Thứ Ba, 6 tháng 4, 2021

Hỏa Diệm Sơn

 

Hỏa Diệm Sơn

Nguyễn Tường Bách

Khác với đa số các vùng dân cư khác ở Trung Quốc, tỉnh Tân Cương là một vùng đất rộng người thưa. Nằm phía Đông Bắc Trung Quốc, Tân Cương có diện tích khoảng 1,6 triệu ki-lô-mét vuông, rộng gần gấp năm lần nước Việt Nam. Trong một vùng đất mênh mông như thế chỉ có 18 triệu dân, trong đó người Hán không đến quá nửa. Phần còn lại là người của các dân tộc Uyghur, Kazak mà giọng nói và nước da của họ làm khách liên tưởng đến người Nga hay Thổ Nhĩ Kỳ. Mà quả thật, Tân Cương thực ra nằm trong vùng địa lý và văn hóa các nước Trung Á. Địa thế hiểm trở và khí hậu khắc nghiệt của vùng này hầu như chỉ thích hợp cho dân sống trên lưng ngựa như người Mông Cổ. Urumqi, thủ phủ của tỉnh Tân Cương, đô thành ở cực Tây của Trung Quốc, chiếm một kỷ lục buồn: Không đâu trên thế giới có nơi nằm xa bờ biển như thành phố này. Qua đó ta có thể biết khí hậu của Tân Cương là khí hậu đặc trưng của lục địa, mùa đông nhiệt độ có thể xuống đến -20°C.

Làng Mazha của người Uyghur (Duy Ngô Nhĩ)

Thế nhưng nơi nóng nhất của Trung Quốc không hề nằm tại miền Nam như Vân Nam hay Quảng Tây mà lại ngay tại Tân Cương. Rời Urumqi đi xe lửa về phía Đông chưa đầy 200km, khách sẽ đến một địa danh tên gọi là Turpan mà có người dịch âm là “Thổ-lổ-phàn”. Đến gần Turpan khách sẽ bắt đầu cảm thấy một hơi nóng khủng khiếp. Xa xa sẽ hiện ra một ngọn núi màu đỏ hồng được mệnh danh là Hỏa Diệm Sơn mà hướng dẫn viên nói tiếng Anh gọi là “Flaming Mountain”. Khi xe chạy đến gần, khách mới biết đây không phải chỉ là một ngọn núi mà cả một dãy núi với chiều dài khoảng 100km, chiều rộng 9km và điểm cao nhất đo được 831m so với mặt nước biển. Đứng bên chân Hỏa Diệm Sơn, khách biết mình đang đến chỗ được xem là điểm nóng nhất Trung Quốc. Thật vậy, Tân Cương vào ngày hôm đó nóng chừng 27°C thì tại Hỏa Diệm Sơn, nhiệt kế chỉ 42°C.

Tại sao trời sinh hòn núi màu đỏ quái dị với sức nóng lạ thường này? Điều này chỉ có Tôn Hành Giả mới trả lời được. Bên sườn núi sắc hồng của Hỏa Diệm Sơn, khách nghe lại hồi thứ 59-60 của Tây Du Ký. Không phải chỉ khách thôi mà bản thân Tôn Hành Giả cũng phải nghe lại mới nhớ. Thực ra Lão Tôn cũng đã quên tội lỗi tày trời của mình. Lúc tra hỏi vị Thổ Địa vùng này, Tôn Hành Giả mới được nhắc nhở “Nguyên thuở xưa không có hòn núi nầy, từ khi Ðại Thánh bị Lão Quân bỏ vào lò bát quái mà đốt, Ðại Thánh nhảy ra đá lò đổ than và rớt ít tấm gạch xuống đất, mới hóa ra núi nầy”. Té ra hòn núi này là gạch xây lò từ Thiên đình rơi xuống. Vị Thổ Địa này cũng khổ sở than thở: “Còn tôi là đạo sĩ giữ lò bát quái, bị Lão Quân bắt tội không trông coi cho kỹ nên đày xuống làm Thổ Ðịa Hỏa Diệm Sơn”. “Tấm gạch” nhỏ bé của Thái Thượng Lão Quân rớt xuống trần liền biến thành một dãy núi lửa dài “tám trăm dặm, lửa bốc cao ngàn trượng”, theo Ngô Thừa Ân, tác giả của Tây Du Ký. Dãy núi lửa này cản đường đi thỉnh kinh của thầy trò Tam Tạng. Muốn qua khỏi núi, Tôn Hành Giả phải mượn cho được chiếc quạt Ba Tiêu của Thiết Phiến công chúa vì chỉ cái quạt thần này mới quạt tắt được núi lửa. Nàng công chúa này không phải là chỗ hoàn toàn xa lạ. Nàng là vợ chính của Ngưu Ma Vương mà ông tướng hình con trâu này chính là người anh kết nghĩa của Lão Tôn “năm trăm năm trước”.

Thiết Phiến công chúa với chiếc quạt Ba Tiêu.
Tượng tại Hỏa Diệm sơn.

 Tôn Hành Giả tìm gặp Thiết Phiến công chúa, gọi nàng là “tẩu tẩu” cho thân mật để dễ bề xin mượn chiếc quạt. Nào ngờ Thiết Phiến nhất định cự tuyệt. Sau khi bị Tôn Hành Giả dùng kế trấn áp, nàng đành cho mượn chiếc quạt, nhưng đó chỉ là chiếc quạt giả. Với chiếc quạt giả, Tôn Hành Giả càng quạt, lửa càng bốc cao. Muốn lấy quạt thật, Tôn Hành Giả phải tìm đến động của Ngưu Ma Vương. Tây Du Ký nói rõ là lúc Tôn Hành Giả đến, Ngưu Ma Vương đang “nằm đọc sách trong phòng”. Hai bên không chịu nhường nhịn, đánh nhau bất phân thắng bại. Cuối cùng nhờ lực lượng cứu viện của Bồ tát mà Ngưu Ma Vương mới chịu thua và bảo vợ cho mượn quạt Ba Tiêu. Trong cuộc chiến, Ngưu Ma Vương bị cắt đầu cả chục lần nhưng vẫn mọc lại đầu mới. Cuối cùng, lúc bị Na Tra xỏ mũi, Ngưu Ma Vương mà tướng tinh là con trâu trắng mới thuần phục.

Thiên Phật động Bezeklik trên các vách núi,
 bên dưới Hỏa Diệm Sơn

Khách ngẩn ngơ nhìn quanh và trở về với nhân thế. Hỏa Diệm Sơn là một ngọn núi chứa đầy sa thạch đỏ nên mang sắc hồng nhạt. Nhưng sa thạch không phải là nguyên nhân của sức nóng. Cái nóng khác thường tại rặng núi kỳ dị này là do nó nằm ngay tại Turpan mà Turpan là một vùng trũng, một lòng chảo khổng lồ. Nằm ở miền Nam rặng núi Thiên Sơn quanh năm phủ tuyết, Turpan có một diện tích khoảng 70.000km2, trong đó khoảng 4.000km2 với ngọn Hỏa Diệm Sơn nằm thấp hơn mực nước biển. Điểm thấp nhất của Turpan nằm khoảng 154m dưới mặt biển, nơi đó có một cái hồ tên gọi là Aydingkol. Đó là hồ đứng hạng nhì trên thế giới về mực nước thấp, chỉ thua Dead Sea (Biển Chết) tại Jordan với mức nước 391m thấp so với biển. Lòng chảo Turpan hút hơi nóng như một chiếc thấu kính khổng lồ nên nhiệt độ có lúc lên đến 50°C, là nơi nóng nhất Trung Quốc. Cát đá sa mạc tại vùng Turpan có khi nóng trên 80°C, có thể làm chín trứng gà. Nhưng tại sao đây lại là lòng chảo, hay chính vì gạch của Lão Quân rơi xuống làm lõm đất? Khách nhớ tới Trang Tử, không biết mình là ai, không biết Hỏa Diệm Sơn là mộng hay thực.

Khách giật mình nhớ lại mình đang sống trong thế kỷ XXI. Cách đây 13 thế kỷ, Sầm Than (715–770), một nhà thơ đời Đường sống tại miền biên giới xa xôi, viết như sau về ngọn Hỏa Diệm Sơn mà ông đặt tựa đề bài thơ là Kinh hỏa sơn:

Xích diễm thiêu lỗ vân,

Viêm khí chưng tái không.

Bất tri âm dương thán,

Hà độc nhiên kỳ trung?

 

Lửa đỏ thiêu tầng mây,

Khí nóng hun biên tây.

Than âm dương nào biết,

Sao chỉ đốt nơi này?[1]

Sầm Than tự hỏi “Than âm dương nào biết?” và người trả lời chính là Ngô Thừa Ân (1506–1582), kẻ sống sau nhà thơ khoảng chừng tám trăm năm. Hẳn Ngô Thừa Ân đã lấy cảm hứng từ ý tưởng “than âm dương” của Sầm Than để sáng tạo ra lò bát quái của Lão Quân và để cho kẻ đạp đổ lò, làm văng than củi lẫn gạch xây lò không thể là ai khác ngoài Tôn Hành Giả.

thầy trò Đường Tăng khi đi ngang qua Hỏa Diệm Sơn 

Tây Du Ký là kiệt tác cổ điển của văn học Trung Hoa, được người đời yêu mến từ hàng trăm năm nay. Ngày nay tại Trung Quốc, hình ảnh Tam Tạng đi Tây Trúc thỉnh kinh vẫn phổ biến, nhất là trong các tỉnh phía Tây, nơi Huyền Trang đã hơn một lần dừng chân. Tại Lan Châu, bên bờ sông Hoàng Hà, tại một nơi mà có lẽ ngày xưa Huyền Trang đã băng qua một bến đò để đi về hành lang Hà Tây, du khách sẽ tìm thấy một đoàn người ngựa bằng đất, diễn tả những khuôn mặt hết sức khác nhau của Tam Tạng và các vị đệ tử. Lòng nhân hậu, óc mưu trí, tính lười biếng, chí xả thân và bản năng sinh tồn, vốn là những cơ sở trong cấu trúc của tâm lý con người, được thể hiện thành những nhân vật riêng biệt.

Tại chân Hỏa Diệm Sơn, khách lại nhìn ngắm những tượng hình hết sức sinh động của Tôn Hành Giả, Ngưu Ma Vương, Thiết Phiến công chúa... để nhớ rằng phép nhân cách hóa là một trong những nét cơ bản nhất của tôn giáo và triết học Trung Quốc, thậm chí của cả loài người. Cũng như thần thoại Hy Lạp, toàn bộ quan niệm Ngọc Hoàng, Vương Mẫu, Thiên đình, Địa phủ của thần thoại Trung Hoa được xây dựng trên cách tổ chức của xã hội con người. Sự vận động nội tại của vũ trụ được biểu tượng hóa bằng một hệ thống có vua có quan, có thưởng có phạt. Trong khuynh hướng nhân cách hóa đó, tác giả tài tình nhất của văn học Trung Quốc hẳn là Ngô Thừa Ân với những nhân vật của ông. Phần lớn độc giả đều biết Tôn Hành Giả là biểu tượng phần ý thức của con người, nhân vật này chính là hiện thân của óc khôn ngoan mưu trí, của sự chuyển biến đầy nhạy cảm của tư duy. Vì thế Ngô Thừa Ân chọn dạng khỉ cho Tôn Hành Giả là vô cùng khéo léo, đúng như tính chất "vượn chuyền cành" của ý thức. Nhưng ít ai biết một mặt khác của ý thức, nó còn có dạng chậm chạp của trâu, là "anh kết nghĩa" của khỉ, với dạng xuất hiện là Ngưu Ma Vương "nằm đọc sách". Sách vở có thể mang lại tri kiến nhưng cũng là nguồn gốc của sự bảo thủ. Một khi ý thức trở thành cố chấp thì sức trì trệ của con trâu lầm lì đó có thể "phá nương rẫy của người" như các bức tranh Thập mục ngưu đồ đã cho thấy.

Chỉ khi nào Tôn Hành Giả trở thành kẻ Ngộ được tính Không như danh tính Đường Tam Tạng đặt cho, khi Ngưu Ma Vương không mọc những cái đầu của cố chấp nữa, được Na Tra dùng chính niệm hướng dẫn, lúc đó thì lửa phiền não mới tắt. Sau khi lửa tắt, Tôn Ngộ Không quạt cây quạt Ba Tiêu 49 cái thì “mưa rơi xuống núi dầm dề”.

Ngày khách đến, Hỏa Diệm Sơn không đến nỗi “lửa cao ngàn trượng” nhưng cũng vẫn là một trong những nơi nóng nhất trên mặt đất, xung quanh đầy cát đá sa mạc. Tâm và cảnh chỉ là một. Khách biết rằng mình chỉ là một con người bình thường, biết còn lâu mới có được trạng thái “thanh lương” của mưa núi dầm dề, biết lòng mình còn pha sắc đỏ của hồng sơn sa thạch.

 


[1] Bản dịch Việt ngữ trích từ  Con đường tơ lụa của Xa Mộ Kỳ, Nguyễn Phố dịch, Nxb. Trẻ 2000.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét