Đức Phật được điêu khắc tại Gandhara, Parkistan |
Đức Phật trong lịch sử
(Phần
VI)
THÀNH LẬP GIÁO HỘI TỲ-KHEO-NI
Người ta phỏng đoán là trong lúc đức Phật
vẫn còn ở Vesàli, ngài nghe tin phụ vương Suddhodana sắp lâm chung tại
Kapilavatthu. Ðể kịp gặp vua cha trước khi từ trần, bậc Ðạo Sư đã du hành qua
không gian đến kinh thành này vừa kịp để thuyết giảng một bài kinh cho phụ vương
Suddhodana, nhờ đó nhà vua đắc quả Giác Ngộ và có thể nhập Niết-bàn lúc mệnh
chung. Ðó là câu chuyện thần thoại theo ý một luận sư.
Sự thật trong sử ký là vua Suddhodana từ
trần vào cuối năm 524 trước CN, còn đức Phật về thăm quê hương lần nữa vào năm
523, lúc ấy vua Suddhodana đã được hỏa táng từ lâu, và một vị quốc vương mới đã
được bầu lên cai trị. Ta không đọc được nơi nào trong Kinh Tạng bảo vị tân
vương này thuộc về dòng họ Gotama cả.
Có lẽ vào dịp viếng thành Kapilavatthu lần
thứ hai này đức Phật làm người trung gian hòa giải cuộc xung đột về việc sử dụng
nguồn nước sông Rohinì. Sông Rohinì (nay là Rowai) làm biên giới giữa cộng hòa
Sakya và lãnh thổ bộ tộc Koliya, đã được ngăn bằng con đập do hai bộ tộc này
cùng xây từ đó họ kéo nước đổ vào đồng ruộng.
Vào khoảng tháng Năm – Sáu năm 523, mực
nước thấp đến độ chỉ đủ đưa vào một bên bờ này hoặc bờ kia, nên cuộc tranh cãi
bùng ra giữa nông dân hai bộ tộc Sakiya và Koliya. Những lời lẽ mạ lỵ được hai
bên tung vào nhau và một cuộc xung đột – Kinh Ðiển gọi đó là một chiến tranh –
hình như không tránh khỏi.
Lúc ấy đức Phật đương giữa hai trận tuyến
như người trung gian hòa giải. Uy danh của ngài là bậc Giác Ngộ, địa vị ngài là
người thân tín của vua Pasenadi, vị Ðại Vương mà cả hai bộ tộc đều làm chư hầu,
cùng biện tài của ngài đã tạo nên phép thần kỳ hy hữu ít ai ngờ được. Bằng cách
nêu lý luận rằng nước sông không giá trị bằng nhân mạng, ngài đã ngăn chận
thành công sự đổ máu và xoa dịu những người tranh cãi đầy cuồng nộ ấy.
Trong dịp đức Phật về thăm Kapilavatthu
lần này, kế mẫu của ngài là bà Mahàpajàpati đến gần ngài với một đề nghị mà
ngài thấy không thể chấp nhận được và hết sức phiền toái. Do việc xuất gia của
thái tử Siddhattha, vương tôn Ràhula và vương tử Nanda, bà không còn ai để săn
sóc trừ công chúa Sundarìnanda, con gái bà; hơn nữa, sau khi vua Suddhodana từ
trần bà không còn phận sự gia đình, vì vậy tuổi hạc đã cao, bà trở về với đạo
giáo.
Một hôm bà tìm thấy đức Phật ở
Nigrodhàràma (Ni-câu-luật Viên: Rừng Cây Ða) ngoại kinh thành, bà liền thưa: “Nếu
nữ giới cũng được xuất gia sống không gia đình (làm Tỳ-kheo-ni) trong Giáo Pháp
của Thế Tôn thì thật hạnh phúc thay!”. Ðức Phật tránh né và phủ nhận, thậm
chí giữ nguyên lời chối từ khi bà Mahàpajàpati lập lại lời thỉnh cầu đến ba lần.
Bật khóc khi nghe lời chối từ này, mà bà tưởng là vong ân bạc nghĩa, bà quay trở
về thành Kapilavatthu.
Ít lâu sau, đức Phật rời quê nhà và dần
dần đến thủ đô Vesali của người Licchavi, nơi ấy ngài được an cư trong Sảnh Ðường
Có Nóc Nhọn như năm trước. Cùng lúc ấy, bà Mahàpajàpati lại cố thu hết can đảm
một lần nữa, cắt tóc và đắp y vàng như một Tỳ-kheo, rồi được một số nữ nhân
dòng Sakiya hộ tống, bà đi theo đức Phật suốt cuộc du hành này. Với đôi chân
sưng phồng và đất bụi bám đầy, bà đến Vesàli, tại đó, tôn giả Ànanda thấy bà
đang tiến lại gần Sảnh Ðường Có Nóc Nhọn. Bà vừa khóc vừa kể cho tôn giả nghe ý
nguyện của bà là xin bậc Ðạo Sư cho phép thành lập Giáo hội Tỳ-kheo-ni.
Có lẽ bà không thể nào tìm được một nhà
biện luận nào tài tình hơn nữa.
Tôn giả Ànanda động lòng chuyển ý nguyện
tha thiết nhất của bà Mahàpajàpati lên đức Phật, ngài lại từ chối. Vì vậy tôn
giả Ànanda bắt đầu biện hộ cho trường hợp này:
—“Bạch Thế Tôn, nữ giới xuất gia sống không gia đình trong Pháp
và Luật của Thế Tôn, có khả năng chứng đắc quả vị Giác Ngộ được chăng?
— Này Ànanda, có thể được.
— Bạch Thế Tôn, vì nữ giới có khả năng về việc này, và vì hoàng
hậu Mahàpajàpati Gotamì đã có công lớn đối với Thế Tôn, vừa là di mẫu của Thế
Tôn, vừa là kế mẫu, nhũ mẫu bảo vệ Thế Tôn, vì chính lý do này nên Thế Tôn cho
phép nữ giới xuất gia sống không gia đình trong Pháp và Luật của Thế Tôn thật hạnh
phúc thay!
— Này Ànanda, nếu mẫu hậu Mahàpajàpati cam kết tuân theo Tám Trọng
Giới này thì hãy xem đây là lễ thọ giới của bà”.
(giản
lược)
Rồi ngài nêu Tám Trọng Giới, tất cả đều
nhằm mục đích làm cho Ni chúng (Bhikkhunì) phục tòng Tăng chúng. Ngay cả một Tỳ-kheo-ni
đại trưởng lão cũng ở địa vị thấp hơn một tiểu tăng mới thọ giới và phải cung
kính đảnh lễ vị ấy. Khi nghe tôn giả Ànanda nói Tám Trọng Giới này, bà
Mahàpajàpati chấp nhận mọi điều kiện trên và như vậy bà được thọ giới làm Tỳ-kheo-ni
đầu tiên của Giáo hội Phật giáo.
Ðức Phật đã không đồng ý thành lập Giáo
Hội Tỳ-kheo-ni; cũng chỉ vì bổn phận đạo lý buộc ngài hoàn thành ước nguyện của
bà kế mẫu mà bỏ qua lời chối từ ban đầu. Những điều ngài suy nghĩ về Giáo Hội Tỳ-kheo-ni
biểu lộ qua lời ngài nói với tôn giả Ànanda khi vị này trình ngài việc bà
Mahàpajàpati chấp nhận Bát Kính Pháp:
“Này Ànanda, nếu nữ giới không được phép xuất gia sống không gia
đình trong Pháp và Luật này, đời Phạm hạnh có thể tồn tại lâu dài, Chánh Pháp
có thể tồn tại một ngàn năm. Nhưng nay vì nữ giới đã được xuất gia, đời Phạm hạnh
sẽ không tồn tại lâu dài, và Chánh Pháp sẽ chỉ tồn tại năm trăm năm.
Giống như những gia đình nào có nhiều phụ nữ và ít nam nhân dễ
trở thành mồi ngon cho bọn đạo tặc cướp tài sản, cũng vậy là Giáo hội có nữ giới
được phép xuất gia.
Giống như một ruộng lúa chín có bệnh dịch trắng như xương và ruộng
mía chín bị bệnh rỉ sét đỏ phải tàn tạ, cũng vậy là Giáo hội có nữ giới được
phép xuất gia. Giống như một người xây con đê làm hồ chứa nước, để cho nước
không tràn qua bờ được, cũng vậy, này Ànanda, ta đã ban hành Bát Kính Pháp này
cho các Tỳ-kheo-ni”.
Song mọi việc đã hóa ra tốt đẹp hơn bậc
Ðạo Sư tiên đoán. Quả thật Hội chúng Tỳ-kheo-ni đã suy tàn vào thế kỷ mười hai,
còn Giáo Pháp và Hội chúng Tỳ-kheo đã sống lâu hơn nhiều lần khoảng thời gian
năm trăm năm được tiên đoán ấy và vẫn tồn tại vững mạnh đến ngày nay.
NHỮNG VẤN ÐỀ LIÊN HỆ ÐẾN KOSAMBÌ
Các Ðại Vương nước Magadha và Kosala, những
nhà cai trị hùng cường nhất đương thời, đều là thân hữu của đức Phật Gotama và
con số tín đồ của ngài đã lên đến vài ngàn người. Ngài cảm thấy thời cơ đã thuận
lợi để thiết lập quan hệ với vua Udena ngự tại Kosambì (Kiều-thưởng-di) đang
cai trị vương quốc Vamsà ở giữa sông Hằng và sông Yamunà (Diệm-mâu-na).
Ðức Phật đã nghe nhiều người nói nên biết
rõ vị vua này: ngài đã an cư mùa mưa 521 trước CN tại Sumsumàragiri (Núi Cá Sấu),
quê hương của bộ tộc Bhagga thuộc vương quốc vua Udena và ngài biết thủ đô của
Vamsà ở Kosambì (khoảng 55km về phía tây nam Allahabàd ngày nay) do nhiều chuyến
du hành. Nhờ sự hào hiệp của một số thương nhân từ Kosambì đã đi nghe bậc Ðạo
Sư thuyết Pháp tại Sàvatthi và đã dành các lâm viên để ngài sử dụng ở tỉnh nhà,
nên Tăng chúng có nơi cư trú ổn định và số môn đồ đông đảo ở Kosambì.
Ðặc biệt nhất là tinh xá Lâm Viên của
trưởng giả Ghosita (Cù-sư-la), vị đệ nhất phú gia ở Kosambì vừa là chủ tịch
nghiệp đoàn vừa là chủ ngân khố hoàng gia, bấy giờ đã phát triển thành một
trung tâm tu học rất hoạt động. Như vậy địa thế đã có vẻ sẵn sàng để việc truyền
giáo mở rộng và vì vậy đức Phật lại đến Kosambì một lần nữa vào năm 520 để giáo
giới chư Tăng suốt mùa mưa ấy và cũng để thuyết phục vua Udena theo Giáo Pháp.
Lần thử nghiệm ấy đã thất bại. Nhà vua
Vamsà là người có đầu óc thế tục nên không buồn chất vấn về những gì xảy ra sau
thời hiện tại này và nhà vua tránh gặp bậc đại Ðạo Sư. Nhà vua đã chán ngán những
tranh luận về tôn giáo giữa các vương hậu của ông là Sàmàvati và Màgandiyà, một
quý phi ông vừa mới rước về. Khi tuổi càng cao, vua Udena càng trở nên
khoan dung hơn đối với đạo Phật, có lẽ vì lý do chính trị, bởi Giáo Pháp đến thời
này đã biến thành một yếu tố chính trị ngay trong vương quốc Vamsà, và có lẽ vì
chính Bồ Ðề Vương tử (Bodhi rajà) con ruột ông cũng đã trở thành người hộ trì đức
Phật
Rất lâu về sau, khi đức Phật đã diệt độ,
vua Udena cho phép các phi tần được nghe Giáo Pháp do Trưởng lão Ànanda thuyết
giảng tại ngự viên Udaka. Nhưng khi họ tâu trình ông số y phục mà họ đã cúng dường
vị tôn giả này, ông lại bực mình. Ông băn khoăn tự hỏi phải chăng tôn giả
Ànanda có ý muốn bắt đầu toan tính việc hưởng vật chất, và mặc dù đã cao tuổi,
ông cũng không quản ngại nỗi nhọc nhằn phải ngự ra khỏi cung để đối chất với vị
Tỳ-kheo này.
Khi đức Phật Gotama đến Kosambì năm 520
trước CN, mọi việc kể trên đều nằm trong tương lai. Tuy thế, sự thờ ơ của nhà
vua đối với Tăng chúng thật rõ ràng và ông tỏ ra thiếu tin tưởng về đạo hạnh thấp
kém của số Tỳ-kheo ở địa phương ấy. Ðức Phật đã phải ngượng mặt biết bao khi thấy
Tỳ-kheo Sàgata nằm say bí tỉ trước cổng thành Kosambì! Lúc đi khất thực, vị này
đã uống ở mỗi nhà một chén nhỏ rượu dừa.
Quả thật cảnh tượng chẳng vinh quang
chút nào khi các Tỳ-kheo phải khiêng bạn đồng đạo say mèm trở về tinh xá, và chắc
chắn là kèm theo những lời bình phẩm châm biếm từ đám thị dân. Sự kiện này tạo
cơ hội cho đức Phật ban hành lệnh cấm Tăng chúng uống rượu. Sau đó ngài ra điều
luật hễ Sa-di nào bị phát giác uống rượu sẽ bị bác bỏ quyền thọ cụ túc giới.
CHIA RẼ ĐẦU TIÊN TRONG GIÁO HỘI
Nếu ngày nay ta phải tin theo Luận tạng,
thì được biết chính cái ghè nước rửa tại nhà vệ sinh – ở Á Châu, nước được dùng
vào mục đích giống như ta dùng giấy ngày nay– đã suýt gây chia rẽ trong
Giáo hội.
Một Tỳ-kheo ở tinh xá Ghosita tại
Kosambì đã để lại cái ghè bên ngoài nhà vệ sinh tập thể mà không đổ hết phần nước
còn sót trong ghè, đó là một lỗi lầm vi phạm phép vệ sinh chung. Luật tạng kể
tiếp phần sau của câu chuyện này. Vị Tỳ-kheo sơ ý ấy, khi bị một vị đồng Phạm hạnh
khiển trách, đã tuyên bố rằng vị ấy không xem việc bất cẩn của mình là phạm giới.
Hội đồng Tăng chúng họp lại giải quyết vấn đề này nhận thấy vị ấy can tội bất cẩn
và tạm đình chỉ việc tu tập.
Nhưng vị Tỳ-kheo bị xử kỷ luật kia lại
có nhiều thân hữu và đồ đệ trong đám Tăng chúng địa phương ủng hộ – và thế là
có hai nhóm Tỳ-kheo chủ trương hai quan điểm khác nhau về tính cách hợp pháp của
lệnh tạm đình chỉ tu tập kia. Sự việc đến tình trạng này được trình lên bậc Ðạo
Sư.Trong lúc ấy, hai nhóm Tỳ-kheo đã công khai xung đột nhau và thậm chí đánh
nhau trước mặt đám cư sĩ tại gia. Ðức Phật phải khẩn thiết kêu gọi Tăng chúng:
“Này các Tỳ-kheo, nếu một Giáo Hội chia rẽ (trong quan điểm) nếu
Giáo Hội ấy không cư xử đúng theo giới luật, nếu có chuyện bất hòa, chư vị phải
ngồi xuống họp lại và cùng suy xét: dẫu sao tối thiểu chúng ta cũng cương quyết
không đối xử bất xứng với nhau trong hành động và ngôn ngữ – Chúng ta cương quyết
không gây sự đánh nhau!”.
Lời khuyến cáo này chỉ đủ công hiệu để
việc đấm đá thô bạo chấm dứt, song những lời tranh cãi vẫn tiếp tục không ngừng.
Một thời gian sau, đức Phật được một trong các vị Tỳ-kheo ôn hòa thỉnh cầu xoa
dịu nhóm Tỳ-kheo đang tranh cãi về vấn đề giới luật ấy thêm một lần nữa.
Thấy rằng không thể nào thuyết phục cho
đám này biết cư xử hợp lẽ phải, đức Phật cắt ngang mọi người:
“Thôi đủ rồi, này các Tỳ-kheo, không được đấu tranh, không khẩu
tranh, không cạnh tranh, không luận tranh gì nữa cả!”.
Song các Tỳ-kheo ấy đang cuồng nộ đến nỗi
lệnh của đức Phật cũng thành vô hiệu lực. Một vị trong đám nọ còn la to lên một
cách hỗn xược:
“Xin
bậc Ðạo Sư hãy kham nhẫn và ngồi xuống đây an nhiên tự tại. Còn cuộc đấu tranh,
khẩu tranh, cạnh tranh, luận tranh này là việc của chúng đệ tử!”
Cố làm ngơ trước sự vô lễ này, đức Phật
kể cho các Tỳ-kheo một câu chuyện dài có tính cách cảnh giác, song việc này
cũng không có kết quả gì. Quá chán nản và buồn rầu, đức Phật rời bỏ hội chúng ấy
ra đi.
Vào khoảng cuối mùa mưa (520 trước CN) đức
Phật lại du hành, vượt qua làng Bàlakalonakàra, ở Ðông Trúc Lâm, ngài gặp các Tỳ-kheo
Anuruddha, Kimbila và Nandiya, những vị thể hiện một bức tranh thân hữu hòa hợp
tuyệt diệu:
“Con
đã từ bỏ ý muốn riêng của mình để sống tùy thuận ý muốn của hai vị kia. Chúng
con có thân khác nhau nhưng cùng chung một tâm”. Tôn
giả Anuruddha tuyên bố với bậc Ðạo Sư và hai vị kia đồng ý.
Ðức Phật trải qua mùa mưa gió thứ mười của
sự nghiệp giáo hóa (519) tại rừng Pàrileyya gần Kosambì, nơi có nhiều đàn voi
hoang dã. Ðược vài đồ đệ thân tín hộ tống, ngài chuyên tâm vào thiền định. Ngài
cần độc cư một lần nữa để tìm trong an tịnh một giải pháp cho cuộc xung đột ở
Kosambì, một cuộc xung đột đe dọa luôn cả sự hòa hợp của Tăng chúng. Giải pháp ấy
chợt đến như một kết quả của nhiều hoàn cảnh mới, trong khi đức Phật đang cư
trú vào khoảng cuối năm 519 sang năm 518 tại Kỳ Viên ở Sàvatthi.
Các Tỳ-kheo ở Kosambì đã gây chuyện bất
hòa tranh cãi dữ dội trong suốt mười tám tháng từ khi ngài rời kinh thành ấy đến
độ các cư sĩ tại gia cung cấp lương thực cho Tăng chúng cũng mất hết kiên nhẫn.
Họ quyết định không đảnh lễ và hộ trì các Tỳ-kheo nữa, khiến cho Tăng chúng ở
thành Kosambì phải đối đầu với các vấn đề lương thực rất gay gắt. Do đó cả hai
nhóm Tỳ-kheo phải vội vã gửi các phái đoàn đại diện đến yết kiến bậc Ðạo Sư ở
Sàvatthi, thỉnh cầu ngài hòa giải mối tranh chấp theo quyết định của ngài.
Phương pháp tiến hành công việc của đức
Phật chứng tỏ trí thông minh và tài khéo léo của ngài. Khi đám bạn của vị Tỳ-kheo
bị đình chỉ tu tập đã giải thích rằng nay vị ấy đã nhận thấy lỗi của mình, đức
Phật bảo chư vị phục hồi chức vụ của vị ấy. Khi việc này đã làm xong, ngài đàm
đạo với đám Tỳ-kheo trước đây đã đưa ra lệnh đình chỉ. Ngài giải thích cho chư
vị biết lý do phục hồi chức vụ trên, và giảng rõ rằng việc vị Tỳ-kheo nhận lỗi
trong quá khứ chứng tỏ tính cách hợp pháp của hành động đình chỉ kia. Rồi ngài
bảo chư vị từ nay nhìn nhận sự phục hồi chức vụ vừa nêu. Ðiều này cũng được thực
hiện: bằng cách im lặng (nghĩa là: không nêu ý kiến phản đối) hội chúng công nhận
vị Tỳ-kheo gia nhập Giáo đoàn lại như cũ. Sự hòa hợp bề ngoài đã được tái lập.
Mỗi phe đều đắc thắng ở điểm mà họ xem
là quan trọng nhất — không có phe nào mất thể diện cả! Tuy nhiên, các Tỳ-kheo ở
Kosambì vẫn tiếp tục sinh sự tranh chấp mãi. Suốt ba mươi lăm năm còn lại trong
đời ngài, đức Phật không bao giờ đến an cư mùa mưa ở Kosambì hay bất cứ nơi nào
trong vương quốc Vamsà của vua Udena lần nào nữa.
THẬP NIÊN HOẰNG PHÁP THỨ HAI
Sau thập niên đầu tiên đức Phật hoằng
Pháp, tài liệu lịch sử trong Kinh Tạng Pàli trở nên rời rạc ít ỏi, không phải
vì thiếu thông tin tổng quát – tất cả hơn ba mươi tập trong Kinh tạng và Luật tạng
và Luận tạng chứa đầy tài liệu. Song Tam Tạng gồm phần lớn các câu chuyện và
bài kinh mang tính đức dục trí dục giải thích các quan điểm giáo lý, mà hầu như
không có một chi tiết lịch sử nào cả. Ngoài ra, thập niên đầu tiên đánh dấu rõ
ràng địa điểm hoạt động của đức Phật. Từ đó về sau những nơi chốn ấy cứ tái diễn
trùng lập, khiến cho dấu tích của bậc Ðạo Sư bị lẫn lộn nên khó phân biệt.
Một ví dụ về câu chuyện không có hiệu quả
về phương diện lịch sử tuy nhiên lại minh họa đời sống của đức Phật cùng sự tự
tin của ngài, là câu chuyện sau đây có thể ghi vào năm thứ mười một ngài hoằng
Pháp: Trong lúc đi khất thực, đức Phật đến vùng lân cận làng Ekanàla phía nam
Ràjagaha, vừa đúng lúc Bà-la-môn hào phú Bhàradvàja đang phân phát cơm sữa cho
nông dân ăn sáng.
Ðức Phật lặng lẽ nhập bọn và đợi xem thử
ngài có được chia phần cơm không.
Bhàradvàja:
Tôi cày và
gieo, rồi sau khi xong việc, tôi mới ăn.
Này Sa-môn, ngài
cũng phải cày và gieo, rồi ngài mới được nhận phần cơm.
Ðức Phật:
Này Bà-la-môn,
ta cũng cày và gieo, rồi khi ta làm xong, ta mới ăn.
Bhàradvàja:
Chúng tôi
không thấy Ðạo Sư Gotama dùng cái ách hay cái cày, tuy nhiên ngài lại bảo như
thế?
Ðức Phật:
Ta gieo hạt giống
chánh tín, cây cày là trí tuệ, tinh tấn là đôi bò kéo cày, thành quả lao động của
ta là trạng thái Bất Tử . Bất cứ ai làm xong việc ấy, sẽ được giải thoát khổ
đau.
Nhưng đến khi Bà-la-môn Bhàradvàja cúng
dường đức Phật một chén cơm sữa, đức Phật lại chối từ. Một tặng vật nhận được
do tài hùng biện hoa mỹ không phải là món khất thực chân chánh và không đem lại
phước đức gì cho thí chủ. Tuy nhiên, vị Bà-la-môn không lấy chén cơm lại, vì
không xứng đáng với phẩm cách của vị ấy nếu phải ăn một món đã bị chối từ hoặc
đem cho các nông dân, nên vị ấy đổ xuống con suối gần đó.
Cách dùng ảnh dụ người gieo hạt rất
thích hợp với hoàn cảnh Bà-la-môn Bhàradvàja thật có hiệu quả tức thì.
Những hạt giống bằng lời mà đức Phật đã
gieo vào tâm vị Bà-la-môn đến lúc chín muồi, vị ấy được Giáo Pháp cảm hóa và trở
thành Tỳ-kheo.
Năm 517 là một năm đói kém. Theo lời mời
của một Bà-la-môn cư sĩ, đức Phật cùng vài đệ tử hộ tống đến an cư mùa mưa gần
Verañ jà, một nơi gần phía nam thành Sàvatthi. Hội đồng xã đã phát phiếu khẩu
phần cho dân chúng đang bị nạn đói, nên món khất thực khó kiếm đến nỗi nhiều
khi các Tỳ-kheo phải mang bát không trở về. May mắn thay vài nhà buôn ngựa từ Bắc
Ấn cũng vừa đến ở tại Verañ ja với bầy ngựa nên họ cho các Tỳ-kheo một ít cám bột
mì. Khi tôn giả Ànanda đem đến mời đức Phật món ăn này, ngài bình thản tuyên bố
một ngày kia tình thế sẽ trở lại tốt đẹp hơn.
Năm 515 trước CN, Ràhula, con trai của bậc
Ðạo Sư, đã được hai mươi tuổi (kể từ lúc thụ thai) và đã đến độ tuổi tối thiểu
để một Sa-di được thọ đại giới Tỳ-kheo. Sau khi đức Phật đã an cư mùa mưa ở
tinh xá Jetavana gần Sàvatthi, một hôm ngài bảo Sa-di Ràhula cùng đi với ngài
vào trong Rừng Người Mù và Ràhula sẵn sàng đồng ý.
Cũng như lệ thường trong trường hợp con
của các người cha vĩ đại, Ràhula là người có cá tính không rõ rệt. Các khuynh
hướng hơi thiên về nói phóng đại và thêu dệt theo tưởng tượng, một đặc điểm có
thể biểu lộ năng khiếu tường thuật truyện văn chương, đã bị trục xuất ra khỏi
trí chàng thiếu niên ở tuổi mười lăm, như một “hình thức nói dối”, và ngay
cả cảm tưởng tự tin do niềm thích thú về vẻ mặt khôi ngô của mình cũng bị tẩy sạch
luôn. Ràhula không có được một chút phong cách thanh lịch, tài năng ngoại giao
và uy lực thuyết phục như thân phụ, chứ đừng nói gì đến vẻ mặt rực sáng đầy kỳ
diệu của ngài.
Nhưng quả thật, làm thế nào chàng có thể
phát triển được những đặc tính như vậy, những đặc tính chỉ có thể tăng trưởng
khi phải đương đầu với cuộc sống thế gian?
Ðược dưỡng dục từ tuổi lên chín trong một
cộng đồng Tăng chúng chỉ toàn nam giới, lại được trưởng lão Sàriputta và đức Phật
huấn luyện chuyên tâm thiền quán về giải thoát và tuân thủ lý tưởng tu tập bản
thân của một Tỳ-kheo, nên chàng không thể hưởng thời kỳ ấu thơ theo thói vui
chơi.
Không được phép phát triển các năng khiếu
và chỉ được dưỡng dục theo một đường lối phát triển hạn hẹp, chàng đã trở thành
một người đầy đủ trí tuệ kiến thức, nhưng sẵn sàng chấp nhận giáo huấn và chịu
phục tòng: những đức tính duy nhất chàng được phép phát triển là tinh cần và
tuân thủ giới luật tu hành thật nghiêm khắc. Như mọi người đều đồng ý, chàng là
một thanh niên thông minh khả ái, nhưng không có gì khác hơn thế nữa.
Mối tương quan giữa đức Phật và Sa-di
Ràhula đầy tin cẩn và thiện cảm, song không thân ái hoặc mật thiết, vì điều này
theo quan điểm đức Phật có nghĩa là tạo nên một mối ràng buộc nội tâm có thể
gây khổ đau.
Vì vậy cũng dễ hiểu, Kinh Ðiển quả thực
đã không tường thuật những cuộc nói chuyện riêng tư giữa hai cha con: các kinh
Giáo Giới Ràhula cũng không khác gì về hình thức với những kinh bậc Ðạo Sư giảng
cho chúng Tỳ-kheo cả.
Ví dụ sau đây là lời ngài dạy Sa-di
Ràhula khi hai vị cùng ngồi dưới gốc cây trong Rừng Người Mù. Bài kinh liên hệ
đến phương pháp phòng hộ bản thân khỏi bị xúc động do các nhận thức giác quan:
— Này Ràhula,
con nghĩ thế nào? Con mắt, hình sắc, nhãn thức là thường hằng hay vô thường?
— Bạch Thế
Tôn, vô thường.
— Thế tai,
mũi, lưỡi, thân (xúc giác) và tâm hay ý (cơ quan tư duy) cùng các pháp và thức
tương ứng với chúng là thường hằng hay vô thường?
— Bạch Thế
Tôn, vô thường.
— Cái gì vô
thường thì khổ hay lạc?
— Bạch Thế
Tôn, khổ.
— Vậy có hợp
lý chăng khi nghĩ đến những gì vô thường, khổ đau, chịu biến hoại như sau: “Cái
này là của ta, cái này là ta, cái này là tự ngã của ta?”.
— Thưa không,
bạch Thế Tôn.
— Này Ràhula,
khi một vị đa văn đệ tử nhận thức điều này, vị ấy yếm ly các căn, các pháp và
các thức tương ứng (nghĩa là vị ấy không để cho mình tham đắm chúng).
Do vậy, vị ấy ly tham và giải thoát cùng
chấm dứt tái sanh. (giản lược)
Ngay khi phụ thân thuyết giảng, Sa-di
Ràhula lãnh hội ý nghĩa uyên thâm của giáo lý và các lậu hoặc (àsava) đưa đến
tái sanh đau khổ đều tan biến dần khỏi tâm vị ấy. Như vậy, vị ấy cũng trở thành
một bậc A-la-hán nữa.
Có lẽ cũng chinh năm 515, trong lúc đức
Phật đang an cư mùa mưa tại Jetavana gần Sàvatthi, hoặc có lẽ vào một dịp nào
đó ngài đến viếng thủ đô nước Kosala, đức Phật đã tạo mối giao hữu thân tín với
nữ đệ tử đại phú gia Visàkhà (Tỳ-xá-khư). Hơn một thập niên trước, tiểu thư
Visàkhà mới lên bảy đã hội ngộ đức Phật khi còn sống cùng cha mẹ ở Bhaddiya
(trong nước Anga).
Suốt thời gian ấy, nhiều sự kiện xảy ra
đến với đời nàng. Ông Dhanañ jaya, phụ thân nàng đã cùng gia đình dời đến
Sàketa và tại đây, cô con gái xinh đẹp của ông đã lọt mắt xanh của đám người
mai mối cho gia đình phú thương Migàra, người đang tìm một tân nương cho cậu
quý tử Punnavaddhana. Cuộc hôn nhân thành tựu, từ đó Visàkhà sống tại Sàvatthi
với chồng, và nàng sinh được nhiều con.
Giữa các nữ thí chủ của Tăng chúng,
Visàkhà chiếm địa vị đệ nhất. Bà cúng dường chư Tỳ-kheo áo mưa, thực phẩm dành
cho những vị sắp đi xa hoặc mới đến, chăm sóc người bệnh, cùng các thứ thực phẩm
dược liệu.
Tinh xá quan trọng do bà cống hiến hào
phóng là nơi thành lập “Ðông Viên Trùng Các” (pubbàràma) sau này nổi tiếng ở
ngoài đông môn kinh thành Sàvatthi.
Khi đức Phật an trú trong tinh xá này,
bà Visàkhà thường yết kiến nhiều lần để được ngài an ủi sau những chuyện đau buồn.
Có một lần bà đã thua kiện: Vua Pasenadi Kosala làm chánh án đã xử thiệt hại về
phần bà. Ðang giữa trưa nóng bức, một thời điểm không thích hợp để xin yết kiến,
bà đi tìm cho ra đức Phật và kể hết mọi việc với ngài. Ðức Phật đầy đủ trí tuệ
đã không bênh bỏ phe nào cả, chỉ khuyên bà những lời lẽ đầy triết lý này:
Buộc ràng đau
khổ biết chừng nào!
Ðiều phục tự
thân: lạc tối cao
Ràng buộc là
gây nhiều khổ não,
Thoát ly triền
phược khó làm sao!
Một lần khác nhiều năm sau, bà lại đến
phi thời xin yết kiến đức Phật, cả người và tóc đều ướt đẫm. Bà thưa với ngài rằng
một cháu gái yêu quý của bà vừa mất, và vì thế bà ướt đẫm cả người (do lễ tẩy
trần sau khi dự đám táng). Bậc Ðạo Sư đáp:
— Này Visàkhà,
bà ước muốn sinh nhiều con cháu bằng dân số ở Sàvatthi chăng?
– Thưa vâng, bạch
Thế Tôn.
— Thế có
bao nhiêu người chết mỗi ngày ở Sàvatthi?
— Bạch Thế
Tôn, có lẽ mười người hoặc tám chín người
— ít nhất cũng
mỗi người một ngày. Chẳng thiếu gì người chết tại Sàvatthi.
– Này Visàkhà,
bà nghĩ thế nào, vậy có bao giờ bà khỏi bị ướt tóc tai áo quần chăng?
— Bạch Thế
Tôn, chắc chắn là không. Con đã quá nhiều khổ đau với bầy con cháu đông đúc này
rồi.
— Này Visàkhà,
ta nói cho bà rõ, bất cứ ai có một trăm vật yêu quý sẽ có một trăm mối khổ sầu,
ai có chín mươi, tám mươi, năm mươi, hai mươi, mười, năm, hai vật yêu quý sẽ có
chừng ấy mối khổ sầu. Nhưng hễ ai không có vật gì yêu quý thì không có khổ sầu.
Ta nói cho bà rõ, những người ấy thoát sầu não, ly tham dục:
Tất cả nỗi sầu
khổ, khóc than
Thiên hình vạn
trạng giữa trần gian
Phát sinh từ vật
mình yêu quý,
Không có gì
thân, khổ chẳng mang.
Vậy người hạnh
phúc, thoát ưu bi,
Sống giữa trần
không luyến ái gì,
Nếu ước mong
mình không khổ não,
Ở đời không có
vật yêu vì.
(giản lược)
Trong thời kỳ tiếp theo sau đó, đức Phật
an cư mùa mưa ở Kapilavatthu (514 trước CN), tại Àlavi phía bắc Benares (513),
tại Ràjagaha (512 và 509) và ở vùng núi Càlika (chưa xác định được vị trí),
không có điều gì quan trọng về phương diện lịch sử được ghi lại. Chỉ trong năm
508, trở về sau, đức Phật chọn nhiều tinh xá ở Sàvatthi để trú mưa thường
xuyên, là năm lại có vài việc đáng ghi nhớ.
Một sự kiện đáng chú ý của năm ấy là việc
giáo hóa tướng cướp gây kinh hoàng Angulimàla (Người Ðeo Vòng Ngón Tay), sở dĩ
được gọi như vậy vì tướng cướp ấy đã làm cho mình một xâu chuỗi đeo cổ bằng các
lóng tay của những người bị y giết.
Y là con của Bà-la-môn Gagga giữ một chức
vụ tại triều đình vua nước Kosala và đã tiếp thu một nền học vấn uyên bác tại đại
học Takkasìla. Với trí thông minh điêu luyện, y tránh né mọi cuộc săn lùng nên
mọi quân tuần tra mật thám mà vua Pasenadi truyền theo dõi y đều trở về tay
không. Angulimàla được bà mẹ đồng tình báo cho y biết mọi hoạt động của quân đội
cảnh vệ.
Làm một đạo tặc trên xa lộ, có lẽ lãnh tụ
của một bọn cướp rình rập khách lữ hành và các đoàn xe chở hàng, Angulimàla là
một phần tử trong nhóm tội phạm nghiêm trọng nhất ở cổ Ấn Ðộ. Trong các thôn
làng vào thế kỷ thứ sáu trước CN, quần chúng sống an ổn, “mọi nhà đều mở cửa” như
tục ngữ thường nói, tội phạm rất hiếm hoi. Song ở thành thị, tội phạm lại nhiều
hơn.
Các vụ cướp phá không xảy ra thường
xuyên vì các nhà giàu có tài sản đáng cướp bóc luôn được đám gia nhân canh giữ
suốt ngày đêm. Thông thường hơn là chuyện một gia nhân biến mất cùng vài đồ vật
quý giá của chủ nhưng việc này cũng chỉ có giới hạn nhỏ vì đa số tôi tớ sống với
gia đình họ ngay trong nhà chủ hay gần nhà chủ khiến cho việc đào tẩu khó thực
hiện.
Ðánh cướp bằng vũ khí là cách có triển vọng
kiếm nhiều tiền mau nhất, do vậy đó là cách thông thường nhất, mặc dù tội phạm
này đe dọa cả ngành thương mại lẫn tài sản quốc gia nên đã bị đe dọa lại bằng
các hình phạt nặng như chặt tay chân, làm mù mắt, đâm cọc qua người, bóp cổ hoặc
chém đầu.
Ðức Phật đã làm ngơ trước mọi lời cảnh
giác khi ngài khởi hành từ Sàvatthi tiến vào khu vực bất an vì Angulimàla trú ẩn.
Chẳng mấy chốc ngài gặp tướng cướp, y đầy kinh ngạc về sự can đảm của vị khất
sĩ lang thang đơn độc này. Mẫu đối thoại giữa hai người như đã được lưu truyền
trong Kinh Tạng có lẽ là chuyện sáng tác về sau, lại càng có vẻ như vậy vì được
kể theo thể kệ. Song sự thật vẫn có chuyện Angulimàla sau cùng xin đức Phật nhận
y vào Giáo đoàn và đức Phật lập tức nhận lời.
Cả hai vị trở về Sàvatthi với tư cách Ðạo
Sư và đệ tử, rồi cùng an trú trong tinh xá Kỳ Viên của ông Cấp Cô Ðộc.
Dẫu ta hết lòng ngưỡng mộ uy lực thuyết
phục của đức Phật, thì sự chuyển tâm hối cải của Angulimàla cũng có vẻ hơi quá
đột ngột nên khó tin được đó là một sự cảm hóa thuần túy tôn giáo. Sự chuyển hướng
vội vã cải tà quy chánh này có vẻ hợp lý hơn nếu ta giả sử rằng tướng cướp
Angulimàla muốn tránh hình phạt bằng cách gia nhập Tăng đoàn, vì mọi giáo phái
đều khỏi chịu lệ thuộc vào quyền xét xử của pháp luật thế gian.
Ðại Vương Pasenadi cũng hiếu kỳ muốn thấy
tên tội phạm trước kia ông đã truy lùng suốt một thời gian rất dài mà không đạt
kết quả gì. Trong một chuyến chiêm bái tinh xá Kỳ Viên, nhà vua đàm đạo với Tỳ-kheo
Angulimàla nay đã cạo trọc đầu, đắp y vàng làm một Sa-môn Thích tử. Việc giáo
hóa tướng cướp Angulimàla đã gây tiếng vang lớn ra ngoài và càng tăng uy tín của
đức Phật. Ðiều này khơi dậy lòng ganh tỵ của các nhóm Sa-môn khác bị giảm sút
phần tặng vật cúng dường, nên họ xem xét nhiều mưu kế hạ uy tín đức Phật.
Họ tìm được một công cụ lợi hại ở nữ khất
sĩ Sundarì, họ thuyết phục cô ấy thường xuyên lai vãng tinh xá Jetavana càng
nhiều càng tốt và lộ diện cho càng nhiều người thấy càng hay. Cô ấy làm như lời
họ bảo, rồi sau một thời gian, cô ấy bị đám người ủng hộ kia giết chết và chôn
vội xác vào tinh xá Jetavana. Ngay liền sau vụ này, các Sa-môn ác hạnh loan tin
Sundarì thất lạc và có lẽ được tìm ra xác chết trong tinh xá Kỳ Viên. Chỉ chốc
lát tử thi được phát hiện trong một hố ở Kỳ Viên và được mang về Sàvatthi, tại
đây bọn sát nhân đã lớn tiếng la ó:
“Này
mọi người hãy nhìn xem hành động của đám đồ đệ Sa-môn Thích Tử! Bọn chúng thật
vô tàm vô quý, phá giới, độc ác, dối trá, bất tịnh. Làm sao một người đàn ông lại
có thể giết đàn bà sau khi hành lạc!”.
Lời vu cáo này không phải là không có kết
quả, vì nó được lập lại nhiều lần và các Tỳ-kheo phải chịu một thời gian khó
khăn lúc đi khất thực. Ðức Phật phản ứng lại giống như ngài đã làm tại
Ràjagaha, khi ngài bị gọi là “người gây cảnh góa bụa cho phụ nữ” và “bắt
cóc nam nhi”. Ngài dạy cho các Tỳ-kheo một đoạn kệ để phản công lại đám
người lăng mạ:
Ðịa ngục cho
phần kẻ dối gian
Và người không
nhận việc mình làm,
Cả hai, khi chết
đều đồng đẳng
Hành nghiệp đời
sau hạ liệt tràn.
Về việc này, không có bằng chứng vô tội
và phục hồi danh dự chư Tăng trước quần chúng, song chẳng mấy chốc niềm tin tưởng
rằng Giáo hội đức Phật không liên hệ gì đến vụ mưu sát này lan truyền rất
nhanh. Năm thứ hai mươi mốt (508 trước CN) trong cuộc đời hoằng Pháp đem lại
cho đức Phật nhiều niềm an vui vì em họ ngài, tôn giả Ànanda, nhận chức vụ phụ
tá thường trực kiêm thị giả (upatthàka) hầu cận riêng của ngài.
Bậc Ðạo Sư, lúc này năm mươi sáu tuổi,
đã mỏi mệt vì những thay đổi thường xuyên đám nhân sự hầu cận quanh ngài, đặc
biệt là giữa nhiều Tỳ-kheo và Sa-di đã phục vụ ngài theo mỗi khả năng riêng biệt
như chư vị Nàgasamàla, Nàgita, Upavàna, Sunakkhatta, Cunda, Sàgata, Ràdha, và
Meghiya…, mà không có ai thực hành nhiệm vụ hoàn toàn cẩn trọng cả.
Khi ngài hỏi các Trưởng lão xem thử ai
muốn đảm trách phận sự này, chính tôn giả Ànanda đầy thiện ý sẵn sàng cống hiến
phần mình.
Ðể tránh mọi điều nghi kỵ là tôn giả đảm
trách công việc này vì lợi ích cá nhân, tôn giả Ànanda thỉnh cầu đức Phật đừng
bao giờ ban cho tôn giả thực phẩm hay y phục cúng dường ngài, bậc thượng thủ
Tăng chúng, cũng không đem tôn giả theo ngài khi được thỉnh mời thọ trai, song
phải thuyết giảng cho tôn giả nội dung các bài kinh đức Phật đã giảng trong lúc
vị này vắng mặt. Ðức Phật đồng ý mọi điểm nêu trên.
Suốt hai mươi lăm năm, tôn giả Ànanda ở
cạnh bậc Ðạo Sư, trung thành tận tụy như hình với bóng.
Tôn giả chuẩn bị chỗ nằm nghỉ ban đêm
cho ngài, mang nước hầu ngài, rửa bình bát, bảo vệ cho ngài khỏi bị đám người
tò mò đột nhập quấy rầy, hoặc đưa những khách quý vào trình diện ngài, và thông
báo cho ngài các sự kiện hằng ngày, cứ thế mãi cho đến khi bậc Ðạo Sư diệt độ
(483 trước CN), các công việc ấy không còn cần thiết nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét