Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2020

VÀI NÉT VỀ VÕ THỊ HẢO QUA LỜI GIỚI THIỆU CỦA UYÊN THAO



VÀI NÉT VỀ VÕ THỊ HẢO QUA LỜI GIỚI THIỆU CỦA UYÊN THAO 

Bút danh Võ Thị Hảo trở nên quen thuộc không chỉ do thái độ bất khuất trước các hiểm họa đe dọa cuộc sống an lành của con người mà còn qua các sáng tác văn học độc đáo từ tố chất nội dung tới phong cách nghệ thuật. 

Võ Thị Hảo sinh ngày 13 tháng 4 năm 1956 tại nguyên quán Diễn Bình, huyện Diễn Châu, Nghệ An, từ năm 1973 là sinh viên Văn Khoa Đại Học Tổng Hợp Hà Nội. 

Sau khi tốt nghiệp năm 1977, Võ Thị Hảo tham gia sinh hoạt báo chí với các vai trò biên tập viên, phóng viên, và năm 2002 được trao vai trò phó tổng biên tập một tạp chí nhưng chỉ sau ba tháng đã rời bỏ chức vụ này, vì từ chối yêu cầu gia nhập Đảng Cộng Sản. 

Năm 1989, Võ Thị Hảo khởi sự góp mặt trong dòng văn học nghệ thuật với các sáng tác ngắn đăng tải trên báo. Năm 1992, tác phẩm đầu tay Biển Cứu Rỗi được xuất bản và Võ Thị Hảo mau chóng xác định vị thế trong làng văn. 

Tới nay, Võ Thị Hảo đã xuất bản gần 20 tác phẩm gồm hầu hết là truyện ngắn, ba kịch bản phim và cuốn tiểu thuyết dã sử Giàn Thiêu. 

Dị sắc hiển lộ của nghệ thuật sáng tác Võ Thị Hảo là cách ly với vùng trời nghệ thuật từng bao trùm sinh hoạt văn học nghệ thuật Việt Nam từ thập niên 1930 mà nét đặc trưng có thể tóm gọn theo một phát biểu trước đây của Nhất Linh: Hai tiêu điểm trong nghệ thuật văn chương là đơn giản và trong sáng.

Hai tiêu điểm đơn giản, trong sáng là đòi hỏi mà người sáng tác văn học không chỉ riêng tại Việt Nam theo đuổi và đã khởi từ nhiều thế kỷ trước so với cột mốc văn học Việt Nam 1930. 
Cho tới thời điểm hiện nay, hai tiêu điểm này chưa rời vị trí chủ đạo, bất kể qua nhiều đoạn đường thời gian từng xuất hiện không ít người nỗ lực mở ra những khung trời nghệ thuật với các đặc trưng mới. 

Võ Thị Hảo chính là một tác giả trong đội ngũ cầm bút chia xẻ ý hướng này. 

Qua các tác phẩm Võ Thị Hảo, hai tiêu điểm đơn giản và trong sáng đã nhường chỗ cho hai tiêu điểm sáng tạo và súc tích. Bất kỳ người đọc nào đến với tác phẩm Võ Thị Hảo cũng dễ dàng nhận ra dị sắc này — từ cách vận dụng ngôn từ đến cách nối kết tình tiết, cách tạo dựng nhân vật và bố cục nội dung. Đây là một ưu điểm biểu hiện tinh thần sáng tạo không ngừng, nhưng cũng chính là một trở ngại cho những ai quen tìm cảm giác hưởng thụ nhẹ nhàng với việc đọc sách. 

Dưới ngòi bút Võ Thị Hảo, không chỉ thứ lớp thời gian, không gian bị đảo lộn, không chỉ ranh giới giữa thực tại và hư ảo bị xóa nhòa, không chỉ xuất hiện các nhân vật đang trần trụi bỗng trở thành huyền hoặc mà ngay chính mỗi ngôn từ cũng chứa đựng nhiều tầng ẩn nghĩa. Người đọc không thể giữ nguyên cảm giác thoải mái với những bước chân dạo nhẹ bên các khóm hoa dọc theo một lối mòn phẳng phiu êm ả mà buộc phải vận động trí não tối đa để định hướng như khi lạc giữa một chặng đường ngổn ngang chướng ngại. 

Nếu từng làm quen với tác phẩm Kafka, hay gần đây hơn, với tác phẩm Herta Muller, dị sắc này có thể không gây bất ngờ, nhưng nếu chưa từng rời xa vùng trời quen thuộc của những Khái Hưng, Nhất Linh… hẳn khó tránh ngỡ ngàng trong giây phút đầu bước vào thế giới nghệ thuật Võ Thị Hảo. 

Tuy nhiên, dị sắc nổi bật trong thế giới nghệ thuật Võ Thị Hảo chính là nội dung do các tác phẩm chuyển đạt. Qua mọi đề tài, Võ Thị Hảo gần như luôn gắn chặt hướng nhìn vào cuộc sống trước mắt. 

Khi kể lại chuyện từ nhiều thế kỷ trước, tác phẩm Võ Thị Hảo vẫn gợi nhắc người đọc về các cảnh ngộ thực tế đang diễn ra với những trầm luân oan nghiệt, những khắc khoải bi thương… khiến dồn dập xô lên những đợt trào cảm xúc nghẹn ngào, phẫn nộ… Cũng tương tự, dù chỉ kể lại một chuyện tình của tuổi học trò hay kể lại cảnh ngộ những cô gái phải vùi lấp tuổi thanh xuân trong một xó rừng hoang giữa sự dày vò của những cơn khát thèm vô phương giải tỏa… luôn vang vọng tiếng gào uất ức về những tàn khốc, những bỉổi của một cõi sống u mê vô cảm, tởm lợm kinh hoàng. 

Trong cõi sống đó, nhung nhúc những con người mang mọi thứ màu sắc, được tô điểm bằng mọi thứ mỹ từ chen chúc giữa hằng hà sa số con người đã hóa dạng oan hồn ngay khi vừa cất tiếng khóc chào đời để dựng nên một thế giới tràn ngập cảnh tượng điên rồ man rợ với mức độ hoang dại, hung ác vượt xa cả nếp sống của mọi loài dã thú — một cõi sống không những tước đoạt hết thẩy nhu cầu sống tối thiểu của con người mà còn cuồng nhiệt xô đẩy con người biến thành quỷ dữ… Đó chính là cuộc sống kéo dài trên đất nước Việt Nam từ gần một trăm năm trước tới nay. 

Qua ấn tượng của từng tình tiết trần trụi hoặc mơ hồ, của từng ngôn từ sắc như một nhát chém hoặc dịu ngọt như một lời thơ nhưng luôn mang nhiều tầng ẩn dụ, Võ Thị Hảo cho thấy cuộc sống đó đã buộc nhiều thế hệ hiền lương phải từ bỏ thân phận con người để biến thành công cụ hèn mạt, nhơ nhuốc qụy lụy cúi đầu trước một bầy đồng loại đã hiến dâng tim óc cho ác quỷ luôn vênh váo tuyên xưng độc quyền nắm giữ trong tay cẩm nang thần bí nhiệm màu sẽ mở cửa Thiên Đường. 

Chính từ dị sắc này, tác phẩm Võ Thị Hảo đã cùng lúc mang hai hình vóc, vừa là lưỡi gươm bênh vực các thân phận bị đọa đày vừa là chướng ngại trên nẻo đường của những thiên-thần-ác-quỷ. Cho nên, ngay trong lúc tác phẩm Võ Thị Hảo được người đọc đón chờ cũng là lúc tác phẩm Võ Thị Hảo bị loại bỏ khỏi thị trường chữ nghĩa — mà thực tế đã cho thấy qua sự kiện hai tác phẩm mới nhất của Võ Thị Hảo, Ngồi Hong Váy Ướt và Dạ Tiệc Quỷ, đều bị cấm xuất bản tại Việt Nam. 

Cả hai hình vóc trên không hoàn toàn cách biệt với đối tượng Võ Thị Hảo, nhưng hình thành từ một căn bản xa thẳm với căn bản không thể thiếu khi nhận định về một tác phẩm nghệ thuật nên đã thu gọn tầm nhìn theo giới hạn chủ quan do các vị thế phân lập trong cuộc sống. 

Chắc chắn có thể nhìn Võ Thị Hảo như Emile Zola khi viết những trang J’accuse cuối thế kỷ 19 nếu thân phận các nạn nhân đang bị đọa đày tại Việt Nam được hình dung qua cảnh ngộ oan khiên của nạn nhân Alfred Dreyfus. 

Nhưng đây chỉ là cái nhìn từ một vị thế phân lập rõ ràng trong hình thức cấu thành xã hội chứ không phải cái nhìn bao trọn mối tương quan giữa con người trong cuộc sống và các tác phẩm nghệ thuật. Với cái nhìn sau này, sẽ không hề có tương hợp giữa tâm cảnh Emile Zola và tâm cảnh Võ Thị Hảo khi cầm bút. 

Cây bút trong tay Emile Zola với J’accuse đúng là lưỡi gươm ngăn chống bạo quyền, che chở nạn nhân bị dày xéo nên tâm cảnh người viết không vươn khỏi mối ưu tư về diễn biến một trận đấu hay một cuộc chiến. Emile Zola cảm thông với nỗi đau của nạn nhân để bất bình, phẫn nộ và nhập cuộc nên dù khó tránh bị dồn ép bởi không ít đòn thù, nhưng không bao giờ gánh chung nỗi đau của chính nạn nhân, không bao giờ phải nhận chịu những đắng cay, uất nghẹn nối tiếp trút xuống thân phận nạn nhân. 

Tiếng nói cất lên từ ngòi bút Emile Zola là tiếng nói từ con tim nhân ái, từ tinh thần nghĩa hiệp, tiếng nói của người tự chọn vị trí trên một trận tuyến đã phân ranh cụ thể để ngăn chặn các thế lực bạo ngược bóp nghẹt quyền sống của các nạn nhân cô thế. Từ đây, tiếng nói dù xót xa, dù bất bình, dù phẫn nộ vẫn sang sảng âm vang toại nguyện do sẵn sàng chấp nhận mọi hiểm nghèo để bảo toàn nhân cách của con người đúng nghĩa con người. Dù bị đặt vào cảnh huống chông gai cùng cực, gian khổ trăm bề, tiếng nói vẫn giữ nguyên giọng ngạo nghễ biểu hiện một khí phách can trường thản nhiên nhìn mọi khó nguy chỉ là những thách thức tất yếu.
 
Trong khi đó, cây bút trong tay Võ Thị Hảo cất lên tiếng nói không khởi từ một chọn lựa tự nguyện, cũng không nhắm kháng cự một tai ách xa vời với chính bản thân. Bởi cõi sống bao trùm toàn bộ nội dung chuyển đạt từ tác phẩm Võ Thị Hảo là cõi sống của chính bản thân Võ Thị Hảo. 

Trong cõi sống đó, con người ngay từ thuở lọt lòng đã hóa dạng oan hồn. Trong cõi sống đó nhung nhúc ác quỷ. Trong cõi sống đó. “mỗi người đều là một món ngon trên bàn tiệc quỷ.” 
Và, chính bản thân Võ Thị Hảo cũng là một món ngon trên bàn tiệc quỷ trong cõi sống đó. Cho nên, cây bút trong tay Võ Thị Hảo không hề là thanh gươm nghĩa hiệp mang sứ mệnh diệt bạo trừ gian để bênh vực các nạn nhân cô thế mà chính là khí giới cuối cùng của một nạn nhân chỉ luôn “muốn nhảy ra khỏi bàn tiệc” như Võ Thị Hảo từng phát biểu. 

Có thể bảo tâm cảnh Võ Thị Hảo tương hợp phần nào với tâm cảnh Eduard Dekker, ít nhất qua ý nghĩa bút danh Multatuli — người gánh nhiều đau khổ— ký trên tác phẩm Max Havelaar của nhà văn Hà Lan này. 

Tương hợp thứ nhất là Eduard Dekker kiên cường cáo giác một chế độ chính trị bất nhân đã thi thố mọi hành vi bóc lột tàn nhẫn đối với những con người yếu đuối đang bị áp đặt trong vòng kiềm tỏa hung bạo của nó. 

Tương hợp thứ hai là chính bản thân Eduard Dekker cũng bị chế độ chính trị bất nhân đó vây hãm hành hạ khi lên tiếng đòi hỏi phải tôn trọng sự sống và nhân cách của con người. 

Nhưng mức tương hợp chỉ dừng tại đó do khác biệt giữa vị thế xã hội của Eduard Dekker giữa thế kỷ 19 và vị thế xã hội của Võ Thị Hảo trong thời điểm hiện nay. Vì nạn nhân trực tiếp của chế độ thực dân Hà Lan giữa thế kỷ 19 là những con người không chung màu da, không chung huyết thống với Eduard Dekker và Eduard Dekker chỉ trở thành đối tượng bị xua đuổi, bị ngược đãi sau khi chọn thế đứng đối đầu với các tập đoàn thống trị do không chấp nhận vỗ tay tán trợ tội ác. 

Hiển nhiên Eduard Dekker vẫn là một người hoàn toàn tự chủ trong quyết định chọn lựa số phận cho chính mình. Vì thế, để đạt một so sánh chính xác, chỉ có thể đặt Eduard Dekker vào vị thế trung gian giữa trang hiệp sĩ Emile Zola và nạn nhân Võ Thị Hảo đang bị tước đoạt mọi quyền sống bẩm sinh tối thiết của con người. 

Khi nhìn lại cảnh ngộ bản thân, Võ Thị Hảo từng tâm sự vẫn may mắn hơn nhiều đồng hội đồng thuyền. Nhưng trên thực tế, Võ Thị Hảo cũng thiếu may mắn hơn chính những người đó. 

Lý do đơn giản là Võ Thị Hảo sống với nghiệp văn trong khi tương quan giữa văn chương và thực tế cuộc sống luôn gắn kết như keo sơn. Từ đây, thân phận nạn nhân Võ Thị Hảo không thu gọn trong cuộc sống bản thân mà tất yếu bao trùm mọi thân phận nạn nhân. Thêm nữa, nếu thực tế như một vạc dầu địa ngục hực lửa thì mọi nạn nhân chỉ bị thiêu đốt một lần trong khi người sống với nghiệp văn không bao giờ ngừng bị thiêu đốt. Mỗi nạn nhân chỉ gánh chịu nỗi đau trong khoảnh khắc thân xác giãy giụa giữa ngọn lửa cực hình còn người sống với nghiệp văn sẽ phải kéo dài cơn giãy giụa trước ngọn lửa cực hình nối tiếp thiêu đốt vô vàn thân xác. Khắc nghiệt hơn là ngọn lửa cực hình thiêu đốt mỗi nạn nhân không bao giờ ngừng thiêu đốt tâm não người sống với nghiệp văn kể cả khi ngồi trước bàn viết. 

Cho nên, dù tác phẩm Võ Thị Hảo có thể mang nét tương hợp với các hành vi tiêu biểu bởi những tên tuổi lẫy lừng như Emile Zola, như Eduard Dekker, thế giới nghệ thuật Võ Thị Hảo vẫn chỉ hiển lộ dị sắc là tiếng gào thất thanh, bi thống của những nạn nhân vẫy vùng tuyệt vọng cho mong ước thoát khỏi cảnh sống của thú hoang, của ma quái, của ác quỷ mà guồng máy bạo quyền vô cảm đang tạo dựng bằng mọi giá. Với tác phẩm Dạ Tiệc Quỷ, dị sắc này càng được tô đậm thêm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét