8. Mặt nạ
Indonesia, những mảnh vỡ liền lạc (phần 1)
PHẦN 1: MẶT NẠ
BARONG Ở BALI
Indonesia, thống nhất trong đa dạng
Như một nắm sỏi được Thượng
đế rải xuống trần gian, Indonesia lô nhô giữa biển khơi với hơn mười bảy ngàn
hòn đảo. "Xứ sở vạn đảo" này còn đặc biệt hơn bởi
Thượng đế đã khéo chọn vị trí cho nắm sỏi của mình, khi để nó nằm vắt ngang đường
xích đạo và chặn giữa hai đại dương Thái bình và Ấn độ. Đất nước này là những vạch
đứt nhưng lại có nhiệm vụ kết nối, buộc nó phải tìm sự thống nhất trong tính đa
dạng của mình.
Cấu trúc mandala (xem mandala) của quyền lực chính
là lực hút để giữ những trung tâm rời rạc này lại và cũng do tính chất liên
minh mà xuất hiện một sự đồng nhất trong văn hóa với những hình thức thể hiện chung
nhưng lại có những khác biệt riêng theo từng khu vực địa lý. Múa mặt nạ bao gồm Barong, Wayang
Wong và Topeng sẽ kể câu chuyện về sự thống nhất trong đa dạng của một
nền văn hóa đặc sắc từ quốc gia rất đặc biệt của vùng Đông nam Á này.
Múa Barong, chuyện thần
linh của Bali
Câu chuyện muôn thuở về cuộc
chiến đấu giữa cái ác và điều thiện cũng như sự song trùng tồn tại giữa chúng,
được thể hiện qua một huyền thoại mang tính lễ nghi trong điệu múa Barong (xem
thêm: barong).
Mặt nạ Barong trong sưu tập của tôi
|
Chuyện về cuộc chiến giữa
Barong và Rangda hầu như giống nhau nhưng mặt nạ Barong lại khác nhau ở từng
vùng bởi vì mỗi vùng có hình ảnh vị thần bảo vệ riêng cho rừng và đất đai
của mình. Mỗi Barong cho mỗi vùng được mô phỏng theo một con vật khác nhau tùy
vào tín ngưỡng.
Mặt nạ Rangda và Barong Ket
|
Barong phổ biến nhất mang
hình hài của con sư tử được gọi là Barong Ket (Basnapati Rajah). Mặt
nạ thiêng Barong có nhiều vai trò trong xã hội Bali. Nó có thể được dùng trong
điệu múa Barong, được sử dụng trong các buổi lễ làng hoặc cho các đám rước, và
xuất hiện trên ban thờ của đền thờ Ấn giáo (Hindu). Mỗi ngôi làng giữ mặt nạ
Barong Ket của mình tại ngôi đền thiêng và thường xuyên cúng tế vì nó bảo vệ
làng. Nguồn gốc của Barong có từ thời xa xưa và không rõ ràng lắm, nó có thể xuất
phát từ tín ngưỡng bái vật giáo, trước khi Hindu giáo xuất hiện, khi người dân
vẫn tin vào sức mạnh chống lại các thế lực siêu nhiên của động vật (theo: mascasia).
Barong Bangkal là barong trong hình hài của con heo rừng trưởng thành. Tại Bali, heo rừng đực gọi là bangkal, trong khi heo rừng cái được gọi là bangkung. Đó là lý do tại sao loại barong này còn được gọi là Barong Bangkung, một đôi khi nó còn được gọi là Barong Celeng nữa.
Mặt nạ này được sử dụng trong nhiều dịp khác nhau. Nó có thể được dùng trong những lễ hội tại các ngôi đền và cũng có thể được trình diễn ngoài đường phố trong mười ngày giữa hai lễ Kuningan và Galungan (năm mới).
Trong dịp ngelawang này, hàng ngày Barong Bangkal được thả ra ngoài đường và đi từ làng đến làng khác, nó nhún nhảy theo nhịp điệu được đánh bởi cái phèn la (esplanade) (theo: ceroart).
Ngelawang nghĩa là đi lang thang, đó là một nghi thức được hỗ trợ bởi những năng lượng thần bí mạnh mẽ có từ các vật thiêng như Barong và Rangda. Khi những vật này được mang ra bên ngoài ngôi đền hoặc làng mạc nó được hiểu như là một hình thức bảo vệ cho toàn thể cộng đồng. Sự hiện diện của những linh vật luôn được người dân chờ đón và chào mừng với một ý thức tôn kính. Những người nhặt được lông của Barong hay Rangda có thể tự tin biến nó thành thuốc chữa bách bệnh hoặc làm thành những lá bùa (talisman) (theo: mulpix)
Mặt nạ Barong Macan (Tiger
Barong) đại diện cho tinh thần mạnh mẽ của một con hổ, biểu tượng của thần
Brahma, người bảo vệ ngôi làng khỏi những tai họa và linh hồn của người quá cố.
Ông cũng giữ sự cân bằng giữa thế giới trần thế và thế giới tâm linh. Đặc trưng
bởi đôi mắt lồi to với miệng há rộng để lộ cặp nanh dài, mặt nạ này là một ví dụ
tuyệt vời về việc thể hiện những sắc thái mạnh mẽ của khuôn mặt, sức mạnh biểu
cảm của nó là một đặc trưng tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc Bali. Cách
thực hiện Barong này cũng giống như Barong Bangkal, đó là 'ngelawang' xung
quanh làng theo vũ điệu Bali truyền thống cùng với các nhạc cụ Gamelan Batel.
Gajah có nghĩa là voi, như
ngụ ý của nó trong tên gọi , Barong Gajah được thể hiện trong
một hình thức con voi. Loại Barong này rất hiếm vì sự thiêng liêng và không phổ
biến đặc biệt của nó. Barong Gajah chỉ có thể được nhìn thấy ở
một số làng của Gianyar, Tabanan, Badung và Bangli. Chỉ trong những dịp đặc biệt,
barong này sẽ ngelawang quanh làng tương tự như Barong Bangkal hay Barong
Macan.
Mặt nạ Barong Gajah (trái) và Barong
Asu (phải)
|
Barong Asu giống
với một con chó. Giống như Barong Gajah, Barong Asu cũng rất hiếm,
chỉ được tìm thấy ở một số làng trong khu vực Tabanan và Badung với những hình
thức ngelawang quanh làng tương tự.
Còn rất nhiều những Barong được thể hiện dưới hình thức linh vật có bốn chân rất gần gũi với cuộc sống hàng ngày, như Barong quạ (barong guak), dê (barong kambing), bò (barong lembu), ngựa (barong jaran), hưu (barong rusa) hay barong sai giống với con sư tử trong múa sư tử của Trung Quốc.
Sư tử, hổ, heo rừng và voi
là những con vật mạnh mẽ, luôn nhân được sự nể nang của con người, nhưng chó,
dê, bò, ngựa, hưu, quạ vẫn có thể thành thần bởi quan niệm vạn vật hữu linh rất
phổ biến trong tư duy tôn giáo của châu Á. Có lẽ những hình thức khác nhau của
chúng theo từng vùng bị ảnh hưởng bởi những linh vật mà một cộng đồng nào đó được
thừa hưởng từ tổ tiên của họ. Con sư tử là linh vật phổ biến của vùng Nam Á
nhưng con heo rừng lại mang bóng dáng của Tây Tạng xa xôi, trong khi con voi lại
đến từ những khu vực theo Ấn giáo nằm gần kề. Mỗi con vật như một mảnh ghép
trong bức tranh đa dạng nhưng rất đồng nhất trong cách thể hiện, Barong
Ket linh thiêng và quyền năng nhất chỉ ở trong đền chiến đấu để bảo vệ
điều thiện khỏi cái ác, trong một cuộc chiến ở tầm mức rộng. Những Barong
khác đưa sức mạnh của thánh thần tới cộng đồng, trong những hình thưc giản
dị và gần gũi.
Mặt nạ Barong Naga tại bảo tàng Basoeki Abdullah (nguồn: cagarbudaya) |
Hình thức của Barong không dừng
lại ở cách thể hiện qua những linh vật của tôn giáo nguyên thủy. Có thể tìm thấy
một hình thức khác của Barong trong mặt nạ Barong Naga dưới
hình dạng của một con rồng, nó có vai trò quan trọng trong văn hoá tại những
nơi sản sinh ra nó như Bali, Sulawesi, Timor và các hòn đảo khác. Mặt nạ Barong
Naga là một sự kết hợp của rồng và rắn, nó giúp tìm kiếm những điều
may và đóng vai trò bảo vệ. Khi bị đối xử kém hoặc thiếu tôn trọng, Naga sẽ
mang tai ương cho con người như động đất, bão hoặc các kiểu thiên tai khác. Người
ta còn tin rằng Naga là người giám hộ những kho báu của thế gian. Không tìm thấy
mặt nạ Barong Naga trong hình thức ngelawang, hình như đây là
một vật thiêng để treo trong các nơi thờ tự hơn là một công cụ biểu diễn như những
hình thức kể trên.
Không ai chắc chắn về nguồn gốc của múa Barong hiện nay, tuy nhiên các giả thuyết thường bao gồm hai cách lý giải: hoặc là múa Barong có nguồn gốc từ tôn giáo bản địa, hoặc là nó đến từ ảnh hưởng của Ấn Độ.
Người Bali Aga gọi họ là người
“Bali gốc”, nghĩa rằng họ là những cư dân gốc sống tại hòn đảo này trước khi
người Majapa từ Java di cư tới đây vào khoảng năm 1340, họ có một hình thức
Barong rất đặc biệt gọi là Barong Brutuk. Đây là một nghi lễ rất hiếm,
được tổ chức ở Bali Agar, một làng thổ dân ở Trunyan. Brutuk được
tổ chức không thường xuyên vì dân làng chỉ làm lễ này khi họ gặp những trường hợp
được cho là không sạch sẽ (ví dụ như chết chóc hay dịch bệnh) xảy ra trong
làng. Hai mươi mốt cái măt nạ được dùng trong nghi lễ và chỉ những đàn ông chưa
vợ được tham dự mà thôi. Cũng như các Barong khác, mục đích của Barong
Brutuk nhằm để khống chế tà ma.
Mặt nạ Barong
Brutuk khác hẳn hình thức linh vật của những mặt nạ Barong kể trên,
chúng trông đơn giản nhưng đầy cá tính, gần với người hơn là vật. Mặt nạ có thể
mang gương mặt đàn ông rắn chắc và mạnh mẽ, mặt nạ khác lại có vẻ nữ tính trong
khi cái khác lại mang gương mặt người già. Đây có lẽ là hình thức cổ xưa nhất của
Barong được trình diễn bởi người Bali bản địa nhằm mô tả lại cuộc sống của tổ
tiên họ ở thời cổ đại. Kết quả của sự giao thoa văn hóa giữa những yếu tố bản địa
và ngoại lai tạo nên những hình thức Barong phong phú khác. Khác cả theo hình
thức lẫn thời gian, như mặt nạ Barong Kedingkling hay Barong
Landung thể hiện sau đây.
Mặt
nạ Barong Kedingkling
|
Những học giả cho rằng múa
Barong có nguồn gốc từ Ấn độ nói Barong được lấy từ chữ "Bahruang" trong
tiếng Phạn. Bahruang là một con vật có năng lực siêu nhiên và
thường được gọi là người bảo vệ điều lành. Ảnh hưởng của Ấn độ lên múa Barong
có thể thấy rõ nhất ở Barong Kedingkling còn gọi là Barong
Blasblasan hay Barong Nong Nong Kling. Cái mặt nạ dạng
tròn này khác hẳn các hình thức mặt nạ Barong khác, nó là mặt nạ dùng như đạo cụ
để múa giống như trong múa Wayang Wong. Câu chuyện được kể
trong Barong Kedingkling cũng được lấy từ sử thi Ramayana của
Ấn độ. Đây chính là lý do mà Barong Kedingkling được coi là
nguồn gốc của Wayang Wong hôm nay. Barong Kedingkling xuất
hiện rất nhiều trong vùng Gianyar, Bangli và Klungkung, những vùng đất được cho
là nguồn gốc của nghệ thuật múa Bali hiện tại.
Barong Landung lại
là câu chuyện về sự hỗn dung văn hóa và hội nhập của vùng đất nằm ở ngã ba đường
này. Ngày này vẫn có thể dễ dàng tìm thấy hai con rối khổng lồ hình người, một
nam một nữ tại các ngôi đền của làng ở vùng Bali, được thờ phượng và tôn kính
như một người bảo vệ của xã hội. Barong Landung được cho là hiện thân của
cuộc hôn nhân giữa vua Balingkang tên là Jaya Pangus với công
chúa Trung Quốc Kang Ching Wei. Barong Landung nam gọi là Jero
Gede. Mặt nạ nhìn khá đáng sợ, có màu nâu đen với hàm răng vẩu nổi bật. Ông
có một cằm chẻ và đôi tai dài đeo những bông tai bằng đồng xu. Mặt nạ này mô tả
kiểu vẻ đẹp lý tưởng một thời của người Bali, cứng và rắn chắc. Barong Landung
nữ tên là Jero Luh vợ của Jero Gede. Mặt nạ nhìn
khá buồn cười với một cái trán vồ nổi bật. Đôi mắt xếch kết hợp với một nụ cười
ngọt ngào cùng đôi môi được sơn đỏ. Giống như chồng, Jero Luh cũng
có đôi tai dài. Mặt nạ này có màu trắng vàng, giống như da của người Trung Quốc
(theo: baronglandung).
Câu chuyện tình Barong
Landung phải được quay ngươc lại thế kỷ 12, khi mối quan hệ kinh tế giữa
Bali và Trung Quốc trở nên mật thiết. Đây có thể là một cuộc hôn nhân chính trị
nhưng lại được che đậy dưới màu sắc huyền thoại của một cuộc tình tay ba giữa
người và thần (1). Cho dù kết quả của cuộc tình là thế nào, sự sùng kính của
người dân Bali với biểu tượng Barong Landung cho thấy tầm quan
trọng của sự hội nhập văn hóa ngoại lại vào với văn hóa bản địa trong tiến
trình phát triển của Indonesia.
Ở một khía cạnh khác liên
quan tới sự lan tỏa ảnh hưởng, trong mối liên quan với mặt nạ Ondel-ondel của
người Betawi ở Jakarta, người ta cho rằng Ondel-ondel là một dị
bản của Barong Landung nhưng không mang ý nghĩa tôn giáo bởi
vì phần lớn người Betawi theo đạo Hồi nên họ không có quan niệm về thần linh
như người Bali. "Cả hai cặp hình nộm được cho là liên quan chặt chẽ.
Ondel-ondel hoàn toàn có thể là Barong Landung đã được các công chức của Bali
mang tới Jakarta trong thế kỷ 17-18. Trong thời gian đó, việc buôn bán nô lệ của
các nhà cai trị Bali rất sôi nổi, khối lượng lớn người Bali được đưa đến
Jakarta chiếm gần một nửa tổng số người Indonesia ở Batavia (tên gọi Jakarta
vào thời điểm đó)" (theo: barong landung story).
Những "mảnh Barong" tưởng như rời rạc lại tạo thành một tổng thể hoàn hảo khi chúng được ghép lại với nhau. Barong trở nên là một ý niệm về sự chiến đấu của điều tốt chống lại điều xấu, của đức hạnh (dharma) chống lại pháp thuật (adharma), hơn là một hình thức thực hành tôn giáo. Điều này giải thích cho sự phong phú, sự đồng nhất và khác biệt của rất nhiều hình thức mặt nạ Barong kể trên. Ở trong cái thế phải đối diện với những tác động liên tục từ các nền văn hóa bên ngoài, "hòn đảo của thánh thần" (2) tiếp thu những tín ngưỡng ngoại lai, dung nạp chúng và đồng hóa chúng. Hình thức có thể khác nhau nhưng nền tảng chính là quan niệm về sự cân bằng của những thế lực tự nhiên và siêu nhiên trong vũ trụ, chúng đấu tranh nhưng không triệt tiêu, tất cả song trùng tồn tại. Barong đã làm được điều này, Barong đã chứng minh được rằng tôn giáo là đời sống, để là cuộc sống nó phải năng động và không giáo điều.
Chú thích:
(1).
Chuyện kể rằng vấn đề lớn duy nhất trong cuộc hôn nhân này là họ dường như
không được ban phước để có con. Đây là một vấn đề lớn bởi vì một triều đại luôn
luôn cần phải có con cháu. Nhà vua quyết định ngồi thiền ở núi Batur nhằm cầu
xin sự hướng dẫn từ thánh thần để có thể được ban phước cho con cái. Trong
Batur, vua gặp vị nữ thần hồ Dewi Danu, ông có mối quan hệ tình ái với nữ thần
này và cuối cùng, một đứa con trai được sinh ra. Ba năm trôi qua, Kang Ching Wei quyết định đi tìm
chồng ở Batur và cô ấy bị sốc bởi thực tế cô gặp ở đó. Dewi Danu phủ nhận sự việc,
vị vua đã nói với cô rằng ông vẫn còn độc thân. Nữ thần đã rất tức giận. Trong
cơn thịnh nộ của mình, thần đã nguyền rủa Jaya Pangus và hoàng hậu của ông, hai
người sau này bị biến thành một cặp búp bê gọi là Barong Landung. Sau đó các
"barong" này được đặt tại các đền thờ và chỉ được đưa ra để tham dự
các nghi lễ được tổ chức tại các đền thờ khác hoặc được rước trong các
"đám diễu hành của làng" (nguồn: barong landung story).
(2)
Tên gọi một cách ví von của đảo Bali.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét