Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2020

Họa sĩ Lưu Công Nhân: Một bậc thầy tĩnh tại

Họa sĩ Lưu Công Nhân (1929-2007): Một bậc thầy tĩnh tại


                           

                                   
Đến nay vẫn còn những tranh luận về việc phân kỳ sáng tác của Lưu Công Nhân, nhất là các giai đoạn tiêu biểu về thuốc nước (cách gọi khác của màu nước). Như những năm 1959-1964, khi ông đi vẽ từ miền Bắc đến Vĩnh Linh; như những năm 1984 – 1985, khi ở Hội An; hay tranh tĩnh vật lúc về già, giai đoạn sau những năm 1990. Nhưng điểm chung dễ nhận thấy nhất trong các vật liệu/ chất liệu tranh của ông là tinh thần tĩnh tại đến ngạc nhiên, đôi khi tĩnh tại ngay trong bão tố cuộc đời và thị phi lòng người.
.


Lưu Công Nhân sinh ngày 17. 8. 1929 tại xã Lâu Thượng, Việt Trì, Phú Thọ, mất ngày 21. 7. 2007 tại Đà Lạt, Lâm Đồng.

Những năm cuối đời, trong một bức thư gởi bạn, Lưu Công Nhân viết: “Hiện tôi đang làm bản thảo tuyển tập Lưu Công Nhân của Lưu Công Nhân, gồm trên 1.000 ảnh chụp tranh và những bài viết của tôi lai rai suốt 50 năm, sơ thảo đã xong 11-12 cuốn”. Các con số này cho thấy sức làm việc đáng nể của ông.

Còn theo nhà thơ Lê Thiếu Nhơn: “Năm 1996, tôi có ghé thăm họa sĩ tại nhà riêng sau 10 năm ông định cư tại thành phố cao nguyên sương mù, ông chỉ bốn chiếc rương lớn: ‘Mỗi rương cỡ 1.000 bức tranh đấy!’. Vì vậy, tôi ngờ rằng, nếu tính cả cuộc đời sáng tạo thì Lưu Công Nhân vẽ hơn một vạn bức tranh”.

Ông được mệnh danh là “bậc thầy thuốc nước”, vì riêng vật liệu này, ông đã vẽ ít nhất 600 tác phẩm. Nó trải rộng qua các đề tài, từ cảnh làng Bắc bộ, cảnh Hội An- Huế- Mỹ Sơn, cảnh biển – vịnh Hạ Long, cảnh lao động, cảnh Tây Bắc…, cho tới khỏa thân, tĩnh vật, hoa… Xem lại những sách đã in, các bản thảo và cả các bộ sưu tập, ví dụ của Lưu Quốc Bình, của Lê Thái Sơn, của Ty Audio …, đặc biệt các tranh tĩnh vật, phong cảnh, chân dung trong bộ sưu tập của Apricot, thấy thuốc nước luôn giữ một vị thế đặc biệt, và tiêu biểu.
.


Năm 1995, ông tâm sự: “Từ tuổi niên thiếu đến nay ngoài sáu mươi, thường hay đi rong xóm làng, khi cuốc bộ, khi cưỡi xe đạp, thong thả ngồi vẽ cảnh và người”. Trở lại quá khứ, chúng ta thấy năm 1956 ông về vẽ ở xã Lê Lợi (Kiến An, Hải Phòng); các năm 1959 – 1964 đi vẽ từ Bắc đến Vĩnh Linh; năm 1970 mở xưởng họa ở Thác Bà (Vĩnh Kiên, Yên Bình, Yên Bái). Rồi các năm 1976-1983 đi vẽ ở Sài Gòn; các năm 1984-1985 vẽ ở Hội An; nửa cuối năm 1985 ở Ba Lan. Sau chuyến xuất ngoại hiếm hoi đó – vì ông không thích đi, ngay cả suất du học Liên Xô trước đó, ông cũng từ chối – năm 1986, ông thăm dò Đà Lạt, đi lại giữa thành phố này với Sài Gòn và vài nơi khác, cũng chỉ để vẽ. Năm 1990 ông định về xã Định Trung (Tam Đảo, Vĩnh Phú) ở luôn, do chán chường thế sự và những thay đổi về cảm xúc đời sống. Dù không phải là họa sĩ của cái nhìn chính trị, nhưng do tinh thần trí thức, ông chịu sự tác động lớn từ việc Bức tường Berlin sụp đổ tháng 11 năm 1989 và sự tan rã của Liên bang Xô Viết tháng 12 năm 1991. Sau giai đoạn này tác phẩm của ông càng tĩnh tại và u mặc hơn. Ông là họa sĩ của vô vàn triển lãm riêng và chung, giai đoạn này ông còn triển lãm nhiều hơn nữa. Về vật liệu, ngoài thuốc nước và giấy dó, ông còn vẽ khá nhiều sơn dầu, ký họa, thậm chí giai đoạn ở Đà Lạt ông còn thuê thợ phụ giúp làm sơn mài. Những năm cuối ông chọn sống và qua đời ở Đà Lạt.

Nếu phong cảnh nông thôn Bắc bộ, vịnh Hạ Long, Hội An, Tây Bắc… cho ông những trải nghiệm tinh tế về đời sống, để trong suốt hành trình hội họa, nó cũng giúp ông vững tin và miệt mài hơn với cuộc đi tìm sự tĩnh tại trong bộn bề hiện thực, thì giai đoạn Đà Lạt đã cho ông sự tươi nguyên, tự tại và u mặc trong cách đối diện với tĩnh vật (đặc biệt là hoa và các vật dụng thường nhật), cũng như phụ nữ khỏa thân. Câu nói tưởng như phi lý, nhưng rất hữu lý với ông: “Tôi vẽ tranh sơn dầu như vẽ tranh thủy mặc”. Ông đi ra từ hai ngôn ngữ này, sau đó, tìm cách liên kết, xóa nhòa các ranh giới.
.
Người thầy đầu tiên và trực tiếp của ông là họa sĩ Tô Ngọc Vân – khóa mỹ thuật kháng chiến tại Việt Bắc (1950-1953), nhưng thần tượng sâu kín của ông lại là Auguste Renoir (1841 – 1919), người Pháp. Renoir được nhà phê bình Herbert Read gọi là “hiện thân cuối cùng của truyền thống chuyển tiếp từ Rubens tới Watteau”. Renoir tiên phong về phong cách biểu hiện; luôn đề cao vẻ đẹp tự nhiên, đặc biệt cơ thể phụ nữ. Lưu Công Nhân chịu ảnh hưởng rất rõ về quan niệm này. Ông cũng xem và đọc rất nhiều sách mỹ thuật về thời Phục hưng ở châu Âu, về hội họa Trung Hoa (đặc biệt thủy mặc), về tranh dân gian Việt Nam. Lưu Công Nhân cho rằng việc một họa sĩ Việt Nam chịu ảnh hưởng từ truyền thống, từ bên ngoài là chuyện đương nhiên, còn cái riêng, nếu có, là do khả năng chắt lọc của từng người, đặc biệt, phải bày tỏ được cõi lòng riêng tư của mình. Chính cõi lòng riêng tư làm nên cốt cách, bản sắc của từng họa sĩ, từng dân tộc.

“Thường nhật, Lưu Công Nhân sống điều độ và nghiêm túc. Ông làm việc cần mẫn và có chương trình sáng tác cụ thể từng ngày. Trong quan hệ bạn bè cũng như nhu cầu ẩm thực, Nhân chọn lọc rất kỹ. Ông không thích uống rượu, cà phê hoặc hút thuốc lá. Thỉnh thoảng ông dùng một chai bia lạnh. Ông ham uống trà, lúc nào cũng có sẵn sàng một hộp chè móc câu Thái Nguyên và một bình nước sôi bên mình. Khi mời khách ông cẩn thận chuyên trà trong những bộ ấm cổ rất quý. Nào Mạnh Thần, nào Thế Đức gan gà hoặc men lam hay bạch định… Lưu Công Nhân cũng là người sưu tập đồ cổ kiểu tài tử”, họa sĩ Bùi Quang Ngọc kể.

So với thế hệ mình, Lưu Công Nhân thuộc số ít họa sĩ có tinh thần làm việc xuyên suốt, vẽ được khá nhiều tác phẩm. Những năm cuối đời, khi bị bệnh Parkinson, rồi bệnh phổi, tay chân rất yếu, phải ngồi xe lăn, nhưng ông vẫn vẽ. Với tinh thần tối giản, chỉ vài nét, vài “loang màu” là xong, nhưng những bức tranh ấy, đặc biệt các tĩnh vật, vẫn rất tĩnh tại, đủ văn cảnh. Dường như thời gian và bệnh tật, thậm chí cả cái chết, không suy suyển đến ông. Cũng giống như tay chơi Hy Lạp trong Alaxis Zorba của Nikos Kazantzakis, trước khi nhắm mắt vẫn nhìn thấy cô gái tươi ngon đi qua cửa, bức tranh cuối đời Lưu Công Nhân vẽ khỏa thân.
.
 

“Lưu Công Nhân trên con đường sáng tạo nghệ thuật là người gặp nhiều may mắn và thuận lợi. Trời ban cho ông một người vợ tuyệt vời. Bà suốt đời tận tụy với chồng con và luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để Lưu Công Nhân làm việc, chính bà cung cấp nguyên liệu vẽ và tạo nơi làm việc cho Nhân dù trong hoàn cảnh nào. Ông là họa sĩ trẻ đầu tiên ở Việt Nam được hưởng trở cấp sáng tác dài hạn, lại đươc nhà nước cho nhà riêng để vẽ ở Thác Bà. Lưu Công Nhân hiểu biết rộng. Ông có một tủ sách về nghệ thuật tạo hình khá đầy đủ và quý hiếm. Lưu Công Nhân sống mạnh mẽ, hơi ngang nhưng rất hài hước và chân tình. Có lần nghe tin cô ngồi mẫu cũ ở Sài Gòn gặp khó khăn, Nhân đã nhờ tôi chuyển ít tiền vào giúp cô”, Bùi Quang Ngọc kể.

Cuối cùng và có lẽ cũng quan trọng bậc nhất, đó là chất thơ xuyên suốt trong tranh Lưu Công Nhân. Sinh thời, ông ít khi nào chịu bán tranh, mà đã bán thì giá phải cao, phải tương xứng với sáng tạo bỏ ra. Thế nhưng, khi ông đã thích ai, đặc biệt các nữ nhà thơ, ông có thể tặng họ hàng chục bức theo năm tháng và cảm xúc. Sự tĩnh tại, tối giản, tươi nguyên và chất thơ là bốn trụ cột luôn hiện diện trong những tác phẩm thành công của Lưu Công Nhân.

Nhà thơ Ngô Kim Đỉnh kể rằng Lưu Công Nhân có tặng bản thảo bài thơ, do chính tay ông chép, nhưng chỉ nói “xem hộ cho người bạn tớ”. Dù bài thơ này của Lưu Công Nhân, hay của người bạn nào đó, thì cũng cho thấy một điều quan trọng: Nó diễn tả khá trọn vẹn cõi lòng và sự trân quý thơ của Lưu Công Nhân.
.


Tình yêu không thời gian

Gối cái lạnh gió mùa xứ Bắc
Càng vắng em anh càng nhớ thêm nhiều
Chúng ta như mái nghiêng những căn nhà trở gió
Dù thế nào anh vẫn yêu em
Chiều cuối năm
Lòng bơ vơ Tết
     ước một lần đi không cảnh tiễn đưa
     ước một lần bước ra từ vòm trời tranh vẽ
Vầng ngực em trần ngả thơm trên gối mẹ
Dành cho anh ấm áp những mái nhà
Sương rơi nhiều
Nhớ như Đà Lạt ngủ
Như hai mái nhà chấp cánh
     tình yêu không thời gian.

Lưu Công Nhân yên nghỉ trên triền đồi cây lá xinh tươi và tĩnh tại của Đà Lạt, đúng như lòng ông đã chọn lựa. Trên mộ chí có khắc lời của nhà văn Tô Hoài: “Lưu Công Nhân, người của kháng chiến và bình yên”. Qua độ lùi năm tháng và qua tác phẩm để lại cho đời, có lẽ “kháng chiến mà bình yên, tĩnh tại” thì gần gũi với ông hơn.

Những tác phẩm của Lưu Công Nhân

1. Chiến tranh và bình yên.

















































































Bình dân học vụ, sơn dầu, 1955
















































-----------






























-----------


















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét