Thứ Hai, 25 tháng 11, 2019

Đường Tống truyền kỳ


Đường Tống truyền kỳ

Truyền kỳ là thể loại văn học thịnh hành dưới thời Đường, kế thừa thể chí quái thời Lục triều, đồng thời là nguồn gốc của thoại bản đời Tống và tiểu thuyết Minh Thanh sau đó.

“Đường Tống truyền kỳ” là tác phẩm được Lỗ Tấn biên tập vào năm 1927 và do Bắc Tân thư cục ở Thượng Hải xuất bản lần đầu tiên.

LỜI TỰA

Hồ Ứng Lân xứ Đông Việt nhà Minh là người tinh thông tứ bộ (1), ông từng nói: “Phàm chuyện biến ảo linh dị vốn đã thịnh từ thời Lục triều (2), nhưng đa phần ghi chép tạp nhạp lời đồn thổi, vị tất do tưởng tượng viết nên. Đến đời Đường, người ta mới có ý ưa chuộng điều kỳ lạ, mượn tiểu thuyết để gửi gắm nơi ngòi bút. Như “Mao Dĩnh”, “Nam Kha” còn coi được, chứ “Đông Dương dạ quái” kể về Thành Tự Hư và “Huyền quái lục” thuật chuyện Nguyên Vô Hữu thì chỉ khiến độc giả được vui cười, vì văn phong tầm thường không đáng để bàn tới. Truyện ký của người thời Tống phần lớn đều bám sát sự thật, nhưng văn chương đó vẫn chưa đáng để xem”. Lời ông cũng có lý. No say thơ phú rồi thì phải tìm kiếm món gì mới, những ý tưởng văn vẻ chợt băng ngang, thế là tiểu thuyết có được buổi huy hoàng. Hậu hiền lại noi theo đường chính, đối đãi như đất cát, duy có “Thái Bình quảng ký” là bao dung, nên mười phần mới còn tồn được một. Song lại học thương nhân kiếm lợi, tô sức hoa mỹ, như “Thuyết hải”, như “Cổ kim dật sử”, như “Ngũ triều tiểu thuyết”, như “Long uy bí thư”, như “Đường nhân thuyết oái”, như “Nghệ uyển quấn hoa”, vì muốn tổng mục hoành tráng để huyễn hoặc người xem, họ thường nhắm mắt chế ra tựa đề, còn đổi tên người soạn, làm cho các truyện thời Tấn Đường phần lớn bị trổ mặt cắt mũi. Con kiến tiếc cái mũi, khác đâu hương tượng, Mô Mẫu (3) che lấy mặt, há kém Mao Tường (4), tuy đó là tiểu thuyết, luôn ở hàng thấp kém, không đáng xếp vào cửu lưu (5), nhưng đổi đầu gọt chân như thế thì cũng hãi hùng thật.

Khi xưa tôi đã thấy ngán ngẩm cho cảnh ấy nên quyết tâm cải chính. Trước là biên tập tiểu thuyết từ đời Hán đến đời Tùy, làm thành năm bộ “Câu trầm” (6), rồi lại sưu tầm tác phẩm truyền kỳ thời Đường Tống, tính soạn ra một quyển đáng tin hơn bản hiện giờ. Nhưng mấy lần gặp khó khăn, không có thời gian chỉnh lý, chỉ đành vứt vào trong tráp cho mối gặm mà thôi. Mùa hạ năm nay thất nghiệp (7), đang ở ẩn tại Nam Trung, tình cờ tôi nhìn thấy “Trung Quốc đoản thiên tiểu thuyết tập” của anh Trịnh Chấn Đạc, sách quét tan khói bụi, bỏ giả tìm chân, những gì bị che lấp bấy lâu bỗng chốc được mang ra ánh sáng. Song tiếc thay “Dạ quái lục” vẫn đang để Vương Thù, “Linh ứng truyện” chưa sửa tên Vu Thích (8), dường như còn quyến luyến cố cựu. Tiếp đến lại đọc “Đăng khoa ký khảo” của Từ Tùng người Đại Hưng, ông học rộng biết nhiều, kê cứu rất sâu sắc, nhưng chuyện Lý Trưng thi đỗ lại dẫn “Nhân hổ truyện” của Lý Cảnh Lượng làm chứng. Đó là do người đời Minh đề bừa, thiên này không phải Cảnh Lượng viết (9). Tuy chỉ là điểm nhỏ nhặt, song một khi đã chép sai thì tất gây hại cho văn chương, cũng mang họa đến cho những ai khảo sử nữa. Chợt nhớ tới ý định năm nào, tôi bèn mở tráp ra đọc kỹ, buồn chán lại tăng thêm, nhưng đâu vẫn còn đó, bèn căn cứ theo thứ tự về niên đại mà xem qua một lượt. Thật vậy, “Cổ kính” của Vương Độ vẫn còn sót dư âm của truyện chí quái buổi Lục triều, nhưng đã tăng thêm phần hoa diễm. Còn “Dương xướng” của Thiên Lý và “Thượng Thanh” của Liễu Đĩnh thì lại ủy mị quá, cứ như mấy vần thơ. Người đời Tống ưa khuyến thiện trừng ác, chép sự thật mà câu nệ, khó tìm thấy chỗ sinh động bay bổng, xem như mạch sống của truyền kỳ đến đây đã dứt rồi. Duy thời điểm giữa hai niên hiệu Đại Lịch và Đại Trung, các tác giả xuất hiện nhiều như muôn hoa đua nở trên văn uyển, Thẩm Ký Tế và Hứa Nghiêu Tá thì rạng danh đằng trước, Tưởng Phòng và Nguyên Chẩn thì nổi bật phía sau, còn thế hệ Lý Công Tá, Bạch Hành Giản, Trần Hồng, Thẩm Á Chi lại càng thêm trác tuyệt. Đặc biệt là thiên “Dạ quái”, rõ ràng nương theo thuyết hư vô, đến nay đã quá quen thuộc rồi, nhưng dưới thời Đường thì quả thật mới mẻ lắm, vậy mà Hồ quân lại tỏ ý chê bai, trộm nghĩ chưa thể tán đồng. Tự tôi thẩm định, tuy những gì mình ghi chép chẳng có chi tuyệt diệu, song chỗ dụng tâm ngày ấy xem ra cũng đáng quý. Lại nhớ tới mấy năm gần đây, số người tha thiết với truyền kỳ Đường Tống quả thật không nhiều. Nay lấy giọt nước rót vào nguồn học thuyết kia để hiến tặng đồng lưu, xem như góp chút sức mọn, giúp họ đỡ vất vả khảo cứu, mang đến niềm vui khi thưởng thức trọn vẹn. Thế là đóng cửa bày sách rồi hiệu đính duyệt lại, ngót một tháng mới xong, tổng cộng tám quyển, có thể mang ra in ấn. Ý nguyện hoàn thành, biết là may mắn, nhưng vừa mới vui đã thở dài, vì lưu luyến cố hương mà không sao về kịp, còn thời gian thì thoăn thoắt tên bay, hỡi ôi, đó là sống hết mình ư, hay thực bất đắc dĩ vậy?



 “Đường Tống truyền kỳ”, NXB Văn học (2018)

Tôi vẫn còn mấy điểm, xin đề luôn vào bên trái như sau:

1. Nguồn tư liệu tôi dùng để biên soạn sách này là “Văn uyển anh hoa” bản thời Minh; bản in “Thái Bình quảng ký” của Hoàng Thịnh đời Thanh, hiệu đính bản của Hứa Tự Xương triều Minh; bản “Tư trị thông giám khảo dị” thời Tống của Hàm Phân lâu; “Thanh tỏa cao nghị” của Sĩ Lễ cư do Đổng Khang khắc bản, hiệu đính bản chép tay và bản khắc của Trương Mộng Tích đời Minh; sách “Bách xuyên học hải” thời Tống được khắc vào đời Minh; bản chép tay sách “Thuyết phu” thời Minh; “Văn phòng tiểu thuyết”, bản in của Cố Nguyên Khánh nhà Minh; bản “Lâm lang bí thất tùng thư” của Hồ Đĩnh đời Thanh;…

2. Tập truyện này chỉ thu thập những thiên đơn lẻ. Thiên nào đã có trong sách rồi, dù cho rất nổi tiếng hay sách gốc đã mất thì tôi cũng đều không chọn, như “Hồng Tuyến” trong “Cam trạch dao” của Viên Giao, “Đỗ Tử Xuân” trong “Tục Huyền quái lục” của Lý Phục Ngôn (10), “Côn Lôn Nô” và “Nhiếp Ẩn Nương” trong “Truyền kỳ” của Bùi Hình,… Còn “Phi Yên truyện” của Hoàng Phủ Mai tuy là dật văn của “Tam Thủy tiểu độc”, nhưng “Thái Bình quảng ký” khi trích dẫn lại không nói rõ xuất xứ từ sách nào, tựa hồ từng là truyện đơn lẻ, cho nên tôi vẫn chọn lấy.
3. Khi tuyển chọn đưa vào sách, văn chương triều Đường thì châm chước, còn tác phẩm đời Tống phải lọc kỹ. Phàm các tổng tập do người thời Minh Thanh soạn, nhiều chỗ họ nhắm mắt đề tên tác giả, cứ phải thẩm định chỉnh sửa để truất bỏ sai lầm, tôi nào dám cả gan cắt xén, chỉ vì muốn tìm kiếm sự thật đó thôi. Nhật Bản có thiên “Du tiên quật” do Trương Văn Thành viết, vốn phải đặt sau “Bạch viên truyện”, nhưng vì anh Chương Mâu Trần vừa in ấn phát hành, cho nên tôi cũng không chọn.

4. Văn chương trong tập truyện này đôi lúc lại thấy ở sách khác, hoặc có nhiều dị bản, nếu đem đối chiếu thì có thể hiệu đính cho nhau, mà câu chữ khác đi cũng là chuyện bình thường. Tôi nghĩ không cần thiết phải chú rõ chữ này xuất xứ từ bản kia, vì sẽ rất rối rắm. Độc giả nào muốn biết cho tường tận thì ở quyển mạt tôi có chép rõ nguồn, tự mình kiểm chứng với sách gốc sẽ tìm được cứu cánh.

5. Trước giờ tôi hay đọc nhiều loại sách, gặp quyển nào có liên quan đến truyền kỳ thời Đường Tống mà đủ để tham khảo kiểm chứng thì đều ghi lại cho khỏi quên. Nay bởi bôn ba nên mất mát khá nhiều. Sống ở xứ người đâu dễ tìm ra sách, chẳng sáng tác được gì hết. Nay lại gom thành tập, kèm theo những gì mình vừa xem gần đây, bèn làm thêm một quyển và đặt ở cuối cùng, nhằm lưu giữ kiến văn từ hồi xưa.

6. Các khúc gia đời Kim Nguyên trở đi vẫn hay khai thác truyện truyền kỳ thời Đường, những trước tác tôi đọc cũng có thể kể ra một hai tựa. Nhưng mảng từ khúc xưa nay tôi vốn chẳng dụng tâm, lúc biên soạn sách ắt lắm chỗ nhầm lẫn, việc tinh nghiên bác khảo đành phải nhường lại chuyên gia.

7. Số thiên và số quyển trong sách này không nhiều, nhưng hoàn thành cũng không dễ. Trước nhờ chị Hứa Quảng Bình (11) tuyển chọn, phần lớn rút từ bộ “Thái Bình quảng ký”. Song tài liệu để kiểm chứng chỉ có mỗi bản Hoàng Thịnh nên tôi rất sợ sai lầm. Năm ngoái nhờ bản của Hứa Tự Xương người Trường Châu do anh Ngụy Kiến Công hiệu đính cất trong thư viện Đại học Bắc Kinh mà tôi mới hiểu tường tận. Nay gom góp tư liệu lại, đặt làm quyển mạt, song bản thảo ban đầu rất sơ sài, còn nhiều điểm lẫn lộn, anh Tưởng Kính Tam mang tới hơn chục loại sách, ra sức tìm kiếm và kiểm duyệt mới được như bây giờ. Đến lượt anh Đào Nguyên Khánh thiết kế cho bìa sách, đó là món quà anh từng tặng tôi hơn một năm trước đây. Nhờ công sức của nhiều người mà sách đã hoàn thành, tôi chỉ biết chép vài lời nói suông để khắc ghi tình bằng hữu.

Ngày 10 tháng 9 năm Trung Hoa Dân Quốc thứ 16, Lỗ Tấn hiệu đính xong và đề tựa
Lúc này trời đã khuya, trăng tròn vằng vặc, muỗi đói vo ve, tôi ở Quảng Châu

CHÚ THÍCH
(1) “Tứ bộ” tức kinh (sách của thánh nhân), sử (lịch sử), tử (sách của hiền nhân), tập (thi từ).

(2) Lục triều là sáu triều đại Đông Ngô, Đông Tấn, Lưu Tống, Tề, Lương, Trần đều đóng đô tại Kiến Khang (hay còn gọi là Kim Lăng), tức Nam Kinh ngày nay.

(3) Mô Mẫu là phi tử của Hoàng Đế. Sách “Lộ sử hậu kỷ” nói: “Thứ phi của Hoàng Đế là Mô Mẫu, dung mạo xấu xí nhưng đức hạnh sâu dày”.

(4) Thiên “Tề vật luận” trong “Nam Hoa kinh” của Trang Tử chép: “Mao Tường, Ly Cơ là những người đẹp giữa nhân gian vậy”.

(5) Bách gia chư tử thời Xuân Thu Chiến Quốc có mười lưu phái lớn, gọi là “thập lưu”, bao gồm Nho gia, Đạo gia, Pháp gia, Mặc gia, Danh gia, Nông gia, Tạp gia, Âm Dương gia, Tung hoành gia và Tiểu thuyết gia. Đến thời Đông Hán, thiên “Nghệ văn chí” trong sách “Hán thư” của Ban Cố nói rằng: “Lưu phái Tiểu thuyết gia bắt nguồn từ đám bại quan, thu góp lời nói ở đầu phố ngõ hẻm, lấy chuyện nghe ở dọc đường mà viết sách”, ngụ ý chê Tiểu thuyết gia thấp kém. Do đó về sau Tiểu thuyết gia bị loại, chỉ còn lại “cửu lưu” mà thôi. Chữ “tiểu thuyết” trong tiếng Hán xuất hiện đầu tiên ở sách “Nam Hoa kinh”, thiên “Ngoại vật”: “Sức tiểu thuyết dĩ cán Huyện lệnh, kỳ ư đại đạt diệc viễn hĩ” (tô sức tiểu thuyết để đi làm Huyện lệnh thì thông đạt đạo lớn còn xa lắm). “Tiểu thuyết” ở đây chỉ những chuyện vụn vặt, tầm thường, như Lỗ Tấn giải thích là “vào lỗ tai ra lỗ miệng”, không giống với cách hiểu ngày nay. Sang thời Minh Thanh, thể loại tiểu thuyết chương hồi mới mang dáng dấp của novel theo quan điểm hiện đại, nhưng vẫn bị coi là văn học hạng thấp.


(6) Tức bộ “Cổ tiểu thuyết câu trầm” do Lỗ Tấn biên tập từ năm 1909 đến năm 1911.

(7) Ngày 21 tháng 4 năm 1927, Lỗ Tấn từ chức Chủ nhiệm Khoa Văn học kiêm Chủ nhiệm Giáo vụ của Đại học Trung Sơn, về sống tại lầu Bạch Vân ở Quảng Châu.

(8) “Đông Dương dạ quái lục” đề tác giả là Vương Thù, “Linh ứng truyện” đề tác giả là Vu Thích, đó là sai lầm trong sách “Đường nhân thuyết oái”. Khi soạn “Trung Quốc đoản thiên tiểu thuyết tập”, Trịnh Chấn Đạc vẫn theo sai lầm này.

(9) Sách “Thái Bình quảng ký” trích truyện này từ “Tuyên thất chí” của Trương Độc, đề tựa là “Lý Trưng”. “Cổ kim thuyết hải” đời Minh đổi tựa thành “Nhân hổ truyện” và viết sai tên tác giả là Lý Cảnh Lượng, Từ Tùng cũng theo sai lầm đó.

(10) “Thái Bình quảng ký” chép truyện “Đỗ Tử Xuân” và ghi xuất xứ từ “Tục Huyền quái lục” của Lý Phục Ngôn, học giả Đài Loan Từ Chí Bình cũng khẳng định tác giả là Lý Phục Ngôn. Nhưng Trần Ứng Tường đời Minh và các học giả Trung Quốc hiện đại như Vương Mộng Âu, Trình Nghị Trung thì cho rằng truyện này xuất xứ từ “Huyền quái lục” của Ngưu Tăng Nhụ.

(11) Hứa Quảng Bình (1898 – 1968) người Phiên Ngung, Quảng Đông, học Khoa Quốc văn ở Đại học Sư phạm nữ Bắc Kinh, bà là bạn đời của Lỗ Tấn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét