Đức Phật nhập Niết bàn, nghệ thuật Gandhara |
SỰ PHÁT TRIỂN NHÂN CÁCH CỦA NGÀI
Nếu quốc vương Suddhodana ở Kapilavatthu
từng nuôi hy vọng rằng Thái tử của ngài sẽ trở thành một người cường tráng đầy
năng động, quan tâm đến thế sự và có tham vọng trị nước, thì ngài đã thất vọng.
Vì nam tử này chẳng hề bị lôi cuốn vào các trò tiêu khiển tập thể hay các buổi
huấn luyện quân sự, mà lại trở thành một người thích cô độc, với nhiều khuynh
hướng về suy luận triết lý và trầm tư mặc tưởng. Thay vì hưởng thụ mọi lạc thú
đúng với vị trí một hoàng tử, chàng lại phát triển các tiêu chuẩn của riêng
mình và bất mãn với thế gian vì phải chịu đựng những sự bất toàn hảo ở đời. Ðồng
thời, chàng lại trầm tư về cách làm thế nào chàng có thể vượt lên cảnh đời ấy
theo ý mình.
Tóm lại, theo ngôn từ tâm lý học, chàng
là mẫu người trí thức nhạy cảm, thường xuyên hướng nội. Chẳng có gì đáng ngạc
nhiên khi đời sống gia đình và hôn nhân không làm chàng thỏa mãn và chàng đã nắm
lấy cơ hội từ giã thế tục để thành Sa-môn khất sĩ.
Suốt bốn mươi lăm năm hoạt động hoằng
Pháp này, ta có thể quan sát đức Phật chuyển dịch giữa khuynh hướng thiên về nội
tâm và khuynh hướng ngoại giới.
Các thời kỳ thuyết Pháp thành công rực rỡ
khiến ngài du hành từ vùng dân cư đông đúc này đến vùng khác, có thể được phân
biệt rõ ràng với những thời kỳ ngài mệt mỏi vì quần chúng và tìm cách độc cư an
tịnh. Ngài thích du hành một mìnhKhi tuổi càng cao, các giai đoạn hướng nội tâm
của đức Phật càng kéo dài.
Về phương diện truyền bá Giáo Pháp, ngài
hài lòng với sứ mạng thành công của ngài và không còn cảm thấy nỗi phấn khởi của
người diễn thuyết khi thính chúng bám sát từng lời nói của mình và ngài chán
ngán danh vọng.
Mặc dù ở độ tuổi tám mươi ngài vẫn còn đầy
đủ trí lực và diễn thuyết hùng biện, các ảnh dụ của ngài đã thiếu vẻ tân kỳ và
màu sắc linh động, còn các bài giảng Pháp của ngài có phần nào lập lại theo
khuôn mẫu cũ. Như vậy, càng ngày ngài càng cảm thấy việc giáo huấn chư Tăng là
vừa đủ cho ngài, nên chỉ khuyên răn giới cư sĩ khi được yêu cầu.
Đức Phật vẫn luôn luôn nhận thức rõ vấn
đề sức khỏe, và ngài cũng tuân hành các giới luật của đời Sa-môn. Trong những
tháng nóng nhất cuối mùa hạ ở Ấn Ðộ, ngài cho phép mình ngủ trưa sau buổi thọ
thực và kiêng ăn buổi tối để “giữ gìn sức khỏe, tươi vui, khinh an, dõng lực
và sống dễ chịu”.
Một bài kinh tả cảnh đức Phật về già thường
ngồi ở tinh xá Ðông Viên sưởi ấm lưng trần dưới nắng chiều tà trong lúc thị giả
Ànanda vừa xoa bóp đôi chân gầy yếu của ngài vừa mải mê bàn luận về sự suy tàn
của thân thể lúc tuổi già. Chẳng bao lâu, trước khi viên tịch, bậc Ðạo Sư nhận
xét rằng thân ngài chỉ được duy trì sức sống nhờ chống đỡ bằng dây đai chằng chịt.
CÁCH ÐỨC PHẬT TỰ NHẬN XÉT MÌNH
Như đã nói ở trên, sự Giác Ngộ bừng lên
trong tâm vị vương tử Thích-ca ba mươi lăm tuổi này không chỉ là một hoạt động
của tri thức, mà còn là một chuyển biến về nhân cách nữa. Do Giác Ngộ, ngài cảm
nhận vô cùng sâu sắc rằng một bậc Giác Ngộ không còn thuộc vào một hạng người
nào trên thế gian này nữa, mà đúng hơn, ngài tượng trưng cho một loại hữu tình
đặc biệt (AN 4. 36):
“Ðừng xưng hô với ta (theo cách thân mật cũ) là ‘hiền giả’”, ngài
bảo các bạn đồng tu khổ hạnh ngày trước của ngài, khi ngài gặp chư vị sau thời
kỳ Giác Ngộ,”nay ta là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác”.
Ðặc biệt phi thường do quả Giác Ngộ, lại
có nguồn gốc quý tộc, học vấn xuất sắc và trí tuệ ưu việt, đức Phật thấy không
có lý do gì phải e ngại bất kỳ ai cả.
Với các đại vương và tiểu vương ở vùng
“Trung Nguyên”, ngài nói chuyện thẳng thắn, không có gì dè dặt, và đàm đạo bình
đẳng với các Bà-la-môn thông thái nhất thời ngài. Ðối trị với sự kiêu mạn của một
số Bà-la-môn đã có lần bày tỏ vẻ khinh bỉ một cách thô lỗ, ngài cương quyết
không chịu để cho họ xem ngài thấp kém hơn họ. Khi một trong số ấy trách ngài
không đảnh lễ các vị Bà-la-môn chuyên nghiệp cao sang, không đứng dậy chào họ
hoặc mời họ ngồi, bậc Ðạo Sư đáp lại rằng ngài không thấy có ai trên đời xứng
đáng để ngài tỏ ra tôn trọng như vậy. Ngài chỉ muốn phản bác lại những điều
tương tự như thế, chứ không có ý gì hơn. Ngài đã từng tuyên bố, “Một vị A-la-hán
không cảm thấy hơn hay kém bất cứ ai khác”.
Vì ngài phủ nhận sự hiện hữu của một bản
ngã, một cái Tuyệt Ðối, nên kinh nghiệm Giác Ngộ của ngài mang hình thức một
sự đột phá trong tri kiến, chứ không phải sự hòa nhập vào cái huyền bí (unio
mystica). Ðó chính là tuệ giác thấy rằng thế giới với tất cả khổ đau
(dukkha) có thể được nhiếp phục, và nhờ nỗ lực mỗi người, ta có thể chặt đứt
vòng luân hồi sanh tử (Samsàra).
Kinh nghiệm của ngài về cái siêu nhiên,
do đó ngài đạt địa vị cao quý ở đời, là sự chứng đắc giải thoát bằng
cách “dập tắt”, tịch diệt, Niết-bàn.
Bất cứ ai gặp ngài đều cảm thấy rằng người
này vẫn ở trong thế giới, nhưng không còn thuộc về thế
giới này nữa, và chính tuệ giác siêu phàm ấy đã khiến ngài không bị
nhiễm ô giữa thế giới hiện tượng luôn biến chuyển.
“Này các Tỳ-kheo, Như Lai (tức chính đức Phật) đã liễu ngộ thế
giới và đã giải thoát khỏi thế giới. Như Lai đã liễu ngộ nguồn gốc của thế giới
(và của khổ đau) và đã giải thoát khỏi thế giới.
Như Lai đã liễu ngộ sự đoạn tận thế giới và đã tự mình chứng đắc
sự đoạn tận ấy. Như Lai đã liễu ngộ và thuyết giảng con đường đưa đến sự đoạn tận
thế giới. Bất cứ những thứ gì trong thế giới từng được (do tri kiến giải thoát)
thấy, nghe, cảm nhận, thức tri, chứng đắc, tầm cầu, suy tư, tất cả những thứ ấy
đều được Như Lai liễu ngộ. Chính vì lý do này, ngài được gọi là Như Lai”. (giản lược)
“Này các Tỳ-kheo, ta không tranh chấp với đời, chính đời tranh
chấp với ta. Người Thuyết Pháp không tranh chấp với bất cứ ai giữa đời. Bất cứ
điều (kiến) gì được người hiền trí bác bỏ, ta cũng đều bác bỏ. Bất cứ điều (kiến)
gì được người hiền trí chấp nhận, ta cũng đều chấp nhận … Giống như một hoa sen
xanh hay trắng sinh ra trong nước, lớn lên trong nước (và vì có lớp màng phủ
bên ngoài) nên không bị nước làm ô nhiễm.
Cũng vậy, Như Lai đã sinh trưởng trong đời, đã vươn lên khỏi đời
và an trú không bị đời làm nhiễm ô”. (giản lược)
Thật không có một nhà huyền bí nào tự
miêu tả đặc tính của mình chính xác hơn thế nữa.
Lời đức Phật khẳng định rằng ngài chỉ
công nhận những quan điểm (kiến) nào được người hiền trí công nhận đáng cho ta
quan sát kỹ lưỡng. Lời ấy dựa trên niềm tin vững chắc rằng Giáo Pháp của
ngài không phải là thứ triết lý do suy tư tạo thành, mà phát xuất từ tuệ giác
thực chứng và tượng trưng chân lý khách quan. Ngài chắc chắn là bất cứ ai
thể nhập vào tri kiến uyên thâm về thế giới cũng sẽ xác nhận Pháp chính là thực
tại đơn thuần, không gì khác.
Với niềm xác tín như vậy, thật không lạ
gì khi ngài xem các quan điểm khác chỉ là tà kiến, hý luận vọng tưởng và nhận định
vô căn cứ.
Các vấn đề lý luận siêu hình như là thế
giới thường hằng hay vô thường, bản ngã (mà ngài đã bác bỏ sự hiện hữu) là gì
và có tồn tại sau khi chết không và tương lai sẽ ra sao…, tất cả những vấn đề
đó ngài đều bài bác như những điều vô ích. Chỉ một thứ tri kiến cần thiết: đó
là giải thoát tri kiến.
Những kẻ khác có thể đã công kích những
lý thuyết mà họ xem là sai lầm, và tranh luận với những ai giữ quan điểm ấy,
song đức Phật không làm như vậy, ngài có thái độ điển hình của nhà huyền bí
không “tranh
chấp với ai ở đời”:
Có người thường
nói với tâm sân,
Một số nói tâm
hướng thật chân,
Ðể mặc cho người
đời muốn nói,
Bậc hiền trí tịnh
chẳng quan tâm.
Bậc trí tịnh
tâm thấy khắp nơi
Không còn
thành kiến với người đời
Tử sinh, ngài
đoạn trừ si, mạn,
Không chấp thủ
gì, để ý ai.
Lắm kẻ bận tâm
chuyện thế gian
Người không vướng
bận, biết sao bàn?
Người không chấp
nhận, không bài bác,
Rũ sạch mọi
thiên kiến, chẳng màng.
Đức Phật cho các Tỳ-kheo cơ hội cuối
cùng để chất vấn ngài:
“Này các Tỳ-kheo, có thể là một vài Tỳ-kheo nghi ngờ hay phân
vân gì về Phật, Pháp, Tăng, hay (Bát Chánh) Ðạo, hay phương pháp thực hành (để
giải thoát). Vậy các Tỳ-kheo, hãy hỏi đi, kẻo ngày sau chư vị cảm thấy hối tiếc
vì nghĩ: “Chúng ta đã diện kiến bậc Ðạo Sư, tuy thế chúng ta đã không tự mình hỏi
Ngài”.
Song chư Tỳ-kheo giữ im lặng. Sau đó đức
Phật lại cho chư vị một dịp may cuối cùng: nếu chư vị không dám hỏi vì
kính trọng ngài, thì chư vị hãy hỏi qua một bạn đồng tu. Một lần nữa chư vị
Tỳ-kheo lại giữ im lặng. Không có điểm gì không sáng tỏ ở bất cứ nơi nào cả.
Ðêm đã khuya lắm rồi. Cảnh vật hoàn toàn
tĩnh mịch trong rừng Sàla khi bậc Ðạo Sư sắp mệnh chung nhắn nhủ chư Tỳ-kheo một
lần nữa:
“Này các Tỳ-kheo, ta khuyên bảo chư vị: Các pháp hữu vi (các
hành: sankhàra) đều vô thường, chịu biến hoại. Hãy nỗ lực tinh tấn (để đạt giải
thoát)!”.
Ðây là những lời cuối cùng của đức Phật.
Sau đó ngài lịm dần vào trạng thái bất động mà tôn giả Anuruddha tuyên bố với
các Tỳ-kheo là thiền định, và rồi không còn hồi tỉnh nữa, bậc Ðạo Sư tám mươi
tuổi đã đắc Niết-bàn vô dư y, một trạng thái giải thoát khổ đau sau khi xả báo
thân. Ða số sử gia ở Ấn Ðộ ghi sự kiện này vào năm 483 trước CN.
LỄ TRÀ - TỲ (HỎA TÁNG)
Giữa mọi người, bình tĩnh nhất là tôn giả
Anuruddha, em họ của đức Phật và là anh khác mẹ với tôn giả Ànanda, vị ấy vừa
an ủi chư Tỳ-kheo, trong đó có một số vị khóc than, vừa nhắc lại những lời dạy
của bậc Ðạo Sư đã diệt độ về tính chất vô thường của vạn pháp. Ðến gần sáng, vị
ấy bảo tôn giả Ànanda đi vào thành Kusinàrà báo tin đức Như Lai diệt độ cho thị
dân. Trưởng lão Ànanda bao giờ cũng sẵn sàng thi hành sứ mạng này. Tôn giả tường
thuật sự kiện bậc Ðạo Sư diệt độ trong hội trường, nơi bộ tộc Malla đang tập họp.
Lập tức hội chúng ra lệnh cử hành lễ hỏa táng.
Trong lúc ấy Trưởng lão Mahàkassapa (Ðại-Ca-diếp)
đang trên đường đi đến Kusinàrà với một hội chúng Tỳ-kheo, chắc hẳn với ý định
an cư mùa mưa sắp tới ở Sàvatthi. Sau khi hai tôn giả Sàriputta và Moggallàna tịch
diệt, tôn giả Mahàkassapa là vị Tỳ-kheo xuất sắc nhất trong Giáo hội, và nếu
trước kia đức Phật chỉ định người thừa kế, có lẽ ngài đã lựa chọn vị này. Ðó là
một vị Bà-la-môn gốc ở làng Mahàtittha trong quốc độ Magadha. Nhiều năm trước
kia, đức Phật đã đích thân mời vị ấy gia nhập Tăng đoàn khi hai vị hội ngộ ở
khoảng đường giữa Ràjagaha và Nàlanđà.
Trong vòng một tuần sau đó, Tỳ-kheo
Kassapa đã đắc tối thắng trí và như vậy trở thành một vị A-la-hán. Tôn giả
Mahàkassapa tự hào được mang ngoại y (Tăng-già-lê) bằng gai thô đã rách nát của
bậc Ðạo Sư. Thật ra vinh dự này của vị ấy chỉ do tình cờ. Một hôm bậc Giác Ngộ
muốn ngồi nghỉ dưới gốc cây sau chuyến du hành, tôn giả Kassapa đã xếp tấm ngoại
y của mình và mời bậc Ðạo Sư ngồi lên.
Ðức Phật chấp thuận, và đang lúc ngài cảm
thấy đau lưng nên nhận ra rằng chiếc y này đặc biệt êm dịu. Vì thế tôn giả
Kassapa dâng ngài tấm y ấy và đổi lại, đã nhận chiếc phấn tảo y rách nát không
còn mặc được của bậc Ðạo Sư. Căn cứ vào việc này, vị ấy tự xưng mình
là “con đích thực của đức Thế Tôn, được sinh ra từ miệng ngài”, tức
là người xứng đáng với những nhiệm vụ đặc biệt.
Ðức Phật lúc nào cũng hết sức tín nhiệm
tôn giả Kassapa, ngài đã đến thăm khi vị ấy mắc bệnh nặng, và trước các Tỳ-kheo
trẻ hơn, ngài vẫn ca ngợi tôn giả là một Tỳ-kheo sống đời gương mẫu và thiểu dục
tri túc.
Tuy nhiên đồng thời, không phải ngài
không hiểu rõ tính tình khó khăn của tôn giả Kassapa, và cách tôn giả này yêu cầu
sự rèn luyện bản thân tối đa từ phía các Tỳ-kheo trẻ mà không phải bao giờ cũng
tỏ ra thông cảm đầy đủ hoặc chiếu cố khoan dung.
Tôn giả Mahàkassapa này cùng với một số
Tỳ-kheo đang đi trên đường từ Pàvà đến Kusinàrà và đang ngồi nghỉ dưới một gốc
cây thì một du sĩ phái Àjìvika vừa đi tới. Cuộc đàm thoại sau đây diễn ra:
Tỳ-kheo Mahàkassapa:
Này hiền giả, hiền giả có biết bậc Ðạo Sư của chúng tôi không?
Du sĩ Àjìvika:
Dĩ nhiên tôi biết. Sa-môn Gotama đã đắc Niết-bàn tối hậu cách
đây một tuần.
Ðây là một tin buồn mà chỉ những Tỳ-kheo
đạt trí tuệ cao thâm mới có thể chấp nhận một cách bình thản, còn lại tất cả đều
khóc than.
Ngoại trừ Tỳ-kheo Subhadda – ta không
nên lẫn lộn với Sa-di Subhadda trùng tên, người vừa được đức Phật cho phép xuất
gia ngay đêm ngài sắp tịch diệt – Tỳ-kheo Subhadda này, trước kia là thợ hớt
tóc ở làng Àtumà, chỉ vừa mới xuất gia lúc tuổi đã cao, liền tuyên bố:
“Thôi
đủ rồi, các hiền giả, đừng than khóc bi ai. Chúng ta được hoàn toàn thoát khỏi
vị Ðại Sa-môn. Trước kia chúng ta luôn bị phiền nhiễu vì lời nói của ngài: “Chư
vị được phép làm việc này. Chư vị không được phép làm việc kia!”. Nay chúng ta
có thể làm gì chúng ta thích và không làm những gì chúng ta không thích!”.
Tôn giả Mahàkassapa không đáp lại những
lời này, song chẳng bao lâu đã có lý do để nhớ lại chúng. Lập tức tôn giả vội
vàng đi ngay cùng chư Tăng đến Kusinàrà tận địa điểm hỏa táng vừa kịp nhận thấy
giàn hỏa thiêu di hài đức Phật chưa được châm lửa. Số lượng củi gỗ được thâu
góp về đây rõ ràng quá ít ỏi vì sự thật cho thấy là đôi chân di hài đã được quấn
vải kín vẫn còn lộ ra.
Sau khi tôn giả Mahàkassapa cùng các Tỳ-kheo
kia đã đi nhiễu quanh di hài ba lần về phía hữu (theo hướng kim đồng hồ) và đã
chắp tay cúi đầu đảnh lễ xong, giàn hỏa bắt đầu được châm lửa. Khi giàn hỏa đã
cháy hết hoàn toàn, đám tro được dập tắt với nước lạnh.
Di hài của đức Phật chỉ còn lại một ít
xương xá-lợi, xương được đặt vào một bình đất tại địa điểm hỏa táng và các người
Malla đánh dấu chỗ này bằng cách cắm các cây thương (dáo) xuống mặt đất chung
quanh.
Hình như bộ tộc Malla ở Kusinàrà không hề
nghĩ rằng các bộ tộc khác có thể đòi quyền hưởng xá-lợi của đức Phật. Vì thế họ
rất kinh ngạc khi sứ giả từ khắp mọi phương dồn dập đến Kusinàrà yêu cầu được
chia một phần xá-lợi Phật.
Ban đầu họ không muốn nhượng bớt đi bất
cứ phần nào xá-lợi, nhưng cuối cùng phải nghe theo lời khuyên nhủ của vị
Bà-la-môn Dona đảm trách lễ hỏa táng, vị này nêu rõ một thái độ ích kỷ hẹp hòi
đối với xá-lợi sẽ dẫn đến tranh chấp bất ổn, ngoài việc trái với lời dạy của bậc
Ðạo Sư vừa quá cố, người trước kia bao giờ cũng ủng hộ hòa bình.
Vì vậy, Bà-la-môn Dona chia xá-lợi thành
tám phần đều nhau, mỗi phần đó đưa về:
Ðại Vương Ajàtasattu nước Magadha ở Ràjagaha.
Bộ tộc Licchavì ở Vesàli.
Bộ tộc Sakiya ở (Tân) Kapilavatthu.
Bộ tộc Bulì ở Allakappa.
Bộ tộc Koliya ở Ràmagàma.
Một Bà-la-môn ở Vethadìpa.
Bộ tộc Malla ở Pava.
Bộ tộc Malla ở Kusinàrà giữ phần thứ tám.
Khi xá-lợi đã được chia như vậy xong thì
một sứ giả từ bộ tộc Moriya ở Pipphalivana đến đòi chia phần. Vị ấy đành phải
chịu nhận một ít tro ở giàn hỏa. Còn Bà-la-môn Dona giữ lấy cho mình cái bình đất
đã đựng xá-lợi sau khi hỏa thiêu và được dùng để chia phần. Tất cả mười bình
xá-lợi hay kỷ vật ấy đều được tôn thờ trong mười ngôi tháp.Cho đến nay, hai
bình trong số ấy đã được khám phá và được các nhà khảo cổ quan sát.
Chiếc bình nhỏ hình cầu với lời ghi chú
của người mộ đạo trên nắp mà ngày xưa bộ tộc Sakiya làm lễ nhập tháp ở địa điểm
nay là vùng Pipràvà (Kapilavatthu II) được đặt trong Bảo tàng Quốc gia Ấn Ðộ ở
Calcutta, nhưng không có tro, vì tro này đã được đem tặng nhà vua Xiêm (Thái
Lan) nhiều thập niên trước. Còn chiếc bình đậy kín mà người Licchavì đã bảo tồn
phần xá-lợi dành cho họ được đào lên tại Vesàli năm 1958. Bình này chứa phần di
cốt tro cùng nhiều vật khác và ngày nay thuộc quyền giám hộ của Ban Khảo cổ và
Bảo tàng Chính phủ Quốc gia Bihàr ở Patna.
CÁC HỘI NGHỊ KIẾT TẬP
VÀ KINH ÐIỂN
Giàn hỏa táng đức Phật vừa được dập tắt
thì chư Tỳ-kheo bắt đầu tự hỏi: làm gì bây giờ? Trưởng lão Mahàkassapa đặc biệt
quan tâm việc này, vì lời nhận xét của Tỳ-kheo Subhadda hình như cứ văng vẳng
bên tai tôn giả rằng sau khi bậc Ðại Sa-môn diệt độ, chư Tăng có thể làm gì tùy
thích.
Vì vậy, tôn giả liền triệu tập Tăng
chúng lại và bảo “Chư Tôn giả, chúng ta hãy cùng đọc lại Pháp và Luật với
mục đích không để cho tà giáo nào hay tà giới nào lọt vào, và không để một nhóm
người tà kiến nào lớn mạnh trong khi các bậc đa văn thông tuệ lại suy yếu”. (giản
lược).
Ý tưởng tập họp một hội đồng (sangiti)
và cách trình bày phương pháp làm việc đã được chính đức Phật ban bố khi ngài
có lần diễn tả cho Sa-di Cunda biết phương pháp tự trị tập thể của Giáo hội.
“Này Cunda, chư vị đã được ta thuyết giảng Giáo Pháp mà ta chứng
ngộ, chư vị phải tập họp nhau lại và cùng nhau tụng đọc Giáo Pháp mà không
tranh cãi, hãy so sánh từng ý nghĩa và từng văn cú với nhau để cho Giáo Pháp
thanh tịnh này được tồn tại lâu dài vì lợi ích và an lạc của quần sanh, vì lòng
từ mẫn đối với đời, vì lợi ích, an lạc và hạnh phúc của chư Thiên và nhân loại”.
Chư Tăng lập tức đồng ý với đề nghị của
Trưởng lão Mahàkassapa triệu tập một hội đồng. Chư vị thỉnh cầu tôn giả chọn
các thành viên tham dự nhưng không được bỏ sót tôn giả Ànanda. Dù vẫn còn là vị
hữu học, tôn giả đã chứng nhập lưu đạo, do đó vị ấy không thể đọa lạc và trước
kia đã đạt tri kiến uyên thâm về Pháp và Luật dưới sự hướng dẫn của đức Phật. Theo
các bộ Luận thư, hội nghị kiết tập Kinh Ðiển của năm trăm Tỳ-kheo đã diễn ra tại
Ðộng Sattapanni dưới Ðỉnh Vebhàra (nay là Vaibharà) ngọn núi ở cực tây bắc của
dãy núi đồi bao quanh Ràjagaha.
Lời trần thuật này không được ghi lại ở
đâu trong Kinh Tạng cả. Nếu điều ấy đúng sự thực, thì nó lại làm phát sinh các
mối hoài nghi về số lượng thành phần tham dự (con số ấy dẫu sao vẫn không được
xem là chính xác), bởi vì năm trăm Tỳ-kheo không thể nào có đủ chỗ cư trú dù ở
trong động hay phía trước động cũng vậy.
Suốt thời gian bảy tháng tiếp theo sau
đó, tôn giả Mahàkassapa chất vấn Tỳ-kheo Upàli về Luật của Giáo hội (Vinaya) và
Tỳ-kheo Ànanda về Kinh hay Pháp thoại của đức Phật (sutta). Nếu hội đồng giữ im
lặng, lời dạy của bậc Ðạo Sư do Tỳ-kheo Upàli hay Ànanda truyền đạt đều được
xem là được tường thuật chính xác và như vậy là được công nhận làm thánh điển.
Mỗi Tỳ-kheo hiện diện đều được khuyến khích nêu các điểm vấn nạn hay bổ sung, hoặc
tuyên bố những lời phát biểu của đức Phật mà vị ấy nhớ rõ, để ghi thêm vào.
Thánh điển được thiết lập như vậy không
phải viết thành văn mà là ghi vào tâm trí.
Ở cổ Ấn Ðộ, viết văn bản chỉ được dùng
cho các khế ước hay hợp đồng trước luật pháp, nghĩa là các tài liệu tương đối
ngắn hạn không được xem là đáng ghi nhớ trong tâm trí. Còn những kinh văn có mục
đích thành đạt sự thông hiểu am tường đời sống đều được học thuộc lòng để có thể
tụng niệm bất cứ lúc nào. Chúng được lưu truyền mãi cho các thế hệ Tỳ-kheo trẻ
hơn bằng cách truyền tụng và lập lại thường xuyên.
Ngôn ngữ được hội đồng kiết tập Ràjagaha
sử dụng để ghi lời thuyết giảng của đức Phật thành Thánh điển là tiếng Pàli, một
hình thức cao cấp tiến bộ của ngôn ngữ Magadhì, vừa tránh dùng các thổ ngữ địa
phương, vưà có phần từ vựng được làm cho phong phú nhờ các cách diễn tả vay mượn
từ các ngôn ngữ Ấn Ðộ có liên hệ.
Pàli được công nhận là ngôn ngữ chung
(lingua franca) vượt lên mọi địa phương, chỉ được giới trí thức nói thời ấy,
song giới bình dân cũng hiểu biết. Các quốc vương ở Bắc Ấn sử dụng Pàli làm
ngôn ngữ trong giới chánh quyền giữa các triều đình, vì thế, thái tử Siddhattha
Gotama đã quen thuộc ngôn ngữ này từ thời niên thiếu, còn hai tôn giả Upàli và
Ànanda cũng có thể đã nói thứ tiếng này lưu loát.
Nếu Hội Ðồng Kiết Tập Ðầu Tiên thấy phận
sự của mình là thiết lập Giáo Pháp của đức Phật một cách trung thực và hệ thống
hóa Kinh Ðiển cho Giáo hội tương lai, thì Hội Ðồng Thứ Hai đã gạn lọc – hay
đúng hơn “đã lắng nghe” khối lượng Kinh Ðiển vĩ đại này theo đúng một số nguyên
tắc biên tập.
Mặc dù có lời đức Phật khẳng định: “Không ai biết mọi
việc”, hội đồng vẫn quan tâm mong
muốn chứng minh Nhất Thiết Trí của đức Phật, sự toàn tri kiến mà theo quan điểm
của chư vị, ngài đã đạt được ngay lúc Giác Ngộ (Bodhi) khiến ngài trở thành đức
Phật.
Bởi thế, chư vị nỗ lực cắt bỏ từ tạng
Kinh Ðiển nguyên thủy mọi sự liên quan đến bất cứ kết luận và sự công nhận nào
thuộc về thời kỳ sau của bậc Ðạo Sư; đồng thời cố tìm cách làm cho những lời
ngài xác nhận ở các giai đoạn đầu tiên và các giai đoạn về sau của đời ngài phù
hợp nhau.
Hội Ðồng Kiết Tập Thứ Ba được tổ chức tại
Pàtaliputta (nay là Patna) vào năm 253 trước CN dưới sự bảo trợ của vị Ðại Ðế
Phật tử của Ấn Ðộ, Asoka Moriya (Skt. Asoka Maurya). Hội đồng này gồm cả ngàn Tỳ-kheo
do Trưởng lão Moggaliputta Tissa chủ tọa. Trong chín tháng làm việc, hội đồng một
lần nữa lại tổng duyệt Kinh Ðiển của Thượng Tọa Bộ và thêm vào hai tạng Kinh và
Luật hiện hành một tác phẩm thứ ba có tính chất lý luận học thuật.
Cùng với sự bổ sung một số tác phẩm mang
tính học thuật khác nữa trong vòng hai thế kỷ kế tiếp đó, cuối cùng xuất hiện một
bộ sách thứ ba được mệnh danh Luận A-tỳ-đàm hay Thắng Pháp (Abhdhamma). Ba bộ
thánh điển được đặt tên là “tạng” hay giỏ (pitaka), và vì thế Kinh Ðiển Pàli
thường được gọi là Tam Tạng (Tipitaka).Chính nhờ sự nghiệp hoằng Pháp thành
công viên mãn của Ðại Ðế Asoka (vị vua ngự trị độc tôn từ 269 – 232 trước CN),
mà Tam Tạng Pàli được bảo tồn cho đến thời đại chúng ta.
Trích
lược từ tác phẩm: Đức Phật lịch sử, tác giả H.W.
Schumannm (1982),
Nguyên
Tâm Trần Phương Lan dịch tiếng Việt (1997)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét