Thứ Ba, 14 tháng 1, 2020

16. Mah Meri - Mặt nạ Kembar


16. Mah Meri - Mặt nạ Kembar

Có những triết lý lớn đến từ những câu chuyện nhỏ. Có những tác phẩm nhỏ nói lên được sự vĩ đại của một triết lý lớn. Mặt nạ Kembar của dân tộc thiểu số Mah Meri ở đảo Carey thuộc Malyasia là một tác phẩm đặc biệt có thể làm được điều đó.

Kembar trong ngôn ngữ của người Mah Meri có nghĩa là song sinh và có một linh hồn (spirit) tên là Kembar trong kho tàng huyền thoại độc đáo của dân tộc này. 

Hồn Kembar được người Mah Meri mô tả trong hình thức một cái mặt nạ bất đối xứng, một hình thức thể hiện độc đáo trong nghệ thuật tạo hình mặt nạ*.


Mặt nạ Kembat

Câu chuyện về hồn Kembar bắt nguồn từ một trường hợp song sinh. Một gia đình nọ sinh được một cặp song sinh, khi hai đứa trẻ lớn lên, cha bảo chúng rằng phải nhớ đứa cao gầy là anh và đứa thấp béo là em. Anh em phải tôn trọng lẫn nhau và không được cãi nhau khi vào rừng bởi rừng quá nguy hiểm với những con người bị chia rẽ.

Không như người cha mong muốn, hai đứa trẻ đối chọi lẫn nhau, rồi một cuộc đánh nhau diễn ra vì không ai chịu làm em cả. Người anh cuối cùng dành được chiến thắng nhưng vẫn không làm người em khuất phục. Người em vẫn khăng khăng rằng mình có thể làm anh và anh ta cố tình treo mình lên nhằm kéo dãn thân thể để có thể dài một cách nhanh chóng.

Năm này qua năm nọ, cơ thể béo lùn của người em không dài lên được như anh ta mong muốn bởi anh ta không thể đổi thay bản chất vốn dĩ tự nhiên của mình **.


Mật trước của mặt nạ Kembar với các góc nhìn khác nhau

Triết lý về sự hiển nhiên này được thể hiện qua hình tượng hồn Kembar, những linh hồn song sinh, trong tín ngưỡng của người Mah Meri. Hình ảnh của hồn Kembar là một mặt nạ với mặt phải và mặt trái hoàn toàn khác nhau, tất cả mọi đặc điểm nhận dạng ở bên phải đều dài hơn bên trái. Không ai có thể xác quyết được phía nào đại diện cho người anh và phía nào đại diện cho người em bởi vì sự đa nghĩa của câu chuyện. Ý nghĩa có thể dễ dàng nhận thấy nhất rằng song sinh không có nghĩa là giống hệt. Mỗi con người là một thực thể khác biệt, ngay cả khi họ là anh em sinh đôi và chúng ta cần phải tôn trọng điều đó bởi vì đó là trật tự tự nhiên của vũ trụ. Quả là hiện đại! Tôi không thể hiểu tại sao một bộ tộc nhỏ nhoi lại có tầm suy nghĩ lớn đến vậy. Có lẽ rừng với sự khốc liệt của tồn tại thúc đẩy tính độc lập của con người, qua đó nhấn mạnh tầm vóc cá nhân của những con người trong bộ tộc.


Phía phải và trái của mặt nạ Kembar

Khi quan sát kỹ cái mặt nạ, phần ý nghĩa sâu xa hơn sẽ hiển lộ dần. Có hai khuôn mặt trên mặt nạ này, phía trái là mặt người và phía phải là mặt thú, rõ ràng không thể lẫn lộn được. 

Người nghệ sĩ tạo nên tác phẩm này thật kỳ tài trong việc mô tả những chi tiết. Tai người tròn có phần sụn nổi lên khác với tai thú dài và phẳng. Mắt con thú xếch ngược lên khi so với mắt người, trong khi đó má thú lại chảy sệ xuống. Điểm nhấn nằm ở hai cái răng nanh nhọn hoắt, chỉ có thú mới có cặp nanh dài và đáng sợ như vậy.



Hình dạng mặt thú

Phải chăng trong ý nghĩa sâu xa, cái mặt nạ này muốn nói rằng có tính thú trong tính người và ngược lại? Thú tính là động lực dẫn dắt cuộc chiến giữa hai anh em song sinh, cho dẫu là người của cùng một bào thai họ cũng không thể tránh khỏi bản chất thú vốn dĩ tồn tại tự nhiên trong con người. Thú tính và nhân tính là một kiểu song sinh khác mà người Mah Meri muốn thể hiện trong mặt nạ Kembar, mặt nạ ám chỉ những hiện tượng song sinh của họ.

Mah Meri. nghĩa là những người rừng, rừng và dã thú luôn hiện diện trong huyền thoại của họ như những chỉ dấu tiêu chuẩn cho cách hành xử của họ với Mẹ Thiên Nhiên. Dã thú luôn luôn được tôn trọng cho dù họ phải giết chúng đi vì sự tồn tại của mình. Dã thú là một phần trong cuộc sống của họ. Dã thú là một phần trong linh hồn của họ. Trong ý nghĩa này, cuộc sống của người là một trong cặp song sinh người và dã thú. Vì vậy, một khuôn mặt thú trên một khuôn mặt người hẳn là điều tự nhiên mà linh hồn Kembar muốn gởi gắm cho nhân loại hiện đại hôm nay.


Chú thích:

(*) Quan niệm về thế giới vủa người Mah Meri được diễn giải qua các hình thức của linh hồn (spirit). Các hình thức này gồm tượng gỗ gọi là moyang và mặt nạ gọi là topeng. Thật ra moyang là từ dùng để chỉ tổ tiên của người Mah Meri, từ chính xác để gọi tượng gỗ là hantu, tuy nhiên từ này được kiêng kỵ do người dân sợ con quỷ tên là Hantu xuát hiện khi được gọi tên.

(**) Nội dung được tham khảo từ Mah Meri of Malysia Art and Culture by Roland Werner. 3rd publish. 1997, page 244.

Posted by HoangThong


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét