Thứ Năm, 27 tháng 2, 2020

Bậc thầy tân cổ điển Jean Auguste Dominique Ingres (phần 2)


Bảo tàng Ingres vốn là một biệt thự cùng tuổi với cây cầu, được cải tạo thành.
Tường nhà xây bằng gạch đỏ, vẫn một màu đỏ sâu lắng như màu gạch xây cây cầu cổ. 

Tiếp theo phần 1

Để lại trần gian một cụm từ

Phan Quang

Montauban là một thành phố nhỏ và yên tĩnh nằm trên bờ con sông Tarn ở miền Nam nước Pháp. Tôi không rõ thành phố có được xếp hạng di sản quốc gia hay không, nhưng đi đến đâu cũng gặp những di tích cổ và phố phường thì đầy ắp dấu vết lịch sử.


Thành phố Montauban được lập nên từ thế kỷ thứ XII. Chỉ vì cái tội nhân dân thành phố rời bỏ Giáo hội La Mã để quy theo đạo Tin Lành tuy cũng phụng thờ Thiên Chúa song phủ nhận quyền uy tuyệt đối của Giáo hoàng, Montauban phải chịu không biết bao tai ương. Năm 1598, vua Henri IV ban bố “Chỉ dụ Nantes” đặt nền móng cho hòa hợp tôn giáo, chấm dứt xung đột. Dù vậy, thành phố vẫn tiếp tục chịu cái vạ mà lịch sử nước Pháp gọi là Dragonnades. Những tên lính dragon hung dữ được bố trí vào ở từng nhà của những người theo đạo Tin Lành. Chúng hành xử như những bạo chúa, làm tình làm tội người dân kỳ cho đến khi người đó chịu quay trở lại với Giáo hội. Bằng cách ấy trong vòng mấy tháng, “những nhà truyền giáo đi giày đinh” – thuật ngữ lịch sử Pháp – đã đưa 38.000 “con chiên lạc lối” trở về với Chúa. Kinh nghiệm của Montauban được tổng tư lệnh quân đội thời bấy giờ là Louvois cho mở rộng ra toàn nước Pháp. Để yên tâm hơn, giáo chủ Richelieu ra lệnh triệt hạ luôn tất cả thành lũy bao quanh thành phố. Họa vô đơn chí, có thời gian Montauban còn bị nạn dịch hạch gieo chết chóc và kinh hoàng.


Cho dù lịch sử có đa đoan, Montauban ngày nay vẫn tự hào với di sản văn hóa của mình. Nhà thờ Saint-Jacques xây từ thế kỷ XIV-XV được coi như vật báu cổ. Nhà thờ lớn (thế kỷ XVII-XVIII) là một công trình kiến trúc oai phong. Quảng trường với những ngôi nhà mặt tiền có những cánh cổng hình vòm được bảo tồn ba trăm năm nay… Ngỡ ngàng cho tôi hơn cả là cây cầu cổ vắt ngang qua sông Tarn. Nhiều thế kỷ qua, không biết bao nhiêu nước đã chảy qua cầu, không biết bao nhiêu khói bụi và rêu phong đã phủ xuống mặt cầu tạo nên dấu ấn cổ kính, thế mà cho đến hôm nay những viên gạch xây cầu vẫn đỏ một màu đỏ sâu lắng. Những viên gạch nhỏ xây chồng sin sít lên nhau, kiên nhẫn gắn quyện vào nhau, “thi gan cùng tuế nguyệt”, tạo nên những vòng cung vững chãi vắt ngang sông, ngang phố cho tàu bè lại qua bên dưới và xe cộ lưu thông bên trên. Người ta gọi nó bằng cái tên rất chuẩn xác: “Cầu Cổ”.


Bảo tàng tưởng niệm họa sĩ Ingres, người con ưu tú của Montauban tọa lạc bên chân cây cầu ấy. Nói nép “dưới chân cầu” có lẽ chính xác hơn, vì từ hè phố, còn phải xuống nhiều bậc cấp mới tới cổng để bước vào ngôi nhà. Cũng là nét đặc trưng của mọi thành phố cổ: đường sá mỗi đời mỗi được tôn cao, làm cho các công trình kiến trúc hai bên mỗi ngày mỗi chìm xuống.

Ingre là ai? Tôi cứ tưởng, trừ giới nghệ thuật tạo hình, người Việt Nam ta mấy ai quan tâm đến cái tên lạ lẫm, cho dù ông nổi tiếng. Thế nhưng lịch sử hội họa Pháp lại tôn vinh Jean Auguste Dominique Ingres (1780-1867) là “một người phát kiến nhiều phương thức tạo hình, ông tìm tòi sự hài hòa trong hình họa cũng như sử dụng màu sắc tươi mát”, “Ảnh hưởng của Ingres đối với thời đại ông mang tính quyết định”, vv. Ông được coi là một nghệ sĩ tài năng, để lại nhiều tác phẩm hội họa đẹp trau chuốt thuộc dòng tân cổ điển. Ingres là đại biểu xuất sắc cuối cùng của trường phái nghệ thuật gắn bó với Nhà thờ Thiên Chúa giáo trước làn sóng đang lên của chủ nghĩa lãng mạn Pháp thế kỷ XIX.

Tồi đồ chừng Bảo tàng Ingres vốn là một biệt thự cùng tuổi với cây cầu, được cải tạo thành. Tường nhà xây bằng gạch đỏ, vẫn một màu đỏ sâu lắng như màu gạch xây cây cầu cổ trên kia. Ngôi nhà cùng với khuôn viên không phải hẹp song người xem vẫn có cảm giác chật chội, có lẽ tại có quá nhiều vật phẩm trưng bày. Tôi chỉ nhìn thấy mỗi một nơi thật sự khoáng đãng. Ấy là gian phòng lớn nhất, gọi là Salon, có bày một bức chân dung to của họa sĩ, và ở nơi trang trọng đặt một chiếc vĩ cầm trên bàn. Người hướng dẫn khẽ nói: “Cây vĩ cầm của Ingres đó, ông biết chứ? Đấy là bản gốc”.


“Cây vĩ cầm của Ingres”. À ra thế. Tôi nhớ thời nhỏ bắt đầu học tiếng Pháp, đã biết cụm từ phổ thông le violon d’Ingres, dùng để chỉ một nghề tay trái điêu luyện. Hóa ra cây vĩ cầm của ông họa sĩ này đây. Người nghệ sĩ đã chuyển cây đàn từ tay phải sang tay trái. Ông thành công rực rỡ trong hội họa, song vẫn giữ cây đàn thân yêu bên cạnh suốt đời.


Cậu bé Jean Auguste vốn đa tài. Hình như gia đình từng có mong muốn cậu tiến thân bằng con đường âm nhạc. Hội họa là đam mê sớm bộc lộ, do được cha là một họa sĩ trang trí truyền cho con trai lòng yêu đường nét và màu sắc từ khi cậu còn rất bé. Chàng trai được gửi lên Toulouse theo học tại Viện Hàn lâm. Năm 1797 đến Paris, trở thành học trò của họa sĩ tài danh David. Chỉ bốn năm sau, mới hai mươi mốt tuổi, Ingres đoạt Giải Roma là giải thưởng uy danh nhất của ngành hội họa thời bấy giờ. Ông được mời sang Roma tu nghiệp và hành nghề. Hai mươi năm sau trở lại Paris, ông được bầu vào Viện Hàn lâm quốc gia.


Thành công về nghệ thuật tạo hình, học trò đông đảo, danh vọng lớn, Ingres vẫn không rời chiếc vĩ cầm từng mang lại cho ông những phút thư giãn và niềm sảng khoái nội tâm. Nhà soạn nhạc thiên tài và cũng là một tay diễn tấu dương cầm bậc nhất người Hunggari Franz Liszt, một lần nghe Ingres chơi vĩ cầm tại Roma, đã thốt lên: “Diễn xuất với tình cảm chân thực xiết bao!”.



Ảnh: Cây vĩ cầm của Ingres, của Man Ray

Cây vĩ cầm của Ingres, 1924 của Man RayBức ảnh Cây vĩ cầm của Ingres là một sáng tạo thủ công của nhà nhiếp ảnh siêu thực Man Ray. Lấy cảm hứng từ những nhân vật khỏa thân trong tranh Jean- August- Dominique Ingres, ông đã làm nên tác phẩm này có những nét hết sức mềm mại của hội họa. Ảnh cho thấy một cô gái quấn khăn trên đầu, mặt ngoảnh sang trái, mình trần, ngồi quay lưng vào khán giả. Bằng kỹ xảo, tác giả chỉ để lộ tấm lưng cô người mẫu Missus Kiki de Montparnasse và vẽ trên ảnh hai nốt fa - hai nốt nhạc trong bản hòa tấu rồi chụp lại, tạo nên hình ảnh một cây đàn violin. Ông còn tinh nghịch đặt tên nó là Cây vĩ cầm của Ingres theo tiếng Pháp có ý chỉ việc chơi đàn là một thú vui của Ingres và việc kết giao cũng là một niềm vui của riêng ông. Ngoài yếu tố nghệ thuật thì đây là một bản vẽ chuẩn mực về hình thể cân đối của người phụ nữ.
   Giã từ thành phố quê hương lên đường lập nghiệp, ba mươi lăm năm sau Ingres mới có dịp quay trở về Montauban để nhìn lại cây Cầu Cổ thời ấu thơ. Lúc này ông đã thành đạt lớn. Tác phẩm Lời nguyện của vua Louis XIII, Giải thưởng Roma, được thành phố Montauban mua về bày trong Nhà thờ lớn. Đứa con của quê hương trở về quê tham dự buổi lễ trọng và các hội mừng diễn ra nhân dịp ấy.


Tuy Bảo tàng Ingres tại Montauban chỉ sở hữu chừng ba mươi tác phẩm lớn của họa sĩ, nhưng lại chứa cả một kho báu về ký họa, đồ họa. Sau chuyến về thăm quê, họa sĩ có tặng cho thành phố một số bản sao tác phẩm của chính mình, tranh của học trò ông và một ít lọ cổ để làm nhà lưu niệm. Năm 1867, họa sĩ qua đời. Điều ít ai ngờ, theo di chúc, ông hiến tặng quê hương tất cả những gì thuộc xưởng họa Ingres danh tiếng của ông ở Paris, tại đó lưu giữ hơn bốn nghìn bức ký họa và đồ họa. Một kho báu thật sự – bởi ngay Bảo tàng quốc gia Le Louvre của nước Pháp cũng chỉ sưu tập chừng một trăm bức vẽ của Ingres, dĩ nhiên có chọn lọc. Rải rác trong các bảo tàng khác và các bộ sưu tập tư nhân, chừng một nghìn bức nữa. Với bốn nghìn bức vẽ, nhà lưu niệm Ingres đột nhiên phình to lên, theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Ngày nay, hàng năm có tới bốn vạn khách du lịch từ khắp nơi đến thăm bảo tàng.


Nhà danh họa lớn nhất của thế kỷ XX Pablo Picasso sinh thời rất ngưỡng mộ tài năng của Ingres. Bà Florence Viguier, Giám đốc Bảo tàng Ingres quả quyết: “Một điều rất chắc chắn là Picasso đã đến thăm Bảo tàng Ingres hai lần, vào năm 1904 và 1913. Lần đầu, trên đường ông từ Catalogne (Tây Ban Nha) sang Paris. Không phải tạt vào do tiện đường. Ông đã phải dừng lại ở Toulouse, và đổi tàu, mà đường sá đi lại hồi ấy đâu có thuận tiện”.


Để gợi lại mối quan hệ vượt qua thời gian của hai họa sĩ tài danh, mùa hè năm nay (2004), Bảo tàng Ingres tổ chức cuộc triển lãm Ingres-Picasso. Nhiều tác phẩm của Picasso cũng như của Ingres mượn từ các bảo tàng lớn ở nơi khác mang về trưng bày. Trong số ấy có những bức rất nổi tiếng như Phòng tắm Thổ Nhĩ Kỳ của Ingres (1863) và Các cô gái tắm ở Biarritz của Picasso (1918) rút từ bộ sưu tập của Bảo tàng Le Louvre. Cuộc triển lãm này là phần nối tiếp một sáng kiến do Bảo tàng Picasso ở Paris đề xuất và thực hiện mùa xuân năm ngoái: “đối thoại nghệ thuật” giữa hai nhà danh họa sống cách nhau một trăm mấy chục năm, Picasso và Ingres.


“Cây vĩ cầm của Ingres!” Một đời cầm cọ lỗi lạc để lại hậu thế nhiều kiệt tác hội họa, là chuyện bình thường. Nhưng lưu lại cho trần gian một cụm từ thông dụng, làm giàu thêm tiếng mẹ đẻ như trường hợp của Ingres, quả là vinh hạnh hiếm thấy.

2004

Nguồn: Du ký. Tác giả: Phan Quang. NXB Văn học, 2005.




Một số tác phẩm của Ingres

Trào lưu Tân cổ điển thống trị châu Âu qua hai thế kỷ 18-19 thường được định nghĩa một cách gọn ghẽ: Tân cổ điển phủ định sự phù phiếm vô luân của Rococo, lấy cảm hứng từ nghệ thuật cổ điển Hy-La, chú trọng sự giản đơn và cân đối. 



Mademoiselle Caroline Rivière
 , 1806.


Đây là bức chân dung thứ ba trong số ba bức chân dung của gia đình Rivière mà họa sĩ vẽ năm đó. Cha của Caroline, Philibert Rivière, là một viên chức tòa án thành công dưới đế chế của Napoléon, và tìm cách tưởng nhớ mình, vợ và con gái. Mặc dù Ingres ưa thích chủ đề được rút ra từ lịch sử hoặc huyền thoại Hy Lạp, nhưng ở giai đoạn đầu trong sự nghiệp, ông kiếm sống chủ yếu nhờ hoa hồng từ những người bảo trợ giàu có.

Mademoiselle Caroline Rivière được vẽ trong khoảng từ 13 đến 15 tuổi; Ingres mô tả cô là "con gái đẹp mê hồn"





Philibert được thể hiện trong tư thế chính thức, ngồi trên một chiếc ghế rất trang trí công phu và đắt tiền, và được đặt bên cạnh một chiếc bàn phủ vải nhung đỏ, và chứa các tài liệu liên quan đến văn phòng của ông. Tay anh ta nhét bên trong áo vest, trong tư thế gợi nhớ đến Napoleon.




Chân dung Madame Rivière, 1805


Chân dung Caroline thiếu độ chính xác về mặt giải phẫu. Cổ của cô ấy quá dài và sống mũi của cô ấy kéo dài quá mức. Rivière được miêu tả với sự cứng nhắc và vụng về điển hình ở độ tuổi của cô, và được thể hiện theo cách nhằm nhấn mạnh cảm giác về sự thuần khiết và đơn giản của tuổi trẻ. Tuy nhiên, bức tranh như được nhìn thấy dưới cảm của những bệnh tật và bi kịch, vì người mẹ trẻ đã chết vào một năm sau khi tác phẩm được hoàn thành.


*
Không những có danh tiếng vang dội khi còn sống, Ingres còn được coi như một trong những họa sĩ vẽ chân dung tài năng nhất của thế kỷ 19 trong cả hai thể loại sơn dầu và vẽ chì. Những bức tranh hoành tráng của ông được công nhận là những ví dụ xuất sắc về bố cục và kỹ thuật hoàn chỉnh. Các chủ đề của Ingres thường là thần thoại, cổ điển, hoặc tôn giáo với cách diễn giải mang tính Tân cổ điển, lấy cảm hứng từ Phục Hưng Ý, đặc biệt là Raphael (lời khen mà Ingres dành cho nhạc sĩ Mozart? “Ông ấy là một Raphael thứ hai”.)



“Chân dung nữ nam tước nhà Rothschild” của Ingres, 1848. Gia đình Rothschild là một trong những gia đình giàu có nhất trong lịch sử nhân loại, tích lũy của cải nhờ kinh doanh ngân hàng, chen chân vào giới quý tộc nhờ sức mạnh của đồng tiền. Gia đình này duy trì tập tục người trong họ tộc lấy lẫn nhau như hoàng gia châu Âu. Nữ nam tước trong tranh kết hôn với chú ruột, ngài James de Rothschild (!).

*
Câu chuyện về Antiochus và Stratonice, tóm tắt ngắn gọn: thời Alexander đại đế, có Stratonice là một công chúa trẻ tuổi, nàng kết hôn với một vị vua già tên là Seleucus, một trong những tướng lĩnh của Alexander, và có với ông ta một đứa con. Tuy nhiên con trai riêng của Seleucus là Antiochus lại tương tư chính mẹ kế và thất tình đến héo mòn. Để cứu con trai, vua Seleucus gả chính vợ mình cho con trai, đồng thời cho Antiochus cai quản phần lớn vương quốc.



“Antiochus và Stratonice” của Ingres,1840, sơn dầu, Musée Conde. 



Chi tiết Stratonice trong tranh, ngoảnh đi, cúi đầu. Chiếc vương miện, đồ trang sức và trang phục vô cùng tinh tế.
Trong bức tranh hoàn chỉnh, hoàng tử Antiochus nằm bên phải trong bóng tối, bị bệnh nặng tưởng sắp không thể qua khỏi.  Vị vua cha tuyệt vọng (mặc áo choàng đỏ) quỳ gối bên giường, mái đầu bạc đổ gục, cánh tay tuyệt vọng giơ về phía con trai. Thái y Erisistratus (áo trắng) sờ tay lên ngực chàng trai trẻ, cảm nhận được nhịp tim thổn thức của chàng và đoán ra nguyên nhân căn bệnh, ông nhìn hoàng hậu sửng sốt. Khi hiểu rõ ngọn ngành, người cha đã hy sinh tình vợ chồng vì tình cha con. Khung cảnh của căn phòng mang đậm tính cổ điển, rập khuôn từ di tích ở Pompeii. Chiếc giường nơi Antiochus nằm thì gần như bê nguyên xi motif kiến trúc cổ điển, nhìn giống như một ngôi đền thu nhỏ từ Acropolis. Đồ đạc trong phòng và các bức bích họa đều tinh xảo và cao quý, thấp thoáng thấy tranh vẽ Các chiến công của Hercules. Bức tượng được đánh dấu bên trái chính là của Alexander đại đế, được mô tả như một vị thần chiến tranh.



Nói về vẽ người, những ai hiểu rõ Ingres đều biết rằng, cách nhìn của ông về cơ thể con người và “cơ thể” của một công trình kiến trúc, về cơ bản là giống nhau. Khi Ingres khắc họa một con người, ông luôn đặt ra những câu hỏi về tỷ lệ, hình khối, ánh sáng giống như khi kiến trúc sư thiết kế một ngôi nhà. Thậm chí có những kẻ cực đoan còn cho rằng, Ingres không có khả năng yêu một người đàn bà nào cho ra hồn, ông chỉ có cảm xúc khi coi cô ta là một hình khối đáng để ông vẽ.

Có lẽ đó là lý do mà các nhân vật của Ingres luôn ở trong một trạng thái “tĩnh”, kể cả khi họ chuyển động. Và có thể thấy trong bức chân dung quý bà Haussonville.

Chân dung nữ bá tước Haussonville, 1845

Bức tranh được sáng tác từ màu xanh nhạt, xám, nâu, vàng và trắng. Thật tuyệt vời, de Broglie được hiển thị hoàn toàn phía trước, nhìn ra người xem với biểu cảm sắc sảo, được so sánh với bức chân dung Madame Moitessier sau này của ông. Ingres giới thiệu lại một mô típ được nhìn thấy lần đầu tiên trong Bức chân dung Madame de Senonnes năm 1814 của ông, đó là hình vẽ trung tâm được phản chiếu trong gương nền.

Cô mặc một chiếc váy satin màu xanh xám lạnh gấp rất nhiều, được vẽ cùng màu với mắt. Tóc cô được chia ra và phía trên có một dải ruy băng màu đỏ thẫm ở phía sau. Tủ quần áo trước gương chứa nhiều loại vật liệu viết, chậu và hoa, và một chiếc bình phương Đông được trang trí xa hoa. Mô típ trung tâm của cả bức tranh cuối cùng và những bức phác thảo trước của nó là ngón trỏ tay trái giơ lên, đặt lên miệng cô, và cánh tay phải thon dài, bất thường của cô.



Odyssey, phác thảo cho Homer, 1827


Chân dung của Madame Ingres là bức sơn dầu giai đoạn cuối trên vải, hoàn thành vào năm 1859. Miêu tả người vợ thứ hai Delphine Ramel nó là Bức chân dung được vẽ cuối cùng của Ingres, ngoài hai bức chân dung tự họa. Madame được họa là ấm áp và hấp dẫn, không có sự giả vờ của giới thượng lưu, đánh dấu hầu hết các chân dung nữ thời kỳ sau này của Ingres. Hiện đang ở Bảo tàng Nghệ thuật Fogg , Boston. 

Chân dung Madame Antonia (Madame Duvaucey)

Duvaucey được định vị trong một không gian hình ảnh bằng phẳng, nhìn thẳng vào người xem, mặc quần áo và trang sức xa hoa. Bức họa là chân dung nữ đầu tiên được vẽ trong thời gian họa sĩ ở Rome. Chân dung Madame Duvaucey được hoan nghênh vì đã thể hiện sự quyến rũ khó hiểu của cô, và như "không phải là một bức chân dung mang lại niềm vui .. [nhưng] ... một bức chân dung làm nảy sinh những giấc mơ". 

Tiêu biểu cho chân dung nữ của Ingres, giải phẫu của cô dường như không xương. Cánh tay không cân xứng, với cánh tay phải dài hơn bên trái. Cổ quá dài và dường như không đủ khỏe để đỡ đầu cô.



The Virgin of the Blue Veil



Portrait of Madame Ingres





Venus at Paphos

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét