25. Đến từ Nhật
Bản: Tengu - Mặt nạ Thiên Cẩu
"múa đi các con
này đây cái nón gãy vành làm đầu thiên cẩu
và sợi dây chuối treo ngọn lá làm tiền
múa đi các con "
(Thơ Trần Vàng Sao)
Ký ức trung thu của tuổi thơ tôi là cái đầu thiên cẩu. Không quá nghèo khó, rách nát như thơ bên trên nhưng cũng không quá mượt mà, bóng bẩy như cái đầu lân hiện tại*. Hình ảnh con vật thần thoại nhảy múa trong không gian mờ ảo dưới ánh lửa của đuốc tre, trong âm thanh dồn thúc của trống, tang và xập xõa, lẫn trong mùi mồ hôi người cùng hơi nóng bốc lên từ mặt đường nhựa trong đêm trung thu trăng sáng, luôn có một sức ám ảnh đặc biệt. Tôi không nhớ lắm về chi tiết nhưng màu sắc sặc sỡ của cái đầu có dáng bè bè, cùng với cái sừng cong thật cong và cái đuôi dài có vảy xếp lớp, được may bằng vải vụn của một thời khốn khổ, thì khó mà quên được.
Đầu
thiên cẩu làm theo kiểu xưa
|
Thiên Cẩu định hình trong
trí óc tôi như vậy cho đến khi mặt nạ Tengu xuất hiện. Cũng là thiên cẩu
(heavenly dog) nhưng sao thiên cẩu Nhật Bản lạ lùng quá vậy!
Thoạt tiên tôi nghĩ đây là một
phiên bản Pinocchio của Nhật Bản bởi vì cái mũi dài của cậu bé này đã trở thành
biểu tượng răn đe cho hành động nói dối. Nhưng tôi đã nhầm, Tengu có lịch sử
lâu dài, phức tạp và thậm chí đầy mâu thuẫn, trong thần thoại Nhật Bản. Nó mang
nhiều sắc thái tôn giáo khác nhau tùy vào quan niệm và mục đích của người sử dụng
câu chuyện.
Tengu được biết đến lần đầu tiên vào thế kỷ 6 hay 7, cùng thời Phật giáo du nhập vào Nhật. Trong huyền thoại Phật giáo Nhật bản, Tengu là biểu tượng của những thầy tu sa ngã, các ông thầy tu không có thực học, kiêu căng, ích kỷ, sẵn sàng vi phạm hoặc lợi dụng Phật pháp để làm bậy hay để được nổi tiếng, sau khi chết đều bị biến thành những hình nhân mặt đỏ có cái mũi đặc biệt dài, gọi là Yamabushi Tengu
Tengu
trong trang phục của thầy tu tại một nghi lễ ở tỉnh Furubia
|
Trải qua hàng thế kỷ, Tengu
đã có rất nhiều thay đổi cả hình dạng lẫn ý nghĩa. Ban đầu Tengu xuất hiện
trong hình dạng của một ác điểu mình người đầu quạ, trên cái đầu nhỏ có chiếc mỏ
dài cùng đôi cánh rộng và bộ móng vuốt dữ tợn. Trong cái lốt ác điểu có tên là
Karasu Tengu đó, Tengu là thần rừng, thần có khả năng bắt cóc người lớn, trẻ
con, phóng hỏa và tóm gọn những kẻ cố tình phá hoại. Những người bị Tengu bắt
sau đó sẽ được thả ra nhưng họ không còn nhớ gì được nữa, tiếng Nhật gọi họ là
"Tengu Kakushi"- người bị ma bắt. Qua thời gian, quan niệm về Tengu trong
thần thoại thay đổi theo hướng nhân hóa hơn, Tengu có hình dạng trở nên giống
người với cái mặt của Yamabushi Tengu như mô tả bên trên. Lúc này Tengu trở
thành vị thần bảo vệ cho công việc của nam giới Nhật Bản.
Mặt
nạ Yamabushi Tengu và Karasu Tengu ở đền Yakuoin (gần Tokyo)
|
Một huyền thoại trong Kujiki
(cổ ký sự) lại cho rằng Tengu xuất thân từ vị thần nguyên thủy của Nhật Bản là
Susano-O (hay Susanowo) - thần của biển cả và bão tố. Ông là con của thần
Izanagi và Izanami và là anh, nhưng sau này trở thành người phối ngẫu của thần
mặt trời Amaterasu (theo: http://www.thetengu.com/tengu/).
Ông sinh ra Amanozako, một nữ
thần có nhiều điểm tương đối giống với những mô tả xưa nhất về Tengu. Do đó ta
cũng có thể coi Amanozako là tiền thân của Tengu ngày nay. Điều mâu thuẫn ở đây
là hầu hết các câu chuyện về Tengu đều mô tả chúng dưới hình dạng đàn ông.
Tengu cái không bao giờ được nhắc đến.
Một
cái mặt nạ Tengu ở một ngôi đền trên đỉnh núi Miyajima
|
"Tengu không thích những người kiêu ngạo và ích kỷ, nhưng chính chúng lại
có tiếng là kiêu ngạo, thù dai và rất dễ bị xúc phạm. Dù ưa thích cuộc sống khá
tách biệt và yên ổn, các Tengu lại rất thích can thiệp vào xã hội con người.
Tengu là những bậc thầy trong nghệ thuật biến hình. Cũng giống như nhiều loài
yêu quái khác, chúng thích sử dụng khả năng này để trêu chọc, lừa gạt con người.
Dễ thấy nhất là các tengu giả làm ẩn sĩ lang thang hoặc nhà sư để bày trò lừa gạt.
Nhưng khác với các yêu quái khác, tengu ít khi giết người để ăn thịt. Chính những
tính cách này khiến chúng đôi khi bị gắn với hình ảnh của chiến tranh. Theo
truyền thuyết, các Tengu rất hiểu biết về các kỹ thuật chiến đấu. Minamoto no
Yoshitsune (源 義経), một
chiến binh nổi tiếng cuối thời Heian, tương truyền là một tay kiếm xuất sắc là
do được Sōjōbō (vua Tengu) truyền thụ."
Trong cái thú sưu tầm, không phải cứ cố công mà có được. Cái duyên coi vậy mà lại dễ đem lại thành tựu hơn nhiều. Tôi có cái mặt nạ Tengu đầu tiên sưu tầm trên đất Đài Loan chứ không phải Nhật Bản, một giờ ngắn ngủi trước chuyến bay trở về Sài Gòn sau một tuần rong ruổi từ Đài Bắc Xuống tận Cao Hùng, đủ cho tôi có cái mặt nạ mơ ước. Thật sự ngạc nhiên và vô cùng thú vị khi tại sân bay Cao Hùng, tít phía dưới cực nam của Đài Loan lại có một quấy hàng lưu niệm chuyên bán đồ Nhật Bản. Tôi thật sự may mắn khi cái mặt nạ Tengu bên dưới, là cái duy nhất và còn lại sau cùng của cửa hàng này.
Mặt
nạ Yamabushi Tengu, sưu tầm tại Cao Hùng (Kaoshiung) ngày 01/06/2008.
|
Cái mặt nạ thứ hai là thành
quả của một chuyến đi săn chứ không phải là của ngẫu nhiên nữa. Tôi quyết tâm
có được một Tengu Nhật Bản trong chuyến làm ăn ở Osaka ba năm về trước, người
Osaka không biết tìm Tengu ở đâu, phải về tới Kyoto tôi mới kiếm được một Tengu
ao ức. "Ức" chứ không phải là "ước", ức vì cái mặt nạ này
đơn giản quá, nó làm bằng giấy bồi, sơn vẽ sơ sài, tuy nhiên nhìn kỹ lại cũng
thấy có thần thái Nhật Bản, tự an ủi mình rằng có thể đó là cái đẹp của sự giản
dị đúng theo tinh thần Nhật Bản cổ xưa.
Mặt
nạ Tengu bằng giấy bồi, sưu tập tại Kyoto tháng 7/2010
|
Tengu Nhật Bản, Thiên cẩu Việt
Nam đều xuất phát từ nguồn gốc là huyền thoại Tiangu (T'ien Kou) Trung Quốc. Được
mô tả là một như là một con chó lớn có cái đuôi lửa dài như sao chổi ở trên trời,
Tiangu trong quan niệm dân gian Trung Quốc, liên quan tới bệnh hoạn của con nít
và hiện tượng thiên văn. Tiangu nuôi sống mình bằng cách xuống trần gian tìm
con nít để ăn, nếu không có con nít nó sẽ ăn người lớn và nếu không tìm ra người,
nó sẽ quay về trời ăn luôn mặt trăng. Khi thiên cẩu ăn mặt trăng (hay là mặt trời),
đó là lúc xảy ra hiện tượng nguyệt thực (hay nhật thực). Thiên cẩu trong huyền
thoại Trung Quốc thường liên quan tới điềm xấu, "Thiên Cẩu Khi Nhật" (chó
hiếp đáp mặt trời) là điềm báo tai ương, giờ "Thiên cẩu hạ thực" là
giờ xấu trong khoa chiêm tinh Trung Quốc.
Trái:
Thiên Cẩu, Shan Hai Jing, TK 4, Trước CN.
Phải: Zhang Tianshi bắn thiên cẩu để
phá nguyệt thực, tranh dân gian.
Ở Việt Nam, ý nghĩa biểu tượng
của Thiên cẩu có cả hai thuộc tính lành và dữ, múa thiên cẩu; có nguồn gốc từ
Trung Quốc du nhập vào; là thuộc tính lành, là cách người Việt tỏ lòng biết
ơn "chó nhà trời" trong việc bảo vệ xóm làng, trừ tà
ma và cầu mong mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt. Hai câu đối ở chùa Cầu
Hội An còn ghi rõ rằng: Thiên cẩu song tinh an Cấn thổ /Tử vi lưỡng tướng
định Khôn thân. (Tạm dịch: Hai sao Thiên cẩu trấn an đất Cấn / Hai
tướng Tử vi định giữ cung Khôn). Cung Cấn chỉ hướng Đông Bắc, cung Khôn chỉ
hướng Tây Nam, là hướng chính của chùa Cầu, được cặp Linh Cẩu chính là hai vị
thần Trời cử xuống để canh giữ sự bình yên cho chiếc cầu/ vùng đất này.
Câu đối trước kia nằm ơ
hai cột trụ này nhưng nay không còn nữa, do bị mờ dần qua thời gian nên
người Minh Hương đã thay vào đó bằng hoa văn đắp nổi hình quả Phật thủ (nguồn: http://www.aseantraveller.net/tin-tuc/417_chua-cau-hoi-an.html)
|
Tục dựng cây nêu ngày tết
trong một truyền thuyết ít biết hơn lại thể hiện cách người Việt ngăn thuộc
tính dữ của Thiên cẩu (xem thêm: http://www.truyenviet.com/133-truyen-co-tich/co-tich-viet-nam/9057-s-tich-cay-neu-ngay-tt?start=1).
Người ta dùng một cái bùa màu đỏ có bốn chữ "Thần Sầu Uất Lũy", là
tên hai vị thần có khả năng trừ được thiên cẩu, treo trên ngọn cây nêu nhằm xua
đuổi chó trời xuống ăn linh hồn người chết khi họ về thăm nhà trong dịp đầu
năm.
Trong ý nghĩa so sánh, Tengu Nhật Bản đã đi quá xa so với nguồn gốc T'ien Kou ban đầu: nó có vẻ là chim hơn là chó. Không ai lý giải được điều này và mọi người chấp nhận nó như một mặc định. Cố gắng giải thích về nguồn gốc và ý nghĩa của thần thoại có vẻ như là chuyện "không đâu vào đâu", nên nhớ rằng thần thoại/huyền thoại là sản phẩm của thời nguyên thủy, sản phẩm của thời mông muội này là nguồn gốc gần như bất biến của tất cả các câu chuyện, nhưng cách con người hành xử với thánh thần trong câu chuyện đó lại thay đổi theo tư duy của thời đại họ sống. Cách một người đối xử với thánh thần như thế nào phản ánh sự phát triển tư duy văn minh của người ta tới đó. Trong cách hành xử, người Nhật không báng bổ thánh thần, người ta tôn trọng thánh thần nhưng bản thân không mù quáng. Còn chúng ta? Thấy gì qua các lễ hội? Dường như người Việt chúng ta tôn trọng bản thân nhưng mù quáng với thánh thần!
Chú thích:
* Hồi trước, ở Huế người ta goi múa lân là múa thiên cẩu, múa lân với con lân giống như hiện nay, được biết đến qua điệu múa cung đình nổi tiếng là "lân mẫu xuất lân nhi" (lân mẹ đẻ lân con).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét