Thứ Ba, 14 tháng 1, 2020

17. Mặt nạ Kolam


17. Mặt nạ Kolam - Những câu chuyện của làng

Làng giữ trong mình trí khôn dân gian, làng giữ trong mình ký ức cổ xưa của dân tộc, làng là nơi hỗn dung của thánh thần, ma quỷ và con người trong những sắp đặt hợp lý nhất nhằm giữ gìn trật tự hài hòa cho xã hội của nó. Một ngôi làng trong kịch Kolam của Srilanka là một câu chuyện của làng rất phổ biến như vậy.

Kolam, những nguồn gốc lịch sử và huyền thoại

Theo những bằng chứng lịch sử, kịch Kolam đã tồn tại từ thế kỷ 15 sau Công Nguyên Tuy nhiên, theo một số truyền thuyết, người ta nói rằng thể loại kịch này có một lịch sử kéo dài từ hơn 2500 năm về trước. Về định nghĩa của khái niệm Kolam, một số học giả đã lập luận rằng từ này có nguồn gốc từ miền Nam Ấn Độ. Bác sỹ Raghavan, một học giả nghiên cứu Ấn Độ nổi tiếng đã nói rằng từ Kolam là một từ trong tiếng Tamil có nghĩa rộng là "đại diện" hay "một hình thái rất khác thường".

Một ý nghĩa khác của từ này được thấy ở Nam Ấn Độ. Với những người theo đạo Hindu, Kolam là một loại hình nghệ thuật trên cát được vẽ bằng bột gạo trắng và các màu khác của các thành viên nữ trong gia đình. Mỗi buổi sáng, hàng triệu phụ nữ miền Nam Ấn Độ vẽ Kolam trên sân nhà của mình bằng bột gạo. Những người phụ nữ Hindu ở Sri Lanka cũng tham gia vào hoạt động này vào ngày Thai Pongal. Liên quan tới diễn xuất, Kolam Thullal, là một trong những hình thức múa nghi lễ ở Kerala, được thực hiện trong nhà và đền thờ nhằm xua đuổi tà ma ra khỏi thân thể bị chúng "sở hữu".


Kolam Thulal ở Ấn Độ (nguồn: kolam thullal)

Nguồn gốc thần thoại của nghệ thuật này được bắt nguồn từ một truyền thuyết cổ xưa. Chuyện là vợ vua Maha Sammatha, rất khao khát xem một điệu múa mặt nạ khi hoàng hậu mang thai, hiện tượng giống như chứng thèm ăn khi mang thai của phụ nữ, được gọi là dola dukha trong ngôn ngữ Sinhalese. Mong muốn của nữ hoàng đương nhiên phải được đáp ứng nhưng ngặt nỗi không có hình thức múa như thế này trong vương quốc của Maha Sammatha lúc đó. Trong khi các quan, thừa lệnh vua, đã cố gắng trong tuyệt vọng tìm kiếm một số cách để dàn dựng một điệu múa như vậy, thần Sakra đã can thiệp và sử dụng sức mạnh của mình, ông yêu cầu Vishwakarma thần của nghệ thuật và thủ công mỹ nghệ phát minh ra mặt nạ và lời bài hát cho cho điệu múa để đáp ứng mong muốn của Nữ hoàng. Sáng hôm sau, mặt nạ xuất hiện trong vườn của hoàng gia từ trên hư không. Vũ công đeo mặt nạ và làm theo hướng dẫn của vị thần này, thế là chứng dola dukha của nữ hoàng cuối cùng đã được dập tắt.

Cũng từ truyền thuyết này mà việc biểu diễn Kolam truyền thống thể hiện một chuỗi các điệu nhảy liền với nhau bởi một cốt truyện khá mong manh, dựa trên chuyến thăm của Nữ hoàng Maha Sammatha đang mang thai và vua Maha Sammata, đến một ngôi làng.


Mặt nạ vua Maha Sammata và nữ hoàng Menikpala trong sưu tập của UiO
(nguồn: www.khm.uio.no)

Quan sát từ băng ghế cạnh sân khấu, là vua và hoàng hậu. Maha Sammata, vị vua huyền thoại đầu tiên của con người đại diện cho hình ảnh của một chính phủ tốt - biết phân chia quyền lực lên sự tồn tại của thế giới một cách hài hòa. Ông không phải là một phần của các hoạt động biểu diễn. Mặt nạ lớn của vua và hoàng hậu được đặt ở vị trí của người quan sát.


Kolam, những câu chuyện của người

Dẫn dắt câu chuyện là hai sabapathi không đeo mặt nạ xuất hiện trước hết trên sân khấu. Họ hát một lời ca khẩn cầu đức Phật và các vị thần đồng thời hoan nghênh sự bảo trợ của thần linh cho buổi diễn. Sau đó, có một cuộc đối thoại giữa kariyakarawana rala (người kể chuyện) và sabapathi đề cập tới nội dung sẽ diễn tiến của câu chuyện. Vở kịch Kolam chính thức bắt đầu sau khi những nhân vật này lui vào hậu trường để mở ra một lớp kịch mở màn, như một giới thiệu tổng quan về các nhân vật trong câu chuyện.



Lớp kịch mở màn với rất nhiều mặt nạ xuất hiện
(Hình ảnh từ  Galles Cultural Show 01/2016)

Trong lớp kịch mở màn xuất hiện các thành viên trong hệ thống giai cấp truyền thống của hoàng gia Sri Lanka và tất cả các loại tôi tớ của họ như là trưởng làng (Arachchi), chánh tổng, quan đầu tỉnh (Mudali), các cảnh vệ của vua, những cảnh sát, người hầu (Hencha), người dân (Veddah) họ được bố trí ở nơi phù hợp trên sân khấu nhằm chào đón hoàng gia.



Mặt nạ Mudali, cảnh sát, Hencha và Vaddah trong sưu tập của UiO
(theo chiều kim đồng hồ)

Nội dung múa Kolam bao gồm nhiều câu chuyện với nhân vật đa dạng, đại diện cho các vùng nông thôn truyền thống của Sri Lanka. Trong một vở Kolam có tên là Gama Kathawa (Chuyện của làng), một phụ nữ mang thai kể lại câu chuyện đã xảy ra như thế nào trong một không khí đầy hài hước. Trong câu chuyện, trưởng làng đã lạm dụng quyền hạn của mình để chiếm đoạt một phụ nữ có chồng tên là Ethna Hami, vợ của người anh trong cặp đôi anh em khù khờ ở làng. Để xua đuổi người chồng ra khỏi nhà trưởng làng nói rằng nhà vua đã ra lệnh điều cả hai anh em đi chăm sóc các cánh đồng xa vào mỗi đêm.


Mặt nạ trưởng làng (UiO museum) và Ethna Hanny
(Ariyapala & Son mask Meseum, Ambalamgola Srilanka)

Một ngày, khi canh giữ cánh đồng, hai anh em khờ nhầm ánh trăng là ánh sáng mặt trời và trở về nhà vì nghĩ rằng trời đã sáng. Ethna Hamy đã không mở cửa ngay lúc đó mà đã trùm ông người tình trưởng làng bằng một miếng vải. Tiếp theo cô ấy che thân để dấu nhân dạng của mình. Cô giả vờ điên và được một người bạn của trưởng làng thực hiện nghi lễ trừ tà. Trong nghi lễ trưởng làng xuất hiện cải trang thành một con quỷ tấn công hai anh em khờ làm họ sợ hãi và bỏ chạy khỏi sân khấu. Sau đó Ethna Hamy và trưởng làng bắt đầu nhảy múa cùng nhau. Người xem được một phen cười thỏa thích vì sự đần độn của anh em nhà chồng nhưng cũng không thể không trách móc mối quan hệ bất chính của cặp đôi lăng nhăng dựa vào quyền thế.

Trong Kolam chúng ta nhìn thế giới qua con mắt của dân làng. Những chiếc mặt nạ ban sự sống cho nhân vật từ cuộc sống hàng ngày của họ:
- Trưởng thôn, kiêu ngạo và vô ích 
- Người đánh trống Tom-tom, nghèo và bị áp bức 
- Người Hồi giáo, hung ác 


Mặt nạ người đánh trống tom-tom (phải) và người hồi giáo (trái)
trong sưu tập của UiO museum

- Cặp vợ chồng già (Anabera Kolama và Nobchi Aka), sợ ma quỷ và động vật hoang dã
- Những người lính  Hewaya trở về, bị thương và bị bệnh từ chiến tranh trong cuộc chiến chống lại người Anh


Mặt nạ Hewaya, những người lính sau chiến tranh trong sưu tập của UiO

- Người đẹp trẻ tuổi Lenchana, kết hôn với một ông già làm nghề giặt ủi lười biếng Jesaya nhưng chung thủy với chồng và cương quyết cự tuyệt sự chọc ghẹo của ông quan đầu tỉnh (Mudali) đầy quyền lực.



Mặt nạ Lenchana và Jesaya

Chuyện của làng xoay quanh những tình tiết gây cười để đả phá những thói hư tật xấu của tầng lớp cai trị. Các cặp đôi dềnh dứ, qua về trong những đối thoại trào lộng và có lúc rất ngô nghê, ngễng ngãng nhằm chọc cười người xem.



Một màn kịch hài hước giữa hai vợ chồng Anabera Kolama và Nobchi Aka .
(Hình ảnh từ  Galles Cultural Show 01/2016)

Nonchi Akka: "Tôi tới Moratuwa để kiếm chút lá xanh".
Người dẫn chuyện (kariyakarawana ala): "Mụ đến Moratuwa để kiếm chút lá xanh ư?". "Không hãy đền Koratuwa để kiếm lá xanh đi"
Nochchi Akka: "Cái gì? Các paula (gia đình) đã bị treo trên cặp sừng làm gì có ở đó".
Kariyakarawana Rala: "Làm sao mà mụ có thể treo một paula trên cặp sừng? "Nó phải là daula (trống) chứ"
Nochchi Akka: "Vâng, vâng, các kadipuka (lưng con kiến đen) không có ở đó là chắc rồi".
Kariyakarawana Rala: "Mụ nói chuyện tầm phào. Làm thế nào mà mụ có thể đánh trống bằng kadipuka (lưng kiến đen)? Nó phải là kadippu (cái dùi trống) chứ không là kadipuka...

Nocchi Akka, được một nam diễn viên đảm nhận, là một nhân vật rất phổ biến do bà mặc những bộ trang phục truyền thống, đồng thời mặt nạ được làm rất khéo nhằm cho thấy một vẻ ngoài của người phụ nữ già điển hình ở vùng nông thôn Sri Lanka.


Kolam, những câu chuyện của ma quỷ và động vật

Một số lượng lớn các vị thần và quỷ sống trong tín ngưỡng dân gian của người Sinhale, tất yếu sẽ ảnh hưởng lên các vấn đề của con người. Chúng đi vào Kolam một cách tự nhiên như trong cuộc sống của chính họ. Raksha, những con quỷ La sát có tần suất hiện diện nhiều nhất, bao gồm cả Gurulu, Naga, Kava, Ginijal, Kutaka, Maru, Gara ... cứ mỗi khi La sát xuất hiện, sân khấu Kolam được rộn lên bởi tiếng trống lớn vang trời. Naga Raksha với mặt nạ rắn hổ mang xuất hiện trên sân khấu như một  biểu tượng của thần thánh chào đón hoàng gia. 


Các Naga Raksha múa chào đón hoàng gia (Hình ảnh từ  Galles Cultural Show 01/2016)

Khác với quỷ La Sát, quỷ Dạ Xoa (Yakka) rất ít xuất hiện, chúng gồm cả Maha Sohona YakkaKalu Yakka và Ahimara YakshayaGara Yakka có vai trò quan trọng nhất trong Kolam, Gara Yaka xuất hiện trên sân khấu để xua tan những ảnh hưởng của miệng quỷ và mắt quỷ nhằm kết thúc một buổi diễn Kolam truyền thống.


Những mặt nạ quỷ trong Kolam, Gara Yakka nằm ở bìa phải 
(Hình ảnh từ  Galles Cultural Show 01/2016)

Động vật cũng có mặt trong một số câu chuyện. Mỗi động vật có chức năng và trang phục riêng của mình. Một số loài động vật phổ biến là sư tử, cọp, bò, gà trống, chó, gấu... Chân dung của làng quê với những loài vật nuôi và động vật hoang dã được thể hiện trong Kolam làm phong phú thêm nội dung của câu chuyện, chúng thêm hương vị cho cuộc sống vốn dĩ không mấy sôi động của làng quê.


Mặt nạ chó (trái) và chó sói (phải) trong sưu tập của UiO museum

Trong một phân đoạn có tên là Shinha Kolama, hai người đàn ông đeo mặt nạ miêu tả khuôn mặt của con sư tử xuất hiện trên sân khấu, họ biểu diễn một điệu nhảy tuyệt đẹp nhằm làm nữ hoàng hài lòng. Vua và nữ hoàng đến trên sân khấu cùng với thủ tướng, sau đó Kariyakarawana Rala (người kể chuyện) mời vợ chồng hoàng gia ngồi  ở chỗ của mình.


Mặt nạ sư tử trong sưu tập của UiO museum

Singha Kolama là động vật đầu tiên xuất hiện trên sân khấu và nó được phép biểu diễn phía trước mặt của vua và hoàng hậu, chứng tỏ sư tử có tầm quan trọng đến thế nào trong tín ngưỡng của người Sinhale.


Kolam, từ nghệ thuật của thánh thần tới nghệ thuật của làng



Mặt nạ vua và hoàng hậu trong ttrang phục
truyền thống tại bảo tàng Ariyapala & Sons

Kolam, bây giờ chỉ đươc biểu diễn giới hạn ở một số vùng biển phía Nam Srilanka và được phân biệt bởi việc sử dụng rộng rãi của mặt nạ. Những mặt nạ, mặc dù giống như trong múa nghi lễ Tovil nhưng có xu hướng thực tế hơn vì các nhân vật mà chúng đại diện là của thế giới này. Một vài mặt nạ, chẳng hạn như của vua và hoàng hậu, là tác phẩm điêu khắc khá phức tạp và nặng nề. Hơn nữa, mặt nạ Kolam là mặt nạ che toàn bộ khuôn mặt, không được thiết kế để khuếch đại âm thanh của giọng nói. Vì những tính năng đó, một số học giả đã lập luận rằng Kolam có nguồn gốc là một nghi lễ múa mặt nạ, sau này trở thành một hình thức diễn xướng bằng cách hát và nói nhưng không loại bỏ hoặc sửa đổi các mặt nạ nguyên thủy của chúng.

Nguồn gốc của mặt nạ Kolam không thể được truy tìm chỉ từ một khía cạnh riêng rẽ. Nó là một hỗn hợp của các yếu tố văn hóa đa sắc tộc và đa tôn giáo. Trong khi thay đổi hình thức của nó theo sự thăng trầm của thời gian, mặt nạ bị ảnh hưởng của các nền văn hóa khác nhau trong hình thức thể hiện. Thoạt đầu là từ những điệu múa thể hiện quyền lực của nữ thần Kali và cách vẽ mặt của Kolam Thullal đến từ Ấn độ, sau đó là sự kết hợp với những điệu nhảy và phục trang truyền thống của địa phương, rồi tích hợp vào mình đời sống nhố nhăng của thời kỳ thuộc địa. Kolam và mặt nạ là thành phần cốt tử của nó, tất yếu phải đổi thay từ việc phục vụ cho nghi lễ trừ tà đến một hình thức nghệ thuật có tính hài hước và đầy ngẫu hứng của làng như ta đang thấy ngày nay.

Đời sống hiện đại như một tsunami quét qua nền văn hóa vốn rất dễ tổn thương của Srilanka. Rồi có thể sẽ không còn làng trên đảo quốc bé nhỏ này nữa nhưng những ký ức của làng chắc rằng sẽ không mất đi, chúng tồn tại trong Kolam và có thể sẽ phù hợp với khẩu vị hiện đại, chúng biến đổi như chúng từng biến đổi, như cách làng đang biến đổi trong cuộc mưu cầu sự tồn tại giữa cơn lốc toàn cầu hóa này.



Tham khảo thông tin từ các nguồn sau:

#1. Kolam dance, a genre of satirical comedy by W.T.J.S. Kaviratne Ambalangoda Spl. Cor.. Web: 
http://www.sundayobserver.lk

#2. Masks for life and death. Web: 
https://www.khm.uio.no

#3. Kolam, Sokari & Nadagam Theater in Sri Lanka by Dr. A.J. Gunawardana, Web: http://www.lankalibrary.com

#4.  Diachronic approach to social roots of sinhalese mask drama (Kolam) by Jayantha Amarasinghe Professor, Department of Sinhala,University of Ruhuna,Mathara, Sri Lanka. Web: http://www.ijac.org.uk
Posted by Hoang Thong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét