Thứ Năm, 16 tháng 1, 2020

26. Mặt nạ Hyottoko, Okame và Konkichi


26. Đến từ Nhật Bản: Mặt nạ Hyottoko, Okame và Konkichi

Có thể vô tình, nhưng dường như hầu hết người Việt tiếp cận với văn hóa Nhật Bản bằng cách tìm hiểu tính khắc kỷ của nó. Với Thiền là yếu tố tư tưởng chi phối, Nhật Bản hiện lên qua những chuẩn mực của Samurai trong tính cách, của Geisha trong tiêu khiển, của Noh trong kịch nghệ, của Bonsai trong thưởng lãm, cùng kích thước chuẩn của chiếu Tatami trong quy chuẩn xây dựng, như là đỉnh cao cho tinh thần khắc kỷ Nhật Bản này.

Thực tế đời sống Nhật sinh động hơn nhiều, dòng chảy của văn hóa dân gian mang trong mình nó vô số lễ hội diễn ra quanh năm, những lễ hội đầy hình ảnh phúng dụ và thậm chí đồng bóng, như là một minh chứng cho nền văn hóa thuần chủng nhưng đa dạng của Nhật Bản. Múa mặt nạ Hyottoko trong rất nhiều lễ hội ở Nhật là một ví dụ điển hình.


Bích chương của Festival mùa hè Hyuga Hyottoko

Mặt nạ Hyottoko. 

Hyottoko dường như là một tay hậu đậu, cậu này rất muốn làm việc nhưng cậu lại làm hỏng tất cả các công việc được giao. Cuối cùng, việc duy nhất cậu làm được là giữ ngọn lửa của làng để những người khác yên tâm lo việc đồng áng. Cậu dùng một cái ống bằng tre làm công cụ, chính cái ống thổi lửa đã định hình diện mạo và tính cách của nhân vật này.


Múa mặt nạ Hypttoko 

Tôi thấy cái mặt nạ Hyottoko lần đầu tiên cách nay chừng mười năm khi lướt qua một của hàng bán đồ lưu niệm ở sân bay Narita (Tokyo), trong thời gian quá cảnh ngắn ngủi của một chuyến đi Ý. Hình ảnh một mặt người dị dạng ngâm điếu xì gà cứ đeo đuổi trong đầu tôi như một câu hỏi. Lúc đó tôi đâu có biết điếu xì gà kia là cái ông thổi lửa nổi tiếng của Hyottoko đâu. Mãi cách đây ba năm tôi mới có được cái mặt nạ Hyottoko đầu tiên sưu tầm được tại cố đô Kyoto trong một city tour tranh thủ.


Mặt nạ Hyottoko đầu tiên của tôi

Tên Hyottoko nghĩa là Cậu bé Lửa (Fire Boy) xuất hiện do việc ghép chữ hi (tiếng Nhật là lửa) và ottoko (tiếng Nhật là người). Bởi vì làm công việc thổi lửa nên gương mặt Hyottoko sạm đen và được mô tả trong trạng thái miệng chụm lại làm khuôn mặt méo mó. Trong đa số mặt nạ, miệng Hyottoko luôn ngậm một cái ống thổi lửa với đốm đỏ trên đầu ống, ở một vài kiểu mặt nạ khác, Hyottoko có hai con mắt không cân xứng. Hyottoko phục trang bằng kimono đỏ với khăn đội đầu màu trắng đốm xanh.


Mặt nạ Hyottoko có mắt nhắm, mắt mở

Theo một truyềnthuyết khác: ở tỉnh Iwate, một cậu bé có khuôn mặt kỳ lạ có thể tạo ra vàng từ rốn của mình. Người ta tin rằng khi đặt mặt nạ cậu bé này lên trên bếp lò, các gia đình sẽ được ban cho sự thịnh vượng. Tên cậu là Hyoutokusu, đây chính là nguồn gốc của tên Hyottoko phổ biến sau này.

Còn đây là một cái mặt nạ Hyottoko khác của tôi, không phải made in Japan mà là made in Trung Quốc, cái này sưu tầm ở Thượng Hải hồi tháng 6 năm này.


Một cái mặt nạ Hyottoko khác


Mặt nạ Okame. 

Okame còn được gọi là Uzume hay Otafuku là tên của một phụ nữ được coi là nữ thần vui vẻ và rất thường thấy trong kịch nghệ Nhật Bản. Cô được miêu tả trong hình dạng khuôn mặt tròn vành vạnh, hai má bầu bĩnh cộng với đôi mắt luôn cười khiến cho người ngắm vui vẻ và không thể nào quên được. Một vài học giả cho rằng khi tạo mặt nạ của cô, người Nhật đã có khả năng xem cô là đại diện cho một hình thức lý tưởng của vẻ đẹp nữ tính ở một giai đoạn nào đó ngày xưa.


Nghệ sĩ múa với mặt nạ Okame (nguồn: www.pinterest.com/kitskyy/masks/ )

Okame còn là biểu tượng của sự may mắn và lòng tốt: "Okame trong ánh sáng nhà bếp, may mắn thuộc về tôi / Okame ở tại bàn ăn này, may mắn luôn có chỗ"*. Dân địa phương tin rằng đeo mặt nạ của Okame sẽ được nhiều may mắn bởi đây là bản chất tự nhiên của người phụ nữ này.


Một cái mặt nạ Okame bằng giấy trong bộ sưu tập của tôi

Cái mặt nạ Okame đầu tiên của tôi là loại "xài một lần- disposable" do chú em mang bên Nhật về. Tôi có nhiều kỷ niệm với con gái thông qua nó. Lúc con tôi còn ẳm ngửa, không hiểu sao mỗi lần cho bé ăn mà không có cái mặt nạ này làm trò thì cháu không chịu ăn, cái mặt nạ cứ thế, chà qua xát lại, quăng lên quật xuống phải hơn một năm mới hoàn thành nhiệm vụ của mình. Cũng may nó là đồ nhựa nên dù có rách cũng không đến nỗi nát như tương. Kỷ niệm thứ hai là lúc tôi chở con đi học mẫu giáo, không hiểu sao mọi người đối diện cứ nhìn chằm chặp vào mình, đi một quãng xa tôi mới phát hiện con gái đang đeo cái mặt nạ Okame, ngộ hơn là nó vừa ngúc ngắt đầu vừa hát. Thì ra đeo một cái mặt nạ thật giữa công chúng thì rất lạ và dễ bị phát hiện, cái kinh nghiệm nhỏ này có ích rất nhiều trong cuộc sống: nếu đeo mặt nạ, hãy đeo mặt nạ da người!


Cái mặt nạ Okame nhiều kỷ niệm của tôi

Thời gian (khoảng 7 năm) và khí hậu đã làm nó ố vàng, nhờ vậy mà bây giờ nhìn nó ít có cảm giác giả giả, dại dại của nhựa. Tôi dự định hủy nó đi mấy lần nhưng ngần ngự rồi lại thôi. Càng sống càng thấy sự phù phiếm của cái gọi là "quan hệ giữa người với người". Việc xấu tốt của một đồ vật nào có thay đổi những "quan hệ" giữa tôi với nó. Những kỷ niệm đẹp đẽ về nó và liên quan với nó mới là điều đáng được giữ gìn, vậy là tôi dứt bỏ cái ý định chia tay với Okame của tôi từ đó.


Mặt nạ Konkichi. 

Konkichi là một hiện thân của thần Inari trong hình dáng của con cáo. Inari là vị thần có tầm quan trọng hàng đầu trong số những vị thần của Thần Đạo (Shinto okami), thần Inari chủ về sinh sản, lúa gạo, nông nghiệp, tiền bạc và kinh doanh. Hóa thân của thần Inari rất phong phú, khi là đàn ông, khi là đàn bà, khi là người ái nam ái nữ. Trong một số truyền thuyết Inari xuất hiện trong hình dạng con nhện, con rồng, con rắn hoặc là con cáo nhiều đuôi tùy vào ý nghĩa của từng câu chuyện.


Thần Inari trong hình dạng con cáo chín đuôi

Trong tất cả những hóa thân, cáo là hình ảnh phổ biến nhất của vị thần này. Có lẽ điều này phần nào giải thích được sự sùng kính đặc biệt mà người Nhật dành cho cáo, họ cho rằng nhìn thấy cáo là một điều may, còn đối xử tốt với một con cáo sẽ được thần Inari trả ơn lại.

Huyền thoại và truyền thuyết của Nhật Bản có rất nhiều câu chuyện liên quan tới cáo, người ta tin rằng cáo có thể biến thành người với năng lực ma thuật và thông minh hết mực. Thậm chí người ta còn cực đoan đến mức cần phải dè chừng khi gặp người đẹp lúc bình minh hay hoàng hôn, bởi vì đây có thể là hóa thân của cáo chứ không phải con người. Dưới đây là mặt nạ Cáo trong sưu tập của tôi.


Mặt nạ Cáo (Komkichi hay là Kitsune)

Trong tiếng Nhật, cáo được gọi là Kitsune. Càng già cáo càng mạnh mẽ, sau khi sống một thế kỷ cáo mọc đuôi và sở hữu năng lực chuyển hóa thành người. Con cáo mạnh nhất là con cáo sống ngàn tuổi, còn gọi là cáo chín đuôi, lúc này lông cáo trở nên bạc hay chuyển thành vàng và nó có năng lực nhìn xa vô hạn. Đây có lẽ là một lý do hơp lý để giải thích việc nghệ nhân thường dùng màu nhũ vàng để vẽ các họa tiết mặt nạ Inari như những hình bên dưới.


Họa tiết nhũ vàng trên trán 
(cái mặt này treo trước cửa một tiệm ăn ở Osaka, tháng 7/2010)




Họa tiết nhũ vàng quanh mắt là một kiểu vẽ rất phổ biến


Hyottoko, Okame và Konkichi trong festival mùa hè Hyuga. 

Truyền thuyết Nhật Bản có câu chuyện Đám cưới Cáo (kitsuneno yomeiri) rất phổ biến kể về việc cáo hóa thành đàn bà để quyến rũ đàn ông. Câu chuyện ở festival Hyuga thì hoàn toàn ngược lại, cáo biến thành đàn ông, bị đàn bà quyến rũ và thất bại. Người phụ nữ đặc biệt ấy chính là nàng Okame vui nhộn.

Câu chuyện kể rằng thuở xa xưa, có nàng Okame xinh đẹp sống hạnh phúc với chồng là chàng Hyosuke (hay là Hyottoko), họ những mong ước có một đứa con nên ngày nào cũng cầu nguyền và cúng thần Inari bằng gạo lức. Một hôm, tức giận vì phần cúng bị một ông thầy Shinto ăn mất, thần Inari xuất hiện trong lốt một con cáo để trừng phạt kẻ gian. Bất ngờ là con cáo bị vẻ đẹp của Okame hút hồn, cho nên thay vì đi đánh nhau cáo lại nhảy múa để quyến rũ người phụ nữ này. Con cáo đã cướp người phụ nữ nhưng sau đó chồng cô ta đã giành lại cũng nhờ vào tài nhảy múa của mình.


Festival Hyottoko mùa hè 2008 tại thành phố Hyuga, tỉnh Miyazaki
(nguồn: 

Đây là một lễ hội đường phố, người tham gia đươc dẵn dắt bởi âm thanh của sáo, chuông và trống trong một điệu nhảy khá phồn thực với những vũ đạo lắc mông. Lễ hội này xuất hiện trong khoảng cuối thời Edo, đầu thời Minh Trị (Meiji), nhằm để mừng một vụ mùa bội thu và kinh doanh thịnh đạt.

Dường như thần thánh trong huyền thoại Nhật bản được thể hiện khá tùy tiện. Trong câu chuyện bên trên,  thần Inari cực kỳ quan trọng và mạnh mẽ là vậy nhưng rất bết bát khi mê gái, Hyottoko cũng vậy, có lúc rất được sùng kính như là vị thần Lửa, nhưng ở đây lại là một tay khờ khạo, ngốc nghếch. "
Phong cách và thị hiếu rồi cũng đổi thay, Nhật Bản cổ đại có thể ngạc nhiên khi biết rằng tên Okame ngày nay đôi khi được sử dụng như một lời đùa, nhằm chế nhạo hơn là đánh giá cao dành cho những  người chồng Nhật Bản hay bạn trai không được học hành tử tế hơn vợ hay bạn gái mình" (nguồn: Kurt Bell). Quả là khó để mô tả rõ ràng  tính cách của thánh thần Nhật Bản, thần thánh cũng rất đa dạng và lộn xộn không thua gì người!

"Nghe này - giời chỉ tồn tại trong tâm trí con người thôi. Đặc biệt, ở Nhật Bản, giời bao giờ cũng là một khái niệm rất biến động. Này nhé, trước kia ở đây hoàng đế là giời, thế mà sau chiến tranh, Douglas MacArthur ra lệnh cho ông thôi không làm giời, thế là ông tuân theo, đọc ngay một bài diễn văn tuyên bố mình chỉ là một người bình thường. Vậy sau 1946, ông ta không còn là giời nữa. Đấy, giời của Nhật Bản là thế đó: có thể vặn vẹo, điều chỉnh dễ dàng" **. Vậy đó, một đoạn đối thoại trong tiểu thuyết Kafka bên bờ biển của nhà văn đương đại rất nổi tiếng Nhật Bản Haruki Murakami có thể cho ta biết quan niệm của người Nhật về thần thánh của mình.

"Một tên tướng Mỹ ngậm một cái tẩu rẻ tiền vừa ra lệnh một cái là a-lê-hấp giời nghỉ là giời. Một quan niệm rất chi là hậu hiện đại. Nếu anh nghĩ có giời thì là có giời. nếu anh nghĩ không thì là không. Và nếu giời là thế thì có gì phải lo"**.
 Sao người ta tử bỏ ông trời để trở nên văn minh và hiện đại dễ dàng đến thế? Sao người Việt mình cứ loay hoay mãi với những ông giời lạ, cùng những giáo điều tận đẩu tận đâu, để càng ngày càng xa quỹ đạo của tiến bộ? Phải chăng tinh thần khắc kỷ của người Việt khắc kỷ còn hơn cả người Nhật? Nếu quả đúng vậy, có lẽ chúng ta đã đặt tinh thần dân tộc vào chốn đồng bóng mất rồi!

Chú thích.

* Một đoạn trong bài vè người Nhật thường đọc khi tổ chức lễ cầu sức khỏe và may mắn, xem thêm: 
tại đây

** Trích từ tiểu thuyết Kafka bên bờ biển, trang 325, Tác giả Haruki Murakami, Dương Tường dịch, NXB Nhã Nam và NXB Văn học, 2007.
Posted by Hoang Thong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét