa này phải trả
đây”. Anh Chỉnh cười: “Bố thợ xẻ. này khó chơi thật. Bố cứ kỹ tính thế thì
chóng già đấy”.
Chúng tôi gặp ông Thuyết ở đầu ngõ. Tôi rùng
mình vì trông thấy khuôn mặt ông ta: mặt đen mà tái như da ở bìu dái, lông mày
rậm, răng vẩu mà vàng như răng chó. Ông Thuyết bảo: “Đi bộ mất mấy cây số”. Nói
xong đi liền, suốt chặng đường chẳng nói năng gì.
Cây gỗ chò chỉ bị bão đánh bật gốc nằm vắt ngang
suối cạn, dài phải đến ba mươi mét, vòng gốc phải bốn người ôm mới xuể. Ông
Thuyết bảo: “Chơi được không?” Anh Bường bảo: “Ghê cả răng”. Ông Thuyết có vẻ
khó chịu. Anh Bường bảo: “Chỗ này xa nhà nhỉ”. Ông Thuyết bảo: tới đây chỉ có
gấu với khỉ thôi. Các bác làm lều mà ở. Chiều tôi cho người mang chăn chiếu
đến. Tự túc, tự cường, làm việc thật lực nhé. Kích cỡ phân khối tôi ghi cả
trong tờ giấy này”. Ông Thuyết đưa cho anh Bường một tờ giấy kín đặc chữ. Anh
Bường cầm lấy đưa cho tôi. Anh Bường bảo: “Thưa bác, nhỡ chúng em bị chó sói ăn
thịt thì sao?” ông Thuyết bảo: “Không có chó sói đâu. Ở đây chỉ sợ rắn thôi.
Các bác phải cẩn thận loại rắn màu xanh lục, nó đớp một phát là toi đời đấy”.
Anh Bường cười nhạt: “Cám ơn bác chỉ bảo. Thế mấy ngày bác cho đưa thức ăn một
lần?”. Ông Thuyết bảo: “Cũng còn tùy, nhưng cứ yên tâm, tôi sẽ cung cấp đều.
Tôi về nhé!” Anh Bường bảo: “Bác lại nhà. Cho em gửi lời cám ơn bác gái với các
cháu”.
Ông Thuyết đi, còn lại trơ trọi năm người chúng
tôi giữa cánh rừng hoang. Anh Bường chửi: “Tiên sư đời, khốn nạn chưa! Các con
ơi các con, các con đã biết đời là gì chưa?” Tôi bảo: “ Cái ông Thuyết trông
kinh nhỉ”. Anh Bường bảo: “Làm việc đi chúng mày! Thằng Biên thằng Biền chuẩn
bị cưa! Tao với thằng Ngọc làm lán. Dĩnh ơi, mày đi xung quanh đây xem chỗ nào
có nước không?”
Chúng tôi bắt tay vào việc. Anh Bường chặt tre,
đánh gianh, loáng cái là xong. Biên và Biền cưa khúc ngọn trước, xẻ ra mấy tấm
ván làm phản nằm. Đến chập tối thì xong mọi việc. Cu Dĩnh đang nấu cơm thì thấy
một cô gái gánh đồ lúng củng đến. Cô gái xưng tên là Quy, mười bảy tuổi, là con
gái đầu của ông Thuyết. Quy trắng hồng, khuôn mặt trông rất dễ ưa. Anh Bường
bảo: “Em ơi, bà chúa của anh ơi, em mang những gì cho các anh đấy”. Quy bảo:
“Thưa bác, bố cháu bảo mang cho các bác hai cái chăn bông, năm cân thịt lợn,
một chai nước mắm với hai chục cân gạo”. Anh Bường bảo: “Được rồi. Thế có mang
cho các anh cái đèn không?” Quy bảo: “Thôi chết, cháu quên mất. Cháu tưởng các
bác ở giữa rừng thì cần gì đèn.” Anh Bường bảo: “Sống dầu đèn, chết kèn trống.
Tưởng gì mà tưởng lạ thế”. Quy bảo: “Thôi được, ngày mai cháu lại vào, cháu về
đây”. Anh Bường bảo: “Sao lại về? Ngủ đây với các anh. Anh bảo thằng Ngọc kể
chuyện trinh thám cho mà nghe”. Quy bảo: “Phải gió! Cháu về đây Trời sắp tối
rồi”. Anh Bường bảo: “Ngọc! Tiễn cô bé một đoạn”.
Tôi đi theo cô gái. Tôi hỏi: “Em tên là Quy à?
Tên hay nhỉ?” Quy cười: “Có gì đâu mà hay? Con gái tên là Quy vất vả lắm. Có
người bảo em có cái tên rất chi là a dua”. Tôi bảo: “Cái tên ấy kể cũng lạ.
Hình như cũng là một thứ thần trùng. Hồi tôi học đại học, những cô nào tên Quy
đều nhạt thếch và bạc bẽo”. Quy ngạc nhiên: “Anh học đại học, sao còn đi làm
thợ xẻ?” Tôí cười, học lối nói của anh Bường, tôi bảo: “Đấy là vì tình đấy, em
ạ. Tình bao giờ cũng lung tung. Người ta chỉ xót nó khi nó buột khỏi tay thôi”.
Quy bảo: “Anh nói hay nhỉ? Em chẳng hiểu gì”. Tôi bảo: “Em chẳng hiểu gì đâu”.
Trong lòng tôi một nỗi căm giận vô cớ bỗng dưng vụt đến, khiến tôi đắng khô
miệng lại. Tôi rít khe khẽ: “Chỉ có một anh thôi, còn lại là chúng nó”. Quy
ngạc nhiên, hốt hoảng. Chúng tôi chia tay nhau như người dưng. Mà người dưng
thật! Người dưng ơi người dưng, một triệu người tôi gặp trong đời có ai là máu
của máu tôi? Là thịt của thịt tôi? Có aị sẽ sống vì tôi và chết vì tôi? Có ai không?
Có ai là hoàng đế của tôi? Cũng là thần tử của tôi? Ai là tâm phúc với tôi? Là
hy vọng của tôi? Cũng là địa ngục của tôi?
Tôi quay lại lán. Cả bọn ăn cơm thầm trong bóng
tối. Anh Bường hỏi tôi: “Thế nào? Mày có hôn con gái tay Thuyết được cái nào
không mà mặt mày u ám như mặt khỉ ấy?” Tôi cáu: “Anh đừng đùa kiểu ấy”. Anh
Bường bảo: “Thôi ông trí thức con ơi, các ông cứ đâu đâu về mặt đạo đức, điều
ấy chỉ có lợi cho chính trị thôi, còn đàn bà thì không có lợi gì cả”. Tôi ăn
cơm mà thấy miếng cơm nhạt thếch. Tôi cắn tan cả một hòn sỏi trong miệng. Có gì
đâu, hồi học đại học, tôi đã từng yêu và chịu đau đớn. Tôi sẽ kể lại việc này ở
một đoạn khác. Ban đêm, sương xuống lạnh chúng tôi đốt một đống lửa rồi chui
vào chăn nằm. Nửa đêm, có một con hoẵng tác rất thảm thiết ở bên kia núi, tôi
không sao ngủ được. Anh Bường thức dậy bảo: “Này công tử bột, nhớ nhà hả?” Tôi
bảo: “Không. Con hoẵng nó kêu thương quá. Nó lạc mẹ hay sao hả anh?” Anh Bường
bảo: “Mày không nên đa cảm như thế. Cuộc đời còn cực nhọc lắm con ạ. Chúng ta
phải làm kiệt sức để kiêm miếng ăn, đa cảm làm yếu người đi. Ngày mai khối
lượng công việc rất nặng. Mày mất ngủ vì một tiếng hoẵng kêu, điều ấy có hại vô
cùng. Tao đưa mày lên rừng làm việc chứ không phải để mày tu dưỡng”. Tôi thở
dài: “Hoẵng nó kêu suốt đêm... Bao giờ nó sẽ gặp mẹ... Anh cứ ngủ đi. Anh kệ
em! Ngày mai em không làm mất việc đâu”. Anh Bường cáu: “Thằng khỉ ạ, những
nhạy cảm vô lối sẽ làm tan nát cuộc đời mày mất thôi. Làm gì có chuyện hoẵng đi
tìm mẹ? Con ơi, đấy là một con hoẵng cái trụy lạc, nó đi tìm hoẵng đực. Vô phúc
cho nó, vớ được một con hoẵng đực Sở Khanh. Con hoẵng đực này chơi bời nhiều
quá. Hoẵng cái bị đổ bệnh. Đơn giản là như thế”.
Mãi mãi là như thế. Tất cả những tiếng kêu trong
đêm đều là tiếng kêu bệnh hoạn của dục vọng suy đồi. Tình mẫu tử không bao giờ
gào toáng lên thế. Tình mẫu tử là thứ nước màt chảy ngược vào lòng, nó bào tan
nát ruột gan ra, hoặc nó biến thành máu để bắt cơ thể làm việc, buộc phải đẻ ra
một sản phẩm vật chất cụ thể thiết thực, không hề phù phiếm”.
Tôi ngủ thiếp đi trong những chập chờn mộng mị.
Tôi biết anh Bường không có khả năng lý giải gì về sự sống. Mà nói chung, không
ai lý giải được gì về nó, cái sự sống vô cùng vô tận ấy. Hễ tối tăm và đói kém
là nó sẽ tác ầm lên.
Sáng hôm sau, cơm nước xong là chúng tôi vào
việc. Biên với Biền một cặp. Tôi với anh Bường một cặp. Chúng tôi dùng cưa
ngang cắt cây gỗ ra từng đoạn ngắn dài theo kích cỡ ông Thuyết định sẵn. Chò
chỉ là loại gỗ rất cứng và giòn, cưa ngang thì dễ, xẻ dọc thì thật cực nhọc.
Thân gỗ to, chúng tôi phải xẻ theo lối Thanh Hóa, tức là cứ để khúc gỗ ngang
dưới đất mà xẻ chứ không kê kích gì cả. Không hiểu cây chò chỉ này ra sao mà
nhựa gỗ rất cay, cả bốn chúng tôi ai cũng nước mãt nước mũi giàn giụa. Anh
Bường bảo: “Loại gỗ này vua Thủy Tề dùng làm nhà dưới nước, khó nhằn lắm. Mẹ
khỉ, kiếp trước lũ chúng ta nợ thằng cha Thuyết một vạn quan đây”.
Theo giấy tờ ông Thuyết ghi sẵn, chúng tôi phải
xẻ cái cột nhà 40x40x320, đấy là chưa kể các cây quá giang với vì kèo. Anh
Bường bảo: “Lão Thuyết này làm nhà kiểu gì mà lắm cột cái thế không biết? Hay
là nhà sàn?” Buổi trưa có một anh công nhân nông trường đi kiếm củi qua chỗ
chúng tôi. Anh Bường níu lại nói chuyện. Anh Bường phàn nàn phải xẻ 36 cái cột
nhà to tướng, anh công nhân cười: “Nhà năm gian trên này chỉ đến 12 cái cột là
hết mức. Tay Thuyết này ranh lắm, chắc chắn hắn xẻ để bán cho cánh lái xe dưới
xuôi đây mà. Họ thích cột nhà bằng gỗ chò chỉ lắm”. Anh Bường bảo: “Ông anh
này, phiền bác dụ cánh lái xe vào đây, bọn này sẽ bán trực tiếp, không cho tay
Thuyết biết, có được không?” Anh công nhân bảo: “Được. nhưng có mầu không? “
Anh Bường bảo: “Dứt khoát chứ? Bác tên là gì? Em tên là Đặng Xuân Bường”. Anh
công nhân bảo: “Tôi tên là Trần Quang Hạnh”. Anh Bường bảo: “Bác có cái tên đẹp
thật. Đừng làm xấu cái tên nhé”. Anh công nhân cười: “Được rồi, bốn hôm nữa sẽ
có ô tô vào đấy”.
Suốt ngày hôm ấy, chúng tôi chờ mãi nhưng không
thấy Quy đến. Anh Bường bảo: “Con ranh con, lại nói dối rồi. Đàn bà ấy, chúng
mày ạ, không nên bao giờ đặt lòng tin vào chúng. Chúng tàn bạo trong chính sự
ngây thơ trong trắng của chúng. Chúng gây ra cho ngưti ta hy vọng, ham muốn,
chờ dợi; rất cuộc, ta cứ mòn mỏi đi cho đến khi nhắm mắt xuôi tay”
Hôm sau nữa thì Quy đến. Cô mang cho chúng tôi
hai cái bắp cải với cây đèn dầu. Quy bảo: “Eo ôi, các bác làm nhanh nhỉ. Được
bao nhiêu là gỗ rồi. Mai cháu phải bảo bố cháu vào xem mới được”. Anh Bường
bảo: “Đừng bảo ông cụ vào, bọn anh chỉ mê em thôi. Ông cụ vào là bọn anh lãn
công đấy. Lao động chân tay, em ạ, không thể lấy chính trị động viên được, chỉ
lấy tiền và gái thôi, đấy mới là thuốc bổ chứ. Chủ nghĩa tư bản nó có cái đểu
là lấy tiền và gái để bóc lột giá trị thặng dư, nó làm cho các bác vô sản nhà
ta mất hết của cải và tinh lực. Đả đảo chủ nghĩa tư bản thối nát”.
Trước khi Quy về, anh Bường bảo: “Ngọc ơi, mày
lấy giấy bút ra biên cho tao cái thư. Em Quy ra bưu điện gửi cho anh nhé”. Quy
bảo: “Bác cứ viết thư đi”.
Anh Bường đọc để cho tôi chép. Thư như sau:
"Rừng Tây Bắc ngày... tháng... năm...
Kính nhớ gửi ông Hai Dung (tức là bố của Biên và
Biền), bác cả Điều (tức là bố tôi, mẹ cu Dĩnh (tức là vợ anh Bường).
Tôi là Bường, thay mặ anh em thợ xẻ báo tin đã
có việc làm, công trả khá, mọí người đều khoẻ. Đồng bào miền núi ai cũng tốt,
người ta đều giúp đỡ chúng tôi hết lòng hết sức. Tuần sau tôi sẽ gửi tiền về mẹ
cu Dĩnh chia cho nhà chú Biên, chít Biền ba phần, nhà bác cả Điều một phần, còn
giữ lại nhà ta một phần. Thuốc thang cho ông cụ tùng tiệm thôi, bệnh già thì
chẳng gì chữa được , cốt là cho mấy đứa trẻ có áo mặc, đừng chết đói. Tôi chỉ
thương mấy mẹ con không có cái nhà tử tế mà ở nên quyết tâm xông pha lặn lội
trên rừng. Nhờ giời có phương hướng đúng, chỉ hai năm là nên danh giá. Tôi xin
mẹ cu Dĩnh giữ trọn chữ hiếu, chữ tình, còn mọi thứ ở đời đều phù vân cả. Giấy
vắn tình dài.
Ký tên: Đặng Xuân Bường"
Quy bảo: “Bác Bường viết thư hay nhỉ”. Anh Bường
cười khà: “Cũng là trò mị dân thôi, cô em ơi. Tráng sĩ xa nhà, cốt nhất cái hậu
phương phải ổn định”. Chúng tôi giữ Quy lại ăn cơm nhưng Quy không nghe. Anh
Bường bảo: “Phiền cô em vất vả quá. Em ngồi đây, anh bảo chúng nó vật nhau mua
vui cho mà xem”.
Anh Bường bảo chúng tôi cởi quần áo ra rồi làm
bốn cái thăm bằng giấy, người nào bốc phải thăm có dấu cộng thì phải vào xới
vật nhau. Tôi và Biền bốc phải thăm có dấu cộng. Anh Bường cười khà: “Hay quá,
tao chỉ sợ thằng Biên, thằng Biền bốc phải thăm, hai anh em sinh đôi vật nhau
thì chẳng khác “Củi đậu đun hạt đậu, hạt đậu khóc hu hu, cùng sinh ra một gốc,
thui nhau nỡ thế ru? 1. Bây giờ bắt đầu vào cuộc, thằng nào thắng
chiều nay được nghỉ”.
Tôi với Biền vào xới. Biền ít tuổi nhưng to con
hơn tôi, hắn nặng những 62 cân. Tôi và Biền đều học thầy Hai Dung nên các ngón
nghề đều chẳng lạ gì nhau. Biền tính rất cục, hắn đã cáu lên thì bất chấp, anh
em họ hàng hắn cũng chẳng nể. Tôi biết vậy nên bước vào xới tôi phải tươi cười
như hoa như nụ, đi những miếng nhẹ nhàng để đẩy hắn vào thế không chơi ác được.
Hai chúng tôi vờn nhau độ ba phút tôi đã dụ Biền theo nhịp những miếng trò hào
hoa vô thưởng vô phạt của tôi. Tôi giơ chân, Biền cũng giơ chân. Tôi giơ tay,
Biền cũng giơ tay. Anh Bường, Quy, Biên và cu Dĩnh vỗ tay hò hét rầm lên. Tôi
bổ miếng thượng, Biền cũng bổ miếng thượng. Tôi bổ miếng hạ, Biền cũng bổ miếng
hạ. Tôi nghĩ thầm: “Số thằng này, trời bắt ăn đất, không phải lỗi ở mình”. Tôi
phục xuống, vận nội công bất thần hai tay tóm lấy cổ chân Biền ngay chỗ mắt cá,
vừa bóp vừa tuốt thẳng lên quá đỉnh đầu. Biền bị đau, lại mất thế, ngã oạch một
cái. Tôi sấn vào, gịân đầu gối vào chỗ bọng đái, lấy cùi tay chặn ngay cổ Biền
khiến hắn không thở được nữa. Mọi người vỗ tay rầm lên. Biền ngồi dậy, lắc đầu:
“Ông trẻ đểu thật, tưởng chơi đùa hóa ra chơi thật”. Tôi cười, vỗ vai Biền:
“Mình xin lỗi, miếng này ông cụ dạy thêm nên Biền không biết đấy thôi”.
Quy có vẻ thích, hai má đỏ lựng. Anh Bường bảo:
“Bây giờ đến lượt anh”. Anh Bường nhảy ra bãi cỏ, đi bài Xà quyền là một bài võ
nổi tiếng trong môn phái võ Vịnh Xuân, vừa đẹp mắt, lại biến hóa khôn lường.
Chúng tôi nhìn, ai nấy đều nín thở, thót tim lại vì căng thẳng. Tôi đã thấy
nhiều người múa quyền nhưng ít thấy ai chuyên tâm vào bài quyền như vậy. Chúng
tôi như bị hút hồn. Chỉ đến khi anh Bường dừng tay bái tổ, cả mấy anh em chúng
tôi rnới thở phào nhẹ nhõm. Chiều hôm ấy trời nắng chang chang. Tôi hỏi anh
Bường: “Em tự do chứ?” Anh Bường dứt khoát: “Không”. Tôi bảo: “Thằng nào được
vật thì nghỉ cơ mà?” Anh Bường kéo tôi ra góc để Biên và Biền khỏi nghe thấy.
Anh Bường bảo: “Tao nói cho mày biết, mày bỏ cái trò lưu manh ấy đi. Mày dụ
thằng Biền chơi giả để hạ nó thật. Lối vật của mày là lối vật của quân trí
thức, mày bịp con Quy thì được chứ không bịp được tao đâu”. Tôi cười: “Anh biết
không: người cách mạng chỉ chú tâm vào mục đích cuối cùng mà thôi”. Anh Bường
bảo: “Đừng có bẫy tao vào chính trị tư tưởng, mày đểu lắm”. Tôi bảo: “Anh còn
lạ gì thằng Biền nó khỏe thế, nó bẻ gãy tay tôi anh có thương không?” Anh Bường
bảo: “Bản chất của mày là một thằng trí thức lưu manh chính trị. Tởm lắm! Cút
mẹ mày đi. Tôi bảo: “Anh là một thằng tù hình sự, một tên lưu manh “gin”, tại
sao anh không chịu nổi tôi?” Anh Bường nhổ nước bọt vào mặt tôi. Anh bảo: “Mày
tự do. Nếu cần, sáng sớm mai tao đi vay tiền cho mày về xuôi”.
Tôi nằm úp mặt xuống bãi cỏ. Gió thổi một lúc
làm khô bãi nước bọt trên mặt tôi. Bàn tay tôi sạn chai và rớm máu, bàn chân
tôi nứt nẻ. Suốt một tuần nay tôi không tắm giặt, da thịt tôi bẩn thỉu, ngứa
ngáy. Tôi bỗng thấy thương xót mình ghê gớm. Một nỗi thương xót khủng khiếp bóp
nghẹt tim tôi. Tôi hộc lên như chó. Tôi lăn lộn trong đám cỏ gianh, đá nhọn và
gai góc. Tôi nhắm mắt lại để cố hình dung khuôn mặt cô gái tôi đã từng yêu.
Nàng bé nhỏ, mặt tròn, lông mày rậm, có một nốt
ruồi sau cổ cách tai phải chừng bốn phân. Tất cả đường nét trên khuôn mặt nàng
đều khá rõ ràng: đôi môi, cánh mũi, cả những đường viền... Nàng không hiểu tôi
có thể mang lại cho nàng điều gì đó hơn cả tình yêu (làm gì có tình yêu?) Nàng
dã đánh mất đi sự kính trọng và thương xót trong tôi. Mãi mãi. Vĩnh viễn. Không
gì cứu chuộc được. Tôi chỉ căm giận, căm giận những phù vân trong toàn bộ hoàn
cảnh sống của thời dại tôi. Những giáo điều đạo đức bao giờ cũng giản dị, ngây
ngô, buồn cười, sơ lược, thậm chí còn đểu giả nữa. ác nhất là những giáo điều
ấy đúng. Bởi nó cần. Nó là sợi xích tròng cổ để giữ hình ảnh tương đối về mỗi
chúng ta. Nếu không sẽ là hủy diệt...
Tôi đi vào rừng tìm nước tắm. Suối cạn khô.
Những cánh bướm trắng lả tả, chập chờn trong hộc đá. Ngược suối mãi, tôi mới
tìm được một mó nước khả dĩ tắm được. Tôi cởi trần truồng, đầm mình trong vũng
nước giống như trâu đầm. Nước xanh lè, hơi nhơn nhớt vì đáy nước nhiều lá mục
quá. Tôi không dám tắm lâu vì sợ ốm, sợ ngã nước. Hai mươi mốt tuổi đầu mà chết
thì thật phí đời. Cần phải sống, cho dù cuộc sống ngàn lần khốn nạn, đầy rẫy
xấu xa cũng như cực nhọc.
Tôi quay trở về lán xẻ. Anh Bường kê chéo khúc
gỗ đang cùng cu Dĩnh kéo cưa. Anh Bường đứng trên cao, còn cu Dĩnh ngồi phệt
xuống đất. Thằng bé rán sức, mồ hôi mồ kê đầy trên lưng trông rất tội nghiệp.
Tôi đến gần cu Dĩnh, lẳng lặng cầm lấy tay cưa. Tôi và anh Bường không nói năng
gì, cứ thế lầm lụi xẻ hết khúc gỗ này đến khúc gỗ kia đến tận tối mịt.
Sắp sửa nghỉ, lúc ấy tôi đứng dưới đất, dé chân
chèo, tôi chuẩn bị dừng cưa thì “xoẹt” một cái, tay cưa chạm sát ngực tôi. Tôi
kêu một tiếng thảm thiết rồi ngã lăn ra. Không biết vô tình hay hữu ý, anh
Bường đã để lưỡi cưa bật thia lia qua mạch gỗ, bập vào đầu ngón chân tôi. Chỗ
khớp ở đầu ngón chân trái của tôi trồi ra một đoạn đầu xương trắng nhởn. Máu
xối ra ướt đẫm. Tôi đau đến nỗi cơ hàm của tôi ríu lại, giật liên hồi như thể
động kinh, mồ hôi rịn ra đầy mặt, trong khi đó toàn thân tôi lạnh toát. Tôi lăn
lộn trên đất. Biên và Biền phải nằm đè lên, áp người tôi xuống đất. Anh Bường
tái mặt đi, dùng một sợi dây cao su buộc ga-rô giữa bàn chân tôi để cầm máu.
Anh Bường rối rít gọi cu Dĩnh lấy nước nóng hòa muối để rửa vết thương cho tôi.
Tôi tê dại vì đau đớn. Hai hàm răng lập cập, mặc dầu tôi đã gắng sức nhưng
không thể khép hàm lại được. Mãi đến nửa đêm tôi mới thiếp đi có lẽ vì tôi hoàn
toàn kiệt sức. Tôi sốt miên man ba ngày liền, chân sưng tấy lên. Vết thương
thật kinh khủng: lưỡi cưa phạt mất hai phần ba ngón chân, lủng là lủng lẳng.
Phần thịt ở đầu ngón chân đen lại, chắc bị thối. Anh Bường đập nhỏ những viên
tétraxyclin rắc lên vết thương, mặc dù tôi rửa nước muối nhưng chỗ khe nứt vẫn
có mủ trắng.
Buổi chiều, anh công nhân nông trường tên là
Trần Quang Hạnh dẫn vào một xe “Zin” bốn tấn. Anh Bường bán phắt mười hai cái
cột nhà với cả mấy hộp gỗ to dài 2m20, dày 8 phân, rộng 60 phân. Lái xe trả
tiền sòng phẳng. Anh Bường chia cho người dẫn mối hai chục nghìn. Anh Bường
bảo: “Bác Hạnh ạ, bác phải đổi tên là Trần Đức Hạnh”.
Anh Chỉnh và chị Thục đi lấy củi qua chỗ chúng
tôi. Thấy chân tôi sưng to, chị Thục rất thương xót. Chị Thục chỉ tay vào mặt
anh Bường mắng: “Bác thật dã man, chân nó thế này mà không chạy chữa gì à?” Anh
Bường cúi mặt, thút thít khóc: “Bà chị bảo em làm gì được?”
Anh Chỉnh xem xét vết thương của tôi. Anh Chỉnh
bảo: “Phải cắt phần đầu ngón chân bị thối. Để lâu sẽ hoại thư, chết người! Khổ
quá, tôi không mang dụng cụ y tế đi theo”.
Anh Bường lau nước mắt hỏi: “Chặt bằng dao rựa
được không?”. Anh Chỉnh bảo: “Được. Nhưng còn thuốc men thì sao?” Chị Thục bảo:
“Để tôi về lấy” Nói rồi xăng xái ra đi. Anh Chỉnh bảo: “Em lấy cái túi treo ở
trên tường. Mang cả bộ kim tiêm nhé”. Anh Bường bảo: “Dĩnh! Đi với cô Thục”.
Anh Chỉnh sai Biền đun nước nóng luộc dao rồi
rửa vết thương cho tôi. Anh Chỉnh bảo: “Các bố thợ xẻ liều thật. Coi mạng người
như mạng muỗi”.
Khoảng một tiếng sau chị Thục với cu Dĩnh về.
Chị Thục xách theo một con gà mái ở nhà, bắt Biên và Biền đi làm thịt nấu cháo
cho tôi ăn. Anh Bường bảo tôi ngồi kê chân lên một súc gỗ Anh Bường bảo: “Bình
tĩnh nhé, bây giờ chặt chân đấy”. Lại bảo: “Bác Chỉnh cầm hộ em con dao, đặt
vào đây. Em lấy chầy táng cho một phát, đứt ngay”. Chị Thục ôm mặt: “Khiếp! Tôi
sợ quá”. Anh Chỉnh cười: “Trong đời bác sỹ của tôi, hành nghề thế này thì đây
là lần thứ nhất”.
Anh Chỉnh đặt dao vào chỗ dầu ngón chân tôi.
“Uỵch” một phát, chưa chi anh Bường đã lấy chầy nện xuống sống dao. Tôi bật
người lên vì đau quá. Anh Chỉnh bảo: “Chưa chi đã chặt, lưỡi dao đã khớp đâu
nào?” Tôi bảo: “Thôi thôi, đau lắm, chặt nữa thì chết chân tôi”. Chị Thục giằng
lấy chầy trong tay anh Bường: “Cút đi! Định giết người ta hay sao?” Chị Thục
bảo anh Chỉnh: “Bao giờ được, anh bảo em”. Anh Chỉnh bảo: “Được rồi đấy! Chặt
đi” Chị Thục vung chầy: “khự” một cái, chỗ thịt thối ở đầu ngón chân tôi văng
ra. Tôi cắn chặt răng vào bàn tay, hoa mắt đi...
Anh Chỉnh tiêm thuốc, băng chân lại cho tôi Anh
Chỉnh bảo: “Tốt rồi, khoảng vài ngày là ổn”. Anh Bường cầm mẩu thịt thối ở đầu
ngón chân tôi ném vào đống lửa. Anh Bường bảo: “Tôi chỉ ước toàn bộ chất lưu
manh trong con người nó cũng cháy như cục thịt này”.
Chị Thục bón cháo cho tôi, sau lại lấy cả một
con sâm Triều Tiên trong túi thuốc của anh Chỉnh đưa cho tôi ngậm. Anh Bường
bảo: “Thằng Ngọc sướng nhé. Đời tao chưa bao giờ được ai hầu hạ săn sóc tận tụy
thế này”. Chị Thục bảo: “Đưa chân đây, tôi chém cho một nhát rồi tôi săn sóc
cho”. Anh Chỉnh cười: “Vợ tôi ở nhà thì kèn kẹt, nhưng ra thiên hạ thì xởi lởi
hào phóng lắm anh ạ”. Anh Bường bảo: “Đàn bà lạ lắm. Cái gì thuộc về họ thì họ
hành hạ đến nơi đến chốn, họ chỉ quý thứ tình gió đưa thôi. Bởi vậy, sống ở
đời, khốn nạn nhất là thằng đàn ông nào trở thành vật sở hữu của đàn bà”. Anh
Chỉnh bảo: “Ừ, có thế thật”. Chị Thục bảo: “Thế thì anh sống với tôi làm gì?
Hay là ly dị?” Anh Chỉnh cười: “Lại tự ái rồi”.
Anh Chỉnh với chị Thục định về. Anh Bường bảo
Biên và Biền xếp lên xe ba gác của anh Chỉnh hai hộp gỗ. Anh Bường bảo: “Chúng
em biếu hai bác bộ phản mang về nằm. Của thiên hạ, mình là người tốt không được
hưởng, để bọn người xấu nó hưởng thì xót xa lắm. Chị Thục nhất định không nhận.
Chị Thục bảo: “Không được đâu! Gỗ này thuộc quyền sở hữu của ông Thuyết rồi”.
Anh Bường bảo: “Hôm qua chúng em đã bán cho cánh lái xe một nửa. Sợ gì đời!”
Anh Chỉnh cười: “Các bố thợ xẻ liều thật, bán giời không văn tự. Tay Thuyết nó
hạch thì sao?” Anh Bường bảo: “Các bác yên tâm. Chúng em có cách. Tay Thuyết nó
trả công rẻ như thế, chúng em không lừa xẻ mà chỉ kéo cưa thì sống làm sao? Chị
Thục bảo: “Gì thì gì, tôi không nhận đâu”. Anh Bường gọi Biên, Biền và cu Dĩnh
đến: “Tất cả chúng mày quỳ xuống lạy hai bác đây bốn lạy. Hai bác không nhận
thì tất cả đập đầu vào đá tự tủ cho tao. Người ta không coi chúng mình là người
nữa đâu”. Cả mấy anh em thợ xẻ quỳ xuống chắp tay. Cả cu Dĩnh cũng quỳ xuống,
mặt úp xuống đất. Chị Thục khóc: “Thôi thôi, các bác làm gì lạ thế. Tôi xin
nhận một hộp gỗ vậy”. Anh Bường sướng lắm, cầm tay chị Thục lắc lấy lắc để:
“Thế là bà chị thông cảm cho chúng em rồi. Bà chị không coi chúng em là súc
vật! Chúng em phận hèn, của cải chẳng có, chúng em mắc nợ nghĩa tình thì khốn
nạn lắm!”.
Biên, Biền đẩy xe đưa tiễn anh Chỉnh với chị
Thục đến tận cửa rừng.
Mấy hôm sau, chân tôi đỡ hẳn, lại xẻ được gỗ, anh
Bường mừng lắm. Anh Bường bảo: “Hôm nay tay Thuyết vào đây, hứa sẽ khao quân.
Đời lại tươi rồi”.
Chiều hôm ấy ông Thuyết và Quy vào. Tưởng khao
quân có gì hóa ra chỉ có hai bao thuốc lá với cân mắm tôm. Ông Thuyết bảo: “Đây
là mắm xuất khẩu, ông bạn tôi ở ngoại thương Hải phòng mang lên”. Anh Bường
bảo: “Em biết rồi. mắm tôm này xuất sang Nhật Bản chứ gì?” ông Thuyết bảo:
“Không biết, nhưng dân châu âu nghiện mắm tôm nước ta lắm”.
Ông Thuyết xem xét cây gỗ, phàn nàn: “Tôi tưởng
cây chò chỉ này xẻ ra phải được vài khối, hóa ra cũng ít nhỉ?” Anh Bường bảo:
“Bác tính, một nửa cây gỗ rỗng ruột, được thế là khá đấy. Bác làm nhà, bác phải
hạ thêm ít nhất hai cây nữa”. Ông Thuyết bảo: “Tôi tính rồi, cây gỗ này chỉ làm
cột với quá giang thôi, vì kèo với cầu phong, li-tô phải hạ thêm cây dâu nữa.
Tôi cũng mụốn xẻ ít ván, nhưng cạn tiền quá”. Anh Bường bảo: “Bác gắng lên là
được”. Ông Thuyết bảo: “Xẻ xong cây gỗ này thì xẻ tiếp cho tôi cây dâu. Cây dâu
này mọc hơi cheo leo. Lại ở xa nữa. Anh Bường bảo: “Tiền làm được hết”. Ông
Thuyết bảo: “Cây dâu này có hai chủ, tôi chỉ ké vào thôi. Chủ chính là ông
Sông, người Thái ở bản Vược. Sáng mai ông ấy vào đấy”. Ông Thuyết lấy giấy bút
ra tính toán rồi bảo:
“Bây giờ tôi thanh toán tiền công. Theo thỏa
thuận, xẻ cây gỗ này tôi phải cấp 50 cân gạo, 10 cân thịt với từng này... từng
này... tiền. Thế nhưng các bác xẻ không đủ số lượng, tôi trừ từng này... từng
này... tiền. Hai cái ruột chăn bông, từng này tiền... các bác cần thì tôi bán
lại”. Anh Bường bảo: “Như thế là bác chỉ trả một phần ba số tiền thỏa thuận
thôi à?” Ông Thuyết bảo: “Đáng ra tôi còn phải trừ cả một hộp gỗ các bác tự
tiện bán cho nhà Thục, nhưng vì cô ấy tự giác mang trả lại cho tôi nên thôi”.
Anh Bường bảo: “Hộp gỗ ấy tôi không bán, tôi biếu người ta đấy. Bác làm như thế
là nghĩa lí gì?” Ông Thuyết bảo: “Bác làm như gỗ của mình không bằng. Đáng ra
tôi còn sai tự vệ nông trường bắt giam nhà Thục vì xâm phạm quyền sở hữu cá
nhân của tôi”. Anh Bường bảo: “Thôi. Vợ chồng cô Thục không có lỗi gì ở đấy Bây
giờ bác tính tiền đi. Bác không trả tiền như tôi thỏa thuận, tôi mời bác xơi
nhát dao này. Đùa ai thì đùa, đừng dùa với Đặng Xuân Bường”. Ông Thuyết cười
gằn: “Này, giở thói lưu manh ra đấy phải không? Đất có lề, quê có thói. Lề thói
ở đây không thế đâu nhé. Tôi nói cho biết, tôi chỉ phẩy tay là chú tan xương.
Chú muốn yên ổn hành nghề hay muốn thôi nào?” Anh Bường bảo: “Gớm, hung hăng
nhỉ”. Giữa lúc ấy, đang nắng chang chang, bỗng ở trên cao trong xanh vang lên
một tiếng sấm rền. Tất cả chúng tôi lạnh toát cả người. Ông Thuyết châm điếu
thuốc lá, khẽ mỉm cười: “Chịu chưa?” Anh Bường lắc đầu: “Chịu”. Ông Thuyết bảo:
“Cầm lấy tiền. Sáng mai tôi cho xe vào chuyển gỗ ra đấy”. Ông Thuyết bảo Quy:
“Con về trước đi. Bố còn vào bản Vược, đến nhà bác Sông”. Ông Thuyết với Quy về.
Anh Bường mang tiền ra đếm. Anh Bường bảo: “Theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đợt
xẻ này phải đạt từng này... từng này tiền... Ký với tay Thuyết, hóa ra bọn mình
lỗ 70%. Được cái tao đã linh dộng bán đi mười hai cái cột với bảy hộp gỗ, được
từng này, từng này... tiền. Hóa ra so với chỉ tiêu, bọn mình vượt 220%. Đời xôm
thật! Thế mới gọi là hạch toán kinh tế chứ!”
Anh Bường bảo: “Chiều nay nghỉ ngơi, sáng mai
tao với cu Dĩnh ra bưu điện gửi tiền về quê. Lão Sông với lão Biển gì mà vào,
tao cử thằng Ngọc đứng ra đại diện”. Chúng tôi rủ nhau đi tắm. Anh Bường bảo:
“Tao có việc, đi vắng. Cứ ăn cơm trước đi nhé”. Nói rồi mắt trước mắt sau ra
đi. Tôi thấy điệu bộ anh Bường đáng ngờ nên quyết định không đi tắm nữa, tìm
cách rình xem.
Anh Bường đi rất nhanh về phía nông trường, tôi
thấy anh Bường đi tắt chứ không đi đường thẳng nên càng ngờ tợn. Đến cánh đồng
bông, tôi thấy anh chui vào, một lát sau chui ra, thấy người khác hẳn, trên
người buộc đầy cành lá, mình mặc mỗi chiếc quần đùi. Đến chỗ ngoặt cừa rừng,
anh Bường chui vào một bụi cây rậm không thấy ra nữa. Tôi băn khoăn: “Thằng cha
này giở trò gì vậy?” Bất giác bàn tay tôi xiết chặt lại, linh tính báo rằng tôi
sẽ chứng kiến một việc chẳng lành.
Quả nhiên, lúc sau, từ trong rừng tôi thấy Quy
đi ra. ánh hoàng hôn buổi chiều hắt lên cảnh vật một thứ ánh sáng mờ mờ buồn
không thể tả. Quy cầm một nhành củi, vừa đi vừa đập đập vào những bụi cây ven
đường. Tôi không thích dáng vẻ tự tin vô tư của Quy. Điều ấy ngu xuẩn biết bao.
Phải, ngu xuẩn. Cả cô gái tôi đã từng yêu cũng thế. Nàng cứ tưởng tự tin và tự
do là điều hay hớm cho mình. Trăm lần không, vạn lần không. Với phụ nữ, tự tin
với tự do nghĩa là bất trắc, là hiểm họa, là thiếu thốn, thậm chí còn có khả
năng bất hạnh và điếm nhục. Với riêng tôi, nhân cách của người phụ nữ trước hết
là sự phụ thuộc của nàng đối với chính tôi. Mãi mãi. Vĩnh viễn là như thế. Bởi
tôi là đàn ông, là tôi. Không ai thay thế được. Khi Quy đi qua chỗ anh Bường
nấp thì vụt một cái, anh Bường chồm dậy. Tôi nghe thấy tiếng Quy kêu thất
thanh. Anh Bường bịt miệng, bế thốc cô gái vào trong bụi rậm.
Tôi hiểu ra được tình thế. Một nỗi căm giận
khiến tôi đau đến thót tim. Tôi ngã vật xuống, tắc nghẹn cả cổ. Tôi chồm dậy,
vừa chạy vừa ngã, tôi lao đến chỗ bụi cây. Quy bị lột truồng, hai bắp chân trần
rối rít khua lên trời. Tôi kéo anh Bường ra, đấm thẳng vào khuôn mặt méo xệch
của anh ta. Anh Bường nhận ra tôi, “a” lên một tiếng ngạc nhiên. Chúng tôi lao
vào nhau như hai con thú. Khoảnh đất chúng tôi đánh nhau rất hẹp, xung quanh là
những bụi cây gai. Chúng tôi không thể lùi, không thể tiến, cả hai nắm chặt tay
nhau thủ thế, ở ngoài trông vào chắc buồn cười lắm. Ghìm nhau một lúc, anh
Bường rít lên: “Đồ chó, nếu muốn đánh nhau thì ra ngoài kia, chứ trong bụi gai
thế này, thì làm gì được?” Nói rồi, anh Bường buông tay, tìm cách nhảy ra bãi
trống. Tôi nhảy theo anh. Anh Bường vừa lùi vừa bảo Quy, buồn hẳn: “Con ranh
con, mặc quần vào! Có thích xem đánh nhau thì đứng mà nhìn. Chúng ông đánh nhau
vì mày đấy”. Nói rồi, anh Bường thản nhiên đứng ngoáy lỗ mũi, tựa hồ như việc
chúng tôi đánh nhau là việc tất nhiên, điều ấy hoàn toàn vô nghĩa và không có
giá trị gì.
Thú thực là tôi bối rối. Anh Bường mỉm cười
khuyến khích: “Thế nào? Tiến lên đi chứ, công tử bột! Hãy mang chiến thắng về
nộp dưới chân nàng Đuynxinê ở làng Tôbôdô! “
Tôi điên tiết. Một thoáng tự nhiên tôi nghĩ đến
tình yêu đầu tiên trong cuộc đời tôi. Dù cô gái ấy trăm lần phù phiếm, dối trá
và vô luân, dù sao tôi đã yêu nàng. Tôi biết chắc chắn sau nàng, trong tôi
không còn tình yêu nào khác. Người phụ nữ mà tôi sẽ gặp sẽ chẳng bao giờ khiến
tôi vui sướng hoặc đau đớn nữa. Tôi lao vào người anh Bường với tất cả sự căm
giận và xót xa từ đáy lòng tôi. Chắc hẳn anh Bường không thể ngờ rằng bất giác
tôi lại trở nên hung hãn, tàn nhẫn đến mức ấy. Cú ra đòn của tôi mạnh và độc
đến nỗi nếu như dính đòn, địch thủ sẽ chết hoặc tàn phế suốt đời. Anh Bường hét
lên một tiếng để nhảy tránh đòn. Chúng tôi đánh nhau ác liệt. Tôi vốn theo học
môn phái Thiếu Lâm Hồng Gia, còn anh Bường theo học môn phái Vịnh Xuân. Hồi ở bộ
đội anh Bường cũng có học thêm nhiều môn phái khác, vì vậy cách đánh của anh
biến hớa khôn lường. Tôi luôn luôn dính đòn. Có lẽ anh Bường không muốn hạ ngã
tôi ngay nên cố tình đi chuyển vòng tròn để tôi dần dần giảm bớt sức lực. Gần
tiếng đồng hồ, cả hai chúng tôi mệt lả, phải buông nhau ra.
Đêm buông xuống. ánh trăng rạng rỡ khắp cả núi
rừng. Tôi và anh Bường nằm lăn trên cỏ, thở hồng hộc. Được một lúc, anh Bường
ngồi dậy bảo tôi: “Mày có thấy thậm ngu không, hai thằng đàn ông tự dưng lại đi
đánh nhau vì một con đàn bà. Chẳng ra sao cả”. Anh Bường nói tiếp, giọng lạc
hẳn đi: “Ngọc ơi, mày đừng đau khổ đến thế, mày có biết vì sao cái ấy của phụ
nữ các cụ gọi là cái bướm không? Nó là một thứ có cánh, phấp pha phấp phới. Nó
là lộc của trời. Nó đậu vào chỗ nào thì chỗ ấy được. Có khi người ta phải bắt
nó đấy”. Tôi ngồi dậy, hộc ra một bãi máu lớn. Tôi nói mà giọng run lên: “Anh
khốn nạn lắm, con bé còn ít tuổi”. Anh Bường bảo: “Mày chẳng hiểu gì. Ai lại đi
tính tuổi cho bướm bao giờ. Một bà già hay một cô gái đều hệt như nhau”. Tôi
bảo: Anh đểu cáng và độc ác lắm”. Anh Bường cười nhạt: “Con ơi, thế Giêsu Crit
có đểu cáng và độc ác không? Như Lai có đểu cáng và độc ác không?” Tôi bảo:
“Con người - sự cao cả hình như chính ở giới hạn của nó”. Anh Bường bảo: “Đúng
thế đấy! Mày có thấy khi con Quy bị lột truồng không? Với cách quặp đùi của nó,
nó hoàn toàn cao cả về mặt tinh thần”.
Sương xuống lạnh, chúng tôi lầm lũi đi về lán
xẻt cả hai mặt mày thâm tím. Anh Bường bảo: “Mày đánh ác lắm, đánh vỗ mặt. Như
thế, võ công của mày chưa phải đã cao. Bậc cao thủ đánh nhau kiểu khác. Khi kẻ
địch ra đòn, bậc cao thủ tìm cách hòa kết năng lượng của chính kẻ địch với
mình. Tất nhiên, điều ấy phải được thực hiện bằng các động tác kỹ thuật. Bậc
cao thủ dẫn dắt kẻ địch theo những vòng tròn. Vòng tròn bao giờ cũng là mô hình
tuyệt hảo nhất trong toàn bộ không gian sống. Thay cho việc dùng sức giải tỏa
mâu thuẫn, bậc cao thủ buộc kẻ địch hiểu rằng chỉ có nhẹ nhàng, mềm mỏng, lịch
thiệp, tình thương, hòa hợp, yên ổn... mới khép kín được quan hệ giữa những con
người và quan hệ giữa từng con người với toàn thế giới. Về kỹ thuật có thể tàn
bạo nhưng về chiến lược phải dung hòa, đúng hơn là phải ổn định, cân bằng. Đấy
là toàn bộ lý luận của bậc cao thủ”.
Tôi cười thầm trong bóng tối. Cái tay Bường này,
tôi biết, khi hắn lý giải về sự sống nói chung, bao giờ hắn cũng minh triết,
bao giờ hắn cũng cố gắng để giữ cất cách thanh cao về mặt nhân cách. Thế nhưng
đời thực của hắn thì như cứt chó. Không sao ngửi được.
Sáng hôm sau, chúng tôi chuyển chỗ vào nơi xẻ
mới. Ông Sông người Thái là một ông già sáu mươi hai tuổi, có khuôn mặt rất
thật thà. Ông Sông bảo: “Gian khổ đấy, chịu được không?” Anh Bường bảo: “Đằng
nào chẳng đến địa ngục”.
Cây dâu vàng mọc cheo leo ở lưng chừng núi, ngả
về phía vực. Điều cốt yếu làm sao phải hạ được để nó khỏi rơi vào giữa khe núi.
Chúng tôi mất nửa ngày bàn bạc, cuối cùng tìm ra cách tốt nhất, một mặt phải
cưa bớt cành, làm dây níu, một mặt phải đào cả đất, dọn một mặt bằng để hạ cây
gỗ xuống an toàn. Mất đến chục ngày chúng tôi mới hạ được cây gỗ xuống. Ông
Sông thích lắm, mời chúng tôi về bản thết đãi. Anh Bường bảo: “Tôi ở lại trông
đồ đạc. Mọi người cứ đi đi”. Biên, Biền, tôi và cu Dĩnh theo ông Sông về bản
Vược. Bản Thái này ở ngay đường cái, có chửng năm chục nóc nhà sàn. Những người
trong bản ai cũng hiền lành và đều tỏ ý thân thiện với chúng tôi. Chúng tôi ở
lại nhà ông Sông uống rượu đến chiều mới về. Về tới lán xẻ, chúng tôi hoảng hốt
thấy chăn màn quần áo lung tung khắp nơi, không thấy anh Bường dâu cả. Chúng
tôi bổ đi tìm. Qua bờ vực, cu Dĩnh tinh mắt phát hiện thấy những bụi cây dạt ra
như thể có người lăn xuống. Tôi, Biên, Biền mỗi người cầm một con dao bèn lần
mò xuống.
Vực sâu khoảng hơn trăm mét, dưới lòng vực là
một con suối cạn khô. Những âm thanh ở dưới lòng suối vọng lên như thể có người
đánh nhau, chúng tôi ai cũng đoán chắc anh Bường dưới đó. Quả nhiên, ở một đoạn
suối hẹp, chúng tôi trông thấy anh Bường đang quần nhau dữ dội với một con gấu
to tướng. Con gấu đứng dựng bằng hai chân sau tìm cách tấn công anh Bường,
miệng hộc những tiếng khủng khiếp. Anh Bưởng tay cầm một đoạn tre ngắn, cố gắng
tránh đòn.
Lưng tựa vào vách đá, anh Bường cố đẩy con gấu
ra xa, không để cho nó ép vào thế hiểm nghèo. Đoạn tre tì vào ngực con gấu cong
lại, bởi sức con gấu khỏe quá. Anh Bường có vẻ núng thế, một bên bả vai nhòa
máu, mồ hôi trên mặt đầm đìa. Biên, Biền và tôi cùng hò hét xông vào. Biền
nhanh tay chém được một nhát vào vai con gấu. Con gấu quay lại, chồm người về
phía chúng tôi. Bốn chúng tôi đứng thành vòng tròn ở dưới lòng suối. Con gấu
đứng giữa, điên cuồng tìm đường thoát thân. Biên, Biền và tôi, trên tay mỗi
người chỉ có một con dao găm ngắn lưỡi. Còn anh Bường vũ khí chỉ là một đoạn
gậy tre. Con gấu ngựa rất khỏe, nặng chừng hai tạ, vì bị thương nên hung hãn lắm.
Những cú vả của nó thật khủng khiếp, cũng may cả bốn chúng tôi không ai dính
đòn.
Biền rất khôn, Biền thường chém dứ trước mặt con
gấu để tạo thế cho ba chúng tôi đâm từ bên sườn và sau lưng gấu. Một lần, lợi
dụng khi gấu phục xuống, tôi đâm một nhát dao vào trúng gáy nó. Nhát dao đâm
mạnh đến lút dao. Con gấu bật ngửa ra sau, Biền xô theo đà, cắm thẳng lưỡi dao
vào giữa tim nó. Con gấu hộc lên một tiếng khủng khiếp rồi ngã lăn ra, hai bên
khóe mép sùi máu. Biên đâm tiếp vài nhát nữa vào hai mạng sườn của nó. Sau mấy
lần giãy, con gấu chết hẳn. Cả bốn chúng tôi mệt lả, bủn rủn hết cả chân tay.
Anh Bường mặt mũi tái mét, há miệng cười như mếu. Sau này, tôi đã chứng kiến
rất nhiều nụ cười chiến thắng ở nhiều trường hợp khác nhau, tất cả những nụ
cười ấy cũng đều như mếu, bao giờ điều ấy cũng gây cho tôi một nỗi sợ hãi và
cảm động khôn lường...
Anh Bường dùng dao rạch bụng con gấu lấy mật.
Chiếc mật lõng thõng những nước, to bằng bốn đốt ngón tay. Anh Bường thích lắm,
lấy một sợi dây buộc mật gấu đeo ngay vào cổ. Ngay hôm ấy, chúng tôi dọn dẹp đồ
đạc rồi khênh con gấu quay về nông trường đến nhà chị Thục. Chúng tôi gõ cửa
nhà chị Thục lúc hai giờ sáng. Hàng xóm kéo đến, đông như hội. Anh Chỉnh bảo:
“Chịu các bố thợ xẻ thật. Hạ được con gấu đáng kể quá”. Anh Bường bảo: “Bây giờ
lột da gấu rồi làm bữa chén, mời tất cả xung quanh đến dự, được không chị
Thục?” Chị Thục bảo: “Còn gì bằng. ở xóm này có chục nóc nhà, đến dự tất cả thì
vinh cho nhà này quá”.
Mọi người xúm lại làm thịt gấu. Thịt gấu rất nạc
và bùi. Chị Thục nấu một nồi cháo, tống vào tất cả xương xẩu với bốn cái chân.
Anh Chỉnh bảo: “ăn một bát cháo này giá trị bằng cả một lạng cao hổ cốt đấy
nhé!” Ông Thuyết cũng đến dự, mang theo một can mười lít rượu trắng.
Ông Thuyết bảo: “Chiều nay xuống đội T, không hiểu
sao tôi lại rước can rượu này về. Đúng số trời thật, ngày thường nếu ai mời
rượu, tôi còn mắng cho ấy chứ”. Anh Bường bảo: “Em lạy bác, bác đừng mắng những
người hối lộ. Họ lòng thành nhưng lại ngu ngốc, nếu là bậc cao nhân phải tự xót
xa mà thương lấy họ”. Mọi người uống rượu rất vui. Anh Bường càng uống rượu
càng hăng. Anh Bường bảo: “Tôi đang ngồi trong lán thì con gấu đến. Nó cứ xồng
xộc đi vào, tôi hoảng quá, tôi vớ được cây gậy cứ vụt lia lịa”. Chị Thục bảo:
“Thế bác không sợ à?” Anh Bường bảo: “Sợ chứ, nhưng rồi lại nghĩ: mẹ khỉ, đời
chán lắm, sống cũng vậy mà chết cũng vậy, cứ quyết tâm biết đâu chẳng giết được
con thú ác. Đấy cũng là kỳ tích trong đời, chẳng phải ai cũng làm được”. Mọi
người cười. Em trai ông Thuyết tên là Kháng ở Hà Nội lên chơi cũng ngồi uóng
rượu, hỏi đùa anh Bường: “Thế là bác làm việc thiện, việc nghĩa hoàn toàn chỉ
do chán đời, có phải không?” Anh Bường vặn lại: “Thưa bác, bác hỏi em thế là
hỏi thật hay hỏi xỏ?” Ông Kháng cười:
“Tôi hỏi thật”. Anh Bường nghiêm nét mặt lại:
“Em hỏi khí không phải, thế bác làm nghề nghiệp
gì?” Ông Kháng bảo: “Tôi giảng dạy mĩ học ở dưới Hà Nội”. Anh Bường bảo: “Đấy
cũng là nghề nghiệp hay sao? Theo tôi, khoa học về cái Đẹp là thứ hết sức vô
hình, không có thực. Về thực chất, chuyên môn của bác là thứ bịp bợm. Hồi
trước, tôi có đọc quyển sách của một tay Trecnôbưn nào đó 2 hắn nói: “Cái Đẹp
là cuộc sống”, điều ấy ẩn chứa một nụ cười lớn lao trong đó. Bác giảng dạy mĩ
học, thế bác có nhận ra nụ cười ấy không?” Ông Kháng bảo: “Xin lỗi, tôi không được
trang bị kiến thức giống như của bác”. Anh Bường bảo: “Bác Kháng ạ, mời bác về
bú tí mẹ”. Chị Thục bảo: “Thôi thôi, ông Bường ơi, tôi xin ông lấy chữ “dĩ hòa
vi quý” làm trọng”. Anh Bường cười: “Em xin nghe lời bà chị”.
Ông Sông đến. Mọi người mời vào uống rượu. Ông
Sông cười: “Thế các chú có vào xẻ tiếp nữa không hay hạ được gấu thì thôi?” Anh
Bường bảo: “Chúng em giúp bác hạ cây gỗ xuống, thế là xong. Còn kéo cưa lừa xẻ,
bác là dân lao động, chúng em biết bác cũng tự làm được”. Ông Sông bảo: “Phải”.
Chị Thục bảo: “Tôi biết có một nơi xẻ gỗ dựng
miếu thờ thần, cứ cơm no rượu say đi đã rồi tôi sẽ bảo”. Anh Bường bảo: “Chúng
em lòng thành, tâm thành, được xẻ gỗ cho đấng thần linh, đấy là may phúc, lại
thêm dày nghĩa tình, lấy gì chuộc được?”
Chị Thục bảo: “Nghĩa tình lại chuộc nghĩa tình.
Vô sự với tạo hóa, trung thực đến dáy, dù có sống giữa bùn, chẳng sợ không xứng
là người”. Anh Bường bảo: “Ngọc ơi, mày chép lấy câu này. Nó tù mù về hình
thức, nhưng hình như chứa ẩn nội dung gì đấy”.
Cơm rượu xong chúng tôi lăn ra ngủ. Giấc ngủ.
đến ngay với mơ, tôi thấy năm anh em thợ xẻ chúng tôi đi trên một cái cẩu vồng
bảy sắc. Những thiên sứ chạy ra đón chúng tôi, áo xanh, áo đỏ tung bay phấp
phới. Một thiên sứ có khuôn mặt trông rất giống Quy. Những người thân thiết của
tôi đứng hai bên đường. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy nàng, cô gái tôi đã từng
yêu trước kia. Nàng chạy về phía tôi, hai tay giang ra chào đón. Gục đầu vào
ngực tôi, nàng khóc: “Anh Ngọc ơi, sau bao đau đớn ê chề em đã hiểu rằng: chỉ
có một anh thôi, còn lại là chúng nó”. Tôi mỉm cười, tôi gỡ bàn tay bé nhỏ của
nàng ra khỏi tay tôi và bảo: “Em lại cực đoan rồi, hoàn toàn không phải thế.
Anh chỉ là hạt cát bé nhỏ và bất lực thôi... Cũng có thể anh chẳng mang lại
điều gì hay hớm cho em dâu. Em hãy đi đi, đi theo con đường số phận đã định cho
mình”. Tôi đẩy nàng ra, tôi hốt hoảng thực sự vì sự lãnh cảm dửng dưng của trái
tim tôi.
Chúng tôi cứ đi trên cái cầu vồng bảy sắc. Bạt
ngàn là hoa ban trắng bên đường, màu trắng đến là khắc khoải, nao lòng. Này hoa
ban, một nghìn năm sau thì mày có trắng thế không? Chúng tôi cứ đi, đi mãi...
Tôi biết chắc ở trước mặt tôi đấy là cổng Trời, là cổng Thiên đường...
° ° °
Sau lần ấy, số phận đẩy tôi sang bước ngoặt
khác, tôi không đi xẻ gỗ nữa, chuyển sang làm việc khác.
--------------------------------
Thơ Tào Thực. |
|
Anh Bường nhầm, thực ra đấy tà N.
G. Tsecnưsepxki. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét