4. Gót chân Achilles
hay sai lầm của một bà mẹ đoảng
GiGi
Tranh
của Honoré Daumier, vẽ năm 1842, diễn tả cảnh Thetis nhúng con “ngay khi vừa mở
mắt” xuống sông âm phủ Styx. Achilles bị tôm cắp lấy mũi. (Cảm ơn Em-co-y-kien
đã tìm giúp bản “xịn” của tranh này, kèm tên tác giả).
Từ thui tới nhúng
Dưới sự chủ xị của hai vị thần hùng mạnh là
Zeus và Poseidon, đám cưới giữa nữ thần biển Thetis với vị vua người trần là Peleus đã diễn ra. Mà thần thoại thì
một khi đã có đám cưới thế nào cũng phải có con! Cho nên chẳng mấy chốc, thần
biển Thetis đã đẻ ngay một lô một lốc con với Peleus.
Tuy nhiên, cũng giống như nhiều bà mẹ trên thế
gian, Thetis có tham vọng về đường con cái. Nữ thần không thể chịu nổi nếu con
mình thua anh kém em, nói thẳng ra là thua con cái các vị thần khác. Không phải
Thetis muốn con mình phải luôn luôn nhất lớp, hay có thể biểu diễn liền tù tì
ba bản concerto trong sự (giả vờ) ngạc nhiên của các phụ huynh khác là những vị
thần khác. Thetis chỉ muốn con mình cũng được bất tử như tất cả những con cái
của thần linh!
Tuy nhiên, ước muốn này của Thetis gặp phải
một trở ngại lớn: mặc dù là một nữ thần, nhưng chồng của nữ thần, Peleus, dẫu
anh hùng cái thế, chỉ là một người trần. Bởi thế nên con của hai người sẽ không
được mang ADN bất tử như con cái các vị thần.
Nhưng làm gì có chuyện Thetis chịu thua! Sòn
sòn đẻ một mạch sáu đứa con cho Peleus, cứ đứa nào vừa sinh ra là Thetis giấu
biệt chồng, đem đứa bé tôi trong ngọn lửa của thần Prometheus với hy vọng sẽ
đốt cháy được hết các gien di truyền của người chồng trần tục; khi ấy đứa bé sẽ
trở thành bất tử. Tội nghiệp cho những đứa trẻ sơ sinh! Dù mang trong mình một
nửa dòng máu thần linh nhưng chịu sao nổi sức hủy diệt của ngọn lửa thần
Prometheus. Lần lượt cả sáu đứa con của Thetis với Peleus đều chết thảm trong
lửa bởi tham vọng rất “ếch” của bà mẹ.
Qua sáu lần thử nghiệm trên chính con mình mà
kết quả lần nào cũng thảm khốc giống lần nào (phụ nữ, dẫu là thần, vẫn thường
có tính kiên định tai hại như vậy), cuối cùng Thetis cũng nhận ra có lẽ phải
thay đổi! Đến lúc sinh đứa thứ bảy, đặt tên là Achilles, Thetis quyết định
không “thui” con trên lửa nữa mà phải nhúng nó xuống nước!
Nhưng chắc chắn đó không thể là nước thường.
Thetis biết rằng chỉ có con sông Styx ở dưới âm phủ mới có thứ nước để con nàng
có thể thành bất tử. Vậy là nàng lặn lội ôm Achilles xuống âm phủ. Đến bên bờ
sông, Thetis nắm lấy gót chân Achilles, dốc ngược đầu bé xuống rồi nhúng toàn
bộ thân hình của bé ngập trong nước sông Styx. Kể từ đó, Achilles trở nên mình
đồng da sắt, không gươm giáo nào có thể đâm thủng, sát thương được (mẹ đánh
cũng không đau).
Tuy vậy, Thetis (đúng là vụng thối vụng nát)
đã phạm phải một sai lầm chết người: chỗ gót chân Achilles mà nữ thần nắm lấy
để nhúng con xuống sông đã không được nhúng vào nước sông âm phủ Styx. Đó cũng
là chỗ duy nhất trên người Achilles có thể bị tổn thương. Từ tích này đã xuất
hiện thuật ngữ “gót chân Achilles”, để chỉ một điểm yếu chí mạng nào đó có thể
khiến người ta phải trả giá đắt khi cứ tưởng rằng mọi sự đã được bảo vệ chu
đáo!
Tượng
“Thetis nhúng Achilles xuống sông Styx” của Thomas Banks, 1790. Đầu của Thetis
ở đây là đầu bà Jane, vợ ông Thomas Johnes là người đặt làm tượng. Đầu của
Achilles là đầu bé Mariamme, con gái hai ông bà.
“Thetis
nhúng Achilles xuống sông Styx” của Donato Creti, 1710. Trong bức này Thetis có
một đám thần nữ đi cùng, có lẽ là đám chị em gái. Tư thế của Thetis trông rất
“ngứa mắt”, đúng là một bà mẹ vụng thối, nhìn thì thấy khó có thể nào nhúng
được Achilles cho tử tế. Họa sĩ mải mê khai thác các tư thế của phái nữ mà quên
mất câu chuyện chính mình đang vẽ. Theo Pha Lê thì Thetis là thần biển nên chắc
Donato Creti vẽ đám tiên biển đi theo bà trong tranh cho nó xôm tụ. Nhưng sông
Styx là dòng sông chở người chết nên chẳng mấy ai bén mảng được đến đây, kể cả
tiên, vì dòng sông này có khả năng làm thần thánh tổn thọ. Tuy nhiên vẽ mỗi
Thetis không thì nhìn tranh sẽ buồn buồn chăng?
“Thetis
nhúng Achilles xuống sông Styx” của Peter Paul Rubens, họa sĩ Phổ, 1625. Lại
thêm một họa sĩ vẽ mà không quan tâm lắm tới tính“khả dĩ” của tư thế: chẳng có
bà mẹ nào lại nắm chân con kiểu ngược ngạo này cả. Sông Âm Phủ, rớt xuống là
tiêu, nhưng dáng vẻ của Thetis nhìn chẳng có vẻ gì cẩn thận. Thế lom khom này
là thế “vớt con” hơn là thế nhúng con. Trên bờ là con chó ba đầu, (là con chó
thần Hades dùng để gác cổng âm phủ, tên là Ceberus. Bà J.K Rowling, một fan của
thần thoại Hy Lạp, có mượn chi tiết này cho truyện Harry Potter – theo Pha Lê).
Một chi tiết vô lý nữa là trời hậu cảnh thì có ánh sáng (đủ nhìn để thấy những
con thuyền của người lái đò Charon chở hồn trên sông Âm phủ chật nêm người),
nhưng người hầu của Thetis lại soi đuốc như giữa ban đêm. Ánh sáng đuốc ấy
không thể rọi sáng tiền cảnh như trong tranh vẽ được. Đây là phác thảo bằng sơn
dầu cho một tấm thảm, hiện trưng bày ở bảo tàng Boijmans Van Beuningen,
Rotterdam.
Trong
bức tranh này của họa sĩ người Bỉ Jan Erasmus Quellinus có tên “Thetis nhúng
Achilles vào nước lấy từ sông Styx”, sáng tác năm 1668, thay vì mất công mang
Achilles xuống tận sông Styx dưới Âm phủ, nữ thần Thetis sai người múc nước
sông Styx về chứa trong một cái lu lớn rồi nắm gót chân Achilles, nhúng ngập
cậu con trai vào trong lu. Thật là tiện lợi! Trong bức này, Thetis trông lại ra
một bà mẹ đảm! Nhưng theo Pha Lê, Quellinus chắc bị ảnh hưởng Thiên Chúa giáo
nặng nên tranh “nhúng Achilles” của ông nhìn y chang một lễ rửa tội.
Giả gái để trốn số phận?
Càng đọc về Thetis càng thấy người trần chớ
bao giờ dại dột mà lấy các nữ thần. Họ không bao giờ chết nên không bao giờ học
được bài học nào cho thấu đáo, từ nữ công gia chánh tới nuôi con.
Thetis xinh đẹp, sau khi nhúng con xuống sông
Styx rồi, yên tâm là Achilles đã mình đồng da sắt rồi nên nữ thần giở lại bổn
cũ, tiếp tục tôi cậu bé trên ngọn lửa, cho nó chắc ăn, coi như thêm một lần
tiệt hẳn cái gien phàm trần trong cậu.
Nhưng lần này, ông bố Peleus đã để ý, vì những
lần trước, thấy vợ báo cáo là có bầu rồi sinh hạ mà không lần nào thấy mặt con
đâu (ngày nay thì đã ngờ đem bán sang Trung Quốc!). Nấp một chỗ, thấy vợ đem
cậu con trai hơ trên lửa như nướng chả, Peleus vừa hoảng sợ vừa tức giận tuốt
kiếm xông ra. Thấy chồng xuất hiện trong bộ dạng hung dữ như vậy, Thetis hoảng
hồn vội vàng bỏ đứa con lại trên đống lửa, rồi như hầu hết các bà vợ chân chính
mỗi khi có chuyện cãi nhau với chồng, nàng bỏ về nhà ngoại! Peleus lôi được
thằng con ra khỏi đống lửa nhưng Achilles khi ấy đã bị cháy xương mắt cá chân
(cái chỗ không nhúng nước sông). Không tin phụ nữ nữa, Peleus đến nhờ thần nhân
mã Chiron, (trước đây từng tốt bụng cho mượn hang để làm hội trường tổ chức lễ cưới) – chạy chữa và nuôi nấng đứa con trai. Thần
nhân mã Chiron lấy mắt cá chân của người khổng lồ Damisos nổi tiếng có biệt tài
chạy nhanh thay vào chỗ mắt cá chân bị cháy của Achilles. Chiron còn chịu khó
cho Achilles ăn tim gan sư tử, lợn lòi, xương gấu để cho Achilles có được lòng
can đảm vô song.
Tranh
“Chiron dạy dỗ Achilles” của Pompeo Batoni vẽ năm 1746. Đây là đề tài các họa
sĩ rất yêu thích, cũng do một phần nhân mã Chiron là một “nhân vật” thú vị.
Sinh ra sau một vụ cưỡng hiếp của Cronus (bố thần Zeus) với thần biển (nhưng
không bất tử) Philyra, Chiron mang hình hài nhân mã với đầu người, lưng người,
nhưng thân dưới là ngựa, do mẹ ông lúc cố thoát khỏi bố ông đã biến thành một
con ngựa cái. Với nguồn gốc như thế, Chiron khác hẳn với đám nhân mã vốn nổi
tiếng thác loạn và mọi rợ. Nhưng ngay khi ra đời, Chiron đã bị cả bố lẫn mẹ bỏ
rơi. Thần mặt trời Apollo – cũng là thần của tiên tri, chữa bệnh, dịch bệnh, âm
nhạc, thơ ca, bắn cung… (tức đa di năng) đã đem Chiron về nuôi, truyền tất cả
các kỹ năng trên cho Chiron. Nhờ thế, Chiron là một sự hòa hợp giữa văn minh,
sáng láng của con người với sự mạnh mẽ, bản năng của con vật… Chiron là một ông
thầy độc đáo của Hy Lạp, chuyên dạy dỗ những anh hùng nổi tiếng nhất của Hy
Lạp, thí dụ Jason, Asclepius (thần làm thuốc), Aristaios (thần làm phô mai…),
Theseus, Ajax, rồi cả Peleus lẫn con trai ông là Achilles.
Bức
“Giáo dục Achilles” do James Barry vẽ năm 1772 cho thấy Chiron đang giao nhiệm
vụ gì đấy cho Achilles trong lúc cậu đang học đàn. Bức tượng bằng đá khối là
tượng đầu Hermes, như một tượng đài nhắc nhở cho cậu học trò về những bí ẩn của
cuộc đời còn phải khám phá nhiều. Trong cánh rừng phía sau có một bà mẹ đang bế
em bé, không hiểu là ai và ý nghĩa gì?
Regnault
– một họa sĩ Tân cổ điển người Pháp thuộc thế kỷ 18 – thì lại mô tả “Nhân mã
dạy dỗ Achilles” bằng hình ảnh Chiron dạy Achilles bắn cung. Đầu Achilles bé
một cách bất thường, và cung của Chiron thì không có dây (không biết dạy kiểu
gì). Dưới chân hai vị là một con ác thú mới vừa hạ được. Chiếc áo quấn trên
người Achilles đúng là được họa sĩ “đạo diễn” để che chỗ kín chứ để tự nhiên
không thể nào tự quấn lại thế được.
Bức
“Chiron và Achilles” của John Singer Sargent – một họa sĩ Mỹ cuối thế kỷ 19,
đầu thế kỷ 20, được mệnh danh là “họa sĩ vẽ chân dung hàng đầu của thế hệ
mình”. John Singer Sargent có nét vẽ sắc, cứng cỏi, nhiều năng lượng. Trong
tranh này, Chiron và Achilles trông thật phóng khoáng, thoát khỏi khung cảnh u
ám vốn vẫn hay được các họa sĩ cho bao bọc quanh giống nhân mã.
Trong
tích thì nói sau khi bị chồng phát hiện thui con trên lửa, Thetis bỏ chạy, và
Peleus gà trống nuôi con đã phải nhờ đến Chiron. Nhưng trong bức “Thetis ủy
thác việc dạy dỗ Achilles cho nhân mã Chiron” của Pompeo Batoni, vẽ khoảng
1760, Thetis lại là người dẫn Achilles đến lớp (rồi mới bỏ về ngoại?). Trông
bức tranh này rất giống cảnh các mẹ đưa các bé đi học mẫu giáo ngày đầu. Dưới
nước là hai thủy quái đang giữ cho vỏ sò chở hai mẹ con không bị chòng chành.
Trên bờ, Chiron lưng khòm khòm dụ Achilles vào lớp, bên trong có tượng đầu
Hermes, treo cung nỏ tùm lum. Achilles bụng ỏng bám mẹ, điệu bộ rất dễ thương.
Pompeo Batoni là họa sĩ rất thời thượng của Ý, sống vào thế kỷ 18, với phong
cách là pha trộn của Rococo Pháp với cổ điển kiểu Bologna và Tân cổ điển mới
mẻ.
Mới lên sáu tuổi, Achilles đã có thể giết được
sư tử và lợn rừng. Được lắp mắt cá chân của người khổng lồ chạy nhanh, Achilles
có thể đuổi kịp cả hươu mà không cần dùng đến chó săn. Vì thế, cậu còn có biệt
danh là chàng Achilles có đôi chân nhanh.
Đến năm lên chín, nhà tiên tri Hy Lạp là
Calchas đã đưa ra lời tiên đoán rằng nếu Achilles không tham gia cuộc chiến
thành Troy ở vùng Tiểu Á xa xôi thì người Hy Lạp sẽ không thể hạ nổi thành
Troy. Đồng thời nhà tiên tri cũng chỉ rõ rằng số phận đã quyết định rằng nếu
tham chiến ở thành Troy, Achilles sẽ là một trong những vị anh hùng nổi bật
nhất bên phía Hy Lạp, lập được chiến công hiển hách, vang dội, có thể sánh với
các thần thánh; nhưng nếu như người Hy Lạp hạ được thành Troy thì đó cũng là
lúc mạng của Achilles đã tận và chàng sẽ bị giết chết.
Tuy bỏ về nhà ngoại ở dưới đáy biển nhưng nữ
thần Thetis vẫn không quên dõi theo đứa con trai mà nàng đã bỏ lại trên đống
lửa. Nghe được lời phán của nhà tiên tri Calchas, Thetis lo lắm. Sinh 7 lần mà
chỉ còn mỗi một mụn Achilles sống sót nên nàng quyết không để cho Thần Chết
cướp đi Achilles. Thetis lẻn vào cung vua Peleus, bí mật ôm Achilles trốn đi.
Nữ thần mặc quần áo con gái cho Achilles rồi mang con đến đảo Scyros, nhờ vị
vua cai quản đảo này là Lycomedes chăm sóc. Achilles được vua Lycomedes nuôi
nấng như một bé gái, sống cùng với các cô con gái của nhà vua.
Nữ thần Thetis thở phào nhẹ nhõm. Với sự tự
tin ngớ ngẩn, nàng tin chắc sẽ không một ai có thể biết bí mật về đứa con trai
của mình. Ở nơi hòn đảo Scyros hẻo lánh ấy, dưới lốt của một người phụ nữ,
Achilles sẽ không thể bị phát hiện (kể cả khi đã dậy thì và mọc râu?) và chàng
sẽ thoát khỏi định mệnh khắc nghiệt dành cho chàng…
Dĩ nhiên là không thoát. Nhưng đó là chuyện
của bài sau…
“Achilles
giữa đám con gái nhà Lycomedes” của họa sĩ cổ điển người Pháp Nicolas Poussin,
vẽ năm 1650. Trong tranh, Achilles là “cô gái” ở góc phải, đang rút đoản kiếm
khi đang ở giữa đám con gái nhà Lycomedes. Achilles trông rất hiếu động và đẹp
gái, chỉ có cẳng tay là gồng lên hơi nam tính. Nicolas Poussin thường vẽ tranh
có cấu trúc rất ngăn nắp, màu sắc rực rỡ, bắt mắt. Ông từng làm họa sĩ cho vua
Pháp.
Peter
Paul Rubens vẽ “Achilles và những cô con gái nhà Lycomedes”, 1617. Trong tranh,
Achilles mặt mày nhem nhuốc, dáng cục mịch, tay cầm dao, tay cầm kiếm. Ba ông
đàn ông đứng quanh có vẻ đã nhận ra giới tính của chàng.
Và
đây là Achilles qua hình dung của họa sĩ Jules Bastien Lepage, trong bức
“Achilles và vua Priam” vẽ năm 1876. Achilles tuy đẹp nhưng không được cân đối
cho lắm, và chắc chắn kiểu gì cũng không thể trà trộn vào đám con gái nhà
Lycomedes được. Một lần nữa, bạn đã thấy nữ thần Thetis ngớ ngẩn chưa?
*
Pha Lê bổ sung:
1. Nhà thơ Hesiod thì nói rằng Thetis nhúng
đám con cái của mình vào nồi nước sôi
2. Còn Apollodorus thì nói Thetis thui hết 7
đứa con, kể cả Achilles, nhưng Achilles là đứa duy nhất sống sót. Peleus mục
kích được cảnh vợ ném con vào lửa nên la mắng om sòm, Thetis tức quá nên bỏ
(coi như ly dị) Peleus và quay về biển sống (thần biển mà). Nhà thơ Photius nói
thêm rằng lúc Peleus cứu Achilles ra khỏi đống lửa thì mỗi gót chân của cậu bị
cháy xém. Theo tích này thì Thetis không “nhúng con”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét