Thứ Năm, 9 tháng 1, 2020

6. Chân dung thần tướng


6. Chân dung thần tướng - 
danh tính 19 mặt nạ thần của người Dao Mun

Thoa này bắt được hư không
Biết đâu Hợp Phố mà mong châu về.
(Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Không niềm vui nào bằng giữ được trong tay những gì mình trân quý. Cuối cùng thì "châu về Hợp Phố" và 19 cái mặt nạ giấy quý hiếm của người Dao nhóm Mun* đã hiện diện trong sưu tập của tôi.


19 mặt nạ giấy của người Dao Mun trong bộ sưu tập của tôi - tháng 5/2015

Quả là khó khăn cho một tay "amateur" như tôi khi dám cả gan làm cái công việc của những nhà chuyên nghiệp. Ngôn ngữ là một rào cản quá lớn khi tôi không biết được một từ tiếng Hán nào. Tiếng Hán chỉ là một phần của vấn đề, tiếng Nôm Dao mới là phần rắc rối nhất, cho dẫu bạn là người Hoa hay người Việt giỏi tiếng Hoa đi chăng nữa, bạn không thể giải quyết trò đoán chữ bất khả này nếu không phải là người Dao biết tiếng Nôm Dao.

Tôi đụng hòn đá tảng này ngay từ bước đầu tiên khi định danh người sở hữu bộ mặt nạ. tên người sở hữu được viết vào mặt sau, phía phải của mỗi cái mặt nạ. Có ba cách thể hiện tên khác nhau nhưng đều diễn tả cùng nội dung.


Ba cách thể hiện tên người sở hữu khác nhau phía sau mặt nạ

Cả ba chuyên gia tiếng Hán giúp tôi đều chịu, không thể đọc được từ cuối cùng (theo thứ tự từ trên xuống dưới). Hình bên phải gồm năm chữ là Trí Chủ Lý Thắng..., hình giữa cũng mồm 5 chữ là: Chí Chủ Lý Thắng... và hình cuối chỉ gồm ba chữ: Lý Thắng... Không ai biết giữa Trí chủ và Chí chủ có khác nhau về ngữ nghĩa không nhưng tựu trung lại rằng đây là bộ mặt nạ của một người có tên là Lý Thắng (Li Shen)... gì đó. Vậy từ nay xin gọi bộ tranh này trước đây thuộc thầy Tào Lý Thắng.



Mặt trước và mặt sau của cái mặt nạ Thành Hoàng Tướng. Ở mặt sau, dòng chữ bên trái thể hiện tên vị thần, dòng chữ bên phải thể hiện tên người sở hữu (chữ LS có lẽ là viết tắt chữ Lạng Sơn, chắc do người Việt viết vô để ghi chú nơi sưu tầm được)

Phương pháp "mò" của tôi như sau: trước hết nhờ một người Trung Quốc thứ thiệt "dịch" từ dạng chữ phồn thể qua tiếng Hoa giản thể theo lối viết hiện hành, sau đó phiên âm (đúng ra là phanh âm) theo hệ thống Bính âm (pinyin) của tiếng Hoa hiện đại, sau đó nhờ một người Việt biết tiếng Hoa ký âm lại theo lối đọc tên người Hoa của người Việt mình. Ví dụ như:   dạng phồn thể được chuyển qua dạng giản thể là:  , được phiên âm là Cheng Huang Jiang và ký âm ra tiếng Việt để đọc là Thành Hoàng Tướng. Ôi cái ông Thành Hoàng! Phải lòng vòng một hồi mới té ngửa ra là ông này quen quá, đâu cứ phải là Dao hay Hoa, dân Việt cũng tôn thờ ông này sái cổ.

Tới đây coi bộ êm êm, tên tuổi biết rồi, nhưng biết tên mà không biết ông thần này đóng vai trò gì thì cũng nhạt quá, cầm bằng "chơi hoa đã dễ mấy người biết hoa". Vậy là lại lọ mọ tìm sách tra cứu. Ba ông thầy của tôi gồm những cuốn sau:

#1. Phan Ngọc Khuê, Tranh Đạo Giáo ở bắc Việt Nam. 
Taoist Painting of Norh Vietnam (English version). NXB Mỹ Thuật 2008 (viết tắt là tl.1).

#2. Trian Nguyen, How to Make the Universe Right: The Art of the Shaman in Vietnam and Southern China. Art, Design and Architecture Museum, University of California, Santa Barbara, 2014 (viết tắt là tl.2).

#3. Jess. G. Pourret, The Yao - The Mien and Mun Yao in China, Viet nam, Laos and Thailand, River book, 2002 (viết tắt là tl.3).

Với hai ông đầu thì ổn nhưng đụng ông thứ hai lại gặp vấn đề. Sách của Jess. G. Pourret phiên âm tiếng Hoa theo hệ thống Wade-Giles, lối phiên âm này đôi lúc khác khá xa với lối bính âm. Ví dụ như để chỉ Đế Mẫu, ông Pourret viết là Tio Mou trong khi bính âm lại viết là Di Mu. Vậy nên vừa đọc sách ông này, vừa đoán mò và so sánh với sách ông kia. Ôi ngôn ngữ! Trung hoa Đại lục thay đổi quá nhanh để có thể dễ dàng biến cái tiếng Hán chuẩn mực mới đây thôi thành cổ ngữ.

Thôi thì "điếc không sợ súng", có nhiêu chơi nhiêu theo kiểu anh Hai nam bộ. Sau đây là kết quả lọ mọ của tôi mấy bữa nay.

Tam Nguyên

Theo Phan Ngọc Khuê, tục thờ Tam Nguyên Quan có từ thời thời Hán (tl.1, trang 145). Người ta cho rằng các bệnh ốm đau là do có tội lỗi mà ra, vì vậy phải sám hối bằng cách viết tội lỗi của mình vô ba tờ giấy. Một đốt đi để cúng Thượng Nguyên Thiên Quan (trời), một chôn xuống đất để cúng Trung Nguyên Địa Quan (đất), tờ còn lại thì dìm xuống nước để cúng Hạ Nguyên Thủy Quan (nước)


Mặt nạ Thượng Nguyên Tướng

Đọc trên bức tranh thờ đạo giáo tên là Tam Đại Tướng Quân (Three Generals) tác giả Trian Nguyen cho rằng Thượng Nguyên tên là Đường Hoành (Tang Hong), Trung Nguyên là Cát Ung (Ge Yong) và Hạ Nguyên là Châu Vũ (Zhou Wu) (tl.2, trang 92-93).


Mặt nạ Trung Nguyên Tướng

Tam Nguyên được hư cấu dựa trên những nhân vật anh hùng lịch sử, ba nhân vật trên là bề tôi trung của vua Chu Lệ Vương (King Li) thời Chu (Zhou), thế kỷ 10 trước công nguyên. Sau này Hoàng đế Tống Thần Tông (Zhenzong) vào thời nhà Tống (Song) ban thần, cho họ sức mạnh để quản lý trời, đất và nước nên ba vị thần này được gọi là Tam Nguyên (Sanyuan).


Mặt nạ Hạ Nguyên Tướng

Trong khi thực hành tín ngưỡng, người Dao có hai kiểu thầy cúng là thầy Tam Thanh và thầy Tam Nguyên. "Thầy Tam thanh là người giỏi về văn, đạo lý gọi là bên đạo, có thầy tổ sư là ba vị Ngọc Thanh, Thái thanh, Thượng Thanh. Thày Tam nguyên là giỏi về pháp thuật, xuất binh có thầy tổ sư là ba vị Thượng Nguyên, Trung Nguyên, Hạ Nguyên gọi là bên sư." (theo:Le lap tich Dao Ho). Điều này có lẽ là nguyên nhân hợp lý nhất để lý giải về việc sử dụng khác nhau giữa các mặt nạ đi kèm với bộ tranh thờ và bộ mặt nạ riêng biệt như của sưu tập này. Mặt nạ đi cùng bộ với tranh thờ thường chỉ có 4-5 cái, vẽ các thần bên Đạo là Thái Thanh, Ngọc Thanh, Thượng Thanh, Thái Úy, và Tiền Phong (xem thêm: Mat na than ben Dao) được các thầy Tam Thanh sử dụng. Trong khi đó, mặt nạ thần bên sư thì phong phú hơn do các thầy Tam Nguyên sử dụng để thực hiện nhiều nghi lễ đa dạng và phong phú, bộ mặt nạ bao giờ cũng có ba vị tổ sư là Thượng, Trung và Hạ Nguyên như bên trên.**

Sơn Thần, Thổ địa

"Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá", "Trên thì có Thiên Đế, dưới thì có Thổ Hoàng", cả Sơn Thần (Shan shen) và Thổ Địa (Tu Di) đều thuộc Hậu Thổ Hoàng Địa Kỳ cai quản (theo tl.1, trang 163).

Mặt nạ Sơn Chính
Nhìn mặt tô màu xanh, dung mạo dữ giằn cũng đủ biết thần này thuộc về rừng rú. Thần Sơn Chính là thần trông coi núi rừng của Người Dao.

Mặt nạ Thổ Địa Công

Thổ Địa là vị thần chủ về đất đai và nhà ở. Theo truyền thuyết thì thần Hậu Thổ là vị chưởng quản hết tất cả đất đai chung, vậy Thổ Địa Công (Tu Di Gong) là vị coi sóc vùng đất nhỏ của địa phương nào đó mà thôi.

Danh xưng chính thức của Thổ Địa Công là Phúc Đức Chính Thần. Tên này có được là do truyền thuyết về sự xả thân nhường áo ủ ấm, để cứu con gái quan đại phu triều đình của một nô bộc. Khi người nghĩa bộc vừa chết, trên không trung bỗng hiện ra tám chữ Nam Thiên Môn Đại Tiên Phúc Đức Thần. Mọi người lấy làm kinh dị, cho rằng thiên đình đã phong chức cho người nghĩa bộc. Dân gian gọi ông một cách tôn kính là Hậu Thổ, còn vị quan đại phu cảm niệm ơn đức cứu mạng con mình, đã cho xây miếu thờ. (theo: phuc-duc-chinh-than-tho-dia). Thổ Địa Công đã từ thần đất hóa thành thần người, biểu lộ tinh thần Thiên nhân hợp nhất (Trời người hợp một) của đạo Lão.


Thành Hoàng, Bản Cảnh

Liên quan tới đất đai cũng có hai vị thần rất thân thuộc (với người Kinh) là thần Thành Hoàng (Cheng Huang) và Bản Cảnh (Ben Jing).


Mặt nạ Thành Hoàng Tướng

Thành Hoàng nghĩa là "thần hộ vệ thành", ông là Thủ Hộ Thần của thành thị. Nhiệm vụ của Thành Hoàng là bảo hộ cư dân khi bị thiên tai hay loạn lạc. Về sau, trải qua nhiều thời đại, Thành Hoàng được thêm những nhiệm vụ khác như: cầu mưa, cầu tạnh ráo, ban phúc, giải trừ tai nạn v.v… thành ra ông quan cai quản địa phương, thưởng thiện phạt ác, là ông quan do Minh Phủ phái đến dương gian để cai quản dân tình. (xem chi tiết tại: than tien viet nam)


Mặt nạ Bản Cảnh

Thoạt nhìn thì hai ông Thành Hoàng và Bản Cảnh giống nhau như một. Nhưng nhìn kỹ lại thì Thành Hoàng có vẻ oai phong hơn với cái mũ có hai dải gù buông xuống. Trong thực tế thì phạm vị ảnh hưởng của Bản Cảnh nhỏ hơn rất nhiều và nằm dưới sự bảo trợ của Thành Hoàng. "Thành hoàng Thần (城隍神 / The tutelary spirit of a city / Le génie tutélaire d"un cité) là vị Thần có trách nhiệm ủng hộ (về phương diện thiêng liêng) dân chúng sống trong một cái thành, trong một thị trấn, hay trong một vùng dân cư. Nếu Thành hoàng ủng hộ dân chúng trong một làng, một xã thì gọi là Thần hoàng bổn cảnh (神隍本境 / The tutelary Genius of a village / Le Génie tutélaire d"un village)" (theo: phong-tuc-viet-nam).


Lôi Vương Nguyên Soái

Sấm chớp là hiện tượng thiên nhiên dễ khiến con người sợ hãi nhất. Người ta tin rằng có một tia chớp quét ngang vũ trụ khiến nó ra khỏi trạng thái hỗn mang, vũ trụ được sắp xếp có trật tự liền ngay sau đó.


Mặt nạ Lôi Vương Nguyên Soái

Lôi Vương Nguyên Soái (Lei Wang Yuan Shuai) là một biểu tượng thiên về sự trừng phạt. Ông nhân danh Ngọc Hoàng Thượng Đế trừng phạt những ác quỷ xấu xa và những tôi phạm ở trong bóng tối của trần thế.

Tôi có một thắc mắc rất lớn về dung mạo của Lôi Vương Nguyên Soái trong bộ mặt nạ này với dung mạo của Đặng Nguyên Sư/ Đặng Nguyên Soái  (Marshal Deng, Deng Yuan Shuai) trong cách hình dung truyền thống của người Dao. Đặng Nguyên Sư là thần sấm (Thunder Gold) có cùng chức năng như Lôi Vương Nguyên Soái, nhưng thường xuất hiện trong dung mạo dị thường với khuôn mặt màu xanh, lưỡi thè ra đỏ lòm, năng nanh nhọn hoắt trắng nhỡn, đầy vẻ dọa nạt. Có chăng một sự thay đổi trong nhận thức của người thể hiện về sự trừng phạt? Trừng phạt kiểu Thiên Lôi có thể gây ra sự sợ hãi tức thời, nhưng sự trừng phạt vô hình được giấu dưới sức mạnh thần quyền, thực thi qua một ông thần mũ cao áo dài, có tác dụng nghiêm trang thường trực và có sức răn đe mãnh liệt.


Lôi Vương Nguyên Soái và Đặng Nguyên Soái 
(hình Đặng Nguyên Soái trích từ tranh thờ cùng tên trong bộ sưu tập tư nhân ở Hà Nội)

Ngũ Thương

Cùng có tác dụng trừng phạt, Đạo Giáo dùng hình tượng Ngũ Thương (Wushang, Five Wounds / Five Orderlies). Ngũ Thương tượng trưng cho các thần trấn giữ năm hướng đông, tây, nam, bắc và trung tâm. Những thần này có nhiệm vụ mang thương tật, ốm đau và xui rủi tới những kẻ xứng đáng bị trừng phạt do không tuân theo những qui tắc đạo đức của cộng đồng.


Mặt nạ Ngũ Thương Tướng

Mặt nạ Ngũ Thương rất dễ phân biệt do vị thần này luôn được vẽ với một con chim đang giãy dụa bị ngậm trên miệng của ngài, hình ảnh này có lẽ hàm ý sự đau đớn của việc bị trừng phạt. Trong bức tranh Tổ tông (Zuzong, Ancestors) hay còn gọi lả Tổng Đàn (Zhongdan, Full Pantheon Tribune), Ngũ Thương và Thổ Địa được xếp ở vị trí dưới cùng, là những vị thần gần gũi với thế giới người nhất. Hình ảnh trong tranh mô tả Ngũ Thương cỡi trên năm con vật có năm màu đen, xanh, vàng, đỏ và trắng tượng trưng cho năm hướng, tất cả đang chờ lệnh của Thổ Địa để thực thi nhiệm vụ của mình.


Ngũ Thương và Thổ địa (hình trích từ tranh thờ có tên là Tổng đàn trong bộ sưu tập tư nhân ở Hà Nội)


Hội công Tướng

Mặt nạ Hôi Công Tướng rất đặc biệt. Đằng sau ông có hai con quỷ màu xanh, một con nắm mặt trời có chữ Nhật, con kia nắm mặt trăng có chữ Nguyệt.


Mặt nạ Hội Công Tướng
Hình ảnh Hội Công Tướng này dường như có liên quan tới hình tượng Đại Phạn Thiên Vương, vốn là đấng sáng tạo tối cao (Brahma) trong Bà La Môn giáo, được Trung Quốc hóa qua hình tượng Thần Ba Đầu, hai tay giơ cao hai hình mặt trăng và mặt trời, rất giống với sự mô tả trên mặt nạ (tl.1 trang 100).


Công Tào Tướng

Công Tào (
功曹, Gong Cao, Messenger) là một chức quan nhỏ nhưng có vị trí quan trọng bởi vai trò trung gian trong việc chuyển tải thông tin của những người đảm nhận vị trí này.


Mặt nạ Công Tào Tướng

Trong các nghi lễ, thầy Tào thường viết tấu chương, thay mặt gia đình, bộ tộc hay cộng đồng để báo cáo lên các vị thần tối cao. Tấu chương được đốt đi để gởi tới Thổ Địa, sau đó Thổ Địa chuyển thông tin này cho Công Tào, người sẽ cỡi những linh vật vượt qua mấy tầng mây để chuyển thông điệp tới Thiên Đình.

Tín ngưỡng của người Dao thờ Tứ Trực Công Tào (hay Tứ Trị Công Tào) là bốn vị thần trông coi về thời gian (năm, tháng, ngày và giờ) trên thiên đình gồm Trị Niên (値年), Trị Nguyệt (値月), Trị Nhật (値日) và Trị Thời (値時) (xem chi tiết tại: phat am). Bốn vị thần này thường được mô tả trong bộ tranh thờ bằng một hoặc hai bức tranh riêng biệt, điều này cho thấy tầm quan trọng của Công Tào trong tín ngưỡng của người Dao. Hầu hết các nghi lễ đều treo tranh này nhằm nhờ Tứ Trực Công Tào truyền tin tới những vị thần liên quan đến lễ cúng.


Bộ hai bức tranh Tứ Trực Công Tào trong bộ sưu tập tư nhân ở Hà Nội

Giám Trù Tướng

Chuyện bếp núc là chuyện quan trọng của mọi gia đình. Không chỉ là nấu nướng, cái bếp luôn có câu chuyện riêng của nó và thường không giống nhau trong mọi gia đình.


Mặt nạ Giám Trù Tướng

Dung mạo của Giám Trù Tướng (Jian Chu Jiang) trông thật khác thường, miệng ngậm con dao, hai tai bốc lên hai ngọn lửa cháy phừng phừng. Kiểu mô tả này có vẻ gần với ý nghĩa nguyên thủy của người trấn giữ nhà bếp, khác với cách chúng ta thường thấy Táo Quân của người Trung Hoa với vẻ mặt hồng hào, béo tốt tượng trưng cho lửa và sự đủ đầy.


Vương Mẫu Tướng

Cái tên Vương mẫu hay Đế Mẫu (Di Mu) đã nói lên tầm quan quan trọng bậc nhất của vị nữ thần đặc biệt này.


Mặt nạ Đế Mẫu Tướng

Vương Mẫu là vị nữ thần trong truyền thuyết Trung Quốc, có diện mạo là một bà già hiền lành. Tương truyền Vương Mẫu sống ở cung Diêu Trì núi Côn Lôn. Vương Mẫu chưởng quản phương Tây, nên còn gọi là Tây Vương Mẫu, là người quản lý sổ sách các vị tu hành ở cõi trên hoặc cõi dưới, xem xét họ có được chứng quả thành Tiên hay không. Ngài cùng với Đông Vương Công là hai vị hiện thành do nguyên khí từ ngàn xưa của Đông Tây tạo nên, để nuôi dưỡng trời đất, cai quản muôn vật.

Trong dân gian, Tây Vương Mẫu nối tiếng vì vườn đào tiên (gọi là Bàn Đào), mà sau này Tôn Ngộ Không làm cho nổi tiếng hơn vì con khỉ say xỉn này đã vô tình ăn trộm gần hết. Loại đào nầy, cứ ba ngàn năm mới trổ hoa, ba ngàn năm nữa mới kết trái, ăn vào thì tuổi thọ kéo dài. Khi đào đã chín, Vương Mẫu Nương Nương thường triệu tập các vị thần tiên mở ra bữa tiệc chúc thọ gọi là “Dao Trì Tập Khách” để chiêu đãi. Do đó, nhân gian thường hiểu rằng Tây Vương Mẫu là tượng trưng cho sự trường sinh bất tử. (xem thêm: tam linh viet)


Cửu Nương Tướng

Cửu Thiên Huyền Nữ hay Cửu Thiên Nương Nương xuất hiện rất nhiều trong các tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc. Thủy Hử truyện mô tả Tống Giang được Cửu Thiên Huyền Nữ cứu mạng và giao trách nhiệm thay trời hành đạo trong một giấc mơ nửa mộng nửa thực đầy huyễn hoặc (xem hồi thứ 41. Tống Công Minh gặp bà Huyền Nữ).


Mặt nạ Cửu Nương Tướng

Trong Đạo Giáo, Cửu Thiên Nương Nương là môn đệ của Tây Vương Mẫu. Ngài là vị chuyên môn phù trì cứu giúp anh hùng, dạy thiên thư binh pháp cho các nữ tiên trên trời. 

Theo sách vở hiện nay thì Cửu Thiên Huyền Nữ là một vị Nữ Tiên lộng lẫy, nhưng hình tượng gốc của Ngài lại là một quái vật đầu người mình chim, gọi là “Huyền Điểu”. Qua thời gian, Huyền Nữ chưa thoát khỏi hình tượng chim, nhưng đã tiến thêm một bước là trở thành người cứu nạn, là một vị Nữ Thần nửa người, nửa chim chứa đựng nhiều tài năng mưu lược. Đến đời Tống, trong “Vân Cấp Thất Thiêm” thì Cửu Thiên Huyền Nữ đã hoàn toàn được “nhân thần hóa”, xóa bỏ tất cả dấu vết động vật trong hình tượng. Trong quyển sách đặc biệt tên“Cửu Thiên Huyền Nữ truyện” đã diễn tả bà cỡi chim phượng, trên đám mây ngũ sắc, mặc áo chín sắc “Thái Thúy Hoa” như ta thường thấy ngày nay. (xem thêm: cuu-thien-huyen-nu).


Long Phụng Hoàng Nương

Rồng và Phượng là hai trong Tứ linh. Rồng đại diện cho cha, người chồng, người quân tử, hoàng đế. Còn Phượng là biểu tượng của người vợ, phu nhân, hoàng hậu. Sự kết hợp của Rồng và Phượng là biểu tượng của hạnh phúc lứa đôi. 


Mặt nạ Long Phụng Hoàng Nương

Theo Trian Nguyen (tl.2, trang 74), tại Nguyệt Môn (moon window),  có ba vi tiên nữ gọi là Long Phụng Tam Nương (Long Feng Xan Nieng) trú ngụ. Các vị thần nữ này bảo vệ những sinh linh và ban hạnh phúc cùng vẻ đẹp cho nữ giới.

Trong mặt nạ này, Long Phụng Hoàng Nương (Long Feng Huang Liang) đội cái mũ rất đặc biệt, bên trái là con phượng trống có mào, bên phải là con phượng mái. Đây chắc là biểu tượng của hôn nhân mà vị nữ thần này có nhiệm vụ ban ân.


Cửu Lang Tướng, Tứ Quan Tướng, Xã Hoàng Tướng và Ngô Hoàng

Tôi thật sự đầu hàng vì không tìm được thông tin gì về các vị thần tướng này. Tạm liệt kê hình ảnh ra đây, khi nào có thêm thông tin sẽ hoàn chỉnh chân dung của các ngài.

Cửu Lang Tướng ( Jiu Lang Jiang)


Mặt nạ Cửu Lang Tướng


Tứ quan Tướng (Si Guang Jiang)


Mặt nạ Tứ Quan Tướng


Xã Hoàng Tướng (She Huang Jiang)


Mặt nạ Xã Hoàng Tướng


Ngô Hoàng (Wu Huang)


Mặt nạ Ngô Hoàng


Người nguyên thủy sợ thần, thần của họ đa số là nửa người, nửa cầm thú, là những quái vật nằm ngoài tầm suy nghĩ của con người. Rồi nhân loại tiến hóa dần, những vị Thần, không còn là chỗ sợ hãi, mà trở thành chỗ để con người cầu xin phước đức, lợi lộc. Cho nên, chỉ trừ các loại “Ôn Thần” (thần gây bệnh dịch) đại đa số các vị thần đều là “Thần Bảo Hộ” cho con người. Thần dần dần được “Nhân Hình Hóa” (hóa thành hình người) và được con người tạo thành các hình tượng để thờ cúng. Mặt nạ thần của người Yao thuộc về giai đoạn này. Giai đoạn chuyển từ "Thần Linh" qua "Thần Minh" (thần thoại hóa những người có công) không thấy để lại dấu vết trong tín ngưỡng của họ. Có lẽ lịch sử không đủ dày và đặc biệt là thân phận thiểu số cùng ảnh hưởng Trung Hoa, đã phủ trùm cái bóng quá lớn đè lên tín ngưỡng và văn hóa của dân tộc họ.


Bộ mặt nạ trong sưu tập của tôi và những đối chứng

Tôi thử so sánh bộ mặt nạ này với những thông tin liên quan tới hai bộ mặt nạ được giới thiệu cho công chúng trên sách của Trian Nguyen và Jess. G. Pourret. Sách của Trian Nguyen giới thiệu bộ sưu tập của gia đình Barry và Jill Kitnick có 27 cái (có lẽ không cùng một bộ ?), được vẽ vào năm 1936 bởi tác giả "tài tử" (amateur) tên là Mỹ Đình. Tác giả Jess. G. Pourret giới thiệu một bộ sưu tập 21 cái của người Dao Quần trắng ở Tuyên quang. Niên đại của bộ mặt nạ này rất trẻ, có thể chỉ cách đây không lâu.

Bộ mặt nạ trong sưu tập của tôi hình vuông, kích thước cỡ 25 x 25 cm, trong khi hai bộ mặt nạ kia có hình chữ nhật kích thước khoảng 25 x 30 cm.


Bộ sưu tập của Barry  & Jill Kitnick (trái)  (nguồn: http://www.bates.edu) và Jess.J.Porrret (phải) (nguồn tl.3, trang 244)

Hình ảnh các thần trong hai bộ mặt nạ của Kitnick và Pourret được vẽ trực tiếp trên lớp giấy nền, khác với bộ mặt nạ trong sưu tập của tôi, gồm hai phần: hình đầu thần và nền giấy. Hình đầu thần được vẽ trên giấy cứng, đầu thần sau đó được bồi lên nền gồm ba lớp giấy mềm. Giấy nền rất dai, có lẽ được làm từ vỏ cây dó hay vỏ cây dâu theo cách làm giấy truyền thống của người Dao. Giấy cứng vẽ đầu thần cũng được xử lý rất đặc biệt: mặt sau thô ráp nhưng mặt trước lại mịn để dễ dàng phủ màu lên. Dây đeo được kẹp giữa đầu thần và lớp giấy nền. Cách chế tạo này rất giống với mô tả của Jess. G. Pourret và rất giống với hình minh họa của các mặt nạ (không cùng bộ) có niên đại cũ hơn trong sách của ông.


Những mặt nạ có niên đại cũ hơn trong sách của Jess. J. Pourret (trang 245)


Tôi có một chút hồ nghi về danh tính của bốn vị thượng đẳng thần bao gồm Tam Thanh và Ngọc Hoàng (Jade Emperor / Nyut Hung) được liệt kê trong danh sách các thần theo nhận định của hai học giả này. Bởi tôi nhận thấy trong thực tế, rằng không có bộ mặt nạ của thầy Tam Nguyên (Shi Gong) nào vẽ hình ảnh của các vị này. Theo thiển ý của tôi, có lẽ mặt nạ của bốn vị thần này chỉ được đi kèm theo bộ tranh thờ của thầy Tam Thanh (Tao Gong) (xem thêm: mat-na-giay-cua-nguoi-dao).

Sách của Jess. J. Pourret dẫn hình của một vị thần và cho rằng đây là Ngọc Hoàng (Nyut Hung) do bởi dấu hiệu là hai thiên thần ở hai bên vai. Tôi mơ hồ cho rằng đó không phải là nhận định chính xác. Tôi cũng có một cái mặt nạ được vẽ tương tự như vậy nhưng lại có tên rõ ràng được viết lên phía trước là Đế Mẫu Tướng Nhị. Tương tư  như mặt nạ Đế Mẫu bên trên, mặt nạ này cũng có hai đứa trẻ  (thiên thần?) hai bên vai, tuy nhiên lạ một điều Đế Mẫu tại sao lại có râu. Cái sự dở dang của một câu hỏi chờ lời đáp âu cũng là một thú vui khác của người sưu tầm vậy.


Trái: hình trong sách của G. Porurret,.Giữa: sưu tập của tôi, danh tính ghi trên mặt nạ là Đế Mẫu Tướng Nhị

“Tạp nhi đa đoan”(phức tạp mà nhiều nguồn gốc), là cách người ta dùng để nói về sự rắc rối của hệ thống thần tiên trong Đạo Giáo. Quả là phức tạp thật, nhưng tôn giáo xét cho cùng là ước vọng của những tín đồ. Để làm cho ước vọng này hoàn hảo, cố nhiên người ta phải nhờ cậy đến các đấng bề trên bằng tâm thế "đa đoan" cũng là điều dễ hiểu.



Ghi chú:

* Người Dao là dân tộc có nhiều tên gọi nhất bởi họ có rất nhiều nhánh (ngành) khác nhau. Hiện nay có hai cách phân loại phổ biến: theo Tim Doling (2010) và theo Nguyễn Khắc Tụng (2004). Ở đây dùng phân loại theo Tim Doling, được quốc tế thừa nhận rộng rãi hơn, người Dao chia thành hai ngành chính là Mien Yao và Mun Yao (xem chi tiết: 
https://en.wikipedia.org/wiki/Yao_people#cite_note-14).

** Theo Jess. G. Pourret (tl.3, trang 219), cộng đồng người Mun Yao có hai loại thầy cúng là Dao Gong va Shi Gong, có lẽ tương ứng với thầy Tam Thanh (bên đạo) và Tam Nguyên (bên sư) trong nhận định này.

Posted by HoangThong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét