Thứ Tư, 15 tháng 1, 2020

24. Mặt nạ Venice


24. Mặt nạ Venice - Những đôi mắt khép mở

" phải có con mắt canh sáu mới thức suốt được năm canh.
người ta hát những ngày mai ca hát? còn Tư Mã? tôi?
tôi đã hát những ngày mai - không hát?
bây giờ tôi hát - lạc quan đen?"

(Viếng Bùi Xuân Phái - thơ Trần Dần)


Stanley Kubric và mặt nạ của anh em nhà Boldrin.

Cái chết đen tối: bất ngờ và bí ẩn của đạo diễn Stanley Kubric sau khi ông hoàn tất bản chỉnh sửa cuối của phim Eyes Wide Shut (tựa tiếng Việt: 
Mắt nhắm hờ), đã đặt ra rất nhiều nghi vấn cho dư luận vào những năm cuối thế kỷ trước. Những thông điệp được truyền đạt thông qua các biểu tượng ẩn dụ tinh tế của Eyes Wide Shut* đã làm nên một Stanley Kubric độc đáo và khác biệt trong thế giới, vốn đã nhiều quái kiệt, của Hollywood.



Trái: Stanley Kubric, Phải: poster phim. Hình trong poster: Allice (Nicole Kidman) đang hôn Bill (Tom Cruise) nhưng mắt lại nhìn vào kính, nàng đang đeo mặt nạ của mình.

"Eyes wide shut không đơn thuần là một bộ phim nói về các mối quan hệ, nó nói về ngoại lực và những yếu tố tác động lên mối quan hệ đó. Nó nói về cái nguyên lý cơ bản tạo ra tác động vòng vo vô tận, lên mối quan hệ giữa đàn ông và đàn bà trong thế giới hiện đại suy đồi và đầy rối loạn. Quan trọng hơn, bộ phim đề cập tới một nhóm thống trị thế giới hiện đại- cái nhóm tinh hoa bí ẩn này đã làm xói mòn những nguyên lý cơ bản trên trong một bối cảnh bí truyền đặc biệt"... "Liệu ông đã tiết lộ cho công chúng quá nhiều và quá sớm? Có lẽ thế" 

(xem thêm:
http://vigilantcitizen.com/moviesandtv/the-hidden-and-not-so-hidden-messages-in-stanley-kubriks-eyes-wide-shut-pt-i/).

Vâng. Những cái mặt nạ Venice ông sử dụng để che mặt "cái nhóm tinh hoa bí ẩn" trong buổi tiệc hoang đàn của giới quý tộc New York thời đó, có lẽ cái làm cho sự "nhạy cảm" trở nên có tác động mạnh mẽ. Rất nhiều mặt nạ được sử dụng trong phim, mỗi cái mỗi vẻ như muốn lột tả bản chất tàn bạo của "một xã hội ẩn mật huyền bí sẵn sàng loại bỏ những ai cắt ngang nó". Vốn đã có tính chất huyền bí, qua bộ phim này, mặt nạ Venice được khoát thêm một lớp áo chùng thâm tà thuật nữa trên mình.


Những mặt nạ trong phim

Có dịp thăm Venice, xin đừng quên ghé qua La Bottega dei Mascareri, cái cửa hàng nhỏ nằm bên dưới cầu Rialto có lẽ là cửa hàng bán mặt nạ nổi tiếng nhất Venice hiện thời. Sự nổi tiếng có được nhờ tinh thần tiên phong của chủ tiệm là anh em nhà Boldrin: Sergio và Massimo, trong công lao chấn hưng lại nghề làm mặt nạ Venice ở những năm 70 của thế kỷ trước. Nhưng sự nổi tiếng trở nên có sức lan tỏa ra khắp thế giới của cửa hàng này, chính nhờ bộ phim Eyes wide shut đề cập bên trên.


Sergio và Massimo Boldrin trong cửa hàng của mình

Tất cả mặt nạ trong phim đều do cửa tiệm này sản xuất, một số theo phong cách Venice truyền thống, số lớn còn lại được thiết kế theo yêu cầu riêng của phim. Sau khi phim trình chiếu, rất nhiều bản sao được sản xuất và bán ra bên ngoài, những bản sao này chính là "đặc sản của bổn tiệm".


Bảng quảng cáo trong cửa hàng. "Cung cấp mặt nạ cho phim Eyes wide shut của Stanley Kubrick, diễn bởi Tom Cruise và Nicole Kidman"

Tôi có được hai bản sao của cửa tiệm này, đây là quà tặng do chú em đem về từ Venice. Một cái tên là Pierot Tragico (tiếng Anh: pierrot tragic - người hát rong đau khổ), cái khác tên là Vollto Scacchi. Cả hai mặt nạ được chế tác tinh xảo, có kiểu vẽ khắc họa được cảm xúc thật và rất mãnh liệt của nhân vật.


"Người hát rong đau khổ" của tôi

Người hát rong đổ lệ trên lớp son phấn nhạt nhòe, hai mắt nhìn trừng trừng và cái miệng há hốc cố nuốt lấy không khí trong trạng thái ngột thở vì kiệt sức và kinh hãi. Lúc nào ngắm cái mặt nạ này tôi đều liên tưởng tới The scream (Tiếng thét) đầy ám ảnh của danh họa EdvardMunch, cái nỗi sợ hãi dường như ập tới và thét thẳng vào mặt người xem, nó giao tiếp với tôi bằng ngôn ngữ của sốc điện: nhanh và bỏng rát.


The scream và Pierot Tragico

Cái mặt nạ Vollto Scacchi lai gợi liên tưởng nhiều đến L'Inconnue de la Seine (Người phụ nữ vô danh của sông Seine). Ở đây không do cảm xúc mà là do sự hài hòa của những chi tiết tạo nên một khuôn mặt phụ nữ đẹp: mũi cao thanh tú, đường chân mày sắc, đôi mắt có vẻ buồn, đặc biệt nhất là đôi môi mím lại một chút nhẹ nhàng đầy bí ẩn.


L'Inconnue de la Seine và Vollto Scacchi

Toàn bộ khuôn mặt được phủ nhũ đồng nửa đậm, nửa nhạt. Không hiểu tác giả có ẩn ý gì, có phải nhằm ngụ ý tới mảng sáng và mảng tối trong tâm lý phụ nữ? Nhớ rằng kiểu vẽ mặt bên đậm bên nhạt này không phải là kiểu trang trí truyền thống của mặt nạ Venice.


Mặt nạ Vollto Scacchi trong sưu tập của tôi

Những chiếc mặt nạ Venice


Mặt nạ Volto còn được gọi là Larva, trong tiếng Latin có nghĩa là mặt nạ (mask) hay ma (ghost). Nguyên thủy mặt nạ kiểu này có màu trắng, và chỉ được dùng cho nam giới.


Thánh linh của Lễ hội hóa trang Venice với con ngựa hoang là biểu tượng của tình dục, mặt trăng là ban đêm và hoa là khoảng thời gian hào hoa nhất của năm, trong mặt nạ Volto truyền thống (theo:http://www.delpiano.com/carnival/html/spirit.html)

Theo thời gian volto biến đổi để trở nên lộng lẫy và sang trọng với các chi tiết trang trí bằng lông chim, gấm vóc, lụa là có đính kim cương hay đá quý. Volto dần trở nên là kiểu mặt nạ hóa trang tiêu biểu của phụ nữ, tạo nên vẻ thanh lịch cho người đeo do mặt nạ thường đi kèm với quần áo đắt tiền và trang sức quý giá.



Mặt nạ vollto Hoa Mẫu đơn trong sưu tập của tôi

Các mascherari (người làm mặt nạ) là bậc thầy trong nghệ thuật hòa sắc. Mặt nạ Hoa mẫu đơn đỏ rực rỡ trong hòa sắc diễm lệ trái với volto đen huyền bí nhưng không kém phần đài các bên dưới đây.


Mặt nạ volto đen huyền bí trong sưu tập của tôi

Mặt nạ Venice mang bản chất đặc trưng của thị trấn miền biển và dân cư của nó: về mặt địa lý, đây là một không gian ngụ cư nhỏ của những con đường đá hẹp và kênh rạch chằng chịt, từ nhà này có thể với tay đụng phải nhà kia. Trái lại, cư dân của Venice là thủy thủ, thương nhân, nhà thám hiểm..., những tâm hồn phóng khoáng và sung túc bị giữ trong  một không gian chật chội ắt hẳn phải tìm cách giải phóng mình. Đeo mặt nạ là cách xóa nhòa địa vị xã hội và những rào cản giao tế thường nhật. Mặt nạ Venice, vì thế, giống như một trò chơi dựa trên sự phá vỡ các quy tắc, một sự xa xỉ mà chỉ có một nước cộng hòa giàu có, với một trong những tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất vào thời đó, có thể đủ khả năng.

Trong Eyes wide shut, Stanley Kubric sử dụng một cái mặt nạ volto rất đặc biệt được trang trí bằng lông chim cho Amanda, một beta slave là nữ nhân vật đã chịu chết thay cho bác sĩ Bill khi anh vô tình xâm phạm thế giới bí ẩn của nhóm tinh hoa New York.


Beta slave Amanda (trái) và mặt nạ volto lông chim

Tại sao Amanda mang mặt nạ lông chim, nổi bật và rất khác biệt so với những beta slave khác? Tại sao nàng phải chết như một vật thế thân? Phải chăng đạo diễn muốn ám chỉ tới số phận của công cụ phụ nữ trong trò chơi quyền lực?


Mặt nạ volto lông vũ trong sưu tập của tôi

Theo cách nghĩ thông thường, người ta đeo mặt nạ để che giấu một sự thật hay một sự giả dối nào đó. Với mặt nạ và Venice carnival, người ta đeo mặt nạ là để trở nên chính mình với cảm giác tự do là tâm trạng chi phối chủ đạo của lễ hội. Chính vì tư tưởng này mà lễ hội đã bị lạm dụng bởi những thành phần bất hảo, họ tổ chức đánh bạc suốt ngày và lạm dụng tình dục bừa bãi quá mức. Lễ hội Venice dần trở nên hỗn loạn và trác táng theo thời gian phát triển, cho đến khi suy đồi vào thế kỷ 18. Những đạo luật đã được đưa ra nhằm giữ tinh thần của lễ hội trong suốt nhiều thế kỷ sau đó như mặt nạ chỉ được đeo trong không gian lễ hội, cấm đeo vũ khí khi mang mặt nạ, cấm gái làng chơi đeo mặt nạ hay không cho phép dân cờ bạc được hóa trang trong một thời gian dài. Chính phủ giới hạn sự kiện bằng cách chỉ cho phép lễ hội diễn ra ở một thời gian nhất định trong năm, nhưng như một nhu cầu thiết yếu; không những của Venice mà đã trở nên phổ biến ở châu Âu; những lễ hội kín bất hợp pháp vẫn được tổ chức. Nghi lễ trong Eyes wide shut mang ý nghĩa mờ ám này.


Vòng tròn nghi lễ trong phim đang bao vây và chuẩn bị trừng phạt Bill khi beta slave bất ngờ nhận tội chết, bằng hành động này, Amanda trở thành chính mình, với một quyết định tư thân (một master thay vì slave) trong khi mang mặt nạ volto

Mặt nạ Bauta còn gọi là Bautta có lẽ là kiểu mặt nạ có hiệu quả cải trang cao nhất và được sử dụng phổ biến nhất trong tất cả các loại mặt nạ Venice, thường bauta đi kèm với mũ ba góc (tricone) và áo chùng đen gọi là tabarro. 


Người đàn ông giấu mặt, được cho là thân chủ đặc biệt của bác sĩ Bill: ông Ziegler (trái) và mặt nạ bauta của tôi (phải)

Người ta không chắc chắn lắm về nguồn gốc tên gọi của bauta nhưng giả định cho rằng bauta xuất phát từ gốc tiếng Đức là behüten“to protect”- bảo vệ, được chấp nhận nhiều hơn cả. Bauta có hình dạng rất đặc biệt với cằm dài và nhọn nhưng không có miệng, hình dạng này cho phép người đeo mặt nạ dễ dàng ăn uống và đặc biệt, nó làm cho giọng nói của người đeo mặt nạ bị biến đổi khác đi. Điều này thật sự có hiệu quả bảo vệ người dùng theo nghĩa đen của nó.


Cái mặt na bauta này sưu tầm bên Pháp nhưng được chế tác theo phong cách Venice

Mặt nạ Jester còn gọi là Jolly là một kiểu mặt nạ hề rất đặc trưng của Venice và cả châu Âu. Điểm đặc biệt nhất của mặt này là chiếc mũ mềm nhiều chỏm và khuôn mặt luôn luôn cười.


Mặt nạ Jester trong sưu tập của tôi

Mặt nạ Morreta (nghĩa là kiều nữ đen bé bỏng - little brunette) hay muta là một cách thể hiện hoàn toàn khác biệt, mặt nạ này hình oval, không che hết khuôn mặt mà chỉ che vừa khít một phần nhỏ mặt gồm mắt, mũi và kéo xuống miệng. Có duy nhất một màu đen tuyền và chỉ dùng cho phụ nữ. "Muta" có nghĩa là câm nín (mute-tiếng Anh). Trong thực tế người phụ nữ mang mặt nạ này không thể nói được vì họ phải giữ nó bằng cách dùng răng của mình cắn vào một hạt nút bên trong mặt nạ. Chỉ khi cô ấy muốn trả lời hay tỏ thái độ thân thiện với người đàn ông để ý đến cô, nàng mới buông mặt nạ và thể hiện cảm xúc của mình.


Mặt nạ Morreta trong sưu tập của tôi

Morreta là các âm mưu của sự im lặng, morreta giống như một phương tiện để quyến rũ đàn ông, nó tạo ra một người phụ nữ quyến rũ hơn không chỉ bằng cách khoe cơ thể mà còn làm cho họ trở nên bí ẩn. Hơn nữa, morreta cho phụ nữ mức độ độc lập hơn trong việc quyết định ai là người họ muốn nói chuyện để bắt đầu một quan hệ mới.


Mặt nạ Medico della peste (The Plague Doctor - Bác sĩ dịch bệnh), có lẽ gọi tên mặt nạ này là Bác sĩ tai ương mới phản ánh chính xác ẩn ý của nó.



Hình mô tả Plague Doctor (trái) và mặt nạ Medico della peste (phải)

Hình ảnh một nhân vật kỳ dị phục trang kín mít, với áo trùm từ cổ xuống gót chân, tay đeo găng, đầu đội mũ, mắt mang kiếng và luôn có cái gậy đi kèm, là một thứ "áo giáp" của bác sĩ rất phổ biến ở châu Âu trong những kỳ đại dịch vào thế kỷ 14. Theo "thuyết chướng khí" (miasma theory) thời đó, dịch bệnh được gây ra bởi "không khí xấu" thở ra từ xác chết, đầm lầy, nước bị ô nhiễm và những nơi mà các điều kiện vệ sinh kém. Không hít thở không khí như vậy sẽ ngăn chặn bệnh dịch hạch ảnh hưởng đến mình, đó chính nguyên nhân ra đời của loại trang phục luôn đi kèm với mặt nạ Medico della peste lạ lùng bên trên (theo: http://www.camacana.com/the-plague-doctor/#.Use30vt-5EU)



Mặt nạ Medico della peste trong sưu tập của tôi

Cái mặt nạ có hình mỏ chim này là một thứ đồ bảo hộ lao động rất hữu ích, nó giúp bác sĩ không tiếp xúc với bệnh nhân và giữ khoảng cách đủ để "khí xấu" không tác động tới họ. Theo thời gian, từ chỗ là một vật dụng thực tế, mặt nạ bác sĩ tai ương đã trở thành một biểu tượng. Ngay cả sau khi "thuyết chướng khí" bị bác bỏ, mặt nạ bác sĩ tai ương vẫn tồn tại và hình ảnh luôn gắn với những tai họa.
  
Trở lại với Eyes wide shut, sau khi Amanda xác quyết hành động bảo vệ bác sĩ Bill của mình, một người đeo mặt nạ bác sĩ tai ương liền xuất hiện như một ám chỉ cho tại họa sẽ đổ xuống đầu nhân vật. Lại một ẩn dụ nữa được thể hiện khá rõ ràng trong phim của Stanley Kubric, hôm sau bác sĩ Bill đọc được tin về cái chết của Amanda do dùng thuốc quá liều.



Người đeo mặt nạ bác sĩ tai ương xuất hiện bên cạnh Amanda

Sự tàn khốc và hậu quả khủng khiếp của các trận dịch đã để lại một chấn thương tâm lý hằn sâu trong tâm thức Âu châu thời trung cổ. Mặt nạ Bác sĩ tai ương đã luôn gắn liền với cái chết, ngay cả khi nó đã trở thành một trong những mặt nạ của Commedia dell'arte.

Commedia dell'arte: còn gọi là Italian Comedy, một hình thức biểu diễn kịch dân gian ứng khẩu của Ý, thường không có kịch bản trước và sử dụng rất ít đạo cụ. Điều đặc biệt là các diễn viên đeo mặt nạ khi diễn, thường chỉ có khoảng 10 vai diễn gồm 8 nam, 2 nữ thể hiện câu chuyện xoay quanh ba tuyến nhân vật: người hầu, người già và người đang yêu. Cốt truyện thường là những người trẻ đang yêu bị ngăn cản bởi người già, nên phải tìm đến người hầu nhờ gỡ rối. Câu chuyện thường kết thúc có hậu bằng một đám cưới và các lỗi lầm được bỏ qua (theo:
http://hetrongbep.wordpress.com/2008/06/01/kịch-y/). 


Mặt nạ Colombina có nguồn gốc từ Columbine (little dove - con chim câu nhỏ) một người hầu nữ, lanh lợi, láu cá và thường trang điểm đậm trong Hài kịch ứng khẩu Ý (Commedia dell'arte).



Mặt nạ Colombina đỏ

Colombina là kiểu mặt nạ bán phần, nó chỉ che nửa trên khuôn mặt, thường chỉ để trang điểm và làm duyên chứ không có tác dụng giấu kín khuôn mặt người đeo như kiểu mặt nạ toàn phần.


Mặt nạ Colombina vàng

Có một giai thoại** kể rằng mặt nạ Colombine trở nên phổ biến bởi một nữ nghệ sĩ Hài kịch ứng khẩu Ý có cùng tên, vào thời gian đầu của loại hình kịch nghệ này. Người ta nói mặt nạ Colombine được thiết kế riêng cho cô ấy vì cô không muốn khuôn mặt xinh đẹp của mình bị bao phủ hoàn toàn.




Mặt nạ Colombina trắng 

Colombina làm phong phú thêm kho tàng mặt nạ Venice bởi nó để cho nghệ nhân quá nhiều đất trống cho sáng tạo, sẽ không thể kể hết các phong cách và những cách tân trong thể hiện hình dạng, họa tiết, hoa văn, màu sắc... sẽ không ngoa khi nói rằng colombina là bikini của thời trang mặt nạ, nó hấp dẫn ở chỗ bí mật muốn giấu luôn mời gọi người ta "bật mí" của nó.



Mặt nạ Colombina đen

Và một colombina rất đặc biệt của tôi: sự kết hợp giữa lông chim, hạt cườm và họa tiết chùm nho trong nghệ thuật thời phục hưng của Ý.


Mặt nạ Colombina đen kết hợp với hạt cườm


Và những đôi mắt

Em tôi nói mặt nạ có "những hốc mắt vô hồn". Đúng vậy. Và còn rất đúng với mặt nạ Venice luôn chừa những hốc mắt trống rỗng nữa. Nhưng liệu có hẳn đúng vậy không? Bởi đằng sau mỗi hốc mắt bao giờ cũng ẩn khuất những đôi mắt: những "con mắt - chạy vào trong"*** đầy ẩn dụ. Rằng " phải có con mắt canh sáu mới thức suốt được năm canh", rằng chỉ có cách nhìn của con mắt thứ ba mới thấy được linh- hồn- mắt- mặt- nạ.
"Những con mắt tình nhân/ Nuôi ta biết nồng nàn/ Những con mắt thù hận/ Cho ta đời lạnh căm/ Những mắt biếc cỏ non/ Xanh cây trái địa đàng/ Những con mắt bạc tình/ Cháy tan ngày thần tiên"... "Những con mắt trần gian/ Xin nguôi vết nhục nhằn/ Những con mắt muộn phiền/ Xin cấy lại niềm tin/ Những con mắt quầng thâm/ Xin tươi sáng một lần/ Cho con mắt người tình/ Ấm như lời hỏi han"... "Nhìn lại nhau có mắt lo âu/ Xin vỗ về muôn yêu dấu/ Nhìn lại nhau che những cơn đau/ Tìm dưới bóng ngọt ngào" (Những con mắt trần gian, nhạc Trịnh Công Sơn).

Ôi những con mắt! Bất kỳ con mắt nhân gian nào của nhạc sĩ tài hoa cũng có thể vận vào cái thế giới đa đoan của mặt nạ: Thế giới của những ám thị, mở mà khép này.


Chú thích:

Cụm từ "Eyes Wide Shut" liên quan đến một trong những phương pháp mà các Illuminati sử dụng để che giấu tội ác và các hoạt động bất chính của họ. Eyes Wide Shut mô tả hành vi mà người bị truy cứu mong đợi từ một thành viên cùng hội khác, những người có thể chứng kiến ​​hoạt động vi phạm pháp luật của mình. Ví dụ, nếu một người được mời gọi làm chứng chống lại người cùng hội, tất cả những gì người bị truy cứu cần phải nói với người làm chứng là một cụm từ khó hiểu “Your eyes are wide shut,” và người nghe này ngay lập tức biết những gì mà họ đang được mong đợi. (theo:Kentroversy papers).

** Tôi không chắc lắm về sự chính xác của giai thoại này. Vào thời kỳ đầu của  Commedia dell'arte, nữ nghệ sĩ Isabella Andreini rất nổi tiếng xinh đẹp và thông minh nhưng nàng có điểm đặc biệt là không đeo mặt nạ khi diễn.

*** Thơ Trần Dần. Sổ bụi 1988 - Thơ mini (I).

Posted by Hoang Thong


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét