Thứ Năm, 16 tháng 1, 2020

31. Mặt nạ Malaysia


31. Viết tiếp về chuyến sưu tầm mặt nạ ở Malaysia


Tôi không biết câu khẩu hiệu "Truly Asia" (Á châu đích thực) của ngành du lịch Malysia trúng đến đâu, nhưng với thế giới mặt nạ thì nên phong cho nước này là "Truly Mask!"


1.    Mặt nạ Vua phủ batik (sưu tầm năm 2011)

Có lẽ mặt nạ Batik là nổi tiếng nhất, bạn có thể thấy nó ngay khi đặt chân xuống sân bay, trong các quầy lưu niệm và những mảng tường được trang trí. Tên gọi "Batik Mask" đã trở nên phổ biến, tuy nhiên nó không phản ánh đúng bản chất của mặt nạ này. Mặt nạ loại này bao gồm một cặp, mô tả mặt vua và hoàng hậu, trên trán mặt nạ vua có cái đầu chim lồi ra, cho nên có người còn gọi mặt nạ này là "man and bird" còn mặt nạ hoàng hậu thì không có đầu chim này.


2.    Mặt nạ Vua với đầu chim (sưu tầm 10/2005)

Sở dĩ có tên Batik là do trên bề mặt phía trước và sau của mặt nạ này có phủ một lớp Batik. Batik là một nghệ thuật trang trí truyền thống nổi tiếng của Malysia, gần tương tự như phủ nhung của người mình, nhưng màu sắc thì rất rực rỡ, bao gồm cả những loại màu tạo ánh kim như nhũ vàng và nhũ bạc nữa.

(Xem thêm một chút chi tiết ở đây:
http://www.africantreasures.com/detail.asp?PRODUCT_ID=MASKJAVA0001)

Bên cạnh mặt nạ (phủ) Batik, mà tôi cho là đặc trưng không chỉ của Mã Lai mà là cả của vùng Nam Á Hải Đảo, Malaysia còn có nhiều loại mặt nạ quyến rũ hơn nhiều. Nhân một chuyến công tác bảy năm về trước, tôi có tranh thủ mua một cái mặt nạ bằng đồng tại sân bay KL. Năm ngoái qua lại thì không còn thấy cửa hàng này nữa, nhưng cái  mặt nạ thì tôi vẫn còn lưu giữ đến nay. Mặt nạ mô tả khuôn mặt của một phụ nữ qúy tộc đi kèm với một cái chân rất đẹp.


3.    Mặt nạ hoàng hậu

Lần này tôi ở tại khách sạn Federal, ngay trung tâm KL. Chỉ mất 5 phút đi bộ, xuôi dọc theo con phố Jalan Bukit Bintang, bạn sẽ đến một cái chợ (mà tôi không nhớ tên) bán đồ mỹ nghệ và lưu niệm.


4.    Đường rẽ vào chợ

Tôi đã mua được cái mặt nạ bên dưới trong khu chợ này.


5.    Mặt nạ sơn mài

Đây là loại hàng chợ, làm bằng gỗ, bề mặt được xử lý bóng như sơn mài của mình. Có rất nhiều kiểu họa tiết vẽ trên mặt nạ, nhìn thẫm mỹ cũng không đến nỗi tệ.

Một điểm đến thú vị khác là Cetral Market cũng ở Kuala Lumpur (KL). Cetral Market cũng bán chủ yếu là hàng mỹ nghệ và lưu niệm, tuy nhiên chất lượng hàng ở đây tốt và phong phú hơn nhiều.


6.    Cetral Market. Bên dưới biểu tượng này là phố đi bộ Kasturi




7.    Một cửa hàng bán mặt nạ trong Central Market


8.    Mặt nạ Batik được bày bán dồi dào, đủ kiểu, đủ loại

Bên dưới là mặt nạ có tên là Barong, được chạm lộng khá tinh xảo, rất xứng đáng để tham gia vào bộ sưu tập của tôi.


9.    Mặt nạ Barong

Rời KL, tôi đến Malacca (còn gọi là Melaka) vào lúc chiều muộn. Trải qua một đêm nằm nghe sóng vỗ yên bình bên dưới khách sạn, ngẫm nghĩ một chút về chuyện thời sự bên ngoài. Trái ngược với sự yên bình trong đất liền, eo biển Malaca chiếm tới 1/3 các vụ cướp biển trên thế giới., cái cửa ngõ huyết mạch trong tuyến vận tải nối liền Ấn Độ Dương với Biển Đông, có ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế của các con rồng châu Á. Nếu cái đường lưỡi bò của Trung Quốc mà thành hiện thực thì eo Malaca cũng như cánh cửa mở vô hẻm cụt mà thôi! Vậy nên cũng không thể trách Tây, Tàu, Mỹ, Nhật, Việt, Nga... ông nào cũng nhảy vô đây tuyên bố có lợi ích cốt lõi.


10. Biển lúc chiều muộn, phía trước là eo biển Malacca nổi tiếng

Tôi đến phố bán hàng lưu niệm tại Malacca khá sớm, với quyết tâm tìm cho được một tiệm bán mặt nạ cổ tại thành phố có lịch sử lâu đời này. Thành phố được thành lập vào cuối thế kỷ 14 và trải qua hơn 100 năm huy hoàng cho đến khi bị người Bồ Đào Nha thống trị. Hồi Giáo có ảnh hưởng rất lớn ở đây và ngày xưa là quốc giáo của vương quốc này.


11. Phố mua sắm tại Malaca

Không có tiệm nào như tôi hình dung, nhưng Beyond Treasures lại là một tình cờ thú vị. Đây quả thật là "House of  Masks" (Ngôi nhà của mặt nạ) như đúng slogan của cửa tiệm này.


12. Bà Rena Pok, chủ cửa hàng

Cửa hàng này có rất nhiều loại mặt nạ, đa phần là đồ mỹ nghệ nhưng cũng có nhiều mặt nạ cũ rất đẹp.


13. Mặt nạ bên trong cửa hàng



14. Một góc cửa hàng


15. Rất nhiều loại mặt nạ dài và lớn dùng để trang trí



16. Một vài kiểu mặt nạ Tây Tạng hiếm thấy ở Mã Lai


17. Một ít mặt nạ cũ được tân trang lại

Cả hai vợ chồng chủ tiệm đều là người hiếu cổ, họ vừa mua bán vừa sưu tầm các tác phẩm mỹ nghệ cổ của Mã Lai và vùng Đông Nam Á.

(Mời xem thêm ở đây: 

Tôi sưu tầm được mấy cái mặt nạ rất vừa ý ở cửa tiệm này (hình bên dưới):


18. Một cái mặt nạ cổ

Cái mặt nạ bên trên có vẻ khá cổ, lớp sơn trên bề mặt đã hầu như bong tróc hoàn toàn, những dấu vết còn lại cho thấy rằng nó đã từng một thời rất huy hoàng và đầy màu sắc.

Tiếp đến là một mặt nạ rất phổ biến có nguồn gốc từ Bali, tên là Rangda, điều đặc biệt ở đây là cái mặt nạ này có đầy đủ râu tóc làm bằng lông bờm ngựa và lưỡi làm từ một loại giấy truyền thống của họ.


19. Mặt nạ Rangda

Một chút hương vị phương xa đến từ mặt nạ có nguồn gốc Tây Tạng. Những đường nét thô mộc và dữ đội công thêm một dãy đầu lâu trên trán làm cho cái mặt nạ này thoạt trông thì hết sức dữ dằn nhưng nhìn kỹ lại thấy có nét Phật tính trong đó..


20. Mặt nạ Tây Tạng

Đất nước Malaysia, có lẽ là là người Mã gốc Hoa thì đúng hơn (họ gần như nắm hết nền kinh tế), cũng không quên tiếp thị hình ảnh đất nước họ, một cái mặt nạ mang quốc kỳ cùng lời giới thiệu "100% recycle paper", đã đủ khẳng định cái tầm làm du lịch của người ta.


Tôi chia tay đất nước này với ít nhiều luyến tiếc. Phải thêm một chuyến du hành nữa mới có thể khám phá hết thế giới mặt nạ khá phong phú của nước này.


21. Mặt nạ quốc kỳ  Malaysia


Posted by Hoang Thong 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét