Thứ Tư, 7 tháng 4, 2021

Hoa Sơn


 Hoa Sơn
Nguyễn Tường Bách

Khách viếng Trung Quốc thường đến Tây An để thăm mộ Tần Thủy Hoàng với đội binh mã nổi tiếng của vị Hoàng đế trong thời cổ đại này. Qui mô vĩ đại và mức độ xưa cũ của một công trình nhân tạo vào khoảng 23 thế kỷ trước làm khách choáng ngợp, nhất là du khách phương Tây. Họ ít biết đến một địa danh gần đó mà mức độ của nó thuộc về thế giới siêu nhiên và tuổi tác của nó ngang bằng với trời đất. Đó là Hoa Sơn, chỉ cách Tây An 120km về hướng Đông[1].

Hoa Sơn là một trong năm ngọn núi thiêng của Trung Quốc, những ngọn núi được gọi tên là Ngũ Nhạc. Đó là Tung Sơn ở trung tâm, Thái Sơn ở phía Đông, Hành Sơn phía Nam, Hằng Sơn phía Bắc và Hoa Sơn ở phía Tây. Vì vậy tên gọi đầy đủ của Hoa Sơn là Tây Nhạc Hoa Sơn. Là những ngọn núi thiêng nên từ ngàn xưa các nhà vua Trung Hoa thân hành đến Ngũ Nhạc để cúng tế trời đất thánh hiền.

Ngũ Nhạc không phải là những ngọn núi đơn lẻ mà thật ra là những quần thể núi non vô cùng hùng vĩ. Bản thân mỗi một rặng núi đó lại đều có những đỉnh cao khác nhau với các danh tính rất mực thi vị như Liên Hoa đỉnh, Đào Hoa phong. Trong năm rặng núi thiêng đó thì Hoa Sơn được xem là hiểm trở và kỳ vĩ nhất. Tây Nhạc Hoa Sơn nằm tại tỉnh Thiểm Tây, nằm cạnh Hoàng Hà, con sông trọng yếu thứ hai của Trung Quốc, chảy từ cao nguyên Thanh Hải về phía Đông. Kết cấu địa chất của Hoa Sơn thực chất là những khối đá hoa cương khổng lồ với những vách đá dựng đứng. Trên một đỉnh của rặng Hoa Sơn huyền thoại đó còn một phiến đá phẳng được mệnh danh là “Hoa Sơn bác đài”. Nơi đó Triệu Khuông Dẫn, lúc chưa lập cơ nghiệp nhà Tống, đánh cờ với đạo sĩ Trần Đoàn. Họ Triệu thua, nhường núi Hoa Sơn cho Trần Đoàn, vị đạo sĩ được xem là thủy tổ của môn Tử Vi.

Quần thể Hoa Sơn.

Trong rặng Hoa Sơn thì đỉnh Hoa Sơn Nam phong vượt trên các đỉnh khác với một độ cao 2.160m. Độ cao này chưa thấm vào đâu so với các đỉnh khác của Tứ Xuyên hay Tây Tạng, nhưng điều kỳ lạ là người Trung Hoa đã xây cất đền đài tự viện từ thời thượng cổ trên Hoa Sơn cũng như trong tất cả các rặng khác của Ngũ Nhạc. Đó chính là cơ sở tâm linh của người Trung Hoa vì hầu như toàn thể các vị thánh hiền xưa nay đều học tập và tu luyện trên những ngọn núi mờ sương đó trước khi xuống núi hành đạo. Đó cũng là chốn trở về của những nho sĩ từng tham gia việc nước mà đại biểu nổi tiếng nhất là Tô Đông Pha.

Từ đỉnh cao của mình Hoa Sơn nhìn xuống đồng bằng để chứng kiến hoạt động của thế nhân từ thuở bình minh của lịch sử. Ngày xưa, lúc Trung Quốc chưa lấn đến Tân Cương, Thanh Hải, Tây Tạng, Hoa Sơn thuộc về phía Tây của Trung Quốc nhưng không phải vì thế mà rặng núi thiêng này nằm xa xã hội loài người. Nói đúng hơn Hoa Sơn chứng kiến tất cả biến chuyển quyết định nhất của đất nước này về lịch sử, chính trị và văn hóa trong thời kỳ khoảng chừng 1.000 năm, kể từ lúc Tần Thủy Hoàng lên ngôi vào năm 221 trước Công nguyên. Lý do là vùng đất dưới chân Hoa Sơn chính là thung lũng sông Vị Thủy với các địa danh như Hàm Dương và Trường An – mà ngày nay ta gọi là Tây An. Trường An là một đô thị thuộc loại cổ nhất của loài người với số tuổi khoảng 6.000 năm. Khoảng 1.000 năm trước Công nguyên Trường An đã trở thành kinh đô của thời nhà Châu. Nhưng mãi đến hơn 800 năm sau, Tần Thủy Hoàng mới lần đầu tiên thống nhất Trung Hoa và lấy Hàm Dương nằm gần đó làm kinh đô nước Đại Tần. Sau nhà Tần, Trường An lại trở thành kinh đô từ thời nhà Hán (202 trước Công nguyên) và trở nên cực thịnh vào thời nhà Đường (618-907).

Từ trên cao, Hoa Sơn hẳn đã chứng kiến công trình xây dựng vĩ đại Vạn lý trường thành, những cuộc tàn sát cổ kim hiếm có của Tần Thủy Hoàng, những cuộc chiến lưu danh muôn thuở của Lưu Bang – Hạng Vũ. Hoa Sơn hẳn cũng đã phóng tầm mắt hướng về phía Tây để ngắm Con đường tơ lụa, vốn bắt đầu từ Trường An băng qua hàng ngàn cây số sa mạc để đến với các nước Trung Á, vươn về Địa Trung Hải. Đó là tiền thân của cái mà ngày nay ta gọi là sự toàn cầu hóa vì con đường đó chính là mối giao lưu đầu tiên về văn hóa, chính trị và kinh tế của ba nền văn minh thâm hậu nhất của loài người là Trung Quốc, Ấn Độ và La Mã – Hy Lạp.

Một đêm tối trời nào đó trong năm 629 Hoa Sơn hẳn cũng nín thở theo dõi bước đi của nhà sư trẻ mang tên là Huyền Trang. Huyền Trang bất chấp lệnh cấm của nhà vua Đường Thái Tông, trốn ra cửa Tây thành Trường An, băng qua sông Hoàng Hà, thẳng bước tiến về hành lang Hà Tây để tìm hướng đi Tây Vực. Đó là đoạn đầu của câu chuyện bất hủ Đại Đường Tây vực ký của Đường Tam Tạng mà đoạn cuối của nó chính là vô số kinh sách Phật giáo ngày nay còn được lưu truyền tại miền Đông Á.

Nhưng Hoa Sơn không chỉ chứng kiến cuộc đời của những nhân vật có những ý chí phi thường. Dưới chân rặng núi này còn sinh ra một mối tình bi thảm. Trong thời nhà Đường, thời cực thịnh của Trường An, có nhà vua tên là Đường Minh Hoàng (685-761). Cũng trong thời kỳ đó, một trong “tứ đại mỹ nhân” của Trung Quốc ra đời, đó là Dương Quí Phi (719-756). Cặp uyên ương Đường Minh Hoàng và Dương Quí Phi có lẽ là cặp Romeo và Juliet của phương Đông trong thế kỷ thứ VIII mà ngay trong thời kỳ xa xưa đó đã có những thi nhân nổi tiếng như Lý Bạch, Bạch Cư Dị ca tụng. Trong tác phẩm Trường Hận ca, Bạch Cư Dị tả Dương Quí Phi như sau:

Hồi mâu nhất tiếu bách mị sinh
     Mỗi lần liếc mắt cười, trăm vẻ xinh hiện ra

Trên đường từ Trường An đến Hoa Sơn, khách sẽ đi ngang Hoa Thanh cung, đó là một nơi có suối nước nóng, nơi Đường Quí Phi đã tắm:

Xuân hàn tứ dục Hoa Thanh trì,
     Ôn tuyền thủy hoạt tẩy ngưng chi
     Ngày xuân lạnh, vua cho tắm ở ao Hoa Thanh
     Nước trơn suối ấm rửa sạch làn da mịn như mỡ đông[2]

Khách sẽ ngỡ ngàng nhận thấy Hoa Thanh cung được xây dựng tương tự như các cung điện dành cho các vị công hầu La Mã tận hưởng thú tắm rửa. Phải chăng Con đường tơ lụa đã du nhập cả nền văn hóa này đến Trường An? Dương Quí Phi xinh đẹp và quyến rũ như thế nên Đường Minh Hoàng mê mẩn, quên việc triều chính. Năm 756 một võ tướng của nhà vua làm phản, Đường Minh Hoàng đem theo mỹ nhân chạy trốn về phía Tây Nam. “Tây xuất đô môn bách dư lý” (Ra khỏi kinh đô hơn trăm dặm về phía Tây), trước phản ứng của quân dân, họ cho nàng là mầm đại loạn, Đường Minh Hoàng đành phải hy sinh người đẹp, “Uyển chuyển nga mi mã tiền tử” (Gái mày ngài phải quằn quại chết trước ngựa). Chỗ nàng chết là gò Mã Ngôi, địa danh nổi tiếng trong văn học Trung Hoa.

Về sau Đường Minh Hoàng khôi phục lại ngôi vua, trở về Trường An, nhưng lòng thương nhớ Dương Quí Phi không nguôi. Ông cho đạo sĩ sục tìm hồn phách của nàng trong suốt “bích lạc, hoàng tuyền” (mây biếc suối vàng) đều chẳng thấy. Cuối cùng trong ngọn núi tiên nọ, đạo sĩ tìm ra một tiên nữ tên là Thái Chân, hao hao giống nàng. Nghe nói sứ của vua Hán đến, nàng bồi hồi đứng dậy, “Ngọc dung tịch mịch lệ lan can” (Vẻ ngọc u hoài, nước mắt chứa chan). Nàng nhìn lại cõi “trần hoàn” thì chỉ thấy bụi khói mịt mù. Thế nhưng nàng nhắn lại nhà vua:

Dạ bán vô nhân tư ngữ thì:
     Tại thiên nguyện tác tị dực điểu
     Tại địa nguyện vi liên lý chi

Nửa đêm vắng người là lúc thề riêng với nhau
      Trên trời, xin làm đôi chim liền cánh
      Dưới đất, xin làm đôi cây liền cành[3]

Hoa Sơn nằm ở ngoại ô thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, với năm đỉnh núi chính, trong đó đỉnh cao nhất (2.154,9 m) là ngọn Nam Phong (ở phía Nam) hay còn được gọi là Lạc Nhạn.

Từ trên đỉnh Hoa Sơn Bắc phong, khách nhìn xuống cõi “trần hoàn” và chỉ thấy vách đá dựng đứng và mây trắng mịt mù. Khách lẩm bẩm hai câu thơ cuối, bồi hồi nhìn quanh và phát hiện một phiến đá tạc mấy dòng chữ “Hoa Sơn luyện kiếm, Kim Dung đề”.

Thì ra lão tác gia Kim Dung đã lên đến đây! Đúng thôi, tác phẩm Tiếu ngạo giang hồ của ông làm hàng triệu người say mê, trong đó Tây Nhạc Hoa Sơn đóng một vai trò then chốt. Đến Hoa Sơn người ta phải nhớ đến chàng Lệnh Hồ Xung và kiếm thuật xuất quỉ nhập thần của chàng. Hoa Sơn là quê hương của kiếm thuật. Đó là lý do mà dưới chân núi có vô số hàng quán bán đủ loại kiếm, kiếm gỗ, kiếm thép cho khách thập phương.

Lấy Ngũ Nhạc làm nền cho câu chuyện trường thiên của mình, Tiếu ngạo giang hồ cũng phản ánh cõi “trần hoàn” bằng cách mô tả những trận chiến long trời, những mưu đồ bá vương thâm độc. Thế nhưng ngay trên đỉnh Hoa Sơn này, Kim Dung cũng cho diễn ra một mối tình bi thảm.

Trong giới nữ nhân ít ỏi luyện kiếm tại Hoa Sơn có một nàng con gái tên gọi là Nhạc Linh San. Nàng được đại sư huynh của mình là Lệnh Hồ ca ca, một chàng trai đầy lòng nghĩa hiệp, yêu thương tha thiết. Nhưng trái tim thường không chịu theo tiếng gọi của lý lẽ, nàng không hề đáp lại mà lại yêu một gã Lâm Bình Chi, võ công non kém, lòng đầy hiểm ác. Trong bối cảnh tranh giành quyền lực và ngôi vị với sự tham dự của cha và chồng, càng ngày Linh San càng bị sa vào đường cùng. Cuối cùng nàng bị chính chồng mình giết chết nhưng lòng không chút oán hận, mà lại còn nhờ đại sư huynh bảo vệ cho người nàng trót yêu thương. Dù biết bộ mặt thật của Bình Chi nhưng nàng vẫn sẵn sàng thốt nên lời thề như Dương Quí Phi vì có lẽ trong tận cùng tâm khảm, nàng biết rõ Bình Chi cũng chỉ là nạn nhân của lòng tham quyền lực, một bản năng sâu kín của người đàn ông, một điều mà cha nàng vô cùng thèm khát và hẳn đã tác động lên Bình Chi.

Dòng chữ “Hoa Sơn luận kiếm” do chính tay Kim Dung tiên sinh chấp bút. 

Dường như phụ nữ châu Á dễ tha thứ cho tình quân của mình, khi họ biết rằng người mình yêu cũng chỉ là sự tổng hòa của tất cả lòng say mê vốn chứa đầy nhân tính. Khách nhìn quanh và chợt thấy rất ít người nước ngoài trong số hàng vạn người chen chúc trên các đường đi nhỏ hẹp và hiểm trở của Hoa Sơn. Trong Ngũ Nhạc, Hoa Sơn được người Trung Hoa yêu chuộng nhất có lẽ không phải chỉ vì rặng núi này hùng vĩ nhất mà vì Hoa Sơn gần với lòng người nhất. Nếu các ngọn kia của Ngũ Nhạc nằm xa đời sống nhân sinh thì Hoa Sơn là kẻ chứng kiến mọi đổi dời của lịch sử Trung Quốc thời cổ đại, trong đó không hề thiếu lòng say mê quyền lực và những mối tình bi thảm.

Toàn bộ ngọn núi được cấu tạo bằng đá hoa cương, với hình dáng dựng đứng và xòe rộng như một bông hoa nên được đặt tên là Hoa Sơn. Đỉnh chính của dãy Hoa Sơn cao đến 2.083m.
Trên đỉnh Hoa Sơn, khách bỗng phát hiện một điều kỳ lạ. Dọc theo những sợi dây, cột kèo, bất cứ chỗ nào có thể treo móc được là hàng ngàn hàng vạn cặp ổ khóa nằm bên nhau. Những cặp ổ khóa này được gài chặt với nhau, có cái đã hoen rỉ từ đời kiếp nào, có cái còn bóng loáng mới tinh. Thì ra đó là phong tục “thề non hẹn biển” của những cặp tình nhân Trung Hoa. Họ đưa nhau “lên non”, đứng trước đất trời thiêng liêng và hẳn cùng thốt nên một lời thề “như chim liền cánh, như cây liền cành”. Thề xong, họ ném hai chiếc chìa khóa xuống núi vì không ai muốn mở ổ khóa đó ra nữa.

Tây Nhạc Hoa Sơn thiêng liêng chắc chắn chứng minh cho lòng thành của họ nhưng trong số hàng vạn cặp tình nhân đó hẳn không khỏi xảy ra những cuộc tình bi đát. Lịch sử vẫn hay lặp lại, cả trong những con người nhỏ bé vô danh.



 


[1] Xem bản đồ trong chương "Ngọc Môn quan". Hoa Sơn nằm ở phía Đông Nam.

[2] “Ngưng chi”: mỡ đông, theo cách nói của người đời xưa. Có người hiểu “ngưng chi” là “còn đọng phấn son”. Khái niệm “mỡ đông” có thể làm người đọc ngán ngẩm, nhưng tiêu chuẩn mỹ nhân của thời nhà Đường là mập mạp.

[3] Trong bài này nguyên văn chữ Hán và lời dịch Việt ngữ được trích từ Lê Nguyễn Lưu: Đường Thi tuyển dịch, tập II, Nhà xuất bản Thuận Hóa, 1997.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét