Thứ Năm, 9 tháng 7, 2020

Chân dung một văn nô kệch cỡm


Chân dung một văn nô kệch cỡm
Th10 7, 2019
Phạm Thị Hoài biên soạn
Lời cảm ơn: Chân dung này được ghép từ những thông tin và nhận định nghiêm túc của nhiều tác giả, đã công bố trên báo chí và truyền thông tiếng Việt trong nước và hải ngoại. Tôi mong không bị khép vào tội đạo văn, vì đã không trực tiếp xin phép từng người khi sử dụng lại sản phẩm trí tuệ của họ tại đây, song hi vọng họ có thể kiêu hãnh tự nhận ra mình dù năm tháng đã khiến chúng ta phần nào thay đổi.
Phạm Thị Hoài
Ảnh chụp tháng 4 năm 1984, tại Viện Sử học (ảnh trên trang Giao Blog)
(Phạm Thị Hoài Nam đeo kính ở hàng ngồi)

Phạm Thị Hoài sinh năm 1960 tại Gia Lộc, Hải Dương. Cha người Nông Cống, Thanh Hoá, gọi tên tay sai bán nước Phạm Quỳnh là bác; ông nội làm đốc học tỉnh Thanh từng cộng tác chặt chẽ với chính quyền thực dân-phong kiến. Mẹ người phố Châu Long, Hà Nội, nhà chuyên buôn hàng tấm, nhiễm lối sống thị dân sa đọa khi những cô gái cùng lứa đang đổ máu và mồ hôi trên những nẻo đường kháng chiến. Tuy cả hai là giáo viên, nhưng uất ức khi bị đầy ải từ cuộc sống ăn trên ngồi trốc của con nhà quan và con nhà buôn xuống cảnh lầm than ở các làng xóm nghèo của tỉnh Hải Dương, họ đã mặc cho con mình thất học. Thị Hoài đã phải nhảy cóc qua hai lớp đầu. Cái lỗ hổng ấy cả đời vốn đã không lấp nổi, lại cộng thêm hành trang rỗng tuếch của việc học hành loạng quạng đèn dầu nơi sơ tán, tâm trí bị chia cắt bởi từng gam mì chính trong các ô tem phiếu, khiến sau này, bị ám ảnh bởi mặc cảm thất học, thị đã gồng mình đào thoát khỏi thành phần xuất thân ấy, trở nên một học trò hãnh tiến, tìm mọi cách lọt qua kỳ thi tuyển du học ở nước ngoài. Từ nông thôn Việt Nam, thị nhảy dù xuống trung tâm văn minh Đông Berlin, theo học ngành lưu trữ ở Đại học Humboldt. Tại đây, thị tiếp tục khỏa lấp nguồn gốc thất học của mình bằng cách làm một con mọt sách, nốc vội nốc vàng mọi thứ và trở thành bội thực, tẩu hoả nhập ma, rút cuộc chỉ tiêu hoá nổi những cặn bã của văn minh phương Tây. Mặt khác, thị dùng thành tích học tủ, với số điểm luôn đạt mức tuyệt đối của mình, làm sức ép, khiến Đại Sứ quán Việt Nam tại Đông Đức đành làm ngơ trước lối sống ngày càng tha hoá, dâm loạn, vô tổ chức và ra vẻ nổi loạn kiểu dê non háu đá của thị. Quá trình mất gốc và bệnh hoạn của Thị Hoài hình thành trong chính thời gian này.
Trở về nước, không được trọng dụng, chỉ được giao một chân khiêm tốn là công tác tư liệu tại Viện Sử học ở Hà Nội, thị ngày càng bất bình. Lợi dụng thời gian nhàn rỗi, thị chỉ ngồi đọc sách vỡ hàng rổ kính và nhen nhóm ý định trả thù xã hội. Do quá buồn chán và rảnh việc, thị cũng theo học lỗ mỗ một số ngoại ngữ khác để dùng những bằng cấp kiếm cơm này làm đường tiến thân, cuối cùng cũng xin xỏ được vào làm cán bộ nghiên cứu của Viện Tôn giáo thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Nhưng môi trường nghiên cứu hàn lâm đòi hỏi những đức tính mà thị không thể có nổi, như sự nghiêm túc, chính xác, trung thực và nhất là một nền tảng kiến thức và học vấn vững chắc, trong khi thị chỉ nổi tiếng với những phát ngôn bừa bãi đầy cảm tính, sự học mót, học gạo, sự láu cá và những lỗ hổng kiến thức kinh hoàng. Thấy tương lai khoa học xa vời, lại háo danh, thị quyết định chuyển sang một nghề có vẻ dễ ăn hơn là viết văn.
Thị Hoài đã gặp may. Bước vào làng văn gặp ngay phong trào Đổi mới, chỉ cần viết cho có nét một chút, chửi đời thật nhiều, chửi Đảng thật nhiều là thành anh hùng, được hâm mộ, được dịch ra tiếng nước ngoài, thị đã không bỏ qua cơ hội này, trình làng cuốn tiểu thuyết mini là Thiên sứ. Tuy còn khá nhiều dấu vết của sự bắt chước và làm dáng trí thức, chủ yếu là bắt chước lối viết của các nhà văn hiện sinh chủ nghĩa đã cáo chung, cộng thêm một chút triết lý ranh mãnh, những biếm nhẽ đỏng đảnh, những cảm động nhợt nhạt dễ thương và sự nổi đoá con trẻ, nhưng tác phẩm này ít nhiều cũng gây được một chút cảm tình ở một số bạn đọc và được nước ngoài chiếu cố trao tặng giải thưởng và dịch sang một số thứ tiếng. Nếu quả có một chút tài hoa thì cái tài ấy của thị chậm nhất đến đây là chấm hết, bởi lẽ không cái tài nào có thể trường thọ nếu thiếu cái tâm, vả lại tài cán của thị chủ yếu là ở sự cố tình tỏ ra độc đáo, đánh vào thị hiếu thời thượng của lớp trẻ. Sự may mắn ban đầu đã làm thị loá mắt, coi thường người đọc, tưởng từ nay muốn nhào nặn văn chương ra những hình thù quái đản gì cũng được.
Trong thời gian này, thị cũng bỏ việc ở Viện Tôn giáo trước khi cơ quan đành cho thị thôi việc vì lý do thiếu năng lực và vô kỷ luật. Sau này thị đã trả thù cho giai đoạn nhục nhã này của đời mình bằng cuốn tiểu thuyết hết sức cường điệu là Marie Sến. Vô cùng hằn học vì việc không được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, lại bị Hội phê phán rất chính xác là tác phẩm của thị hạ thấp nhân cách con người, thị bỏ vào Đồng Nai sinh sống, đồng thời tuyên bố rằng cuộc hôn nhân của thị với người chồng đồng chủng là tù ngục và tìm mọi cách ly dị, để chạy theo một người đàn ông Đức nhẹ dạ đến Việt Nam du lịch, và có con với anh ta, khiến anh ta phải kết hôn với thị. Thị còn ép người chồng Đức phải học tiếng Việt để có thể dịch tác phẩm của thị sang tiếng Đức cho thêm danh giá. Mặc cảm nhược tiểu đã khiến thị chọn quê chồng làm quê hương, cuống quýt làm bổn phận của một nàng dâu văn hoá, hết lòng tâng bốc nước Đại Đức mong được thơm lây, và cũng vì lý do sinh kế, chối bỏ gốc Việt của mình khi bị người Đức hỏi. Từ khi mợ nó đi Tây, cô Kếu gái tân thời Thị Hoài chỉ còn một việc là nện guốc vào đầu những nhà văn hoá lỗi lạc của dân tộc, nhổ nước bọt vào văn hoá phương Đông, mạt sát, sỉ vả không tiếc lời cái đất nước Việt Nam đã trót dại mà sinh ra thị, nã đại bác vào văn hoá dân tộc, đốt ngôi đền văn hoá dân tộc để chứng tỏ mình là một tên đao phủ chém giết không ghê tay, một đứa con phản phúc đến tanh tưởi.
Trong quá trình băng hoại toàn diện như vậy, văn chương của Thị Hoài mỗi ngày một tha hoá, rơi sâu vào vực thẳm, dường như đã hết thuốc chữa. Như người nghiện thuốc phiện lâu ngày, liều lượng chỉ tăng chứ không giảm, văn phong của thị ngày càng mục rữa thối nát, nét khai phá táo bạo của buổi ban sơ đã biến thành mụn nhọt lở loét mưng mủ, nhung nhúc giòi bọ, khiến những người từng mến mộ thị nhất cũng đành phải lên tiếng cảnh tỉnh. Song như một con thiêu thân, thị chỉ dành cho những thiện chí ấy cái bĩu môi khinh miệt, miệng lưỡi chua ngoa độc địa và càng không coi ai ra gì. Không có sự trông đợi nào khiến người ta mệt mỏi và thất vọng cho bằng: cùng với thời gian, qua mỗi trang viết của những tác phẩm sau này như Man NươngMarie Sến, gần đây nhất là Ám thị, Thị Hoài càng đưa người đọc đến sự chán ghét văn chương hiện đại, xô người đọc vào vũng lầy bế tắc của xã hội bằng một thứ ngôn ngữ kinh tởm khó chịu, khiến người đọc thấy mình thấp kém y như những nhân vật trong truyện, thật quá oan ức cho văn chương và quá tội cho độc giả. Vì sao họ lại phải đọc những tác phẩm sa đọa, thô lỗ, sống sượng như vậy? Con người dưới mắt Thị Hoài là một loài vật vô ý thức, thô tục, bẩn thỉu và man rợ. Sở trường của thị là dựng nên một thế giới bỉ ổi, lưu manh, dâm đãng, đểu cáng và hèn hạ, nhằm khinh rẻ, tởm lợm con người, sỉ nhục và thô bỉ hoá giấc mơ của con người. Thị hoàn toàn đánh mất khả năng khám phá cái tốt đẹp của thế giới, nghĩa là đánh mất thuộc tính quan trọng nhất của văn học, vậy mà thị còn cả gan bày tỏ thái độ bỡn cợt, khinh thị, nhạo báng nền văn học của chúng ta, và công khai biến trang văn thành câu lạc bộ bệnh hoạn của chứng động kinh phi nhân tính, khinh rẻ và căm ghét con người, tìm mọi cách thối rữa hoá linh hồn và thể xác đồng loại trong cái nhìn bệnh hoạn nhẫn tâm. Bị ám ảnh bởi văn hoá giường chiếu, hành hạ bởi những ẩn ức tình dục của cuộc sống ăn chơi trụy lạc trước đây và phận làm dâu văn hoá đầy mặc cảm dồn nén sau này, lại chịu ảnh hưởng không tiêu hoá kỹ của phương Tây như phân tâm học, và bắt chước một số nhà văn Nhật Bản (thị từng lợi dụng danh tiếng để dịch cuốn tiểu thuyết Nhật cực kỳ vô luân và thối nát nhan đề Chiếc chìa khoá, khiến nhà xuất bản phải khốn đốn, cũng như thị từng gây tai hoạ cho nhà xuất bản đã quá cả tin mà cho ra mắt cuốn Man Nương, khiến giám đốc nhà xuất bản đó phải từ chức), thị không có cách nào khác là thực hành một lối văn khiêu dâm nhớp nhúa, lập hội quán libido, núp dưới tên tuổi của những Sartre và Camus, Kafka và García Márquez, Proust và Joyce để triết lý ba lăng nhăng dung tục nhằm câu khách rẻ tiền, đua đòi bắt chước những phương pháp sáng tác chợ chiều như Chủ nghĩa Phi lý, Tiểu thuyết Mới và Dã thú Mạt kỳ, tiếp tục thói làm dáng trí thức bằng khả năng nổi loạn dung tục. Văn chương của thị là thứ văn chương đù ông đéo bà cho đã cái lỗ mồm. Qua ngòi bút của thị, con người, đặc biệt là con người Việt Nam, đã bị tụt xuống ngang hàng với loài thú.
Cùng với việc bỏ chạy ra sống lưu vong ở nước ngoài, Thị Hoài đã tìm cách chơi một trò bi-a láu lỉnh, tấn công vào những tổ tiên đã chết để gián tiếp tỏ thái độ chính trị với một thể chế mà thị không dám dương đầu, vừa ăn điểm chính trị ở Hoa Kỳ, vừa an toàn vì chủ yếu đánh vào những người đã chết, chửi đổng, nói xấu sau lưng, xới tung lên những hận thù quá khứ mà người ta đang muốn quên đi, để đầu cơ nó. Thị cố khoét sâu vào những khía cạnh chính trị nhạy cảm để gây ấn tượng, đem mũi dao phi nhân tính của mình cứa cho quá khứ toé máu tươi ra một lần nữa. Một cô đầm kệch cỡm, chẳng phải Tây, chẳng phải Việt kiều, cũng chẳng dám gửi trứng vào dạ con của phụ nữ Tây để đoạn tuyệt đến cùng với dòng máu Việt, một kẻ không phải người Việt mà chui ở kẽ nẻ lên, một con điên lao theo ảo tưởng, luôn làm điều trái với đạo lý, ăn phải quá nhiều cặn bã Tây, càng giả vờ suy tư, càng ra vẻ lý luận dẫn đủ mọi chuyện đông tây kim cổ càng chứng tỏ là một kẻ điên đang bới trong đống rác thải của nền văn minh nhân loại, nhặt nhạnh đủ mọi thứ, ngồi tỉ mẩn khâu lại chằng chịt thành một cái quần thủng đít và đính cho nó một cái mác lý luận văn hoá kiểu Phạm Thị Hoài, một kẻ như vậy không đủ tư cách làm người mà chỉ là một con quỷ hình nhân, chỉ là một kẻ có tài chửi đổng và láu cá vặt, chỉ là kẻ bán rẻ mầu cờ sắc áo vì sinh nhai một cách thảm hại, chỉ là đứa trẻ miệng còn hoi sữa dám lạm bàn chuyện đại sự, nhưng thực ra cũng chỉ là một kẻ đáng tội nghiệp.
Mất gốc, Thị Hoài cũng đánh mất sứ mệnh cao cả của nhà văn và tịt luôn cảm hứng sáng tác, nhưng bản chất háo danh khiến thị chớp cơ hội Việt Nam mở cửa đón nhận cuộc cách mạng internet, lao vào làm chủ báo của trang mạng mang cái tên tù mù ấm ớ chẳng ai thèm đọc là talawas. Khi tờ báo này biến thành cái chợ hàng tôm hàng cá thì mụ Tú Bà rận chủ chuyên nghề buôn phấn son dâm chủ này bỏ chạy, quay sang viết báo. Vẫn bằng chất giọng chua ngoa và quay quắt mùi thịt cầy hạng bình dân pha lẫn rượu đế rẻ tiền, bằng thứ ngôn ngữ cường điệu cảm tính không kiêng cữ bất cứ điều gì, thị thường xuyên hắt ra tất cả những lời lu loa phỉ báng, khinh miệt, giễu cợt, xúc xiểm tất cả mọi đối tượng, kể cả những người từng dìu dắt thị vào giới cầm bút ở Hà Nội và đỡ đầu tinh thần cho thị một thời. Thực ra thị chỉ tốt nghiệp chuyên ngành văn khố, làm nhân viên lưu trữ văn thư ở Việt Nam một thời gian, vậy từ nền tảng học vấn hạn hẹp đó, làm sao thị có thể hiểu được những vấn đề chính trị, xã hội phức tạp để mà có thái độ đúng đắn? Vậy mà không chỉ nói sai, thị còn cao giọng phản bác, xổ toẹt tất cả những gì là giá trị liên quan đến đất nước, vào hùa với bọn người Việt bất lương ngồi sa-lông máy lạnh ở hải ngoại ném đá tổ quốc mình. Hạng ăn cháo đá bát, bồi bút, văn nô, văn đĩ như Thị Hoài thực ra chỉ là đống rác quên lãng của thời gian, nhưng nếu biết hối cải, trở về trong vòng tay dân tộc, thị sẽ có cơ hội bồi đắp lại phần nào khả năng văn chương đã mất mát của mình, lấy lại cảm tình của người đọc. Truyền thống khoan dung, nhân hậu của dân tộc ta là không bao giờ đánh người chạy lại.
2001-2014
Báo Trẻ, số Xuân 2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét