Đức Phật trong lịch sử (Phần VII)
GIÁO LÝ
Những nguyên lý Phật Pháp có thể được
trình bày trong một số mệnh đề như sau:
– Hiện hữu trong mọi hình
thái đều là khổ (dukkha) vì bất cứ vật gì có đời sống đều phải chịu các hiện tượng
khổ đau, vô thường, tiêu diệt, biệt ly và bất đắc.
– Tất cả chúng sanh chưa được
giải thoát đều phải bị tái sinh: nỗi khổ của chúng sanh không chấm dứt với cái
chết, mà vẫn còn liên tục mãi trong những hình thái hiện hữu kế tiếp.
– Tái sanh được chi phối bởi
quy luật tự nhiên về lý duyên khởi hợp đạo đức, theo đó thiện nghiệp (kamma),
hay nói rõ hơn, các hành động do ý chí (sankhàra) tạo điều kiện tái sanh vào
hoàn cảnh tốt đẹp hơn và ác nghiệp đưa đến tái sanh vào cõi xấu ác hơn. Thiện
nghiệp mang lại lợi ích, an lạc, ác nghiệp mang đến tai hại, khổ đau.
– Vì không có linh hồn trường
tồn sau khi thân hoại, nên tái sanh không diễn tiến theo hình thức linh hồn
luân chuyển đầu thai vào một thân xác mới, mà do một chuỗi liên tiếp các nhân
duyên tạo điều kiện sanh khởi.
– Các động lực vận hành vòng
luân hồi sanh tử là khát ái (tanhà) và vô minh (avijjà), những động lực mà mỗi
người có thể thực hiện sự đoạn trừ trong chính mình nhờ tự điều phục bản thân.
– Giải thoát cốt yếu là ở chỗ
chấm dứt vòng sanh tử luân hồi và tận diệt (nibbàna) hữu thể.
Cùng với những nhận thức này, niềm xác
tín rằng ngài đã tìm ra chìa khóa mở đường giải thoát khổ đau là lý do khiến đức
Phật tự tin (vô úy), và tinh thần lạc quan của môn đồ ngài phát xuất từ niềm
tin vững chắc rằng mỗi người nỗ lực vì mục đích giải thoát sẽ thành đạt giải
thoát ngày sau.
Mặc dù xem đời sống là khổ đau, đạo Phật
vẫn không bi quan; trái lại, đạo Phật thiết lập niềm tin vững chắc và tâm trạng
thư thái trong người mộ đạo. Một người hành trì Giáo Pháp cũng giống như
người được y sĩ giải thích căn bệnh, nhưng với sự bảo đảm rằng có thể điều trị
bệnh mà không cần bất cứ một hoạt động nào ở bên ngoài, chỉ hoàn toàn do nỗ lực
của chính người bệnh ấy thôi.
THẾ GIỚI QUAN CỦA ÐỨC PHẬT
Ðức Phật Gotama thấy nguyên lý duyên khởi,
theo đó vạn vật hiện hữu tùy nhiều yếu tố tạo điều kiện, như một nguyên lý phổ
quát không chừa một kẽ hở nào cho giả thiết về một cái Tuyệt Ðối bất biến. Phù
hợp với nguyên lý này, ngài đi đến quan điểm đa nguyên về thế giới, quan
điểm như vậy hoàn toàn đối nghịch với triết lý Upanisads (Áo Nghĩa Thư).
Các đạo sư Aupanisadas khẳng định có một
linh hồn bất tử (àtman) trong mọi vị hữu tình, họ tin tưởng rằng tất cả các
linh hồn này đồng nhất với nhau, và cùng đồng nhất với linh hồn vũ trụ (Phạm thể: Brahman).
Các vị này giảng dạy thuyết nhất
nguyên, nghĩa là có sự đồng nhất vạn pháp theo đó căn bản của thế giới là “cái
bất nhị, vô phân biệt”. Bất kỳ kẻ nào công nhận rằng “nhân” và “ngã” là một
trong bản thể, tất cả chúng ta đều đồng nhất với cái Tuyệt Ðối trong bản thể, bất
kỳ ai nhận thức rằng tất cả mọi sự sai biệt bên ngoài giữa mọi người chỉ là huyễn
ảo (màyà), kẻ ấy sẽ đạt giải thoát.
Ðức Phật phản bác những lời xác nhận này
trong mọi điểm.
Ngài tuyên bố không có một linh hồn bất
tử tồn tại sau khi thân hoại, cũng không có cái Tuyệt Ðối nằm bên trong và đằng
sau vạn vật. Do vậy chúng ta không thể chứng minh nguồn gốc tính đa dạng của
thế giới từ một cái Tuyệt Ðối, và chúng ta cũng không thể đạt giải thoát bằng
cách hòa nhập vào cái Tuyệt Ðối kia. Giả thiết có sự lưỡng phân giữa các hiện
tượng tạo thành thế giới và cái Tuyệt Ðối là điều sai lầm.
Không có BẢN THỂ đằng sau các cá thể,
không có “thực thể tự tại” (ding an sich) đằng sau vạn vật. Chỉ có các hiện tượng
tạo thành mọi loài hữu tình lẫn vô tình, và các hiện tượng này không có thực thể.
Chúng hiện hữu như ta cảm nhận chúng hằng ngày và ta phải xem chúng là những thực
tại. Tiến trình tái sanh khổ đau chỉ diễn ra trong thế giới hiện hữu này, đó là
thế giới gồm các hiện tượng luôn biến dịch. Chính tiến trình biến dịch này
là cuộc sống, vì đời sống không phải là một hình thái tĩnh mà là một sự liên tục
biến thành một hình thái khác.
Do không có cái Tuyệt Ðối đằng sau các
hiện tượng, nên không có sợi dây liên kết hợp nhất xuyên suốt vạn vật. Hằng hà
sa số hiện tượng “vô ngã, không linh hồn” đồng thời sanh khởi, biến đổi lẫn
nhau khi chúng tiếp xúc nhau, phối hợp với nhau và do vậy tạo điều kiện cho các
hiện tượng mới thay thế các hiện tượng cũ.
Thế giới này đa dạng, chỉ một yếu tố duy
nhất thường hằng trong dòng biến dịch của hiện tượng là quy luật quyết định
cách hoạt động của dòng biến dịch này: nguyên lý sinh khởi tùy điều kiện
(paticca-samuppàda).
Ðức Phật Gotama hình như đã không phát
biểu lời nào mô tả bản chất các yếu tố nằm sau các hiện tượng bề ngoài và tạo
nên các thành phần của chúng. Ngài gọi chúng là “các pháp” (dhammas), một từ mà
ở đây ta có thể diễn dịch khéo nhất bằng từ ngữ “các thành tố của sự sống”;
nhưng vì ngài là một bậc Ðạo Sư thực tiễn về con đường giải thoát, ngài không
trình bày một lý thuyết đầy đủ chi tiết về vạn pháp.
Tuy thế, sau khi ngài viên tịch, một số
Tỳ-kheo lại hết sức quan tâm nghiên cứu vấn đề này, đã xem xét các pháp
(dhammas) theo cách học thuật kinh viện, rồi lập thành các danh sách và cung cấp
chi tiết cho một lý thuyết về vạn pháp. Theo cách này, chư vị đã sáng tạo
một đạo Phật trong đó con người xuất hiện không phải như một cá thể có cảm giác
và khổ đau, mà đơn thuần như một tổng thể các pháp. Nếu ta có thể dùng một
ví dụ hiện đại, thì cũng như các vị ấy không nói cái ao nước, nhưng lại nói một
tập hợp bao nhiêu mét khối H2O mà thôi.
Học giả lừng danh Buddhaghosa (Phật Âm:
thế kỷ thứ 5 sau CN) đã giải thích quan điểm vô ngã tính này trong mấy
vần kệ:
Có đau khổ
nhưng không người chịu khổ;
Có việc làm dù
chẳng có người làm;
Không kẻ diệt
vong dù có Niết-bàn;
Có đạo lộ song
có đâu hành giả.
Không người tạo
nghiệp nhân,
Không ai nhận
nghiệp quả:
Chỉ hiện tượng
trôi lăn –
Không có gì
khác nữa,
Ngoài tri kiến
chánh chân
Không kiến nào
đúng cả.
CÁI GÌ KHIẾN VÒNG LUÂN HỒI SANH TỬ (SAMSÀRA) TIẾP DIỄN?
Trước phần bình luận trên, ta đã nói về
tái sanh không có linh hồn chuyển tiếp và cách thức nghiệp (kamma) quyết định đời
sống kế đó. Ðiều này đưa đến vấn đề các động lực chuyển vận vòng sanh tử luân hồi
là gì. Hiển nhiên chúng phải là những năng lực rất mãnh liệt.
Trong Thánh Ðế Thứ Hai, đức Phật giải
đáp:
“Này các Tỳ-kheo, đây là Thánh Ðế về Nguồn Gốc của Khổ: chính
khát ái này đưa đến tái sanh, kết hợp với dục tham, tìm thấy lạc thú khi thì chỗ
này, khi thì chỗ kia, đó là dục ái, hữu ái và phi hữu ái”.
Như vậy, chính Khát Ái (tanhà) hay nói
rõ hơn quả thực là dục tham đã lôi cuốn chúng ta ở lại trong vòng luân hồi.
Khát Ái là lý do khiến chúng sanh, mặc
dù có đủ mọi khả năng lý luận, vẫn chấp nhận nỗi đau khổ triền miên bất tận này
để trả giá cho những niềm hoan lạc phù phiếm tạm thời. Lời dạy này chứng tỏ tri
kiến uyên thâm của đức Phật về bản chất nhân loại: ngoài khát vọng về dục lạc
(như hưởng thụ tài sản, nhục dục), và khát vọng hiện hữu (tức là được
tái sanh), con người còn có khát vọng phi hữu (tức là tiêu diệt tự
ngã, không tái sanh). Ngay cả ước muốn không tiếp tục hiện hữu cũng là một hình
thức khát ái trói chặt ta vào vòng luân hồi.
Một người chưa được giải thoát tự hủy hoại
mình vẫn bị ràng buộc vào vòng sanh tử, và chẳng gây tác động gì ngoại trừ thay
đổi hình thái hiện hữu mà thôi.
Song khát ái chỉ hoàn thành chức năng
lôi cuốn chúng ta ở mãi trong vòng luân hồi sanh tử bao lâu con người chưa ý thức
được bản chất khổ đau của mọi hiện hữu, nghĩa là bản chất nội tại khổ đau
cho dù là bản chất của lạc thú đi nữa. Tri kiến, thắng trí và tuệ giác là
địch thủ trọng đại nhất của khát ái.
Theo đức Phật, ngoài khát ái (tanhà) còn
có thể nêu ra vô minh (avijjà), nghĩa là không liễu tri thực chất của vạn vật,
như một trong những động lực thúc đẩy vòng luân hồi. Rất nhiều bài kinh của
ngài đề cập khát ái và vô minh như các nguyên nhân kết hợp tạo nên khổ đau.
Về sau, ngài hệ thống hóa các yếu tố tạo
khổ vào một nhóm ba pháp: Tham (Lobha), Sân (Dosa) và Si (Moha). Ngài vẫn thường
dùng các danh từ tập hợp để chỉ chúng như các “lậu hoặc” (àsavà) và “cấu uế,
phiền não” (kilesà). NIẾT BÀN - Mục đích giải thoát mà đức Phật hứa khả với các
môn đồ của ngài như là kết quả của sự đoạn diệt tham sân si được liên kết chặt
chẽ với giáo lý vô ngã (anatta). Mọi tôn giáo thuyết giảng sự hiện hữu
của một linh hồn bất tử đều phải giả thiết rằng linh hồn này tiếp tục tồn tại
sau khi được cứu độ và do vậy phải cung cấp nơi cư trú cho nó trong một thế giới
giải thoát, một xứ sở cứu độ.
Linh hồn (Skt: atman) hay tiểu ngã có
thể hòa nhập vào Ðại ngã (Brahman) như trong giáo lý Upanisad, hoặc
có thể hợp nhất với Thượng Ðế như trong Ấn Ðộ thần giáo, hoặc có thể lên Thiên
đàng như trong Thiên Chúa giáo và Hồi giáo
Do bác bỏ sự hiện hữu của một linh hồn bất
tử, đức Phật không cần thừa nhận bất kỳ giải pháp nào trong số các giải pháp
khó hợp lý này. Ngài không cần phải bận tâm gì đến số phận của một linh hồn cả; đối
với ngài, giải thoát cốt yếu là ở sự tận diệt cá thể hiện hữu đầy khổ đau và hủy
hoại vòng luân hồi sanh tử: thực sự đó là đoạn diệt, Niết-bàn (nibbàna) của hữu
thể. Ngài bài bác lời cáo buộc của một số Bà-la-môn cho rằng ngài là người
chủ trương thuyết hư vô (venayika), ngài đáp rằng ngài chỉ tiêu diệt một điều
duy nhất: khổ đau ở đời.
Vì cái được gọi là cá nhân ấy chỉ là một
tập hợp các hiện tượng vô ngã và vì sự hiện hữu của nó bị bắt buộc phải kèm
theo khổ đau, nên chấm dứt nó cũng không thiệt hại gì. Trái lại, sự đoạn diệt
nó, khi không còn tái sanh tiếp diễn nữa, cần phải được hoan nghênh như là niềm
an lạc giải thoát.
Khi xét đến sự thực Niết-bàn là giải
thoát, chúng ta không nên ngạc nhiên vì thấy nhiều đoạn trong Kinh Tạng Pàli định
nghĩa nó bằng các từ phủ định: Niết-bàn là sự diệt trừ tham ái đưa đến tái sanh, giải
thoát tham sân si, là sự tịnh chỉ tối hậu của các hành (sankhàra), tức
là các ý định luôn tạo nghiệp (kamma) và do vậy đặt nền tảng cho tái sanh liên tục.
Trong khi tất cả mọi hình thái hiện hữu
trong vòng luân hồi đều do các hành tạo điều kiện sanh khởi, là pháp hữu vi
(sankhata), thì Niết-bàn không do duyên sanh hay vô vi (asankhata).
Niết-bàn không thể đạt được bằng cách chỉ
tạo các thiện nghiệp mà thôi, nó không phải là trạm cuối cùng của sanh tử lộ,
mà vượt lên tất cả mọi điều kiện sanh khởi. Niết-bàn nằm bên ngoài vòng
luân hồi (Samsàra), tuy thế nó không phải là một cái Tuyệt Ðối.
Sự thật Niết-bàn chỉ có thể đạt được bằng
cách đoạn tận mọi tham ái dục vọng gây hậu quả là ngay chính dục vọng đắc
Niết-bàn cũng làm trở ngại cho sự chứng đạt Niết-bàn. Chính sự nồng nhiệt mong
cầu giải thoát tự cản bước tiến của mình vậy.
Khi đức Phật được hỏi làm thế nào ngài
đã thành tựu sự vượt qua bộc lưu của khổ hải, ngài đáp:
“Không trì hoãn (appatittham) và cũng không vội vàng (anàyuham),
ta vượt qua bộc lưu… Khi ta trì hoãn thì ta chìm xuống, khi ta vội vàng thì ta
bị cuốn trôi. Chỉ khi nào ta không trì hoãn mà cũng không vội vàng thì ta vượt
qua bộc lưu”.
Ðể thành đạt giải thoát, ta cần giữ tâm
an tịnh không bao giờ quên mất tầm nhìn về cứu cánh mà phải tiến dần đến mục
đích không vội vàng hay cuồng nhiệt. Thái độ thích hợp là thái độ không hy
cầu.
Ngoài các định nghĩa mang tính phủ nhận,
Kinh Ðiển còn hàm súc nhiều cách diễn tả tích cực về Niết-bàn. Ðó là hạnh
phúc tối cao hay cực lạc, tịch tịnh, tối thượng an ổn (thoát khổ ách), ân phước,
bất tử giới, thanh tịnh, chân lý, điều tối thượng, điều thường hằng, điều không
do tác thành, điều vô cùng vô tận…
Một vài từ ngữ này có tính chất cảm thọ
nhưng phải được hiểu theo cách diễn tả đầy nhiệt tình của hội chúng đức Phật thời
nguyên thủy muốn liên hệ ý tưởng Niết-bàn với những gì thiêng liêng thần thánh
và bày tỏ lòng hoan hỷ hứng khởi trong lúc đặt hết niềm tin vào giải thoát.
Có chuyện kể Tỳ-kheo Udàyi ngạc nhiên
khi nghe từ ngữ “lạc” (sukha) mang tính cảm thọ mà tôn giả Sàriputta
đã dùng nói đến Niết-bàn và hỏi làm thế nào Niết-bàn không có cảm thọ lại có thể
được gọi là “lạc”, trưởng lão Sàriputta đáp: “Ðấy chính là lạc, tức là trạng thái không
còn cảm thọ”.
Nhiều đoạn trong Kinh Tạng Pàli liên hệ
Niết-bàn nói đến điều này theo hai cách khác nhau. Trong một số đoạn kinh, Niết-bàn
được xem như trạng thái khởi lên trong tâm của người đã được giải
thoát khi các yếu tố gây khổ đau đã được đoạn tận.
Theo cách này, Niết-bàn là một trạng
thái tâm khởi lên trong người ấy, nhưng trạng thái này không thể đảo ngược lại,
tức là bất thối chuyển, do vậy được gọi là an ổn (dhura), thường hằng
(nicca), trường cửu (accuta). Chính từ Niết-bàn, theo nguyên
nghĩa mô tả tiến trình tiêu diệt ngọn lửa và trạng thái tiêu diệt phát sinh từ
đó đã hỗ trợ quan điểm này.
Cách thứ hai đề cập Niết-bàn xem đó như
là cái gì không sanh (ajàta), không trở thành (abhùta), và vì vậy đó
là một vật được cho, vốn đã hiện hữu từ lâu trước thời điểm giải thoát của hành
giả, vị ấy nhờ giải thoát đã thể nhập vào đó. Theo cách này, Niết-bàn cần
thiết phải mang tính chất của một “nơi chốn”:
“Này các Tỳ-kheo, có một trú xứ (àyatana) không có đất, cũng
không có nước, cũng không có lửa, cũng không có gió. Ðây chính là khổ diệt”.
Sự chứng đạt Niết-bàn ở đây được diễn
dịch là sự thể nhập vào Niết-bàn. Ta có thể tìm hiểu thêm về trạng
thái giải thoát từ những đoạn kinh liên hệ đến người được giải thoát. Vì Niết-bàn
không nhất thiết phải trùng hợp với sự mạng chung của người được giải thoát, quả
thực vị ấy, cũng như trường hợp đức Phật Gotama, có thể tiếp tục sống nhiều năm
hoặc thậm chí hàng chục năm, cho nên ta cần phân biệt Niết-bàn trước khi thân
hoại và Niết-bàn sau khi thân hoại.
Trong Niết-bàn trước khi thân hoại,
con người được giải thoát vẫn còn đầy đủ Ngũ Uẩn (khandhà) hợp thành cá thể sống
thực của vị ấy, nói cách khác, vị ấy vẫn tiếp tục sống như một hữu tình trước mắt
mọi người. Vị ấy chưa vượt qua các nỗi khổ nhọc của thể xác như già yếu, bệnh tật,
tai nạn, đau nhức … các thứ này được xem là phần còn lại của nghiệp (kamma) mà
vị ấy phải tiêu trừ.
Tuy nhiên, nhờ được giải thoát khỏi các
lậu hoặc gây nghiệp chướng, vị ấy không còn tiềm năng tạo nghiệp mới. Nội tâm
tràn đầy từ bi (mettà-karunà / anukampà) đối với muôn loài, nhưng lại buông xả
đối với bất cứ vật gì tác động đến bản thân, vị ấy chỉ còn chờ đợi Niết-bàn vô
dư y xuất hiện.
Trong Niết-bàn sau khi thân hoại với
ngũ uẩn đã tan rã, người giải thoát không còn”có thể được nhận thức” như một
cá nhân nữa, Niết-bàn này thông thường được gọi là Parinibbàna, “hoàn toàn
diệt tận”, hay viên tịch. Trong Kinh Ðiển nhiều lần vấn đề được nêu
lên là một vị giải thoát có tồn tại hay không tồn tại sau khi chết.
Câu giải đáp là “không có cũng không không”: một
vị đã đi vào trạng thái vượt ra khỏi vòng luân hồi (Samsàra) là trạng thái
mà mọi phạm trù tư duy và khả năng miêu tả của ta đều không thể đạt đến.
Trong một cuộc thảo luận với một du sĩ
khất thực của bộ tộc Vaccha (Vacchagotta), đức Phật bảo sự kiện ấy đối với một
người hoàn toàn được giải thoát cũng giống như đối với một ngọn lửa. Bao lâu lửa
còn cháy, ta biết nó tiêu thụ nhiên liệu gì, nhưng khi lửa đã tắt, không ai có
thể bảo ngọn lửa đã biến đi về hướng nào. Cũng vậy, đối với người đã đạt “hoàn toàn tịch
diệt”, thì nhiên liệu (tức Ngũ Uẩn)
đã được tiêu hủy hết, vì thế nên vị ấy “thật thâm áo, vô lượng, không thể dò tận đáy như đại
dương”.
Kinh Udàna (Cảm Hứng Ngữ) xem vần kệ sau
đây là do đức Phật thuyết:
Trên, dưới,
chung quanh, được tự do,
Không còn thấy
“ngã chính là ta”,
Trước chưa vượt
bộc lưu, nay vượt
Ðể chẳng tái
sanh tự bấy giờ.
Và trong Sutta Nipàta (Kinh Tập) đức
Phật dạy Upasìva:
Như ngọn lửa lụi
tàn vì sức gió
Ðến tận cùng.
Vượt hẳn mọi ngôn từ,
Bậc hiền nhân
an tịnh được tự do
Thoát Danh-Sắc
và tiến về mục đích,
Ðạt trạng thái
không lời nào giải thích.
Ðến bờ kia,
người uyên thâm vô lượng,
Không lời nào
đủ miêu tả vị này,
Khi các Hành
đã đoạn tận từ đây
Mọi đường lối
ngôn từ đành chấm dứt.
NHÂN DẠNG CỦA NGÀI
Kinh Ðiển Pàli có nhiều đoạn miêu tả đức
Phật do Bà-la-môn Sonadanta phát họa. Quả thật, trước kia vị Bà-la-môn chưa gặp
bậc Ðạo Sư vào thời điểm miêu tả này, vị ấy chỉ lập lại những gì đã được nghe,
nhưng sau đó vị ấy diện kiến ngài và nhận ra rằng điều này thật chính xác:
“Quả
thật Sa-môn Gotama diện mạo tuấn tú, khả ái, gợi niềm tin tưởng, đặc biệt có
làn da như màu hoa sen, màu da tương tự như Phạm thiên, rực rỡ như Phạm thiên.
Diện mạo ngài thật cao sang. Giọng nói ngài thanh lịch, ngôn từ ngài diễn đạt
cũng vậy, tao nhã, tế nhị, hùng hồn, trong sáng và chính xác”.
Làn da tươi sáng của đức Phật được nhiều
người đồng thời chú ý. Ngài thường được miêu tả “có màu da sáng như
vàng” và sau cuộc tranh luận sôi nổi với vị cư sĩ Ni-kiền-tử Saccaka
Aggivessana, vị ấy nhận xét rằng “màu da của Tôn giả Gotama vẫn giữ nguyên
vẻ trong sáng”.
Trong một xứ như Ấn Ðộ, nơi người ta chú
trọng đến màu da và da có màu “lúa vàng” được xem là dấu hiệu của cả giai cấp
thượng lưu (vanna: nghĩa đen: màu da) cùng với gia tộc cao sang, nhận xét này
có ý nghĩa không chỉ là ca ngợi diện mạo đức Phật mà còn tán tụng các tổ tiên của
ngài nữa.
Tuy nhiên không thể kết luận về nguồn gốc
gia tộc của đức Phật do màu da của ngài.
Dân chúng ở cộng hòa Sakiya một phần gốc
Ấn, đa số gốc Indo-Ariyan. Họ nhập cư từ miền Tây và Nam, và một phần gốc Mông
Cổ từ Bắc tràn xuống dọc theo các thung lũng bên bờ sông. Thời đức Phật có hai
sắc tộc, dân Ấn màu nâu và dân Mông Cổ vàng nâu, đã đồng hóa với nhau trong
lãnh thổ bộ tộc Sakiya này, vì thế có nhiều mẫu người tạp chủng và nhiều dân tộc
có đủ màu da phối hợp.
Một dấu hiệu cho thấy đức Phật có lẽ thuộc
về sắc tộc Ấn Ðộ hơn là sắc tộc Mông Cổ ở vùng Tuyết Sơn là chiều cao của ngài.
Dân tộc Mông Cổ thường mập lùn, thô kệch,
thấp hơn dân Ấn Ðộ, còn kinh sách ghi chép rằng đức Phật Gotama, ngay cả khi
đang du hành giữa đám dân chúng Ấn Ðộ ở miền Nam sông Hằng, cũng vẫn hiện rõ
dáng điệu oai nghi cao cả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét