Thứ Bảy, 17 tháng 4, 2021

Chuột rút

Cao Hành Kiện sinh ngày 4 tháng Giêng, 1940. Ông là một nhà văn, nhà viết kịch, nhà phê bình người Trung Quốc đầu tiên và là công dân Pháp thứ 13 được trao Giải Nobel Văn Chương trong suốt 100 năm qua. Ông cũng còn được biết đến với tư cách là một dịch giả, đạo diễn sân khấu và họa sĩ.

Ông sinh ra và lớn lên ở Cống/ Cám Châu, Giang Tây, Trung Quốc. Ông tốt nghiệp trường Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh năm 1962 ngành tiếng Pháp. Sau khi tốt nghiệp ông được phân công đến Cục xuất bản ngoại văn làm phiên dịch. Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa (1966-1976) ông đã bị đưa vào trại học tập cải tạo và phải âm thầm thiêu hủy cả một va-li đầy bản thảo tác phẩm của mình, trong đó có một vài cuốn tiểu thuyết chỉ chờ ngày xuất bản và 15 vở kịch. Sau đó, ông bị gửi vào trại cải tạo giáo dục mất 7 năm. Năm 1975 ông trở về Bắc Kinh, làm việc tại Cục xuất bản Ngoại văn. Đến năm 1978 ông nhận chức phiên dịch cho Hiệp hội tác gia Trung Quốc. Năm 1980, ông về làm công tác biên kịch tại Kịch viện Nghệ thuật Nhân dân Bắc Kinh. Cao Hành Kiện là một trong những văn nghệ sĩ tiền phong của Trung Quốc đã cổ vũ, đấu tranh cho quyền sáng tác văn nghệ tự do và đích thực. Chính phủ Trung Quốc đã từng coi ông là một phần tử chống đối và các tác phẩm của ông đã bị cấm lưu hành từ năm 1986. Ông đã bỏ Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1989 sau vụ thảm sát Thiên An Môn.

Năm 1988, ông sang Pháp sinh sống và nhập quốc tịch Pháp từ 1998, hiện cư ngụ tại ngoại ô Paris, khu Bagnolet. Mười chín năm sống ở Pháp, ông đã tập trung vào viết sách, soạn kịch và triển lãm nghệ thuật. Vào năm 1992 ông đã giành được giải Chevalier de l’Ordre des Arts et des Lettres (Huân chương về Văn học và Nghệ thuật) của Chính phủ Pháp. Sau khi ông đoạt giải Nobel năm 2000, báo chí Trung Quốc không rầm rộ về việc này, nhưng tờ báo ra hằng ngày Tin tức buổi chiều Dương Thành (羊城晚報 “Dương Thành vãn báo”), vào năm 2001, trong một cuộc chỉ trích về Linh Sơn đã gọi ông là một “nhà văn dở tệ” và nói rằng việc ông đoạt giải Nobel thật là lố bịch.

Linh Sơn là một tác phẩm nổi tiếng của ông, tổng hợp nhiều hình thái và thể loại văn chương gồm hồi ký, chuyện tình, phóng sự xã hội, thực tế, hư cấu, triết lý, đối thoại, độc thoại… hoà quyện vào nhau. Giáo sư Lee Mabel, người dịch tác phẩm Linh Sơn sang tiếng Anh (Soul Mountain) đã nhận định: “Linh Sơn là câu chuyện của người đi tìm sự an bình và tự do bên trong”.

Cao Hành Kiện còn là một họa sĩ vẽ tranh thủy mặc độc đáo. Ông đã cho tổ chức khoảng 30 cuộc triển lãm tranh khắp nơi trên thế giới và nhận được nhiều lời khen ngợi.

Tranh thủy mạc của Cao Hành Kiện

Chuột rút 
Cao Hành Kiện
Nguyễn Hồi Thủ dịch

Truyện ngắn

Dĩ nhiên nó nghĩ rằng mình có thể bơi xa hơn, nhưng từ bờ ra mới được một cây số, nó đã cảm thấy bị chuột rút. Chuột rút bắt đầu ở bụng. Lúc đầu, nó chỉ tưởng bị đau bụng và nếu cứ tiếp tục cử động thì rồi sẽ hết. Nhưng bụng dưới của nó càng lúc càng căng ra và nó không bơi tiếp được nữa. Nó lấy tay sờ bụng và bắt gặp phía bên phải một cục cứng. Nó biết ngay là các bắp thịt bụng đang co lại vì nhiễm lạnh. Trước khi nhẩy xuống nước, nó đã không khởi động cho người nóng lên như thường lệ.

Sau bữa cơm tối. Nó đã rời cái toà nhà trọ trắng để ra bãi. Trời vào thu và gió đã lên. Mùa này ít ai còn đi bơi vào buổi tối, họ thường túm năm tụm ba trong nhà tán chuyện gẫu hoặc đánh bài.

Trên bãi biển, bọn trẻ, con trai, con gái, nằm nghỉ trưa nay chỉ còn năm sáu mống, chúng đang đánh bóng chuyền: một cô gái mặc áo tắm đỏ giữa các chàng trai quần còn sũng nước. Bọn chúng cũng vừa mới từ dưới biển lên vì cái lạnh của nước mùa thu.

Dọc bờ biển không còn ai tắm cả. Nó đã nhẩy ùm xuống biển, không ngoái lại, nhưng vẫn hy vọng rằng cái cô bé kia sẽ dõi mắt nhìn theo nó. Bây giờ nó không còn có thể nhìn thấy bọn trẻ ấy nữa. Nó quay mặt lại, hướng về phía ánh sáng; mặt trời đang xuống dần trên dẫy núi và sắp sửa khuất sau ngọn đồi phía đầu hồi ngôi nhà nghỉ. Những tia sáng cuối cùng của mặt trời sắp tắt càng chói chang. Chúng toả xuống mặt nước phản chiếu làm mọi vật đều mờ ảo: Cái đầu hồi của căn nhà trên đỉnh đồi, bóng hàng cây bên bờ biển và bóng của ngôi nhà nghỉ sừng sững như một chiếc tầu lớn nhiều tầng. Và bọn trẻ, không biết chúng còn đánh bóng chuyền không nhỉ? Nó lấy chân khua nước.

Chung quanh nó chỉ có tiếng thì thầm của sóng và những bọt biển trắng trên biển đen, không thấy một tầu đánh cá nào quanh chân trời. Nó quay người lại, cứ để cho sóng cuốn đi. Ở xa xa, nó thoáng thấy trên những làn sóng một điểm đen. Ðúng lúc đó nó bị lôi tuột xuống giữa hai con sóng. Thế là nó không nhìn thấy mặt biển nữa. Nước bắt đầu đen như mực, trơn và bóng hơn cả vải sa-tanh. Bụng nó càng co lại dữ tợn hơn. Nó nằm phơi người trên nước để nghỉ rồi lấy tay xoa bóp phần cứng ở bụng. Cơn đau dịu dần. Trước mắt nó, trên nền trời chênh chếch, một đám mây lờ lững như một cụm bông; gió ở trên kia chắc thổi còn mạnh hơn nhiều!

Cứ để cho sóng nhồi, lúc lên đỉnh lúc xuống đáy như kiểu này chắc chắn không phải là một giải pháp hay. Nó phải gấp rút bơi vào bờ. Nó lại úp người xuống, quẫy mạnh hai chân để vượt sóng và trườn ra phía trước. Nhưng cái bụng đau lúc nẫy hơi đỡ giờ lại râm ran. Rồi cơn đau quặn lên một cách nhanh chóng đến nỗi làm nó tưởng chừng tất cả bên sườn phải cứng đơ lại. Tức thì nước ùa tràn ngập đầu, nó không còn nhìn thấy gì ngoài một mầu xanh đen của biển, hoàn toàn trong và yên tĩnh nếu không có đám bọt nước thổi ra khi thở. Nó nhô đầu lên mặt biển, hấp háy mắt cho nước rơi ra. Nó vẫn không nhìn thấy bờ. Mặt trời đã biến mất, chỉ còn bầu trời phía đỉnh đồi là ánh lên một mầu hồng. Nó bắt đầu chìm xuống, cơn đau làm nó cong người lại. Nó huơ tay nhoai người ra, nhưng khi hít hơi vào thì đã uống phải một ít nước mặn chát. Lúc ho dội ra, nó nghe như có một cái kim đang đâm sâu vào bụng. Một lần nữa nó lại phải nằm ngửa trên nước, dang cả chân tay ra để nghỉ, cuối cùng lúc duỗi người ra, nó mới cảm thấy cơn đau dịu xuống. Bầu trời trên cao bắt đầu tối đen lại. Không biết bọn trẻ có còn chơi bóng chuyền? Tất cả tình thế có thể còn tuỳ thuộc vào bọn chúng. Không biết cô gái mặc áo tắm đỏ có để ý là nó đã nhẩy xuống bơi không? Bọn trẻ có để ý quan sát biển? Còn cái điểm đen xa xa đằng sau nó là một con tầu hay một thứ gì trôi nổi từ trong bờ ra? Nhưng dầu sao đi nữa, ai hơi đâu chú ý đến cái vật ấy? Nó chỉ có thể tự lo liệu lấy thân mình mà thôi. Nó cũng có thể kêu lên, nhưng cứ nghe tiếng sóng đều đặn và liên tục như thế này, một nỗi cô đơn sâu thẳm như chưa bao giờ nó cảm thấy bỗng vây phủ lấy nó. Người nó chợt nghiêng hẳn đi, nó vội vã lấy lại thăng bằng.

Thế rồi một dòng nước lạnh buốt xuyên qua người nó và từ từ cuốn nó đi. Nó nằm sấp xuống, dùng tay trái bơi, tay phải ôm bụng. Nó vừa đập chân, vừa xoa bóp một bên bụng, cơn đau vẫn còn đó, nhưng xem chừng có thể chịu đựng được. Nó hiểu rằng chỉ có thể thoát khỏi cái dòng nước lạnh này với sức của hai chân mình. Nó phải cố chịu đựng tất cả, ngay những thứ dường như không thể nào chịu nổi. Ðó là cách duy nhất để thoát. Nó không muốn quá bi thảm hoá hoàn cảnh hiện thời. Nhưng dù sao đi nữa bụng đang bị vọp bẻ và nó đang ở trên nước sâu, cách bờ những một cây số. Thật ra, nó không rõ mìmh đang cách bờ một cây số hay không, nhưng nó biết đang bị nước cuốn trôi dọc theo ven biển. Cuối cùng đôi chân nó cũng đã thắng được cái dòng nước lạnh. Nó phải bơi được vào bờ nếu không muốn như cái điểm đen trên sóng kia, cái điểm đen giờ này đã biến mất trong nước biển đen.

Nó phải ráng mà chịu đau, cố giữ cho lòng bình thản, bơi mạnh bằng chân, Không được ngơi nghỉ, lơi là, và tối kỵ không được hốt hoảng. Nó phải phối hợp một cách hoàn hảo nhất những động tác của chân, hơi thở và xoa bóp bụng. Ngoài những việc này, nó không được phép nghĩ đến gì khác, và phải đuổi xa những ý nghĩ lo sợ.

Mặt trời xuống nhanh chóng, bóng tối bao trùm lấy biển, thế mà nó vẫn chưa nhìn thấy ánh sáng trên bờ. Ngay cả bãi biển cũng không còn rõ ràng, đường cong của ngọn đồi cũng thế... Chân của nó đụng vào một cái gì đó! Nó co người và cơn đau lại xuyên qua bụng dưới. Nó quơ chân nhè nhẹ: Chân nó bị cái gì đó quấn ngứa ran ở mắt cá; nó đã đụng vào râu của một con sứa. Ðúng thế, nó đã thoáng thấy trong nước một hình thù. Cái khối xam xám giống một cái ô với những mép có màng. Ðúng là nó hoàn toàn có thể tưởng tượng rõ ràng các đường viền và đếm được từng khoang trên những cái râu con vật. Những ngày gần đây, bắt chước những đứa trẻ bên bờ biển, nó đã đi săn sứa và ướp muối phơi khô. Bên ngoài rìa cửa sổ phòng trọ, nó đã dùng một tảng đá để cán mỏng bẩy con như thế sau khi cào những râu và xát muối. Chỉ vài ngày sau chúng đã trở thành mấy tấm da khô. Nó cũng thế, nó có thể trở thành một bộ da như vậy, một cái xác trôi nổi bập bềnh trên nước chưa chắc gì dạt được vào bờ. Ðáng lẽ phải để cho chúng sống, lòng ham sống của nó lại bùng lên mạnh mẽ, trong tương lai có lẽ nó sẽ không còn bắt sứa nữa; nếu nó vào được đến bờ, thôi chẳng bao giờ nó đi bơi. Nó cố đập chân, tay phải vẫn ôm bụng, nó phải đừng nghĩ ngợi gì, chỉ tập trung vào cái nhịp đều đặn của đôi chân đang bơi. Nó bắt gặp những ngôi sao đang long lanh một cách tuyệt vời. Ðiều này có nghĩa là nó đang đi vào trong bờ. Cái cục cứng ở bụng đã biến mất từ bao giờ, nhưng rất thận trọng, nó vẫn tiếp tục xoa bóp chỗ đó. Tiến độ của nó thật chậm...

Ðến khi nó vào được đến bờ, trên bãi biển đã chẳng còn ai và thuỷ triều đang dâng lên. Nó tin rằng chính nhờ dòng nước đẩy mà nó mới vào được đến bờ. Thân thể trần của nó run lên trong gió. Nó cảm thấy còn lạnh hơn cả lúc ở trong nước. Nó nằm xoài trên bãi, nhưng cát cũng quá lạnh. Nó đứng lên và cắm đầu chạy. Nó háo hức muốn loan cái tin nó vừa chết hụt.

Trong phòng khách nhà trọ, mọi người đang đánh bài. Người này theo dõi mặt người kia, chăm chú vào các lá bài của đối thủ. Chả ai thèm ngửng đầu lên nhìn nó. Nó đi về phía phòng mình, nhưng người bạn cùng phòng cũng không có ở đấy: có lẽ y đang tán gẫu ở bên cạnh. Nó quơ lấy cái khăn mặt mắc trên cửa sổ. Nó biết rằng ở dưới bục cửa kia là những con sứa ướp muối đang còn rỉ nước. Sau đó, nó thay quần áo đi giầy cho ấm rồi lộn ra bãi.

Biển dâng cao trong tiếng ồn ào của sóng. Gió càng thổi mạnh. Những lưỡi sóng xám ùa lên cát sỏi... và lúc lên đến bờ, làn nước đen toả rộng ra nhanh chóng. Không kịp lùi lại, nó bị ướt đôi giầy. Rời khỏi bờ nước, nó thả bộ chầm chậm trên bãi trong bóng đêm. Những ngôi sao không còn nhấp nháy nữa. Bỗng nó nghe thấy tiếng người, giọng con gái xen giữa giọng con trai, rồi lờ mờ thấy ba bóng người. Nó dừng lại. Mấy bóng người đang đẩy hai cái xe đạp. Trên một chiếc, có một cô gái tóc dài ngồi đằng sau trên chỗ đèo hàng. Xem ra họ đẩy xe một cách rất khó khăn, vì bánh xe lún xuống cát. Cả ba không ngừng cười đùa và giọng của cô gái ngồi đằng sau xe đặc biệt mang tiết điệu vui tươi. Họ ngừng lại trước mặt hắn rồi dựng hai chiếc xe đạp vào nhau. Một trong hai người con trai lôi từ sau xe ra một cái túi to đưa cho cô gái. Sau đó họ bắt đầu cởi quần áo. Trông người nào cũng gầy như que củi. Khi hai người con trai cởi quần áo xong, chúng bắt đầu hươ chân múa tay kêu to trên bãi "Chết cóng! Chết cóng!" giữa những chuỗi cười tươi vui của cô gái.

- Chúng ta uống một hớp nào? Cô gái đề nghị, cô đứng tựa người vào hai cái xe đạp.

Hai người kia cầm lấy chai rượu cô gái đưa thay nhau uống rồi trả lại cho cô gái trước khi chạy ra biển.

- AA...!

- A...!

Trong tiếng gầm của sóng, thuỷ triều tiếp tục dâng. - Về ngay nhé! Người con gái kêu lên bằng một giọng cao vút, nhưng chỉ có tiếng thuỷ triều dâng tràn trả lời cô.

Nhờ ánh sáng yếu ớt hắt lên từ biển, nó nhìn rõ cô gái đứng gần những chiếc xe đạp, chống người trên đôi nạng.


Cao Hành Kiện (Giải Nobel Văn chương năm 2000)
nguyên bản tiếng Trung Hoa từ tập "Mua cần câu cho ông ngoại tôi" - Cấp ngã lão da mãi ngư can & Chu mạt tứ trùng tấu, Ðài Bắc, 1996

Nguyễn Hồi Thủ
dịch từ bản tiếng Pháp của Noel Dutrait, nxb Aube, 1997

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét