7. Mặt nạ "Sán Cô" và truyền thuyết sáng thế của người
Dao
"Ta đến từ
đâu?" có lẽ là một tự vấn vĩ đại của nhân loại. Cho dẫu thuyết Big
Bang chứng minh rõ ràng sự hình thành vũ trụ, thuyết Tiến hóa chứng minh ngồn gốc
của con người, nhân loại vẫn không thôi soi mình trong truyền thuyết để xác quyết
những tín điều tâm linh. Sáng thế là huyền thoại căn bản nhất đễ xác định một
dân tộc thật sự có tư duy và đây thật sự là một huyền thoại phong phú với rất
nhiều dị bản trên trái đất này.
Dân tộc Dao không là ngoại lệ, họ chọn câu chuyện sáng thế của mình theo huyền sử Trung Hoa. Điều này cũng dễ hiểu vì người Dao có nguồn gốc từ nam Trung Quốc, họ di cư và mang theo trong ký ức những câu chuyện về thủy tổ từ truyền thuyết Trung Hoa cổ xưa.
Bàn cổ (Pangu) dịch
nghĩa thoát ra là "Vỏ trứng/phiến đá cổ", ông được coi và vị thần khai
thiên lập địa và sáng tạo ra vũ trụ trong thần thoại Trung Quốc.
NguyênThủy
Thiên Tôn (phải) và Bàn cổ (trái). Hình Bàn Cổ được lấy từ: Wang Qi và Wang
Erbin comps., Sancai Tuhui, Jinchang Baohanlu Kanben, 1609, lưu trữ tại thư
viện của viện Văn học thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc.
|
Theo Đạo giáo, thuở sơ khai
chưa có trời đất, trước cả hỗn mang, chỉ mới có cái nguyên khí huyền bí, có vị
gọi là Nguyên Thuỷ Thiên Vương (Nguyên Thuỷ nghĩa là cái gốc đầu
tiên). Lúc này Nguyên Thuỷ Thiên Vương chưa phải hẳn là vị thần, mà chỉ là
nguyên lý sơ khai. Khi hình thành thái cực rồi lưỡng nghi, có Âm Dương, thì thể
chất của Nguyên Thuỷ Thiên Vương ngưng kết thành Bàn Cổ tạo ra trời đất, và
linh thể trở thành Nguyên Thuỷ Thiên Tôn, là bậc tối cao vô thượng của cả
vũ trụ. Bàn Cổ sau khi tạo lập vũ trụ thì chết đi, nhưng linh thể Thiên Tôn thì
tồn tại mãi mãi. Như thế Nguyên Thuỷ Thiên Vương, Nguyên Thuỷ Thiên Tôn và Bàn
Cổ tuy ba nhưng chỉ một mà thôi.
"Theo Tam Hoàng Thiên
Kinh, sự tích Bàn Cổ như sau: Tại núi Côn Lôn có một cục đá lớn đã thọ khí Âm
Dương chiếu diệu rất lâu đời, nên đã thâu được các tánh linh thông của vũ trụ
mà tạo thành thai người. Sau 10 tháng 16 ngày, đúng giờ Dần, một tiếng nổ vang,
khối đá linh ấy nứt ra, sản xuất một vị Linh Chơn hy hữu, một con người đầu
tiên của thế gian, được gọi là Bàn Cổ
Vừa sanh ra thì vị ấy tập
đi, tập chạy, tập nhảy, hớp gió nuốt sương, ăn hoa quả, lần lần lớn lên, mình
cao trăm thước, đầu như rồng, có lông đầy mình, sức mạnh vô cùng. Một ngày kia,
Bàn Cổ chạy qua hướng Tây, bắt gặp một cái búa và một cái dùi ước đặng ngàn
cân. Bàn Cổ, tay phải cầm búa, tay trái cầm dùi, ra sức mở mang cõi trần.
Thuở đó Trời Ðất còn mờ mịt.
Ngài ước cho phân biệt Trời Ðất thì nhơn vật mới hóa sanh được. Ngài ao ước vừa
dứt tiếng thì sấm nổ vang, Thiên thanh, Ðịa ninh, vạn vật sinh ra đều có đủ cả.
Ngài liền chỉ Trời là Cha,
chỉ Ðất là Mẹ, muôn dân là con. Ngài chính là tôn chủ sáng lập thế gian, nên
cũng gọi Ngài là Thái Thượng Ðạo Quân. Ngài tự xưng là Thiên tử, tức là con Trời,
cai trị muôn dân. Ngài là vị vua đầu tiên của cõi thế gian nên gọi Ngài là Hỗn
Độn thị. Bàn Cổ thọ được 18.000 tuổi rồi qui Thiên"...
Nhiệm Phưởng, thế kỷ 6, đã
viết huyền thoại Bàn Cổ trong quyển Thuật Dị Ký rằng:
"Ngày xưa khi Bàn Cổ chết,
đầu biến thành bốn ngọn núi, hai mắt biến thành mặt trời và Mặt Trăng, mỡ biến
thành sông biển, râu tóc biến thành thảo mộc. Thời Tần và Hán, dân gian kể rằng
đầu của Bàn Cổ là Đông Nhạc, bụng là Trung Nhạc, tay trái là Nam Nhạc, tay phải
là Bắc Nhạc, và hai chân là Tây Nhạc. Các văn nhân ngày xưa kể rằng nước mắt của
Bàn Cổ là sông, hơi thở là gió, giọng nói là sấm, đồng tử trong mắt là ánh
sáng."
Bàn cổ được phóng chiếu
trong tín ngưỡng của người Dao qua hình ảnh của mặt nạ. Ngôn ngữ của người Dao
đọc là mặt nạ "Sán Cô". Trong truyền thuyết Trung Hoa hình ảnh Bàn Cổ
oai hùng là vậy, nhưng với người Dao cách trình diễn mặt nạ lại mang vẻ phồn
thực hơn nhiều.
Cái mặt nạ "Sán
Cô" đầu tiên của tôi
|
Mặt nạ "Sán
cô" là loại mặt nạ nghi lễ được làm từ gỗ sung, hình dạng mặt người
nhưng mắt sâu và răng to một cách kỳ dị. Trong bộ sưu tập của tôi có ba kiểu chế
tạo, một kiểu mặt được phủ toàn bộ bằng giấy bồi, râu và tóc là những tua giấy
nhuộm màu như hình ảnh bên trên và dưới đây.
Một kiểu khác là mặt trơn
hoàn toàn, trên mặt có khắc lõm những đường vằn vện, như thể đó là hình ảnh
cách điệu của râu, lông và tóc.
Mặt
nạ Sán Cô trơn
|
Khuôn mặt này được chạm khắc
khá tinh xảo, kiểu khắc tỉ mỉ như thế này rất ít thấy ở mặt nạ của dân tộc thiểu
số bởi vì dụng cụ khắc của họ thường rất thô sơ.
Một kiểu khác được chế tạo bằng
cách hun khói mặt nạ sau khi đã chạm khắc, râu và tóc là những miếng da động vật
vẫn còn nguyên lông được gắn thêm vào.
Cái mặt này được làm rất
công phu, nghệ nhân chắc hẳn đã dụng công nhiều lắm để làm cho khuôn mặt có
hình dáng lập thể với những đường vát gãy gọn và mạnh mẽ.
Các
góc nhìn và chi tiết
|
Góc
nhìn nghiêng
|
Râu và tóc của mặt nạ bên
trên được làm từ lông dê: dài và cứng. Trong khi đó râu, tóc của mặt nạ bên dưới
đây là từ lông chồn: ngắn và mềm.
Mặt
nạ Sán Cô phủ lông chồn
|
Cái mặt nhìn rất dữ, khuôn mặt
gầm gừ mang trạng thái kích động dữ dội. Mắt xếch trợn ngược lên trong khi nanh
lòi ra chừng như muốn ăn gan uống máu kẻ thù. Lớp lông được phủ gần đầy khuôn mặt
làm tăng thêm cái vẻ hoang dã của mặt nạ, tôi chưa bắt gặp cái mặt nạ nào khác
có kiểu trang trí tương tự như vậy.
Chi
tiết lông trên mặt
|
Điểm chung nhất của tất cả
các mặt nạ trên là chúng đều có một cái sừng, có lẽ đây là hình ảnh đặc trưng của
mặt nạ Bàn Cổ. Bàn Cổ được mô tả lần đầu bởi Wuyun Linianji, ông mô tả Bàn Cổ
có đầu rồng mình rắn (serpent), trong một vài dị bản khác Bàn Cổ có đầu mèo,
mình rắn, móng cọp. Sở dĩ Bàn Cổ có hình dạng kỳ dị như vậy là do năng lực siêu
nhiên của vị thần này. Tuy nhiên, trong hình chân dung hay trong tượng thờ, Bàn
Cổ được miêu tả là người khổng lồ với một cái sừng ở trên đầu (Theo
Hand-book of Chinese Mythology, tác giả Lihui Yang và Deming An, trang 178).
Truyền thuyết của người dân ở đảo Hải Nam cho một giải thích về nguồn gốc của cái sừng này. Thuở ấy loài người ai cũng có sừng, ngoài là vũ khí để săn mồi, sừng có chức năng quan trọng hơn, nó là chỉ dấu cho cái chết của một người. Khi người ta chết đi, sừng sẽ bị mềm và biến mất. Trong cuộc sống thường nhật, con người phải làm công việc săn mồi rất cực nhọc, khi một người cảm nhận thấy cái sừng của mình mềm đi, người ta mới dừng lại, nghỉ ngơi và chờ chết. Một thời gian sau đó, trên thế gian xuất hiện rất nhiều người có sừng mềm và mất đi, chứng tỏ họ không làm việc gì cả. Điều này làm Thượng Đế nổi giận, ông sai linh xuống trần gian lấy lại sừng của con người. Từ đó trở đi, con người không còn sừng nữa và họ phải cực nhọc hơn để kiếm sống. Duy chỉ có thần Bàn Cổ là hãy còn sừng mà thôi.(Theo Hand-book of Chinese Mythology, tác giả Lihui Yang và Deminh An, trang 178-179).
Mặt nạ Bàn Cổ một sừng rất phổ biến, nhưng mặt nạ hai sừng không phải không tồn tại. Bên dưới là một cái mặt nạ Bàn Cổ hai sừng trong sưu tập của tôi.
Mặt
nạ Bàn Cổ hai sừng
|
Có lẽ hình ảnh của thần Bàn
Cổ được diễn giải không giống nhau, tùy thuộc vào quan niệm của từng tộc người.
Trong sách "Myth and Legend of China", tác giả E.T.C Werner,
trang 77, Bàn Cổ được mô tả hoàn toàn trái ngược sách trên:" Bàn Cổ có vóc
người nhỏ thó, phục trang bằng da gấu hay lá cây kết lại hay là quấn quanh người
một cái tơi bằng lá. Ông có hai cái sừng trên trán. Tay phải cầm búa, tay
trái cầm đục (đôi khi là ngược lại), đây là những dụng cụ duy nhất được ông
dùng để thực hiện nhiệm vụ vĩ đại của mình".
Hình
Bàn Cổ theo mô tả của sách Myth and Legend of China
|
Hình ảnh Bàn Cổ và mặt nạ
hai sừng bên trên gợi cho tôi một liên tưởng với hai cái mặt nạ tôi sưu tầm
trong những dịp rất khác nhau trước đây.
Đây là cái mặt nạ gợi một niềm hứng khởi đặc biệt cho tôi, chính nó thúc giục tôi đào sâu và quan tâm tới thú sưu tập của mình một cách có hệ thống.
Mặt
nạ Pangu bằng giấy
|
Tôi sưu tập được cái mặt nạ
này tại thị xã Sapa một đêm hè năm 2005, cái mặt nạ này được làm bằng giấy bồi,
bề mặt ngoài được phủ vật liệu tựa như sơn mài và khuôn mặt loang lổ những mảng
màu nhũ kim rất đặc biệt. Dường như cái mặt nạ này thuộc về tôi như một định mệnh,
tôi thoáng thấy nó khi xe đi qua, khi trở về khách sạn tôi không thể nào ngủ được,
bước chân vô định trong một nơi không quen đã khiến tôi quay lại cửa hàng bán đồ
cổ bên một con dốc. Tôi có cái mặt nạ duyên nợ của mình.
Cái mặt nạ bằng gỗ bên dưới này tôi sưu tập được tại Malaca cách đây hai năm, cái cửa hàng này có một góc nhỏ trưng bày những mặt nạ có nguồn gốc từ Vân Nam của Tung Quốc.
Mặt
nạ Pangu Trung Quốc
|
Cho dù có nguồn gốc địa lý
khác nhau hay được tạo tác bằng những vật liệu khác nhau, các mặt nạ này có đặc
điểm chung không thể nhầm lẫn là hai cái sừng. Rõ ràng Pangu hai sừng là huyền
thoại có thật.
Cứ theo chứng cứ là những mặt nạ mà tôi sưu tầm được, có thể đặt ra một giả thuyết rằng có hai ngành Dao khác nhau di cư vào Việt Nam, một từ đảo Hải Nam qua mang theo hình ảnh Bàn Cổ một sừng, một từ nam Trung Quốc xuống với hình ảnh Bàn Cổ hai sừng trong tín ngưỡng. Tai sao không? Có huyền sử nào không chứa một phần sự thật.
Một
cái mặt nạ Bàn Cổ hai sừng khác
|
Người Dao sử dụng mặt nạ Sán Cô trong nhiều nghi lễ, mục đích để đuổi tà ma, bảo vệ đàn cúng và vong linh người chết. Có hai nghi lễ không thể thiếu mặt nạ Sán Cô là lễ cầu mưa (Bung lổ) và lễ cấp sắc (Lập Tịch) của người Dao Họ.
Theo mô tả cuả tác giả Đào Minh: "Vào khoảng giờ Thìn ngày thứ nhất của lễ “Bung Lổ”, thầy Tam nguyên cùng đồ đệ đánh chiêng, gõ trống múa nghi lễ tiến vào ngõ chủ nhà làm lễ. Đi đầu là một thầy Tam nguyên mặc áo đỏ, tay cầm đao gỗ; một thầy phụ mặc áo vàng, tay cầm kiếm gỗ vừa đi vừa múa theo điệu mở đường. Tiếp theo là hai người múa “vạn pù” cầm dải vải có tua múa theo điệu “trừ tà”. Người đeo mặt nạ là ông"sán cô" tượng trưng cho người khai thiên lập địa, múa các điệu mang tính chất vui hoặc mang tính phồn thực làm động tác giao cấu với đất trời. Đi giữa là một thầy cầm sách và kiếm phép, cái lanh, “lệnh bài”, theo sau là một vài học trò
Thầy
mo mang mặt nạ Sán Cô bảo vệ thầy Tam Nguyên cùng đồ đệ,
ảnh: Phạm Công Hoan
|
Theo Từ điển hiện vật văn
hóa các dân tộc Việt Nam, tác giả Nguyễn văn Huy, xuất bản năm
2007: "Người múa mặt nạ Sán Cô là đàn ông, họ mặc quần áo thầy cúng,
một tay lắc chuông, một tay cầm kiếm gỗ, đi đầu đám rước và làm các động tác
trêu ghẹo phụ nữ mang ý nghĩa phồn thực và xua đổi tà ma."
Trong lể Cấp Sắc, mặt nạ Sán Cô xuất hiện hai lần, lần đầu ở lễ Đón thầy với các nghi lễ gần như tương tự lễ cầu mưa được mô tả bên trên. Sau các nghi lễ được tổ chức trong nhà, đến lúc các thầy cúng dẫn người được cấp sắc tới bàn địa đặt ở ngoài trời, đây là nơi mà người được cấp sắc sau khi được thụ phong trở về lại cuộc sống bình thường, lúc này mặt nạ Sán Cô lại xuất hiện một lần nữa:
"Vào khoảng gà gáy canh hai, các thầy cúng dấn người lập tịch đi vòng quanh lán ba lần và đi ra nơi đặt bàn địa. Đội hình gồm có: Đi đầu là thầy phụ Tam nguyên mặc áo đỏ cầm hai kiếm vừa đi vừa múa kiếm mở đường. Đi thứ hai là thầy phụ Tam thanh mặc áo đen, vừa đi vừa múa lệnh bài lanh. Người đi thứ ba đeo mặt nạ 'Sán Cô' vừa đi vừa múa các động tác mang tính chất phồn thực, tung đất đá… biểu tượng của ông Sán cô- người khổng lồ có công tạo ra vũ trụ, muôn loài..."
Thầy
cúng đeo mặt nạ Sán Cô trên đường ra Ngũ Đài trong lễ Cấp Sắc,
ảnh: Phạm Công Hoan |
Điều rất đặc biệt là mặt nạ
Sán Cô chỉ xuất hiện ở những hoạt động ngoài trời, không bao giờ Sán Cô xuất hiện
trong nhà. Phải chăng điều này phản ánh quan niệm của người Dao về nguồn gốc
hoang dã của vị thần này? Rõ ràng phục sức của ông thầy cúng này cũng rất
"bụi bặm", áo bằng vải nâu thô, không khuy nút, chỉ buộc ngang thắt lưng
một sợi dây. Hình ảnh của ông thầy này trái ngược hẳn với "mũ cao áo
dài" của các thầy Tam Nguyên hay Tam Thanh trong không gian của cùng một lễ
cấp sắc.
Bàn
cổ mặt phồn thực
|
Có lẽ mặt nạ bên trên nhìn
thấy hiền nhất trong bộ sưu tập của tôi. Khuôn mặt này ít nhiều có biểu lộ tính
chất phồn thực, mặt dạng tròn, đầy đặn, râu tóc lưa thưa từa tựa như khôn mặt
"dê" của người mình. Có lẽ những điệu múa mang tính phồn thực trong
buổi lễ của thầy đeo mặt nạ cũng xuất phát từ quan niệm của người Dao về chức
năng sản sinh ra vạn vật của vị thần tối cao này.
Dưới đây là một mặt nạ khác,
hãy chú ý tới kiểu tạo tác mắt mặt nạ, mắt không phải là một lỗ rỗng mà
có một đường nối tạo nên cái tròng. Chính cái "tròng" này làm mắt
sinh động và có hồn hẳn lên. cái tròng còn làm giảm thị lực của người đeo mặt nạ,
làm cho cái nhìn của họ bị mờ đi và vị vậy dễ "nhập vai" hơn thông
thường.
Mặt
nạ Pangu có kiểu tạo tác mắt đặc biệt, mắt nhìn từ phía trước và sau mặt nạ
|
Tôi không thôi trăn trở với
câu hỏi tại sao người Dao; mà không phải người Hoa hay người Việt; lại làm mặt
nạ Bàn Cổ? Người Dao cổ muốn gởi "thông điệp" gì qua mặt nạ này? Tôi
đồ rằng họ cần một sức mạnh thần quyền chính nghĩa để đối phó lại với các thế lực
ma quỷ hắc ám trong cuộc sống nơi miền sơn cước hoang dã cũng như trong các cuộc
thiên di, và Bàn Cổ là một lựa chọn sẵn có tuyệt vời.
Posted by Hoang Thong.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét