Thứ Năm, 1 tháng 4, 2021

NHỮNG NGƯỜI MUÔN NĂM CŨ

 

Những người muôn năm cũ –
 Hoạ sĩ Hoàng Phượng Vỹ

NHỮNG NGƯỜI MUÔN NĂM CŨ

Nguyễn Huy Thiệp

 

"Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ..."

(Thơ Vũ Đình Liên)

 

Cách đây hơn 30 năm tôi dạy học ở Bâm là một xóm núi khỉ ho cò gáy ở tỉnh N. cách xa Thủ đô vài trăm cây số. Hồi ấy, tôi 20 tuổi vừa mới tốt nghiệp ra trường tâm hồn còn rất ngây thơ.

Bạn đồng nghiệp cùng phòng với tôi là Doanh, giáo viên dạy Toán. Doanh lớn gấp đôi tuổi tôi, anh từng có vợ và con.

Doanh nói:

- Tôi là một giáo viên bị kỷ luật nên mới bị đày đọa lên đây. Còn cậu, nghiệp chướng gì mà cậu cũng phải rút vào xó này?

Tôi nói với Doanh rằng tôi tình nguyện lên miền núi dạy học rằng đó là nhiệt tình của tuổi trẻ, rằng...

- Hiểu rồi - Doanh cười - Cậu đã nuốt trọn gói thuốc đắng của nền giáo dục nhà trường. Thanh niên là vậy! Răng các cậu rất khỏe, các cậu có thể nhai vỡ cả sỏi.

Tôi hỏi Doanh xem anh bị kỷ luật gì. Doanh nói:

- Chẳng qua là chuyện sướng con cu, mù con mắt. Tôi không nghĩ là tôi sai lầm.

Tôi không hỏi gì thêm chuyện đó nhưng về sau chính Doanh đã bô bô kể lại. Đấy là một chuyện cũng khá nực cười (nhìn chung, tất cả những chuyện trai gái đều nực cười).

Trường tôi và Doanh dạy học là môt trường Bổ túc văn hóa được tổ chức có phần lỏng lẻo và lượm thượm. Hiệu trưởng là một sĩ quan quân đội chuyển ngành tên là An, tính tình nghiêm khắc và cô độc, rất thích vào rừng săn bắn. Bà vợ của ông An nấu cơm cho "hội đồng giáo viên" gồm có bốn người: ngoài tôi và Doanh còn có hai giáo viên người Thái đều có vợ con trong bản, thường mỗi tuần họ chỉ ăn cơm ở trường có ba bữa trưa là những hôm họ có những giờ dạy học buổi chiều. Học viên đến học ở trường là những người ở lâm trường và nông trường trồng chè. Họ có hơn ba chục người chia làm hai lớp. Chúng tôi phải làm sao trong hai năm trời nhồi nhét cho họ có những kiến thức cơ bản của chương trình phổ thông trung học, sau đó cấp cho họ một văn bằng tốt nghiệp.

- Tất cả nền giáo dục của chúng ta - Doanh nói - là nhắm làm sao chứng tỏ mọi sự có lý. Các chứng minh hình học, các quy tắc vật lý, các bài học lịch sữ... tất cả đều nhằm mục đích khiến cho người ta tưởng bở rằng mọi người đang sống trong một thế giới có trật tự tổ chức hoàn hảo. Tất cả đều láo khoét, vô lý! Thực ra toàn bộ thế giới được xây dựng trên sự ngẫu nhiên lộn xộn không có quy tắc nào cả. Con người vốn dĩ yếu đuối, họ tự phỉnh mình bằng những lập luận có lý để có ảo tưởng tự tin hòng sống qua kiếp người gian khổ trầm luân.

Bà Hinh, vợ ông An nói:

- Dào ôi, cậu Thiềm (Thiềm là tên tôi) xin cậu bịt tai lại! Cậu đừng nghe cái tên lang sói ấy, nó chẳng có lương tâm gì đâu! Cậu cứ dạy tốt vào cho tôi!

Doanh bảo:

- Dạy tốt! Cậu có nghe con mẹ mù chữ này nói gì không? Dạy tốt cho ai cơ? Cái lũ ngốc đến đây học, cứ tưởng thứ họ học là văn hoá, là ánh sáng, có nó thì mọi việc sẽ tốt đẹp hơn... Họ học những thứ chẳng để làm gì. Cậu hãy hình dung bà vợ ông An đây, bà ta sẽ lương thiện và nấu ăn ngon khi còn mù chữ... Còn nếu được học hành, tôi xin thề với cậu là đừng hòng bà ta chịu làm như thế, bà ta sẽ để mặc chúng ta chết đói.

Bà Hinh bảo:

- Không có chuyện ấy đâu nhé! Tôi chỉ biết phục vụ chồng con và nấu cơm với chăm sóc cho các cậu thôi! Nghề của tôi mà!

Doanh bảo:

- Thật là ngu hết chỗ nói! Con mẹ này hạnh phúc trong sự tăm tối. Bà ta lương thiện trong đêm đen.

Do thiếu giáo viên, tôi gần như phải dạy tất cả các môn. Tôi phải tự học và việc soạn các bài giảng đã chiếm khá nhiều thì giờ của tôi. Còn Doanh, anh chẳng bao giờ soạn các bài giảng của mình. Tuy nhiên, tôi để ý thấy học viên đều rất sợ anh và họ cũng thích khi anh lên lớp.

Doanh bảo:

- Tôi nói với họ rằng các anh chẳng cần đại số với hình học làm gì. Có dạy các anh cũng không hiểu nổi. Bản thân tôi, tôi cũng chẳng hiểu quái gì. Nhưng tôi luôn kể chuyện người ra đã làm ra đại số và hình học thế nào. Tôi kể về Pi-ta-go và Ơ-clít. Tất cả lũ ngốc ấy đều nghĩ rằng nếu có cơ hội thì chúng sẽ biến thành Pi-ta-go hay Ơ-clít hết.

Doanh bảo:

- Học vấn có điều nguy là khiến người ta có ảo tưởng thay đổi bản thân và hoàn cảnh là điều vốn dĩ không bao giờ làm được. Trên thực tế người ra chỉ chuyển dịch từ một hoàn cảnh thối tha này sang một hoàn cảnh thối tha khác mà thôi... Ở yên một nơi thì ít bi kịch đau khổ.

Ông An hiệu trưởng gần như không tham gia vào chuyện của chúng tôi. Bà vợ ông nói:

"- Dào ôi... cái lão ấy nào có biết gì... Nghề của lão ấy là giết người, bây giờ chuyển ngành rồi thì đi săn chim bắt thú... cũng may là lão ấy không bao giờ bắn trúng được một con gì...

Tuy nhiên có một lần ông An bắn chết được một con khỉ nặng chừng tám cân, ông bắn được vì nó đã què sẵn. Bà Hinh xót xa:

- Trời ơi... Nó hệt như đứa bé con hai tuổi. Đồ bất nhân! Sao lại đi bắn nó kia chứ... Trông hai con mắt của nó đang mở thô lố ra kìa!

Bà Hinh nhất định không cho làm thịt mà phải mang chôn con khỉ. Ông An không biết phải làm thế nào.

- Phải làm thế nào? - Doanh bảo - chúng ta mang nó vào rừng. Tôi sẽ cử hai đứa học trò nghỉ học nấu nướng cho chúng ta ăn.

Bà Hinh bảo chồng:

- Nếu ông ăn thịt nó thì ông cút ngay đi! Ắn thịt nó có khác gì ăn thịt người. Chỉ có loài cầm thú mới ăn như thế...

Doanh bảo:

- Các bậc vua chúa và thủ trưởng như Tề Hoàn Công hay Tấn Văn Công ngày xưa cũng ăn thịt người... Chẳng hề gì! Còn ông An, ông không ăn thì cũng chẳng đáng là người đi săn, cũng chẳng đáng là thủ trưởng nữa...

Món thịt khỉ được nấu như món thịt chó nhựa mận. Thịt khỉ rất ngọt nhưng vị khá tanh. Chúng tôi phải ăn bốc trong rừng vì bà Hinh nhất định không cho mượn bát đũa... Ông An uống rượu, trở nên vui vẻ, kể chuyện bắn con khỉ như bắn một tên thổ phỉ:

- Nó rất cáo già. Ông An nhắc đi nhắc lại. Nó là khỉ nhưng rất cáo già!

Doanh bảo:

- Thế thì gọi nó là đồ khỉ cáo già!

Ông An cười ngất gật đầu. Nụ cười của người say rượu thật sảng khoái vô tư!

Thường dịp mưa xuân, bà Hinh hay bắt chúng tôi đi đào măng về để trữ thức ăn. Măng tươi luộc lên trắng ngần, nấu thành món canh với nước luộc gà, cho vào một ít hành hoa, mỡ gà nổi lên nhấp nhánh như những ngôi sao nhỏ nhiều cánh màu vàng chanh. Bà Hinh còn tích măng khô để dịp nghỉ phép bọn chúng tôi mang về làm quà.

Doanh bảo:

- Cái thứ quà măng khô với mấy cái lông nhím lông gà rừng nó gây ảo tưởng cho gia đình tôi tưởng rằng tôi đang sống ở trong xứ sở thần tiên chứ không phải ở trong địa ngục.

Bà Hinh bảo:

- Nếu thế thì cậu đừng mang về nữa.

Tuy nói thế nhưng khi Doanh về phép bà Hinh vẫn cho măng và Doanh cũng vẫn nhận.

- Chúng ta phải luôn luôn đầu hàng hoàn cảnh và phong tục. Doanh bảo. Như thế để chứng tỏ ta có giáo dục, có văn hóa, có tâm. Khốn nạn thật! Sao mà tôi ước ao có được sức mạnh của con đười ươi sống đơn độc trong hang núi kia!.

Trên hang núi gần trường có một con đười ươi đực, nặng phải tới gần trăm cân. Những hôm nắng, nó ra ngoài cửa hang phơi nắng. Chiều tối đến, nó hú lên những tiếng hú âm thầm man rợ y hệt như tiếng người. Chúng tôi đã nhiều lần trông thấy nó đứng trên mỏm núi nhìn xuống sân trường và làm những cử chỉ rất tục tĩu.

- Đấy là một cách nó bình luận về nền giáo dục của chúng ta. Doanh bảo. Tôi thấy nó có lý.

Ông An bực mình:

- Cậu Doanh! Sao cậu lại nói thế? Người ta vẫn nhốt vào tù những thằng nói nhăng như cậu.

Doanh bảo:

- Thì chúng ta vẫn sống cùng nhau đấy thôi!.

Ông An bảo tôi:

- Cậu Thiềm! Cậu phải biết cách tự bảo vệ mình. Còn thằng Doanh, tôi thấy nó nham hiểm thế nào... Cái câu "chúng ta vẫn sống cùng nhau" là có ý gì?.

Bà Hinh bảo:

- Còn ý gì nữa? Tức là nó bảo chúng ta cũng đang ở tù, thế là "sống cùng nhau" chứ gì?.

Vợ chồng ông An có cô con gái tên là Xuân đang học Đại học ở tận dưới xuôi, mùa hè thường ghé về nhà. Khi cô về, không khí ở chỗ chúng tôi như thay đổi hẳn. Khi cô đi, tất cả trở nên thẫn thờ, sự hiu quạnh buồn tẻ trước đây không ai nhận thấy bây giờ bỗng nhiên biểu hiện ra rõ ràng quá, cay đắng quá!

- Cái ghế này con bé Xuân nhà tôi hôm trước vẫn ngồi - Bà Hinh nói với chúng tôi - Xin các cậu đừng để dây nhọ nồi vào đấy! Cậu Thiềm, cậu có thấy mỗi lần con bé về nó lại xinh hơn ra không?

Doanh bảo:

- Nó càng ngày càng có vẻ khiêu dâm hơn thì có! Đấy là kết quả của việc tiếp thu văn minh đô thị. Bà mẹ tội nghiệp ạ, bà đang mất dần con gái bà đấy! Học vấn và tiện nghi sẽ làm móng vuốt của nó sắc nhọn ra, nước bọt của nó biến thành thuốc độc, tâm hồn của nó giăng như lưới nhện... Tôi thích cái bàn tay hái chè của nó ngày xưa, móng tay trụi thùi lụi, các ngón tay mòn đi chỉ bằng một phần ba ngón tay người thường, dưới lớp da "trần bì" khá dày của nó có rất nhiều lương tâm với lòng chẳng nỡ, còn bây giờ không cẩn thận là toàn vi trùng...

Bà Hinh tức điên lên:

- Đồ đểu! Tại sao miệng lưỡi mày độc ác thế hả Doanh?

Doanh bảo:

- Thôi thôi! Tôi không nói nữa. Chân lý bao giờ cũng trắng trợn nên khó nghe... Ừ thì con bà xinh, ừ thì con bà đẹp...

Bà Hinh bảo:

- Chứ không à? Cứ trông dáng đi của nó xem có kiêu sa không nào... Nó học ở thành phố là tốn kém lắm, tôi cho nó bao nhiêu tiền tôi cũng chẳng tiếc...

Bà Hinh nhớ con đến ngơ ngẩn người, như mất cả hồn, không để ý nên bữa ấy nấu cơm sống. Ông An bỏ cơm xách súng vào rừng đi săn.

Bà Hinh hỏi tôi:

- Cậu Thiềm! Cậu có thấy con bé nhà tôi thông minh không?

Doanh bảo:

- Đàn bà mà thông minh sẽ khó lấy chồng mà lấy chồng thì khó hạnh phúc..

Bà Hinh bảo:

- Chỉ mong nó được yên ổn..

Doanh bảo:

- Đấy đấy! Cái đấy mới cần! Yên ổn thì chẳng cần thông minh làm gì... Thế lần này nó đi, ông bà cho nó được bao nhiêu tiền?

Bà Hinh bảo:

- Có bao nhiêu tiền đưa cho nó hết nhưng chị chàng có vẻ không được bằng lòng... Bố mẹ nghèo thì con cái cũng bị thiệt thòi có phải không nào?

Doanh bảo riêng tôi:

- Tội nghiệp bà mẹ thực thà! Cậu có để ý đôi mắt trắng dã của con bé ấy không! Cô công chúa Lọ Lem này là người quyết liệt lắm đây! Cứ chờ đấy rồi nó báo hiếu!.

Cuộc sống ở xóm núi hẻo lánh trôi đi đơn điệu, buồn tẻ. Khi chiều về, tiếng mõ trâu lốc cốc khua vang ở dưới chân núi xa xôi, lẫn lộn với khói lam chiều, rồi chìm lịm đi ở cuối vực sâu cùng với bóng tối lúc đầu còn rón rén ở những bụi cây lúp xúp màu tím nhạt, rồi lảng vảng chuyển sang màu xám tro viền trên các ngọn cây cao, rồi cuối cùng phũ phàng đen kịt trùm lên toàn bộ núi rừng. Tiếng chim xao xác gọi đàn. Con đười ươi lại hú lên thê thảm, cứ ba tiếng một, ba tiếng một cho đến lúc chẳng có tiếng nào.

Tôi và Doanh ngồi ăn cơm âm thầm trong bóng tối. Cả hai chả nói năng gì. Bà Hinh ngồi bên bếp lửa khe khẽ hát bài hát ru con:

"À ơi... cầu tre lắc lẻo khó đi...

Ví dầu...

Mẹ đưa con đi trường học... Ẩu ơ...

Mẹ đi trường đời..."

Doanh nói:

- Này Thiềm! Cậu thử nghĩ câu mẹ đi trường đời nó có vẻ khuất tất tái tê thế nào đấy không? Cái "trường đời" của người đàn bà nó ỡm ờ mù mịt vô cùng... Bà mẹ trẻ hát ru ở đây có vẻ học nhiều ở nơi chợ búa, bến xe, nhà hàng... ở giảng đường này, các bậc giáo sư dạy dỗ cho bà mẹ trẻ những chân lý gì không biết?

Cơm xong, tôi và Doanh lầm lũi đi về phòng nghỉ. Căn phòng rộng 12 mét vuông, cửa ở giữa, hai bên kê hai cái giường nhỏ, đầu giường mỗi người có một cái tủ đựng sách vở, quần áo. Những hôm rét quá, giữa nhà chúng tôi đốt một đống lửa, ấm thì ấm thật nhưng khói không sao ngủ được, thế là đến nữa đêm lại phải thức dậy để rút củi đi. Khoảng tháng Mười Một là mùa sương muối, khí hậu ban ngày khô hanh rất khó chịu nhưng ban đêm buốt giá vô cùng. Sáng ngủ dậy, sương muối đọng li ti trắng xóa ở trên mặt cỏ xác xơ. Sương muối làm chết nhiều cây, đến ngay cả những cây chuối xum xuê cũng khô hết lá. Những thứ rau trồng trong vườn cũng chết lụi cả, chỉ trừ có loại rau cải Mèo là thứ rau đặc biệt của người H’mông trồng là còn sống sót nhưng phải tưới nước liên tục và che chắn suốt cả đêm ngày. Nhiều đêm chúng tôi bỗng choàng tỉnh dậy vì nghe thấy tiếng nổ lép bép râm ran như trời đang sụp. Chạy bổ ra ngoài, nhìn lên lưng núi thấy một vệt lửa chạy dài đang cháy rừng rực. Ánh lửa trên núi hắt xuống khuôn mặt của mấy giáo viên chúng tôi, trông ai cũng thấy hốc hác đăm chiêu. Không nói ra, chúng tôi đều biết khi đã cháy rừng ở đây nghĩa là vô phương cứu chữa. Sợ nhất khi những tàn lửa trên rừng gặp gió bốc cao rơi xuống trường học. Như thế nghĩa là mất hết, ngày mai sẽ không còn gì! Tất cả sẽ trần thùi lụi.

Mùa mưa trong năm thường vào hai dịp. "Mưa chiêm" là khoảng tháng Tư khi trời bắt đầu vào hạ. Mây đen kéo đến từ cuối chân trời, sấm sét rền vang đến suốt mấy tiếng đồng hồ, gió thổi chồn cuộn biến thành những cơn lốc, cuốn đầy bụi rác. Thế là mưa! Mưa rào ào ào trút xuống, thoắt cái vừa đến lại đi ngay! Rồi nắng lên, rồi nắng chói chang, rồi nắng cứ liên miên đến vài ba tháng. Những con lợn thả rong uể oải đi tìm chỗ râm mát nằm thở phì phò. Sang tháng Bảy, tháng Tám mới là "mưa mùa", mới vào mùa mưa chính thức. Mưa như dập như vùi, dai dẳng, mưa như điên như cuồng, như tra tấn. Nước lũ đổ về cuồn cuộn, cuốn trôi đất cát, trôi cả nhà cửa. Những con rắn, con trăn đi tìm chỗ tránh mưa, nhiều khi rúc cả vào chăn màn, vào tủ đựng quần áo. Mùa mưa kéo dài đến khoảng tháng Chín. Rồi mãi sang Xuân mới lại có mưa...

Có một năm cũng vào mùa mưa thì xảy ra một chuyện thế này.

Hôm ấy khoảng 5 giờ chiều, anh Thanh là một trong hai giáo viên người Thái hớt hải chạy đến, người ướt như chuột lột. Anh Thanh nhờ chúng tôi giúp anh đưa người vợ đang đau đẻ đến ngay bệnh viện.

Chúng tôi hỏi ra mới biết ở đây có tục vẫn để cho người phụ nữ đẻ một mình. Sắp đến ngày đẻ, người ta dựng một cái lán nhỏ ở một góc vườn hay ở trong rừng rồi để người phụ nữ chui vào đấy, tự mình làm lấy mọi việc. Phụ nữ vẫn thường đẻ đứng chứ không đẻ nằm, người nào sức yếu có khi băng huyết dẫn đến chết người.

Chúng tôi nghe nói mà rùng cả mình, lạnh toát cả người. Bệnh viện cách chỗ chúng tôi hơn 40 cây số. Vợ anh Thanh vào lán đẻ đã hơn 5 tiếng đồng hồ. Chúng tôi bàn nhau sẽ đưa chị đến lâm trường gần đó nhờ họ giúp đỡ.

Khi chúng tôi đến nơi thì mưa rất to. Nước lênh láng xung quanh cái lán đỏ ngầu. Chị vợ anh Thanh đã lịm đi bất tỉnh. Chúng tôi khênh chị đi nhưng những người nhà anh Thanh giữ lại không nghe. Ông An vác súng ra chĩa vào họ, ông bắn nhưng như thường lệ đạn vọt lên trời... Ầy thế mà chị vợ anh Thanh cũng sống, sinh con ra "mẹ tròn con vuông"... Thằng bé về sau đã được đặt tên là May để kỷ niệm lần sinh nở man rợ đó.

- Trong hoàn cảnh tự nhiên. Doanh nói. Mọi sự vẫn được tự nhiên chọn lọc kỹ càng, sức đề kháng trong tự nhiên rất lớn. Sống trong tăm tối và hiểm nguy, chúng ta vẫn sống như vậy nhưng có người ý thức được mà thôi. Nhưng kiểu gì kết cục vẫn như nhau cả: tức là cái chết sẽ đến sớm hay muộn với mỗi một người. Vẫn là cái chết trắng trợn, phũ phàng không ai tránh được!

Tôi cũng không nhớ với sức mạnh nào, với thói quen và sự chịu đựng nào (có lẽ chỉ là thói quen và sự chịu đựng mà thôi) khiến chúng tôi đã sống, đã vượt qua mà chẳng hề phàn nàn trong những điều kiện gian khổ, khó khăn như thế.

Năm tháng qua đi, không biết bao nhiêu niềm vui, bao nhiêu nỗi buồn đã đến với tôi trong mấy năm trời tôi sống ở Bâm. Có lẽ hồi ấy tôi còn trẻ tuổi, tôi rất hay quên, tôi còn vô tư nhẹ dạ, niềm vui đến với tôi không lớn, nỗi buồn chạm đến tôi không đau, tôi không có những kỷ niệm gì thật sâu sắc nên những trang đời ấy đã bị xếp xó vào một góc sâu ở trong ký ức từ lâu, tưởng như không bao giờ sẽ còn nhớ lại.

Sau này, tôi đã đi nhiều nơi, làm nhiều nghề, nghề dạy học tôi cũng chỉ theo đuổi được một thời gian rồi thôi. Tôi luôn luôn cảm thấy bất an trong lòng, cũng có thể bởi những khát vọng trong tôi thúc giục hoặc bởi số phận đã bắt buộc tôi làm thế. Tôi chỉ ở Bâm hơn hai năm trời rồi lặng lẽ bỏ đi. Tôi không biết những gì sẽ chờ đợi tôi phía trước nhưng tôi không thể chôn vùi cuộc đời của tôi ở nơi ấy được... Hôm tôi rời Bâm, mọi người mọi việc cũng giống như mọi ngày thường. Không ai biết (cả tôi cũng không biết được) rằng tôi sẽ đi một mạch đến hơn 30 năm sau mới quay trở lại.

Hôm ấy tôi đi bộ vào rừng giống như mọi bận vẫn đi lấy củi hoặc đi dạo chơi một mình. Qua khỏi thung lũng, tôi trèo lên đỉnh núi Đười Ươi trông ra đằng xa. Núi tiếp núi như những vỏ mít ken dày, vỏ mít xếp lại. Cuối chân trời có một ngôi sao lấp lánh đang dần bị ánh sáng ngày lấn lướt muốn xóa chìm đi. Thế là tôi đi về phía ấy... Tôi không muốn để ngôi sao kia lụi tàn...

 

° ° °

Tháng Chín năm ngoái tôi có dịp quay trở lại Bâm. Khi đến ngã ba rẽ vào trường học, nhác trông thấy ngọn núi Đười Ươi, lòng tôi run lên vì cảm động. Bây giờ là đầu mùa Thu, mùa hoa cúc dại nở vàng. Bướm trắng bay phấp phới từng đàn dọc hai bên đường. Mùi hoa cúc dại ngai ngái vương vấn tưởng như vừa quen vừa lạ. Ngày xưa tôi đã ở đây, đi trên đường này và từng mơ ước, tôi đã định ra bao nhiêu kế hoạch cho cuộc đời tôi.

Ngôi trường cũ không còn nữa. Cảnh vật giờ đã khác xưa. Một dãy phố mới mọc lên với chừng gần chục ngôi nhà bê-tông. Tôi hỏi thăm mãi mới tìm thấy được một người quen. Cậu bé May ngày nào nay đã trở thành một chủ tiệm cơm bình dân.

- Gần như không còn ai ở trường cũ nữa. Bố cháu mất năm ngoái -  May nói với tôi - Ông An với bà Hinh thì mất lâu rồi, mộ ở trên núi Đười Ươi. Nếu chú muốn viếng mộ họ thì chú cho thằng bé chột mắt kia hai nghìn, bảo nó dẫn đường cho chú lên núi.

May bảo:

- Cháu có đọc báo, nghe nói chú đã trở thành nhà văn, đi Mỹ đi Pháp, lại giàu có nữa. Ngày xưa ở đây, nghe nói chú chẳng hề nói một câu nào!

May lại bảo:

- Thế nghề nhà văn là nghề gì mà giàu nhanh thế? Ông Doanh (à, chú còn nhớ ông Doanh không?), ông Doanh vẫn còn sống đấy! Ông ta bỏ vợ dưới xuôi, lấy một bà góa người Thái, bây giờ sống ở trong núi nhưng nghiện thuốc phiện. Nếu chú muốn thăm thì chú cũng cho thằng bé chột mắt kia hai nghìn bảo nó dẫn đường cho chú vào thăm.

Tôi cám ơn May, tặng anh một món quà nhỏ rồi theo thằng bé chột mắt nhờ nó dẫn đường vào thăm nhà Doanh và đi lên núi viếng mộ những người quen cũ.

Doanh ở trong một ngôi nhà lụp xụp tận cuối bản Hẻo. Tôi đến gần, không thể nhận ra ông già gầy gò, râu bạc, tóc bạc, da dẻ trắng bạch như suốt đời chỉ sống trong một xó tối là Doanh hồi nào.

- Không nhớ, tôi không nhớ...- Doanh nói thều thào - Nếu có tiền thì cho... Để mua thuốc phiện chứ để làm gì... Tôi không biết Thiềm... không biết ai cả... Buồn lắm... Dạy học cho ai... có hiểu gì mà học...

Ông già tội nghiệp quay mặt vào tường, rấm rứt khóc. Tôi để lại cho vợ Doanh một món tiền rồi đi. Thằng bé chột mắt dẫn tôi lên núi Đười Ươi.

- Khoảng vài năm trước cũng có một bà sang trọng đến thăm những ngôi mộ này- Thằng bé chột mắt bảo tôi- Bà ấy khóc một lúc lâu rồi cho cháu năm nghìn.

Tôi đứng tần ngần nhìn hai ngôi mộ xếp đá, xung quanh cỏ mọc um tùm. Ngày xưa ông An thích nhất nơi này.

Tôi thắp hương cho ông An, bà Hinh, cầu mong cho linh hồn những người giản dị trung hậu ấy an nghỉ thanh thản.

Tôi xuống núi trả tiền thuê thằng bé chột mắt. Giống như cái bà sang trọng mà tôi thầm đoán là Xuân, tôi cũng cho thằng bé năm nghìn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét